Hôm sau, Beck nhận được tin Albert DeSalvo thú nhận mình là sát thủ bóp cổ. Cô không sao tin được điều đó. Cô cho rằng DeSalvo làm vậy chỉ để biến mình thành quan trọng trước người khác, không chừng một tờ báo nào đó đã trả tiền để chồng cô tuyên bố như vậy cũng nên.
Vài tháng trước khi bị đưa tới Bệnh viện Bridgewater, DeSalvo hỏi luật sư của mình, Jon Asgiersson: “Ông nghĩ sao nếu được ai đó cho rằng ông đã tham gia vào vụ án lớn nhất thế kỷ?”.
- Có phải anh định nói tới vụ sát thủ bóp cổ không?
- Đúng vậy.
- Anh có tham gia vụ nào trong mấy vụ giết người đó không?
- Tôi làm tất cả các vụ đó - DeSalvo trả lời.
Không rõ lời DeSalvo nói thực hư thế nào, song Asgiersson hiểu rằng, thân chủ của mình muốn kiếm chút tiền cho gia đình - những đồng tiền có được khi "tiết lộ" thông tin giật gân về vụ án khủng khiếp này. Asgiersson thực sự lo lắng; ông cho rằng hình như DeSalvo bị điên.
Trong khi đó, DeSalvo bị giải tới Bridgewater và giam cùng phòng với George Nassar. Cả hai đã bàn bạc về khoản tiền thưởng cho thông tin giúp phá vụ án "sát thủ bóp cổ". Nassar và DeSalvo cho rằng, với mỗi một vụ trong seri vụ án nổi tiếng đó, người cung cấp thông tin sẽ được thưởng 10.000 USD. 11 nạn nhân có nghĩa là 110.000 USD. Nếu nhận tội thì họ có thể chia nhau số tiền nói trên.
DeSalvo biết rằng nếu nhận tội, anh ta sẽ bị tử hình. Nhưng anh ta lại vin vào thực tế rằng suốt 17 năm trước đó, bang Massachusetts chưa có ai bị tử hình. Thêm vào đó, DeSalvo tin là hoàn toàn có thể thuyết phục các bác sĩ tâm thần rằng anh ta bị thần kinh, và vì thế tòa sẽ không áp dụng án tử hình. Anh ta sẽ được sống tới cuối đời ở một bệnh viện nào đó.
Giải pháp này không tồi, nếu so sánh với các lựa chọn khác. Đặc biệt là khi anh ta không còn phải lo kiếm tiền nữa.
F. Lee Bailey, lúc đó là luật sư bào chữa cho George Nassar, biết được quyết định của DeSalvo. Ngày 6/3/1965, ông tới gặp anh ta. Trong buổi nói chuyện (được ghi âm), DeSalvo không những khẳng định chính mình giết 11 người, mà còn thú nhận đã sát hại 2 phụ nữ là Mary Brown (trú tại Lawrence) và một phụ nữ lớn tuổi khác (chết vì đau tim trước khi bị anh ta bóp cổ).
Sau này, trong một bài báo, luật sư F. Lee Bailey đã kể về cảm nghĩ khi nói chuyện với DeSalvo: “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất về DeSalvo trong cuộc gặp gỡ đầu tiên là anh ta tỏ ra lịch sự và có giáo dục. Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta, thận trọng đánh giá xem người ngồi đó có phải là tên sát thủ bóp cổ thực hay không, và tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ. Còn DeSalvo, đôi khi anh ta nhìn xuống như thể ngượng ngập vì một điều gì đó”.
Lúc nhận tội, DeSalvo 33 tuổi, cao khoảng 1,8 m, có đôi vai rộng và thân hình vạm vỡ. Anh ta tâm sự khá thẳng thắn: “Tôi biết mình sẽ phải ngồi tù đến cuối đời hoặc bị giam giữ ở đâu đó, chứ không phải chỉ ở bệnh viện này. Nhưng nếu tôi được nói chuyện về cuộc đời mình cho một người nào đó để họ viết lại thì tôi sẽ kiếm được tiền cho gia đình mình”.
Luật sư Bailey tin rằng có cách nào đó cho phép DeSalvo nhận tội mà không bị tử hình. Nhưng điều đầu tiên mà ông khẳng định trong tâm trí là nếu DeSalvo thực sự có tội thì ông sẽ tìm mọi cách để tình trạng của anh ta không xấu hơn nữa. Bailey thông báo cho trung sĩ Donovan là đã tìm ra kẻ tình nghi. Ông đề nghị Donovan gợi ý vài câu hỏi để ông có thể thẩm tra xem kẻ đó có phải sát thủ bóp cổ thật không.
Ngày 6/3/1965, với chiếc máy ghi âm trong người, Bailey tới thăm DeSalvo lần thứ hai. DeSalvo cho biết, thám tử DiNatale của ban chuyên án sát thủ bóp cổ Boston đã đột nhiên trở nên quan tâm và lấy dấu vân tay anh ta vào hôm trước đó. Bailey biết rằng mình phải hành động thật nhanh để bảo vệ thân chủ của mình.
Sau này, viên luật sư kể lại: “...Tôi hầu như chắc chắn rằng người ngồi trước mặt mình trong căn phòng âm u đó là sát thủ bóp cổ ở thành Boston. Bất kỳ ai có kinh nghiệm trong điều tra tội phạm đều có thể phân biệt sự khác nhau giữa một người nói chuyện về cuộc đời thực của mình và một người kể câu chuyện được anh ta thêu dệt lên hoặc do người khác “gà” cho. DeSalvo cho tôi cái cảm giác rằng anh ta đang nói chuyện rất thật. Anh ta không cân nhắc, lựa chọn từ ngữ, mà chỉ vận dụng đầu óc để nhớ lại những khung cảnh bản thân đã thực sự trải qua. Anh ta nói tới các chi tiết sắp xếp theo thứ tự, về màu của những tấm thảm, về bức ảnh trên tường, về một thứ đồ gỗ trong căn phòng đó. Và rồi, như thể ta đang xem một cuốn phim video, anh ta miêu tả chính xác những gì đã xảy ra, vô cảm như thể nói về việc đi siêu thị mua hàng”.
Dưới đây là bản khai của DeSalvo về vụ tấn công bà Ida Irga vào tháng 8/1962.
“Tôi nói với Irga rằng mình muốn sửa chữa vài thứ trong căn hộ. Bà không tin tôi vì lúc đó đã có tin đồn về những vụ giết người liên tiếp xảy ra. Bà không muốn cho người lạ vào căn hộ của mình. Tôi nói ngắn gọn rằng, nếu bà ta không tin thì tôi sẽ trở lại vào ngày hôm sau. Sau đó tôi bước xuống thang và bà ta nói: Thôi được rồi, anh vào đi . Chúng tôi đi vào phòng ngủ. Tôi nói rằng có vài vết nứt bắt đầu xuất hiện trên tường. Irga quay lưng lại, tôi bèn đặt tay lên lưng bà ta...”.
Theo yêu cầu của Bailey, DeSalvo miêu tả chính xác vị trí phòng ngủ của căn hộ so với vị trí cửa vào:
“Tôi nhớ là mình đã đi qua phòng khách, phòng bếp rồi tới phòng ngủ. Trước phòng ngủ là bếp, và phòng ngủ ở cuối hành lang. Giường ngủ màu trắng. Giường không gọn gàng, có thể lúc tôi đến bà ta đang dọn. Có một chạn bát đĩa ở đó và khi tôi mở các ngăn kéo tủ ra thì chẳng thấy có gì ở bên trong, chẳng có gì hết. Rồi khi tôi nắm lấy cổ bà ta...".
Bailey hỏi có phải anh ta tóm lấy bà từ phía sau hay không?
"Đúng vậy, tôi thấy có máu chảy ra khỏi tai Irga, máu đỏ thẫm ứa ra từ tai phải. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ấy. Sau đó... tôi nghĩ rằng có một bộ bàn ghế trong phòng ăn, một bộ bàn ghế màu sẫm, và một cái ghế nâu sẫm gần đó, tôi nhớ mình đã để xác bà ta lên một cái ghế, hai chân đặt trên hai chiếc ghế…".
Bailey hỏi tại sao anh ta lại tấn công một phụ nữ lớn tuổi như vậy?
“Không phải vì bà ta hấp dẫn. Bà ta là một phụ nữ. Thế là quá đủ đối với tôi”.
Sau đó, DeSalvo miêu tả anh ta đã tấn công Sophie Clark, cô sinh viên 22 tuổi, vào tháng 12/1962 như thế nào:
“Cô ta cao, đẹp, thân hình gợi cảm, mặc một cái áo ngủ mỏng dính. Tôi đoán các số đo của cô ấy khoảng 91-60-93. Cô ta rất đẹp…
Căn hộ có một cái cửa màu vàng nhạt... và cô ta không muốn cho tôi vào, vì lúc đó không có bạn ở trong phòng. Tôi nói, tôi có thể giới thiệu Clark làm người mẫu và tôi sẽ trả lương trong khoảng 20-35 USD/giờ nếu cô ta đồng ý.
...Ở đó có một chiếc giường tương tự như một chiếc ghế bành lớn, trên có những chiếc gối nhỏ nhiều màu. Phủ trên cùng là một tấm vải màu tím hoặc màu đen gì đó”.
Nhiều chi tiết mà DeSalvo miêu tả có thể kiểm tra được tại hiện trường vụ án. Bailey yêu cầu trung sĩ Donovan và trung sĩ Sherry tới văn phòng của ông để nghe cuộn băng. Tuy nhiên, ông bật cuộn băng với nhiều tốc độ khác nhau để hai người không thể nhận ra giọng của DeSalvo.
Hai viên thám tử lắng nghe rất kỹ đoạn băng miêu tả vụ tấn công Sophie Clark. Đầu tiên, kẻ tự thú kể lại cách mình định giao hợp với Sophie. Hắn đi khắp phòng để tìm một chiếc tất chân làm nơ buộc quanh cổ cô. Hắn làm rơi một hộp thuốc lá xuống sàn... Nghe tới đó, Sherry vội lấy những tấm ảnh về hiện trường vụ án và xác nhận rằng DeSalvo đã tả rất chính xác.
Cảnh sát trưởng McNamara, tiến sĩ Ames Robey, nhà tâm lý học Bridgewater được mời tới để hỏi ý kiến. Sau khi nói chuyện với DeSalvo, Bailey đề nghị hắn chấp nhận hợp tác với cảnh sát và tham gia một cuộc thử nghiệm với máy phát hiện nói dối. Trước đó, họ cũng phải hỏi ý kiến của John Bottomly, người đứng đầu ban điều tra sát thủ bóp cổ Boston.
Cuối cùng, những người thực thi pháp luật đã rơi vào một cuộc tranh cãi. Bailey tìm mọi cách để tránh cho thân chủ của mình hình phạt xử tử, trong khi đó chưởng lý Brooke muốn giữ quyền kiểm soát cuộc điều tra. Giờ đây, vụ này đã trở nên quá quan trọng với Brooke vì ông đang tham gia tranh cử thượng nghị sĩ trước khi về hưu. Việc chỉ đạo thành công cuộc điều tra vụ sát thủ Boston hiển nhiên sẽ đem lại cho ông thành công vang dội trong quá trình tranh cử.
Việc quan trọng nhất ngay sau đó là phải thẩm vấn DeSalvo về tất cả các vụ giết người và tìm hiểu từng chi tiết trong lời thú tội của anh ta. Cuối cùng, vào ngày 29/9/1965, quá trình điều tra đã hoàn thành. Các cuộn băng thẩm vấn dài tới 50 tiếng, in ra được 2.000 trang tài liệu. Trong khi các điều tra viên kiểm tra lại những chi tiết trong lời khai của DeSalvo, thì Brooke, Bottomly và Bailey tập trung vào phác thảo những nguyên tắc cho quá trình điều tra tiếp theo.
Những mối nghi ngờ ban đầu rằng DeSalvo chính là sát thủ bóp cổ dần dần được khẳng định là có cơ sở.
Rất nhiều chi tiết do DeSalvo cung cấp miêu tả chính xác các vụ giết người đã xảy ra. Hắn biết rõ có một cuốn sổ ghi chép để ở dưới giường của nạn nhân thứ 8, Beverly Samans. Hắn cũng biết cửa ra vào ở nhà Patricia Bissette có treo một chiếc chuông Giáng sinh. Hắn vẽ rõ ràng từng phần của các căn hộ và cho biết đã lấy một chiếc áo mưa trong căn hộ của Anna Sleser để mặc ra ngoài sơ mi, vì hắn đã cởi bỏ chiếc áo ngoài bị dính máu của mình. Các thám tử phát hiện, bà Sleser mua hai cái áo mưa giống hệt nhau và đã cho đi một chiếc, giữ lại một. Họ đưa ra trước DeSalvo 14 áo mưa khác nhau, và hắn chọn đúng chiếc mà bà Sleser đã mua.
DeSalvo miêu tả vụ tấn công một cô gái người Đan Mạch trong một căn hộ ở Boston. Hắn đã nói chuyện và thuyết phục cô để cho hắn vào nhà. Khi hắn đặt hai tay xung quanh cổ cô và chuẩn bị xiết lại thì đột nhiên hắn nhìn vào một tấm gương lớn. Hắn thấy cảnh mình sắp giết người và cảnh đó làm hắn kinh hoảng. Thần kinh như dịu xuống, DeSalvo bắt đầu khóc. Hắn hối lỗi và xin cô gái đừng báo cho cảnh sát, nói dối rằng nếu mẹ hắn biết chuyện này thì sẽ không cho hắn đi học đại học tiếp. Và cô gái đã tin lời hắn, cô không báo chuyện đó cho cảnh sát. Không khó khăn gì cho thám tử DiNatale sau đó trong việc tìm kiếm cô gái Đan Mạch. Cô vẫn nhớ rất rõ mọi chuyện.
Cuối cùng, ban điều tra sát thủ bóp cổ ở Boston đã đưa ra kết luận rằng Albert DeSalvo chính là tên bóp cổ.
Giờ đây, vấn đề còn lại là làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của kẻ thú tội mà vẫn đáp ứng hợp lý yêu cầu trừng phạt của công luận đối với kẻ đã gây ra những vụ giết người khủng khiếp này.
@by txiuqw4