sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kỳ 15: Khu Vực Nhạy Cảm

Ông Ba Quốc có 6 người con, nhưng 2 người mang họ Trần còn 4 người ban đầu mang họ Nguyễn, sau đó 3 người đổi lại họ Trần, nhưng vẫn còn 1 người mang họ Nguyễn. Vì sao vậy? Đây là một câu chuyện rất dài và khá tế nhị của gia đình ông, như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu của thiên ký sựnày, ông không muốn "người ngoài" biết.

Nhưng khi đề cập đến các hoạt động của ông, nhất là về sau này, chúng tôi không thể không nhắc đến những người trong gia đình. Bởi vậy chúng tôi phải tìm hiểu, qua các tư liệu và qua những người thân của ông.

Còn nhớ lúc ông được cử vào Hà Nội hoạt động tình báo hồi chống Pháp, ông bảo ông vào với "danh nghĩa đi tìm vợ con bị thất lạc". Như vậy là lúc đó ông đã có vợ , có con và thực ra vợ con của ông không hề bị "thất lạc". Vợ ông, bà Phạm Thị Thanh, cũng là một chiến sĩ Việt Minh, cùng tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu với ông sau Cách mạng tháng Tám. Cho đến khi ông vào Nam, ông và bà Thanh đã có với nhau 2 người con. Nhưng ông đã vào Nam với một người vợ khác, đó là bà Ngô Thị Xuân. Đây là một câu chuyện nhạy cảm.

Ở phần đầu của thiên ký sự, chúng tôi có nhắc đến một nhân vật. Đó là người con rể của ông Đàm Y, chính người này đã đưa ông về nhà giới thiệu với bố vợ , để từ đó ông có điều kiện thâm nhập vào lòng địch. Người con rể của ông ĐàmY hiện nay còn sống và đang ở Sài Gòn. Chúng tôi đã tìm gặp được ông. Ông tên là Đặng Văn Hàm, năm nay đã 86 tuổi. Trước khi "vào thành" với ông Ba Quốc, ông Hàm cũng là một cán Bộ Việt Minh, làm Trưởng ty Thương binh tỉnh Ninh Bình. Khi vào Hà Nội lúc đó, ông Hàm vào làm ngành bưu điện để hoạt động cách mạng, năm 1954 ông cũng vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động, cũng làm trong ngành bưu điện. Ông đã về hưu từ nhiều năm nay, cấp hàm được công nhận là thiếu tá.

Ông Hàm kể : "Khi tôi đưa Ba Quốc về nhà bố vợ tôi, nhờ ông cụ giúp đỡ, che chở , ông cụ đã lo rất chu đáo. Ba Quốc đã ở luôn tại nhà ông cụ tôi, như người trong nhà, tôi và Ba Quốc như anh em ruột thịt. Sau đó ông cụ tôi đã xin cho Ba Quốc làm ở một đồn công an ở Bắc Ninh như các anh đã biết. Ở được một thời gian, Ba Quốc tự nhiên biến đi đâu mất. Tôi biết anh ta đi ra ngoài liên lạc với tổ chức của ta. Được một thời gian, lại quay về . Thấy nguy hiểm quá, tôi nói với ông cụ tôi: Bố ơi, bố làm thế nào lấp liếm chuyện này với tụi mật vụ cho thằng Tá. Mà các anh có biết tên Nguyễn Văn Tá là do ai đặt không? Là do chính tôi đặt cho Ba Quốc đấy. Tụi mật thám lại tin ông cụ tôi nên cho qua luôn...". Chúng tôi hỏi: "Ông ĐàmY có biết ông Ba Quốc là Việt Minh không?". Ông Hàm nói: "Sao không biết. Ông cụ tôi làm quận trưởng cho Pháp, nhưng ông biết tôi là Việt Minh, do đó cũng biết Ba Quốc là Việt Minh, khi giới thiệu Ba Quốc vào làm công an cho Pháp, ông cụ đã biết rồi". Ông Đàm Y đã mất một năm trước khi giải phóng, bà vợ ông hiện vẫn còn, nay đã già yếu. Chúng tôi được biết cơ quan tình báo quân đội hằng tháng vẫn dành một khoản trợ cấp cho bà, khoản trợ cấp tuy không nhiều nhưng đầy tình nghĩa.

Qua sự giới thiệu của người con rể và nhìn cách ăn ở thật thà tình nghĩa của ông Ba Quốc, gia đình ông ĐàmY rất thương yêu ông. Ông Đặng Văn Hàm xác nhận: "Anh ấy là người rất có tình có nghĩa, có trước có sau. Tuy sau này anh ấy đã trở thành một vịtướng, nhưng đối với mọi người anh ấy vẫn một mực thủy chung". Ông ĐàmY là bạn thân của bố bà Ngô Thị Xuân nên bà Xuân được vợ chồng ông ĐàmY coi như con cháu. Biết ông Ba Quốc "tìm vợ con thất lạc" không có kết quả, vợ chồng ông ĐàmY nhiều lần muốn làm mối bà Xuân cho ông, mục đích là muốn có được một người con rể tử tế như ông, vì vợ chồng ông ĐàmY thương bà Xuân như con ruột. Đến khi chuẩn bị di cư, gia đình ông ĐàmY lại đề cập đến chuyện đó với mong muốn ông Ba Quốc cùng gia đình ông bà vào Nam. Như chúng tôi đã đề cập, ông Ba Quốc cũng nhận lệnh vào Nam hoạt động, nhưng vấn đề gay cấn nhất là hồ sơ nghi vấn Việt Minh của ông vẫn còn chỗ cơ quan công an của địch. Nếu trở thành "người nhà" của ông ĐàmY thì việc xóa hồ sơ đó sẽ dễ dàng. Ông báo cáo với tổ chức, tổ chức đồng ý. Ông trao đổi với vợ ông là bà Phạm Thị Thanh, bà Thanh cũng đồng ý và mong cho ông hoàn thành nhiệm vụ . Vì vậy, ông lấy bà Xuân làm vợ và như đã biết, ông Đàm Y đã "làm trong sạch" lý lịch cho ông. Tất nhiên, để lấy bà Xuân làm vợ , việc ông có cảm tình với bà Xuân là lẽ đương nhiên.

Vì hoàn cảnh như thế cho nên ông có đến hai người vợ , một ở lại miền Bắc cùng với 2 người con và một cùng ông vào Nam, sau này có 4 người con (và một người con đầu đã mất từ nhỏ). Hồi đó hai bà vợ của ông không gặp nhau, nhưng ông Ba Quốc đã "làm trung gian" cho hai người trao đổi thư từ với nhau. Anh Nguyễn Vũ, con trai ông Ba Quốc (với bà Xuân) đã "tiết lộ" cho chúng tôi biết là ông Ba Quốc vẫn còn giữ một lá thư mà bà Thanh gửi cho bà Xuân, trong đó có câu: "Chị gửi anh Đức cho em chăm sóc".

Bây giờ bà Thanh không còn nữa, còn bà Xuân thì lo chăm sóc ông đang nằm trên giường bệnh. Sau giải phóng họ đã gặp nhau. Bà Ngô Thị Xuân nhớ lại: "Chị em chúng tôi gặp nhau vui vẻ lắm. Sau này mặc dù phận ai nấy lo làm ăn nhưng chúng tôi vẫn lui tới bình thường". Khi bà Thanh mất, bà Xuân bị bệnh không ra được, nhưng các con của bà đều ra đầy đủ, họ rất thương bà Thanh. Còn các con của bà Thanh cũng thương bà Xuân như là mẹ của mình.

Đó là sơ lược mấy nét về gia đình ông Ba Quốc. Họ đã được đoàn tụ sau giải phóng, nhưng suốt hơn 20 năm chiến tranh, mỗi người một hoàn cảnh, trong cách biệt hai miền, họ đã vì ông Ba Quốc mà chấp nhận một cuộc sống gian truân, nhiều khi rất nghiệt ngã...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx