sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 02

Phản xạ của trẻ sơ sinh:

Nếu bạn

• Chạm vào sống mũi hay lấy đèn soi vào mặt trẻ;

• Sờ mạnh, bế mạnh trẻ lên hoặc nói to;

• Duỗi thẳng cánh tay của trẻ ra;

• Ấn nhẹ vào lòng bàn chân;

• Bế đứng trẻ lên cho chân chạm đất;

• Bế trẻ giống như dáng ngồi;

• Cho trẻ nằm sấp xuống mặt phẳng;

• Bế trẻ lên với tư thế nằm sấp giống như cho trẻ bơi;

• Ðặt nằm ngửa và đầu trẻ nghiêng sang một bên;

• Chạm mạnh vào lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân;

• Gõ nhẹ vào đầu ngón chân hay đầu ngón tay trẻ;

• Gõ nhẹ vào bàn chân trẻ;

• Chạm nhanh vào môi trên của trẻ;

• Chạm vào má hay miệng trẻ;

• Treo đồ chơi phía trên miệng hoặc mũi trẻ;

• Chạm mạnh vào đùi và phần trên cơ thể;

• Bế trẻ lên cho nghiêng sang trái rồi sang phải;

• Cầm chân và dốc đầu trẻ xuống;

trẻ sẽ

• nhắm chặt mắt.

• ngửa đầu về đằng sau và cổ thẳng ra, chân và tay dang ra (phản xạ Moro).

• ngay lập tức cánh tay gập lại.

• sẽ gập chân và đầu gối vào.

• hai chân sẽ làm giống như đang bước đi.

• cố gắng giữ thẳng đầu (nhưng không thành công).

• trẻ sẽ quay đầu sang một phía và cố gắng ngóc đầu lên.

• chuyển động tay chân giống như người đang bơi.

• co người theo hướng mắt nhìn, tay phía đó sẽ duỗi ra còn tay và chân của bên kia sẽ co vào (phản xạ Tonic)[3].

• rụt chân tay lại, ngón tay ngón chân co lại như muốn cầm nắm đồ vật.

• co chân tay vào giống như đang cầm nắm đồ vật.

• các ngón chân sẽ xoè ra, ngón cái giơ lên.

• bĩu môi trên ra.

• môi chìa ra, đầu quay theo hoặc há miệng giống đang bú sữa.

• miệng sẽ động đậy, lắc đầu khua tay.

• một bên chân hoặc tay sẽ rụt lại hoặc gạt tay của bạn ra.

• đầu sẽ quay đi, mắt sẽ nhìn sang phía được nghiêng sang.

• cong người lại nhưng chân thì duỗi ra, tay thả lỏng xuống phía dưới, cổ ngửa. về phía sau.

[3] Phản xạ Tonic hay còn gọi là phản ứng phòng vệ khi bị xoay vùng cổ. Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa rồi xoay vùng cổ của trẻ sang một bên, sẽ quan sát được tư thế “phòng vệ” của trẻ. Nếu quay cổ của trẻ sang bên trái, sẽ thấy chân và tay của trẻ ở bên trái sẽ duỗi thẳng, chân và tay phải sẽ hơi cong.

Trẻ bắt đầu khám phá ngay sau khi chào đời

• Trẻ sơ sinh nhận biết được đầu vú mẹ. Trẻ biết rằng đầu vú mẹ không giống với phần da xung quanh. Trẻ cũng biết rằng đầu vú mẹ và đầu vú của bình sữa không giống nhau, đầu vú mẹ mềm hơn. Nếu tiếp tục để ý, cha mẹ sẽ thấy trẻ có thể phân biệt được đâu là con người, đâu là đồ vật không cử động. Các nhà khoa học nghiên cứu về sự nhận biết của trẻ sơ sinh nhận thấy rằng những phản xạ của trẻ đối với các đồ vật và con người mà trẻ có thể nhìn thấy được (trong khoảng 15 - 18 centimét) là khác nhau.

Khi nào cần được ăn, trẻ sẽ có những biểu hiện báo hiệu đã đến giờ ăn rồi. Nếu đến giờ ăn mà chưa được ăn, ngay lập tức trẻ sẽ tỏ thái độ không hài lòng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nếu trẻ được ăn đầy đủ thì chắc chắn sẽ không khó chịu hay quấy khóc mà sẽ ngủ. Họ từng thí nghiệm với trẻ sơ sinh vốn được bú 3 giờ một lần thay bằng 4 giờ một lần và thấy rằng 1 giờ cuối cùng đó trẻ sẽ cuống quýt lên (và nếu sau 4 giờ vẫn chưa được ăn, tình trạng cuống quýt đó sẽ chuyển sang quấy khóc).

Biết để ý tới những điều mới lạ. Cha mẹ sẽ thấy rằng khi trẻ đang quan sát một vật gì đó, nếu có một vật mới lạ có màu sắc bắt mắt (phù hợp với sự phát triển của trẻ) xuất hiện đúng tầm mắt, trẻ sẽ quay ra quan tâm đến vật lạ mới xuất hiện ngay tức thì. Đối với âm thanh cũng tương tự, trong khi đang có rất nhiều âm thanh xung quanh nhưng nếu có một âm thanh khác đáng chú ý hơn lọt vào tai như tiếng nói của mẹ hay tiếng nhạc cụ lạ nào đó vang lên, trẻ sẽ bỏ qua các âm thanh khác, chăm chú quan tâm tới âm thanh mới nghe được.

• Biết lựa chọn một vật nào đó giữa tất cả các đồ vật xung quanh. Con của bạn có thể sẽ chọn một vật mà bé thích hơn tất cả các sự vật khác xung quanh. Ví dụ như trong phòng có rất nhiều đồ vật để nhìn ngắm nhưng trẻ có thể chỉ thích tấm màn che màu vàng nên thường xuyên nhìn nó mặc dù xung quanh còn có bức tranh sặc sỡ treo trên tường ngay trước mặt nhưng bé cũng không quan tâm…

• Nhận biết được sự thay đổi nhiệt độ môi trường. Cha mẹ có thể biết lúc nào trẻ bị nóng hay bị lạnh nếu chú ý đến dáng nằm của trẻ trong nôi. Nếu thấy lạnh trẻ sẽ nằm co chân dưới mông, nằm sấp giống con ếch ngồi trên hòn đá, còn nếu thấy nóng bức trẻ sẽ nằm duỗi chân tay ra giống như chú ếch chuẩn bị nhảy.

• Nhận biết được vị. Lưỡi của trẻ không giống lưỡi cá sấu mà không phân biệt được vị ngọt, vị đắng như chúng ta vẫn nghĩ. Vào khoảng 3 hay 4 ngày sau khi chào đời, trẻ đã có thể có biểu hiện thích vị ngọt, không thích vị đắng.

• Biết phân biệt mùi. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng trẻ sơ sinh có khả năng phân biệt được hai mùi khác nhau và trẻ sơ sinh còn tỏ ra không thích mùi hôi. Khi thử lấy một vật có mùi hôi cho trẻ ngửi sẽ thấy rằng ngay từ lúc bắt đầu ngửi thấy mùi hôi trẻ đã giật mình, cố gắng quay mặt đi chỗ khác và cuối cùng là bật khóc.

Nhạy cảm trước những tiếp xúc với cơ thể, đặc biệt là hơi ấm từ vòng tay mẹ và sẽ ghi nhớ rất chính xác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc ôm ấp vuốt ve của người mẹ rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nó có tác động tới trẻ nhiều hơn bất kỳ những kích thích nào trong vòng một năm đầu đời. Trẻ sơ sinh nhận biết được cảm giác của mẹ khi đang bế mình giống một ăng-ten thu tín hiệu vậy. Trẻ biết được lúc này mẹ đang vui vẻ, yêu thương hay đang căng thẳng, giận dữ, lo lắng, không yêu thương bé. Bởi vậy, cha mẹ đừng nghĩ rằng chỉ cần dang tay ôm lấy đứa con vào lòng là đủ, không cần phải trò chuyện với con bởi con trẻ không biết gì. Thực ra, con còn biết nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Tiến sĩ Laurent K. Frank, chuyên gia về lĩnh vực nhận thức của trẻ đã nói rằng: “Những đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ hoặc lớn lên trong cô nhi viện thường không phát triển hết khả năng của mình. Nguyên nhân quan trọng là những đứa trẻ đó không được ôm ấp, vỗ về”.

• Nghe được âm thanh. Nếu không có bất thường về tai, con bạn sẽ nghe được âm thanh ngay từ khi mới lọt lòng. Bạn sẽ thấy rằng, nếu có âm thanh lạ nào đó vang lên như chiếc cốc bị vỡ, tiếng kéo ghế…, trẻ sẽ có phản xạ ngay tức thì như có thể chớp mắt liên tục, mở to mắt, giật mình, thở mạnh… Nếu âm thanh đó quá lớn, chắc chắn trẻ sẽ khóc váng lên. Ngoài ra, các bạn đều biết rằng nếu được nghe tiếng hát ru, con của bạn sẽ ngủ nhanh hơn. Đôi khi trẻ đang khóc ngặt nghẽo nhưng có giọng nói dỗ dành của mẹ hoặc người trông, trẻ sẽ nín khóc. Đôi khi đang say sưa bú mẹ nhưng con của bạn có thể rời vú để quay sang tìm kiếm âm thanh mà trẻ vừa nghe thấy.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ sơ sinh thích nghe giọng nói kéo dài khoảng 10 giây, không thích nghe giọng nhát gừng, cộc cằn khoảng 1 hoặc 2 giây. Nếu cho chọn giữa giọng cao và giọng trầm, trẻ sẽ thích giọng cao hơn nên không ngạc nhiên khi bạn nhận ra con mình thích nghe giọng của mẹ hơn giọng của cha. (Những người cha đừng vội tủi thân nhé. Đây chỉ là sở thích mang tính bản năng mà thôi).

• Nhìn một cách chăm chú. Khả năng nhìn của trẻ sơ sinh là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Cha mẹ có biết khi nằm trong bụng mẹ, trẻ hoàn toàn không nhìn thấy gì, nhưng khi vừa mở mắt chào đời trẻ đã có thể nhìn mọi vật. Cha mẹ có thể nhận ra điều này khi quan sát trẻ nhìn sự vật, trẻ sẽ có phản xạ như đôi khi thấy hồi hộp hay cau mày rồi cố gắng đưa đôi mắt đen láy nhìn các sự vật mà bé chú ý trong khoảng cách không quá 20 - 30 centimét (đây là khoảng cách trẻ nhìn thấy mờ mờ). Dù vậy việc nhìn thấy của trẻ trong tuần đầu tiên vẫn còn rất mờ nhạt, chưa thể nhìn tập trung hoàn toàn cho đến khi trẻ có thể điều khiển được cả hai mắt cùng làm việc nhất quán với nhau. Cha mẹ sẽ thấy rằng trẻ khi chăm chú nhìn vật nào đó, ánh mắt trẻ sẽ sáng lên (hài lòng), nét mặt rạng rỡ hơn. Một số trẻ ở độ tuổi này có thể nhìn theo đồ vật sang bên trái, bên phải hay bên trên, bên dưới.

• Rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu ánh sáng trong phòng quá mạnh hoặc có màu trắng, hoặc khi bế trẻ ra phơi nắng mặt trời, trẻ sẽ nhắm chặt mắt. Nếu ánh sáng đó không quá mạnh hoặc có sự thay đổi ánh sáng, trẻ có thể có phản xạ liếc nhìn theo.

• Phân biệt được đặc điểm về hình dáng, họa tiết, hoa văn, màu sắc và các kích thước. Trẻ vẫn thích nhìn các họa tiết hơn các màu sắc sặc sỡ. Giữa đồ vật có hình vuông góc cạnh với hình tròn, trẻ sẽ thích đồ vật có góc cạnh hơn.

Về việc trẻ thích nhìn những họa tiết, các nhà nghiên cứu giải thích rằng các họa tiết thì cho dù được trẻ nhìn ở góc cạnh nào, trong ánh sáng ra sao các họa tiết đó vẫn giữ nguyên nhưng màu sắc thì lại phụ thuộc vào ánh sáng, nếu trong phòng có ít ánh sáng thì màu sắc sẽ thay đổi. Về kích thước cũng tương tự, nếu ở xa sẽ thấy kích thước nhỏ lại, lại gần sẽ thấy kích thước lớn hơn nên trẻ có cảm giác thay đổi và không thích nhìn.

Nhưng nếu so sánh giữa mặt người và đồ vật hầu hết trẻ thường thích nhìn mặt người hơn bởi việc này sẽ giúp quy định xem phản xạ đối với người đó như thế nào. Ví dụ như khi nhìn thấy khuôn mặt của mẹ, trẻ sẽ vui mừng, nhìn thấy khuôn mặt người lạ bé sẽ tỏ ra nghi ngờ… Việc trẻ thích nhìn khuôn mặt người hơn các đồ vật chính là nền tảng quan trọng cho việc nhận thức sự vật sau này của trẻ. Ngoài ra, đó cũng là nền tảng cho sự phát triển về quan hệ tình cảm của trẻ với mọi người.

Tất cả trẻ em đều có đặc điểm riêng

Mỗi trẻ đều có những đặc điểm khác nhau về điệu bộ, cảm xúc, cử động, phản xạ trước những đồ vật và những khác biệt này có từ lúc trẻ còn đang nằm trong bụng mẹ.

Nhiều trẻ từ khi nằm trong bụng mẹ đã rất hay đạp, khiến mẹ ăn không ngon ngủ không yên, nhưng cũng có một số trẻ lại nằm im khiến mẹ phải lo lắng tại sao không thấy con đạp. Có những trẻ vừa ra khỏi bụng mẹ đã khóc toáng lên và những ngày sau cũng liên tục khóc. Một số trẻ thì lại ngủ rất nhiều, ai đánh thức cũng không chịu dậy trong khi một số trẻ khác lại mở to mắt ngắm nhìn thế giới mới lạ xung quanh suốt cả ngày một cách đầy ngạc nhiên.

Bé trai cũng có những điểm khác biệt so với bé gái. Nhìn chung có thể thấy rằng bé gái sẽ nhẹ nhàng, yếu ớt và chậm chạp hơn nhưng lại nhạy cảm trước sự đau đớn hơn bé trai.

Có những trẻ bú nhiều, bú liên tục; có trẻ chỉ ngủ trong chốc lát; một số trẻ thích được ngắm nhìn sự vật, một số khác thích nghe âm thanh trong khi nhiều trẻ lại thích vừa nhìn, vừa nghe; và cũng có nhiều trẻ không thích làm nhiều việc cùng lúc…

Từ những ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng sự phát triển ở mỗi trẻ sơ sinh không thể giống nhau hoàn toàn.

Đâu là nguyên nhân gây nên những khác biệt đó?

Những nguyên nhân mà các nhà nghiên cứu đưa ra là: Mỗi trẻ đều mang các đặc điểm riêng biệt của dòng họ được di truyền từ đời này qua đời khác; những tác động của nguồn dinh dưỡng, thuốc hoặc việc điều trị của người mẹ; đặc điểm tính cách và tinh thần của người mẹ khi mang thai; những trải nghiệm của chính đứa trẻ trong quá trình sinh nở của người mẹ (như kéo dài quá lâu và khó khăn); và phương pháp sinh đẻ.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng khi được sinh ra không phải trẻ nào cũng đủ ngày đủ tháng. Một số trẻ ở trong bụng mẹ rất lâu trong khi số khác lại ở ít thời gian hơn. Có thể thấy rằng, những trẻ nằm trong bụng mẹ lâu (không kể đến những trường hợp mang thai không bình thường) sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn những trẻ nằm trong bụng mẹ ít tháng. Những trẻ này khi ra đời sẽ mạnh khỏe hơn, bú sữa nhiều hơn, không nhút nhát như những trẻ bị sinh non.

Như vậy, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ rằng mỗi trẻ đều có những đặc điểm riêng và cần được đáp ứng những nhu cầu phù hợp với thể trạng của mình. Các biểu đồ phát triển tràn ngập trên thị trường hiện nay mô tả trẻ ở giai đoạn này sẽ làm được như thế này hay thế khác cũng chỉ là những lý thuyết nhằm giúp cho các bậc cha mẹ biết rằng vào tháng tới, con của bạn sẽ như thế nào, quá trình phát triển nói chung sẽ ra sao. Nhưng điều này không có nghĩa là con của bạn phải biết làm được hết mọi điều. Nếu bé làm được nhiều hơn thế hoặc không đạt được như vậy cũng không phải là vấn đề gì to tát.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 1 TUẦN TUỔI

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Phản xạ tự nhiên sẽ kiểm soát cử động của tay, chân và bàn tay. Những cử động không phải phản xạ tự nhiên như đạp chân, đá, khua tay, khua chân phần lớn là những phản ứng mang tính bản năng;

• Nếu môi trường bị thay đổi một cách nhanh chóng thì trẻ sẽ có những phản xạ trên khắp cơ thể;

• Trẻ có thể quay được đầu từ bên này sang bên kia, đôi khi có thể ngóc đầu lên được;

• Nếu được bế vác lên vai, trẻ sẽ nhấc đầu lên và cử động toàn thân;

• Nếu đặt trẻ nằm sấp, trẻ sẽ nằm co chân giống như con ếch hoặc sẽ co tròn người lại như trái bóng.

Dáng ngồi

• Nếu bế trẻ theo dáng ngồi, đầu trẻ sẽ gục về phía trước hoặc ngửa ra sau.

Các phần cơ nhỏ

• Nắm chặt tay, có phản xạ túm, nắm;

• Có phản xạ nuốt thức ăn;

• Ánh mắt nhìn ra xung quanh một cách vô thức.

Phát triển về ngôn ngữ

• Biết ọ ẹ;

• Biết khóc.

Phát triển về nhận thức và các giác quan

• Trẻ có thể nhìn thấy các họa tiết, phân biệt được ánh sáng và bóng tối, có thể nhìn thấy những sự vật phía trước với khoảng cách 20 centimét (nếu khoảng cách xa hơn thì trẻ sẽ không nhìn rõ);

• Nhạy cảm với âm thanh, có thể phân biệt được các âm thanh cao thấp, thích nghe âm cao;

• Nằm im nếu có người bế với tư thế mà trẻ cảm thấy vững chãi;

• Biết phân biệt mùi vị;

• Thức chơi khoảng 3% thời gian vào ban ngày;

• Biết cầm nắm đồ vật nếu vô tình sờ thấy;

• Thỉnh thoảng nhìn mọi người, đôi khi sẽ ngừng bú để nhìn một vật nào đó lọt vào tầm mắt mà trẻ thấy thích;

• Không thích những kích thích mà trẻ cho là làm phiền.

Phát triển về mặt xã hội

• Giật mình hay tỏ thái độ không vừa lòng;

• Có phản ứng, cảm xúc đối với sự vật thu hút trẻ (Đây chính là đặc điểm riêng biệt của từng trẻ);

• Nếu có người bế sẽ yên lặng;

• Nhiều khi tự cười, nhạy cảm với những kích thích giác quan;

• Nhạy cảm trong việc phân biệt nét mặt hoặc âm thanh;

• Biết tìm đầu vú mẹ.

Lịch trình hàng ngày

• Phải bú 7 - 8 lần/1 ngày;

• Đi tiểu nhiều và không có thời gian nhất định, đi tiểu 4 - 7 lần/1 ngày;

• Ngủ khoảng 80% thời gian của một ngày đêm, ngủ khoảng 7 - 8 lần/1 ngày, khoảng 4 tiếng trẻ sẽ tỉnh giấc một lần và thức khoảng 30 phút.

Chú ý:

• Những người cha người mẹ không nên lấy những biểu đồ phát triển trong cuốn sách này làm chuẩn mực cố định;

• Một số sự phát triển có thể nhanh hay chậm hơn, đôi khi trẻ bỏ qua một vài giai đoạn như biết đi mà không biết bò;

• Nếu sợ con mình phát triển chậm hơn bình thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và xin tư vấn.

LỚN NHANH

TRONG NĂM ÐẦU ÐỜI

Trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên sẽ lớn rất nhanh, có thể nói lớn nhanh như thổi, không chỉ về mặt thể chất mà còn bao gồm cả sự phát triển về trí tuệ, xã hội, tâm sinh lý. Chúng ta hãy cùng xem từng nấc thang phát triển qua từng tháng của trẻ như thế nào nhé.

THÁNG ÐẦU TIÊN

Tổ chức cuộc sống hàng ngày

Tháng đầu tiên trong cuộc đời là giai đoạn khởi đầu trong việc tổ chức cuộc sống hàng ngày và cuộc sống trong gia đình của trẻ. Ngay từ giây phút đầu tiên được sinh ra, trẻ đã phải học cách ăn, cách bài tiết khác hoàn toàn với khi còn nằm trong bụng mẹ. Những cử động và việc nghe được âm thanh tuy đã được trẻ luyện khi còn ở trong bụng mẹ nhưng vẫn phải luyện tập thêm rất nhiều sau khi chào đời. Còn về việc nhìn và phân biệt mùi vị vốn chưa từng được biết đến thì giờ đây trẻ sẽ bắt đầu thực hiện trong tháng đầu tiên này.

Sự phát triển của trẻ

Khi còn ở trong bệnh viện, cha mẹ sẽ thấy những y tá chăm sóc trẻ không có gì quá khó khăn. Nhưng khi về nhà, các bậc cha mẹ có thể thấy trẻ phức tạp tới mức không biết nên làm như thế nào với con.

Phần lớn trẻ sơ sinh khi mới chào đời thường rất hiếu động, nhưng chỉ khoảng 2 - 3 ngày sau, trẻ sẽ có vẻ trầm hơn. Khi về nhà, trẻ lại trở lại trạng thái hiếu động như hay khóc, mỗi lần ăn thì ăn ít và ăn liên tục không ra bữa. Nếu con bạn ăn sữa mẹ, bạn có thể thấy rằng đôi khi nhiều trẻ bú lâu tới 30 - 40 phút nhưng nhiều cữ trẻ chỉ bú 10 - 12 phút.

Khi trẻ khóc, bế lên rồi trẻ vẫn chưa chịu nín (điều này khác với khi trẻ lớn hơn một chút). Khi ngủ trẻ cũng thường tỉnh giấc, thở không đều, có thể thở mạnh, đôi khi bị sặc, trớ sữa và giật mình khiến các ông bố bà mẹ chưa có kinh nghiệm không biết xử lý ra sao.

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cần thời gian ngủ nhiều hơn bất kỳ hoạt động nào, trẻ thường ngủ khoảng 12 - 14 tiếng, nếu thức dậy phần lớn sẽ khóc. Thời gian trẻ thức trong 1 ngày là rất ít. Khi thức dậy trẻ sẽ chơi hoặc nhìn cái nọ, cái kia rồi lại buồn ngủ. Cha mẹ có thể thắc mắc rằng con mình nhắm mắt ngủ cả ngày như vậy liệu có biết gì không. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù nhắm mắt nhưng bé con của bạn có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào và còn có thể nhận biết cũng như phản ứng rất tốt trước những kích thích.

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi được chia ra làm 3 giai đoạn chính là: chuẩn bị ngủ (nửa ngủ nửa thức), bắt đầu ngủ và ngủ sâu. Ở giai đoạn ngủ sâu, trẻ sẽ nằm im, vẻ mặt bình yên, thở đều, mắt nhắm nghiền và chỉ phản ứng lại rất ít trước các sự vật.

Các nhà khoa học nhận ra rằng giai đoạn chuẩn bị ngủ chiếm một nửa thời gian ngủ của trẻ sơ sinh, chỉ có khoảng 20 - 30 % thời gian trẻ sẽ ngủ say thực sự. Tuy nhiên thời gian ngủ của trẻ sơ sinh cũng có sự thay đổi liên tục giống như có một chiếc đồng hồ gắn trong người. Nghĩa là trẻ sẽ thức sau khoảng 3 giờ và có thể sẽ khóc, giơ tay, toàn thân khẽ cử động rồi lại ngủ tiếp, trẻ sẽ ngủ sâu được khoảng 20 phút. Khi được khoảng 2 tuần tuổi, việc ngủ của trẻ khá ổn định như đã nói ở trên và cha mẹ có thể đoán biết được trẻ sẽ ngủ trong bao lâu.

Nếu ngủ không sâu, trẻ sẽ có những biểu hiện như khẽ ọ ẹ, nhăn mặt, mỉm cười, cau mặt, mút lưỡi chút chút và thở không đều. Nếu cha mẹ để ý kỹ có thể nhận thấy con ngươi đưa đi đưa lại đằng sau mí mắt của trẻ.

Nụ cười của trẻ sơ sinh trong khi ngủ khác nụ cười với người thân khi trẻ lớn hơn. Khi lớn lên, nụ cười của trẻ sẽ kèm theo ánh mắt rạng rỡ, nét mặt ngời sáng để giao tiếp với mọi người. Nụ cười của trẻ trong tháng đầu tiên chỉ đơn thuần là cử động của các cơ trên mặt mà thôi.

Nhìn chung, trẻ sơ sinh thường ngủ thành nhiều giấc ngủ ngắn. Những quan sát cho thấy trẻ sơ sinh ngủ được lâu nhất khoảng 4 - 5 tiếng nhưng sẽ ngủ thành 7 - 8 lần/1 ngày. Một số trẻ khi thức giấc sẽ rất thích các hoạt động như giơ tay, giơ chân, vặn mình, mút nắm tay, các hoạt động này có thể diễn ra trong 12 tiếng/1 ngày. Những nguyên nhân chính khiến trẻ hoạt động nhiều vì thường sắp đến giờ ăn sữa, trẻ muốn đi tiểu. Ngoài ra còn khoảng thời gian trẻ cảm thấy rất đau đớn hoặc bị làm phiền bởi các sự vật xung quanh. Đôi khi trẻ có thể tự tạo ra các hoạt động như vặn mình và chính cử động này khiến trẻ thấy khó chịu và nhanh chóng phản ứng lại sự vật làm phiền mình. Trẻ càng phản ứng nhanh bao nhiêu, trẻ càng giãy giụa mạnh bấy nhiêu.

Tại sao trẻ lại khóc

Mỗi khi trẻ khóc, cha mẹ thường rất lo lắng. Nhưng thực tế khóc là một trong những cách giao tiếp về mặt xã hội đầu tiên của trẻ. Hơn nữa, nó là tín hiệu cho biết trẻ cần sự giúp đỡ của bạn. Vì thế cha mẹ không nên chán nản hay quá lo lắng khi trẻ khóc. Đôi khi bé có thể khóc 4 - 5 lần, mỗi lần khoảng 20 - 30 phút trước khi được ăn, ngủ hoặc muốn đi vệ sinh. Nhưng có ngày trẻ có thể khóc lâu tới 1 - 3 tiếng. Cha mẹ có thể giảm số lần khóc của con bằng cách cho trẻ nằm sấp bởi vì với kiểu nằm đó trẻ sẽ không bị giật mình liên tục và không khóc nhiều nữa (Việc trẻ khóc thường do trẻ bị giật mình thức giấc).

Bạn hãy thử để trẻ tự nằm chơi một mình, để trẻ đưa mắt nhìn khắp mọi nơi, bạn sẽ thấy rằng không lâu sau trẻ sẽ khóc nhỏ dần. Ban đầu, cha mẹ có thể dỗ dành khiến trẻ chú ý, nhìn chằm chằm một lúc lâu vào mặt bạn, bạn có thể lật trẻ qua bên này, bên kia trong vòng 30 phút khiến trẻ mệt, sau đó trẻ sẽ lại khóc tiếp. Đến lúc này bạn không thể dỗ cho trẻ nín được. Khi trẻ không chịu hài lòng với bất kỳ hành động nào của bạn nữa, từ việc chơi với trẻ, bế trẻ, quấn lại tã cho chặt, thay tã hoặc lấy sữa cho ăn… trẻ đều không chịu, gào khóc dữ dội, khóc tới mức tím tái mặt mày, thổn thức và cuối cùng lăn ra ngủ. Tôi chắc chắn rằng sau đó trẻ sẽ ngủ liên tục nhiều giờ bởi việc khóc lóc đã làm trẻ kiệt sức.

Nếu gặp phải trường hợp này vào buổi chiều tối, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên bởi vào thời gian đó, cả cha mẹ, trẻ và tất cả mọi người trong gia đình ai ai cũng mệt vì phải giải quyết rất nhiều vấn đề trong suốt cả ngày, nên khó có thể kiểm soát được tình hình giống như những thời gian khác trong ngày.

Những nghiên cứu cho thấy không khí căng thẳng trong gia đình sẽ khiến trẻ khóc lâu và khóc to hơn vì trẻ có thể cảm nhận được cảm xúc của mọi thành viên trong gia đình, ví dụ: mẹ đang bực tức (vì cha về nhà muộn), cha bực mình (vì tắc đường)... Đặc biệt nếu người mẹ mệt mỏi, mất sức hay không được vui thì chắc chắn con sẽ khó chịu theo, nhưng nếu người mẹ được nghỉ ngơi, vui vẻ thoải mái, trẻ cũng sẽ vui vẻ theo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc trẻ sơ sinh trong độ tuổi này khóc không rõ nguyên nhân sẽ giảm đi một cách đáng ngạc nhiên nếu được dỗ dành vỗ về, bế bồng hay nói chuyện.

Một điểm mà chúng tôi muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ, đó là các bạn không nên buồn phiền hay lo lắng nếu bạn không thể dỗ trẻ nín khóc một cách nhanh nhất như bạn mong muốn bởi đó không phải là vấn đề của bạn hay của bé. Các nhà tâm lý học nói rằng ngày mà con bạn khóc nhiều có thể là do bé thấy căng thẳng trước khi bước vào một giai đoạn phát triển về tâm sinh lý mới; còn ngày con bạn vui vẻ thường là ngày mà bé đang ở trong giai đoạn phát triển cũ, không có sự thay đổi nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx