Ông Ba Quốc kể : "Chuyện là như thế này. Một đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định đang hoạt động ở nội thành tên Huỳnh Kim Hiệp, là một tên phản Bội, làm tay sai cho địch. Nghề nghiệp công khai của hắn là thư ký bưu điện. Hiệp đã nhiều lần đến Sở Nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức cách mạng ở Sài Gòn. Trần Kim Tuyến giao cho tôi phụ trách vụ này.
Tôi được giao quản lý, khai thác Huỳnh Kim Hiệp. Hiệp trực tiếp báo cáo tình hình hằng ngày cho tôi, tôi trả lương cho hắn mỗi tháng 1.000 đồng. Trần Kim Tuyến cũng giao cho tôi 2 đội ngoại tuyến để theo dõi toàn Bộ hoạt động của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Hiệp báo tất cả danh sách đặc khu ủy, gồm bí thư và 9 đặc khu ủy viên, nơi ở và các hoạt động hằng ngày của họ . Tôi dùng 2 đội ngoại tuyến đi trinh sát theo dõi mọi hoạt động của đặc khu ủy. Đây là một vụ án đặc biệt, nên Ngô Đình Nhu trực tiếp theo dõi. Tôi phải làm báo cáo mọi diễn biến hằng ngày của từng thành viên đặc khu ủy trình lên Trần Kim Tuyến hoặc Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị xã hội Hoàng Ngọc Điệp để những người này báo cáo lên Ngô Đình Nhu...".
Đây quả là một vụ hết sức cam go. Chúng tôi hỏi: "Những người trong đặc khu ủy lúc đó đang ở đâu ?". Ông Quốc nói: "Ở trong nội thành Sài Gòn cả. Bí thư tên là Trình Văn Thanh, làm nghề sửa radio ở tiệm radio Nguyễn Văn Ba trên đường Nguyễn Trãi, còn 9 ông kia mỗi ông làm việc và ở mỗi nơi khác nhau, rải rác trong thành phố. Thông qua các đội ngoại tuyến tôi nắm chắc hết, cả lý lịch, hình ảnh, quy luật hoạt động...". "Ông có báo cáo lên cấp trên không ?". "Làm sao mà báo được. Không thể báo tin này về tổ chức của mình được, vì trước hết anh Ba Hội, người chỉ huy của tôi đã bị bắt, tôi không biết liên lạc với ai. Thứ nữa là địch theo dõi vụ này rất chặt, theo dõi từng chút một, tôi không thể và không có thì giờ tìm cách liên lạc, mà nếu tìm cách báo được thì chắc chắn mấy ông này đã bị bắt hết rồi. Vì vậy tôi phải tùy cơ ứng biến... Suốt trong thời gian theo dõi, tôi luôn luôn nghĩ cách tốt nhất để cứu những người này, nhưng tôi hoạt động đơn thương độc mã, nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra cách. Nếu để lộ thì tôi sẽ mất mạng. Mạng sống của tôi là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề là nếu tôi bị lộ thì chắc chắn những người kia sẽ bị tóm gọn, đó là chuyện lớn hơn nhiều...".
Giữa lúc cam go đó thì có một sự cố xảy ra, cũng hết sức nguy hiểm. Ông nhớ lại: "Khi tôi đang theo dõi vụ nàythì có một công văn bên Tổng nha Cảnh sát gửi sang Sở Nghiên cứu chính trị xã hội, kèm theo lệnh truy bắt một người có tên là Thọ ...". "Thọ là ai vậy ?". "Thọ là tôi chứ còn ai vào đây nữa... Câu chuyện là như thế này. Khi anh Ba Hội liên lạc với tôi trước đó, thỉnh thoảng chúng tôi có đến nhà một người tên là Tài Luy. Tài Luy làm tài xế bên Bộ Tư pháp. Những lần gặp Tài Luy, anh Ba Hội gọi tên tôi là Thọ . Lúc anh Ba Hội bị bắt thì Tài Luy cũng bị bắt luôn. Anh Ba Hội bị địch tra tấn vô cùng tàn bạo, nhưng anh vẫn kiên trung bất khuất, không những không khai báo mà còn không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào để địch có thể lần ra dấu tích của đồng đội. Đó cũng là niềm khích lệ rất lớn đối với tôi trong suốt cả đời hoạt động tình báo của mình. Nhưng Tài Luy thì khác. Anh ta đã khai ra tôi. Anh ấy khai người mang tên Thọ làm ở Tổng nha Cảnh sát kèm theo bản mô tả hình dáng, đúng là tôi. Tài Luy chỉ biết tôi tên là Thọ thôi, không biết tên khác. Bên tổng nha điều tra, căn cứ vào hình dáng, cũng nghi vấn, nên gửi công văn yêu cầu truy bắt...". "Lúc đó ông đối phó như thế nào ?". Ông kể tiếp: "Công văn đó gửi cho văn phòng, văn phòng đưa trực tiếp cho Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến giao hồ sơ đó cho tôi, bảo rằng: Anh điều tra xem đó là thằng nào ? Tôi bảo: Vâng...". "Rồi ông làm thế nào ?". Ông cười: "Tôi giao việc đó cho Phòng 1 của Sở Nghiên cứu chính trị , ém luôn bản mô tả về hình dáng, bảo họ điều tra có ai tên là Thọ từ tổng nha chuyển sang không. Sau khi thẩm tra hồ sơ, Phòng 1 bảo không có ai tên là Thọ từ tổng nha chuyển sang cả. Tôi báo lại cho Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến cũng tin như vậy, không yêu cầu điều tra thêm. Thế là tôi thoát nạn. Thật hú hồn...".
Trở lại vụ đặc khu ủy. Ông kể tiếp: "Sau 3 tháng theo dõi vụ án, Ngô Đình Nhu đột nhiên quyết định phá án. Kế hoạch hốt gọn đặc khu ủy được giao cho Giám đốc An ninh quân đội Nguyễn Văn Thăng. Tôi có nhiệm vụ theo dõi. Tôi phải bàn giao toàn Bộ hồ sơ, nhân dạng, địa điểm... của toàn Bộ các thành viên đặc khu ủy cho đại úy Nguyễn Văn Thăng để lực lượng An ninh quân đội tiến hành bắt. Kế hoạch phá án hết sức chặt chẽ và bí mật hoàn toàn. Đến nước này thì tôi đành phải liều...".
@by txiuqw4