sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 15

THÁNG THỨ 17

BƯỚC ÐI VỮNG CHÃI

Trẻ 17 tháng tuổi có thể giải quyết vấn đề giữ thăng bằng và việc đi tốt hơn. Trẻ học cách bò lên, bò xuống cầu thang, tự mở cửa, điều khiển các phần cơ nhỏ tốt hơn, đi giỏi và ít bị ngã, trèo lên các đồ vật có độ cao đến ngực mình, xoay tròn người rồi ngồi xuống được, tự cầm cốc uống nước (có thể bị đổ một chút), tự xúc thức ăn lỏng cho vào miệng,… Tất cả những phát triển nói trên đã đưa trẻ bước vào thế giới rộng lớn hơn - thế giới của người lớn và trẻ cũng hiểu về bản thân nhiều hơn.

Các phát triển chung

• Thích leo trèo. Khi qua tháng thứ 15, trẻ rất thích leo trèo. Nếu trẻ đã trải qua việc leo trèo một vài lần thì sẽ tiếp tục có những lần tiếp theo và trẻ ngày càng phát triển kỹ năng này một cách đáng sợ hơn. Ví dụ: Sau khi đã trèo được lên ghế, trẻ sẽ tiếp tục trèo lên sofa rồi đến bàn và lên giá để đồ. Trẻ thường đánh giá khả năng của bản thân hơi cao, nghĩ rằng mình có thể trèo được lên mọi thứ. Chính vì vậy có một số trẻ trèo lên thành giường cũi vốn cao quá đầu của mình mà không quan tâm xem mình có thể bị ngã đập đầu xuống đất; một số khác lại trèo lên mặt bể kính nuôi cá cảnh rồi thò đầu xuống nước hay trèo qua cả tay vịn cầu thang khiến bị ngã lộn xuống. Như vậy, điều mà các bậc cha mẹ cần làm là tăng cường cảnh giác hơn nữa để đảm bảo an toàn cho trẻ bằng cách giảm độ cao của chân giường hoặc kéo thành giường của trẻ cao hẳn lên, cửa nhà vệ sinh luôn được đóng kín, không để nước trong bồn tắm dù ít, để điện thoại lên cao khỏi tầm tay của trẻ…

• Quy định việc thích hay không thích từ việc tiếp xúc bằng các ngón tay. Trẻ độ tuổi này sẽ tỏ thái độ hài lòng hay không trong việc tiếp xúc với bề mặt các đồ vật xung quanh. Trẻ sẽ thích những đồ vật mềm mại và có bề mặt nhẵn như lông của các con vật nuôi, vải lụa, len, tóc, đá hoặc thú nhồi bông… đồng thời sẽ ghét những chất liệu có độ dính như kẹo cao su, keo dán, bùn… Lúc nào trẻ cũng thích ngón tay của mình được sạch sẽ để sẵn sàng tiếp xúc với các loại bề mặt mà trẻ thích. Đối với trẻ ở độ tuổi này cha mẹ nên làm phân tán sự chú ý của trẻ khỏi những đồ vật có thể gây nguy hiểm trong nhà.

Từ giờ trở đi, mẹ sẽ không còn phải thắc mắc sao đồ ăn ngon thế này mà trẻ lại không chịu ăn. Nguyên nhân là bởi trẻ 17 tháng tuổi thích tiếp xúc bề mặt của đồ vật bằng ngón tay hơn là nếm mùi hay vị. Nếu trẻ sờ thấy đồ ăn sần sùi, không thích tiếp xúc, trẻ sẽ không chịu ăn, nhưng nếu sờ vào đồ ăn thấy mềm mại, có vẻ ngon lành thì cho dù mùi vị của loại đồ ăn đó không ngon, trẻ vẫn sẽ ăn.

• Thích làm gì và cách thức thực hiện như thế nào phải do bản thân tự quy định. Ví dụ như ăn cơm phải có ghế ngồi, phải mặc bộ quần áo này… Nếu không được như ý muốn, trẻ sẽ bướng bỉnh, nhất quyết không chịu làm và có thể còn hờn dỗi hay ăn vạ.

• Có thể hiểu và làm theo hướng dẫn. Trẻ 17 tháng tuổi có thể dạy dỗ được rồi. Trẻ cần biết rằng giới hạn của trẻ nằm ở đâu, đồ nào được chơi và đồ nào không được chơi, đặc biệt là các đồ vật có thể gây nguy hiểm cho trẻ như ổ cắm điện, ngăn kéo, bàn gương… Nếu được cha mẹ hướng dẫn, trẻ có thể hiểu được gần hết.

• Bản thân trẻ có nhiều mâu thuẫn, cụ thể là:

- Sự bức bối khi không tự mình làm được một số việc nhưng cũng không muốn người lớn giúp đỡ.

- Thử sử dụng quyền lực của bản thân trong việc quyết định vấn đề bằng việc sử dụng từ “không” mặc dù nhiều khi không phải có ý muốn từ chối.

- Không thể quyết định được khi lựa chọn bởi trên thực tế trẻ không hề muốn lựa chọn mà chỉ muốn chứng tỏ rằng mình có quyền lựa chọn mà thôi.

Dù sao đi nữa, các bậc cha mẹ hãy hiểu rằng mặc dù độ tuổi này trẻ gây ra nhiều chuyện đau đầu nhưng đây cũng là khoảng thời gian xen lẫn nhiều thích thú bởi trẻ đang thay đổi từ một đứa bé sơ sinh phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ thành một đứa trẻ đang có sự phát triển về suy nghĩ, ý thức và cảm xúc riêng của bản thân, hiểu về quyền cá nhân, điều này sẽ giúp trẻ phát triển thành một con người có trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề của bản thân nhiều hơn.

• Độ tuổi có sự phản kháng mãnh liệt hơn. Trẻ thường ngang ngạnh, bướng bỉnh, có những ý nghĩ khác biệt, không chịu nghe theo cha mẹ hay người khác. Các bậc cha mẹ cần hiểu rõ rằng đây là một giai đoạn phát triển mà trẻ đang muốn tự lập. Nếu bạn chỉ biết phản đối hay cãi nhau với trẻ sẽ tạo nên cho trẻ tính cách thích chống đối lại tất cả. Đây cũng chính là một cản trở cho sự phát triển để hòa nhập vào xã hội của trẻ.

Nếu thấy nhu cầu nào của trẻ không quá sức hay gây nguy hiểm, bạn nên linh động để cho trẻ làm. Nếu trẻ mắc lỗi thì sau đó cha mẹ nên dạy hoặc hướng dẫn những điều đúng đắn cho trẻ.

Vẫn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Trẻ thường muốn cái gì thì phải được ngay cái đó nếu không sẽ gào thét, giận dữ hoặc khóc không chịu nín. Cha mẹ phải hiểu rằng ở độ tuổi này trẻ vẫn chưa thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân nên những lúc như thế, cha mẹ cần kiểm soát tốt tâm trạng của mình để giải quyết vấn đề.

Phát triển về mặt xã hội

Phần lớn trẻ 17 tháng tuổi thường gặp vấn đề thích nghi khi cha mẹ phải rời khỏi nhà hay đi làm, còn trẻ bị buộc phải ở nhà cùng người trông trẻ, bà nội hoặc bà ngoại. Nếu có khách đến chơi trẻ thường cảm thấy sợ hãi và không muốn tiếp cận. Nhưng chỉ một lát sau trẻ sẽ mang đồ chơi ra rủ khách chơi cùng. Trẻ ở độ tuổi này có thể thể hiện thái độ tức giận với những trẻ nhỏ hơn như em của trẻ. Cho dù cha mẹ đã cố gắng giải thích, lôi kéo để trẻ chơi với em, giúp đỡ em như mang bình sữa cho em… thì trẻ vẫn không mấy hài lòng. Đôi khi nếu ở gần trẻ nhỏ hơn, trẻ có thể tiến lại giật núm vú giả của em ra để mút hoặc ấn núm vú giả vào miệng em.

Các nhà tâm lý học nói rằng điều đáng ngạc nhiên nhất đối với trẻ ở độ tuổi này là trẻ có thể hiểu và làm theo những lời chỉ dẫn của người lớn như mở đài, ném bóng vào rổ, chuẩn bị đi ngủ… Một điều nữa là trẻ bắt đầu biết sử dụng những từ đơn giản để nói cho người lớn biết trẻ đang muốn gì. Khi muốn đi tiểu tiện, trẻ sẽ nói từ “tè”; khi muốn đi đại tiện, trẻ sẽ nói từ “ị”; còn muốn đi ra khỏi nhà, trẻ sẽ nói “chơi”. Trẻ biết rằng chỉ cần dùng những từ ngắn gọn như vậy cũng đủ để người lớn hiểu được trẻ muốn gì.

Trẻ ở độ tuổi này thích âm nhạc, thích nghe tiếng vỗ tay theo nhịp, tiếng gõ bàn, gõ vào thanh gỗ hoặc nghe đọc thơ hay những bài đồng dao của trẻ em. Chỉ cần cha hoặc mẹ hát “Con nhện vằn đó…” là trẻ sẽ diễn những động tác được dạy. Đôi khi trẻ còn ghép những câu hát ngắn mà trẻ nhớ được thành một bài.

Trẻ 17 tháng tuổi cũng rất thích xem tivi. Trẻ thường thích xem những chương trình ngắn, sôi động, có nhiều hình ảnh động kèm theo âm thanh vui nhộn như các chương trình về thế giới động vật, phim hoạt hình hoặc những chương trình khác dành cho trẻ em. Nhưng không phải trẻ nào cũng thích xem phim hoạt hình như người lớn vẫn nghĩ.

Một điều cũng dễ nhận thấy của trẻ ở độ tuổi này là càng ngày trẻ càng thích áp đặt quyền lực của mình lên người khác. Trẻ biết cách lấy nước mắt ra để làm cha mẹ phải mủi lòng như thế nào. Điều đó cũng có nghĩa là trẻ bắt đầu có dấu hiệu quấy nhiễu nhiều hơn. Đồng thời với việc học được cách đòi hỏi và áp đặt quyền lực, trẻ cũng có những nét rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đó là trẻ bắt đầu biết làm trò để trêu đùa người lớn. Trẻ thường trêu để cha mẹ đuổi bắt mình hay khi mặc quần áo chưa xong trẻ đã chạy đi hoặc chưa tắm xong đã chạy ra sân hoặc thích trốn sau những quầy hàng trong siêu thị.

Nhìn chung có thể nói trẻ ở độ tuổi này rất đáng yêu và ngộ nghĩnh. Trẻ luôn tươi cười, vui vẻ và cố gắng làm mọi thứ để chứng minh rằng trẻ cũng là một người giống như mọi người.

Ðấu tranh giành tự do

Sự tự do ở đây có nghĩa là được làm mọi việc theo cách riêng của mình và hiểu được mong muốn của bản thân trong giới hạn cho phép. Trong đời sống, nhu cầu của một người phải phù hợp với nhu cầu của người khác, với những quy tắc hay giới hạn của xã hội. Vì vậy, ý nghĩa thực chất của sự tự do là sự cân bằng giữa ý thức không phụ thuộc vào người khác và ý thức phụ thuộc vào người khác.

Bởi vậy, bé con của chúng ta cũng cần biết rằng sẽ dựa vào người khác như thế nào và sẽ dựa vào bản thân ra sao, được thể hiện quyền lực của bản thân ở mức nào và giới hạn của những quyền lực đó.

Ở độ tuổi 17 tháng, ý thức về sự tự do của trẻ rất cao, trẻ không bằng lòng khi phải chịu sự quản lý của bất cứ ai, không nghe lời cha mẹ, không chịu chia sẻ đồ chơi với anh chị hoặc các em.

Việc tạo cơ hội để trẻ được lựa chọn sẽ giúp cho trẻ phát triển những ý thức đúng đắn, hiểu được đâu là quyền tự do của trẻ và đâu là quy tắc trẻ phải làm theo.

Tạo cơ hội cho trẻ được lựa chọn có thể giúp trẻ hiểu về sự tự do một cách đúng đắn hơn, nhưng sẽ không có câu trả lời nào có thể giải quyết triệt để mâu thuẫn “Tự do ở mức nào là đủ”.

Biến từ “không” thành công cụ để giải quyết vấn đề

Cha mẹ có thể dùng chính từ “không” của trẻ làm công cụ trong việc giải quyết vấn đề trẻ liên tục nói “không… không… không”.

• Làm như không quan tâm tới từ “không” của trẻ. Nếu cha mẹ bảo trẻ ăn cơm mà trẻ nói “không” thì cứ để yên cho trẻ như vậy, không cần phải yêu cầu đi yêu cầu lại, một lát sau trẻ sẽ tự động quay sang đòi ăn cơm. Hoặc nếu đưa cho trẻ một món đồ chơi mà trẻ nói “không” thì cũng nên mặc kệ trẻ, một lát sau trẻ sẽ tự động quay sang chơi đồ chơi đó.

• Biến từ “không” của trẻ thành một trò chơi. Khi cho trẻ ăn rau, nếu trẻ ngoảnh mặt đi và hét “không”, mẹ hãy giả vờ đưa miếng xếp hình ra rồi hỏi trẻ rằng “Có ăn không?”, trẻ sẽ trả lời “không”, sau đó mẹ hãy hỏi tiếp “Thế có ăn sâu không?”, “Ăn điện thoại không?”, “Ăn ghế không?”… (Những thứ mà trẻ không thể ăn được). Khi thực hiện phương pháp này, người mẹ phải tỏ ra vui vẻ, như thế, trẻ sẽ cảm thấy vui, thích thú và nghĩ rằng đó là một trò chơi. Khi mẹ áp dụng phương pháp này, mặc dù có thể trẻ vẫn chưa chịu ăn rau, nhưng trẻ bắt đầu nhận biết được ý nghĩa của từ “không” và sử dụng nó đúng hơn.

Chúng ta thường hiểu rằng sự tự do có nghĩa là từ bây giờ trở đi, trẻ có thể tự giúp đỡ được bản thân nhưng thực ra trẻ có thể hiểu khác về tự do. Ví dụ cha mẹ hy vọng trẻ có thể tự mặc được quần áo, tự đóng được cúc áo, tự cởi giày, cởi tất được… mà chưa từng nghĩ rằng trẻ muốn cởi bỏ hết quần áo để chạy chơi bên ngoài. Các bạn có thể chấp nhận được sự tự do này hay không?

Một tình huống thường khiến cả cha mẹ và trẻ thấy bực mình đó là khi đi trong siêu thị hay ở công viên, trong khi mẹ muốn trẻ tự đi lại, vui đùa thì trẻ lại một mực đòi được bế. Nhưng đến những điểm mà trẻ thích (nhưng có thể cha mẹ thấy nguy hiểm) như cầu thang, trẻ sẽ không chịu cho bế, kể cả dắt tay cũng không chịu. Trong trường hợp này cha mẹ phải cân nhắc xem có nên để trẻ được tự do theo ý thích hay không.

Sử dụng lời nói và âm nhạc không chỉ giúp cho các hoạt động hàng ngày của trẻ diễn ra một cách suôn sẻ mà còn khiến mọi người vui vẻ. Cha mẹ có thể sử dụng lời nói và âm nhạc trong mọi hoạt động hàng ngày của trẻ như khi trẻ bắt đầu đi ngủ mẹ sẽ hát ru, khi thay quần áo cho trẻ, mẹ cũng hát bài hát nói về việc thay quần áo, hoặc khi rửa mặt cho trẻ, mẹ có thể mở bài hát khiến trẻ hứng thú với việc rửa mặt...

Cha mẹ có thể sưu tầm những bài hát nói trên từ trường mầm non, các đĩa nhạc thiếu nhi hoặc tự sáng tác rồi thường xuyên hát cho trẻ nghe (nhưng không được thay đổi giai điệu thường xuyên vì trẻ sẽ không nhớ được). Những bài hát này giúp kích thích khiến trẻ cảm thấy vui hơn và có xu hướng sẵn sàng tham gia vào những công việc hàng ngày mà không chống đối.

Thường thì cha mẹ không vui khi thấy con mình không chịu nhường đồ chơi cho bạn. Khi thấy trẻ khác cầm đồ chơi mới của mình, trẻ sẽ chạy đến để giằng lại bằng được. Trẻ làm như vậy là vì không muốn người khác động vào đồ riêng tư của mình, muốn thể hiện quyền sở hữu với những đồ chơi đó, không cho người khác xâm phạm đến.

Ăn vạ đến vỡ nhà

Trẻ 17 tháng tuổi thường ăn vạ. Hai tiến sĩ tâm lý học trẻ em người Mỹ là Virginia Pomorance và Dodi Schultz đã đưa ra những gợi ý cho cha mẹ để giải quyết cho việc ăn vạ đến vỡ nhà của trẻ như sau:

• Nếu trẻ ăn vạ ở nhà hãy làm như không quan tâm, hoặc bế trẻ vào phòng riêng với thái độ hết sức bình tĩnh (Không nên bế rồi cấu véo hay đánh mắng trẻ).

• Đừng thể hiện cho trẻ thấy bạn đang bực mình. Hãy nhớ rằng không giải quyết tình thế bằng những thỏa thuận như “Nếu con nín thì cha sẽ cho con búp bê” hoặc chịu thua trước đòi hỏi của trẻ. Bởi nếu bạn làm như vậy, trẻ sẽ biết ngay rằng trẻ đã thành công, chiến thắng cha mẹ. Trẻ sẽ coi sự việc lần này là ví dụ điển hình cho những lần ăn vạ tiếp theo. Cha mẹ hãy làm cho trẻ hiểu rằng việc trẻ ăn vạ này không có ý nghĩa gì đối với cha mẹ. Khi cha mẹ không thèm quan tâm, tự khắc trẻ sẽ từ bỏ việc ăn vạ để giải quyết vấn đề bằng cách khác.

• Đừng sợ hãi tới mức không biết làm gì nếu trẻ dùng cách nín thở đến tím tái mặt mày. Một số trẻ nín thở tới mức ngất đi hoặc co giật. Gặp tình huống này, cha mẹ phải bình tĩnh, cho dù không muốn nhưng bạn hãy tát mạnh vào mặt trẻ. Làm như vậy để không khí đi vào phổi trẻ và trẻ sẽ tỉnh lại.

• Ôm chặt trẻ vào lòng nếu trẻ giãy giụa, đánh, đấm, đạp, tát... Việc ôm chặt trẻ vào lòng khiến trẻ cảm thấy ấm áp, được an ủi và giúp trẻ giải tỏa tâm trạng.

• Đừng đánh trẻ. Việc cha mẹ nổi giận lại, hét lên, đánh trẻ hoặc đập phá đồ đạc bị coi là biện pháp tồi tệ nhất trong việc giải quyết vấn đề với trẻ. Nếu trẻ vì không muốn bạn ở bên cạnh mà hét lên, bạn hãy đi ra ngoài theo ý muốn của trẻ, đừng cố tình trêu chọc trẻ bởi như vậy chỉ khiến trẻ càng hờn khóc to hơn mà thôi.

Kết quả điều tra từ 45 bà mẹ trong vòng 1 tháng cho biết trẻ 1 - 2 tuổi hờn khóc, bực bội phần lớn bắt nguồn từ việc cha mẹ không giữ lời hứa với trẻ, ép buộc trẻ ngồi bô, mặc quần áo hoặc bắt trẻ đi ngủ, còn việc trẻ khó chịu vì cãi cọ với những trẻ khác chỉ chiếm 10% mà thôi.

Cả 45 bà mẹ đều kể lại rằng họ đã áp dụng nhiều biện pháp để giải tỏa tâm trạng bực bội cho các con, trong đó biện pháp hay được sử dụng nhất là tỏ ra không biết, để nguyên nhân của vấn đề sang một bên và đánh lạc hướng quan tâm của trẻ. Cuối cùng họ đều thống nhất rằng cách tốt nhất để giải tỏa tâm trạng cho trẻ là cha mẹ phải kiểm soát được tâm trạng của mình trước.

Phát triển về ngôn ngữ

Các nhà tâm lý cho rằng việc chống đối hay hờn khóc của trẻ có thể bắt nguồn từ sự khó chịu khi không thể bày tỏ được cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ, không thể diễn tả cho mọi người hiểu được mong muốn của mình. Đó là tình trạng như chúng ta vẫn thường gọi là “Nói không nên lời, không biết nói sao”. Điều này khiến trẻ bực bội. Để giúp trẻ nhanh chóng trải qua giai đoạn khó khăn này, bạn nên giúp trẻ tập nói và thường xuyên nói chuyện với trẻ. Khi đã bước qua giai đoạn “nói không nên lời, không biết nói sao” này, trẻ sẽ có tâm trạng vui vẻ, phấn chấn hơn.

Việc dạy cho trẻ biết nói đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển về trí tuệ của trẻ. Cơ quan phát triển trẻ em Hoa Kỳ sau khi cử các cán bộ đi thăm nom khoảng gần 1.000 trẻ mồ côi trong độ tuổi này, mang sách vở có nhiều hình ảnh cho các bé xem, đồng thời dạy cho những trẻ này biết được một số từ, đã nhận thấy rằng chỉ số IQ của những trẻ mồ côi này đã tăng thêm 20 điểm.

Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng độ tuổi từ 15 - 28 tháng là độ tuổi phù hợp nhất để trẻ học phát âm và biết những từ mới. Nếu mỗi ngày cha mẹ dành khoảng 15 phút để dạy trẻ nói, dạy cho trẻ biết các từ và phân biệt những sự vật sự xung quanh bằng lời nói thì cũng khiến sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ vượt trội hơn hẳn những trẻ không được kích thích.

Luyện cho trẻ biết nói

• Nói những từ ngắn, những câu ngắn gọn. Nếu trẻ bị lẫn lộn, khó hiểu thì thay vì nói “Đi ngủ thôi con”, bạn nên rút ngắn lại thành “Ngủ thôi” hoặc “ngủ”;

• Nhấn mạnh việc dùng đại từ có liên quan đến trẻ như “con mèo ném bóng”, “con chuột ném bóng”...;

• Dùng âm nhạc hoặc âm thanh để giúp việc phân biệt âm vực cao, thấp cho trẻ nghe;

• Đưa trẻ đi chơi bên ngoài, vừa chỉ cho trẻ những sự vật xung quanh vừa nói tên các sự vật đó cho trẻ nghe;

• Dùng máy ghi âm ghi lại các âm thanh, bao gồm cả tiếng nói của bạn và tiếng của trẻ để luyện thính giác cho trẻ;

• Dùng những con rối tay để thu hút sự chú ý của trẻ, có thể yêu cầu bé trả lời “đúng” hay “không “, hoặc dùng con rối để kể cho trẻ nghe những câu chuyện về đồ vật, con người hay những trải nghiệm diễn ra xung quanh trẻ.

Nếu để ý thấy trẻ có sự bất thường trong việc phát âm, cha mẹ đừng bỏ qua vì nghĩ rằng sau này trẻ sẽ nói được. Nếu trẻ có vấn đề thật sự mà chúng ta đưa trẻ đi chữa trị muộn thì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ.

Về việc phát triển ngôn ngữ của trẻ 17 tháng tuổi, cha mẹ sẽ thấy trẻ 17 tháng tuổi phát triển nhanh chóng một cách rõ nét. Nhìn chung, trẻ sẽ học được nhiều từ mới và sẽ “nói không ngớt miệng”. Từ 18 tháng trở đi, các bé gái thường nói được nhiều hơn các bé trai.

Đôi khi trẻ sẽ tự nhiên quên một số từ trong khi nhiều tuần trước trẻ còn nói từ đó nhiều như một con vẹt. Các nhà khoa học cho rằng ở độ tuổi này, việc sử dụng từ của trẻ còn chưa ổn định và trẻ chưa hiểu rõ được ý nghĩa của những từ đó. Trong một số trường hợp, trẻ có thể dùng từ này với một nghĩa khác nhưng ở một trường hợp khác có thể trẻ đã thay đổi ý nghĩa của từ đó. Cha mẹ cũng không nên quá ngạc nhiên hay lo lắng. Bạn hãy từ từ dạy lại cho trẻ những từ đó. Khi trẻ đã chắc chắn về ý nghĩa của những từ đó, trẻ sẽ quay lại sử dụng chúng.

Kết quả của những nghiên cứu cho thấy những trẻ thường dùng ngôn ngữ để biểu thị sự mong muốn của mình sẽ nghĩ và nói được những cụm từ, còn những trẻ chỉ sử dụng ngôn ngữ để gọi tên những sự vật xung quanh sẽ thường chỉ biết sử dụng các từ đơn mà thôi.

Trong độ tuổi từ 15 đến 18 tháng, bé con của chúng ta sẽ nhận thấy rằng mọi người đều có tên gọi riêng, nên trẻ sẽ bắt đầu gọi tên những thành viên trong gia đình hay gọi tên những con vật nuôi khác nhau. Một trò chơi giúp trẻ phát triển việc dùng ngôn ngữ để phân biệt mọi người với nhau đó là lấy những album ảnh cho trẻ xem và hỏi “Đây là ai?”. Phần lớn trẻ ở độ tuổi này đều đã nhớ được mọi người trong ảnh.

Hãy biến bữa ăn của trẻ thành niềm vui

Đối với người lớn, ăn uống là một niềm vui nhưng đối với trẻ ở độ tuổi này, nhiều lúc ăn uống lại thật vất vả. Nói chung, cha mẹ cần quan tâm đến việc ăn uống của trẻ, đừng để mỗi bữa ăn của trẻ trở thành một cuộc chiến bên bàn ăn.

• Cho trẻ thêm thời gian. Bạn không nên ép buộc trẻ phải ăn xong thật nhanh và đừng ép trẻ phải ăn quá nhiều. Hãy để trẻ ăn một cách hứng thú, ăn từ từ, dần dần từng ít một. Bạn hãy để cho trẻ tự dùng thìa để xúc ăn nếu trẻ muốn (mặc dù bạn sẽ phải đối mặt với sự vương vãi). Mong rằng các bậc cha mẹ sẽ thực hiện được hai điều sau: để trẻ ăn bằng sự thích thú và để cho trẻ ăn một cách tự do. Nếu bạn làm được hai điều trên, chắc chắn bạn sẽ không còn phải thúc giục và ép trẻ ăn nữa.

• Thu hút sự chú ý. Cho dù bé con của chúng ta mới được 17 tháng tuổi, nhưng trẻ cũng biết được món nào hấp dẫn, đáng để ăn. Không khí vui vẻ cũng góp phần khiến bữa ăn của trẻ dễ dàng hơn. Ví dụ: Hãy tạo ra một không gian yên tĩnh, ấm áp bên bàn ăn, tuy nhiên đừng để không khí quá căng thẳng khiến việc ăn uống trở thành nghi lễ. Khăn trải bàn với màu sắc đẹp hoặc một bông hoa cắm trong lọ cũng giúp cho trẻ thấy thoải mái hơn. Các món ăn nên có màu sắc hấp dẫn và loại thức ăn mà trẻ có thể dùng tay bốc được sẽ giúp trẻ tập trung hơn. Mùi vị của thức ăn nên vừa phải, không quá mặn hay quá cay. Một điều đáng chú ý là hầu hết trẻ 17 tháng sẽ thích có nhiều món ăn, cả món sống và món chín (thức ăn sống là hoa quả, rau, không phải thịt), món mềm, xốp, món dẻo dễ nhai.

• Quan điểm của cha mẹ về việc ăn uống. Trong giai đoạn này, cha mẹ cần giới thiệu cho trẻ biết thêm thật nhiều loại thức ăn mới. Đây là một công việc quan trọng không kém việc cho trẻ hòa nhập vào xã hội hay là rèn tính cách cho trẻ. Nếu cha mẹ giới thiệu một cách dịu dàng, nhẹ nhàng khiến trẻ thích tất cả những đồ ăn mà bạn nấu thì tương lai trẻ sẽ không quá kén ăn. Khi bắt đầu cho trẻ ăn những món mới, bạn nên cho trẻ ăn mỗi lần một món, thử từng chút bằng cách để cùng với các món cũ mà bạn đã từng nấu nhiều lần và được trẻ yêu thích.

Nên nhớ rằng không có một loại thức ăn hoàn hảo dành cho trẻ. Mỗi loại thức ăn đều có tầm quan trọng ngang nhau, không phải trứng hấp là món tốt nhất hay cá hấp là tốt nhất. Trẻ nên được ăn các loại thức ăn đa dạng để được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đây là một thói quen ăn uống có lợi cho trẻ trong tương lai.

• Đừng để trẻ từ chối uống sữa. Trẻ em cần được uống sữa ít nhất mỗi ngày một cốc. Nếu trẻ không chịu uống sữa, cha mẹ cần bổ sung cho trẻ nguồn dinh dưỡng từ sữa qua các loại bánh hoặc thức ăn như bánh quy, bơ, súp... ít nhất cho tới tuổi thiếu niên. Đối với các loại rau quả bạn cũng làm tương tự như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx