Sau Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Thiệu sang Mỹ gặp Nixon, nhưng không được tiếp như một "quốc khách". Lúc về , Nguyễn Văn Thiệu chỉ trích Mỹ bỏ rơi mình. Đó là chưa kể ông ta đi một loạt nước châu Âu để vận động ủng hộ nhưng cũng bị các nước này khinh rẻ, nhiều nước coi Thiệu như tội phạm chiến tranh.
Lúc này Nguyễn Văn Thiệu thi hành chính sách phát - xít, ra lệnh cấm các đảng phái không có "phái lai" hoạt động, đảng phái nào muốn hoạt động phải dồn vào mặt trận ủng hộ Thiệu. Đây là cơ hội để đưa phong trào chống chiến tranh, đòi thi hành Hiệp định Paris lên cao.
Ông Ba Quốc một mặt vẫn giữ một chân trong "Mặt trận quốc gia xã hội" - mặt trận được lập ra để hậu thuẫn cho Nguyễn Văn Thiệu, mặt khác tiếp tục "sát cánh" với ông Nguyễn Văn, người của thượng tọa Thích Trí Quang để thúc đẩy phong trào Phật giáo phản chiến bùng lên. Ông kể : "Nhưng phong trào Phật giáo lúc đó gặp hai trở ngại chính. Thứ nhất là không có tiền, không có gạo. Tôi tính với ông Nguyễn Văn là muốn đưa phong trào lên thì phải tập trung cho được khoảng 600 tăng ni và khoảng 2.000 thanh niên sinh viên Phật tử. Ông Văn vận động với Hòa thượng Thích Trí Thủ cho tiến hành một cuộc lạc quyên toàn thể Phật tử mỗi người góp 1 đồng, nhưng vì mâu thuẫn trong Viện Hóa đạo nên cuộc lạc quyên này chưa thực hiện được. Cái khó thứ hai là sự cản trở của thượng tọa Thích Thiện Minh và Hoàng Văn Giàu. Với tư cách là bạn và là người giới thiệu Hoàng Văn Giàu viết bài trên tờ Lập Trường chống Nguyễn Văn Thiệu, tôi trực tiếp vận động thượng tọa Thích Thiện Minh và Hoàng Văn Giàu thay đổi thái độ đi theo con đường hòa bình chống chiến tranh, nhưng cũng không có kết quả, vì cả hai đều chủ trương không để Phật giáo bị "cộng sản hóa". Ông Nguyễn Văn bàn với một số thanh niên Phật tử gây áp lực với thượng tọa Thích Thiện Minh và Hoàng Văn Giàu để chiếm trụ sở Tổng vụ Thanh niên rồi phát động phong trào chống Thiệu. Tôi lại dàn xếp với ông Văn ngưng vụ này, vì làm như vậy có thể dẫn đến việc một số người trong Viện Hóa đạo quay sang hợp tác với chính quyền thì phong trào sẽ bị dập tắt ngay, mặt khác do tôi đã trực tiếp can thiệp, nếu để việc đổ bể tôi chắc rằng Nguyễn Văn Thiệu sẽ truy ra và không để tôi yên".
Đó là phía Phật giáo. Còn phía công giáo, ông Ba Quốc nói: "Lúc đó Mỹ rút quân nhanh ra khỏi miền Nam, vũ khí đạn dược, máy bay yểm trợ trên chiến trường bị cắt giảm mạnh. Quân đội Sài Gòn ngày càng hoang mang dao động. Về kinh tế, giá cả tăng vọt, giá xăng tăng từ 24 đồng lên 240 đồng/lít, nạn thất nghiệp gia tăng nhanh, đã có hiện tượng người dân bị chết đói ở miền Trung. Lúc đó ngay cả các thế lực chống cộng cực đoan trong Công giáo cũng không thể ngồi yên, họ phát động chiến dịch chống tham nhũng để chứng minh họ không liên quan đến trách nhiệm về sự thối nát của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Phát động phong trào này, họcòn nhằm tập hợp lực lượng để hậu thuẫn cho những người được mệnh danh là trong sạch trong hàng ngũ tướng tá trẻ, dọn đường cho những người này lật đổ Nguyễn Văn Thiệu để lên nắm chính quyền. Một trong những người khai sinh ra phong trào này đến gặp tôi, giới thiệu với tôi một giáo sư từ Mỹ về tên là Trần Văn Nam, bạn của Kissinger. Tôi đến gặp luật sư Trần Văn Tuyên để điều tra về người này nhưng chưa có kết quả thì một sự cố nghiêm trọng xảy ra...".
Ông Ba Quốc kể tiếp: "Đó là ngày 22/5/1974, tại địa điểm giao liên thường trực, tôi được báo tin một giao thông viên khi mang tài liệu trên đường đã bị bắt ở Suối Cụt vào ngày 20/5, tức là đúng vào ngày mà tôi giao tài liệu cho chuyến liên lạc trước. Ngày 23, tôi nhận được chỉ thị phải ra căn cứ gấp. Cấp trên cũng cho quy ước bắt liên lạc tại một rạp chiếu bóng ở Mỹ Tho vào các ngày lẻ25, 27, 29... Nhận được chỉ thị này tôi thấy rất tiếc là mình không được hoạt động cho đến ngày thắng lợi cuối cùng mà lúc bấy giờ đang là thời Kỳ hấp hối của địch. Hôm đó, tôi vẫn tìm hiểu tin tức ở Phủ Đặc ủy trung ương tình báo và Bộ Tổng tham mưu, nhưng không thấy động tĩnh gì hết. Buổi tối, tôi còn đến nhà luật sư Đặng Thị Tám trong nhóm của Trần Quốc Bửu gặp một người Israel đến theo lời mời của bà Tám để nghe người này trình bày về dự kiến thành lập làng Kibud (làng tổ chức theo kiểu Do Thái). Hôm sau, tôi lại nhà Vũ Văn Nho, Trưởng phòng 2 Bộ Tổng tham mưu. Ông Nho là chỗ bạn bè mà tôi thường hay lui tới để nắm tình hình. Vũ Văn Nho bảo với tôi: Trong Bộ Tổng tham mưu có phản gián của Việt cộng. Ông ta nói có lẽvì thấy ông ta là người chống cộng vào loại đáng sợ nên phản gián của Việt cộng muốn thanh toán ông ta bằng cách đưa tài liệu của ông ta ra cho chính An ninh bắt. Đại tướng Cao Văn Viên đã gọi ông ta tới Văn phòng, đập bàn hét: Tài liệu của Bộ Tổng tham mưu, Tổng tham mưu trưởng chưa đọc, mà Hà Nội đã đọc rồi! Cao Văn Viên nghi thủ phạm chính của vụ này là Vũ Văn Nho. Kể chuyện xong, Nho bảo với tôi: Hai bữa nữa anh lại đây tôi sẽ cho anh biết thủ phạm của vụ này là ai...".
Kỳ 26: Chống Mỹ 20 năm mới bắt đầu tập... đi chân đất
Ông Ba Quốc nhớ lại: "Nghe Vũ Văn Nho nói như vậy là sự việc đã về tới Bộ Tổng tham mưu, nhưng chúng chưa tìm ra được thủ phạm. Song chắc chắn chúng sẽ tìm ra tôi. Thực ra tài liệu đó là những Hồ sơ trận liệt do trung úy Vũ Văn Mùi đưa cho tôi chứ không phải từ Vũ Văn Nho.
Những tài liệu đó do ông Mùi in, cứ in được tới đâu giao cho tôi tới đó chứ không giao luôn một đợt, còn với Tổng tham mưu trưởng thì phải chờ in đủ một đợt mới trình lên, do vậy mà tài liệu tôi bao giờ cũng có trước ông Cao Văn Viên.
Tất nhiên ông Mùi không nghĩ tôi là Việt cộng, ông ta chỉ nghĩ tôi lấy tài liệu cho Phủ Đặc ủy trung ương tình báo thôi. Hằng tháng tôi trích một phần tiền lương của tôi để trả công cho ông ta. Khi biết bị lộ rồi, tôi tới báo tin cho ông Mùi rằng tôi bận đi miền Tây mấy ngày về vụ Hòa Hảo, dặn ông ta đừng mang tài liệu ra, đợi tôi về hẵng hay".
"Lúc đó ông đi ngay về căn cứ hay còn làm gì nữa ?", chúng tôi hỏi. Ông Ba Quốc: "Chưa. Tôi phải làm hai việc nữa. Thứ nhất là tôi đến gặp một số chính khách có thiện cảm với cách mạng, mục đích là để sau này móc nối làm việc. Đó là các ông Thái Lăng Nghiêm, nghị sĩ; Vũ Văn Vị, lãnh tụ Duy Tân; Phan Bá Cầm, lãnh tụ Dân chủ xã hội, Vương Ngọc Các, con rể nguyên Thủ tướng Lê Văn Hoạch; luật sư Trần Văn Tuyên; Nguyễn Văn, người của thượng tọa Trí Quang, Vũ Công Minh, dân biểu... Khi biết tôi là người của cách mạng, phản ứng của những người này rất có lợi cho dự kiến của tôi. Ông Thái Lăng Nghiêm nói: Cộng sản mà có anh thì cả nước này là cộng sản rồi còn gì. Các anh sẽ thắng ! Việc thứ hai là tối hôm đó tôi dặn vợ con tôi cách khai báo với địch. Trước hết khai rằng tôi báo với gia đình đi công tác 1 tháng. Cả nhà lớn nhỏ người nào thấy tôi làm gì từtrước đến nay đều khai hết và khai đúng sự thật, không giấu giếm bất cứ thứ gì, nhưng chỉ biết tôi làm cho Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, dứt khoát không nói biết tôi làm cho cách mạng". "Sau đó ông đi luôn ?". "Vẫn chưa. Sáng hôm sau tôi đến Phủ Đặc ủy làm việc bình thường. Đến một lúc, tôi dặn nhân viên của tôi có ai hỏi thì bảo tôi sang chỗ linh mục Hoàng Quỳnh và đi bằng xe của Hoàng Quỳnh đến đón. Dặn xong tôi mới đi đến địa điểm hẹn với giao thông. Sở dĩ tôi phải dặn như vậy là để đề phòng trường hợp tôi không đi được phải trở về. Và bữa đó không bắt được liên lạc, tôi phải trở về thật. Sáng ngày 27/5, tôi lại đến điểm liên lạc thường trực, gặp chị giao thông và chị đã đưa tôi tới Mỹ Tho. 9 giờ đã đến nơi rồi mà quy ước là 5 giờ chiều mới có liên lạc. Chúng tôi phải vào rạp xem ciné từ 9 giờ và ngồi xem mãi cho đến 5 giờ mới ra bắt liên lạc. Đến 8 giờ tối thì tôi được đưa về Cụm H67 (ông Ba Quốc thuộc Cụm Tình báo H67 của cơ quan tình báo miền). Tôi được nghỉ tại đây khoảng 1 tháng để ... tập đi chân đất, tập lội bùn, và về đến cơ quan tình báo miền sau 1 tháng 8 ngày bằng đường dây võ trang".
"Vì sao ông phải... tập đi ?". Ông Ba Quốc cười: "Suốt 20 năm hoạt động ở Sài Gòn tôi chưa ra vùng giải phóng lần nào. Lần đầu tiên ngỡ ngàng lắm, phải tập thì mới đi được chứ!".
Anh con trai của ông Ba Quốc kể : "Đợt chụp phim cuối cùng đó tôi còn nhớ, tôi chụp cái Hồ sơ trận liệt khoảng hơn 100 tờ, hết 4 cuộn phim, rồi chụp thêm 4 tờ giấy viết tay, rồi một bức thư nữa. Chụp xong, tôi đi đá banh... Mấy hôm sau, buổi chiều bố tôi về , tôi thấy ông có vẻ buồn. Tới tối, tôi nghe mẹ tôi nói: Bố bị lộ rồi. Hôm sau, trước khi đi bố tôi còn leo lên sửa lại mái nhà bị dột, dặn nếu có ai đến thì bảo bố không có nhà. Lúc đó ông Vũ Văn Mùi đến, gõ cửa hỏi : Anh Tá có nhà không ? Tôi bảo bố tôi không có nhà. Sau đó ông Mùi bị bắt. Bố tôi đi bỏ chiếc xe Vespa và khẩu súng ru - lô lại. Chiều hôm đó tôi bắt đầu thấy có hiện tượng nhà tôi bị theo dõi. Cư xá chúng tôi ở lúc đó phần nhiều là dân của Phủ Đặc ủy, nhìn họ ngó ngó nghiêng nghiêng là biết ngay. Mấy ngày sau, vào lúc 12 giờ đêm, khi còi vừa hụ giới nghiêm xong là họ ập vào nhà rất đông. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn nhưng cũng thấy rất hoảng vì họ đến đông quá. Họ bắt đầu xét nhà, toàn Bộ đồ đạc giấy tờ liên quan đến bố tôi đều bị họ dồn vào giữa nhà. Đến khoảng 4 giờ sáng họ xuống nhà xe lục tiếp và tịch thu chiếc xe, tịch thu súng. Đến 4 giờ 30 sáng họ về . Họ đi rồi mẹ tôi bảo: Thế nào chúng cũng quay lại bắt...".
Anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc kể tiếp: "Tôi có ba anh em. Tôi lúc đó chuẩn bị thi tú tài, anh trai tôi là sinh viên Đại học Phú Thọ , còn bé Hạnh, em gái tôi thì còn nhỏ. Trước khi đi, bố tôi bảo với tôi: Chúng sẽ bắt mẹ con và bắt một trong hai đứa, tức là bắt người chụp hình. Con cứ nói thật là con chụp, còn hai ngón tay in dấu trên phim cũng cứ nói thật là của bé Hạnh. Bố tôi dự đoán rất chính xác. Đến 6 giờ sáng, họ quay trở lại. Họ bảo bố tôi đang ở Phủ Đặc ủy, mời mẹ tôi và tôi lên gặp ổng. Xe chạy ra đến đường Trần Quang Khải thì họ đưa băng đen bịt mắt mẹ con tôi lại, khi đến nơi họ tách mẹ con tôi ra...".
@by txiuqw4