sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 20

Dạy cho trẻ biết phân biệt các hình khối khác nhau

Bé con 21 tháng tuổi của mẹ đã biết được rất nhiều. Bây giờ bé đã có thể thả đúng tất cả các hình khối vào hộp thả hình được rồi, bất kể là hình tròn, hình vuông, tam giác. Ngoài ra còn biết ghép những bức tranh đơn giản nữa.

Bạn tập cho trẻ chơi trò tìm thẻ từ vựng được rồi. Những tập thẻ từ vựng được bày bán ở khắp nơi, không khó để tìm mua, nhưng nếu bạn muốn tự làm bằng cách cắt ra từ các tạp chí hoặc sách cũng được. Bạn hãy chọn những bức ảnh có màu sắc bắt mắt rồi dán lên tấm bìa cứng để dùng được lâu hơn.

Vẽ vẽ, tô tô

Trẻ trong độ tuổi bập bẹ rất thích lấy chiếc bút chì màu to vẽ lên giấy. Nếu bạn làm cho bé xem thử, bé sẽ vẽ được đường vuông góc hoặc vòng tròn hơi méo.

Bé con sẽ trở thành nhà thính học, phân biệt được âm thanh nào là tiếng đồng hồ kêu, tiếng chim hót hoặc tiếng chuông cửa… Các mẹ nên tập cho trẻ nghe các âm thanh với các tần số khác nhau một cách thường xuyên bao gồm cả âm nhạc và âm thanh của các loại đồ chơi trong cửa hàng bán đồ chơi, âm thanh phát ra từ các loại dụng cụ hoặc các đồ vật trong gia đình.

Học cách nhận biết các mùi

21 tháng tuổi không phải là quá sớm để mẹ tập cho trẻ ngửi và phân biệt các mùi khác nhau như mùi của các loài hoa: hoa hồng, hoa nhài, hoa hoàng lan, hoa móng rồng, hoa ngọc lan; mùi của các loại hoa quả: xoài, cam, quýt, doi, dứa…; mùi của các loại gia vị như sả, giềng, gừng, thảo quả, đinh hương; mùi của những vị thuốc nam, và mùi vỏ của các loại cây. Mẹ có thể cùng trẻ chơi trò ngửi mùi đoán tên để quá trình học tập trở nên thú vị, càng ấn tượng càng tốt.

Phát triển về mặt xã hội

Có lời khuyên từ một công trình nghiên cứu như sau: Nếu không muốn con mình trở thành đứa trẻ hung hãn, thì người làm cha, làm mẹ phải thể hiện rõ ràng rằng mình không đồng tình với những hành vi hung hãn. Nếu trẻ có những hành vi đó phải ngăn chặn ngay tức thì và phải tránh việc trừng phạt bằng những hình thức bạo lực. Việc trừng phạt trẻ càng làm cho tình hình thêm phức tạp hơn. Nếu việc trừng phạt trẻ đã trót xảy ra rồi, bạn đừng hy vọng trẻ sẽ dừng ngay tức thì những hành vi đó và không có gì đảm bảo được rằng những hành vi như vậy sẽ không tái diễn.

Khi trẻ bị phạt, trẻ sẽ tích tụ sự bực tức, căm giận lại và sẽ bùng phát một cách mạnh mẽ trong thời gian sau. Khi cha mẹ phạt bằng cách đánh để trẻ không thể hiện những hành vi hung hãn đó, thì cha mẹ lại không hề nghĩ rằng chính lúc ấy mình đang dạy cho trẻ những hành vi bạo lực.

Chúng ta đều tin rằng đôi khi hình phạt cũng có tác dụng làm dừng một số hành vi hung hãn của trẻ lại. Nhưng đã có khi nào chúng ta từng nghĩ rằng việc trừng phạt đó sẽ để lại những hậu quả gì cho trẻ? Gia đình nào để mặc cho trẻ thể hiện sự hung hãn một cách thoải mái sẽ làm hại cả trẻ và bản thân bạn. Bởi những trẻ thường xuyên nóng giận thường không có hạnh phúc và không cảm nhận được tình yêu thương mà người khác dành cho. Những trẻ này sẽ làm cho cha mẹ mất hết sự vui vẻ.

Không có đứa trẻ nào muốn trở thành người hung hãn nếu cha mẹ coi sự hung hãn rất đáng ghét và không nên có. Trẻ sẽ bớt hung hãn nếu cha mẹ biết cách phòng ngừa trước hoặc dừng cảm giác bực bội của trẻ lại kịp thời trước khi bùng phát ra, hoặc liên tục để mặc cho trẻ được giải tỏa sự tức giận đó. Bạn hãy tìm biện pháp phòng ngừa bằng cách tránh hoàn toàn việc trừng phạt hoặc dừng ngay ý nghĩ muốn cho trẻ sợ lại.

Tất cả những điều nói trên không có nghĩa là cha mẹ không có quyền giận trẻ. Cha mẹ có thể giận trẻ nhưng phải chú ý, bởi với người lớn, khi tức giận điều gì đó thì thường giận lây sang trẻ và không thể tránh khỏi hành vi bạo lực.

Mặc dù phần lớn các nhà tâm lý học đều không đồng tình với việc trừng phạt trẻ bằng bạo lực. Nhưng họ cũng nghĩ rằng khi cha mẹ giận trẻ, cáu với trẻ mà không thể kiềm chế được, thì việc phát vào mông trẻ một hai cái sẽ tốt hơn việc trừng phạt tinh thần trẻ như tỏ ra không thèm quan tâm, không nói không rằng hoặc nói với trẻ những câu theo kiểu như “Nếu con còn làm như thế nữa thì mẹ sẽ không yêu con đâu”.

Trong giai đoạn tuổi thứ 2 của trẻ, cha mẹ thường ép trẻ thực hiện các quy định hoặc kiểm soát những hành vi của trẻ để cho phù hợp với những quy tắc của xã hội. Thật bất ngờ khi tất cả những hành vi bị cấm như không được la hét nhiều, khi ăn không được làm rơi vãi thức ăn hoặc không được ăn nhồm nhoàm, không được nhảy lên nhảy xuống ở trên giường, khi buồn đi vệ sinh thì phải nhịn chờ đến khi vào nhà vệ sinh... đều là những thứ trẻ yêu thích và muốn làm. Thực ra, những quy định phức tạp trên chỉ là nhu cầu và ý thích của xã hội mà thôi.

Trong giai đoạn đầu tiên của tuổi thơ, trẻ được dạy dỗ các hành vi nhằm phù hợp với quá trình thích nghi để hòa nhập với xã hội. Tới nửa cuối của tuổi thứ nhất, trẻ đã thực hiện những hành động để làm hài lòng cha mẹ hơn, hành động để được yêu thương, được bằng lòng, được công nhận. Trẻ thường tránh tạo cho cha mẹ cảm giác không hài lòng vốn thường kéo theo việc bị trừng phạt hoặc tỏ ra không thèm quan tâm, bỏ mặc. Khi trẻ bước vào tuổi thứ 2, quá trình thích nghi này sẽ còn tăng thêm về cấp độ và mức độ.

Khi tình trạng này xảy ra, việc bày tỏ sự đồng tình và phần thưởng của cha mẹ là cách thức quan trọng sẽ giúp trẻ thích nghi với các quá trình trong xã hội tốt hơn. Bởi khi trẻ làm tốt và nhận được phần thưởng, trẻ sẽ cố gắng từ bỏ những hành động nhằm mục đích khiến bản thân hài lòng để chuyển sang thực hiện hành động mà khi làm được sẽ khiến cha mẹ hài lòng, được cha mẹ yêu quý. Phương pháp nói trên sẽ đạt được kết quả tốt nhất khi trẻ nhận được đầy đủ sự quan tâm, nâng niu, chăm sóc. Với những cha mẹ chưa từng yêu thương trẻ, không quan tâm, chăm chút cho trẻ trong năm đầu tiên của cuộc đời sẽ không thể dùng phần thưởng làm công cụ để tạo ra động lực kích thích trẻ hoặc thậm chí không nhìn thấy giá trị của phần thưởng đó.

Sự yêu thương và thừa nhận mà cha mẹ luôn có và sẵn sàng dành cho trẻ là yếu tố quan trọng để trẻ bước vào quá trình thích nghi với xã hội một cách có hiệu quả, đồng thời, những yếu tố này sẽ làm cho trẻ cảm thấy tin tưởng khả năng đối mặt và giải quyết với những vấn đề xảy ra với bản thân một cách hiệu quả.

Tuy trẻ 21 tháng tuổi sẽ tương tác tương đối chậm trước những lời cầu khiến và thường chỉ thích làm những việc trái ngược với lời của người lớn (đôi khi vì muốn thử, đôi khi lại muốn làm trái lời người lớn bởi thấy những việc đó vui), nhưng trẻ sẽ trả lại đồ của người khác ngay khi có người hỏi hoặc xin lại. Trẻ sẽ rất hãnh diện khi mẹ nhờ trẻ lấy hộ đồ vật gì đó. Giai đoạn này trẻ có trí nhớ tuyệt vời, có thể nhớ được mọi thứ, đồ vật nào nằm ở chỗ nào. Trẻ có thể tự lấy và cất đồ chơi nếu mẹ trợ giúp một chút.

Khi trẻ bắt đầu biết nhiều người hơn, ý thức về quyền riêng tư cũng bắt đầu xuất hiện. Trẻ biết được phòng nào là phòng của cha mẹ, phòng nào mới là phòng của mình. Trẻ sẽ tỏ ra rất vui mừng nếu biết rằng trong tủ quần áo của mẹ có một ngăn tủ dành để quần áo cho mình, thích thú khi biết cuốn truyện cổ tích của trẻ cũng có quyền được đặt trên giá sách trong phòng khách. Chắc các mẹ không biết được rằng việc cất đồ đạc của trẻ ở chỗ này chỗ kia trong nhà quan trọng với ý thức có quyền trong nhà của trẻ tới mức nào. Ở độ tuổi này, khi trẻ bắt đầu thấy chán đồ chơi của mình, trẻ sẽ muốn lấy đồ chơi của người khác. Khi trẻ đi vào phòng của người khác, các mẹ cũng phải để mắt tới bởi có thể trẻ sẽ lôi đồ đạc bị cấm hoặc nguy hiểm ra chơi.

Phát triển về tâm sinh lý

Tôi xin mượn câu nói của một nhà tâm lý học Margaret S. Mechler như sau: “Có thể nhận thấy rằng trẻ được 21 tháng tuổi sẽ không thích làm thân với ai. Trẻ có ý thức và nhu cầu về quyền lực để tự kiểm soát mọi vật. Đây cũng là giai đoạn quan trọng làm nảy sinh sự lo lắng sẽ phải xa cách mẹ. Ý thức của trẻ sẽ bị lẫn lộn giữa hai chiều hướng là vừa muốn được gần gũi mẹ nhưng lại vừa muốn được tự lập. Trẻ sẽ rơi vào tình trạng ‘trở đi mắc núi, trở lại mắc sông’ trong một thời gian. Sau thời gian này trẻ sẽ tìm được cách giải quyết và độc lập với mẹ. Khi thực hiện được điều này, trẻ sẽ phát triển rất tốt”.

Sự phát triển trong việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ tốt hơn rất nhiều, từ việc gọi tên các đồ vật, diễn đạt mong muốn và cảm xúc của bản thân bằng ngôn từ có nghĩa khiến trẻ cảm thấy mình có thể kiểm soát được bản thân, thực hiện được những quy định của cha mẹ và biết chơi các trò chơi nhiều hơn.

Tiến sĩ Mechler còn giải thích thêm rằng việc trẻ trở nên độc lập thực sự diễn ra phụ thuộc vào ấn tượng về mối quan giữa cha mẹ với trẻ và sự hài hòa về tính cách trong con người trẻ.

Nuôi trẻ theo giới tính

Các nhà tâm lý học tin rằng cha mẹ quy định việc nuôi dạy để trẻ trở thành con trai hay con gái từ khi mang thai. Nếu cần hoặc muốn con mình là con trai, cha mẹ hãy trang trí phòng, tìm mua quần áo, đồ dùng màu xanh da trời, được quan niệm là màu của “giới tính nam”. Một số người để ý sự chuyển động của trẻ trong bụng cũng có thể đoán biết được giới tính của con. Nếu thai nhi đạp mạnh, một số mẹ thường tưởng tượng theo mong muốn cá nhân là đứa trẻ trong bụng sẽ phải là con trai.

Cho tới khi mở mắt chào đời, sự khác biệt cũng bắt đầu xuất hiện. Người mẹ có con trai 3 tháng tuổi sẽ đối xử với con khác với người mẹ có con gái 3 tháng tuổi. Người mẹ có con trai thường vuốt ve, ôm ấp và quan tâm nhiều hơn, có lẽ vì bé trai thường gào khóc to hơn bé gái chăng? Nhưng đến tháng thứ 6, các mẹ có con gái thường quan tâm đến con nhiều hơn so với các mẹ có con trai. Có lẽ vì việc nói chuyện, trêu đùa hoặc có nhiều tương tác hơn và việc các mẹ dành cho con gái nhiều sự quan tâm hơn khiến các bé gái phát triển ngôn ngữ nhanh hơn các bé trai cùng độ tuổi. Ngoài ra, các bé gái cũng được bú sữa mẹ nhiều hơn và lâu hơn các bé trai. Một nguyên nhân là do các bé trai thường ăn nhiều hơn còn nguyên nhân thứ hai cũng rất quan trọng là bé trai có giới tính khác với giới tính của mẹ. Tại Bắc Mỹ, việc cho con bú sữa mẹ thường bị coi là những hành vi về giới tính, mặc dù đứa trẻ đó mới 9 tháng tuổi đi chăng nữa.

Tại Bắc Mỹ, việc bé trai bị cai sữa sớm và không thường nhận được sự ôm ấp, quan tâm nhiều từ mẹ có mục đích để chuẩn bị cho trẻ nhận thức được về giới tính nam sau này. Văn hóa của chúng ta cũng vậy, bé trai phải trở thành một người đàn ông thực thụ, phải tự chủ, không được khóc, không được ôm ấp, hôn ai. Chỉ khi còn nhỏ mới có cơ hội gần gũi mẹ, khi lớn lên một chút nếu mẹ ôm, mẹ hôn sẽ có cảm giác ngại ngùng, xấu hổ nên sẽ gần gũi cha nhiều hơn.

Cha mẹ nên có cái nhìn đúng đắn về giới tính để thấy một bé trai cũng có thể chơi búp bê được, còn những bé gái cũng có thể lớn lên cùng các máy móc. Đây là cách làm tốt bởi sẽ giúp trẻ lớn lên trở thành người có tự do theo mong muốn của bản thân. Cha mẹ không nên phân biệt về giới tính vì sẽ hạn chế khả năng học hỏi của trẻ thơ.

Ngoài ra, bác sĩ Michael Lewis còn nói đến một sự nguy hiểm khác đó là khi trẻ được sinh ra với giới tính không theo ý muốn của cha mẹ và cha mẹ cố gắng nhồi nhét giới tính đó cho đứa con của mình. Ví dụ như cha mẹ muốn có con trai nhưng lại sinh toàn con gái nên cố gắng nuôi các bé gái đó giống như bé trai mà họ không hề biết rằng điều này rất nguy hiểm.

Sự khác biệt giữa bé trai và bé gái

• Các bé gái thường nhạy cảm trước sự đau đớn và tiếp xúc hơn các bé trai.

• Cho dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, các bé gái vẫn có ít cơ bắp nhưng lại có nhiều mỡ hơn các bé trai;

• Các bé gái sẽ chậm chạp hơn so với các bé trai.

• Các bé gái biết bắt chước nhanh hơn nên cơ hội để trở thành người lớn cả về ý nghĩ và hành động cũng nhiều hơn các bé trai.

• Các bé trai thường to cao, mạnh mẽ hơn các bé gái.

• Về mặt sinh hóa, các bé trai thường yếu ớt hơn các bé gái. Đây là lý do giải thích tại sao các bé trai thường khóc nhiều hơn, kêu gào nhiều hơn và dễ ốm hơn trong khi các bé gái thường phát triển nhanh hơn các bé trai cùng lứa tuổi.

• Tỉ lệ các bé trai bị sinh thiếu tháng sẽ cao hơn và phải chịu đau đớn, tổn thương trong quá trình chào đời nhiều hơn các bé gái. Bởi vậy, tuy số lượng được sinh ra của bé trai thường cao hơn bé gái, nhưng đến khoảng 10 tuổi khi thống kê lại thì số lượng của bé gái lại nhiều hơn, điều này chứng tỏ các bé gái có sức chịu đựng tốt hơn nhiều.

Tiến sĩ Jerome Kagan thuộc trường Đại học Harvard cũng đồng tình với những kết luận được nêu trên rằng bé gái phát triển cả về mặt thể chất và mặt tâm lý tốt hơn và có sức chịu đựng hơn bé trai. Ví dụ: Nếu lấy khoảng 1.000 bé trai và 1.000 bé gái được 2 tuổi để kiểm tra răng sẽ thấy rõ rằng các bé trai bị sâu răng nhiều hơn. Khi được 3 tuổi, các bé gái thường biết nhiều từ hơn, sử dụng ngôn ngữ tốt hơn và chỉ số IQ cũng cao hơn các bé trai rất nhiều.

Mẹ thường để cho bé trai được tự do khám phá và ở xa mẹ, mẹ sẽ để bé gái gần gũi để học tập hình mẫu từ mẹ nên cơ hội để các bé tìm tòi, khám phá các sự vật ít hơn các bé trai.

Sự khác nhau về giới tính xuất phát từ sự khác nhau về thể chất, sinh học và mặt xã hội mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. Tháng thứ 13 là giai đoạn trẻ bắt đầu có những biểu hiện khác nhau về giới tính, ví dụ: các bé gái thường thích ngồi và chơi, các bé trai thường thích di chuyển không ngừng; các bé gái thường nói nhiều hơn và bám người khác nhiều hơn; các bé trai thường thích chơi các loại đồ dùng, ô tô, các loại xe tải còn các bé gái lại thích chơi với búp bê hay những đồ dùng vật dụng trong bếp. Các bé trai thường thích trèo leo vượt qua hết cái này tới cái khác, còn các bé gái khi nhìn thấy những chướng ngại vật sẽ không bò qua mà kêu lên để người khác đến giúp. Đặc điểm này có thể đi cùng các bé tới lúc lớn.

Khiêu khích và thách thức

Từ 21 - 24 tháng là độ tuổi mà trẻ khiêu khích và thách thức cha mẹ nhiều nhất bởi khi trẻ trong giai đoạn này, cha mẹ thường không chịu linh động trong những việc mà trẻ sẽ làm. Trẻ muốn điều gì là phải được ngay tức khắc và khăng khăng đòi cho bằng được mọi thứ. Trẻ cố gắng chi phối ý nghĩ của cha mẹ và đòi hỏi một cách vô lý. Selma Fraiberg đã viết trong cuốnThời gian huyền bírằng: “Việc trẻ làm những điều trái ngược với mệnh lệnh của cha mẹ là đặc điểm vô cùng nổi bật và rất quan trọng với trẻ ở độ tuổi này và điều đó cũng biểu thị cho mọi người thấy cá tính của trẻ”. Vì vậy, các mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng.

• Trẻ liên tục khẳng định “không”. Bạn phải chịu đựng, bình tĩnh, cố gắng hiểu trẻ và nên nghĩ theo khía cạnh tích cực rằng có rất nhiều các bậc cha mẹ khác cũng rơi vào tình trạng như bạn. Rất nhiều lần trẻ dùng từ “không” trong khi trẻ không hề có ý phủ định hay từ chối. Trẻ cũng không muốn cha mẹ nghiêm trọng hóa từ “không” của trẻ. Do đó, không có tác dụng gì nếu bạn giận trẻ đúng không?

• Thích đánh, thích cắn. Biểu hiện này chỉ có ở một số trẻ mà thôi. Trẻ có thể trở thành người thích bắt nạt, đe dọa người khác. Cha mẹ nên bình tĩnh, cố gắng đánh lạc hướng trẻ, thể hiện cho trẻ thấy bạn không hài lòng và không nên đánh hay cắn lại trẻ.

• Tỏ vẻ chậm chạp là một cách thể hiện sự phản đối của trẻ. Khi trẻ có biểu hiện như vậy, bạn nên làm như giúp trẻ làm cái này, cái kia để được nhanh hơn và không làm cho trẻ bị xấu hổ.

• Trẻ không chịu nghe lời là một điều rất đỗi bình thường so với trẻ ở độ tuổi này. Trẻ đang thử xem cha mẹ đặt ra giới hạn, quy định cho trẻ đến đâu và như thế nào. Các mẹ không phải ngạc nhiên nếu trẻ tỏ vẻ như đàn gẩy tai trâu hoặc thường xuyên làm trái lời bạn vì nếu trẻ làm mọi việc đúng theo lời cha mẹ mới là bất bình thường. Những trẻ nghe lời răm rắp là những trẻ bị ép buộc quá nghiêm khắc nên thường hay sợ sệt và mất hết những cá tính riêng của trẻ. Nhưng nếu trẻ nào thích làm trái lời cha mẹ, ngang bướng, nghịch ngợm quá mức cũng sẽ để lại hậu quả xấu vì trẻ chưa thể có được những chuẩn mực về hành động hoặc hành vi trong đầu. Điều này là bởi trẻ chưa được quan tâm đúng mức và chưa từng được nhận lời khen ngợi hay những phần thưởng mỗi khi làm tốt. Bởi vậy, nếu muốn sửa đổi thì nên bắt đầu từ nguyên nhân nói trên.

• Thích phá phách. Trẻ ở độ tuổi này thích xé, phá đồ đạc và muốn làm mới lại để tìm hiểu các đồ vật xung quanh hoặc muốn thu hút sự chú ý và tình yêu thương của cha mẹ. Nếu là nguyên nhân thứ hai, cha mẹ không nên mắng mỏ trẻ mà hãy yêu thương, quan tâm nhiều hơn để trẻ cảm thấy thoải mái.

Trong độ tuổi này, “vấn đề về hành vi” phần lớn thực chất không phải là vấn đề về hành vi, mà là những phản xạ có điều kiện trong từng giai đoạn của trẻ. Nhưng với tình yêu thương, sự thấu hiểu và kiên nhẫn, cha mẹ có thể yên tâm giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Trò chơi và đồ chơi

Các bé rất thích chơi búp bê như cho ăn cơm, tắm rửa, mặc quần áo, dạy dỗ, và khi đi đâu cũng thường mang theo. Mỗi khi có chuyện gì vui, trẻ thường nói chuyện, vui đùa với búp bê một cách sung sướng nhưng nếu lúc nào tức giận chuyện gì, đặc biệt là giận một trẻ khác, trẻ sẽ trút giận vào búp bê nhiều khi tới mức quăng ném búp bê ra xa.

Các nhà nghiên cứu về trẻ em nổi tiếng là Maria Montessori, Caroline Petha và Patty Smith Hill đều tin rằng việc để cho trẻ được tự do lấy tay cầm, nắm các đồ vật khác nhau sẽ giúp trẻ có được những nhận thức quan trọng, ví dụ như giúp trẻ biết bản thân mình có mối quan hệ với thế giới mà trẻ đang sống.

Ngoài ra, việc được chơi đùa sẽ giúp bé con trở thành một nhà thám hiểm có tư duy sáng tạo, tự tin và tôn trọng bản thân.

Ðồ chơi dành cho trẻ 21 tháng tuổi

Nên chọn những trò chơi giúp tăng cường trí tưởng tượng, những loại đồ chơi này bao gồm: màu, cọ tô màu, đĩa màu, giấy, miếng xếp hình, đất nặn… Khi trẻ bắt đầu biết cầm bút chì, cầm được đồ vật thành thạo hơn, sự tưởng tượng, những suy nghĩ sẽ hình thành qua những việc trẻ làm, những trò trẻ chơi. Trẻ biết rằng trẻ có thể tìm hiểu, khám phá tới mức độ nào và sẽ nhận ra được những điểm hạn chế của mình.

Các mẹ có thể mua búp bê để trẻ chơi trò giả vờ như cho ăn cơm, uống nước, mặc quần áo, hát ru…; nếu các bạn có chiếc điện thoại cũ, đừng vội vứt đi mà hãy đưa cho trẻ vì trẻ ở độ tuổi này rất thích chơi điện thoại.

Những đồ chơi nói trên có thể rất bình thường đối với người lớn, nhưng không hề bình thường chút nào trong ý nghĩ của trẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx