sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1

Trời mới sáng tinh mơ, bác Phó Từ mở cửa bước ra sân, quay nhìn tứ phía, miệng lẩm bẩm:

- Chà! Bữa nay trời mù sương dữ, chả nom thấy gì hết, như thể giòng Tiền giang và hòn Reng không còn nữa.

Thời tiết vào cuối thu lành lạnh. Bác phó bước đi, lưng đeo chiếc túi đựng đồ nghề và một gói cơm nắm để trưa dùng bữa.

Xa xa chiếc cầu nối liền cù lao Reng sang thị xã Cao Lãnh chỉ thấy lờ mờ những khung sắt trên cao, còn phần dưới thì lẫn vào màn sương dầy đặc. Bác Từ tự hỏi không hiểu ban đêm các trụ cầu đã bị nước cuốn đi mất chăng?

Bờ sông vắng ngắt, không một bóng người. Đi được hơn trăm thước, bác nghe như có những tiếng kêu là lạ, từ mé sông vọng lên. Xưa nay bác vẫn quen với những tiếng cò, vạc, giẽ, bìm bịp, nhưng tiếng này lại khác hẳn.

Bác lắng tai nghe kỹ. Không! Không phải là tiếng cầm thú mà hình như là tiếng… trẻ con khóc. Bác dừng chân quay gót trở lại, lần xuống mé sông để quan sát. Bổng nhiên, trong bụi sậy, bác thấy một con đò nhỏ được cột vào bờ bằng một sợi dây.

“Lạ quá! Hình như một con đò bỏ không!”. Bác nắm dây kéo con đò vào sát bờ và trông thấy dưới đáy một bọc nhỏ.

Bác cúi xuống để nhìn cho rõ thì bỗng tiếng khóc phát ra.

- Trời ơi! Một hài nhi!

Đó là một đứa nhỏ độ 5, 6 tháng, được quấn kỹ càng. Mặt nó đỏ gay vì đã khóc từ lâu, và có lẽ nó đói.

“ Tội nghiệp, bác nói, ai đã đem mày tới đây? ”

Bác vội bồng đứa nhỏ lên tay, ngắm nghía nó một lát rồi rảo bước về nhà.

- Mình ơi! Coi này, anh vừa bắt được đứa nhỏ này trong chiếc đò ở mé sông!

Bác gái tỏ vẻ ngạc nhiên, dơ tay đỡ lấy đứa bé, vừa dở chăn xem vừa hỏi:

- Mình thấy nó ở đâu vậy?

- Ở mé sông, trong một chiếc đò con.

- Đây là một bé gái. Ai lại bỏ nó như vậy?

Bác phó Từ cầm lấy chiếc túi nói:

- Anh phải vội đi kẻo trể giờ, mình ở nhà trong nom đứa trẻ này nhé. Cho nó ăn cháo sữa rồi chiều anh về sẽ tính.

Bác bước ra khỏi nhà, lần theo mé sông, băng qua cầu, rẽ tay mặt và đi một quãng dài nữa thì tới trang trại của Ông Hội Đồng Thái Xuân Hải, là nơi bác làm việc.

Ở đây đang xây cất một ngôi nhà thờ lộng lẫy cho nhà họ Thái, dựng trên những cột bằng gỗ lim, lớn cả người ôm, Bác phó Từ lãnh công việc chạm trổ rất công phu cho các cột này, và các xà gỗ bên trên.

Bác phó rất yêu nghề của mình, bác cảm thấy niềm vui thanh cao mỗi khi, qua những nhát đục do bàn tay khéo léo của bác điều khiển, đã xuất hiện trên mặt gỗ những hình Vân, hình Triện, hình Long, Ly, Quy, Phượng rất nghệ thuật. Bác tự hào nghĩ rằng một phần ngôi nhà thờ này là công trình kiến tạo của bác, và một ngày kia, khi bác đã nằm ngủ yên dưới lòng đất, những hình chạm trổ kia hãy còn sống mãi mãi.

Nhưng bữa nay bác không chăm chú lắm vào công việc. Đầu óc bác còn đang bận suy nghĩ nên mấy lần, bác đập búa trúng ngón tay.

“ Đứa nhỏ này là con cái nhà ai? ” Bác tự hỏi đi hỏi lại, “ Và tại sao người ta lại bỏ nó cách nhà mình chừng một trăm thước mà thôi? Chung quanh chổ đó chẳng có nhà ai khác, vậy bàn tay vô danh nào đã cột con đò ở đó là vô tình hay hữu ý? ”

Trong khi các bạn khác vừa làm việc vừa cười nói vui vẻ, riêng bác Từ vẫn trầm ngâm suy nghĩ để tìm câu giải đáp điều thắc mắc.

Cuối cùng bác tự nhủ: “ Thôi! Rồi ta sẽ tính. Biết đâu giờ này người cha hay người mẹ đứa bé đã chẳng thấy hối hận và đã trở lại mang nó về rồi, Chuyện này cũng thường xảy ra lắm ”

Xế chiều, khi mãn giờ làm việc, bác đi thẳng một mạch về nhà. Sau khi qua cầu và lần theo mé sông, bác thấy con đò vẫn buộc nguyên chổ cũ. Vậy là không có ai đến cả.

Tới nhà, bác vừa đẩy cửa bước vào vừa hỏi:

- Thế nào mình?

Bác Từ gái chỉ đứa nhỏ đang nằm ngủ trong chiếc nôi cũ, đáp:

- Em đã xem kỹ các tả lót của con nhỏ, tất cả đều bằng vải xấu, duy có một chiếc này là trắng đẹp mà thôi. Giữa hai lượt chăn, em thấy mảnh giấy này, mình thử đọc xem.

Bác phó Từ cầm mảnh giấy đọc: “ Thủy ”.

Bác Từ gái lập lại “ Thủy ”, tên nghe cũng hay đấy chứ!

Bác Từ quay lại hỏi vợ:

- Bây giờ, chúng ta phải làm gì? Đứa nhỏ này đã bỏ ở gần nhà ta đó.

Bác gái cúi đầu đáp:

- Em thấy cũng tội nghiệp, mình ạ, nhưng vấn đề này cũng hơi khó giải quyết, vì nhà ta đã có hai đứa con gái rồi, và mai mốt có lẽ trời còn cho thêm con khác.

- Tuy nhiên…

- Em thấy bên kia sông, các bà phước dòng “ Mến Thánh giá ” vẫn nuôi những đứa trẻ vô thừa nhận. Mấy tháng trước đây cũng có vài đứa được mang tới.

- Đúng vậy, những đứa trẻ ấy đã được mang tới trại của các bà phước, nhưng đứa này thì lại được bỏ ở gần nhà ta. Như vậy là người ta đã chủ ý mang tới cù lao này đấy chứ.

- Nhưng trại mồ côi còn có nhiều phương tiện hơn nhà mình.

- Đành rằng vậy, nhưng ta có phận sự…

- Vâng, ta có phận sự nuôi các con ruột của ta trước hết đã.

Bác phó Từ lặng thinh không đáp, bác và nốt mấy miếng cơm, rồi bỏ đũa bát tiến ra cái nôi. Lúc ấy, con Hồng và con Hương là hai đứa con gái chừng 3 – 4 tuổi cúa bác, đang đứng cạnh chiếc nôi để xem đứa bé.

Bác gọi nho nhỏ: “ Thủy, Thủy! ”

Đứa nhỏ nhìn bác, như hiểu tên gọi của nó, rồi một nụ cười nở thoáng trên khuôn mặt bầu bĩnh.

“ Mai ta sẽ bàn chuyện này với ông Trưởng, để xem ý kiến ông ra sao ”

Bác làm đúng như ý định. Sáng hôm sau, khi tới trang trại, bác kiếm ngay ông Trưởng, một vị bô lão mà ai cũng kính nể, và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ông trưởng đáp:

- Ta hiểu vấn đề này rồi. Ta biết rõ anh lắm, anh là người thực thà tốt bụng. Anh yêu nghề nghiệp, thương vợ con. Chắc không phải ngẫu nhiên chiếc đò đã tới đậu ở đó. Anh nên tin ta, chiếc đò được buộc gần nhà anh tức là người ta đã chọn nơi anh để gởi gấm đứa nhỏ. Vậy anh nên giữ lấy nó mà nuôi. Thêm bận rộn lo lắng thật đấy, nhưng lương tâm anh sẽ được yên ổn, anh sẽ làm được một điều phúc đức.

- Nhưng vợ tôi…

- Ừ, vợ anh có lẽ cũng như những phụ nữ khác. Chị ấy tưởng chỉ có thể thương yêu những đứa con ruột của mình mà thôi. Nhưng ta chắc rằng chẳng sớm thì muộn, thế nào chị ấy cũng bị chinh phục bởi nụ cười ngây thơ của con nhỏ.

Như trút được nổi băn khoăn, bác Từ vui vẻ bắt tay vào công việc. Buổi chiều khi về tới nhà, bác đi thẳng tới chiếc nôi, bồng con nhỏ trên tay và tuyên bố với vợ:

- Từ nay con nhỏ này là con của chúng ta.

Và bác đặt tên nó là Hà Thu Thủy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx