Đôi lúc còn thấy ông là một chú bé mê chơi, mê nuôi thú vật, yêu trẻ con. Ông bảo ông không chịu được khi thấy nước mắt của phụ nữ và trẻ con. Nhà ông ở gần một cơ sở mà dạo trước người ta đến xin trẻ em làm con nuôi, chờ thủ tục. Đêm, ông nghe tiếng trẻ khóc, không sao ngủ được...
Cũng ở bệnh viện Quân đội 175, TP.HCM, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã nằm viện lần đầu tiên trong đời ông. Đó là năm 2003. Lúc đó bệnh tình đã nặng rồi. "Từ nhỏ đến lớn tôi không chịu nằm viện bao giờ , đây là lần đầu phải chịu".
Ông nói về bệnh tình với vẻ hài hước đặc sắc - điều làm quyến rũ mê say các nhà báo phương Tây - chất thông minh hóm hỉnh đã đi cùng ông trong cảnhững giây phút nghiêm trọng nhất.
"Tôi bảo: hôm đó 13, thứ 6. Mỗ dám đi theo Chúa Jesu lắm". Bác sỹ cười: "Còn nói vậy là chưa "đi" đâu". Ông cười với bạn bè, nói lý do vì sao mình chưa chết: "Chúa bảo: Khoan. Đủ 13 tông đồ rồi. Còn dưới âm phủ thì bảo: còn đông lắm, nhiều đứa lắm tội ác lắm, đang tra hỏi. Chưa nhận tiếp. Cậu xuống chúng tôi xử chưa kịp. Ở tạm trên đó đã". Rồi ông còn tự coi tướng theo sách nhân chủng học: Mặt dài. Sợ chết nên sống lâu.
Ông còn kể : "Có lần tôi đau ốm, một số tờ báo của Mỹ cử người qua xem chết chưa để đăng tin. Họ báo về toà soạn: Khoan viết. Chưa chết. Vẫn còn nói dóc".
Khi nói chuyện với ông Tổng Lãnh sự ThuỵĐiển về đề tài bỏ thuốc lá, ông vẫn đùa giỡn: "Ông hút 40 năm, phổi chỉ còn 3/4. Tôi hút 52 năm, phổi còn 1/4. Tôi hút 52 nămmà mới bỏ thuốc được 40 ngày. Ông mới hút 40 năm, bỏ chi vội cho uổng!".
Có ngờ đâu căn bệnh mà ông hài hước đó hôm nay là lý do để ông ra đi vĩnh viễn.
Đặc điểm hài hước của ông là dù khi "nói ngang" cũnglàm cho bạn bè mê thích. Nhiều khi bông đùa nhưng lại rất thật.
Một lần ông điện thoại cho tôi, nói về cuốn sách "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" của tôi: "Cách đây 10 phút, một người bạn ở Canada đọc cuốn sách, khen hay, nhưng sau đó chê: Sao viết ít quá. Lẽ ra phải có các cảnh sinh hoạt xã hội thời Sài Gòn trước 1975 đọc mới thú. Tôi bảo: Làm sao viết được! Bà này người Bắc, không ở Sài Gòn lúc đó, muốn viết phải tra cứu. Muốn tra cứu phải có tiền. Viết ra cuốn này, mỗi cuốn đem bán, bả được1 đô la 40 xu thôi, ông nội! Ông kia bảo: Ờ, thế thì chịu thật!".
Mà sao ông biết lắm chuyện thế ! Từ chuyện ông Tổng thống nọ lẹo tẹo, bị phu nhân cầm cái lọ ném vào mặt, người bảo vệ phải lao ra chộp lấy cái lọ "như chụp banh cà na". Từ chuyện thời sự, chính trị , kinh tế thế giới, chuyện phong tục tập quán, cho tới tại sao phụ nữ phải bịt mặt: Phụ nữ được làm ra từ ba yếu tố: con mèo (uốn éo ve vuốt), hoa thơm, và rắn độc. "Động vào nó là chết. Cho nên che mặt cho đàn ông khỏi theo".
Các ký giả Mỹ ngày trước đi xuống đồng bằng sông Cửu Long với ông hành nghề báo chí kinh ngạc thấy: "Tay này cái gì cũng biết, kể cả chèo thuyền, chèo ghe". Đám ký giả ấy mê những chuyện trên trời dưới đất của ông. Nó chứa rất nhiều hiểu biết, lại gây ra tiếng cười.
Bây giờ ông nằm xuống, không còn nụ cười, tiếng nói chuyện thân tình. Bạn bè bảo nhau: Thôi rồi, từ nay trở đi mất một chỗ lui tới chuyện trò vui cười, mất đi một cuốn từ điển sống về Sài Gòn - Nam Bộ . Nhiều chuyện không biết rõ bây giờ không biết hỏi ai như vẫn từng hỏi ông.
Hãy nghe bạn bè, nhà văn, nhà báo Mỹ nhận xét về ông: "Tướng Ẩn - một trong những nhân viên tình báo cộng sản bí mật gan dạ nhất ở Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ " (Henry Kamm). Cũng nhận xét của Henry khi gặp lại: "Giờ đây ông Ẩn còn yếu đuối hơn những ngày ông làm phóng viên. Một người yếu đuối cong xuống nhưng không dễ dàng bị đánh gục giống cái cây trong giông bão"... "Chính Ẩn là một minh chứng, một ẩn dụ về chiến tranh VN" (Pike)... "Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm: lòng trung thành với dân tộc, đất nước, và sự tận tuỵ với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một nước đã gây chiến với dân tộc mình" (Karnov Stanley)...
Cho dù nhiều người đánh giá ông bằng nhiều lời kính trọng, lớn lao, nhưng trong chúng tôi, vị Thiếu tướng này, như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Khải: "Khi tiếp xúc, không thấy ông có vẻ gì của nhà tình báo hay nhà báo bậc thầy hiểu biết, mà chỉ như một người anh, một người bạn".
Đôi lúc còn thấy ông là một chú bé mê chơi, mê nuôi thú vật, yêu trẻ con. Ông bảo ông không chịu được khi thấy nước mắt của phụ nữ và trẻ con. Nhà ông ở gần một cơ sở mà dạo trước người ta đến xin trẻ em làm con nuôi, chờ thủ tục. Đêm, ông nghe tiếng trẻ khóc, không sao ngủ được.
Những dòng kể lan man bất chợt này không sao nói hết được chất người Phạm Xuân Ẩn giàu nhân văn, giản dị, sống thực chất, nhẹ nhàng đi qua mọi vinh quang hiển hách.
Bây giờ thì ông đã vào viện lần thứ hai trong đời. Dù được cứu chữa thế nào, ông cũng không trở về ngôi nhà của mình nữa. Nơi ấy thường chứng kiến ông được vây bọc giữa rất nhiều bạn bè.
@by txiuqw4