sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 21

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 21

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Bước lên cầu thang, một tay bám vào lan can, vẫn chưa thể bước đổi chân lên cầu thang được;

• Bước xuống cầu thang nhưng phải có người dắt một tay;

• Tự trèo lên, trèo xuống ghế được mà không cần người lớn giúp;

• Đá được quả bóng to về phía trước;

• Bước được từng bước một trên tấm ván;

• Có thể đứng được một chân nếu có người giữ tay;

• Thích nhảy, chạy, ném, tung và trèo leo;

• Thích nhảy và lắc lư theo tiếng nhạc;

• Ném được quả bóng xuống sàn;

• Nhảy lên tại chỗ.

Các phần cơ nhỏ

• Xếp hình cao 5 - 6 tầng;

• Có thể gấp giấy theo hướng dẫn;

• Thuận một bên tay nào đó.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói được khoảng 20 từ hoặc nhiều hơn;

• Biết ghép hai từ với nhau ví dụ: “đi chơi”, “ăn cơm”…;

• Biết sử dụng từ nối;

• Nói theo từ hai âm tiết hoặc từ cuối các câu;

• Nói đúng tên ba hình ảnh trong tranh quen thuộc;

• Thích nghe giai điệu bài hát, thơ, chú ý đến âm thanh, đôi khi còn lắc lư theo nhạc;

• Cố gắng làm theo mệnh lệnh;

• Nói đúng khoảng 5 bộ phận trên cơ thể.

Phát triển về tâm sinh lý

• Thích ngồi trong lòng và ôm cổ những người thân;

• Thích đòi quyền lợi cho bản thân;

• Bắt đầu có những cảm xúc thương hại, đồng cảm với người khác (có thể tưởng tượng hoặc biết được người khác có cảm giác như thế nào);

• Có thể chấp nhận khi cha mẹ chia sẻ sự quan tâm tới người khác.

Phát triển về mặt xã hội

• Cố gắng kể cho người khác nghe về kinh nghiệm của bản thân;

• Vui và thích khi được đi chơi, đi dạo bên ngoài;

• Nhớ và nói đúng được tên của những người trong album ảnh gia đình;

• Đôi khi đã biết hỏi người khác rằng làm như thế này được hay không;

• Tự giúp đỡ được bản thân, có thể để trẻ chơi ở sân chơi dành cho trẻ em, nhưng vẫn phải để mắt tới;

• Tương tác lại sự cầu khiến rất ít và cố gắng làm những việc ngược lại.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Nói được đúng các bộ phận khác nhau trên cơ thể búp bê;

• Bắt chước được những việc làm đơn giản của người lớn;

• Lấy các miếng xếp hình ra xếp thành hàng dài rồi gọi là tàu hỏa;

• Cố gắng vẽ những hình tròn (nhưng vẫn méo);

• Có thể vẽ được nét thẳng, nét nghiêng theo mẫu;

• Thả được hình tam giác và hình vuông vào đúng ô của nó;

• Quan tâm đến những đồ vật nhỏ và mỏng, đặc biệt rất thích xem những con côn trùng nhỏ;

• Có thể ngồi xem tranh ảnh được khá lâu;

• Phân biệt các âm thanh khác nhau như tiếng đồng hồ kêu, tiếng chim hót, tiếng chuông chùa…;

• Thích dùng bút chì vẽ nghuệch ngoạc trên giấy (đôi khi là cả tường nhà);

• Nói được tên các đồ vật trong tranh.

Ðồ chơi và trò chơi

• Chơi một mình được rất lâu khi ở gần người lớn;

• Chơi gần những trẻ khác, nhưng không chơi được với nhau;

• Thích ném những quả bóng nhỏ;

• Thích đẩy, kéo những đồ chơi to;

• Chơi trò giả vờ với búp bê như cho ăn;

• Chơi trò ú òa với búp bê;

• Thích thú với trò đào bới, xúc đất cát cho vào những xe tải nhỏ hoặc hộp, bát…;

• Bắt chước được một số trò chơi của trẻ lớn;

• Thích chơi những trò chơi có thể lắp, ghép vào nhau được;

• Thích chơi điện thoại;

• Thích chơi đuổi bắt với anh chị hay cha mẹ.

Lịch trình hàng ngày

• Tự cầm cốc uống nước rất thành thạo;

• Có thể kéo khóa lên, xuống được;

• Có thể tự cởi áo ra được nhưng phải giúp trẻ cởi cúc;

• Tự đi giày, dép được nhưng phải giúp trẻ đóng cúc, buộc dây;

• Đã biết bảo khi muốn ăn và khi muốn đi vệ sinh;

• Biết lấy hoặc cất đồ chơi theo sai khiến;

• Đã biết ngồi bồn cầu;

• Giúp làm những việc nhà như quét nhà, lau bụi, lau bàn…;

• Biết bóc túi bánh, túi kẹo và biết bóc vỏ chuối;

• Dùng thìa xúc thức ăn thành thạo;

• Thích giúp mẹ giặt quần áo, nghịch bọt xà phòng.

THÁNG THỨ 22

Nhạy cảm và muốn mọi người yêu thương

Y tá Burton L. White, một nhà nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em thuộc Đại học Harvard đã từng nói rằng không có công việc nào cao cả và quan trọng bằng việc nuôi dưỡng trẻ trong khoảng thời gian từ 0 - 3 tuổi, bởi 3 tuổi đầu tiên của cuộc đời là khoảng thời gian quan trọng nhất. Việc mà người lớn có thể làm để giúp trẻ có thể lớn lên trở thành một người có năng lực và có cuộc sống vui vẻ là tạo nên những điều kiện và tình huống khác nhau để trẻ có cơ hội sử dụng tối đa những khả năng của bản thân.

Các phát triển chung

• Thử nghiệm hoạt động của hệ cơ lớn bằng sự nhiệt tình và tự tin. Tháng tuổi thứ 22 là khoảng thời gian trẻ hoạt động liên tục, chỉ dừng lại khi ngủ say mà thôi. Trẻ có thể giơ tay lên ném bóng tốt hơn tháng trước, đá quả bóng về hướng mà trẻ muốn tốt hơn. Khi đang đi có thể chạy được ngay nhưng chưa biết cách giảm tốc độ, có thể đi vào các góc theo ý muốn, khi bước lên cầu thang vẫn phải bám một tay vào lan can và chưa biết bước đổi chân khi lên, xuống cầu thang, khi xuống thường dùng phương pháp bò hoặc tụt dần xuống. Ngoài ra, trẻ còn rất thích phá phách, lục lọi, xé, kéo, tiếp xúc, quay và bóp các đồ vật và nếu càng cấm đoán trẻ sẽ càng muốn làm.

• Đã thấy rõ rằng trẻ thuận tay nào. Trẻ ở độ tuổi này có thể lật được mỗi lần 2 - 3 trang sách, có thể vặn chiết áp của đài, tắt, mở tivi, nhưng vặn nắp xoáy ren vẫn chưa thành thạo bởi vì các cơ ở cổ tay của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và điều khiển được tốt. Khi trẻ cầm bút lên vẽ vẽ, tô tô chúng ta sẽ nhận thấy rằng trẻ thích dùng tay nào hơn. Trẻ có thể xếp được khoảng 7 lớp hình mà không bị đổ, hơn nữa còn rất gọn gàng và vững chãi.

• Học được nhiều từ mới hơn khi thường xuyên nghe thấy những từ đó, đặc biệt là những từ chỉ các sinh hoạt hàng ngày như ăn cơm, uống nước, ngủ… Hoặc bạn có thể sử dụng phương pháp như khi đưa trẻ đi chơi gặp sự vật gì hãy gọi tên cho trẻ biết, khi về đến nhà hãy tìm tranh ảnh cho trẻ xem và hỏi để thử khả năng ghi nhớ của trẻ. Ngoài ra trò chơi giả tưởng như chơi trò làm việc nhà, gọi điện thoại cũng giúp ích rất nhiều trong việc học ngôn ngữ của trẻ.

• Không làm ầm lên khi không làm được một việc gì đó, nhưng trẻ sẽ nói từ “khó” thay thế. Bởi trẻ đã biết giao tiếp bằng ngôn ngữ tốt hơn, cơ hội để trẻ diễn tả cảm xúc của mình cũng dễ dàng thực hiện được, không phải dồn nén và hét ầm lên giống trước đây nữa.

• Cảm giác ghen tị mãnh liệt. Mọi trẻ em đều muốn nhận được tình yêu thương nhiều nhất và hoàn hảo nhất. Việc phải chia sẻ tình yêu thương là một việc đáng sợ và không thể chấp nhận được. Những cảm xúc ganh tị là một biểu hiện của nhu cầu được yêu thương và không muốn chia sẻ với ai.

Trẻ 22 tháng tuổi có các cảm xúc rất mãnh liệt về vấn đề này. Trẻ sẽ khó chịu, bực bội khi có một em bé mới được đưa về nhà mình. Sự ganh tị làm cho trẻ có những hành vi thụt lùi như hiếu thắng, hay khóc lóc, không kiểm soát được hệ bài tiết, rất bám mẹ, đôi khi sẽ nói như một đứa trẻ nhỏ. Cách giải quyết tốt nhất là bạn nên nói trước để trẻ có thời gian chuẩn bị tinh thần.

• Cảm giác sở hữu mạnh mẽ hơn, và thường được thể hiện qua việc bảo vệ quyền sở hữu các đồ vật của bản thân, bắt đầu có những hành động khiến cha mẹ nghĩ rằng con mình thật ích kỷ. Nhưng những hành động này chứng tỏ trẻ đã phát triển thêm một bậc nữa trong khía cạnh nhận thức được rằng mình cũng là một người có quyền sở hữu tuy ý thức sở hữu của trẻ chỉ là không muốn chia sẻ mà thôi.

• Muốn được hợp tác. Khi được gọi, trẻ sẽ trả lời và nhanh chóng chạy lại. Trẻ sẽ ôm cha mẹ với niềm vui sướng, hạnh phúc. Mặc dù trẻ vẫn chưa hiểu lắm về sự hợp tác và tham gia thực hiện các công việc, nhưng trẻ cũng cố gắng rất nhiều để hợp tác. Nếu mẹ nói, trẻ sẽ nhanh chóng cất đồ chơi vào nơi quy định, sẽ là trợ thủ đắc lực trong các công việc nhà và làm một cách nhiệt tình. Bởi vậy, bạn nên tạo cơ hội để trẻ giúp đỡ những việc làm nhẹ nhàng nhằm rèn tính độc lập cho trẻ.

• Có những mối quan tâm khác nhau giữa hai giới tính. Các bé trai ở độ tuổi này thường có xu hướng không gần gũi mẹ và rất thích thể hiện vai trò của bản thân với thế giới xung quanh. Ngược lại, bé gái ở độ tuổi này lại rất bám mẹ, rất muốn được chăm sóc, gần gũi. Ngoài ra, các bé gái ở độ tuổi này cũng đòi hỏi khá nhiều, luôn cố gắng dùng sức mạnh của mình để ép buộc, đe dọa người khác, khi muốn cái gì là phải có được ngay tức khắc, nếu không đạt được mong muốn sẽ hết sức nổi giận. Khi tự mình không làm được việc gì đó thì thường gọi mẹ tới giúp chứ không cố gắng tự giải quyết. Đây là thời gian mà các bé gái tỏ ra rất ngang bướng và chỉ một mực từ chối mà thôi.

• Dễ dàng bị mất tập trung và thời gian chú ý đến việc gì đó rất ngắn. Để không xảy ra tình trạng trẻ nói “không lấy”, “không muốn lấy” các mẹ nên tự quyết định hoặc đánh lạc hướng quan tâm bằng cách rủ trẻ làm việc khác.

• Hợp tác nhiều hơn trong việc thay quần áo. Thời gian này, trẻ đã biết cởi được cả quần và áo, nhiều trẻ đã biết tự đi giầy, dép nhưng chưa biết cởi dây giày.

• Hàng ngày chỉ thích chơi một số đồ chơi nhất định và liên tục thay đổi theo tưởng tượng nên trẻ có thể chơi không biết chán và rất tập trung khi chơi. Nguyên nhân bởi đây là thời gian mà trẻ cảm thấy rất hạnh phúc. Trẻ nghĩ gì, làm gì, bực bội gì, vui vẻ hay khó chịu gì… đều thể hiện ra bằng các trò chơi. Dù sao đi nữa, trẻ vẫn thích chơi một mình, trông thấy trẻ khác cũng không chịu chơi cùng ngoài việc ngồi bên cạnh mà thôi.

Phát triển về ngôn ngữ

Trẻ em có khả năng nhận biết về ngôn ngữ khác nhau, một số trẻ nói không ngớt miệng, số khác lại làm thinh khi có ai hỏi đến, số khác nữa giống như đang chờ thời cơ, trẻ sẽ chăm chú nhìn, lắng nghe, ghi nhớ những lời nói đi qua tai cho tới một ngày nói ra được những câu dài, đầy đủ và đúng cú pháp tới mức mọi người xung quanh phải ngạc nhiên. Kinh nghiệm học hỏi về ngôn ngữ được nhiều hay ít, chính xác hay không được thể hiện qua lời nói và cách sử dụng ngôn ngữ.

Bởi tất cả trẻ em khi bắt đầu tập đi, và biết đi đều hiểu được lời nói trước khi biết nói nên việc đưa ra kết luận rằng con bạn có phát triển ngôn ngữ tốt hay không không phụ thuộc vào việc trẻ có thể nói được mấy từ mà phụ thuộc vào khi cha mẹ hoặc ai đó nói với trẻ, trẻ có khả năng hiểu được nhiều hay ít. Phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ diễn ra rất nhanh. Trẻ sẽ biết thêm được nhiều từ mới do việc trẻ thường xuyên được nghe những câu từ đó, đặc biệt trong thời gian trẻ thực hiện những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn cơm, tắm, mặc quần áo, ngủ…

Đây cũng là thời gian mà khả năng diễn đạt mong muốn của trẻ tăng lên rất nhiều, giúp trẻ có thể bày tỏ ý kiến về những sự việc khác nhau mà trẻ được chứng kiến. Khi trẻ còn nhỏ hơn, trẻ sẽ diễn đạt ý kiến về những việc mà trẻ quan tâm bằng cách gọi tên hoặc dùng những từ ngắn gọn giải nghĩa cho các sự việc đó như “nóng”, “ướt”, “đi rồi”, nhưng đến lúc này, trẻ sẽ dùng lời nói để giải thích nhiều hơn, dài hơn. Tuy vậy, có một điểm đáng chú ý trong việc diễn đạt suy nghĩ trước các sự việc của trẻ ở độ tuổi này là trẻ thường quen với việc diễn đạt ý nghĩa khi muốn từ chối, ví dụ như khi trẻ không ghép được những miếng tranh, thay vì sẽ gào khóc như trước đây, trẻ sẽ nói “khó” hoặc “to quá”; khi trẻ muốn cha mẹ thay quần cho, thay vì khóc, trẻ sẽ nói “thay” hoặc “ướt rồi”…

Khi nói được nhiều hơn, trẻ cũng có nhiều cơ hội để diễn đạt tâm trạng. Khi trẻ cảm thấy khó chịu, bực bội, hết hy vọng hoặc không hài lòng, trẻ sẽ không phải giữ trong lòng hoặc gào khóc lên như trước đây nữa, thay vào đó, trẻ có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả những cảm xúc và mong muốn của mình. Do đó, bạn nên dạy cho trẻ các từ liên quan tới việc giải thích các đặc điểm, tâm trạng nhiều hơn ví dụ: đau, nặng, nhẹ, mệt, chán, ghét…

Thích những quyển truyện cổ tích và những cuốn sách ảnh

Trước khi kể chuyện cho trẻ nghe, bạn nên đọc trước một lần để hiểu được cốt truyện rồi mới đọc cho trẻ nghe một cách vui vẻ. Khi đọc, bạn nên bỏ qua những đoạn có câu từ phức tạp hoặc những câu quá dài. Bạn nên đọc chậm rãi nhưng không nên quá chậm để trẻ có thể nhìn theo những hình ảnh, như vậy sẽ làm cho trẻ được tham gia vào câu chuyện.

Trẻ 22 tháng tuổi thường thích mở những cuốn sách ảnh để tìm những hình ảnh giống với những gì trẻ đã từng thấy. Bởi vậy, khi mẹ kể chuyện, có thể trẻ sẽ không chăm chú lắng nghe mà chỉ mải mê lật giở để tìm những hình ảnh quen thuộc. Nếu xuất hiện tình trạng này, bạn nên ngừng kể chuyện và hãy để cho trẻ tự mở sách. Ít nhất trẻ cũng luyện được việc để ý và lật trang sách cho dù mỗi lần bé lật tới 2 - 3 trang.

Ngoài việc tìm mua cho trẻ những cuốn truyện tranh, sách ảnh để tăng thêm vốn từ, các mẹ cũng có thể sử dụng những phương pháp khác như khi đưa trẻ ra ngoài hãy gọi tên những sự vật mà bé thấy, khi về đến nhà hãy tìm những hình cho trẻ xem lại và hỏi rằng: “Chiếc xe này có giống chiếc xe mà con nhìn thấy đỗ ở trên đường cao tốc không?”, “Chiếc xe này có giống chiếc xe mà con trông thấy đỗ ở trong vườn thú không?”. Việc chơi trò giả tưởng cũng giúp khả năng học hỏi từ ngữ rất tốt như chơi trò giặt quần áo, làm việc nhà, đặc biệt là chơi trò gọi điện thoại.

Trẻ 22 tháng tuổi có thể nói được tên những đồ vật mà trẻ nhìn thấy hoặc quen thuộc, có thể nói lên cảm xúc, mong muốn, chỉ và nói đúng năm bộ phận trên cơ thể là mắt, mũi, miệng, tóc, tai.

Việc học tập

Khi trẻ đòi hỏi hoặc xin thứ này thứ kia, các mẹ nên dạy trẻ về số lượng và thời điểm, ví dụ khi trẻ xin mẹ được ăn cái này, cái kia thì mẹ nên nói kiểu như “Con phải ăn cơm xong rồi mới được ăn hoa quả” hoặc “Con chỉ được ăn một cốc kem thôi nhé, không được ăn hai cốc đâu”. Với những câu nói như trên, dần dần trẻ sẽ hiểu về số lượng và thời điểm.

Trẻ rất thích mở sách để đọc bằng cách lật giở để tìm những hình ảnh mà trẻ đã từng nhìn thấy và chú ý một cách nghiêm túc những hình ảnh đó. Trẻ cần thời gian để tìm hiểu chi tiết trong từng bức tranh, lật tìm từng hình ảnh và tưởng tượng. Đến một ngày nào đó khi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, trẻ sẽ biết và hiểu rằng mỗi quyển sách đều khác nhau và mỗi cuốn lại có những câu chuyện mới không giống nhau.

Trẻ ở độ tuổi này sẽ rất hăng hái muốn được khám phá thế giới xung quanh mình, chú ý đến người, động vật nhỏ, chim, đồ đạc và địa điểm… Vì vậy, cha mẹ nên mua cho trẻ nhiều loại sách phù hợp với sở thích của trẻ để đọc cho trẻ nghe.

Ngoài ra trẻ còn cố gắng phát ra những ngữ điệu cao, thấp, hát, ngân nga giai điệu bài hát suốt cả ngày.

Thích sai khiến

Độ tuổi 22 tháng là độ tuổi đã sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, biết diễn đạt những mong muốn nhiều hơn và thích thử nghiệm việc sử dụng những từ mới, đặc biệt trẻ rất thích luyện sử dụng những từ có ý nghĩa sai khiến như khi mẹ đang hát, trẻ sẽ gào lên “Dừng lại!” để xem điều gì sẽ xảy ra; hoặc nếu đang ở trong xe taxi hoặc xe buýt, thấy có đèn xanh trẻ sẽ hét lên ra lệnh cho người lái xe “Đi!”.

Bạn đừng nghiêm khắc với trẻ, bởi ngay bản thân trẻ có lẽ cũng không có ý gì lớn lao. Chẳng qua trẻ muốn thử xem bản thân có thể điều khiển được điều gì hoặc điều khiển được những ai mà thôi.

Câu sai khiến của trẻ cũng có nhiều loại khác nhau, một số câu sai khiến cũng rất nguy hiểm, một số câu lại buồn cười, một số câu chứng tỏ trẻ đã có thêm được một bước phát triển nữa. Ví dụ: Trẻ sẽ nói “Nhìn này” khi muốn cha mẹ khen ngợi sự cố gắng của trẻ, trẻ đang chờ đợi thái độ đồng tình và sự công nhận của người lớn. Đây là một điều tốt bởi sẽ làm cho trẻ biết được những tiêu chuẩn khác nhau, biết được việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Song trường hợp này nếu diễn ra quá nhiều cũng không tốt, bởi sẽ khiến trẻ mất tự tin vào bản thân và làm cho cha mẹ can thiệp quá sâu vào bản thân trẻ.

Việc được tự do và tự chăm sóc bản thân

Tiến sĩ Erikson từng nói rằng điểm quan trọng trong sự phát triển của trẻ ở giai đoạn bập bẹ là việc được tự do và được tự chăm sóc bản thân - vốn xuất phát từ quan điểm bản thân trẻ cũng là một con người giữa hàng ngàn người khác. Bởi thế, trẻ có nhu cầu muốn làm điều gì đó cho bản thân và bằng chính sức lực của bản thân.

Tuy nhiên, động lực từ bên trong bản thân thúc đẩy việc tiến bước vào sự tự do và tự mình chăm sóc được bản thân đối với trẻ 22 tháng tuổi không hề diễn ra liên tục và hoàn hảo. Trẻ vẫn phải đấu tranh với cảm giác vừa muốn được tự chăm sóc bản thân, đồng thời trẻ cũng muốn luôn luôn được bám víu, gần gũi mẹ.

Tình thương yêu, sự quan tâm và sự công nhận

Thomas C. McGinnis và John Eyres viết trong cuốn Cuộc sống gia đình: Sự chung sống hạnh phúc như sau: Tình yêu là món ăn tinh thần của mọi trẻ nhỏ và là yếu tố cần thiết nhất để trẻ phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn.

…Đối với trẻ em, việc chỉ nhận được tình yêu thương vẫn chưa đủ mà trẻ phải cảm nhận được rằng trẻ đang có tình yêu thương. Việc tiếp xúc, ôm ấp, ứng xử với nhau trong gia đình sẽ làm cho trẻ cảm nhận được rằng ở đó có tình yêu thương, làm cho tình yêu thương trong mắt trẻ có thể cầm nắm được và cụ thể hơn.

...Sự quan tâm tới trẻ cũng rất quan trọng bởi đây là một cách thức làm cho trẻ cảm nhận được rằng trẻ đang được nhận tình yêu thương.

…Sự công nhận không chỉ có nghĩa là yêu thương, mà nó còn bao hàm cả sự công nhận những gì bản thân trẻ có. Thường thì bố mẹ nào cũng nói yêu thương con mình, nhưng chỉ có vài người có thể thừa nhận con mình một cách tối đa.

Mọi trẻ em đều cần sự công nhận của cha mẹ, cần sự nhất quán và cảm nhận được bản thân có đủ khả năng, là nền tảng để sau này giúp trẻ tin tưởng vào người khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx