Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng càng tìm hiểu về Phạm Xuân Ẩn và đặt ông trong mối tương quan với các điệp viên hàng đầu trên thế giới, chúng tôi càng thấy kinh ngạc về tầm vóc của con người đã đạt đến "cảnh giới thượng thừa" trong nghề tình báo này.
1. Givral là một quán café rất đặc biệt. Mặt tiền của nó là một vòng cung trên góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi. Đối diện là nhà hát lớn Sài Gòn, nhìn chếch sang bên phải là khách sạn Caravelle, chếch sang bên trái là khách sạn Continental. Những bí ẩn trong quá khứ của quán café này tôi chắc bây giờ ngay cả chủ quán cũng không biết. Hồi chế độ cũ, đây là một trong những trung tâm của thời cuộc. Hằng ngày các chính khách, tướng lĩnh thường đến đây, các nhà báo trong và ngoài nước cũng đến săn tin tức, bởi vậy nơi đây cũng có mặt đủcác loại tình báo, từcác nhân viên Phủ Đặc ủy trung ương tình báo (chế độ Sài Gòn cũ) đến CIA, tình báo Anh, Pháp, Đài Loan... và cả "Việt cộng". Là một nhà báo nổi tiếng với những bình luận chính trị - quân sự sắc sảo và quen toàn "thứ dữ", Phạm Xuân Ẩn mặc nhiên trở thành "trung tâm" của quán café này. Chủ quán cũng dành riêng cho ông một bàn cố định. Buổi sáng, ông Ẩn dắt chó berger đến ngồi đó và... "chửi thề như bắp rang" (theo lời cựu dân biểu, chủ bút báo Tin Sáng Ngô Công Đức). Thỉnh thoảng có các cô gái đến ngồi với ông, đó là những "kỹ nữ", hễ bị cảnh sát rượt đuổi là "bám" vào ông như một chỗ dựa. Chuyện đó thành quen, đến mức người ta gọi luôn các cô gái đó bằng biệt danh là "bạn ông Ẩn"...
Givral dĩ nhiên nằm trong "tầm ngắm" của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Người của Phủ hằng ngày đến theo dõi, ghi âm những ai phát ngôn "có lợi cho cộng sản". Ông Ẩn có thể đoán được ai là "thân cộng" và thường âm thầm bảo vệ bằng cách nói to lên, lấn át tiếng nói của người đó. Kết quả là những cuốn băng ghi âm "những chuyện quan trọng" đều không nghe thấy gì ngoài tiếng nói của Phạm Xuân Ẩn. Những người chỉ huy của Phủ càu nhàu với ông, rằng ông cản trở công việc của họ . Ông chỉ cười, bảo: "Làm sao tôi biết mấy ông đến đó ghi âm".
Trước khi ký Hiệp định Paris, Phủ Đặc ủy dự đoán nếu thành lập Chính phủ 3 thành phần thì quán café này sẽ là nơi cần lắp đặt hệ thống thiết bị theo dõi đặc biệt, không thể dùng biện pháp "thủ công" được nữa. Khổ nỗi quán café đó là của tư nhân, Phủ không thể ngang nhiên đem thiết bị đến đặt trong nhà người ta. Họ tính chuyện phải mua lại quán café này thì mới làm được chuyện đó. Vấn đề là cần một người tin cậy ở ngoài Phủ đứng tên. Một hôm, một người chỉ huy của Phủ gặp ông Ẩn, nói rõ ý đồ đó và đề nghị vợ ông đứng tên chủ sở hữu quán café này. Ông Ẩn nói: "Nhà tôi không có vốn, lấy gì mà góp". Người kia nói: "Không cần góp vốn, tất cả tiền là của Phủ". "Nếu thế thì chia lãi như thế nào?". "Ông muốn thế nào cũng được, muốn lấy bao nhiêu thì lấy". Ông Ẩn bảo cách làm đó không sòng phẳng, nên dứt khoát từchối. Tôi hỏi ông vì sao người ta đề nghị ông chuyện đó, ông cười, bảo rằng chính ông là người đã "tham gia sáng lập" ra cái Phủ ấy (ông Ẩn được mời bàn bạc để lập ra cơ quan này), lâu nay họ vẫn coi ông là "người nhà". Sau đó họ cũng đã mua lại một nửa tiệm café này, bố trí làm một tiệm bánh mì, ai đứng tên thì ông không rõ. Và nhân việc sửa chữa toàn Bộ cái tiệm, Phủ đã thừa cơ lắp đặt một hệ thống thiết bị nghe trộm hiện đại ngay chính giữa tiệm café. Và hằng ngày thông tin nhận được đem về Phủ, vẫn không nghe được gì ngoài những tiếng chửi thề của ông Ẩn. Họ biết quá rõ tính cà rỡn của ông nên cứ"ngậm bồ hòn làm ngọt", tuyệt đối không nghi ngờ gì hết.
2. Là một nhà tình báo chiến lược, đồng thời là một nhà báo chuyên nghiệp, Phạm Xuân Ẩn bao giờ cũng có cái nhìn khách quan về đối phương. Hạ thấp trình độ của đối phương là đồng nghĩa với việc khinh suất trong chiến lược, chiến thuật mà hậu quả là tổn hao xương máu, điều đó cũng có thể vô tình hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của chúng ta.
Ông bảo rằng người Mỹ "chọn" Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống chế độ Sài Gòn làcó ý của họ . Chọn được Nguyễn Văn Thiệu, người Mỹ đã bảo vệ ông ta bằng mọi giá. Ông nói: "Họ ngăn tất cả các cuộc đảo chánh, vì muốn giữ Nguyễn Văn Thiệu đến phút cuối cùng. Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ông Graham Martin giỏi lắm, nhóm nào hơi động tĩnh là biết ngay, tìm cách ngăn các âm mưu đảo chánh từ trong trứng nước". Và cuối cùng, như mọi người đã biết, trước nguy cơ sụp đổ của Nguyễn Văn Thiệu, mặc dù Martin và người phụ trách CIA ở Sài Gòn tìm mọi cách để thuyết phục Quốc hội Mỹ không bỏ rơi Nguyễn Văn Thiệu, kể cả việc bưng bít thông tin tình báo, chỉ báo cáo những thông tin có lợi cho Nguyễn Văn Thiệu, nhưng mọi nỗ lực đều trở thành vô vọng. "Nguyễn Văn Thiệu đã chửi oan chính quyền Mỹ, thực ra họ đã cố gắng đến cùng.
26/4/1975, ngày mà Nguyễn Văn Thiệu di tản, người Mỹ đã ra lệnh ngưng mọi hoạt động quân sự và mọi cuộc di tản, tất cả các máy bay không được cất cánh trên bầu trời miền Nam để bảo đảm an toàn cho Thiệu. Mãi đến khi máy bay chở Thiệu ra khỏi không phận miền Nam, các sân bay mới được phép hoạt động trở lại".
Còn người đứng đầu chế độ Sài Gòn đánh giá như thế nào về Phạm Xuân Ẩn? "Phạm Xuân Ẩn là ký giả chống cộng số 1 của miền Nam", đó là lời Nguyễn Văn Thiệu, được trích dẫn trong cuốn sách của một tác giả người Việt viết về chiến tranh Việt Nam xuất bản ở Mỹ. Dĩ nhiên là "ký giả chống cộng số 1" này không bao giờ viết một bài nào chống cộng, dù là để ngụy trang che mắt đối phương. Và sau khi biết Phạm Xuân Ẩn là tình báo của "Việt cộng", chắc hẳn báo TIME đã kiểm tra lại tất cả những bài viết của Phạm Xuân Ẩn đăng trên báo này, người ta cũng không hề thấy Phạm Xuân Ẩn viết bất cứ điều gì làm tổn hại đến uy tín của báo TIME. Ông là một nhà báo chuyên nghiệp và chính trực. Ông đã tự vệ, đã "tàng hình" bằng sự chính trực đó.
3. Phạm Xuân Ẩn thích 3 con vật: chó, chim và cá. Ông yêu quý ba con vật đó như những người bạn. Mỗi con vật được ông nâng lên thành một triết lý. Nhiều bạn đọc biết đến "Người nuôi chó số1 Sài Gòn" Nguyễn Văn Lãng, người này cũng là người số 1 về nuôi cá cảnh. Ông Lãng quen biết với ông Ẩn từ những năm 1960, sự quen biết đó bắt đầu từ những con chó. "Ổng siêu đẳng hai thứ, vừa chó vừa chim", ông Lãng quả quyết, còn chuyện chơi cá của ông Ẩn thì ông Lãng coi không ra một "ký lô" nào. Ông coi trọng ông Ẩn là coi trọng hai thứ đó, mặc dù ông biết ông Ẩn là nhà báo Mỹ "chơi toàn với thứ dữ", tướng lĩnh, chính khách nào cũng thân quen. Hồi đó trên đường Hàm Nghi có một cái tiệm café - tiệm Chao Kuen, sáng nào "dân chơi chim chơi chó" cũng ngồi đó, ông Ẩn cũng thường ngồi đây từ 7h đến khoảng 8h30, đến 9h thì sang Givral hay Brodard ngồi với báo chí và chính khách. Ông chủ tiệm bánh mì Văn Lang giới thiệu ông Lãng đến tiệm café này tìm ông Ẩn. Ông Lãng bảo: "Tôi mua của ông Ẩn 1 con chó, 2 con chim". Con chó đó là con boxer, rất hiếm. Còn 2 con chim, đến bây giờ ông Lãng vẫn còn nhớ như in: "Đầu tiên là con chích chòe lửa. Con chim đó rất kỳ lạ, nó có thể hót được cả một đoạn dài bài Le pont de Kwai (Cầu sông Kwai), là bài hát nổi tiếng lúc bấy giờ , ông Ẩn dạy cho nó hót đó. Tôi thích con chim này quá, năn nỉ mãi, ổng thương tình nên để lại. Một thời gian sau, tôi thấy ổng có con sơn ca hay quá.
Giới chơi chim chuộng nhất là sơn ca, mà con sơn ca của ông Ẩn thì rất đặc biệt, nó hót một hơi đến 2 - 3 phút, vừa hót vừa múa, đặc biệt nhất là lông nó quắn chứ không phải mượt như những con khác, sơn ca chỉ duy nhất con này lông quắn thôi. Nói đến con chim Huế thì hồi đó dân chơi chim ai cũng biết, vì nó nguyên là của một ông thầy giáo người Huế, không biết sao ông Ẩn mua được. Nuôi chim sơn ca công phu lắm, phải nuôi từ lúc còn non thì mới dạy được, chim già rất khó dạy. Tôi lại năn nỉ, ổng không cầm được lòng, lại bán cho tôi. Ông Ẩn lúc nào cũng có chim, không có con này ổng lại tìm con khác. Có lần tôi thấy ổng mua một con chim xanh, đó là một loại chim rừng nuôi rất khó, nhưng ổng nuôi được, tiếng hót của nó lạ vô cùng".
Ông Lãng kể tiếp: "Chó cũng vậy, rời con này thì ổng có ngay con khác. Sau này ổng có một con berger, tên là King. Con chó này lúc đó là nhứt hạng. Ông Ẩn không cho ai biết xuất xứ, nhưng tôi chắc không phải của người Việt Nam. Con berger này hơi già một chút nhưng ligne (hình dáng) của nó thật oai dũng, màu lông rất đẹp, chân trước cao hơn chân sau, đuôi thẳng, thòng xuống, đuôi berger mà cong lên thì hổng có giá trị gì. Con chó đó hổng chê vào đâu được. Nuôi chim hay nuôi chó, ông Ẩn đều rất kén, không như những người khác gặp con nào nuôi con đó".
4. Để nói lên trình độ uyên bác của Phạm Xuân Ẩn, một cán Bộ chỉ huy tình báo lão thành từng là cấp trên của Phạm Xuân Ẩn kể : Sau giải phóng 30/4/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng (nguyên Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, sau này là Bộ trưởng Quốc phòng) vào Sài Gòn gặp Phạm Xuân Ẩn. Tướng Dũng đã nghe Phạm Xuân Ẩn nói chuyện về tình hình nội Bộ Mỹ - Thiệu từ sau trận Phước Long (1/1975). Nghe xong những đánh giá sắc sảo của ông Ẩn, tướng Dũng nói rằng nếu như gặp được Phạm Xuân Ẩn sớm hơn thì những tin tức mà ông Ẩn cung cấp "sẽ giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn".
Đó là giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Trong giai đoạn này, ông đã báo những tin tức hết sức quan trọng về các kế hoạch phòng thủ Sài Gòn, về việc Mỹ tìm cách thương thuyết để đi đến một giải pháp chính trị và khẳng định dứt khoát trong trường hợp quân đội Sài Gòn thua thì Mỹ sẽ không viện trợ quân sự, không đem quân trở lại tham chiến. Và ngay trong ngày vợ con ông phải "di tản" sang Mỹ, ông vẫn báo trước tin Nguyễn Văn Thiệu bị nội bộ ép phải từ chức. Những tin tức đó là vô cùng quan trọng, đã góp phần xác định quyết tâm và tập trung lực lượng để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Còn ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là điệp viên quan trọng cung cấp những tin tức chiến lược và các kế hoạch quân sự của đối phương. Ông đã gửi nguyên bản toàn bộ các kế hoạch về chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên thủ trưởng cơ quan tình báo miền kể rằng, khi tài liệu này được chuyển ra Hà Nội, Tổng bí thư Lê Duẩn đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là "chiến công có tầm cỡ quốc tế".
Và trong suốt cuộc chiến tranh, Tổng hành dinh kháng chiến "biết Mỹ " chủ yếu cũng thông qua ông Ẩn. Ông đã báo trước những thay đổi chiến lược, các kế hoạch quân sự hằng năm cùng các cuộc hành quân càn quét lớn, các chương trình bình định nông thôn, kế hoạchxây dựng biệt kích dù, các kế hoạch về tình báo, kế hoạch xây dựng quân đội Sài Gòn khi Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh... Ông còn báo trước thời điểm Mỹ rút quân khỏi Campuchia, kế hoạch tấn công Hạ Lào từ đường 9; báo trước âm mưu, ý đồ của Mỹ trong các cuộc bầu cử Tổng thống Sài Gòn, cảnh báo về âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu...
Khối lượng những tin tức tình báo đồ sộ bằng nguyên bản kèm theo những phân tích đánh giá sắc sảo mà Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho Tổng hành dinh kháng chiến trong suốt hơn 20 năm, theo chúng tôi, không có bất cứ điệp viên nào ở bất cứ thời đại nào trên thế giới có thể làm nổi. Ông làm những việc phi thường đó một cách hoàn hảo, ung dung tự tại và rất mực khiêm tốn. Không bao giờ nói đến những chiến công của mình, ông nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng "không nên tô vẽ", rằng ông chỉ là một khâu, một mắt xích bé nhỏ trong hệ thống tình báo của chúng ta, rằng thông tin tình báo dù chính xác đến đâu cũng chỉ có giá trị 50%, 50% còn lại là tài năng phân tích, xử lý của cấp trên.
Ông chỉ có một mục đích là vì nước vì dân, cả cuộc đời ông hiến dâng cho mục đích đó, nhưng ông không lấy mục đích biện minh cho phương tiện, ông dành cảcuộc đời để góp phần làm thất bại những mưu đồ của kẻ địch cướp đoạt đất nước mình, chống lại nhân dân mình chứ tuyệt đối không làm tổn hại đến cá nhân ai, dù người đó nằm trong hàng ngũ của đối phương. Ông không chỉ là một nhà tình báo vĩ đại mà cònlà một nhân cách lớn.
@by txiuqw4