sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ôlivơ Tuýt - Chương 08

CHƯƠNG VIII

ÔLIVƠ ĐI BỘ ĐẾN LUÂN ĐÔN, TRÊN ĐƯỜNG ĐI NÓ GẶP MỘT NGƯỜI TRẺ TUỔI KỲ QUẶC

Ôlivơ đi đến bên hàng rào ở đấy con đường hẻm kết thúc, và một lần nữa nó lại vượt qua rào, bước ra đường cái lớn. Lúc này là tám giờ sáng. Mặc dầu nó đã đi cách thành phố năm dặm, nhưng nó vẫn chạy và chốc chốc lại ẩn mình đằng sau những hàng rào cho đến trưa, vì nó sợ bị người ta đuổi theo và bắt. Sau đó, nó ngồi phệt xuống ở cạnh cột cây số để nghỉ và lần đầu tiên suy nghĩ xem nên đi và nên sống ở đâu.

Cột cây số trên đó nó ngồi có viết bằng chữ lớn nhắc nhở rằng từ nơi này đến Luân Đôn là bảy mươi dặm. Danh từ Luân Đôn làm nảy sinh trong đầu óc thằng bé nhiều điều suy nghĩ. Luân Đôn! Cái nơi rộng lớn kia! Ở đấy không ai ngay cả ông Bâmbân - có thể tìm thấy nó. Ở trong nhà tế bần nó vẫn thường nghe các cụ già nói rằng một thằng bé khôn ngoan ở Luân Đôn thì không bao giờ phải thiếu thốn, và ở thành phố to lớn này có nhiều cách sống mà những con người lớn lên ở nông thôn không thể nào hình dung được. Đó chính là nơi thích hợp cho một thằng bé không cửa không nhà, thế nào cũng phải chết ngoài đường nếu không có ai giúp đỡ nó. Trong khi những ý nghĩ này nảy sinh trong đầu óc, nó đứng lên và lại tiếp tục bước đi.

Nó đã rút bớt được khoảng cách giữa nó và Luân Đôn thêm đúng bốn dặm nữa trước khi nhận thấy nó còn phải chịu đựng bao nhiêu điều vất vả nữa mới có thể đến cái nơi đã định. Khi ý nghĩ này nảy sinh trong đầu óc, nó đi chậm chậm lại và suy nghĩ về chỗ làm thế nào để đến đấy. Ở trong cái gói của nó có một mẩu bánh mỳ, một áo sơ mi vải thô, hai đôi tất. Nó cũng có một penni nữa - món quà ông Xaoơberi cho nó sau một bữa đưa đám ma trong đó nó đã làm tròn bổn phận hơn ngày thường, đồng penni này đang nằm trong túi áo. “Một chiếc áo sơ mi sạch sẽ". Ôlivơ suy nghĩ, "là một vật rất tốt, hai đôi tất vá lại cũng thế, và đồng penni cũng thế, nhưng để đi sáu mươi lăm dặm vào giữa mùa đông thì những của ấy không ăn thua gì". Nhưng những suy nghĩ của Ôlivơ cũng như những suy nghĩ của phần lớn những người khác, mặc dầu là hết sức nhạy bén và tích cực để nhận thấy những khó khăn, nhưng lại hoàn tòan bất lực không nghĩ ra được một cách gì để khắc phục những khó khăn ấy. Cho nên, sau khi suy đi tính lại mà không đạt đến mục đích gì hết, nó lại vắt cái túi con lên vai bên kia và tiếp tục bước đi.

Hôm đó, Ôlivơ đã đi hai mươi dặm, và trong suốt thời gian đó nó chỉ nhai một mẩu bánh mì khô và uống vài ngụm nước mà nó xin ở những ngôi nhà tranh bên cạnh đường cái. Khi đêm đến nó bước vào một bãi cỏ, và bò lại gần một đụn rạ, nó quyết định nằm lại đấy cho đến sáng. Lúc đầu, nó cũng sờ sợ, vì gió rền rĩ buồn bã trên những cánh đồng trống trải, và nó cảm thấy vừa lạnh lại vừa đói, nhất là nó cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết. Nhưng vì đi mệt quá, chẳng bao lâu sau nó ngủ thiếp đi và quên hết những lo lắng.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nó cảm thấy người lạnh và cứng đờ, lại đói đến nỗi đành phải đổi đồng penni để mua một chiếc bánh mì nhỏ ở ngay làng đầu tiên nó đi qua. Nó lại đi thêm không đầy mười hai dặm nữa thì đêm lại đến. Nó cảm thấy đôi chân nhức nhối và bắp vế yếu đến nỗi chúng run lên bần bật. Lại một đêm ngủ ở ngoài trời lạnh làm cho nó càng kiệt sức. Sáng hôm sau, khi lại lên đường, nó gần như không thể lết được nữa.

Nó đứng đợi ở dưới chân một ngọn đồi dốc cho đến khi một chiếc xe ngựa đi qua và nó ăn xin những người khách đi trên xe. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến nó; những người để ý đến nó thì lại bảo nó đợi cho đến khi họ đã lên đến đỉnh dốc, và lúc đó họ xem nó có thể chạy đuổi theo chiếc xe ngựa bao xa để lấy một đồng nửa penni. Thằng Ôlivơ tội nghiệp ra sức đuổi theo chiếc xe ngựa một quãng ngắn, nhưng nó không thể đuổi kịp, vì quá mệt và chân đau nhức nhối. Khi những người trên xe ngựa thấy thế, họ nhét đồng nửa penni của họ vào túi, tuyên bố rằng nó là một con chó lười biếng không đáng được cái gì hết. Thế rồi chiếc xe ngựa lại lạch cạch chạy đi để lại một đám bụi mù trời.

Ở một vài làng, người ta dựng những biển cảnh cáo tất cả những ai ăn xin ở trong phạm vi của quận đều có thể bị đưa vào tù. Điều này làm cho Ôlivơ rất sợ hãi, và khiến nó tìm mọi cách nhanh nhanh bước khỏi làng. Ở những làng khác, nó thường đứng lân la ngoài sân quán trọ rầu rĩ nhìn tất cả những khách đi qua. Việc làm này thường thường kết thúc bằng cách bà chủ quán ra lệnh cho một trong những thằng bé đưa thư vẫn đứng ở đấy hãy đuổi cái thằng bé kỳ quặc kia đi khỏi nơi này, vì bà ta tin chắc rằng nó đến đây là để đánh cắp cái gì đó thôi. Nếu nó ăn xin ở nhà một người nông dân, thì trong số mười lần có đến chín lần người ta dọa thả chó ra đuổi theo nó. Và khi nó thò mặt vào một cửa hiệu, người ta nói đến ông tư tế, và điều đó làm cho hồn vía Ôlivơ lên mây. Rất nhiều khi, suốt mấy tiếng đồng hồ liền, điều duy nhất mà nó nhận được chỉ là thế.

Thực vậy, nếu không có một người giữ cổng thu thuế tốt bụng và một bà cụ già nhân từ thì những khổ cực của Ôlivơ đã được rút ngắn theo đúng cái quá trình đã chấm dứt những khổ cực của mẹ nó. Nói khác đi, chắc hẳn thể nào nó cũng đã chết gục trên đường cái lớn. Nhưng người giữ cổng thu thuế đã cho nó ăn một cái bánh mì phết pho mát và bà cụ già vốn có một người cháu nội bị đắm tàu và đi lang thang không giày dép ở một nơi nào đó xa xôi trên trái đất, đã thương hại thằng bé mồ côi nghèo khổ và cho nó cái phần ít ỏi mà bà cụ có được, đã thế lại còn nói với nó những lời dịu dàng và hiền từ và nhỏ những giọt nước mắt thương cảm và ái ngại, làm tâm hồn của Ôlivơ cảm động sâu sắc, hơn tất cả những khổ cực mà nó đã từng chịu đựng.

Sáng sớm ngày thứ bảy, sau khi đã rời khỏi quê hương, Ôlivơ thất thểu bước vào thành phố Bácnét nhỏ bé. Các cửa chớp đều đóng kín, đường phố vắng tanh, không một bóng người nào dậy làm công việc ban ngày. Mặt trời đã lên cao đẹp đẽ huy hoàng, nhưng ánh sáng mặt trời chỉ càng nêu bật cho thằng bé thấy rõ cảnh cô độc và lẻ loi của nó khi nó ngồi với đôi chân máu me và đầy bụi, trên bậc thềm một ngôi nhà.

Dần dần các cửa chớp mở ra; những bức sáo trên các cửa sổ được kéo lên, và người ta bắt đầu đi đi lại lại. Một vài người dừng lại một lát nhìn Ôlivơ, hay quay lại trố mắt nhìn nó khi họ đi qua. Nhưng không có ai giúp đỡ nó, không ai bận tâm hỏi xem vì sao nó lại đến đây. Nó không có bụng dạ nào để xin ăn nữa. Và nó cứ ngồi ở đấy.

Nó vẫn ngồi thu mình ở trên bậc thềm một hồi lâu, ngạc nhiên tại sao có nhiều quán hàng ăn như thế (cứ trung bình hai nhà ở Bácnét thì có một quán ăn, hoặc lớn hoặc nhỏ), mắt lơ đãng nhìn những chiếc xe ngựa chạy qua và lạ lùng về chỗ tại sao chúng lại có thể chỉ trong vài giờ đi dễ dàng một đoạn đường mà nó đã phải đi mất cả một tuần lễ với một tinh thần dũng cảm và kiên quyết vượt quá cái tuổi của nó. Bỗng nó bừng tỉnh vì nhận thấy có một thằng bé cách đấy vài phút vừa đi qua trước mặt và không chú ý đến nó, nhưng bây giờ quay trở lại và đang đứng bên kia đường theo dõi nó rất chăm chú. Lúc đầu nó không để ý điều đó, nhưng vì thằng bé kia cứ chăm chăm quan sát trong một thời gian dài nên Ôlivơ ngẩng đầu và cũng theo dõi hắn cẩn thận. Lúc này, thằng bé bước qua đường và tiến lại gần Ôlivơ, hắn hỏi:

"Này đằng ấy, có việc gì thế?”

Thằng bé hỏi nó câu hỏi này là một lữ khách trẻ cũng trạc tuổi nó. Nhưng đó là một thằng bé ngộ nghĩnh nhất xưa nay Ôlivơ thấy. Hắn là một thằng bé mũi hếch, trán thấp, nét mặt khá tầm thường, đã thế lại hết sức bẩn thỉu, nhưng có tất cả mọi dáng điệu và cử chỉ của một người lớn. Vóc người hắn bé nhỏ, đôi chân khuỳnh khuỳnh, đôi mắt ti hí, tinh ranh, ngỗ ngược. Chiếc mũ đặt trên đầu hắn nhẹ nhàng đến nỗi lúc nào cũng có cơ muốn rơi, và lẽ ra đã rơi rồi nếu hắn không thỉnh thoảng đột ngột vỗ nhẹ lên đầu làm cho chiếc mũ lại trở về chỗ cũ. Hắn mặc một chiếc áo ngoài của người lớn dài đến gần tận gót chân. Hắn đã xắng áo lên gần tận cùi tay để bàn tay lòi ra khỏi ống áo; chắc hẳn là để thọc tay vào các túi của chiếc quần nhung, bởi vì hai tay nó đang thọc vào đấy. Nói chung, hắn là một con người trẻ tuổi thoải mái, tự tin nhất trên đời tuy chỉ cao bốn phút sáu, hay ít hơn một chút, với đôi giày cao cổ thắt bằng dây.

"Này đằng ấy, có việc gì thế?”

Người trẻ tuổi kỳ quặc kia hỏi Ôlivơ.

"Tớ đói và mệt quá", Ôlivơ đáp, nước mắt long lanh trong khi nói. "Tớ đã đi từ xa đến đây. Tớ đi đã bảy ngày nay”.

"Đi bảy ngày nay à?" Người trẻ tuổi kia nói. "Ôi chao, tớ hiểu rồi. Theo lệnh của mỏ chứ gì?" Nhưng hắn nói thêm vì nhận thấy Ôlivơ có vẻ ngơ ngác, "tớ cho rằng đằng ấy không biết mỏ là cái gì, có phải không ông ba-ạn múa mỏ”.

Ôlivơ dịu dàng trả lời rằng xưa nay nó vẫn nghĩ cho đó có nghĩa là mỏ chim.

"Ôi chao, ngây thơ quá!". Con người trẻ tuổi nói. "Này nhé, cái mỏ nghĩa là một ông quan tòa, và khi cậu ra đi theo lệnh của cái mỏ, thì đó không phải là cậu đi thẳng về phía trước, mà bao giờ cậu cũng phải đi lên trời để không bao giờ đi xuống nữa. Cậu đã bao giờ ở cối xay bột chưa?”

"Cối xay bột nào?", Ôlivơ hỏi.

"Cối xay bột nào! Này nhé, cái cối xay bột này chiếm rất ít chỗ đến nỗi nó có thể quay ở trong một Bình bằng đá, và bao giờ cũng vậy, khi trời ít gió, nó quay tốt hơn nhờ có sức người, còn khi gió mạnh không thể tìm đâu ra người làm việc cho nó...(9) Nhưng thôi này", người trẻ tuổi nói, "đằng ấy muốn chén thì tớ sẽ cho đằng ấy chén. Tớ cũng cạn túi lắm rồi, chỉ có mỗi silinh rưỡi thôi, nhưng cũng đủ tiêu, hết hãy hay. Nào! Đứng dậy”.

(9) Đây chỉ những nhà tù ở Anh và những nhà làm việc khổ sai ở đấy người ta phải dùng sức người để quay cối xay bột.

Sau khi giúp Ôlivơ đứng dậy, thằng bé dẫn nó tới một hiệu tạp hóa ở bên cạnh, mua một ít giăm bông đã thái sẵn và một ổ bánh mì nhỏ, hoặc như chính hắn nói, "một ổ bánh mì bốn penni”. Giăm bông được giữ sạch sẽ và tránh khỏi bụi bặm bằng một biện pháp tinh khôn là moi một lỗ thủng trong cái bánh mì, lấy ra một ít ruột bánh rồi nhồi giăm bông vào. Cắp ổ bánh ở dưới nách, thằng bé bước vào một quán ăn nhỏ, đi tới một phòng ở phía sau quán ăn. Tại đây, hắn sai mang tới một bình bia, và Ôlivơ được ông bạn mời ăn một bữa thoải mái và ngon lành trong lúc đó thằng bé kỳ quặc kia thỉnh thoảng lại nhìn nó rất chăm chú.

"Đằng ấy đi Luân Đôn phải không?", thằng bé kỳ quặc nói, khi cuối cùng Ôlivơ đã ăn xong.

"Ừ”.

"Đã có chỗ ở chưa?"

"Chưa".

"Có tiền bạc gì không?"

"Không”.

Thằng bé kỳ quặc huýt sáo và thọc sâu hai tay vào túi ở mức những ống áo lụng thụng của nó cho phép.

" Cậu sống ở Luân Đôn à?", Ôlivơ hỏi.

"Đúng thế. Tớ sống ở đấy khi tớ còn ở nhà". Thằng bé trả lời, "tớ cho rằng cậu muốn tìm một nơi để ngủ đêm nay có phải không nào?"

"Phải, tớ muốn lắm", Ôlivơ đáp. "Từ khi tớ rời khỏi nơi ở của mình, chưa có lần nào tớ ngủ dưới một mái nhà".

"Đừng có lau mí mắt vì câu chuyện ấy”, người trẻ tuổi nói. "Tối nay tớ phải về Luân Đôn và tớ biết một cụ đáng kính vẫn sống ở đấy, ông cụ sẽ cho đằng ấy ngủ không mất tiền, và không đòi hỏi gì hết miễn là có người nào đứng đắn mà ông cụ biết giới thiệu đằng ấy. Ông cụ ấy có biết mình không nhỉ? Không đâu! Không biết gì hết. Chắc chắn là không!”

Con người tử tế trẻ tuổi mỉm cười để chứng tỏ rằng những lời nói này của hắn chỉ là để bông đùa mà thôi, và đồng thời uống cạn cốc bia.

Lời mời bất ngờ này hấp dẫn quá nên không thể cưỡng lại được, nhất là ngay sau đó lại có lời cam kết là ông cụ chắc chắn sẽ kiếm cho Ôlivơ một việc làm thoải mái trong một thời gian rất ngắn. Điều này dẫn tới một cuộc trao đổi thân mật và tâm sự hơn, qua đó Ôlivơ biết ông bạn của mình tên là Jôn Đôkinx và cậu ta là một người được ông cụ đứng đắn vừa nhắc tới cưng chiều và yêu quý.

Vẻ ngoài của Đôkinx không nói lên được nhiều lắm về sự săn sóc ân cần của ông chủ của hắn đối với những người đã được ông cụ che chở, nhưng vì lối nói năng của hắn thoải mái và lung tung, không những thế, hắn còn cho biết rằng trong số những người bạn thân người ta vẫn thích gọi hắn bằng cái biệt hiệu "Cáo tinh ranh", nên Ôlivơ kết luận rằng ông bạn của mình là một tay phóng đãng và bừa bãi, và những nguyên lý đạo đức của vị ân nhân của nó sẽ không có ảnh hưởng gì đến nó. Với ý nghĩ như vậy, nó thầm quyết định cố gắng làm cho ông cụ nhanh chóng có ý nghĩ tốt đẹp về nó, và nếu như nó thấy Cáo là bất trị, điều mà nó rất tin như thế, thì nó sẽ tránh không quen thân với hắn hơn nữa.

Vì Jôn Đôkinx không muốn trở về Luân Đôn trước khi trời tối, nên lúc hai người đến cổng thu thuế ở Aixlinhtơn thì đã gần mười một giờ đêm. Hai người đi qua con đường đi từ Enjơn đến Đường thánh Jôn, bước vào một con đường nhỏ dẫn tới rạp hát Xatlơ Uenx; rồi đi dọc theo Đường Ecxmaothơ và Đường Coppix Râu, đến một cái sân nhỏ ở cạnh nhà tế bần, đi qua bãi bóng cổ điển đã có lần được gọi là Horkli-in-dơ-hâulơ, từ đó đến Đồi Xapfrôn Nhỏ, và cứ thế đi đến Đồi Xapfrôn Lớn, Cáo nhanh nhẹn bước, dặn Ôlivơ phải bám sát gót mình.

Mặc dầu Ôlivơ phải cố gắng lắm mới khỏi mất hút người dẫn đường của mình, trong khi đi, nó vẫn không thể không liếc vội nhìn hai bên đường. Đó là một nơi khốn khổ, bẩn thỉu nhất trên đời. Đường phố chật hẹp, lầy lội, không khí đầy những mùi hôi thối. Có rất nhiều cửa hiệu nhỏ, nhưng tất cả hàng hóa đem bán hình như chỉ có tòan là trẻ em, ngay vào lúc đêm hôm khuya khoắt này vẫn lê lết ở ngoài cửa hoặc đứng kêu thất thanh ở trong nhà. Những ngôi nhà duy nhất có vẻ phồn thịnh trong cái cảnh thối rữa này là những cửa hàng ăn và ở đấy những người Airơlân thuộc hạng thấp hèn nhất đang ra sức cãi lộn nhau. Đây đó, trong những ngách sân có mái che nằm bên đường cái chính, thấy thấp thoáng các cụm nhà, nơi đây đàn ông, đàn bà say rượu đang đúng là ngụp lặn ở dưới bùn; những con người cao lớn, mặt mày dễ sợ lén lút ra ra vào vào các nhà, chắc hẳn không phải nhằm những mục đích tốt đẹp hay vô hại.

Ôlivơ đang phân vân không biết có nên bỏ chạy hay không thì hai người đã đến cuối đồi. Người dẫn đường nắm lấy tay nó, đẩy cửa một ngôi nhà ở gần Finđơ Lâynơ, kéo nó vào trong ngách, rồi đóng cửa lại.

"Ai đấy?" Có tiếng người hỏi, đáp lại tiếng huýt sáo của Cáo.

"Công việc chu đáo!" Đó là câu trả lời.

Câu này hình như là mật lệnh hay mật hiệu báo rằng mọi việc đều trôi chảy; bởi vì ánh sáng leo lét của một ngọn nến lập lòe ở trên tường nơi cuối đường đi, và một mặt người ló ra từ tay vịn cầu thang cũ kỹ đã bị gãy từ lâu trong nhà bếp.

"Chúng mày có hai đứa”, người kia giơ ngọn nến ra xa hơn và lấy tay che mặt. "Tướng kia là ai thế?”

"Dân mới đấy mà", Jôn Đônkinx nói và đẩy Ôlivơ tiến lên.

"Nó từ đâu đến?"

"Từ xa. Cụ Fâyjin có trên gác chứ?"

"Có, cụ ta đang chọn khăn tay. Lên đi!” Ngọn nến bị rút lui, và bộ mặt nọ biến mất.

Ôlivơ một tay lần mò đường đi, tay kia đã bị anh bạn nắm chặt, vất vả chật vật bước lên những bậc thang tối tăm và bị gãy, nhưng người dẫn đường của nó thì lại đi rất dễ dàng chứng tỏ hắn rất quen những bậc thang này. Hắn đẩy toang cửa dẫn vào c phía sau và kéo Ôlivơ đi theo.

Tường và trần căn phòng này đã đen kịt vì năm tháng và bụi bặm. Trước ngọn lửa có một cái bàn bằng gỗ thông, trên đặt một ngọn nến cắm vào cổ chai bia pha gừng, hai hay ba bình bằng sắt tây, một cái bánh mì và một cái đĩa. Xúc xích đang rán trong chảo đặt trên lửa, tay chảo có một sợi dây buộc vào mặt lò sưởi, để giữ không cho ai lấy đi, và ở bên cạnh là một người tay cầm nĩa: đó là một ông lão người Do Thái, da nhăn nheo, mặt xấu xí và càu cạu bị đám tóc dày màu đỏ che khuất. Ông lão mặc bộ áo flanen bê bết mỡ, cái cổ để trần, và hình như khi thì chú ý đến chảo, khi thì chú ý đến một sợi dây vắt đầy những chiếc khăn tay bằng lụa. Nhiều chỗ nằm sơ sài là những bao tải cũ đặt san sát nhau ở trên sàn. Chung quanh bàn có bốn hay năm cậu bé, không ai lớn tuổi hơn Cáo, đang hút những tẩu dài làm bằng đất sét, và uống rượu ra dáng người lớn. Chúng đứng vây quanh Cáo trong khi hắn thì thầm vài lời với lão Do Thái, rồi quay lại cười nhăn nhở với Ôlivơ. Lão Do Thái cũng làm như vậy, tay vẫn cầm nĩa.

"Cụ Fâyjin ạ", Jôn Đôkinx nói, "xin giới thiệu ông bạn của tôi là Ôlivơ Tuýt".

Lão Do Thái cười nhăn nhở, và cúi gập mình xuống chào Ôlivơ, rồi cầm tay nó và nói lão hy vọng sẽ được hân hạnh quen thân với nó. Nghe vậy, mấy người trẻ tuổi đang phì phèo những tẩu thuốc lá đều đến vây quanh nó và túm lấy tay nó mà lắc thật mạnh, nhất là lắc bàn tay đang cầm cái gói nhỏ bé. Một cậu lăng xăng treo hộ nó cái mũ, và một cậu khác tử tế đến nỗi đút tay vào túi nó, bởi vì nó mệt quá, nên có thể quên không bỏ những thứ ở trong túi ra ngoài khi đi ngủ. Những phép lịch sự này có lẽ còn đi xa hơn nữa, nếu như lão Do Thái không lấy nĩa gõ nhè nhẹ lên đầu và vai mấy cậu bé thân yêu.

"Ôlivơ này, chúng tôi rất vui mừng được gặp cậu”, lão Do Thái nói. "Cáo, lấy xúc x ra, kéo thêm một cái thùng cạnh lửa cho Ôlivơ ngồi. A, chú mày đang trố mắt nhìn những chiếc khăn tay! Ông bạn thân mến! Đúng là có nhiều khăn tay, phải không nào? Chúng mình đang chuẩn bị đem ra giặt đấy mà. Chỉ có thế thôi, Ôlivơ ạ, chỉ có thế thôi. Ha, ha, ha!"

Những lời cuối cùng của lão Do Thái được tất cả bọn học trò đầy triển vọng của ông già vui tính reo lên hưởng ứng ầm ĩ. Khi reo hò như vậy, chúng ăn tối.

Ôlivơ ăn phần của mình, và lão Do Thái sau đó cho nó một cốc rượu gin nóng pha với nước. Lão bảo nó phải uống ngay lập tức bởi vì một người khác cần đến cái cốc. Ngay sau đó, nó cảm thấy mình được nhẹ nhàng bế lên và đặt trên một chiếc bao tải, nó ngủ thiếp đi trong giấc ngủ say sưa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx