Trước tình huống này, đúng là ông phải liều, không có cách nào khác. “Ông liều như thế nào ?”, chúng tôi hỏi. Ông kể : “Tôi phải bàn giao cho Giám đốc An ninh quân đội từng người một, bàn giao một cách cụ thể tên tuổi, địa chỉ , nhân dạng, anh này là bí thư, anh kia là đặc khu ủy viên... để nó bắt. Theo kế hoạch là ngày thứ Hai phải bắt. Tôi tính toán phải liều cứu cho được những người này, nên tôi bàn giao cho đại úy Thăng vào ngày thứ Sáu tuần trước. Đại úy Thăng và người của anh ta có 3 ngày để theo dõi, nghiên cứu địa hình ở tất cả những nơi có người của đặc khu ủy. Trong thời gian đó tôi cũng sẽ kịp thực hiện kế hoạch của tôi”.
“Ông có kế hoạch gì vậy ?”. Ông cười : “Kế hoạch là như thế này. Khi bàn giao xong đâu vào đó, tôi đến ngay tiệm radio Nguyễn Văn Ba trên đường Nguyễn Trãi, nơi ông Trình Văn Thanh đang làm nghề công khai. Tôi phải đến ngay lúc người của tôi đã chấm dứt việc theo dõi và người của đại úy Thăng chưa kịp triển khai kế hoạch theo dõi, như vậy mới bảo đảm an toàn. Lúc tôi đến, tôi thấy ông Thanh đang sửa radio bên trong. Tôi đã nhìn kỹ ảnh của ông nên biết ngay đây là Bí thư Đặc khu ủy. Tưởng tôi là khách hàng, ông hỏi tôi cần gì. Tôi không trả lời mà tranh thủ nói nhanh với ông : Thằng Huỳnh Kim Hiệp đã phản Bội. Sáng thứ Hai anh và toàn Bộ người của anh sẽ bị chúng bắt hết. Nói xong tôi đi ngay. Ra đường tôi ngoảnh lại thì thấy ông Thanh vẫn còn ngẩn người nhìn theo...”.
“Báo được tin cho ông Trình Văn Thanh ông còn lo lắng không ?”. “Tôi vừa yên tâm vừa lo lắng. Yên tâm là vì tôi biết nhận được tin đó ông Thanh và những người trong đặc khu ủy sẽ có cách thoát nạn. Tuy họ hoàn toàn không biết tôi là ai, nhưng chỉ riêng việc tôi báo cho họ tin đó thì họ phải biết là họ đã bị lộ, họ đang gặp nguy hiểm. Còn lo thì tất nhiên rồi. Khi kế hoạch phá án của Ngô Đình Nhu không thành công, chúng sẽ truy thông tin lộ từ đâu...”. Nhưng đó là chuyện sau này.
Và sau đây là việc “phá án”. Ông kể tiếp : “Sau 3 ngày theo dõi, sáng thứ Hai bọn chúng thực hiện việc bắt người. Từng nhóm được khai đến các địa điểm khác nhau. Nguyễn Văn Thăng dẫn một toán lính đến bắt ông Trình Văn Thanh. Tôi cùng đi với Thăng để theo dõi. Hai chiếc xe Jeep đậu núp sau hàng cây xế cử a tiệm Radio Nguyễn Văn Ba và 5 chiếc mô tô núp quanh đó chờ đợi. Mục đích của chúng là bắt cóc ông Thanh ngay trên đường để tránh “bứt dây động rừng”. Lúc đó tôi rất hồi hộ p, nhưng tất nhiên vẫn giữ được khuôn mặt bình thản. Đúng 7h30, tôi thấy ông Thanh lù lù dắt chiếc xe gắn máy từ tiệm Radio lên đường Nguyễn Trãi. Tôi hơi hốt hoảng, bụng bảo dạ: Thôi chết rồi, mình đã nói rõ như thế mà cha này tự dẫn thân vào miệng cọp. Nhưng một thoáng sau tôi lại nghĩ: Chắc là cha này kiêu. Nếu vậy thì cha này sẽ có cách.... Tôi dán mắt vào ông Thanh quan sát. Tôi thấy ông chống chân xe máy lên, đạp cho nổ máy. Cùng lúc đó hai chiếc xe Jeep và 5 chiếc mô tô cũng nổ máy. Ông cho xe nổ máy xong, nhìn lại phía sau nhếch mép cười, rồi chạy thẳng. Khi nhìn ông Thanh nhếch mếp cười, tôi nghĩ: chà chà... chắc là cha này có âm mưu gì rồi. Lập tức hai chiếc xe Jeep và toán mô tô của an ninh quân đội rượt theo. Tim tôi như đứng lại mặc dù tôi vẫn giữ vẻ bên ngoài hoàn toàn bình tĩnh. Ông Thanh chạy được một đoạn, đến chợ An Đông, loáng một cái ông nhắc xe lên vỉa hè. Hai chiếc xe Jeep và toán mô tô cứ thế rượt tới, thắng không kịp, lao ngay vào mấy chiếc xích lô. Lập tức, mấy anh xích lô và một đám đông dân chúng chặn xe của bọn an ninh quân đội lại, đòi bắt đền. Thừa cơ, ông Trình Văn Thanh chạy vào chợ An Đông trốn mất...”. “Còn 9 người kia thì sao ?”. “9 người kia cũng trốn luôn, chúng không bắt được ai cả. Vụ này tôi thấy lý thú quá”.
“Sau đó thì việc gì diễn ra ?”. “Để sổng những người kia, Ngô Đình Nhu lồng lộn lên. Sự việc nghiêm trọng tới mức Nguyễn Văn Thăng bị mất chức Giám đốc An ninh quân đội. Còn tôi thì vô can. Vì tôi đã bàn giao toàn Bộ cho An ninh quân đội, không còn trách nhiệmgì nữa”.
“Ông có biết Trình Văn Thanh là ai không ?”. “Không. Tôi chỉ biết ông ấy là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định lúc đó. Sau này tôi mới nghe nói đó là ông Nguyễn Văn Linh”. Chúng tôi giở lại lịch sử Đảng, thấy quả đúng là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định vào năm 1955 - 1957, là thời gian diễn ra sự kiện này.
Chúng tôi thắc mắc : “Lúc đó ông đã bàn giao toàn Bộ công việc cho An ninh quân đội nên về nguyên tắc thì ông không chịu trách nhiệm gì, nhưng Trần Kim Tuyến có nghi ngờ gì ông không ?”. Ông nói : “Trần Kim Tuyến không tỏ ra có chút nghi ngờ nào. Ngay sau vụ đó, bác sĩ Tuyến giao cho tôi 2 nhiệm vụ hết sức nguy hiểm : Ám sát ông hoàng Norodom Shihanouk và bắt 3 lãnh tụ Hòa Hảo...”.
@by txiuqw4