sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 23

Khả năng trong việc nhận biết thời gian

Ý niệm về thời gian của trẻ 24 tháng tuổi còn rất hạn chế, trẻ chưa biết xem thời gian, chưa biết xem lịch. Trẻ biết được vào thời điểm này trẻ phải làm gì là dựa vào các hoạt động hàng ngày mà trẻ được thực hiện.

Trẻ thức dậy, thấy ánh nắng vẫn còn yếu, cha mẹ chuẩn bị đi làm là trẻ biết rằng đây là buổi sáng, trẻ sẽ được ăn cháo, cơm, hoặc xôi thịt nướng. Đến chiều khi bà nấu cơm xong, mặt trời lặn, trẻ biết ngóng ra phía cổng để chờ cha mẹ đi làm về. Buổi tối, trẻ sẽ đi lấy truyện đưa mẹ đọc cho nghe trước khi đi ngủ.

Nhưng dù khả năng nhận biết về thời gian của trẻ có hạn chế tới mức nào thì những hành vi nói trên được thể hiện trong từng khoảng thời gian theo lịch trình một ngày giúp chúng ta thấy được sự phát triển quan trọng của trẻ về khả năng quan sát và ghi nhớ tuyệt vời.

Khả năng trong các lĩnh vực khác

Trẻ chỉ tập trung được trong chốc lát, thường đang làm việc này lại quay sang làm việc khác. Trẻ đã biết rằng đồ vật đó có đặc điểm gì, sử dụng như thế nào, biết được các bộ phận khác nhau trên cơ thể, nhớ được tên của người, động vật, đồ vật, biết phân biệt mọi người với nhau, biết tô tô vẽ vẽ, vẽ được đường thẳng, biết phân biệt đâu là đường thẳng, đâu là đường cong, vẽ được chữ V cong cong, méo méo.

Trẻ biết đến các bộ phận trên cơ thể nhiều hơn và đã biết cụ thể hơn trước như biết phần nào gọi là tay, vai, lông mày, ngón tay cái, bụng, cánh tay, chân và lưng nhưng vẫn chưa phân biệt được bên trái và bên phải của cơ thể có gì khác nhau.

Phát triển về mặt xã hội

Mặc dù trẻ có động lực thúc đẩy để khám phá thế giới rộng lớn và muốn được tự do tối đa nhưng trẻ vẫn cảm thấy rất gắn bó với mẹ và những người thân trong gia đình. Bởi vậy, nếu trẻ phải xa cách mẹ, cho dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, trẻ cũng sẽ rất lo lắng và không vui. Khi mẹ quay trở lại trẻ sẽ bám riết lấy mẹ để bù đắp lại cảm giác xa cách mà trẻ đã trải qua.

Nhưng không phải mọi tình cảm và sự gần gũi của trẻ đều dành cả cho mẹ. Vì vậy, khi mẹ không ở bên cạnh nhưng có một người nào mà trẻ biết, thân thiết như cha, bà nội, bà ngoại ở bên thì trẻ sẽ thấy an tâm.

Đến độ tuổi này trẻ có thể diễn đạt những tâm tư tình cảm của mình một cách rất tốt và thường thích biểu lộ những cảm xúc đó cho người lớn biết một cách thẳng thắn như tỏ thái độ hung hãn, giận dữ, nhu cầu, bằng lòng, không bằng lòng và cả những thái độ khiến người khác hài lòng, yêu quý trẻ.

Tuy trẻ ở tuổi này thích được điều khiển người khác, thích sai khiến nhưng trẻ cũng rất thích được làm vừa lòng người khác. Ngoài ra trẻ cũng hiểu hơn về việc ai hy vọng điều gì ở trẻ và muốn trẻ làm gì.

Phát triển về mặt tâm sinh lý

Trẻ 24 tháng tuổi thường không vui khi bị người khác mắng mỏ. Mặc dù từ trước tới giờ trẻ vẫn thường tỏ thái độ ngang bướng và thách thức người lớn, nhưng khi bị người khác mắng trẻ sẽ rất dễ bị tủi thân bởi vì trong thâm tâm trẻ cũng cố gắng chấp nhận, cố gắng làm theo các quy định và mệnh lệnh. Bởi vậy, sẽ có không ít lần cha mẹ nghe thấy trẻ nói đi nói lại mệnh lệnh của cha mẹ, hoặc khi có ai làm sai điều gì trẻ sẽ ngăn cấm người đó giống như cha mẹ đã từng nói, và khi người lớn nhận sai trẻ sẽ tỏ vẻ rất hài lòng.

Việc người lớn nhận sai sẽ là tấm gương tốt cho trẻ thấy được rằng sự việc xảy ra không có gì to tát và khi làm sai sẽ phải thừa nhận đã sai là chuyện bình thường.

Sự chia sẻ

Từ “của con”, “của con hết” được phát ra từ miệng của trẻ 24 tháng tuổi được coi là những câu nói rất quan trọng với trẻ bởi trẻ coi đó là cách thông báo cho mọi người thấy tính độc lập của mình. Chính vì vậy, cha mẹ không nên quá quan trọng hóa việc trẻ trong tầm tuổi này cho tới 3 tuổi tỏ thái độ giữ của, không chịu chia sẻ với người khác, thấy cái gì trong nhà cũng nhận là của mình.

Dạy cho trẻ biết chia sẻ

Dorothy Brick, một nhà tâm lý học người Mỹ đã nghiên cứu và nhận ra rằng chỉ có 50% trẻ trong độ tuổi 3 tuổi biết chia sẻ đồ của mình với người khác. Do đó, việc người lớn thường xuyên khuyến khích trẻ chia sẻ đồ với người khác sẽ làm nảy sinh thái độ phản kháng và ảnh hưởng tới tâm lý thích tự chủ của trẻ rất nhiều. Cha mẹ không nên quá quan trọng hóa vấn đề nếu thấy trẻ trong độ tuổi này tới 3 tuổi quá giữ đồ, không chịu chia sẻ, thấy đồ vật gì trong nhà cũng nhận là của mình.

Phương pháp tốt nhất để dạy cho trẻ ở độ tuổi này biết chia sẻ là tất cả mọi người trong gia đình đều phải làm cho trẻ thấy được mọi người đã chia sẻ với nhau như thế nào một cách thường xuyên và thật lòng. Không nên thúc ép hoặc dùng quyền lực đối với trẻ mà nên đợi tới khi tâm lý của trẻ sẵn sàng trong việc chia sẻ với người khác.

Trò chơi và đồ chơi

Trẻ chơi một cách nghiêm túc hơn, nói nhiều hơn và thích chơi trò giả tưởng nhiều hơn.

Trẻ vẫn thích chơi những trò phải dùng nhiều đến sức mạnh cơ bắp của cơ thể giống như những tháng trước đây nhưng trẻ vẫn chưa thích chơi với trẻ cùng lứa tuổi. Bởi bản thân các trẻ đều biết rằng bản thân mình không giống với bất cứ ai và cũng không có ai giống mình. Mặc dù các trẻ không chịu chơi chung với nhau nhưng đều cố gắng ghi nhớ cách chơi của nhau để bắt chước. Ngoài ra, một trò nữa mà các trẻ ở độ tuổi này rất thích là lấy giày dép của người lớn để tập đi khắp nhà một cách hăng say.

Trẻ thích ngồi xem ai đó làm việc, mặc dù nhiều việc trẻ vẫn chưa thể tham gia nhưng trẻ vẫn muốn được xem, muốn được nói và ghi nhớ lại.

Nên tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội nắm, nặn, cầm, sờ đất cát, nặn đất nặn hoặc đất sét bởi những hành động đó không chỉ là sở thích của trẻ ở độ tuổi này, mà còn giúp trẻ có cơ hội giảm bớt những căng thẳng.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 24

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Khi đi đã biết quan sát xung quanh, biết tránh những chướng ngại vật trên đường đi;

• Chạy nhanh nhưng chưa thành thạo trong việc dừng lại, đôi khi có thể bị ngã nếu dừng lại đột ngột;

• Có thể bật nhảy bằng hai chân nhưng chưa thành thạo;

• Bước đi đã nhịp nhàng hơn, vững vàng hơn;

• Chưa thể bước đổi chân khi lên, xuống cầu thang;

• Gần như đã đi được theo đường thẳng mà người khác vạch ra;

• Thích đi trên các bờ tường thấp, nhưng phải có người lớn dắt tay hoặc đỡ bên cạnh;

• Đi bằng mũi bàn chân được 2 - 3 bước;

• Đi lùi được khoảng 10 bước;

• Đổi dáng ngồi và có thể đứng lên một cách nhanh nhẹn;

• Cố gắng giữ thăng bằng trên một chân nhưng vẫn chưa được tốt lắm;

• Chân vững hơn, ít bị ngã.

Các phần cơ nhỏ

• Mở được từng trang sách;

• Sự phát triển trong việc thuận dùng tay trái hay tay phải rõ ràng hơn;

• Tay và mắt phối hợp với nhau tốt hơn.

Phát triển về ngôn ngữ

• Gọi tên được hết các đồ vật, sự việc nhìn thấy và đồ vật quen thuộc trong nhà hoặc ở xung quanh;

• Nói và chỉ đúng những bộ phận khác nhau trên cơ thể;

• Bắt chước nói những lời nói của người lớn;

• Nói thêm được khoảng 50 từ hoặc nhiều hơn;

• Thích nghe kể những câu chuyện ngắn và đơn giản;

• Nói được khoảng 3 hoặc nhiều hơn tên các hình ảnh trong sách ảnh;

• Bắt đầu nhận thấy rằng mọi vật trên thế giới này đều có tên gọi riêng;

• Nhiều trẻ đã có thể nhớ được cả tên thường gọi và họ tên thật của mình.

Phát triển tâm sinh lý

• Tỏ thái độ không hài lòng bằng cách dậm chân, đánh, cấu;

• Thích thách thức lại khi cha mẹ muốn trẻ làm việc gì đó;

• Ý thức được bản thân mình là người quan trọng;

• Có những hành động cả tích cực và tiêu cực;

• Đã biết sử dụng lời nói bày tỏ những cảm xúc như “không thích”, “đi ra”…;

• Muốn tự làm tất cả mọi việc theo cách của riêng mình;

• Có thể yêu và đón nhận tình yêu thương từ người khác;

• Có ý thức tích cực về bản thân.

Phát triển về mặt xã hội

• Thích có những hành động điều khiển và sai khiến người khác;

• Thường thích kể về những kinh nghiệm mới có được ngay lúc ấy;

• Bày tỏ tâm tư, tình cảm hoặc sự quan tâm với người khác bằng ngôn ngữ hoặc hành động;

• Không chấp nhận việc chia sẻ đồ đạc của mình với người khác;

• Biết người khác hy vọng hoặc muốn trẻ làm điều gì hoặc không muốn trẻ làm điều gì tốt hơn trước;

• Tỏ thái độ tin tưởng vào người lớn;

• Đôi khi cũng đã biết chấp nhận sự mong muốn của người khác.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Biết phân biệt các sự vật, sự việc cùng loại;

• Thích lấy bút chì vẽ nguệch ngoạc;

• Thời gian tập trung vào việc gì đó lâu hơn;

• Vẽ hình chữ V một cách méo mó;

• Vẫn có nhiều hạn chế trong việc phân biệt thời gian, chỉ biết “bây giờ”, “lát nữa”; chưa hiểu về giờ và phút;

• Nhớ được chính xác những đồ vật trong nhà được đặt ở đâu;

• Tìm hiểu bằng cách thử nghiệm sự khác biệt về tác dụng của các đồ vật;

• Một số trẻ có thể vừa chỉ vừa nói đúng tên các bộ phận trên cơ thể như bụng, lưng, cánh tay;

• Đã biết phân biệt “một cái” với “nhiều cái”.

Trò chơi và đồ chơi

• Khi chơi trẻ phải là nhất, vẫn chưa thể chơi chung được với những trẻ khác;

• Thích chơi những đồ chơi có thể di chuyển được hoặc có phản ứng như tàu hỏa…;

• Thích nghịch đất, cát;

• Không chịu chia sẻ đồ chơi với trẻ khác;

• Nhún nhảy theo điệu nhạc bằng cách chạy, xoay người hoặc lắc lư;

• Thường vừa chơi vừa nói chuyện.

Lịch trình hàng ngày

• Thích được tự làm mọi việc;

• Đã tự mở được vòi nước;

• Tự cầm cốc nước uống;

• Đã có thể điều tiết được hệ bài tiết khá tốt vào ban ngày;

• Kéo được khóa quần, khóa áo một cách thành thạo;

• Tự biết đánh răng (nhưng chưa sạch);

• Tự mặc được những bộ quần áo dễ mặc;

THẾ GIỚI CỦA EM BÉ

LUÔN BẬN RỘN (2 - 3 TUỔI)

Giai đoạn từ 2 - 3 tuổi được coi là bước đệm giữa trẻ nhỏ với trẻ (bắt đầu) lớn. Các sự phát triển của trẻ đều diễn ra hết sức mạnh mẽ. Với nguồn năng lượng dồi dào, trẻ sẽ không ngừng hoạt động cả về thể chất lẫn tư duy. Cả cha và mẹ đều thống nhất rằng đây là độ tuổi vừa đáng yêu lại vừa “đáng ghét”, bởi bé con đã bắt đầu có tính độc lập và biết từ chối rồi.

THÁNG THỨ 25 - 30 (2 - 2,5 tuổi)

Chúa nghịch ngợm của gia đình

Hầu hết trẻ đến giai đoạn này đều khiến cha mẹ phải lắc đầu và than phiền rằng “Nghịch như giặc”. Trẻ leo trèo, lục lọi và quan tâm đến tất cả mọi điều. Sự bướng bỉnh, nghịch ngợm của trẻ gia tăng về mức độ. Có thể nói là trẻ có nhiều trò hơn. Nhưng dù có nghịch đến đâu, ngang ngạnh đến mức nào thì khi làm được việc gì đó, trẻ vẫn cần những lời khen như “Con giỏi quá”, “Đáng yêu quá”, cần nụ cười hài lòng của cha mẹ, và khi trẻ tỏ thái độ bực tức, trẻ cần được cha mẹ giúp đỡ, chỉ bảo.

Phát triển về thể chất

• Thích thú với việc di chuyển.

Trẻ từ 25 - 30 tháng tuổi đang rất thích thú với việc rèn luyện kỹ năng sử dụng các phần cơ lớn. Trẻ sẽ sử dụng chân, tay, thân trong khi chạy, nhảy, xoay vòng, trèo lên cầu thang, đá, ném, quăng… Trẻ thể hiện những khả năng nói trên mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ càng sử dụng những phần cơ lớn nhiều bao nhiêu, thế giới của trẻ càng mở rộng thêm bấy nhiêu. Từ một thế giới chật hẹp chỉ có cha mẹ và những người thân trong gia đình sẽ mở rộng tới một thế giới với những người lạ mặt đang làm các công việc khác nhau như người đang lái xe, đi xe đạp, người đang xây dựng nhà cửa… Tất cả những hoạt động trong thế giới đó vừa kích thích, vừa thách thức trẻ thử hoạt động như vậy xem sao. Ví dụ: Có thể trẻ sẽ cố gắng lắp ghép những miếng xếp hình thành ngôi nhà, chơi xe đồ chơi hoặc đóng vai người lớn.

Trẻ tiến bộ hơn trong việc điều khiển động tác và giữ thăng bằng. Trẻ cũng sải bước nhanh hơn mà không bị ngã; việc trèo leo và chạy nhảy, đặc biệt là leo cầu thang là những hoạt động đặt ra nhiều thử thách và hứng thú nhất cho trẻ.

Sân chơi của trẻ chính là địa điểm đặc biệt để giúp trẻ phát triển các phần cơ lớn. Những đồ chơi ở sân chơi sẽ thu hút trẻ tiến tới và rèn luyện những kỹ năng sử dụng các phần cơ lớn. Khi trẻ nhìn thấy những tấm ván trượt sẽ muốn trèo lên, dùng tay đu người, dùng chân tì vào bậc cầu thang, chui qua hầm, tập bò lên phía trước và lùi về phía sau.

Do đó, cha mẹ nên cho trẻ có cơ hội đến chơi ở sân chơi trẻ em nhưng cha mẹ hay người lớn phải luôn ở bên cạnh bởi trẻ vẫn chưa biết phân biệt rằng những trò chơi nào hoặc những đồ chơi nào có thể gây nguy hiểm.

• Sử dụng thành thạo đôi tay.

Đến tuổi này, trẻ đã sử dụng các cơ tay một cách thành thạo, có thể lật được từng trang sách, xếp hình được 6 tầng, cầm chiếc kéo nhỏ để cắt giấy và xâu hạt cườm bằng những chiếc kim to.

Phần cơ ở cổ tay cũng phát triển hơn, trẻ có thể xoay cổ tay, xoay được nắm đấm cánh cửa và cầm, nắm chắc các đồ vật trong tay. Sức mạnh cơ bắp của trẻ phát triển hơn chứng tỏ: “Con đã sẵn sàng ngồi bàn ăn chung với cha mẹ rồi”. Trẻ 2 tuổi không còn nhìn một cách vô thức hoặc lơ đãng nữa, trẻ đã biết dùng ánh mắt quan sát xung quanh một cách linh hoạt.

• Tô tô, vẽ vẽ.

Khi được khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu thích cầm bút chì để tô tô vẽ vẽ và có thể rất hài lòng với những đường nét mà mình tạo ra nên sẽ tô vẽ lên khắp sàn và tường nhà.

Hứng thú trong việc tô vẽ là điểm khởi đầu của việc vẽ tranh và sáng tạo nghệ thuật. Hứng thú này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn 2 tuổi nhưng nhìn chung thường trong khoảng từ 18 tháng tới 6 tuổi. Đây cũng là giai đoạn trẻ có hứng thú với việc vẽ và tô màu nhất nên sẽ là cơ hội cho các bậc cha mẹ tạo nền tảng để trẻ phát huy khả năng về nghệ thuật hoặc kích thích cho trẻ phát triển về nghệ thuật. Bởi nếu chúng ta không chú ý hoặc bỏ qua mà không tạo cho trẻ cơ hội được tiếp xúc, rèn luyện kỹ năng tô vẽ trong giai đoạn này mà đợi đến giai đoạn sau thì có thể sẽ là quá muộn. Vì việc rèn luyện khi tuổi lớn hơn sẽ không đạt kết quả như việc rèn luyện trong giai đoạn trẻ đang hứng thú và đang phát triển như lúc này.

Một số người lớn có thể không coi trọng vai trò của nghệ thuật đối với trẻ. Thực ra nghệ thuật hoặc tính nghệ sĩ sẽ đồng hành phát triển cùng thể chất và trí tuệ của trẻ. Việc cầm bút tô tô, vẽ vẽ chứng tỏ trẻ bắt đầu phát triển thêm một bước nữa. Trẻ đã phối hợp làm việc tốt hơn giữa tay và mắt và sự phối hợp này sẽ tiến thêm một bậc nữa khi trẻ biết tô màu thành hình khối hơn.

Việc điều khiển tay để có thể vẽ ra được những đường nét, ngoài việc giúp trẻ được rèn luyện hệ thần kinh nhạy cảm còn giúp phát triển sự nhận biết về thế giới của trẻ. Trẻ sẽ diễn tả lại những kiến thức thu được thành hình khối cụ thể để sau đó sẽ sáng tạo thêm dựa trên trí tưởng tượng của bản thân.

Hứng thú cũng như sự phát triển của trẻ ở lĩnh vực này tuy diễn ra một cách tự nhiên, song sự quan tâm và khuyến khích của cha mẹ mới là điểm mấu chốt giúp trẻ phát huy được hết khả năng vốn có của mình.

Phát triển về ngôn ngữ

Đây là giai đoạn có sự phát triển bùng nổ về ngôn ngữ, nhiều trẻ nói suốt ngày, suốt đêm. Trẻ đã học được rất nhiều từ mới và thích phát ra các âm thanh lạ trong cổ họng. Một số trẻ bắt đầu nói được những câu ngắn gồm 2 - 3 từ như “Đi chơi”, “Mặc quần áo đẹp”. Những từ mà trẻ thường nói là tên gọi của các đồ vật, động vật, tên người, các động từ diễn tả hành động như chạy, ngủ, ăn và đại từ nhân xưng như “của Ploy”, “Pumi ngủ”.

Trong giai đoạn này, những câu hỏi thường trực được phát ra là: “tại sao”, “cái gì”, “ở đâu”. Đây là những từ được nói sớm hơn các từ khác. Tiếp đó trẻ mới nói các từ như “vâng”, “dạ”.

Việc học ngôn ngữ của trẻ được diễn ra một cách từ từ nhưng sẽ tăng dần tốc độ. Trung bình mỗi ngày trẻ sẽ nói được hơn 4 từ mới.

Khi được 2 tuổi, trẻ đã có thể chỉ theo được hầu hết các bộ phận trên cơ thể của mình và từ việc chỉ theo lời nói sẽ là việc gọi tên các bộ phận của cơ thể. Nếu muốn luyện cho con, cha mẹ cũng không cần quá nghiêm túc mà nên dạy trẻ vào những thời điểm trẻ đang thực hiện những công việc hàng ngày như tắm hay khi mặc quần áo sẽ tốt hơn.

Giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ

• Nên bắt đầu bằng việc tạo hứng thú tò mò, cho trẻ có được những kinh nghiệm về sự vật, sự việc và tình huống đa dạng, ví dụ: Nếu bạn muốn dạy cho trẻ từ “chó”, bạn nên tạo điều kiện cho trẻ được nhìn thấy nhiều loại chó khác nhau, cho trẻ được nghe thấy tiếng chó sủa, được nhìn thấy chó ăn thức ăn, thậm chí được sờ vào bộ lông mềm mại, được vuốt ve chó, khi đó trẻ sẽ thực sự hiểu về “chó”. Bạn cũng có thể dùng phương pháp này để dạy cho trẻ những từ khác.

• Trong giai đoạn ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ này, mỗi từ mới mà trẻ học được sẽ được in dấu vào trí não bởi đó là những từ được dùng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, một nhiệm vụ của cha mẹ là phải giúp trẻ ghi nhớ được càng nhiều từ ngữ vào bộ não càng tốt bằng cách thường xuyên giới thiệu những từ mới cho trẻ biết. Tính từ khi được hơn 1 tuổi cho đến thời điểm này, trẻ đã được rèn luyện về ngôn ngữ trong vòng 1 năm nên phần lớn trẻ em đã hiểu về ngữ điệu và ngôn ngữ một cách chi tiết rồi. Do đó, không khó để trẻ có thể ghi nhớ và sử dụng được các từ mới tương đối tốt.

Phát triển về mặt xã hội

Muốn được độc lập nhưng không muốn xa mẹ

Trong giai đoạn này, sự lúng túng giữa việc muốn được độc lập và nỗi sợ phải xa mẹ vẫn như trước, bởi vậy, trẻ thường làm cho cha mẹ phải đau đầu, khó chịu. Một số trẻ không chịu rời cha mẹ nửa bước, một số khác có thể chơi được với những trẻ khác trong chốc lát nhưng thái độ khi chơi với trẻ khác cũng không hoàn toàn tự tin.

Tình trạng chơi với các bạn cũng rất khác biệt. Một số trẻ chạy đến ôm chặt lấy bạn rồi lại chạy đi nơi khác một cách bẽn lẽn, một số trẻ chỉ sờ nhẹ vào bạn trong khi một số khác lại đẩy mạnh khiến các bạn bị ngã. Lý do bởi trẻ vẫn chưa phân biệt được sự vững vàng giữa người và đồ vật.

Ngoài ra, cha mẹ nên hiểu về sự phát triển của trẻ trong độ tuổi này, độ tuổi trẻ đang hình thành nên những ý thức về bản thân, cái này là của mình, đây là người mình. Những ý thức này hình thành từ sự nhận biết cái gì thuộc quyền sở hữu của mình. Vì vậy, khi trẻ chơi với bạn đôi khi trẻ sẽ giữ chặt đồ chơi của mình lại, trở thành đứa trẻ ích kỷ trong con mắt cha mẹ. Các bậc cha mẹ có thể vì không hiểu mà mắng hay đánh trẻ. Hành vi của trẻ sẽ dần dần mất đi khi trẻ được hơn 3 tuổi.

Biết cho người khác

Giai đoạn từ 1 - 2 tuổi vừa qua là giai đoạn mà trẻ chỉ quen với việc được nhận từ người khác. Trẻ muốn được cái gì là phải được cái đó và luôn được cha mẹ đáp ứng nhu cầu. Nhưng khi trẻ lớn hơn phải đi học, phải chơi cùng các bạn, trẻ sẽ biết cho mới có thể sống hòa nhập với người khác một cách vui vẻ.

Dạy cho trẻ biết cho

Trẻ từ 2 - 3 tuổi đã thích hợp để dạy về việc cho, việc chia sẻ bằng những phương pháp sau:

Mẹ cho con…con cho mẹ. Khi trẻ có đồ ăn hay đồ chơi, bạn hãy thử xin trẻ. Nếu trẻ cho, bạn hãy tỏ vẻ vui mừng và nói lời cảm ơn trẻ.

Cho trẻ mang đồ đi biếu. Khi đi gặp bạn bè hoặc đi thăm ông bà, bạn nên chuẩn bị quà đem biếu và nên đưa cho trẻ để trẻ tự tay biếu quà. Như vậy, trẻ sẽ được tiếp xúc với lời cảm ơn và nhận được sự vui mừng khen ngợi từ người được nhận quà.

Mang đồ chơi ra cùng nhau chơi. Cha mẹ nên rủ trẻ hàng xóm đến chơi bằng cách bảo các trẻ cầm đồ chơi đến cùng chơi và bạn hãy nói với con mình rằng các bạn đến chơi đều mang theo đồ chơi, nếu muốn chơi một cách vui vẻ con cũng nên mang đồ chơi của mình ra cho các bạn chơi.

Để trẻ cho các con vật nuôi ăn. Nếu trong gia đình có các con vật nuôi, thỉnh thoảng bạn nên để trẻ tự tay cho các con vật đó ăn để trẻ có cảm giác rằng bản thân có vai trò quan trọng với tư cách là một người cho.

Làm từ thiện. Khi đi ngang qua những hòm quyên góp tiền từ thiện hoặc gặp những người ăn xin (nếu bạn nhận thấy nên cho) hãy lấy tiền rồi đưa cho trẻ để trẻ đem cho và giải thích cho trẻ hiểu được lý do.

Cơ hội vàng để dạy trẻ biết giúp đỡ công việc nhà

Khi trẻ bước vào tuổi thứ 2, các mẹ sẽ nhận thấy một điều lạ lùng nữa của trẻ đó là thích tham gia làm giúp mẹ cái này cái khác khi mẹ làm việc nhà. Bạn đừng tỏ thái độ khó chịu với trẻ bởi trẻ muốn học những kinh nghiệm từ các công việc trong cuộc sống hàng ngày của người lớn. Vì vậy cha mẹ nên coi đây là một cơ hội tốt để dạy cho trẻ làm việc nhà. Bạn đừng nghĩ trẻ sẽ làm cho việc giặt quần áo rối tung lên hay đồ đạc hỏng hết. Nếu những vật dụng mà người lớn hay sử dụng không phù hợp với trẻ, bạn nên tìm cho trẻ những đồ khác như chiếc chổi nhỏ, chiếc khăn lau bàn nhỏ và chấp nhận việc đồ đạc có thể bị làm hỏng. Bởi vì dạy cho trẻ làm việc nhà cũng là dạy cho trẻ nhận biết được về sự chung sống, sự hợp tác, giúp đỡ nhau trong gia đình, và nếu bạn không để cho trẻ tập làm việc nhà hay có trách nhiệm một chút ngay từ lúc này, thì sau này khi trẻ lớn lên chính bạn sẽ phải buồn phiền vì con mình đã lớn nhưng không biết giúp đỡ công việc nhà.

Phát triển về tính cách

• Vẫn còn thích từ chối và bướng bỉnh

Sự từ chối của trẻ trong độ tuổi này là điều mà cha mẹ nên hiểu và thừa nhận rằng đó chỉ là một trong các bước phát triển mà bất cứ trẻ nào cũng phải trải qua mà thôi. Đó cũng là chuyện bình thường chứ không đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia về trẻ em nói rằng tất cả trẻ em đều phải trải qua giai đoạn thích từ chối, nếu không như vậy thì trẻ đó chưa có sự chuyển đổi từ một trẻ sơ sinh thành một trẻ nhỏ.

Người lớn có thể sẽ khó chấp nhận sự từ chối của trẻ bởi cảm giác như trẻ không chịu nghe lời, không chịu làm theo những gì cha mẹ dạy, ở đây muốn nói tới việc không nghe lời, bướng bỉnh. Nhưng đối với trẻ, đây là một bước phát triển thể hiện tính tự chủ, chứng tỏ rằng trẻ bắt đầu có những suy nghĩ của riêng mình và sẵn sàng để thực hiện những việc mà bản thân nghĩ tới.

Trong một số trường hợp, việc trẻ dùng từ “không” không có nghĩa là không nghe theo hay từ chối mà trẻ thích làm như vậy để xem thái độ của cha mẹ sẽ như thế nào nếu trẻ lắc đầu, không làm theo hoặc dùng từ “không”.

Cha mẹ có thể sử dụng những phương pháp tránh “sự từ chối” mà không ảnh hưởng gì tới trẻ như sau:

• Cố gắng làm như không nghe thấy từ “không” từ miệng của trẻ tối đa có thể.

• Nên dẫn dắt trẻ hơn là đặt ra những câu hỏi lựa chọn. Không để cho trẻ có nhiều cơ hội lựa chọn. Ví dụ cha mẹ hãy đặt những câu hỏi như: “Con muốn lấy cái gì? Làm như thế nào?”.

• Cố gắng đánh lạc hướng quan tâm của trẻ từ thứ mà trẻ không muốn thành thứ có thể thu hút được sự chú ý của trẻ.

• Cố gắng tránh những câu hỏi có thể nhận được câu trả lời “không” của trẻ một cách tối đa.

• Ra lệnh với trẻ tối thiểu có thể.

• Nếu đó là việc làm nguy hiểm cho trẻ, bạn nên ngăn cấm một cách nghiêm túc và nên tìm việc không có hại để thay thế.

• Liên tục ăn vạ

Lý do chính để trẻ trong độ tuổi này tỏ thái độ ăn vạ, chỉ biết chiều theo ý bản thân tới mức nhiều bậc cha mẹ phải thốt lên rằng “Hết cách, có đánh cũng đến thế” là bởi sự hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi trẻ không thể giao tiếp để đạt được mong muốn của bản thân, trẻ sẽ thấy bực bội, khó chịu và cuối cùng trẻ phát hiện ra rằng phương pháp tốt nhất để đạt được điều trẻ muốn là lăn ra sàn nhà rồi giãy giụa, khóc lóc, đập tay đập chân và gào hét ầm ĩ. Trẻ nhận ra rằng ngay từ lần đầu tiên làm như vậy, cha mẹ gần như bị sốc, lúng túng không biết làm gì, và những lần tiếp theo cũng sẽ diễn ra như vậy.

Tính trung bình trẻ trên 2 tuổi mỗi tuần phải ăn vạ ít nhất 1 - 2 lần. Có rất ít trẻ từ 2 - 3 tuổi chưa bao giờ ăn vạ. Do đó, nhìn chung cha mẹ không nên gay gắt với trẻ hoặc mắng trẻ, đặc biệt khi bạn đánh sẽ càng làm cho trẻ kêu gào nhiều hơn. Tốt nhất bạn nên cho trẻ sang một phòng khác để trẻ ngồi trong im lặng một mình một lát, dần dần trẻ sẽ bình tĩnh lại.

Nếu việc trẻ ăn vạ làm ảnh hưởng tới người khác, bạn có thể dùng phương pháp nhẹ nhàng ôm trẻ vào lòng nhưng ôm chặt tại chỗ cho tới khi trẻ bình tĩnh lại. Nếu ở nơi công cộng, bạn đừng cho trẻ dùng cách ăn vạ để giành chiến thắng (bởi trẻ biết cha mẹ phải chiều theo vì ngại với mọi người). Bạn hãy nhanh chóng xử lý bằng phương pháp nêu trên rồi đưa trẻ đến một nơi yên tĩnh nhanh nhất có thể. Nếu cha mẹ bình tĩnh, kiên nhẫn thì sẽ nhanh chóng xử lý được vấn đề.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên xét xem trẻ tỏ thái độ bực dọc, ăn vạ có phải là do một trong số những nguyên nhân sau hay không:

• Trẻ có mệt mỏi hay ốm đau gì không.

• Trẻ có bị áp lực quá nhiều hay không.

• Trẻ có nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, công nhận và nâng niu một cách đầy đủ từ cha mẹ hay không.

• Cha mẹ có xen vào thời điểm trẻ đang hăng say chơi hay ra lệnh một cách vô lý hay không.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx