sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Thủy đã lớn lên, nhưng lời tiên tri của ông Trưởng không thành sự thực, vì sự phục tòng, bác Từ gái chịu nuôi con từ nhỏ, nhưng bác không thể nào coi nó như con ruột. Và hai năm sau, khi Đào một đứa bé gái ra đời, thì Thủy lại càng bị coi như một kẻ xa lạ. Bốn đứa con gái! Nhiều quá..một đứa là thừa… và sẽ là thừa mãi mãi.

Thủy nhận thấy trong gia đình, chổ đứng của nó nhỏ bé hơn của ba đứa con kia. Nó trở thành lầm lỳ, ít nói ít cười, ánh mắt nó đanh lại. Lớn lên, tính nết nó thành kỳ quặc, khùng khùng, có khi thành tàn nhẫn nữa. Tuy nhiên, một người vẫn thương yêu nó hết mực: bác phó Từ. Đối với cha, Thủy tỏ ra rất ngoan ngoãn, dịu dàng, nghịch ngợm, ranh mãnh, nhưng khổ nổi bác không mấy khi có nhà. Hằng ngày, bác phải đi làm từ lúc tờ mờ sáng, chiều tối mới về vào lúc mặt trời đang lặn xuống giòng Tiền giang.

Lâu dần, con nhỏ thành thói quen, cứ sáng ra là đi khỏi nhà, bữa ăn mới trở về, còn suốt ngày chỉ sống lang thang ngoài đảo nằm lăn trên bãi cỏ, hoặc lấy củi khô chất thành đống rồi nhóm lửa đốt chơi. Những khi trời nóng bức, nước cạn, nó xuống sông lội bì bõm. Rồi lâu dần nó biết bơi lặn như những con nhà thuyền chài. Có lần nước to nó suýt bị chết đuối. Những người thuyền chài vớt được nó cách xa đấy hàng trăm cây số trong khi nó đang bám vào một cành cây và kêu la thất thanh.

- Con điên! Đúng là con điên! Bác Từ gái than vãn. À, bây giờ ta mới hiểu vì sao người ta đã bỏ rơi nó. Chắc là mẹ nó cũng loạn óc như nó chớ gì.

Không, không phải! Đầu óc Thủy không trống rỗng. Trái lại, trong đó biết bao những ý nghĩ, biết bao những giấc mơ đã trôi qua lẫn với những đám mây ảm đạm đượm nổi u sầu.

Lúc chiều tà, khi bác Từ ở trong trại về, nó đến ngồi bên cạnh để thủ thỉ nói chuyện. Cái trang trại tường vôi trắng xóa mà hàng ngày nó ngồi ngắm từ bên này sông, kích thích óc tò mò của nó.

- Ba ơi! Nó thở dài nói: Ước gì ngày nào con được vào trang trại ấy xem thì thích quá!

- Trong ấy nhiều chó dữ lắm, con vào làm sao được.

- Nhưng hằng ngày ba vẫn vào mà.

- Ba khác, ba vào làm việc chứ có phải vào chơi đâu.

- Con cũng muốn được xem ông Hội Đồng thế nào.

- Ít khi ông ở nhà, ông thường đi Lái Thiêu để trong nom xưởng kỹ nghệ của ông.

- À, xưởng Lái Thiêu! Ba thường nói chuyện với con, có phải đẹp lắm không ba?

- Ừ, người ta nói đẹp lắm, nhưng chính mắt ba cũng chưa được trông thấy ra sao.

- Có xa không ba?

- Ngót hai trăm cây số.

- Xa quá ba nhỉ.

Hơn một năm sau, công tác xây nhà thờ đã hoàn tất. Nay bác Từ phải lo công việc đóng các đồ thờ bằng gỗ quý rồi khảm xà cừ. Ngoài ra, còn phải thiết lập một vườn kiểng thật công phu với mọi thứ cây lạ. Công việc phải kéo dài trong nhiều năm.

Bây giờ Thủy đã 12 tuổi. Nó lớn hơn những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi, nhưng khổ người mảnh mai như những cây lau tha thướt bên bờ nước. Cù lao Reng đã thành chậc hẹp đối với lòng khao khát của nó. Càng lớn nó càng man rợ thêm, cả ngày sống ngoài đồng ruộng, đến tối mới về nhà cùng lúc với bác phó Từ. Rồi nó quen đến tận cổng trang trại để đón bác.

- Thủy, bác Từ la nó, ba đã dặn con không được tới thị xã lúc chiều tối kia mà. Thế con không sợ mẹ mìn sao?

Thủy cười giòn tan. Nó chẳng sợ mẹ mìn, vì ai thèm bắt cóc một đứa con gái xấu xí như nó. Ở nhà ai cũng chê nó xấu. Để chọc tức nó, biết bao lần các chị nó đã chế riễu mớ tóc rối như tổ quạ và bộ quần áo lam lũ của nó.

Bác phó Từ dắt tay Thủy lững thững đi về. Đây là giờ phút êm đềm nhất trong ngày của con nhỏ. Để kéo dài thêm giờ phút ấy, nó đã dùng đến nhiều mưu mẹo.

Nó tìm cớ này cớ khác để ba Từ phải dừng lại. Một hôm, đứng trên cầu nó chỉ cho ba Từ coi bãi cát đỏ rực dưới ánh mặt trời lặn; một lần khác, những người thuyền chài đang cắm thuyền bên bờ sông để thổi nấu và ngủ đêm, một lần khác nữa, những làn sóng nhấp nhô vẽ lên mặt sông muôn nghìn hình ảnh linh động và rực rỡ. Có lần nó còn kéo bác Từ xuống tận mé sông để coi một tổ chim giẽ.

Hai cha con về tới nhà thì trời đã tối mịt. Con Hồng và con Hương thấy vậy rất ghen tức, nhưng vì có mặt bác Từ, chúng nó không dám nói năng gì cả. Đến khi cơm xong, vào phòng đi ngủ, chúng mới hành con nhỏ.

Vì vậy mà việc gì phải đến đã đến. Một buổi chiều kia, bác phó Từ mang về một cái băng đỏ lượm được ở sân trang trại và bác cho con Thủy để nó cột tóc. Không ngờ một tặng vật nhỏ như thế lại sinh ra to chuyện. Con Hồng con Hương và cả con bé Đào nữa đều sôi lòng ghen tức. Vào tới phòng, chúng vội tấn công Thủy:

- Phải, mày cần cái băng đỏ để trưng cho đẹp, nhưng còn khuya. Mà cái băng đó cũng chẳng đáng ba xu.

- Các chị đã ghen ghét với tôi, vì ba đã cho tôi, phải không?

- Ai thèm ghen ghét? Có liệng đi chúng tao cũng chẳng thèm nhặt. Mà sao từ sáng đến tối, lúc nào mày cũng nói ba Từ kể chuyện này, ba Từ kể chuyện kia vậy? Ba là ba Từ của chúng tao, chớ đâu phải ba của mày?”

Đứng bật dậy trên giường, Thủy nắm chặt hai tay hỏi:

- Các chị nói chi?

- Rằng mày không phải là chị em ruột thịt gì với chúng tao cả. Mười hai năm trước đây, người ta lượm được mày ở chiếc đò ngoài ven sông kia kìa. Thế mày không biết chuyện sao?

Các chị nó biết chuyện này cũng chưa được bao lâu. Hai tháng trước đây, một hôm trong cơn nóng giận, bác Từ gái đã kể hết điều bí mật đó cho mấy đứa con nghe và dặn chúng không được nói lại với ai nhất là với Thủy.

“ Chuyện bịa, chuyện bịa ”, Thủy gân cổ cãi lại.

Con nhỏ thét lên nổi tức giận của nó, nhưng các chị nó nói xa nói gần rằng nó chẳng giống ba, chẳng giống má, và chẳng giống chị em nào khác trong gia đình này cả.

Không chịu nổi nữa, Thủy òa lên khóc.

Nó khóc thút thít suốt đêm, bên cạnh bé Đào nằm cùng giường với nó.

“ Ta là đứa con bị bỏ rơi, nó vừa khóc vừa nhắc lại, không! Nhất định không phải thế, chắc vì ác ý mà họ nói vậy”.

Tuy nhiên, hình như một tiếng nói nhè nhẹ vang lên trong đầu nó bảo với nó rằng lần này các chị nó không nói dối. Nó nhớ lại cả ngàn chi tiết. Đúng là nó chẳng giống Hồng, Hương, Đào từ con mắt, cái mũi, cái miệng, đến cả tính nết và sở thích nữa.

Đêm đó, nó không thể nào chợp mắt được. Khi trời mới tản sáng, nó chùi hai con mắt đỏ ngầu vì nước mắt và rón rén trở dậy. Các chị nó vẫn còn ngủ. Xuống tới bếp, nó trông thấy trên bàn một chiếc đĩa không và biết rằng ba Từ đã mang gói cơm nắm đi làm rồi. Nó vội chạy theo, hy vọng đuổi kịp bác. Như một con điên, nó băng qua cầu, hai chân dẫm đất bị xây xát vì những hòn đá nhọn trên mặt đường. Tới trang trại nó thấy cổng đóng kín, nó ghé mắt nhìn vào trong, những con chó lớn thấy bóng người vội chạy ra sủa um sùm. Sợ quá, nó vội bước lùi lại, đứng nhìn thêm một lúc rồi đành lủi thủi bước đi, lần theo mấy con đường thị xã. Đi chán, nó thấy đầu nhức nhối vì cả đêm trước không ngủ, dạ dầy thì trống rỗng. Thất tha thất thểu, nó lên cầu để trở về, thỉnh thoảng phải dừng lại tựa vào lan can để nghỉ cho đỡ mệt. Về tới khu đồng ruộng trên đảo, nó vấp phải một rễ cây và ngã lăn xuống đất. Đau quá, nó ngồi dậy không nổi và cứ nằm thiêm thiếp một chổ. Mặt trời vẫn cứ từ từ di chuyển từ Đông sang Tây và sắp lặn xuống lòng sông. Thủy hồi tỉnh lại và dần dần mở mắt ra, nhưng nó không buồn đứng dậy để về nhà.

Rồi những ánh sao đã lấp lánh trên nền trời trong khi các ngọn đèn điện bên thị xã cũng lần lượt bật lên.

“ Giờ này chắc ba Từ đã về ”, nó nghĩ vậy, nhưng nó vấn không ngồi dậy, đầu óc nó chìm trong một trạng thái gần như ngủ.

Lúc gần khuya, bác Từ tay cầm một bó đuốc đã tìm thấy nó. Thủy vội chạy ra ôm lấy bác khóc nức nở và kể lể cho bác nghe câu chuyện xảy ra tối hôm qua.

Bác phó giận vợ con lắm, vì đã không kín mồm kín miệng, và bác vỗ về an ủi Thủy:

- Con biết rằng ba vẫn thương con và ba không bao giờ phân biệt giữa bốn đứa cả. Thế con chưa bao giờ đoán biết tất cả chổ đứng mà con đã chiếm trong lòng ba hay sao? Thủy ơi! Tại sao người ta nỡ làm cho con đau khổ như vậy? Nhưng ba nghĩ rằng có lẽ con nên biết rõ sự bí mật ấy thì hơn. Như vậy, nếp sống của con trong gia đình này sẽ dễ dàng hơn. Thôi, Thủy con, lau nước mắt đi và con nên cố quên sự đau khổ này!

Nói xong, bác phó kéo Thủy đi về.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx