sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 14

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 15

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Trèo lên cầu thang;

• Ngồi trên ghế nhỏ được một lát;

• Đi về phía trước và đi lùi được khoảng 2 - 3 bước;

• Trèo được lên ghế, bàn, sofa;

• Thích trèo ra khỏi giường hoặc cũi, nếu không sẽ tìm lỗ hổng để chui ra;

• Không bò mà thích đi hơn;

• Không ngồi yên một chỗ mà lúc đi, lúc đứng, leo trèo, nghịch đồ đạc, lôi kéo, chui vào gầm bàn, leo lên ghế, đi nhanh như chạy…;

• Đứng hoặc ngồi để ném bóng và bắt bằng cách áp khuỷu tay vào nhau rồi xòe tay ra.

Các phần cơ nhỏ

• Nhặt đồ vật nhỏ cho vào chai rồi lại đổ ra được;

• Mở được nắp hộp;

• Cố gắng xoay nắm đấm cửa;

• Có thể dùng cả hai tay để cầm một đồ vật.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói được khoảng 4 - 6 từ;

• Thích nói “bái bai” (bye bye), “đi”, “măm măm”;

• Thích dùng ngôn ngữ của riêng mình và thể hiện bằng cử chỉ;

• Khi cần điều gì thường dùng cách chỉ tay để ra lệnh cho người lớn làm theo;

• Bắt đầu dùng ngôn ngữ riêng hoặc thể hiện điệu bộ thay cho việc khóc để thông báo cho mọi người biết mình muốn gì;

• Nói những câu cầu khiến đơn giản như “xin bánh”, “lấy… lấy”, “nước… nước”;

• Hiểu được ý nghĩa của câu cầu khiến hoặc câu trần thuật như “không”, “ra đây”, “nhìn cái kia”, “không được”, “lấy….ra đây nào”…;

• Bắt đầu nhận biết được về bản thân và các hạn chế;

• Vẫn thích chống đối;

• Bắt đầu hiểu về ý nghĩa của việc so sánh, thích được khen, không thích bị mắng.

Phát triển về tâm sinh lý

• Thể hiện đòi hỏi nhiều hơn và thích tự chủ hơn;

• Dễ thay đổi tâm trạng;

• Thích bắt chước hành động của bố mẹ;

• Nhớ được hình ảnh của mình trong gương hoặc trong ảnh.

Phát triển về mặt xã hội

• Tìm kiếm người lớn khi bị bỏ rơi hoặc phải ở một mình;

• Thu hút sự chú ý của người khác;

• Thích trèo ra ngoài để tự đẩy xe đẩy chứ không chịu ngồi trong xe;

• Nhớ được mặt những người quen của gia đình;

• Dễ có tâm trạng vui vẻ, hứng thú;

• Đưa đồ chơi hoặc làm như sẽ cho nhưng rồi lại lấy lại và không chịu buông ra;

• Thích lôi quần áo trong tủ ra nghịch;

• Bắt chước cha mẹ làm việc nhà và thích giúp cha mẹ làm những việc nhỏ như lấy đồ vật.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Vuốt ve hình ảnh trong tập tranh;

• Bắt đầu bắt chước cách vẽ và viết bằng bút màu sáp hay bút chì;

• Đặt được miếng hình vào ô trống theo đúng hình dáng;

• Thích xem tranh ảnh trong sách vở do cha mẹ mở giúp;

• Kéo then cài ra và cho vào đúng vị trí nhưng phải có người giúp;

• Thích dùng tay, ngón tay để vuốt ve quần áo, lông các con vật hoặc đồ vật khác;

• Thích bắt chước những hành động đơn giản và thích thú với việc bắt chước như ho, hắt hơi, huýt sáo, hắng giọng…

Trò chơi và đồ chơi

• Thích ném đồ chơi;

• Thích thú với việc kéo xe đồ chơi;

• Thích nghe nhạc và nhảy theo nhạc;

• Thích đập, gõ đồ chơi;

• Thích chơi trò tung - bắt bóng;

• Đồ chơi thích nhất thường là quả bóng, thìa, bát, nồi, xoong, giỏ đựng quần áo, hộp hoặc đồ chơi có thể lắp ghép được;

• Thích đẩy xe đẩy, cưỡi trên ngựa gỗ;

• Trong khi chơi thường làm các hành động mang tính thử nghiệm như thử bóc, gõ, ném, quăng, cởi, kéo, cho vào, và nếm;

• Thích một số động vật nuôi như chó, mèo và bắt chước tiếng kêu của những động vật đó;

• Nhớ được tên những bộ phận chính trên cơ thể như mắt, mũi, miệng, tay, chân, đầu và có thể chỉ đúng nếu có người hỏi;

• Chỉ đúng một số hình ảnh khi người lớn nói tên và đôi khi còn có thể nói được tên của hình ảnh đó;

• Có phản ứng với những câu nói quan trọng hoặc một vài cụm từ như “rơi đấy”, “chết rồi”…

Lịch trình hàng ngày

• Tự cầm cốc uống nước và chỉ bị rớt ra ngoài một chút;

• Cầm thìa tự xúc cơm ăn được nhưng vẫn bị rơi vãi;

• Thích tự cởi giày dép, tất hoặc quần áo…;

• Một số trẻ không uống sữa bằng bình nữa;

• Biết ngồi bô hoặc bồn cầu;

• Biết thông báo cho người lớn khi tiểu tiện xong nhưng chưa biết thông báo trước khi tiểu tiện;

• Thích tự làm một số việc, không thích người khác giúp;

• Thông báo muốn ăn thêm bằng cách chỉ tay hoặc nói;

• Thích tắm.

THÁNG THỨ 16

HỌC CÁCH HÒA NHẬP VỚI XÃ HỘI

Phần lớn các nhà khoa học quy định lứa tuổi của trẻ nhỏ là từ 15 - 16 tháng cho tới 2,5 tuổi, các nhà giáo dục gọi đây là tuổi “chuẩn bị đi mẫu giáo”. Ngoài ra các nhà nghiên cứu đều có chung một quan điểm rằng đây là “giai đoạn khủng hoảng” của sự phát triển về thể chất, sự tự tin, sự học hỏi và sự tự do của trẻ. Vì vậy, cha mẹ thường thấy rằng trẻ ở tuổi này rất ngang bướng, tự lập nhiều hơn, đôi khi còn tỏ thái độ chống đối lại cha mẹ.

Phát triển về thể chất

Thời gian trước, trẻ chưa đi vững và gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Cha mẹ sẽ thấy trẻ phải lấy tay để giữ thăng bằng. Nếu muốn di chuyển nhanh về phía trước, trẻ sẽ ngồi xuống để bò. Đến tháng này, trẻ không bò nữa mà sải chân bước đi, hết sức cố gắng để đẩy cơ thể tiến lên phía trước.

Tỉ lệ khung xương của trẻ ở độ tuổi này có thể được so sánh ngang bằng với người lớn. Chân của trẻ còn ngắn nên trông “nặng mông” và còn khác biệt khá nhiều với người lớn. Do đó trẻ thường thích ngồi chơi ở dưới sàn, nhặt chơi đồ chơi, tháo ra tìm hiểu, lắc, cho vào miệng nếm, đập đập, gõ gõ xoong, nồi, bát, đĩa một cách thích thú. Trẻ 16 tháng tuổi thích những hoạt động thể chất như vậy hơn việc ngồi nói chuyện với một ai đó. Vì vậy, sự phát triển về giao tiếp bằng lời nói của trẻ còn chưa được tốt.

Luyện tập cơ bắp cho trẻ bằng việc ‘chơi’

Thông thường, trẻ ở độ tuổi 16 tháng có thể ném và lăn bóng, bò qua các đồ vật thấp, quỳ gối xuống sàn mà không cần bám vào vật gì, đứng và cúi người xuống nhặt đồ ở dưới sàn. Nếu trẻ vẫn chưa làm được những điều này, các bậc cha mẹ hãy thử cho trẻ luyện cơ bắp bằng các trò chơi sau:

• Đẩy bóng

- Cho trẻ ngồi quay mặt vào tường, cách tường khoảng 0,5 - 1 mét sau đó dạy cho trẻ cách đẩy trái bóng đập vào tường;

- Bạn ngồi quay mặt đối diện với trẻ, đẩy trái bóng về phía trẻ rồi bảo trẻ đẩy bóng về phía bạn;

- Lấy 3 cái chai nhựa dựng cạnh nhau, cách trẻ chừng 0,5 mét để trẻ lăn trái bóng làm đổ các chai nhựa.

• Ném bóng

- Treo 1 vòng tròn to cách trẻ chừng 30 centimét, hướng dẫn trẻ cách ném bóng rồi để trẻ ném bóng qua vòng tròn.

• Bò qua các chướng ngại vật.

- Tạo các chướng ngại vật bằng gối, đệm, chăn để trẻ bò qua. Có thể lấy đồ chơi để dụ trẻ.

• Quỳ gối

- Cho trẻ quỳ gối, hai tay chống xuống sàn rồi bảo trẻ giơ lần lượt từng cánh tay lên, sau đó giơ cả hai tay lên cho tới khi có thể đẩy được bóng ở tư thế quỳ.

• Leo cầu thang

- Bắt đầu bằng việc cho trẻ đứng dưới sàn, để đồ chơi mà trẻ thích lên bậc cầu thang thứ hai hoặc thứ ba rồi bảo trẻ lên lấy. Có thể sẽ phải giúp trẻ nhấc đầu gối đặt lên bậc thang thứ nhất trước sau đó mới khuyến khích trẻ leo lên.

• Tập đi

- Khi trẻ tự đứng mà không cần bạn giữ, hãy cho trẻ đẩy ghế hoặc kéo đồ vật;

- Cho trẻ đi trên những mặt sàn khác nhau, ban đầu bạn có thể vẫn phải giữ trẻ;

- Cố gắng để trẻ vừa đi trên tay vừa cầm đồ chơi.

Các phát triển chung

• Luyện tập các giác quan. Từ việc cố gắng làm quen với các đồ vật mới hàng ngày bằng cách cầm, nắm, qua cảm giác và khám phá đồ vật, trẻ sẽ nhận ra rằng một số đồ vật mềm, một số lại cứng, một số có thể co giãn… Những đồ vật có thể di chuyển và phát ra âm thanh dễ thu hút trẻ hơn.

Bản thân người mẹ cũng góp phần giúp trẻ luyện tập các giác quan bằng cách khuyến khích trẻ quan tâm đến các âm thanh khác nhau và nói tên những âm thanh đó. Ví dụ: “Con ơi, ai đang gõ cửa cốc cốc ấy nhỉ?”, “Tiếng gì đấy nhỉ? À… đấy là tiếng nước chảy mà”, “Con hãy nhìn ra ngoài cửa sổ xem! Con có thấy xe ô tô đang chạy rầm rầm không?”… Các bạn hãy thường xuyên nói đến những sự vật mà trẻ nhìn thấy hoặc những âm thanh mà trẻ nghe thấy để trẻ quen với việc sử dụng các giác quan này.

• Thích thử sức và luyện tập cơ bắp. Điều này có thể thấy được qua việc trẻ thích nâng những đồ vật nặng như chiếc ghế to, ôm một lúc nhiều thứ đồ, hoặc lấy cuốn sách to nhất ở dưới chồng sách ra. Lý do trẻ làm những việc quá sức như vậy là bởi trẻ muốn thử sức mình, đồng thời cũng muốn chứng minh xem mình có thể làm được những việc mà cha mẹ thường ngăn cấm trẻ hay không.

• Thích bắt chước người lớn và thể hiện nhiều hơn. Nếu cha mẹ thể hiện tình yêu với trẻ bằng cách thơm vào má, trẻ cũng sẽ thể hiện tình yêu với cha mẹ bằng cách thơm vào má giống như vậy. Nếu mẹ vỗ tay khen thưởng trẻ, trẻ cũng sẽ bắt chước vỗ tay. Đôi khi trẻ còn bắt chước những hành động khác của mẹ như khi nhìn thấy giày, dép của cha mẹ, trẻ sẽ đi thử nhưng không phải chỉ đơn giản là thử đi cho oai đâu nhé. Đây chính là bước đầu tiên thể hiện sự cố gắng của trẻ để tham gia vào thế giới của người lớn.

Trẻ ở độ tuổi này có thể làm được nhiều việc giống như người lớn, chỉ là chưa tốt bằng mà thôi. Trẻ vẫn cần tự luyện tập bản thân bằng cách bắt chước cả hành động lẫn ngôn ngữ để trả lời cho câu hỏi “Mình là ai trong thế giới của người lớn?”.

• Trẻ sẽ cố gắng tỏ ra mình không còn là trẻ con nữa cho dù thực tế trẻ vẫn chưa sẵn sàng. Nhà tâm lý học nổi tiếng Erik Erikson[10] từng nói đại ý rằng sự tự do này được sinh ra từ ý thức là “cá nhân độc lập” như những người khác và tự làm được mọi việc. Bạn có thể thấy điều này từ việc đi, leo trèo, nhảy… của trẻ. Không chỉ vậy, đối với đồ vật, trẻ cũng cố gắng chứng tỏ rằng mình có khả năng, có sức mạnh để điều khiển chúng. Ví dụ như thay vì ngồi trong xe đẩy thì trẻ sẽ tự đẩy xe, thích ôm những vật to, thích chuyển đồ đạc…

[10] Erik Homburger Erikson (1902 - 1994) là nhà tâm lý học phân tâm người Mỹ gốc Đức nổi tiếng với Lý thuyết về các giai đoạn phát triển của con người.

Cha mẹ sẽ thấy trẻ từ chối mệnh lệnh, lời cầu khiến hoặc yêu cầu giúp đỡ từ cha mẹ. Nhưng các bạn hãy yên tâm bởi trẻ vẫn đang lẫn lộn giữa hai việc “tự lập” và “dựa dẫm vào người khác” mà thôi. Không phải lúc nào trẻ cũng từ chối đâu, như khi thể hiện những khả năng mới như nhảy, trẻ sẽ nắm tay người lớn để nhảy với niềm tự hào rằng trẻ đã biết nhảy rồi.

• Cố gắng thích nghi với xã hội và bắt đầu thể hiện cá tính. Đây là thời điểm thích hợp để dạy cho trẻ học cách sống hòa nhập với mọi người, dạy cho trẻ biết thế nào là đúng, là sai bằng phần thưởng (ôm, cười, khen ngợi) và bắt phạt (bắt phạt, thờ ơ).

Cha mẹ nên dạy cho trẻ cách biết cho người khác (chia sẻ) và đón nhận, dạy cho trẻ cách biểu lộ tình cảm, sự quyết định, sự chung sức giúp nhau làm việc và tình bạn để trẻ có thể thích nghi với xã hội một cách dễ dàng.

Khi trẻ bước ra thế giới bên ngoài, thời gian trẻ dành cho gia đình sẽ ít đi. Đây là cơ hội tốt để trẻ rèn tính tự lập và nhiệt tình tham gia các hoạt động nhóm hơn nữa. Song điều này cũng có hạn chế là trẻ sẽ có thể có hành động chống đối lại cha mẹ, và đôi khi có thái độ tiêu cực đối với cha mẹ và gia đình. Sự thích nghi với xã hội sẽ bị gián đoạn nếu trẻ bị ốm hay bị xa cách, một số trẻ sẽ quay lại làm nũng và bám cha mẹ, một số khác có thể có thái độ cáu giận. Những lúc như thế cha mẹ nên an ủi để trẻ thấy tin tưởng, nếu kịp thời giải quyết, những biểu hiện tiêu cực này của trẻ sẽ chỉ diễn ra tạm thời mà thôi.

Ngoài ra, trẻ còn thể hiện bằng cách từ chối “không” khiến nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy con mình thật bướng bỉnh. Không có một công thức nhất định nào để giải quyết thái độ chống đối ấy của trẻ nhưng bạn hãy áp dụng nguyên tắc cơ bản sau đây để điều chỉnh cho phù hợp. Đó là cố gắng sử dụng mệnh lệnh bắt buộc khi thật cần thiết nhưng bạn phải đưa ra lý do hoặc hoặc cách giải thích hợp lý ví dụ như “Con có thể nghịch nước ở trong nhà tắm, nhưng ở trên nhà thì không được đâu.”

Sự gắn kết trong gia đình là nền tảng để hòa nhập với xã hội

Sự phát triển về thể chất nhìn chung đều diễn ra theo đúng các giai đoạn, song sự phát triển về ý thức xã hội phải dựa nhiều vào sự kích thích của cha mẹ và môi trường. Đây là xã hội đầu tiên của trẻ. Nếu khởi đầu tốt đẹp, việc kích thích để trẻ có thể thích nghi với xã hội bên ngoài gia đình sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tôn trọng bản thân. Các nhà tâm lý học cho rằng phản ứng của trẻ đối với môi trường phụ thuộc vào thái độ đối với bản thân của trẻ. Phản ứng đó bắt nguồn từ những kinh nghiệm của bản thân. Cả ngôn ngữ cử chỉ lẫn ngôn ngữ nói của mọi người sẽ trở thành sự định hướng cho việc trẻ biết tự tôn trọng bản thân. Nếu cha mẹ nào chưa từng chơi với con cái hoặc không đáp ứng những yêu cầu của trẻ sẽ không làm cho trẻ cảm thấy bản thân có giá trị. Khi cha mẹ nói với trẻ những câu như “tồi”, “không được tích sự gì”, trẻ sẽ nghĩ rằng mình tồi, không được tích sự gì. Do vậy, cha mẹ nên cẩn thận và lưu ý đến những lời nói của mình bởi ngôn ngữ là thứ rất có ảnh hưởng tới việc xây dựng thái độ tôn trọng bản thân của trẻ.

Sự tự tin vào bản thân. Trẻ 16 tháng tuổi coi mình là trung tâm nên thường nói đến những chuyện có liên quan tới bản thân, đôi khi còn nói xen vào những chuyện về bản thân. Đây chính là thời điểm cha mẹ nên dạy cho trẻ biết yêu bản thân mình bằng cách lắng nghe trẻ nói, khen ngợi đúng lúc và xây dựng cho trẻ sự tự tin vào bản thân cũng như tìm cơ hội để trẻ được tự hào về thành quả của bản thân. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào vì “Con tự đi giày được rồi”, “Con đã biết là con lên mấy tuổi”, “Con ngã nhưng không thấy đau”… Mỗi ngày trẻ đều gặp phải vấn đề bức bối nảy sinh từ sự hạn chế về khả năng của mình, muốn nhấc đồ vật cũng không nhấc được, muốn nhìn những thứ đang diễn ra bên ngoài cửa sổ nhưng không được nhìn, muốn được lấy đồ chơi hay đồ vật nào đó nhưng không lấy được… Chính vì vậy, cha mẹ cần giúp trẻ để trẻ có sự tự tin vào bản thân mình.

Sự thất vọng sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy thế giới này không phải dành cho trẻ mà là thế giới của người lớn bởi người lớn có thể làm được mọi thứ, mọi đồ vật đều có kích thước phù hợp với người lớn. Trong khi đó, trẻ cũng muốn trở thành một phần trong thế giới này, cũng muốn được lái xe, muốn được châm lửa, muốn đi ra ngoài giống như cha. Cha mẹ nên dạy cho trẻ hiểu rằng trẻ còn quá nhỏ để làm những việc đó, đồng thời bạn nên có những đồ đạc dành riêng cho trẻ, đồ chơi mô hình, miếng xếp hình hoặc những đồ vật khác. Cha mẹ nên khen ngợi, động viên trẻ, tránh việc so sánh hoặc thi đua bởi trẻ ở độ tuổi này có thể không chấp nhận được trạng thái thất bại.

Động lực trong việc học tập. Trẻ sẽ ham học hỏi nhiều hay ít phụ thuộc vào sự sắp xếp một môi trường có sự kích thích việc học hỏi ở mức độ nào và có sự tương tác lại các hành động của trẻ ra sao. Trẻ càng biết rằng những việc mình làm có tác động tới mọi người xung quanh bao nhiêu, trẻ sẽ càng có thêm động lực để học tập bấy nhiêu.

Trẻ ở độ tuổi này có thể làm được nhiều việc giống người lớn, song chỉ là làm chưa được tốt bằng mà thôi. Trẻ vẫn cần phải luyện tập để phát huy bằng việc bắt chước cả điệu bộ lẫn ngôn ngữ của người lớn nhiều hơn nữa.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 16

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Chạy chơi thoải mái, ít bị ngã, biết đi sang ngang;

• Cố gắng đi bằng gót chân;

• Trèo lên, trèo xuống cầu thang được nhưng vẫn phải có người trợ giúp;

• Biết ném bóng, cố gắng đá bóng nhưng thường giẫm lên bóng nhiều hơn;

• Có thể đứng bằng một chân bên phải nhưng phải có người giữ;

• Cử động thành thạo chân, tay và các bộ phận khác trên cơ thể;

• Ngồi xuống từ tư thế đứng một cách uyển chuyển, ngồi được một mình trên ghế.

Các phần cơ nhỏ

• Khi chơi trò chơi xếp hình, đã xếp được 2 - 3 lớp, nhặt được hạt cườm cho vào hộp;

• Lật được nhiều trang sách một lúc;

• Cố gắng bắt chước viết, vẽ thành nét.

Phát triển về ngôn ngữ

• Sử dụng được khoảng 6 - 7 từ, có thể ghép được 2 từ với nhau;

• Lấy được đồ vật theo yêu cầu (phải có điệu bộ minh họa);

• Chỉ và thể hiện điệu bộ khi muốn cái gì đó;

• Chỉ đúng các bộ phận trên cơ thể;

• Phần lớn không thích nghe truyện cổ tích do người lớn đọc, thích xem một số hình ảnh, chỉ và nghe người lớn giải thích về hình ảnh đó;

• Thích xem những chương trình thiếu nhi trên tivi như phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi.

Phát triển tâm sinh lý

• Quá tự tin vào bản thân, có tính tự lập cao hơn;

• Các bé trai đã khám phá ra rằng mình có “chim”;

• Các bé gái thường ghen tị khi thấy các bé trai có “chim”;

• Vui vẻ, hay nói, cười với tất cả những ai mà trẻ gặp.

Phát triển về mặt xã hội

• Thu hút sự chú ý;

• Chứng tỏ cho mọi người thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình;

• Biết đi tìm mẹ ở phòng khác nếu không thấy mẹ;

• Tỏ thái độ từ chối, phần lớn thường nói “không”;

• Làm được những việc dễ theo lời sai khiến;

• Đưa đồ chơi cho người khác và chờ xem phản ứng.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Thích ngửi đồ vật có các mùi khác nhau;

• Vẫn thích đổ đồ vật ra khỏi hộp đựng, bắt đầu biết nhặt một đồ vật cho vào một đồ vật khác;

• Nói đến hình ảnh trong sách (hình ảnh đơn giản).

Trò chơi và đồ chơi của trẻ

• Thích lôi, kéo, đẩy đồ chơi;

• Thích thú với việc lấy đồ chơi ra xếp thành hàng dài hoặc vứt thành đống;

• Thích bế và ôm thú nhồi bông mềm;

• Thích nghịch cát;

• Thích bắt chước người lớn làm việc nhà;

• Vẫn thích chơi với cha mẹ

Lịch trình hàng ngày

• Thường không chịu đi ngủ;

• Khi dùng thìa tự xúc, thức ăn bị rơi vãi ít hơn;

• Thích được tự ăn;

• Uống nước được bằng cốc;

• Đôi khi sẽ tự chọn quần áo để mặc, kéo được những chiếc khóa kéo lớn trên quần áo;

• Biết thông báo cho người lớn sau khi đã tiểu tiện ra quần;

• Biết tập đi đại tiện theo thời gian nhất định.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx