sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Hôm sau, Rastignac ăn mặc đẹp đẽ và đến nhà bà De Restaud vào khoảng ba giờ chiều. Trong lúc đi đường chàng đã hy vọng ngông cuồng, những hy vọng làm đời thanh, niên tươi đẹp vì cảm xúc: nhưng lúc này họ đâu có tính đến những nguy hiểm và trở ngại, đâu họ cũng thấy thành công, họ thi vị hoá cuộc đời họ chỉ do tưởng tượng, và họ sẽ đau khổ hay buồn thảm chỉ vì những dự định của họ sụp đổ, những dự định chỉ sống trong ước vọng điên cuồng của họ; nhưng nếu họ không dốt nát và e dè thì xã hội làm sao có được. Eugène đi rất cẩn thận để khỏi dơ giày; nhưng anh chàng vừa đi vừa nghĩ trước những lời sắp nói với bà De Restaud, chàng dự trữ những câu trí xảo, tự đặt những câu chuyện trao đổi tưởng tượng, sắp đặt những danh từ sắc bén, những từ ngữ lối Talleyrand, vừa đặt ra những trường hợp nhỏ nhặt mà thuận tiện để chàng tỏ tình, cuộc tỏ tình làm căn bản cho tương lai chàng. Chàng sinh viên lại làm dơ giày và phải ghé xóm Đền Vua để đánh giày và chải quần lại.

Chàng đổi đồng bạc cằm theo đề phòng việc bất trắc và nói thầm:

- Nếu mình giàu đã đi xe và suy nghĩ thong dong hơn.

Nhưng rồi chàng cũng đã đến con đường Helder và hỏi thăm bà Bá tước De Restaud. Với bệ điệu hăng hái mà bình tĩnh của một người chắc mình sẽ đại thành công một ngày mai, anh chàng bỗng gặp lấy cái nhìn khinh bỉ của bọn người nhà trông thấy anh ta đi bộ băng ngang cái sân, mà không tiếng xe dừng ngoài cửa. Cái nhìn ấy càng làm cho anh chàng càng cảm xúc vì anh ta nhận thấy sự tồi tàn của mình lúc mới bước vào sân: ở đây đã có một ngựa đẹp thắng với bộ cương hoa lệ vào một cái xe rất xinh khoa trương lối xa xỉ của một cuộc sống phung phí, và cho ta hiểu ngầm thói quen về những diễm phúc tại Paris. Tự nhiên chàng trở nên khó chịu. Các hộc tủ đã mở sẵn trong trí óc mà chàng hy vọng đầy trí xảo bỗng nhiên khép kín, anh chàng trở nên đần độn. Để đợi câu trả lời của Bá tước phu nhân mà anh bồi phòng đang đem trình tên người khách, Eugène đứng co một cẳng trước cửa sổ tiền sảnh, tựa cùi tay lên then cửa, và nhìn ra sân như cái máy. Chàng đã thấy thời gian kéo dài và đã bỏ đi, nếu không có cái tính kiên nhẫn của người miền Nam, thứ kiên nhẫn có thể gây những việc phi thường nếu cứ đi đường thẳng.

- Thưa ông, phu nhân đang ở trong khuê phòng và rất bận việc, phu nhân chưa trả lời, nhưng nếu ông muốn vào phòng khách thì đây cũng đã có một vị đang đợi.

Vừa khâm phục cái năng lực ghê gớm của bọn gia nhân này, chỉ một tiếng, đủ vu cáo hay xét đoán chủ họ, Rastignac nhất định mở cánh cửa do đó tên bồi phòng vừa bước ra, có lẽ để cho bọn đày tỏ xấc xược này biết là mình quen lớn những người trong nhà; nhưng anh ta lại khinh xuất bước vào một phòng đầy những đèn, tủ đồ ăn, cả một lò sưởi khăn tắm, và phòng này lại vừa đưa đến một hành lang tối tăm và một cầu thang bí mật. Những tiếng cười hụt trong phòng đợi càng làm cho chàng ngượng nghịu thêm.

- Thưa ông, phòng khách ở phía này ạ! Anh bồi phòng nói với vẻ kính cẩn giả dối như một lời chế nhạo thêm.

Eugène hối hả rút lui đến nỗi va phải một chậu tắm, nhưng may phúc anh ta giữ kịp cái mũ khỏi rơi xuống nước tắm. Ngay lúc ấy, cánh cửa mở ra ở cuối hành lang có một cây đèn nhỏ dọi sáng, Rastignac vừa nghe giọng bà De Restaud và ông Goriot nói vừa nghe tiếng một cái hôn. Anh chàng trở vào trong phòng ăn, đi băng ngang qua và theo anh bồi phòng và vào một khách thính thứ nhất rồi lại đứng bên cửa sổ lúc thấy cửa này mở ra sân. Anh ta muốn nhìn xem ông già Goriot này có đích là ông già Goriot của anh ta không.

Tim anh ta đập thình thịch, anh ta nhớ lại những lòi phê bình ghê tởm của lão Vautrin. Anh bồi phòng đứng đợi Eugène ở phòng khách lớn, nhưng bỗng nhiên có một thanh niên rất thanh nhã ở đấy bước ra. Người này nói với giọng bực bội sốt ruột:

- Tôi đi đây, Maurice ạ. Anh sẽ nói với bà Bá tước là tôi đã đợi trót nửa giờ rồi.

Anh chàng hỗn láo này, có lẽ là có quyền hỗn láo ở đây, ngân nga một câu hát giọng Ý vừa đi đến bên cửa sổ Eugène đang đứng, vừa để xem mặt chàng thanh niên vừa để nhìn ra ngoài sân.

- Bá tước có lẽ nên đợi lát nữa; phu nhân vừa xong việc rồi mà. Maurice vừa nói vừa trở lại phòng đợi.

Lúc ấy, ông già Goriot vừa do cầu thang nhỏ ra khỏi cổng để xe ra vào. Ông già đang kéo cái dù và sắp giương lên, không để ý là cửa đang mở rộng để một cái xe đi vào do một thanh niên mang đầy huy chương cầm cương. Ông già chỉ kịp nhảy lùi lại khỏi bị xe cán. Vải dù làm con ngựa sợ chạy lệch sang một chút trong khi bương đến trước tam cấp. Thanh niên ngảnh đầu với vẻ giận dữ nhìn ông già Goriot, và chào ông ta, trước khi ông đi ra, với vẻ kính trọng miễn cưỡng của những cái chào đối với chủ cho vay nặng lãi lúc người ta cần đến, hoặc cái kính cẩn bó buộc đối với một người hư đốn mà người ta phải xấu hổ về sau. Ông già Goriot chào trả với vẻ thân mật hiền lành. Sự việc này xảy ra nhanh như cái chớp. Quá chú ý nên không nhận thấy không phải chỉ có mình chàng ở đấy, Eugène bỗng nghe tiếng nói của nữ bá tước:

- Ồ! Maxime, anh bỏ đi à? Bà ta nói với một giọng trách móc có lẫn chút hờn dỗi.

Nữ bá tước không hề để ý đến cái xe vừa vào. Rastignac thình lình quay mặt lại và thấy nàng ăn mặc một cách diêm dúa với một cái áo choàng rộng bằng hàng trắng buộc bằng nút hồng, tóc bới sơ sài theo kiểu phụ nữ Paris vào buổi sáng; hình nàng toả mùi thơm nực, có lẽ nàng vừa tắm xong, và sắc đẹp nàng như êm dịu thêm, có vẻ thêm chiều đật lạc; mắt nàng ươn ướt. Mắt người trẻ tuổi biết nhìn cả mọi sự: trí óc họ hoà hợp với ánh toả rạng quanh người đàn bà như thảo mộc hít trong không khí những chất thích đáng. Vì vậy Eugène không cần phải đụng đến cũng cảm giác được cái hơi mát mẻ ở bàn tay người đàn bà kia toả ra. Qua lớp ngoài, chàng thấy màu hồng lạt của áo lót mà cái áo choàng hơi hở hang có khi lộ trần ra để mắt chàng lướt tràn lên. Những cây dựng trong áo không ích lợi gì cho nữ bá tước, chỉ đây thắt lưng đã làm lộ thân hình dịu dàng của nàng, cổ nàng như mời mọc tình yêu, đôi bàn chân nàng thật xinh xắn trong đôi dép. Lúc anh chàng Maxime cầm bàn tay nàng lên hôn, Eugène mới trông thấy Maxime, và nữ bá tước mới trông thấy Eugène.

- À! Thế ra ông De Rastignac đấy à. Tôi rất hoan hỉ được tiếp kiến ông. Nàng nói với một bộ điệu mà những người cố tri biết tuân phục.

Maxime nhìn Eugène và nữ bá tước với một cách điệu đủ ý nghĩa để người không đáng có mặt ở đây nên bước ngay đi.

- Ồ! Em yêu quý, tôi mong em đưa quách thằng nhãi ranh này ra khỏi cửa đi!

Câu nói này là phản ánh rành rẽ và dễ hiểu của cái nhìn của chàng thanh niên kiêu hãnh và xấc láo mà nữ bá tước Anastasie gọi là Maxime, trong lúc nàng nhìn mặt anh ta với một vẻ phục tùng nó đã nói ra tất cả những bí ẩn của người đàn bà mà họ không ngờ. Rastignac tự thấy ghét anh chàng thanh niên một cách mãnh liệt! Trước nhất, làn tóc vàng ánh uốn xoắn rất đẹp của Maxime làm cho anh ta thấy lại tóc mình thật ghê tởm; rồi Maxime lại có những chiếc ủng mảnh mai sạch bóng, trong lúc giầy chàng hơi có vết bùn, mặc dầu chàng đã cố đi rất cẩn thận; sau cùng, Maxime mặc một áo đuôi tôm nó bóp eo thân hình anh ta rất thanh nhã và làm anh ta giống như một thiếu nữ xinh đẹp, còn Eugène lúc này hai giờ rưỡi chiều mà mặc cái áo dạ hội đen. Đứa con đầy cơ trí của vùng Charente cảm thấy cái ưu thế mà lối phục sức đã làm cho chàng công tử hơn mình, chàng công tử thon mảnh cao lớn, mắt sáng, nước da trắng xanh, một thứ người có thể làm phá sản bọn con mồ côi.

Không đợi Eugène trả lời, De Restaud phu nhân đã lén vào như bay qua phòng khách khác, vừa để phấp phới hai vạt áo choàng nó cứ cuốn vào lại mở ra làm nàng có vẻ như một con bướm; và Maxime đi theo nàng. Eugène, phát khùng, đi theo Maxime và nữ bá tước. Vì vậy cả ba người bây giờ đang ở ngay giữa phòng khách lớn ngang cái bệ lò sưởi. Chàng sinh viên biết là mình làm khó chịu anh chàng Maxime khả ố này nhưng chính anh ta muốn chàng công tử khó chịu, dầu phải phật ý bà De Restaud.

Bỗng, vừa nhớ mình đã thấy gã thanh niên ở dạ hội của De Beauséant phu nhân, chàng đoán ngay ra địa vị của Maxime đối với De Restaud phu nhân; và với sự liều lĩnh của tuổi trẻ làm cho người ta vấp phải những cái quá dại dột hoặc gây những thành công lớn lao chàng tự nói:

- Địch thủ của ta đây rồi, ta phải thắng nó mới được.

Anh chàng khinh xuất thật! Anh ta đâu hay bá tước Maxime de Trailles thường để người ta nhục mạ mình trước để được phần bắn trước (25) và giết chết địch thủ. Eugène là tay săn bắn giỏi, nhưng anh chàng đâu đã bắn ngã được hai mươi con búp bê trong hai mươi hai con trong một cuộc bắn chơi. Chàng bá tước trẻ tuổi thả mình ngồi trên một ghế bành gần lò lửa, cầm đôi kẹp và quậy lò lửa với một cử động dữ dội, với bộ điệu buồn bã đến nỗi khuôn mặt đẹp của Anastasie đột nhiên cũng ủ rủ. Thiếu phụ quay nhìn Eugène với cái nhìn lạnh lùng như hỏi: “Sao anh không xéo đi?”, câu hỏi mà những người có giáo dục biết thi hành ngay, câu hỏi mà ta có thể gọi là những câu để đuổi người ra.

Eugène lấy vẻ dễ chịu và nói:

- Thưa bà, tôi gấp hội kiến bà để…

Anh ta ngừng bặt. Một cánh cửa mới mở ra. Người vừa lái chiếc xe ngựa nhỏ bỗng xuất hiện, đầu không mũ, không chào nữ bá tước, nhìn Eugène một cách lo âu, và đưa tay cho Maxime vừa chào với vẻ thân ái huynh đệ làm Eugène rất đỗi ngạc nhiên. Những thanh niên hàng tỉnh đâu hiểu thú êm đềm của đời sống tay ba.

- Bá tước De Restaud, nữ bá tước nói với chàng sinh viên vừa chỉ chồng bà.

Eugène cúi chào rất thấp.

- Ông đây, bà nói tiếp vừa giới thiệu Eugène cho bá tước. Ông đây là ông De Rastignac, bà con của nữ bá tước De Beauséant do tộc hệ De Marcillac, và tôi đã hoan hỉ được gặp tại dạ hội phu nhân hôm trước.

Bà con nữ bá tước De Beauséant do tộc hệ De Marcillac! Nữ bá tước nói mấy chữ một lối hơi kiểu cách, do sự hãnh diện của nữ chủ nhân muốn chứng minh mình chỉ tiếp tại nhà toàn những người quý phái, mấy tiếng có kết quả mầu nhiệm: bị tước bỏ ngay lối khách sáo lạnh lùng và chào chàng sinh viên, và nói:

- Hân hạnh được làm quen với ông.

Cả bá tước Maxime de Trailles cũng nhìn Eugène với cái nhìn lo ngại và đột nhiên cũng tỏ vẻ xấc láo. Sự thay đổi như do một chiếc đũa tiên, do sự can thiệp đầy uy lực của một danh xưng mở ngay ba chục cái hộc trong óc anh chàng miền Nam, và đem lại trí cơ xảo anh đã sắp đặt từ trước. Một ánh sáng đến thình lình làm chàng thấy rõ trong không khí của xã hội thượng lưu Paris đang còn mờ ám đối với anh, Nào nhà trọ Vauquer, nào ông già Goriot, lúc này đã xa hẳn tư tưởng chàng.

- Tôi vẫn tưởng họ De Marcillac như không còn ai nữa? Bá tước De Restaud hỏi Eugène.

- Vâng, thưa ông. Ông bác chúng tôi, là hiệp sĩ De Rastignac đã kết hôn với nữ kế thừa của dòng De Marcillac. Ông ta chỉ có một con gái và cô này đã kết hôn với Thống chế De Clarimbault là ông ngoại nữ bá tước De Beauséant đấy ạ. Chúng tôi thuộc ngành thứ, một ngành đã bị nghèo nhất là vì ông bác tôi lúc giữ chức phó Đô đốc đã mất cả gia sản để phụng sự quốc vương. Chính phủ Cách mạng đã không công nhận các trái khoản của chúng tôi lúc thanh toán Ấn độ Công ty.

- Vậy thì ông bác ngài có phải trước 1789 đã chỉ huy chiến hạm “Rửa hận” không?

- Chính thế.

- Vậy thì ông có quen với ông nội chúng tôi là chỉ huy trưởng chiến hạm Warwick.

Maxime nhìn bà De Restaud vừa hơi rún vai, có vẻ bảo: “Nếu anh chàng lại nói chuyện hải quân với nó, thì chúng ta hỏng mất”. Anastasie hội ý cái nhìn của De Trnilles. Với cái uy lực của phụ nữ, bà ta mỉm cười nói:

- Maxime, anh qua đây, tôi có việc nhờ anh đây. Thôi chúng tôi để hai ông cùng du hành với nhau trên hai chiến thuyền Warwick và “Rửa hận” nhé!

Nàng đứng dậy và ra dấu cho Maxime với vẻ đầy phản bội và chế giễu: Maxime theo nàng qua khuê phòng. Cặp tình nhân vừa đến bên cửa thì bá tước ngừng ngay câu chuyện đang nói với Eugène. Chàng gắt:

- Anastasie! Ở lại đây đã, em cũng biết là…

- Tôi trở lại mà, nàng nói chặn ngay. Tôi chỉ cần một lát đi bảo Maxime việc tôi nhờ anh ta.

Nàng trở lại lẹ làng. Cũng như các đàn bà khác, bắt buộc phải dò xét tánh tình chồng để có thể hành động theo sở thích mình, họ biết rõ cái mức độ có thể bước đến mà khỏi mất một tín nhiệm quý hoá; và không làm khó chịu chồng trong những việc vụn vặt ở đời, nữ bá tước nhận thấy trong giọng nói của bá tước là không thể ở nán yên ổn trong khuê phòng được. Trắc trở này do Eugène mà ra. Vì vậy nữ bá tước chỉ chàng sinh viên cho Maxime với một bộ điệu và một cử chỉ đầy hờn rỗi. Maxime nói một cách châm biếm với cả ba người:

- Quý vị có công việc, tôi không muốn quấy nhiễu. Xin từ giã.

Anh ta đi ngay.

- Maxime, hãy ở lại nào! Bá tước nói.

- Lại ăn cơm tối nhé! Nữ bá tước nói, và một lần nữa, bà lại rời Eugène và bá tước, đi theo Maxime qua phòng khách thứ nhất, và hai người cùng ở đó khá lâu để có thể tin rằng bá tước đã cho Eugène cáo lui.

Rastignac nghe hai người khi thì cười vang, khi thì nói chuyện, lúc lại im lặng; nhưng chàng sinh viên ranh mảnh vẫn nói chuyện, với ông De Restaud, tâng bốc ông ta hoặc đưa ông ta vào những cuộc tranh luận để gặp mặt lại bà bá tước và để biết mối liên quan giữa bà ta và ông già Goriot ra sao. Người thiếu phụ này, lẽ tất nhiên là say mê anh chàng Maxime lắm, chứ cả chồng nàng, giao thiệp thầm kín với ông già bán bún, đối với anh ta là cả một bí mật. Anh ta muốn thấu rõ bí mật ấy, hy vọng rằng như vậy anh ta sẽ ngự trị được người đàn bà hết sức Paris này.

- Anastasie à! Bá tước lại gọi phu nhân.

- Thôi, Maxime khốn khổ đành nhẫn nhục, vậy. Tối nay nghe…

- Nasis nè chàng nói trong tai nàng, tôi hy vọng em sẽ cấm cửa thằng bé con kia, cặp mắt nó cứ phật đỏ như than mỗi lúc áo tắm em hé mở ra. Nó sẽ tỏ tình với em, sẽ làm mang tiếng cho em, rồi em sẽ buộc tôi giết nó đấy.

- Anh điên sao, Maxime? Mấy chàng sinh viên nhỏ ấy, trái lại, không phải là những ống thu lôi rất tốt sao? Chắc hẳn tôi sẽ làm cho De Restaud ác cảm nó.

Maxime cười vang lên và đi ra. Nữ bá tước bước theo, đến bên cửa sổ để nhìn anh chàng lên xe, làm ngựa dậm chân và múa roi lên. Phu nhân chỉ trỏ vào lúc cửa lớn đã đóng lại.

Lúc nàng đã vào trong, bá tước nói lớn:

- Này phu nhân yêu quý, địa ấp của gia đình ông đây gần vùng Verteuil, trên sông Charente. Ông chú ông đây và ông nội tôi có quen biết nhau đấy.

Hân hạnh được ở chỗ quen thuộc. Nữ bá tước nói một cách lơ đãng.

Eugène hạ giọng nói:

- Quen thuộc nhiều hơn phu nhân tưởng.

- Sao vậy? Nữ bá tước hấp tấp hỏi.

- Thì tôi vừa thấy ở nhà quý vị đi ra một người cùng ở đối diện với phòng tôi trong một nhà trọ. Ồng già Goriot.

Nghe cái tên kia còn điểm xuyết thêm chữ ông già, bá tước đang khêu lửa liền ném cặp que vào lửa như bị phỏng tay, và đứng ngay dậy.

- Thưa ông, đáng ra ông cũng có thể nói “Ông Goriot chứ!” Bá tước nói to lên.

Nữ bá tước tái mặt lúc thấy chồng nổi giận rồi, bà ta lại đỏ phừng mặt lên và tỏ vẻ bối rối thật sự. Bà ta cố lấy giọng tự nhiên và lấy vẻ khinh khoái trả lời:

- Không thể được người mà chúng tôi yêu quý! Bà ta ngừng lại, bỗng nhìn cái dương cầm, như vừa có ý tưởng gì lạ trỗi dậy trong lòng:

- Thưa ông có thích âm nhạc không?

- Thưa thích lắm ạ. Eugène trả lời, mặt đỏ lên và trở nên như đần độn vì đang có ý nghĩ mập mờ rằng mình vừa làm một việc đại ngu ngốc.

- Ông hát được chứ? Nữ bá tước nói to vừa bước lại bên dương cầm, và đánh mạnh các phím vừa di từ nốt Ut ở dưới đến nốt Fz ở trên. Rrrraah…

- Thưa bà không ạ.

Bá tước De Restaud đi tới đi lui trong phòng.

- Đáng tiếc thay, ông đã bỏ mất một phương tiện lớn lao để thành công. Ca a ro, ca a ro, ca a a ro, non du bi ta re. Bà ta hát.

Vừa đọc tên ông già Goriot, Eugène đã gõ chiếc đũa tiên, nhưng hậu quả đã trái ngược với phản ứng đã gây nên do những tiếng: “Bà con của De Beauséant phu nhân”. Anh ta đang ở trong tình trạng của một kẻ đã do một ân huệ mà vào được nhà một người chơi đồ quý rồi lại vô ý đụng cái tủ đựng đầy hình chạm trổ, và rơi ba bốn cái đầu dán không kỹ. Anh ta muốn nhảy xuống một cái hố sâu. Vẻ mặt bà De Restaud khô khan, lạnh lùng. và cặp mắt bà trở nên lơ là, cứ tránh mắt chàng sinh viên xui xẻo. Anh ta nói:

- Thưa bà, bà cần nói chuyện với bá tước, xin nhận kính ý của chúng tôi, và cho phép chúng tôi…

Nữ bá tước vội vàng đưa tay làm dấu giữ Eugène và nói:

- Mỗi lần ông đến chơi, xin ông đinh ninh rằng bá tước và tôi rất lấy làm hoan hỷ.

Eugène cúi chào hai ông bà rất lễ phép và đi ra. Dầu Eugène cố từ chối, ông De Restaud vẫn theo ra và đưa anh ta qua tận phòng đợi khách. Bá tước nói với thằng Maurice:

- Mỗi lần ông đây đến, cả phu nhân và ta đều đi vắng nghe.

Lúc Eugène đặt chân lên bậc thềm, anh thấy trời mưa. Anh tự nhủ:

- Ta đã đến làm một chuyện vụng về mà cũng không hiểu duyên cớ và tầm quan trọng ra sao. Ta lại thêm hỏng cả áo và mũ nữa. Ta đáng phải ngồi một xó để học luật, và chỉ nên trông mong trở thành một quan Toà gay gắt. Ta làm sao đi vào được xã hội thượng lưu lúc mà muốn vận động một cách thích đáng, cần phải có cả đống xe ngựa, giày ống đánh xi, khí cụ thiết yếu, dây chuyền vàng, và mỗi sáng phải mang bít tất tay bằng da trắng giá sáu quan tiền và luôn luôn phải có bít tất tay vàng vào buổi chiều? À! tại ông già Goriot kỳ cục!

Lúc anh chàng ở dưới cửa ra đường, một người đánh xe ngựa thuê chắc vừa mới đưa những cặp vợ chồng mới cưới về nhà và không đòi gì hơn là đánh cắp ông chủ vài vòng xe chạy lậu, làm dấu với Eugène lúc thấy chàng không có dù, lại mặc áo lễ đen, gi-lê trắng, tất tay vàng và giày ống bóng nhoáng. Eugène đang bị một cơn giận dữ âm thầm chi phối; những cơn giận nó thúc đẩy một thanh niên đi sâu mãi vào vực thẳm đã sỉa vào, hầu như mong gặp ở đây một lối thoát may mắn. Anh leo lên xe: vài mảnh hoa cam và những mảnh kim tuyến chứng nhận bước đi qua của cặp tân hôn.

- Thưa ông đi đâu ạ? Người đánh xe hỏi, trong lúc coi cặp tất tay trắng.

Eugène tự nói:

- Ôi chà! Nhân ta đã đi sâu, thì cũng nên có gì ích lợi cho ta phần nào! Lại phủ De Beauséant. Anh ta nói lớn.

- De Beauséant nào ạ?

Câu nói siêu việt làm Eugène chưng hửng. Anh chàng thanh lịch mới mẻ không biết là có hai phủ De Beauséant, anh ta không biết mình có nhiều bà con không quan tâm đến anh ta.

- Tử tước De Beauséant, ở đường…

- Đường De Grenelle. Người đánh xe gật đầu nói chặn anh ta. Ông thấy không, còn có phủ bá tước và hầu tước De Beauséant ở đường Saint Dominique. Người đánh xe vừa gập bậc cấp xe lên vừa nói thêm.

- Tôi biết, Eugène trả lời với vẻ lãnh đạm. Tất cả mọi người đều chế nhạo ta hôm nay chắc! Chàng vừa nói vừa ném cái mũ lên mấy cái nệm xe phía trước. Đây là một cuộc đi chơi sẽ làm ta tốn một số tiền chuộc được một ông vua. Nhưng ít ra ta cũng lại thăm bà chị họ ta, với một cách thức chắc chắn là quý phái. Ông già Goriot đã làm ta tốn hết mười quan, ông già hiểm ác thay! Nói thật ta sẽ kể câu chuyện phiêu lưu của ta cho De Beauséant phu nhân nghe, có lẽ ta sẽ làm bà ta cười. Chắc bà ta sẽ biết cái bí ẩn của những giao thiệp tội lỗi giữa con chuột già không đuôi kia với người đàn bà đẹp này. Ta làm vui lòng bà chị họ ta còn hơn cụng vào người thiếu phụ vô luân kia: mụ ta có vẻ đắt tiền lắm. Nếu cái tên của nữ bá tước có uy lực như thế, thì con người của bà ta còn có ảnh hưởng đến chừng nào? Ta nên ngỏ lời với người trên trước. Lúc người ta muốn liên quan đến việc trên trời thì phải nhắm ngay Chúa Trời!

Mấy lời trên đây là cái công thức vắn tắt của một ngàn và một ý tưởng lẻ, trong đó anh ta đang bình bồng trôi nổi. Anh ta trở lại bình tĩnh và tin tưởng lúc thấy trời mưa. Anh ta tự bảo rằng nếu anh ta sắp tiêu phí hai đồng 100 xu của những đồng bạc này cũng được dùng một cách thích đáng để gìn giữ được cái áo lễ, đôi giày ống và cái mũ của anh ta. Anh ta không giấu được vẻ vui cười lúc nghe người đánh xe la to: “Vui lòng mở cửa đi”. Một người gác cửa mặc áo đỏ kết kim tuyến mở cửa phủ kêu ầm ầm và Rastignac êm đềm sung sướng thấy xe chàng đi vào dưới vòm cửa lớn, vòng quanh trong sân và lại đứng dưới mái hiên của thềm nhà. Người đánh xe với cái áo xanh viền đỏ đến mở cái cấp bước xuống xe. Vừa xuống xe, Eugène nghe những tiếng phì cười dưới hành lang vọng ra. Ba bốn thằng đầy tớ đã chế giễu cỗ xe ngựa của một cô dâu bình dân. Tiếng cười của chúng làm chàng thanh niên chợt hiểu lúc anh ta so sánh xe này với cái xe vào hạng đẹp nhất của Paris để kia với hai con tuấn mã có cắm hoa hồng ở tai, đang gặm hàm thiếc, và do một người lái xe mang cà vạt, tóc nhồi phấn, đang cầm giữ cương như là cặp ngựa muốn chạy đi. Ở đường Chaussée d’Antin, bà De Restaud ở trong sân nhà bà ta cái xe nhỏ hai bánh của anh chàng hai mươi sáu tuổi. Ờ xóm Saint Germain, sự xa hoa của một đại công hầu đoàn xa mã mà 30.000 quân chưa mua được, đang chờ đợi:

- Ai ở đấy kìa? Eugène tự hỏi trong khi ý hội hơi chậm một chút là ở Paris ít gặp được những người đàn bà không bận rộn và tự chinh phục một nữ chúa ấy phải tốn hơn một cuộc đổ máu. Quỷ thần ơi! Bà chị họ ta chắc cũng lại có một anh chàng Maxime nữa rồi.

Anh ta bước lên thềm nhà, mà tâm hồn nặng trĩu ưu sầu. Thấy anh ta, cánh cửa kính mở ngay ra; anh ta thấy bọn nô bộc thận trọng như những con lừa người ta đang chải lông. Buổi dạ hội anh dự hôm trước đã được tổ chức ở các phòng nghi lễ lớn tại tầng dưới của công phủ De Beauséant. Giữa lúc được mời và lúc có buổi dạ vũ, anh ta không có thì giờ đến thăm bà chị họ và chưa đặt chân vào các phòng của De Beauséant phu nhân; vì vậy, lần thứ nhất anh sắp được mục kích những kỳ tuyệt của cái cao nhã, cá biệt nó biểu lộ tâm hồn và phong cách của một bà quý phái. Sự quan sát càng đáng chú ý, lúc khách đường của bà De Restaud đã cho anh ta một yếu tố để so sánh. Bốn giờ rưỡi, bà Tử tước ra khách. Giá năm phút trước thì bà đã không tiếp người em họ. Eugène không hiểu chút gì về các nghi lễ ở Paris. Người ta dẫn chàng đến phòng bà De Beauséant do một cầu thang đầy hoa, sơn trắng, lan can thép vàng và trải thảm đỏ. Chàng mù tịt về cái tiểu sử khẩu truyền của bà chị họ, tức là một trong những câu chuyện người ta truyền nhau từ tai nảy qua tai khác mỗi tối tại các khách đường Paris.

Bà Tử tước đã dan díu từ ba năm nay với một nhà quý tộc trứ danh và giàu có nhất của Bồ Đào Nha: hầu tước D’Ajuda Pinto. Đây là những mối tình giao hảo vô tội mà đối với kẻ liên quam lại đầy quyến rũ đến nỗi họ không thể chịu đựng một người thứ ba nào khác. Vì vậy, ngay cả Tử tước De Beauséant cũng đã làm gương trước cho kẻ bàng quan bằng cách vị nể cuộc kết giao ngoại lệ này. Trong những ngày đầu của tình giao hữu này những người nào đến thăm nữ bá tước lúc hai giờ, đều gặp hầu tước D’Ajuda Pinto ở đó. Bà De Beauséant không thể đóng cửa, làm thế thì quá khiếm nhã, nhưng bà tiếp khách quá lãnh đạm và nhìn ngắm đường viền quanh tường quá chăm chỉ đến nỗi ai cũng hiểu mình đã làm bà quá bực bội. Lúc ở Paris người ta hiểu đến thăm bà De Beauséant từ hai đến bốn giờ là phiền phức cho bà, thì nhà bà được hoàn toàn cô tịch. Bà đi Hí viện và Ca kịch trường với ông De Beauséant và ông D’Ajuda Pinto; nhưng theo tư cách một người biết cư xử, ông De Beauséant luôn luôn từ giã hai người sau khi đã đem họ vào ngồi ở trường hát.

Ông D’Ajuda sắp kết hôn.

Ông sẽ cưới một tiểu thư dòng De Rochefide. Trong tất cả xã hội thượng lưu chỉ có một người không hay biết gì về cuộc hôn nhân này, người ấy là bà De Beauséant. Có vài người bạn bà cũng đã cho bà hay việc này một cách xa xôi; bà ta chỉ phì cười, cho rằng bạn hữu bà muốn phá rối cảnh hạnh phúc mà mọi người đều đố kỵ. Nhưng giấy báo hỷ sắp được công bố. Tuy anh chàng Bồ Đào Nha đẹp trai đến đề cao nữ bá tước hay về hôn nhân này, nhưng ông ta vẫn chưa dám ló ra một lời nào. Tại sao? Chắc hẳn vì đưa một tối hậu thơ như thế cho một người đàn bà cũng khó khăn lắm thay. Có người đứng trên đấu trường trước một kẻ đang hăm doạ trái tim mình với một cây gươm mà còn khoan khoái hơn đứng trước một phụ nữ làm bộ sắp chết và gọi thuốc cấp cứu, sau hai giờ than trách.

Vì vậy, trong lúc này D’Ajuda Pinto như ngồi trên gai, và muốn ra về, tự bảo rằng rồi nữ bá tước sẽ biết tin này, ông ta sẽ viết thơ, có lẽ sắp đặt cuộc mưu sát ái tình này bằng giấy mực tiện hơn là bằng lời nói. Lúc thằng bồi phòng cho hay có ông Eugène De Rastignac đến, nó làm ông D’Ajuda Pinto giật mình vì sung sướng. Ta phải biết, một người đàn bà đa tình còn khéo léo để tự gây những mối nghi ngờ hơn là làm thay đổi nhiều khoái lạc. Lúc nàng sắp bị rời bỏ, nàng đoán được ý nghĩa một cử chỉ còn lẹ hơn con ngựa của Virgile đánh hơi những vi thể tiên báo ái tình. Như vậy ta biết bà De Beauséant bắt chợp được cái giật mình vô ý, rất nhẹ nhàng nhưng ghê gớm một cách ngây thơ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx