sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ôlivơ Tuýt

LỜI GIỚI THIỆU

Saclơ Đickenx (Charles Dickens) viết Ôlivơ Tuýt vào những năm 1837 - 1838. Đây là tác phẩm có giá trị tố cáo mãnh liệt, viết ngay sau tiểu thuyết trào lộng Những truyện phiêu lưu của Picuých (1837).

Ôlivơ Tuýt mở đầu một loạt trường ca mới của Saclơ Đickenx, trong đó hình ảnh trung tâm là trẻ thơ, tiến triển trong một xã hội mà tuổi thơ bị chà đạp. Điệp khúc mới của loạt trường ca này là: xã hội phải được tổ chức lại để cứu lấy tuổi thơ.

Ôlivơ Tuýt cũng như hầu khắp các tác phẩm của Đickenx đều không được xuất bản ngay thành tập. Cuốn sách thoạt đầu được viết theo lối tiểu thuyết xuất bản nhiều kỳ, mỗi kỳ một tháng, gồm ba bốn chương.

Để bắt độc giả Anh tháng tháng xếp hàng trước các hiệu sách mua các “số báo” của mình, cách tốt nhất là trình bày nội dung câu chuyện dưới hình thức những cuộc phiêu lưu của nhân vật chính. Chủ đề trung tâm của Ôlivơ Tuýt do đó là những cuộc phiêu lưu của cậu bé Ôlivơ Tuýt. Cậu sinh ra ở nhà tế bần. Không cha không mẹ, bị đối xử tàn tệ, bị trao cho một người làm nghề kinh doanh đám ma. Vì bị ngược đãi, cậu bỏ trốn đến Luân Đôn, nhưng lại rơi vào tay một lũ ăn trộm, móc túi. Chúng tìm mọi cách lôi kéo cậu vào bè lũ của chúng trái với ý muốn của cậu là sống một cuộc đời lương thiện. Và cuộc phiêu lưu cứ tiếp diễn. Cụ Braolâu nhân từ kéo cậu khỏi tay bọn ăn trộm để đưa cậu vào cuộc đời mới trong sạch, hợp với nguyện vọng của cậu. Nhưng bọn ăn trộm dưới sự chỉ huy của lão Fâyjin lại bắt cậu về trao cho một tên ăn trộm táo tợn là Xaikit, bắt cậu lẻn vào các nhà mở cửa cho nó vào. Lần này cậu bị bắn bị thương rồi lại được một bà nhân từ cứu vớt. Đời cậu tưởng thế là yên không ngờ xuất hiện một kẻ thù mới là Mănxơ, người anh cùng cha khác mẹ. Để làm nhục cậu, hắn câu kết với Fâyjin tìm cách bắt cậu lại để buộc cậu phải sống cuộc đời ăn cắp. Những mưu mô khác lại được tiến hành, nhưng nhờ lòng thương của Nenxi, một cô gái ăn trộm, kết hợp với lòng tận tình của những con người tốt, sẵn lòng giúp cậu, cuối cùng Ôlivơ Tuýt được sung sướng và bọn tàn ác bị trừng trị.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Chủ đề ấy thực ra không có gì mới. Sở dĩ tác phẩm này đã lôi cuốn hàng triệu người suốt gần hai trăm năm nay là vì ở đây tác giả đã khéo phối hợp yếu tố hiện thực của thời đại mới với cái hương vị của cổ tích khiến người đọc lạc vào một thế giới trong đó huyền thoại đan chéo với thực tế, câu chuyện vừa là câu chuyện trước mắt lại vừa là một chuyện ngàn xưa. Biệt tài của Đickenx mà không ai bắt chước được chính là ở đó.

Mặt hiện thực của tác phẩm là hiển nhiên. Tác giả phơi bày chân thực và cụ thể tòan bộ cái xã hội gồm những bọn lưu manh, trộm cắp, giết người trong một bức tranh rùng rợn, đúng như thực tế. Tác giả viết tác phẩm “không che giấu dù chỉ là một lỗ thủng ở cái áo ngoài của Cáo hay một đoạn giấy uốn tóc trên đầu tóc bơ phờ của Nenxi” như chính tác giả đã tuyên bố ở Lời tựa. Sau khi đã viết một tác phẩm hài hước bất tử sánh ngang với Đôn Kihôtê là Những truyện phiêu lưu của Picuých, tác giả chuyển sang đề tài phơi bày sự thực xấu xa của xã hội để đòi hỏi phải sửa đổi lại nó cho phù hợp với tư tưởng nhân đạo. Bức tranh cái sào huyệt của bọn trộm cắp, những quan hệ tàn nhẫn giữa chúng với nhau, giữa Fâyjin với Xaikit, giữa Xaikit với Nenxi là thực tế. Bức tranh vẽ lên chế độ “từ thiện” của nhà tế bần, trong đó việc Ôlivơ Tuýt “xin ăn thêm” một thìa cháo được xem là một hành động của quỷ sứ cũng không có chút gì biếm hoạ. Những đoạn tố cáo chế độ giả nhân giả nghĩa của nhà thờ, sự tàn nhẫn của triết học tư sản đương thời, cuộc sống cùng cực của những người nghèo khổ đều là sự thực. Người ta có thể ngạc nhiên tại sao những lời tố cáo khắc nghiệt như vậy vẫn không hề bị cấm đoán mà trái lại, tác được chấp nhận. Giai cấp tư sản không sợ những lời phê phán, chỉ yêu cầu cải cách vì nó gieo vào lòng người niềm tin là tuy chế độ này có những người xấu, những mặt xấu nhưng người ta vẫn có thể sửa chữa được những điều ấy chứ không cần phải lật đổ nó bằng cách mạng. Chế độ tư bản vẫn quen dùng những biện pháp cải lương để lừa bịp nhân dân và bảo vệ mình. Chỗ hạn chế của Đickenx chính là ở đấy: ông chỉ là một người cải lương.

Nhưng ngay cái mặt hiện thực cũng mang dấu ấn của cổ tích. Lão Fâyjin giống như một tên phù thuỷ, bọn Cáo và Sacli Bâytit mang hình dáng những chú tiểu yêu, Xaikit là một con quỷ dưới địa ngục. Nenxi nhắc ta nhớ đến những cô con gái của các mụ phù thuỷ, vẫn còn một chút tình thương với kẻ bất hạnh. Còn Mănxơ? Đằng sau cái vẻ hiện đại của những bất hòa trong gia đình, của chuyện tranh chấp gia tài, anh ta vẫn mang dáng dấp một nhân vật điển hình của cổ tích: đó là đứa con cùng cha khác mẹ, tìm mọi cách hãm hại con người cùng máu mủ với mình vì không thể chấp nhận người kia sống lương thiện và sung sướng. Những người tốt như cụ Braolâu, bà Mâyli, cô Mâyli, v.v… vừa là người thực, vừa mang bóng dáng những con người của chuyện cổ gần giống như những ông thần thiện. Khi đã xây dựng câu chuyện theo bố cục này, nhân vật không thể tránh khỏi cái vẻ dường như giản đơn. Bạn đọc quen với tiểu thuyết hiện đại có thể thấy ở đây đó những nét hoặc mang tính biếm hoạ, hoặc mang màu sắc lý tưởng hoá. Nhưng một bút pháp có cả chỗ yếu lẫn chỗ mạnh. Bút pháp của Đickenx đem lại cho tác phẩm ông cái hương vị của cổ tích, ta đọc nó thấy vừa mới lại vừa quen, ta không hiểu tại sao dù đã đọc hàng chục lần ta vẫn muốn đọc lại. Câu chuyện vừa có vẻ xảy ra trước mắt lại vừa giống như một tấn kịch muôn đời.

Ngay cả cái sắc thái phê phán của nó cũng thế. Cuộc nổi dậy của các nhân vật mang tính chất cổ tích. Đó là cuộc nổi dậy của kẻ yếu chống lại người mạnh, công bằng, nhân đạo chống lại bất công và vô nhân đạo. Con người yếu nhất là đứa trẻ thơ. Đickenx bênh vực trẻ thơ để qua đó bênh vực kẻ yếu, công bằng và nhân đạo. Cái nhìn của trẻ thơ vào xã hội dĩ nhiên không thể là đúng hẳn, nhưng người đọc dễ đàng thông cảm với những lệch lạc của nó, vì đó là cái nhìn của trẻ thơ. Đickenx trả lại cho ta cái nhìn của trẻ thơ mà ta thường bỏ mất. Cuộc đời với những trắc trở của nó có khi khiến ta trở thành ngờ vực, mất cái nhìn ngây thơ dễ tin, lạc quan ta vẫn ôm ấp thời thơ bé. Nghệ thuật Đickenx đem lại cho ta điều bù đắp ấy. Cho nên cậu bé đọc Ôlivơ Tuýt thì mê theo kiểu cổ tích, người già đọc Ôlivơ Tuýt càng mê hơn vì tâm hồn mình trẻ lại bất chấp thời gian.

Khi đã viết tiểu thuyết theo bút pháp này thì tiểu thuyết sẽ không phải là tiểu thuyết của một nhân vật, một sự việc, một tâm trạng, một biến cố. Đan xen vào những cuộc phiêu lưu của nhân vật chính có hai tuyến người. Một bên là những kẻ ác ra sức hãm hại nhân vật chính, một bên là những người thích tìm mọi cách cứu vớt anh ta. Bên này đưa ra âm mưu này, lập tức bên kia có biện pháp chống đỡ. Cứ mỗi số báo phải có một âm mưu, một xung đột, một cuộc va chạm bởi vì không có cái đó thì số báo này chết và tòan bộ tiểu thuyết sẽ không bán được. Tiến trình của câu chuyện, do đó, là những âm mưu, những xung đột quyện vào nhau, âm mưu này chưa xong, âm mưu khác đã đến. Ôlivơ vừa sống yên ổn ở nhà bà Mâyli đã xuất hiện Mănxơ. Mănxơ vừa mới ném cái tang vật duy nhất chứng tỏ nguồn gốc của Ôlivơ thì Nenxi đã nghe lỏm được câu chuyện, vân vân... Một nghệ thuật rất quan trọng trong bút pháp này là đừng để cho xung đột trở nên quá căng quá mạnh, khi chưa đến cuối sách, vì nếu xảy ra tình trạng này, câu chuyện sẽ lâm nguy: lấy gì mà nói tiếp để thu hút độc giả? Do đó, đến một đoạn căng, lập tức phải chuyển sang một chuyện khác và chuyện kể của Đickenx mang tính chất hình ghép chứ không phải theo lối đơn tuyến. Biện pháp này chính là biện pháp chủ đạo của mọi tiểu thuyết chương hồi, hay của sử thi cổ. Khi một tác giả thành thạo biện pháp này, ta có thể đọc tiểu thuyết bắt đầu bằng bất cứ đoạn nào, không cần biết đoạn trước vẫn đọc được đoạn sau. Bạn đọc Việt Nam có kinh nghiệm này khi đọc Hoàng Lê nhất thống chí. Bạn đọc có thể kiểm tra điều này khi đọc Ôlivơ Tuýt.

Con người đọc Đickenx lập tức bị hút vào câu chuyện. Sự thu hút này rất khác sự thu hút của các tiểu thuyết hiện thực khác. Các tiểu thuyết hiện thực khác thu hút ta bởi cái mới. Ở Ôlivơ Tuýt cả cái mới cả cái cũ thu hút ta. Cái mới nằm trong sự kiện, cái cũ nằm trong quan hệ. Có cái gì đó rất quen thuộc bắt ta phải nghiện Đickenx: cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, lòng khao khát hạnh phúc ở ngay cái thế giới này cho những con người trung thực.

Đickenx báo trước tiểu thuyết huyền thoại nửa cuối thế kỷ XX, nhưng dựa trên một cái nhìn khác hẳn: đây là cái nhìn tin tưởng, lạc quan, tin vào chân lý, vào sức mạnh của chính nghĩa. Tiếng nói mới của Ôlivơ Tuýt chính là ở đấy. Tác phẩm bất tử cũng vì thế. Tính nhân dân của tác phẩm là ở đấy, bởi vì nét tiêu biểu của văn học dân gian - văn học của nhân dân lao động - là tinh thần lạc quan.

PHAN NGỌC

Thực hiện ebook: hoi_ls

(www.thuvien-ebook.com)

Thực hiện bởinhóm Biên tập viên :Sienna– vuthungoc (Chương 1 – chương 30), Fuju (Chương 31- 50) –trangchic(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)​


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx