sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 24

Vẫn chưa hết sợ

Trẻ càng lớn sẽ càng có nhiều hiểu biết hơn về sự vật xung quanh. Trẻ bắt đầu biết hiểu được chiều sâu và độ cao là như thế nào, biết rằng cơ thể của cha mẹ to lớn còn bản thân trẻ rất bé nhỏ, bắt đầu biết đâu là sự vật quen thuộc và đâu là vật lạ, người lạ. Bởi vậy, nếu trẻ sợ những thứ bình thường mà mọi trẻ đều sợ, thì cha mẹ không nên lo lắng. Nhưng nếu trẻ sợ những thứ không nên sợ như giấy màu đen, máy hút bụi, bạn nên từ từ giải thích cho trẻ hiểu.

Ngược lại, nếu con bạn không biết sợ thứ gì, hãy xem xét một chút bởi điều đó có thể sẽ dễ dàng gây nguy hiểm cho bản thân bởi trẻ không sợ thứ gì. Do đó, vì sự an toàn của trẻ, bạn nên dạy cho trẻ biết sợ những thứ nên sợ.

Phát triển riêng về lứa tuổi

• Biết tự giúp đỡ bản thân.

Trẻ tầm tuổi này bắt đầu có thái độ tích cực với những việc trẻ phải làm hàng ngày. Trẻ sẽ cố gắng tự giúp đỡ bản thân, biết cho tay vào ống tay áo, mặc quần, bắt đầu quan tâm tới việc cởi, đóng cúc quần áo, tự đi bít tất, đi giày.

Trẻ có thể sẽ dành 20 phút ngồi trong bồn tắm, trong nhà vệ sinh để rửa tay, kỳ cọ tay nhưng không thích rửa mặt. Với tất cả những việc vệ sinh cá nhân nếu cha mẹ để cho trẻ tự làm, mặc dù trẻ có làm chậm hoặc không sạch sẽ nhưng cũng không sao. Nhìn chung trẻ 3 tuổi đã bắt đầu biết tự tắm, đánh răng, mặc quần áo hay ăn cơm nhưng cha mẹ vẫn phải giúp trẻ bằng cách như tìm mua cho trẻ những loại quần áo có thể tự mặc, cho trẻ những loại bát hay thìa có thể dễ dàng xúc cơm ăn, để bàn chải đánh răng, cốc nước ở nơi mà trẻ có thể tự lấy được…

• Không còn tiểu tiện ra quần nữa

Về mặt tự nhiên, chúng ta không thể kiểm soát được phần cơ ở quanh bàng quang nên phải tập luyện dần dần để cuối cùng có thể điều khiển được chúng. Để kiểm soát được việc tiểu tiện phải dựa vào sự phát triển về trí não và tâm lý, song cũng phải thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Khi được 2 tuổi, mỗi lần đi tiểu của trẻ sẽ cách nhau khoảng 1,5 - 2 tiếng, nhưng từ 5 đến 8 giờ sáng trẻ sẽ đi tiểu nhiều hơn. Tuy vậy, khi ngủ trẻ không còn bị tè dầm nhiều nữa.

Khi trẻ đã đi tiểu được khoảng 2 tiếng, bạn nên đưa trẻ vào nhà vệ sinh, cả trước và sau khi ăn 2 tiếng cũng phải làm như vậy. Vì trong khoảng 2 - 3 tiếng, nếu trong bàng quang không có nước tiểu sẽ không có sự kiểm soát vấn đề này.

Các bé trai thường đi tiểu nhiều hơn các bé gái.

Trẻ độ tuổi này thường tè dầm ra giường vào gần sáng. Vào ban đêm trẻ có thể kiểm soát được bản thân để không tè dầm khi có 2 điều kiện sau đây:

1. Vào ban ngày, lúc nhịn tiểu, trẻ phải biết cách thóp bụng hoặc thắt cơ lại.

2. Trẻ phải biết được cách thức điều khiển các cơ trong khi ngủ.

Sẽ không thể dạy trẻ cách nhịn tiểu được bởi chỉ cần trí não của trẻ đã sẵn sàng, trẻ sẽ làm được. Nếu trẻ đã biết cách nhịn tiểu khi đi vào nhà vệ sinh vào ban ngày rồi, đến ban đêm trẻ sẽ kiểm soát được bản thân, quan trọng là cha mẹ cũng đừng quên khen trẻ và nếu có tiểu tiện ra quần thì cũng không nên mắng trẻ.

Khi trẻ chưa đủ 4 tuổi, việc tè dầm ra giường là chuyện hết sức bình thường, một số trẻ không tè dầm vào ban đêm nhưng ban ngày có khi lại tè dầm ướt hết quần.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 2 - 2,5 TUỔI

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Đứng được một chân trong giây lát;

• Có thể tránh những vật cản cản trên đường đi một cách thành thạo;

• Tự đi lên, đi xuống cầu thang nhưng vẫn chưa thể bước đổi chân;

• Biết đi giật lùi, đi bằng mũi bàn chân được 2 - 3 bước;

• Trong khi chạy vẫn còn liêu xiêu;

• Khi chạy vẫn chưa thể quay người, rẽ sang hai bên và chưa thể dừng lại một cách đột ngột được;

• Thích ném và bắt đồ vật.

Các phần cơ nhỏ

• Xoay được nắm đấm cửa, đóng cửa, vặn nắp chai;

• Cầm bút chì, bút màu viết, vẽ được nếu có người lớn cầm tay hướng dẫn;

• Vẽ được đường thẳng gần tạo thành góc vuông;

• Xếp hình được 6 tầng;

• Có thể nhặt được đồ vật nhỏ nhưng dễ bị tuột khỏi tay;

• Nhìn được những đồ vật nhỏ ở khoảng cách xa.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói được hơn 30 từ;

• Biết ghép 2 hoặc 3 từ với nhau;

• Đã hiểu được những câu dài;

• Khi giao tiếp với người khác thích sử dụng sắc mặt, thái độ và cử động của cơ thể nhiều hơn dùng lời nói;

• Thích xem sách ảnh và có thể chỉ nói tên những hình ảnh;

• Có thể hát được một vài câu;

• Bắt chước giọng nói của cha mẹ.

Phát triển về mặt xã hội

• Bắt chước những hành vi ứng xử lịch thiệp và hành động từ cha mẹ;

• Bám mẹ và rất yêu mẹ;

• Có tính tự chủ, coi mình là trung tâm của thế giới;

• Phát hiện ra rằng bản thân có tầm ảnh hưởng với người khác, đặc biệt là với cha mẹ;

• Vẫn chưa biết cách chia sẻ đồ chơi.

Phát triển về trí tuệ

• Đã hiểu hơn về mối quan hệ nguyên nhân - kết quả đơn giản, ví dụ như nếu ấn công tắc thì đèn sẽ sáng;

• Hiểu được sự khác nhau giữa một thứ và nhiều thứ;

• Đã hiểu được một chút về khái niệm thời gian và phản ứng lại những từ “một chút”, “hôm nay”, “sắp tới”… nhưng không hiểu từ “hôm qua”, “ngày mai”;

• Đã có sự tập trung khi chơi những trò chơi lắp ghép như ghép tranh;

• Tìm hiểu sự vật bằng việc bắt chước cha mẹ và các trẻ khác;

• Nhớ được những sự việc lâu hơn.

Phát triển về tâm sinh lý

• Sợ và bồn chồn khi không có mẹ ở bên;

• Sợ những đồ vật lạ, sợ bóng tối và những tiếng động mạnh;

• Sợ những gì mà người lớn sợ như chuột, các loại côn trùng…;

• Thử khả năng của bản thân bằng cách từ chối mọi việc (Không… không) và tỏ thái độ tự chủ (Con sẽ tự làm);

• Có những biểu hiện tự hào về bản thân nếu có người thừa nhận và khen ngợi;

• Biết được rằng cha mẹ sẽ không có mặt ở bên cạnh một khoảng thời gian nhưng sau đó sẽ quay trở về.

Phát triển các kỹ năng chơi

• Thích chơi những trò chơi theo bộ hoặc xếp thứ tự như xếp các hình vòng tròn từ to đến bé, ghép hình đoàn tàu;

• Ngồi chơi gần trẻ khác nhưng không chơi chung với nhau;

• Thích dùng màu sáp để tô vẽ;

• Thích hát những bài hát thường xuyên được nghe và thích nhún nhảy theo điệu nhạc.

Phát triển riêng theo lứa tuổi

• Thường thích làm những việc quen thuộc như tắm vào thời gian nào thì phải tắm vào thời gian đó, phải ăn cơm lúc nào, ngồi ăn ở chỗ nào…;

• Đã biết nói với người khác khi muốn đi vệ sinh;

• Thích tắm, rửa tay nhưng không thích rửa mặt;

• Sẵn sàng học cách đánh răng, súc miệng;

• Ăn ít, không mấy quan tâm tới việc ăn;

• Khi ăn cơm, tắm hay mặc quần áo thường tỏ ra lề mề, chậm chạp (thái độ chống đối);

• Khi mặc quần áo sẽ cố gắng tự giúp đỡ bản thân.

THÁNG THỨ 31 - 36 (2,5 - 3 TUỔI)

Bắt đầu tự lập

Hầu hết trẻ 2,5 tuổi thường cảm thấy rất khổ sở và căng thẳng. Nhưng không phải cứ đến 2,5 tuổi là xuất hiện tình trạng như vậy. Một số trẻ có thể có tình trạng này muộn hơn một chút nhưng một số khác có thể đến 3 tuổi mới xuất hiện. Có một nhà tâm lý học đã nói rằng đây là khoảng thời gian cha mẹ phải chú ý hơn bởi trẻ sẽ làm những việc mà cha mẹ không muốn và sẽ không chịu làm những việc mà cha mẹ muốn.

Phát triển về thể chất

• Tràn đầy năng lượng

Cơ thể của trẻ có rất nhiều năng lượng và sẽ hoạt động liên tục. Trẻ liên tục nhảy, chạy, bước đổi chân lên cầu thang, nhảy hai chân từ bậc cầu thang thấp nhất xuống đất, biết bật nhảy tại chỗ bằng hai chân, biết gập đầu gối, vung tay… Tất cả những hoạt động này chứng tỏ hoạt động của các phần cơ lớn đã tương đối hoàn thiện.

Trẻ có thể di chuyển được xa hơn, việc quan sát sự vật cũng tốt hơn. Trẻ có thể vừa chạy đi chạy lại trong khi mắt vẫn theo dõi chuyển động của sự vật, song trẻ vẫn chưa chạy thành thạo và chưa thể rẽ theo các góc hoặc dừng lại được theo ý muốn. Trẻ đã có thể bắt đầu biết đạp xe đạp và có thể thấy trẻ thuận tay phải hay tay trái một cách rõ ràng.

Việc đi lại của trẻ cũng phát triển hơn, trẻ có thể đi bằng gót chân hoặc đầu ngón chân, đi lững thững được.

Trẻ không thích bị ngăn cản làm việc này việc kia bởi trẻ không được làm những việc mình thích. Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu mỗi khi không làm được việc gì đó bởi trẻ không hiểu tại sao mình lại không làm được như các anh chị. Vì vậy, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu về sự hạn chế của bản thân và giúp đỡ trẻ hết sức có thể.

Trẻ hơn 2 tuổi trở lên sẽ chậm phát triển về thể chất nhưng sẽ phát triển những kỹ năng khác một cách đáng ngạc nhiên.

• Sử dụng tay thành thạo

Ở tuổi này trẻ có thể chuyển các đồ vật từ tay này sang tay kia một cách thuần thục và nhanh chóng, trẻ có thể xoay nắm đấm cửa rất giỏi. Thời gian này trẻ đặc biệt thích đóng mở những nắp chai có ren xoáy. Đến độ tuổi này trẻ đã biết được rằng người lớn cầm bút chì như thế nào. Trẻ sẽ vẽ nét thẳng, nét cong hoặc vòng tròn hơi méo theo mẫu được nhưng chưa vẽ được hình chữ thập.

Sự phối hợp hoạt động của tay và mắt đã thành thạo hơn, trẻ đã có thể đóng, cởi được cúc áo và thích chơi trò thả hình vào ô trong hộp.

Những bức tranh ghép đơn giản là trò chơi mà trẻ trong độ tuổi này rất thích, ngoài việc giúp trẻ thấy vui với kết quả trước mắt và tạo cho trẻ sự tự tin còn giúp rèn luyện trí nhớ và kỹ năng quan sát.

Thị giác của trẻ độ tuổi này đã tốt hơn, có thể nhặt được đồ vật mà không cần nhìn. Trẻ có thể nhìn rõ từng con chữ và nhìn chằm chằm được vào một đồ vật.

Phát triển về ngôn ngữ

Trẻ trong độ tuổi này không còn nói từng từ riêng biệt nữa mà đã biết sử dụng ngôn ngữ thành thạo hơn như “ngồi xuống”, “con đau”…

Trẻ sẽ nói được họ tên của mình, kể được nội dung câu chuyện trong bức tranh và làm theo ba mệnh lệnh liên tiếp cần thể hiện hành động như “Con ra lấy cho mẹ cuốn sách đó rồi hãy tiếp tục ngồi chơi!”

Khi chơi, trẻ thường nói nhiều hơn bình thường và trẻ cũng thích được người khác lắng nghe trẻ nói hơn là nghe người khác nói.

Kích thích để ngôn ngữ phát triển vượt trội

Mặc dù trẻ đã có thể nói được nhiều hơn, nhưng cha mẹ vẫn phải thường xuyên nói chuyện và dạy trẻ nói bằng cách:

• Khi cho trẻ xem tranh hãy hỏi trẻ về những sự vật trong bức tranh đó như “Con mèo ở đâu nhỉ?”;

• Mua cho trẻ điện thoại đồ chơi để trẻ tập nói chuyện điện thoại;

• Kể chuyện bằng cách sử dụng con rối tay và cho trẻ bắt chước làm theo;

• Dạy cho trẻ những từ thể hiện tình trạng như khi trẻ ném trái bóng sẽ nói: “Con ném trái bóng à?”;

• Cho trẻ xem album ảnh rồi hỏi tên những người trong ảnh và những việc mà người trong ảnh đang làm;

• Cố gắng dạy trẻ qua các công việc nhà như “Bây giờ mẹ con mình chơi trò giặt quần áo nhé, khi giặt quần áo thì phải làm thế này”;

• Hát và biểu diễn cho trẻ làm theo, nếu là bài hát liên quan tới cơ thể thì càng tốt. Ví dụ bài “Hai bàn tay của em” hoặc “Tập đếm”…

• Càng biết nhiều từ mới, trẻ càng học được nhiều hơn. Trong khi bạn nói chuyện hoặc dạy trẻ, trẻ sẽ cố gắng hiểu và để ý xem từ đó được dùng như thế nào, có điểm gì khác biệt so với các từ khác. Trẻ sẽ so sánh các từ mới học được với các từ đã biết, trẻ sẽ ôn lại và sử dụng những từ mới học được đó.

Phát triển về mặt xã hội

• Vẫn chưa thể hòa nhập tốt với các trẻ khác

Trẻ 2,5 tuổi đến 3 tuổi sẽ có một khoảng thời gian không chịu nhường nhịn các bạn. Trẻ sẽ xem những trẻ khác chơi, có thể sẽ chơi cùng trong chốc lát rồi lại tách ra chơi một mình, không chịu chơi với ai. Khi chơi với các bạn cùng trang lứa, trẻ thường tỏ ra khá hung hãn, thường đẩy bạn, tranh của bạn và nhìn những đứa trẻ đó như không phải bạn bè.

Trẻ vẫn chưa thể hòa nhập được với trẻ khác, chỉ chịu chơi được trong chốc lát nhưng là chơi hai người. Khi được khoảng 3 - 4 tuổi, trẻ mới bắt đầu chơi được thành nhóm ba người, và khi được 5 - 6 tuổi sẽ tăng lên thành nhóm năm người.

Việc tranh giành đồ chơi sẽ không còn khi trẻ được 3 tuổi và sẽ dần biến mất khi trẻ bắt đầu biết chia sẻ và lấy lại đồ chơi một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Trẻ đứng đầu một nhóm phải biết tìm nhiều đồ chơi đến cho các bạn, phải biết dùng từ ngữ và cách thức để các bạn trong nhóm chơi với nhau một cách đoàn kết và vui vẻ.

Ngoài ra, đây là độ tuổi trẻ thích được ở cùng cha hoặc mẹ, không người này thì phải ở với người kia nên nếu trẻ đang chơi cùng người này mà người khác tới làm phiền, ngay lập tức trẻ sẽ tức giận và tỏ thái độ rất khó chịu.

• Khi trẻ phải đi học

Hiện nay nhiều trẻ 2,5 tuổi đã phải đi nhà trẻ. Bởi vậy, đây là một trong những khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ. Một số trẻ thích thú khi được đến lớp. Các trẻ chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu không có cha mẹ ở bên thì có ai đó chăm sóc thay là đủ khiến trẻ hài lòng rồi. Nhưng đối với một số trẻ khác, có vẻ việc đi nhà trẻ là một việc không thể nào chấp nhận được và những trẻ này thể hiện bằng cách chống đối như không chịu ăn cơm, không chịu ngủ hoặc có những hành vi thụt lùi như đã biết tự đi vào nhà vệ sinh nhưng lại tè dầm ra quần.

Vấn đề nảy sinh là do trẻ vẫn trong độ tuổi sợ khi phải rời xa mẹ, nhưng nếu trẻ nào được nuôi nấng một cách đầy đủ, trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng vào tình yêu thương, được phát triển đúng với lứa tuổi. Những hành động phản kháng sẽ giảm đi rất nhiều và nếu được cha mẹ giải thích cho hiểu, cha mẹ thực hiện đúng như lời hứa sẽ đến đón đúng giờ. Thêm vào đó, trẻ thấy tin tưởng khi ở lớp hoặc ở cùng bảo mẫu thì trẻ sẽ chấp nhận nhanh hơn.

Phát triển về mặt tâm sinh lý

• Thích thể hiện quyền sở hữu

Để tăng thêm vai trò của mình, trẻ 2,5 tuổi sẽ dùng từ “của con” để thể hiện quyền sở hữu đồ vật và mọi người. Trẻ sẽ trở thành nhà sưu tầm cả đồ vật mới lẫn cũ trong đó có cả một số đồ vật không thể sử dụng được nữa. Trẻ sẽ giấu đồ chơi để chắc chắn rằng lần sau sẽ có đồ để chơi. Hành vi chứng tỏ ý thức được sự tự chủ có thể thấy qua việc trẻ đứng trước gương soi rồi nói “Con đây mà!”.

Với bản năng tự nhiên, trẻ sẽ nhận thấy rằng mình là một thành viên trong gia đình và trẻ sẽ chứng tỏ điều này bằng nhiều cách và quyết tâm để được công nhận bằng cách thấy ai cười cũng cười theo, thể hiện những hành động buồn cười để tạo tiếng cười cho người khác, tỏ thái độ đồng cảm, thương hại, xấu hổ và khiêm nhường, khi bị mắng trẻ sẽ không bằng lòng. Trẻ cảm thấy có lỗi khi không kịp đi vào nhà vệ sinh, đôi khi có dịp trẻ sẽ mắng em hoặc chú chó nuôi trong nhà.

• Trẻ vẫn chưa rõ ràng về bản thân

Trẻ sẽ thay đổi từ một người chưa biết chơi với người khác thành một người đã biết hòa nhập với mọi người, với xã hội tốt hơn, song vẫn còn lưỡng lự chưa thể quyết định được nên dựa vào người khác, dựa vào mẹ hay dựa vào bản thân. Khi chơi với búp bê, với đồ chơi, trẻ thường tưởng tượng đến các sự việc liên quan tới mẹ và con, điều đó chứng tỏ trẻ đã phân biệt được các sự việc với nhau và trẻ biết nên tách ra khỏi mẹ. Nếu trẻ làm được như vậy, sự tự tin và ý thức về tính tự chủ của trẻ sẽ tăng lên.

• Hãy hiểu cho con

Tất cả những kinh nghiệm giúp phát triển ý thức về tính tự chủ của bản thân không phải bắt nguồn từ việc cha mẹ đối xử với trẻ như thế nào, mà phụ thuộc vào việc trẻ nghĩ và tưởng tượng cha mẹ sẽ tỏ thái độ chấp nhận và không chấp nhận trẻ như thế nào. Mặc dù trẻ sẽ chịu nghe theo những lời dạy bảo của cha mẹ hết năm này sang năm khác, nhưng trẻ sẽ phân tích những thông tin về những điều mình nhìn thấy cùng những lời dạy dỗ của cha mẹ để phát triển thành tính cách riêng của trẻ, chứ không phải trẻ nghe lời và rập khuôn làm theo những gì cha mẹ chỉ dạy mà không có gì là của riêng mình.

Trẻ sẽ thể hiện sự độc lập của bản thân cho mọi người thấy bằng cả lời nói và hành động. Có không ít lần trẻ thể hiện sự độc lập bằng những cách thức có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Trẻ vẫn chưa hiểu được rằng vào lúc nào hoặc dịp nào nên kiềm chế không được thể hiện điều đó ra ngoài. Vì vậy, cha mẹ cần phải quyết định cho trẻ được tự do khám phá trong giới hạn nào.

Những quy định và giới hạn hợp lý phải được sự nhất trí của tất cả mọi người trong gia đình. Bởi nếu không có sự quy định chung, trẻ sẽ vượt quá giới hạn khiến những người lớn trong nhà sẽ cãi nhau và tình trạng này sẽ khiến trẻ không biết phải nghe theo bên nào.

• Trẻ đã biết về bản thân và giới tính

Đến tuổi này trẻ hiểu rõ hơn về bản thân, chúng ta có thể nhận thấy qua:

• Tự xưng là “tôi”, gọi người khác là “bạn”;

• Gọi giới nữ là “phụ nữ”, giới nam là “đàn ông”;

• Đã biết mình là con trai và không giống với mẹ;

• Đã biết và hiểu được về cơ quan sinh dục của bản thân, sẽ lấy tay che lại khi cởi quần;

• Đã hiểu sự khác nhau về giới tính qua việc quan sát “bé trai” và “bé gái”.

• Cẩn thận việc đi lạc

Cha mẹ có con trong độ tuổi này phải chuẩn bị sẵn tinh thần và luôn phải đề phòng việc có thể trẻ sẽ đi lạc bởi thời gian này trẻ đi lại nhiều hơn, độc lập hơn và tò mò hơn. Các số liệu thống kê cho thấy trẻ lạc cha mẹ nhiều nhất là độ tuổi 2,5 tuổi. Còn một số nguyên nhân nữa khiến trẻ bị lạc, đó là có thể trẻ mải mê đi theo một vật nào đó, chạy trước cha mẹ, chạy đi chỗ này chỗ kia hoặc những khi cha mẹ lơ đãng trong giây lát bởi quá mệt. Bạn có thể phòng tránh bằng cách:

• Hãy cho trẻ ngồi vào xe đẩy khi đưa trẻ đi đến những nơi đông người;

• Cho trẻ đeo dây dắt dành cho trẻ em, nhưng phương pháp này không khả quan lắm khi đi vào chỗ đông người vì sẽ gây vướng víu, khó đi;

• Viết tên trẻ và địa chỉ, số điện thoại của cha mẹ để vào túi quần hoặc túi áo của trẻ.

Khi trẻ đi đâu, cha mẹ cần hết sức cảnh giác, luôn chú tâm, nghĩ trong đầu rằng bạn đang đi cùng con, không phải đi một mình. Cách thức đề phòng tốt nhất là dạy cho trẻ biết nếu bị lạc thì nên làm như thế nào, dạy trẻ biết nói họ tên, địa chỉ nhà và số điện thoại của cha mẹ.

Phát triển về việc chơi

Một trò chơi quan trọng của trẻ ở độ tuổi này là trò bắt chước, trong đó trẻ hay bắt chước nhất là nói chuyện điện thoại cả về điệu bộ, lời nói và giọng điệu.

Độ tuổi này cần sự công bằng trong gia đình. Trẻ muốn làm tất cả những gì người lớn làm như lái xe, quét nhà, tự mở hay tắt tivi, tắt hay bật công tắc điện đều làm cho trẻ rất hài lòng bởi trẻ nghĩ rằng trẻ có thể điều khiển được mọi vật xung quanh. Do đó, tất cả những dụng cụ nguy hiểm phải để xa tầm tay và tìm những đồ chơi mô phỏng các đồ dùng cho trẻ chơi.

Đối với các bé gái dù ở thời đại nào cũng đều thích chơi búp bê. Búp bê của trẻ độ tuổi này thường không được mặc quần áo và thường bị cởi ra bởi trẻ không thích mặc quần áo cho búp bê, nhưng lại rất cầu kỳ trong việc tìm và lựa chọn những vảnh vải màu sắc tươi sáng để làm chăn đắp cho búp bê. Trẻ sẽ thích thú với việc mang búp bê ra để chơi các trò chơi có liên quan tới cuộc sống hàng ngày như ăn, ngủ, bị mắng, bị phàn nàn.

Tất cả những trò chơi của trẻ nhỏ đều thể hiện mong muốn và nhu cầu của trẻ. Trẻ sẽ coi mình là trung tâm và tuân theo nguyên tắc độc lập. Ngoài ra, tất cả trẻ em không bao giờ biết chán và biết đủ cho việc chơi với những bộ đồ chơi như xếp hình, đồ nhà bếp, y cụ… Tất cả những đồ chơi này giúp trẻ có cơ hội được thể hiện khả năng trong việc kiểm soát các sự việc nảy sinh từ trò chơi giả tưởng của mình và trẻ sẽ tạo thêm không khí vui vẻ theo nhu cầu và thuộc giới hạn có thể điều khiển được.

Lựa chọn đồ chơi cho trẻ đang trong tuổi nghịch ngợm

Nên chọn những loại đồ chơi theo bộ như bộ xếp hình, bộ dụng cụ xây nhà, vườn thú, đồ nội thất để trẻ có thể lựa chọn những đồ chơi mà trẻ nghĩ rằng có thể làm được và thấy tự hào khi thường xuyên thành công. Ngoài ra, bộ đồ nhà bếp, y cụ của bác sĩ cũng giúp trẻ rèn kỹ năng điều khiển đồ vật trong trò chơi đóng vai giả tưởng, như thống nhất với bạn rằng: “Tớ là bác sĩ, cậu phải là bệnh nhân nhé!”

Nên dành riêng cho trẻ một khoảng không gian nào đó, để trẻ được tự do ngồi chơi và người lớn không can thiệp vào, không giúp đỡ hoặc đặt ra những quy tắc cho trẻ. Bởi trong thế giới riêng tư nhỏ bé này, trẻ sẽ là người tự đặt ra quy định và cách thức riêng. Cha mẹ nên để cho trẻ được tự chơi tại nơi an toàn mà mình đã sắp xếp cho trẻ.

Phát triển riêng theo lứa tuổi

• Thường kén ăn và không thích ăn rau

Việc lựa chọn đồ ăn là chuyện bình thường của trẻ ở độ tuổi này. Trẻ em thường thích thịt, trứng, hoặc hoa quả nhưng không thích ăn rau. Đây là giai đoạn cha mẹ thường gặp rắc rối với việc ăn của trẻ. Một số trẻ sẽ lấy việc từ chối không ăn để tuyên bố sự tự chủ, thoát khỏi tầm kiểm soát của người lớn và nhiều trẻ còn mang theo đặc tính kén ăn này đến tận lúc lớn. Mẹ có thể để cho trẻ không ăn trong một vài bữa, cứ để cho trẻ nhịn vì theo lẽ thường khi đói trẻ sẽ tự xin cha mẹ lấy thức ăn cho.

• Cởi quần áo thành thạo hơn lúc mặc

Ở độ tuổi này, hệ thống kiểm soát hoạt động của các cơ quan trên cơ thể trẻ đã tốt hơn rất nhiều nên trẻ có thể tự mình cởi được hết cả quần lẫn áo. Đối với trẻ, việc cởi quần áo dễ hơn việc mặc vào. Trẻ sẽ biết cởi ra rất lâu sau đó mới biết mặc vào, nhưng nếu mẹ hướng dẫn, cho trẻ cơ hội được tập luyện, cuối cùng trẻ cũng sẽ làm được.

Thời gian trẻ mặc quần áo là thời gian quan trọng để bắt đầu dạy trẻ về sự gọn gàng ngăn nắp trong việc sắp xếp quần áo (bao gồm cả đồ chơi). Nếu cha mẹ muốn thấy phòng ốc ngăn nắp, gọn gàng thì nên sắp xếp cho trẻ có một chiếc tủ hoặc nơi treo móc quần áo đủ để trẻ có thể lựa chọn và sắp xếp thành từng phần. Nếu mẹ nào khéo tay có thể vẽ các hình quần, áo, bít tất dán trước các ngăn tủ hoặc dùng sticker để trẻ dễ dàng để ý thấy và thích thú. Các mẹ cũng có thể dùng cách này với đồ chơi của trẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx