sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

IX. Tính Tương Đối

DIMITRI: Vấn đề rắc rối ở cậu, Tasso ạ, là cậu nghĩ nhiều quá.

TASSO: So với ai?

DIMITRI: Ờ, so với lực sĩ Achilles.

TASSO: Thế so với Socrates thì sao?

DIMITRI: Ô kê, cậu lại thắng rồi. So với Socrates, thì cậu quá ngu.

CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI

Chân lý tương đối hay tuyệt đối?

Trang Tử, hiền triết Đạo gia cổ đại, tỉnh dậy từ một giấc mơ trong đó ông là một con bướm, hay là, ông tự hỏi, thật ra ông là một con bướm lúc này đang mơ mình là Trang Tử?

Trong thế giới phương Tây hiện đại, các triết gia bị ám ảnh bởi tính tương đối của cái biết đối với người biết. Như chúng ta đã biết, George Berkeley còn đi xa đến mức phát biểu rằng “vật thể” chỉ tồn tại tương đối với trí óc.

TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA THỜI GIAN

Có nhiều truyện cười minh họa tính tương đối của ý niệm thời gian. Chẳng hạn:

Một con ốc sên bị hai con rùa chẹn cổ ăn cướp. Khi cảnh sát hỏi nó đã xảy ra chuyện gì, nó nói, "Tôi không biết. Chúng nó nhanh quá."

Và đây, lại chính con ốc sên đó:

Có tiếng gõ, nhưng khi người phụ nữ ra mở cửa, thì chỉ thấy một con ốc sên. Bà ta nhặt nó lên ném qua sân. Hai tuần sau, lại có tiếng gõ của.

Người đàn bà ra mở, và lại thấy con ốc sên đó. Con ốc sên hỏi, "Có chuyện gì xảy ra vậy?"

Tính tương đối giữa thời gian hữu hạn và vĩnh hằng vẫn luôn là một chủ đề chính của tư duy triết học, và vì vậy, đương nhiên cũng là chủ đề chính của các tác giả hài hước:

Một người cầu nguyện chúa, "Lạy chúa, con xin hỏi người một câu hỏi."

Chúa đáp, "Được. Con nói đi."

"Thưa Chúa, có phải một triệu năm đối với Người chỉ là một giây thôi không?"

"Ừ, đúng đấy."

"Vâng, vậy thì một triệu đô la đối với Người?"

"Một triệu đô la đối với ta chỉ là một xu."

“A, vậy thì con xin Chúa," người ấy nói, "xin Người cho con một xu?"

"Được," Chúa nói. "Chờ một giây nhé."

Chúng tôi sẽ không xuất bản sách của ông,

Một tự truyện: Cuộc đời con phù du, vì sách chỉ có một trang.”

TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA CÁC THẾ GIỚI QUAN

Có vô khối truyện cười minh họa tính tương đối của các quan điểm khác nhau:

Một người Pháp bước vào quán rượu. Một con vẹt mặc bộ tuxedo đậu trên vai ông ta. Người pha rượu nói, "ô, trông ngộ quá ha, ông kiếm được nó ở đâu đấy?"

Con vẹt nói, "Ở Pháp. Ở bên đó có hàng triệu gã như gã này."

Nhà triết học Mỹ thế kỷ hai mươi W.V.O. Quine viết rằng tiếng mẹ đẻ xác định thế giới quan của chúng ta, chính nó tạo nên khuôn khổ mà chúng ta không thể vượt ra ngoài để nhìn thế giới dưới ánh sáng khác. Chúng ta không thể dịch chính xác sang ngôn ngữ của mình một thuật ngữ từ thứ tiếng xa lạ. Chúng ta có thể thấy một người nói ngôn ngữ khác thốt lên “gavagai” khi chỉ vào vật thể mà chúng ta vẫn gọi là “con thỏ”, nhưng chúng ta không chắc ý anh ta muốn nói đến “món thịt thỏ hầm” hay là “chuỗi tiến hóa thỏ” hoặc cái gì khác liên quan đến thỏ.

Hai người Do Thái vào ăn tối trong một tiệm cơm Tàu bán đồ chay. Anh hầu bàn người Hoa nói dăm câu với họ bằng tiếng Yiddish (Tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu.) trong khi họ xem thực đơn rồi sau đó nhận đặt món bằng tiếng Yiddish luôn. Khi ra về, hai người khách nói với người chủ tiệm Do Thái rằng thật là ngạc nhiên thú vị vì họ có thể nói chuyện với người hầu bàn bằng tiếng Yiddish.

"Suỵt, khẽ thôi," người chủ tiệm nói. "Hắn vẫn nghĩ là mình đang học tiếng Anh đấy."

Câu chuyện này minh họa chính xác quan niệm của Quine về các vấn đề căn bản của dịch. Anh hầu bàn người Hoa có thể ghép các từ Yiddish thành câu theo cùng một cách như những thực khách Do Thái. Tuy nhiên toàn bộ hiểu biết tiếng Yiddish của anh ta mắc một khuyết điểm trầm trọng: Anh ta nghĩ đó là tiếng Anh!

Thậm chí bản thân quan niệm về cái gì được coi là ngoại ngữ cũng mang tính chất tương đối với người nói. Hãy xem câu chuyện sau đây của giới thương mại quốc tế:

Một công ty đa quốc gia đăng quảng cáo tuyển thư ký. Một con chó giống Golden Retriever nộp đơn xin việc, đã qua được phần thử đánh máy, và được đưa vào phỏng vấn. Trưởng phòng nhân sự hỏi, "Mày có nói được ngoại ngữ nào không?"

Chó Golden Retriever trả lời, "Meo!"

Ở thời đại chúng ta, Michel Foucault tập trung vào một loại tính tương đối khác - tính tương đối của các giá trị văn hóa đối với quyền lực xã hội. Xã hội xác định các giá trị văn hóa của chúng ta, đặc biệt những gì chúng ta coi là tiêu chuẩn, và kiểm soát việc thực hiện chúng. Ai bị coi là mắc bệnh tâm thần? Ai xác định điều đó? Điều đó có ý nghĩa gì đối với những người bị xác định mắc bệnh tâm thần? Và có ý nghĩa đối với những người kiểm soát họ? Ai là người phải kiểm soát họ? Câu trả lời cho các câu hỏi này thay đổi tùy thời gian, khi thiết chế quyền lực trong xã hội thay đổi. Có thời, việc kiểm soát nằm trong tay giới tăng lữ, ở thời khác, trong tay các bác sĩ. Điều này thể hiện ngụ ý của xã hội về cách chữa trị cái gọi là bệnh tâm thần. Điểm cốt yếu là những giá trị chúng ta vẫn coi như vĩnh cửu và tuyệt đối thực ra chỉ mang tính tương đối trong dòng chảy liên tục của lịch sử, phụ thuộc vào việc quyền lực ở trong tay ai và được họ sử dụng như thế nào.

Pat: Milke này, tớ đang chạy xe trên đường cao tốc và gọi cho cậu bằng điện thoại di động mới đấy.

Mike: cẩn thận nhé, Pat. Radio vừa thông báo có một thằng khùng đang chạy ngược chiều trên đường cao tốc.

Pat: Một thằng khùng á? Mẹ kiếp, ở đây đang có hàng trăm thằng kia kìa!

Xét một cách thuần túy lí trí, thì Pat chính là thằng cha mà radio nhắc đến. Nhưng theo tương quan từ góc nhìn của anh ta, thì hàng trăm người khác mới chạy sai đường. Vậy tại sao câu chuyện trở thành hài hước, mà không chỉ là một minh họa thuần túy về sự va chạm của các quan điểm khác nhau? Bởi vì theo Foucault, nhà nước đã có luật quy định đi theo hướng nào là đúng.

Thêm một mối băn khoăn khác của các triết gia từ thời Plato là tính tương đối giữa các giá trị tạm thời và các giá trị vĩnh hẳng. Và lần nữa, vấn đề được đặt vào tầm ngắm của truyện cười:

Ngày xưa có một ông nhà giàu sắp chết, ông ta hết sức đau lòng vì phải chia lìa với đống tài sản đã khó nhọc cả đời mới kiếm được, nên chỉ ao ước có thể mang chúng theo lên Thiên đường. Bởi vậy, ông ta liền cầu nguyện để xin được phép mang theo một ít của cải.

Nghe thấy lời cầu xin đó, một thiên thần hiện ra trước ông ta. "Ta rất tiếc, nhưng ngươi không thể mang của cải theo." ông nhà giàu khẩn nài thiên thần hãy nói với Chúa để xem Ngài có thể uốn cong luật lệ một chút không.

Thiên thần lại hiện ra và thông báo rằng Chúa đã quyết định ban ngoại lệ và cho phép ông ta mang theo một chiếc vali. Quá vui mừng, ông ta lấy ra chiếc vali to nhất, nhét đầy những thỏi vàng ròng, và đặt nó bên cạnh giường.

Ít lâu sau, ông nhà giàu chết và xuất hiện trước cổng thiên đường. Thánh Peter nhìn chiếc vali và nói, "Dừng lại, ngươi không được mang cái đó vào đây!"

Ông nhà giàu bèn giải thích với Thánh Peter rằng ông ta đã được phép và xin Thánh hỏi lại Chúa. Lát sau, Thánh Peter quay trở lại và nói, "Ngươi nói đúng, ngươi được phép mang theo một túi xách, nhưng ta phải kiểm tra bên trong trước khi cho nó qua."

Thánh Peter mở vali để kiểm tra những của cải trần thế mà người kia thấy quá quý báu không nỡ bỏ lại, và thốt lên, "Nguơi mang theo đá lát đường à?"

TÍNH TƯƠNG ĐỐI TUYỆT ĐỐI

Nhiều sai lầm triết học nảy sinh từ việc nhìn nhận những chân lý tương đối như thể tuyệt đối. Thomas Jefferson, ảnh hưởng từ nhà triết học Anh John Locke, tuyên bố rằng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là “hiển nhiên”, có lẽ vì ông nghĩ chúng là những giá trị phổ quát và tuyệt đối. Nhưng điều này rõ ràng không phải là hiển nhiên đến mức như thế đối với một người từ nền văn hóa khác - ví dụ, một tín đồ Hồi giáo cực đoan coi mưu cầu hạnh phúc chính là bản tính của những kẻ dị giáo.

Cũng có thể có sai lầm ngược lại. Chúng ta có thể quy tính tương đối cho một thứ tuyệt đối.

Người gác trên một chiếc tàu chiến phát hiện ra có ánh sáng phía trước mũi tàu. Viên thuyền trưởng bảo anh ta đánh tín hiệu cho tàu kia. "Yêu cầu anh đổi hướng hai mươi độ ngay lập tức!"

Câu trả lời đáp lại, "Yêu cầu anh đổi hướng hai mươi độ ngay lập tức!"

Viên thuyền trưởng nổi cáu, ông ta đánh tín hiệu, "Tôi là thuyền trưởng. Chúng ta sắp đâm vào nhau. Hãy đổi hướng hai mươi độ ngay tức khắc!"

Câu trả lời đáp lại, "Tôi là thủy thủ binh nhì, tôi khẩn thiết yêu cầu ông thay đổi hướng tàu của ông đi hai mươi độ."

Lúc này viên thuyền trưởng giận điên người. Ông ta đánh tín hiệu, "Tôi là một tàu chiến!"

Câu trả lời nhận được, "Tôi là một hải đăng."

Lần tới hãy nghiền ngẫm các ý tưởng sâu sắc này về tính tương đối, khi bạn gọi món ăn Trung Hoa, hay nói đúng hơn là thứ mà người Trung Hoa gọi là món ăn.

DIMITRI: Vậy là, Tasso ạ, cậu có vẻ là một trong những gã cho rằng không có chân lý tuyệt đối, vì mọi chân lý đều tương đối.

TASSO: Cậu nói đúng.

DIMITRI: Cậu chắc chắn về điều đó chứ?

TASSO: Tuyệt đối.

X

SIÊU TRIẾT HỌC

DIMITRI: Giờ thì tôi mói thật hiểu rõ món này, Tasso ạ.

TASSO: Hiểu rõ cái gì?

DIMITRI: Triết học, tất nhiên rồi!

TASSO: Cậu gọi đây là triết học à?

Tiếp đầu ngữ meta (siêu), về cơ bản có nghĩa là “vượt ra khỏi và bao gồm tất cả những cái bên dưới”, bỗng nhiên xuất hiện khắp nơi trong diễn ngôn triết học, như trong siêu ngôn ngữ (metalanguage), một ngôn ngữ có thể dùng để mô tả ngôn ngữ. Hoặc trong siêu đạo đức, nó tìm hiểu các nguyên tắc đạo đức của chúng ta từ đâu mà ra, và chúng có ý nghĩa gì. Bởi vậy chỉ có siêu thời gian là cái duy nhất có trước khi xuất hiện siêu triết học.

Siêu triết học vật lộn với câu hỏi cấp bách, "Triết học là gì?” Có lẽ bạn nghĩ các nhà triết học hẳn phải biết câu trả lời cho câu hỏi rằng họ thực sự đang làm gì. Điều đó khiến bạn băn khoăn về lý do vì sao họ biết họ muốn trở thành nhà triết học lúc ban đầu. Chúng ta không bao giờ nghe thấy người thợ làm tóc hỏi “Làm tóc là gì?” Nếu người thợ làm tóc bây giờ không biết việc làm tóc là thế nào thì anh ta đã chọn nhầm nghề. Chắc chắn chúng ta không bao giờ muốn để anh ta bới tóc cho các bà vợ của mình.

Tuy nhiên, các nhà triết học hiện đại vẫn liên tục định nghĩa lại triết học. Ở thế kỷ hai mươi, Rudolf Carnap và các nhà thực chứng logic đã loại trừ khỏi triết học một mảng lớn khi tuyên bố siêu hình học vô nghĩa. Họ nói nhiệm vụ duy nhất của triết học là phân tích các mệnh đề khoa học. (Rudolf Carnap (1891 -1970), nhà triết học người Mỹ gốc Đức, ủng hộ thuyết thực chứng logic.)

Người cùng thời với Carnap, Ludwig Wittgenstein, cha đẻ của triết học ngôn ngữ thông thường, thậm chí còn đi xa hơn. Ông cho rằng cuốn sách lớn đầu tiên của mình đã khép lại lịch sử triết học, bởi vì ông đã chứng minh rằng tất cả những luận đề triết học là vô nghĩa, kể cả của chính ông. Ông tin rằng ông đã khép lại quyển sách về triết học đến mức chuyển sang làm giáo viên dạy tiểu học. Ít năm sau, ông lại mở cuốn sách triết học với quan niệm mới về mục đích của triết học - chỉ là trị liệu, không hơn không kém! Bằng tuyên bố ấy, Ludwig ngụ ý rẳng nếu chúng ta biết cách đơn giản hóa thứ ngôn ngữ rắc rối của mình, thì chúng ta tự chữa trị được nỗi buồn chán do những vấn đề triết học vô nghĩa gây ra.

Ngày nay, “các nhà logic tình thái” - các nhà logic học phân biệt giữa những mệnh đề có thể đúng và những mệnh đề tất yếu đúng - băn khoăn không biết các mệnh đề của họ rơi vào loại phạm trù nào. Còn với chúng ta thì tất cả có lẽ đều như siêu mệnh đề cả.

Chính trong truyền thống siêu triết học này chúng ta bắt gặp Seamus.

Seamus sắp sửa có cuộc hò hẹn đầu tiên, bèn xin lời khuyên từ anh trai, một tay sát gái. "Chỉ em cách nói chuyện với con gái thế nào đi."

"Đây là bí quyết," ông anh nói. "Các cô gái Ireland thích nói về ba thứ: thức ăn, gia đình và triết học. Nếu em hỏi một cô gái rằng cô ta thích ăn gì, có nghĩa là em tỏ ra quan tâm đến cô ấy. Nếu em hỏi cô ta về gia đình, thì chứng tỏ em là người có ý định nghiêm túc. Nếu bàn về triết học, chứng tỏ là em đánh giá cao trí thông minh của cô ta."

"Được! Cám ơn anh," Seamus nói. "Đồ ăn, gia đình, triết học, em chơi được."

Đêm ấy, Seamus gặp cô gái trẻ, cậu ta buột miệng, "Em có thích ăn bắp cải không?"

"Ồ, không," cô gái bối rối nói.

“Em có anh trai không?" Seamus hỏi.

"Không."

"Vậy ư? Thế nếu em có anh trai, thì liệu anh ấy có thích ăn bắp cải không?"

Đó là triết học đấy.

Luận đề nền tảng sâu xa của cuốn sách này lại một lần nữa đúng. Nếu có siêu triết học, ắt phải có siêu truyện cười.

Một người bán hàng lưu động đang chạy xe ở vùng nông thôn thì xe bị hỏng. Anh ta đi bộ nhiều dặm tới một ngôi nhà trang trại và hỏi xin chủ nhà cho ngủ nhờ qua đêm. "Được," chủ nhà nói. “Vợ tôi chết đã nhiều năm, hai đứa con gái tôi đứa hăm mốt đứa hăm ba, nhưng hai đứa đi học đại học cả, còn tôi thì ở nhà một mình, nên tôi có nhiều phòng cho anh."

Nghe vậy, người bán hàng quay đầu và đi bộ ngược trở lại đường cao tốc. Người nông dân gọi với theo, "Anh không nghe tôi nói gì à? Tôi có nhiều phòng."

"Tôi có nghe, nhưng tôi nghĩ tôi đã lạc vào nhầm truyện cười rồi."

Và, tất nhiên, một siêu truyện cười cho bạn:

Một người mù, một người đồng tính nữ và một con ếch bước vào một quán bar.

Người chủ quán nhìn họ và nói, "Cái gì đây-đùa nhau à?"

Còn cuối cùng, một siêu truyện cười động chạm chính trị. Cũng như siêu triết học cần đến các siêu triết gia để người ta có một số hiểu biết thế nào là triết học nói chung, siêu truyện cười cần những hiểu biết thế nào là truyện cười nói chung. Trong trường hợp này, là một truyện cười Ba Lan.

Một gã đàn ông bước vào một quán rượu đông người và tuyên bố gã có một truyện cười Ba Lan cực sốc để kể. Nhưng gã chưa kịp kể, ông chủ quán bar đã nói, "Từ từ nào, anh bạn. Tôi là người Ba Lan đấy."

Và gã kia nói, "ô kê, tôi sẽ kể rất, rất chậm thôi."

DIMITRI: Vậy là chúng ta đã bỏ cả buổi chiều để thảo luận về triết học và cậu thậm chí không biết triết học là gì?

TASSO: Vậy tại sao cậu còn hỏi?

TỔNG QUAN: MỘT KẾT LUẬN

Tasso cầm micro tại Câu lạc bộ Hài Acropolis.

TASSO: Nhưng, hoàn toàn nghiêm túc, thưa quý vị... Quý vị đã nghe nhà kinh nghiệm chủ nghĩa người Anh nói với vợ rằng nàng chẳng là cái gì khác ngoài một mớ dữ kiện cảm giác chưa?

“Ồ thế hả?” nàng nói. “Anh nghĩ cảm giác sẽ như thế nào khi tối tối lên giường với một người đàn ông không có ding an sich (vật tự thân)?”

Tôi không đùa đâu, tôi đã có vợ mười năm trước khi nhận ra rằng vợ tôi chỉ là sự tồn tại và không có bản thể. Ý tôi muốn nói đến sự tồn tại (esse) thực sự được tri giác(was percipi) của cô ấy.

Có chuyện gì thế, quý vị? Ở đây im ắng quá, quý vị có thể nghe thấy tiếng cây đổ trong rừng... ngay cả khi quý vị không ở đó! Schopenhauer đã nói sẽ có những đêm như đêm nay.

Bọn trẻ ngày nay hả? Hôm trước, thằng con tôi hỏi mượn chìa khóa xe của tôi, tôi bảo, “Con ạ, trong thế giới tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể này, con nên có xe riêng của con."

Nhưng nó nói, “Nhưng, ba ơi, đây đâu phải thế giới tốt nhất trong tất cả các thế giới có thể.”

Thế là tôi bảo, “Vậy thì về mà sống với mẹ mày!

Nhân tiện, có một chuyện buồn cười xảy ra trên đường tôi đến đây tối nay: Tôi đã bước vào cùng một dòng sông... hai lần.

Còn nữa, một hôm Plato và con thú mỏ vịt bước vào một quán bar. Gã đứng quầy ném cho triết gia cái nhìn chế nhạo, còn Plato đáp, “Tôi biết nói gì đây? Ở trong hang trông nó xinh đẹp hơn.”

DIMITRI (từ trong khán giả): Lôi hắn xuống đi!

THI CUỐI KHÓA

Sao nhỉ? Các bạn chưa lường đến việc này? Các bạn nghĩ tất cả chỉ để đùa chơi?

Vậy thì, hãy nghĩ lại đi, các bạn. Không có cái gì kết thúc nếu bạn chưa đi đến đích.

Tin vui là nó chỉ chiếm 35% điểm của các bạn. Tin buồn là nó chiếm 85% lòng tự tôn nói chung của các bạn.

Nhưng tin vui nhất là nếu bạn gửi bài thi của bạn đến website của chúng tôi, http:// platoandaplatypus.com/ và bạn nhận được một bằng danh dự cao nhất cho bài viết của bạn, chúng tôi sẽ gửi đến bạn phần thưởng là một chai retsina (vang Hy Lạp) có chữ ký của các tác giả hoặc một cốc nhỏ chứa độc cần do người thắng cuộc tự chọn.

Độc cần: Chất độc có thể đã giết chết nhà triết học Socrates.

Đề thi như sau:

Xem ba truyện cười sau. Dùng không quá ba mươi lăm từ cho mỗi câu chuyện, để mô tả quan điểm triết học hay trường phái tư tưởng mà chúng minh họa, và mô tả cách chúng minh họa. Gian lận tùy ý.

TRUYỆN CƯỜI SỐ 1: [XIN LỖI CÁC BẠN SARDAR CỦA CHÚNG TÔI]

Một gã Sardar đi du lịch bằng tàu hỏa. Gã cảm thấy buồn ngủ, nên đưa cho người ngồi đối diện hai mươi rupi để đánh thức gã dậy khi tàu đến ga của gã. Ngẫu nhiên anh chàng kia lại là một thợ cạo, và anh ta nghĩ với số tiền hai mươi rupi gã kia đáng được phục vụ nhiều hơn, nên khi gã Sardar đang ngủ, anh ta lặng lẽ cạo râu cho gã.

Tàu đến ga, người thợ cạo đánh thức gã Sardar dậy, gã xuống tàu và về nhà. Vừa bước vào toilet để rửa mặt, gã nhìn vào gương và gào lên.

"Có chuyện gì thế?" vợ gã hét lên hỏi.

Gã Sardar trả lời, "Thằng lừa đảo trên tàu lấy mất của tôi hai mươi rupi rồi đi đánh thức một người khác!"

TRUYỆN CƯỜI SỐ 2:

Ba gã cùng chết trong một tai nạn và lên thiên đường. Khi họ đến nơi, Thánh Peter nói, "ở đây, trên thiên đường này chỉ có một quy tắc duy nhất: không đuợc giẫm vào lũ vịt."

Thế rồi họ đi vào thiên đường, quả tình, đâu đâu cũng thấy toàn vịt là vịt. Hầu như không thể đi một bước mà không giẫm phải một con vịt. Mặc dù họ đã hết sức cố tránh giẫm vào chúng, gã đầu tiên bất ngờ đạp trúng một con.

Thánh Peter lập tức hiện ra cùng với một người đàn bà xấu xí nhất mà gã kia từng nhìn thấy. Thánh Peter xích họ lại với nhau và bảo, "Hình phạt của ngươi vì đã giẫm lên vịt là sẽ vĩnh viễn bị xích với người đàn bà xấu xí này!"

Hôm sau, gã thứ hai lại vô tình giẫm trúng một con vịt, Thánh Peter lại hiện ra, và cùng với ngài là một người đàn bà cực kỳ xấu xí khác. Ngài xích họ lại với nhau với cùng hình phạt: họ bị buộc với nhau vĩnh viễn.

Gã thứ ba đã chứng kiến tất cả cảnh ấy và không muốn bị xích vĩnh viễn vào một người đàn bà xấu, nên rất, rất cẩn thận khi bước đi. Gã đã cố đi được một tháng mà không giẫm phải con vịt nào, nhưng một hôm Thánh Peter đến trước gã với một người đàn bà đẹp lộng lẫy mà gã chưa từng trông thấy, một cô gái tóc vàng hoe cao ráo, đẫy đà, và sexy. Thánh Peter xích họ lại với nhau mà không nói một lời. Gã trai băn khoăn: "Tôi tự hỏi mình đã làm gì để xứng đáng được xích cùng với nàng đến vĩnh cửu?"

Người phụ nữ đáp: “Tôi không biết anh, nhưng tôi đã giẫm phải một con vịt.”

TRUYỆN CƯỜI SỐ 3:

Một người đàn ông đang lái xe xuôi theo một con đường.

Một phụ nữ lái xe chạy ngược lên cũng trên con đường đó.

Họ đi qua nhau.

Người phụ nữ hét lên qua cửa xe, "Lợn!"

Người đàn ông hét lại, "Chó cái!"

Người đàn ông quay đầu xe ở khúc cua kế tiếp, đụng phải một con lợn to tướng nằm ngay giữa đường, và chết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx