Năm 1943 nhà vật lý nổi tiếng toàn thế giới Nils Bor chạy trốn khỏi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng sang Thuỵ Điển và đề nghị các nhà bác học nổi tiếng có mặt ở đây, Elizavets Meitner và Alfven, thông tin cho các đại diện và bác học Xô viết, với Kapitsa, rằng nhà vật lý Đức Geizenberg đến thăm ông và báo tin: ở Đức đang bàn vấn đề chế tạo bom nguyên tử. Geizenberg đề nghị cộng đồng khoa học quốc tế từ chối việc chế tạo thứ vũ khí này, bất chấp sự ép buộc của các chính phủ. Tôi không nhớ, Meitner hay Alfven đã gặp gỡ tại Geterborg phóng viên TASS và cán bộ tình báo ta Koxưi và báo với họ rằng Bor lo lắng bởi việc chế tạo bom nguyên tử có khả năng ở nước Đức Hitler. Thông tin tương tự từ Bor ngay khi ông chưa chạy khỏi Đan Mạch, tình báo Anh đã nhận được. Các bác học phương Tây đánh giá cao tiềm năng khoa học của các nhà vật lý Liên Xô, họ biết rất rõ các nhà bác học như Ioffe, Kapitsa và họ chân thành cho rằng khi cấp thông tin về các bí mật nguyên tử cho Liên Xô, và thống nhất sự nỗ lực, có thể vượt người Đức trong việc chế tạo bom nguyên tử.
1. Tin đồn về các nghiên cứu khoa học “siêu vũ khí” được khẳng định
Ngay từ năm 1940 các bác học Xô viết khi biết về những lời đồn lan truyền ở Tây Âu về việc sản xuất một thứ vũ khí siêu mạnh, đã có những bước đầu tiên để sáng tỏ khả năng chế tạo bom nguyên tử. Thế nhưng họ cho rằng chỉ chế tạo được thứ vũ khí này về mặt lý thuyết chứ chắc gì thực hiện nổi trong tương lai gần. Viện Hàn lâm khoa học về nghiên cứu các vấn đề năng lượng nguyên tử dưới sự chủ tọa của viện sĩ Khlopin, chuyên gia về hoá sóng hạt, mặc dù vậy vẫn đề nghị chính phủ và các cơ sở khoa học theo dõi các ấn phẩm khoa học của các chuyên gia phương Tây về vấn đề này. Dù chính phủ không trích phương tiện cho các nghiên cứu nguyên tử, trưởng phòng khoa học kỹ thuật của tình báo NKVD Kvaxnikov đã định hướng các mạng điệp viên vùng Scandinavia, Đức, Anh và Mỹ, giao trách nhiệm thu thập toàn bộ thông tin về soạn thảo “siêu vũ khí” - bom uran.
Sáng kiến này của Kvaxnikov gắn với những sự kiện kịch tính khác khi từ lâu ở Đức, Anh, Mỹ các nhà vật lý đã bắt tay vào nghiên cứu khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, trước cả khi chính phủ Mỹ tổ chức trung tâm đặc biệt về chế tạo bom nguyên tử ở Los Alamos.
Mùa thu 1939 các bác học hàng đầu của Đức dưới sự lãnh đạo của Suman đã liên kết vào “Hội uran” thuộc Cục vũ trang quân đội nơi, cùng tham gia là Verner Geizenberg, Karl- Fridrik von Vaitszeker, Paul Gratek, Otto Hann, Wilhem Grot và những người khác. Viện vật lý Berlin của Hội thủ tướng Wilhem trở thành trung tâm nghiên cứu nguyên tử, còn giáo sư Geizenberg được cử làm giám đốc. Được lôi kéo vào nghiên cứu khoa học là các viện Hoá Lý của các trường đại học Tổng hợp Hamburg Laixich, Greifsvald, Geidelberg và Rostoksk.
Trong vòng 2 năm nhóm Geizenberg đã tiến hành các nghiên cứu lý thuyết khởi điểm và các thử nghiệm cần thiết để xây dựng lò phản ứng hạt nhân với việc sử dụng uran và nước nặng. Xác định được chất gây nổ là hạt của uran- 238 - uran- 235 thường có trong quặng uran.
Những nghiên cứu đã định đòi hỏi một lượng uran khá nhiều và nước nặng hoặc than chì sạch (grafit). Người Đức đã lấy quặng ở mỏ Iakhimov, Tiệp Khắc. Sau khi chiếm Bỉ mùa xuân 1940, bọn Đức đã chiếm được tại nhà máy “Union miner” gần 1200 tấn uran tinh chất, gần một nửa dự trữ uran thế giới (nửa khác trong năm đó được bí mật chuyển từ Côngô sang Mỹ). Chiếm Nauy, trong tay người Đức có nhà máy của hãng “Norsk- gidro” ở Rukan lúc ấy là nhà máy duy nhất sản xuất và cung cấp nước nặng (trước đó 185 kg nước nặng theo đơn đặt của Jolio-Quyri được chuyển đến Paris, và chính nó đã lọt sang Mỹ).
Tháng 12- 1940 dưới sự lãnh đạo của Geizenberg người Đức đã xây lò phản ứng thử nghiệm đầu tiên, còn hãng Auergezelsaft nắm được cách sản xuất uran kim loại. Đồng thời các phòng thí nghiệm bí mật của Simens đã bắt đầu tìm cách xử lý sạch than chì để dùng nó với tư cách chất hãm các nơtron trong lò phản ứng khi thiếu nước nặng, cũng như triển khai kế hoạch đảm bảo điện năng cho phương án.
Đáng kể là gần như cùng lúc đó bằng quyết định của Hội nghị đặc biệt NKVD vào tháng 4- 1940 đã trục xuất khỏi Liên Xô nhà vật lý Đức nổi tiếng F. Houtermans. Ông ta làm việc lâu tại trường đại học vật lý- kỹ thuật ở Kharkov với nhà vật lý danh tiếng Landao, nghiên cứu các vấn đề vật lý hạt nhân. Tháng 12- 1937 Houtermans bị bắt “như một kẻ nước ngoài di tản giả vờ là người chống phát xít”. Houtermans đồng ý cộng tác với cơ quan NKVD sau khi trở về Đức. Nhưng ông ta bị Gestapo bắt như một người có cảm tình với cộng sản. Các nhà khoa học Đức đã xin thả ông và đưa vào công việc khoa học ở Đức.
Bước ngoặt trong số phận của Houtermans dẫn tới sự tích cực hóa các nghiên cứu về khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử ở Mỹ và Anh năm 1941. Houtermans uỷ nhiệm cho người thân tín, nhà vật lý Đức F. Raikhe, người trốn khỏi Đức năm 1941, thông báo cho các nhà vật lý về sự bắt đầu các công việc ở nước Đức phát xít về chế tạo vũ khí nguyên tử.
Nhóm trưởng tình báo ta ở New York Ovakimian thông tin cho chúng tôi vào tháng 4- 1941 về cuộc gặp gỡ của người chạy khỏi nước Đức với các nhà vật lý danh tiếng nhất của thế giới phương Tây đang có mặt tại Mỹ mà trong tiến trình đó đã bàn bạc về tiềm năng khổng lồ của uran.
Thành công lớn trong hướng hoạt động tình báo hàng đầu này đã đạt được sau khi chúng ta cử sang Washington với tư cách trưởng nhóm Zarubin (“Kuper”, “Makxim”) dưới vỏ bí thư sứ quán cùng với vợ là Liza, cựu binh tình báo.
Stalin tiếp Zarubin ngày 12- 10- 1941 trước lúc ông sang Washington. Lúc đó quân Đức ở gần Moskva. Stalin nói với Zarubin rằng nhiệm vụ chính của ông trong năm tới là tác động chính trị của chúng ta đến Mỹ thông qua mạng lưới điệp viên ảnh hưởng.
Trước đấy thông tin chính trị ở Mỹ là tối thiểu, vì chúng ta không có những đụng độ các quyền lợi với Mỹ. Nhưng trước chiến tranh Kremli lo lắng bởi các tin tức đến từ Mỹ, rằng trong trường hợp Liên Xô thất bại trong chiến tranh với Đức, chính phủ Mỹ sẽ xem xét khả năng công nhận chính phủ Kerenxky là chính phủ hợp pháp ở Nga, và lãnh đạo Xô viết nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của thông tin về các ý đồ của chính phủ Mỹ, bởi sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến tranh với Hitler có một ý nghĩa lớn.
Các tin tức về chương trình nghiên cứu vũ khí nguyên tử đến từ Anh, Mỹ, Scandinavia và Đức đã thay đổi hướng các nỗ lực của tình báo chúng ta.
Ngày 16- 9- 1941 văn phòng quân sự Anh - xem xét một báo cáo chuyên môn về việc chế tạo bom uran trong vòng 2 năm. Phương án về bom uran có tên “Hợp kim ống” được đầu tư rất nhiều tiền. Điệp viên Maklin ở Bộ Ngoại giao Anh chuyển cho chúng ta báo cáo 60 trang của văn phòng quân sự Anh với sự thảo luận đề án này.
Nguồn khác của chúng ta - điệp viên từ tổ hợp công nghiệp Imperial chemical industry báo rằng tổ hợp đang xem xét vấn đề bom nguyên tử chỉ ở mặt lý thuyết. Đồng thời chúng tôi cũng rõ uỷ ban tướng lĩnh Bộ tham mưu Anh cũng phê chuẩn quyết định xây dựng nhà máy bom nguyên tử. Nhóm trưởng ta ở London Gorxky cấp tốc đề nghị Trung tâm tiến hành thẩm định các tài liệu được chuyển về.
Hoạt động tình báo ở Mỹ định hướng tới sự đối kháng của Đức và Nhật Bản. Nhóm trưởng ở San Francisco Kheifets cố tuyển dụng hệ thống điệp viên ở Mỹ rồi sau sử dụng ở Đức, nhưng kết quả không đáng kể. Trong nhiệm vụ của Kheifets và Zarubin là vô hiệu hoá hoạt động chống Liên Xô của bạch vệ lưu vong ở Mỹ như cựu thủ tướng chính phủ lâm thời Kerenxky, thủ lĩnh đảng Eser Trernov bị Lenin trục xuất khỏi Nga năm 1922.
Nhưng mọi điều đó trở thành thứ yếu, khi Kheifets và cán bộ tác chiến Xemenov báo về, rằng chính quyền Mỹ dự định kéo các nhà bác học vĩ đại, trong đó kể cả những người được giải Nobel, để soạn thảo một vấn đề đặc biệt bí mật và chính phủ dành 20% tổng chi phí nghiên cứu kỹ thuật- quân sự cho mục đích này.
Đến tháng 2- 1942 tôi giữ chức phó cục trưởng Cục tình báo đối ngoại và nhớ thông báo này. Nó chứa nội dung vô cùng quan trọng làm thay đổi quan niệm bảo thủ của chúng ta đối với vấn đề nguyên tử.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Kheifets và Oppengeimer diễn ra vào tháng 12- 1941 ở San Francisco tại hội nghị quyên góp giúp đỡ những người tị nạn và cựu binh cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Kheifets tham dự cuộc họp này với tư cách phó lãnh sự quán Liên Xô. Ông nói tốt tiếng Anh, Đức và Pháp và là một nhân cách xuất chúng. Từ những năm 30, vốn là phó nhóm trưởng tại Italia, ông đã nhận ra và bắt đầu việc tuyển dụng bước đầu Fermi và học trò của ông ta là Pontekorvo là những người có các quan điểm chống phát xít và có thể trở thành nguồn của thông tin khoa học- kỹ thuật.
Tôi gặp Kheifets vào những năm 30 và lập tức sức quyến rũ và tính chuyên nghiệp của một nhà tình báo đã chinh phục tôi. Một thời gian Kheifets làm thư ký của Krupxkaia.
Kheifets quay vòng trong các giới khác nhau ở San Francisco, được sự kính trọng của những người cộng sản và phái tả (họ gọi ông là “ngài Braun”). Kheifets kể với tôi là đã hai lần gặp Oppengeimer và vợ ông ta. Đến thời gian ấy Kheifets đã nghe thấy tin đồn về công việc chế tạo một loại siêu vũ khí, nhưng Moskva vẫn đang ngờ vực ở tầm quan trọng và không thể trì hoãn của vấn đề nguyên tử.
Chính lúc ấy Kheifets đã báo rằng Oppengeimer có nhắc đến bức thư mật của Albert Einstein gửi tống thống Roosevelt năm 1939 trong đó lưu ý ông ta tới sự cấp thiết nghiên cứu để chế tạo loại vũ khí mới chống chủ nghĩa phát xít.
Nhà chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm Kheifets biết rất tốt cách làm thân với Oppengeimer. Không phải là trả tiền, đe dọa hoặc tống tiền bằng cách bôi nhọ thanh danh. Nhờ vẻ quyến rũ riêng ông thiết lập quan hệ tin cậy với Oppengeimer thông qua em trai của ông ta là Frank khi nói chuyện nhân sự tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản và hiểm hoạ chủ nghĩa phát xít đang treo trên đầu thế giới.
Trong nghĩa chính xác Oppengeimer, Fermi và Stsilard chưa bao giờ là điệp viên của ta. Cả Kvaxnikov lãnh đạo tình báo khoa học- kỹ thuật Liên Xô những năm 1947 - 1960 cũng khẳng định điều đó: “Các bác học làm việc với tình báo ta, không thể gọi là điệp viên”.
Thông tin của Kheifets có tính chất cực kỳ quan trọng. Trung tâm giao cho Xemenov (mật danh Tven) kiểm tra tin tức nhận được từ Kheifets. Xemenov phải làm rõ các nhà bác học- chuyên gia chủ chốt được lôi kéo làm việc với đề án siêu bí mật, và xác định vai trò cụ thể của từng người.
Xemenov vào cơ quan an ninh năm 1937. Anh là một trong số ít người có học vấn đại học kỹ thuật, và anh được phái đi học ở Mỹ, tại trường đại học công nghệ Massachusetts, để trong tương lai sử dụng theo hướng tình báo khoa học- kỹ thuật. Chính Xemenov và trợ lý của anh đã thiết lập được các tiếp xúc vững chắc với những nhà vật lý gần gũi với Oppengeimer ở Los Alamos những năm 20 - 30 đã làm việc tại Liên Xô và có liên hệ với kiều dân Nga chống phát xít ở Mỹ. Kênh thông tin chính về bom nguyên tử đã bắt đầu hoạt động đều đặn như thế. Đó là Xemenov lôi cuốn vợ chồng Koen cộng tác, thực hiện vai trò người đưa tin; năm 1945 Lona Koen chuyển cho chúng ta những tài liệu khoa học quan trọng bậc nhất về cấu trúc bom nguyên tử.
Xemenov xác định ai trong số bác học nổi tiếng tham gia vào cái gọi là đề án Manhattan về chế tạo bom nguyên tử, và mùa xuân 1942, độc lập với Kheifets, báo rằng không chỉ các bác học, mà chính phủ Mỹ quan tâm nghiêm túc đến vấn đề này. Xemenov cũng báo rằng tham gia đề án có chuyên gia nổi tiếng về chất nổ Kixtiakovxky, người Ucraina.
Chúng tôi cho ngay chỉ thị sử dụng mạng điệp viên để tiếp xúc với Kixtiakovxky, nhưng các điệp viên quan trọng của ta ở Mỹ - Iakhontov tướng quân đội Sa hoàng, di tản sang Mỹ sau nội chiến, lấy chị gái của vợ bộ trưởng an ninh quốc gia Liên Xô Merkulov; và Xergei Kurnakov, cựu binh của các chiến dịch GPU về di tản ở Mỹ, đã không thể lôi kéo được Kixtiakovxky.
Một thời gian Xemenov có liên hệ với vợ chồng Ulius và Etel Rozenberg được Ovakimian lôi kéo hợp tác với tình báo ta từ những năm 30. Thông tin khoa học- kỹ thuật của Rozenberg không có ý nghĩa - họ và những người họ hàng là bảo hiểm từ xa với các chiến dịch chủ yếu. Sau đó vụ bắt giữ và xét xử đối với họ đã gây sự chú ý của toàn thế giới.
Có lẽ Xemenov có vai trò chủ chốt trong sự thành lập kênh thông tin tình báo về bom nguyên tử mà qua đó những năm 1941- 1945 chúng ta nhận được, như Terletsky viết trong hồi ký, các tổng kết bí mật, cũng như tài liệu Anh với sự mô tả các cuộc thử nghiệm chính về xác định thông số các phản ứng hạt nhân, lò phản ứng, các loại lò uran, các ghi chép việc thử bom uran và v.v...
Tháng 3- 1942 Maklin trao cho chúng ta các tài liệu về sự tăng cường đối với vấn đề nguyên tử ở Anh. Cùng năm này tình báo quân đội lôi kéo được Fuchs cộng tác.
Có sự cảnh báo của Flerov về các công việc liên quan đến bom nguyên tử, các tín hiệu cho thấy mối quan tâm của người Đức đối với vấn đề nguyên tử từ nhóm bí mật của NKVD ở Kharkov bị chiếm đóng.
Nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở nước ta. Ngày 5- 1- 1942 Stalin nhận được thư của nhà vật lý trẻ, chuyên gia về các phản ứng hạt nhân, viện sĩ tương lai Flerov, người đã chú ý đến sự vắng mặt đáng ngờ trên báo chí nước ngoài từ năm 1940 các công bố khoa học mở về vấn đề uran, mà theo anh, điều đó chứng tỏ sự bắt đầu công việc chế tạo vũ khí nguyên tử ở Đức và các nước khác. Flerov cảnh báo rằng người Đức có thể là những người đầu tiên chế tạo được bom nguyên tử.
Bức thư đến trùng với thông tin của điệp viên từ Kharkov. Chúng tôi được báo Houtermans từng cư trú chính trị ở Liên Xô vào thời Kharkov bị chiếm đóng thực tế đã trở thành một trong những lãnh đạo trường đại học vật lý kỹ thuật Ucraina. Trong các báo cáo của điệp viên, Houtermans đến Kharkov trong “quân phục SS”.
Được phép của lãnh đạo tôi báo ngay với Kapitsa về sự xuất hiện của Houtermans ở Kharkov và Kiev trong phái đoàn quân sự Đức để tổ chức lại thiết bị khoa học. Kapitsa cho thông báo đó có một ý nghĩa quan trọng, chỉ ra rằng điều đó khẳng định sự phát triển công việc chế tạo bom nguyên tử ở Đức.
Và tôi (lúc đó tôi chuyên trách tổ chức phong trào du kích và thu thập thông tin tình báo về Đức và Nhật Bản) được giao làm sáng tỏ tất cả về các nghiên cứu nguyên tử ớ Đức.
Thông tin từ mạng tình báo nhận được trong giới công nghiệp Thuỵ Điển là mâu thuẫn. Thông tin về bom nguyên tử đến từ Mỹ và Anh là trùng hợp. Nó được khẳng định khi chúng tôi nhận được thông báo về khả năng chế tạo bom nguyên tử từ lời nhà bác học nguyên tử nổi tiếng Elizabeth Meither. Meither ở trong tầm ngắm của tình báo ta kể từ năm 1938 khi bà có khả năng đến Liên Xô để làm việc. Sau bà phải chạy khỏi nước Đức phát xít sang Thuỵ Điển nơi Nils Bor đã giúp bà thu xếp công việc tại Viện vật lý. Các điệp viên nữ nối kết với Meither chỉ dẫn Zoia Rưbkina, nhóm trưởng tình báo NKVD tại Stokholm, chỉ dẫn theo chỉ thị của Beria.
Tháng 3- 1942 Beria gửi cho Stalin toàn bộ thông tin đến từ Mỹ, Anh, Scandinavia và Kharkov bị chiếm đóng. Trong thư ông chỉ ra rằng ở Mỹ và Anh đang tiến hành các công việc khoa học về chế tạo vũ khí nguyên tử.
Đến đầu năm 1943 ở ta chưa tiến hành những công việc thực tế trong lĩnh vực chế tạo bom nguyên tử. Còn trước sự tấn công của Đức uỷ ban quốc gia về các nghiên cứu công nghiệp quân sự đã từ chối đề nghị của các nhà vật lý nguyên tử của Viện nghiên cứu vật lý- kỹ thuật ở Kharkov và nhà bác học Đức di tản Lange chế tạo thiết bị nổ siêu mạnh. Đề nghị được gửi tới phòng sáng chế Bộ Quốc phòng nhưng người ta cho là nó là quá sớm và đã không ủng hộ.
Tháng 3- 1942 Beria đề nghị Stalin thành lập nhóm cố vấn khoa học gồm những bác học tên tuổi và các cán bộ có trách nhiệm để điều phối công việc về nghiên cứu năng lượng nguyên tử trực thuộc uỷ ban quốc phòng. Ông cũng đề nghị Stalin cho phép giới thiệu thông tin về vấn đề nguyên tử nhận được qua mạng tình báo với các bác học nổi tiếng để có sự đánh giá. Stalin đồng ý và yêu cầu để một số nhà bác học nổi tiếng đưa ra kết luận về vấn đề này.
Phát biểu về vấn đề chế tạo bom nguyên tử trong tương lại gần, là viện sĩ Ioffe và học trò của ông là Kurtratov những người được làm quen với các tài liệu tình báo, và viện sĩ Kapitsa (ông được thông báo miệng về việc chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ, Anh và Đức).
Người ta mời Ioffe tham gia nghiên cứu năng lượng nguyên tử theo lời khuyên của viện sĩ Vernadxky. Tiếp theo Ioffe đã đóng vai trò đáng kể trong sự xoa dịu các mâu thuẫn giữa các bác học trường đại học Tổng hợp Moskva và Viện hàn lâm, và ông là một trong những người có sáng kiến thành lập ngay sau chiến tranh ba trung tâm nghiên cứu nguyên tử chủ yếu.
Kapitsa cho rằng chế tạo bom nguyên tử là thách thức cho vật lý hiện đại, và sự giải quyết nó chỉ có thể bằng nỗ lực chung của các nhà bác học chúng ta và các nhà bác học Mỹ và Anh, nơi đang tiến hành các nghiên cứu nền tảng về năng lượng nguyên tử.
Tôi nghe kể rằng tháng 10- 1942 tại biệt thự của mình Stalin chỉ tiếp Vernadxky và Ioffe. Vernadxky khi viện dẫn thoả thuận không chính thức của các nhà vật lý lớn nhất thế giới về công việc hợp tác, đã đề nghị Stalin nhờ Nils Bor và các nhà bác học khác đã di tản sang Mỹ, cũng như các chính phủ Mỹ và Anh chia xẻ với chúng ta thông tin và cùng nhau tiến hành công việc về năng lượng nguyên tử. Đáp lại Stalin nói rằng thật là ngây thơ về chính trị nếu họ nghĩ rằng các chính phủ phương Tây cho chúng ta thông tin về thứ vũ khí mà trong tương lai sẽ cho khả năng thống trị thế giới. Thế nhưng Stalin đồng ý rằng cách tiếp cận thăm dò không chính thức tới các chuyên gia phương Tây nhân danh các bác học chúng ta có thể là có lợi.
Sau cuộc gặp gỡ đó, nhưng muộn hơn, Vannikov, bộ trưởng quân khí, một trong những nhà lãnh đạo chương trình nguyên tử, kể với tôi, lần đầu tiên giới lãnh đạo đất nước hoàn toàn tin chắc vào khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử, và Stalin bị quyến rũ bởi tiềm năng công phá mãnh liệt của bom nguyên tử đến nỗi vào cuối tháng 10- 1942 đã đề nghị đặt mật danh cho kế hoạch tấn công của chúng ta ở Stalingrad là chiến dịch “Uran”. Stalin lệnh cho Pervukhin bộ trưởng công nghiệp hoá chất giúp đỡ tích cực nhất các bác học trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
@by txiuqw4