Thái thú Võ lăng là Kiêm Tuyền nghe Trương Phi tới liền điểm ba quân, mang theo các tướng xuất thành đối địch.
Cùng Chi vội can:
- Lưu Bị là Hoàng thúc, Trương Phi là hổ tướng, tới đây thì ta nên hàng là hơn.
Kiêm Tuyền nạt Cùng Chi lui ra rồi kéo quân xuất trận.
Trương Phi hét lớn:
-Có ta là Trương Phi, sao không xuống ngựa đầu hàng.
Quân sĩ nghe hét run lặp cặp.
Kiêm Tuyền thất kinh quay đầu chạy về thành.
Lập tức trên thành tên bắn xuống như mưa, Cùng Chi từ trên mặt thành nói lớn:
- Ngươi trái mệnh trời nên mới không nghe ta.
Lúc đó Kiêm Tuyền đã bị mấy mũi tên té xuống ngựa thác.
Cùng Chi đón Trương Phi vào thành.
Trương Phi liền sai báo tin cho Huyền Ðức.
Huyền Ðức và Khổng Minh cả mừng phong cho Cùng Chi làm Thái Thú.
Còn Trường Sa, Vân Trường xin đi lấy.
Khổng Minh nói:
- Tướng quân phải đem nhiêu quân theo mới được, vì ở Trường Sa có lão tướng Huỳnh Trung nỗi danh thao lược, tướng quân phải cẩn thận mới được.
Vân Trường không nghe lời Khổng Minh, chỉ đem theo vài trăm quân kỵ tiến thẳng tới Trường Sa.
Khổng Minh bèn mời Huyền Ðức dẫn quân theo tiếp ứng Vân Trường.
Thái Thú Trường Sa là Hàng Huyên vốn nóng tánh, hay chém giết đánh đập nên lòng người không phục, nghe Vân Trường tới đánh, liền kêu Huỳnh Trung vào thương nghị.
Huỳnh Trung nói:
- Chúa công chớ lo, một cây đao và cây cung của tôi cũng đủ lui ngàn tên tướng giặc.
Lúc đó lại có Dương Lịnh đứng lên thưa:
- Khỏi phải phiền tới lão tướng, xin cho tôi ra lấy đầu tướng giặc mang về.
Hàng Huyên liền cấp cho ba ngàn quân ra đánh.
Hai bên sáp trận, mới được vài hiệp, Dương Lịnh đã bị một nhát Thanh Long đao té xuống ngựa thác.
Huỳnh Trung lập tức xông ra.
Vân Trường ngước nhìn thấy một lão tướng, đoán là Huỳnh Trung, bèn hỏi:
-Ngươi có phải là Huỳnh Trung không?
Huỳnh Trung đáp:
- Ðã biết danh ta, sao còn chống cự?
Vân Trường liền xông vào đánh, đánh dư trăm hiệp, bất phân thắng bại, hai bên bèn thâu quân về.
Ðêm đó, Vân Trường không ngủ được, nghĩ thầm:
- Huỳnh Trung dũng lược lắm, ta phải dùng kế chém trái mới xong!
Hôm sau, hai bên lại cùng nhau ra đối địch.
Lại đánh hơn trăm hiệp, không phân thắng bại, Vân Trường liền chém một đao rồi chạy, Huỳnh Trung giục ngựa đuổi theo, Vân Trường sắp sửa vung đao chém trái, bỗng dưng con ngựa Huỳnh Trung quỵ
chân ném chủ xuống đất.
Vân Trường ngưng tay lại nói:
- Tha cho ngươi, mau về lấy ngựa khác ra đánh nữa.
Huỳnh Trung liền đứng dậy chạy tuốt về thành.
Hàng Huyên thấy Vân Trường võ dõng lắm, đâm lo.
Huỳnh Trung nói:
- Mai tôi ra trận lại.
Ðêm đó Huỳnh Trung không ngủ được, nghĩ ngày mai phải dùng tên thì mới hạ được Vân Trường.
Song lại tự nghĩ: Vân Trường là người nghĩa khí như vậy, tha cho ta bữa qua, ta làm sao ám hại cho đành?
Hôm sau hai bên lại ra giao chiến, đánh vùi một hồi, Huỳnh Trung bỏ chạy, Vân Trường thừa thế rượt theo, Huỳnh Trung không nỡ bắn nên chỉ bắn dây không. Vân Trường né, không thấy tên đâu cả, cho là
Huỳnh Trung bắn kém liền rượt nữa. Lần này Huỳnh Trung lấy tên thật, nhưng nhắm vào giải mũ Vân Trường mà bắn.
Vân Trường bị tên trúng giữa giải mũ, thất kinh nghĩ rằng:
- Lão tướng là tay thiện xạ nhưng cố ý trả ơn ta đây.
Hàng Huyên thấy Huỳnh Trung đánh mấy ngày không xong, bắn tên cũng không ăn thua gì thì nỗi giận thét quân sĩ lôi Huỳnh Trung ra chém.
Bỗng có một người vội nói:
- Chớ có chém, nhìn ra là Ngụy Diên (Ngụy Diên không gặp Huyền Ðức nên phải tạm theo Hàng Huyên)
Rồi bất ngờ Ngụy Diên chém Hàng Huyên một đao, đầu rơi xuống đất.
Ðược tin Hàng Huyên chết, bá tánh cả mừng, Ngụy Diên liền cho mở cửa thành rước Vân Trường vào đầu hàng Huyền Ðức.
Huyền Ðức và Khổng Minh tới nơi. Vân Trường đem chuyện Huỳnh Trung ra kễ.
Huyền Ðức liền đích thân tới nhà hỏi han, lúc đó Huỳnh Trung mới chịu đầu phục.
Vân Trường lại đưa Ngụy Diên ra mắt Huyền Ðức.
Khổng Minh liền hét đao phủ đem Ngụy Diên đi chém, Huyền Ðức cả kinh ngăn lại.
Khổng Minh nói:
- Cái xương cốt sau ót người này cho biết là nó phò chúa rồi lại phản chúa, chớ để có hại.
Huyền Ðức nói:
- Quân sư làm vậy còn ai theo về với ta nữa.
Khổng Minh đành phải tha cho Ngụy Diên.
Huỳnh Trung tiến cử cháu Lưu Biểu là Lưu Bàng hiện ở trong quận, Huyền Ðức bèn phong cho Bàng làm Trường Sa thái thú.
Vỗ về bá tánh xong. Huyền Ðức mang quân về Kinh Châu.
Nói về Châu Du ở Sài Tang dưỡng bệnh, sai Cam Ninh giữ Ba Lăng, Lăng Thống giữ Hán Dương, lại cho chuẩn bị chiến thuyền đầy đủ, còn bao nhiêu tướng sĩ khiến Trình Phổ điều động qua Hiệp Phì.
Tôn Quyền từ khi thắng trận Xích Bích, đánh Hiệp phì đã lâu song bất phân thắng bại. Ngày kia nghe Trình Phổ tới tiếp ứng, mừng lắm cho khao thưởng ba quân. Lại có tin Lỗ Túc tới.
Tôn Quyền đích thân mang quân ra nghênh tiếp, ai ai cũng lấy làm lạ và khen Tôn Quyền trọng đãi hiền sĩ.
Tôn Quyền hỏi nhỏ Lỗ Túc:
- Khanh có hả dạ không?
Lỗ Túc thưa:
- Chưa, chỉ khi nào chúa công được cả thiên hạ, đội ân đức gồm thâu, chín châu, dựng xong đế nghiệp, cho tên tôi cũng được ghi vào thanh sử thì lúc đó tôi mới hả dạ!
Chúa tôi đắc chí cùng cười lớn, vào ăn uống vui vẻ, bàn chuyện đánh Hiệp Phì.
Xảy có quân báo:
- Trương Liêu sai người tới hạ chiến thư, Tôn Quyền nói lớn:
- Thế này thì nó khinh ta quá. Ðoạn truyền cho quân sĩ ăn uống no nê, chờ sang canh năm thì tất cả phải chuẩn bị. Tới giờ thìn, binh mã đã chỉnh tề giàn trận, Tôn Quyền đầu đội kim khôi, mình mang kim giáp, cầm thương lên ngựa, bên hữu có Tống Khiêm; bên tả có Giả Huê hộ vệ.
Bên Tào cũng nổi hiệu lịnh, Trương Liêu tiến ra trước trận, hai bên có Lý Ðiển và Nhạc Tiến.
Trương Liêu toan tiến đến đánh Tôn Quyền thì Thái Sử Từ ra chặn lại, hai bên đánh dư trăm hiệp không
phân hơn thua.
Nhạc Tiến, Lý Ðiển nói với nhau:
- Ðứng giữa mặc kim giáp là Tôn Quyền, cố bắt cho được y mà rửa hận. Nói rồi cùng xông lại thì bị Tống Khiêm, Giả Huê chặn đánh.
Tống Khiêm đánh vùi với Nhạc Tiến, bên đao bên kích đều gẫy cả.
Hai bên cầm cán mà đánh.
Tống Khiêm giựt được cây thương của một tên quân rượt theo liền.
Nhạc Tiến trông thay bắn một phát tên, Tống Khiêm té nhào xuống ngựa.
Thái Sử Từ nghe có người té ngựa liền chạy lại, Trương Liêu thừa thế cho quân đuổi theo gần bắt kịp Tôn Quyền thì Trình Phổ ra tới kịp bảo vệ cho Tôn Quyền, Trương Liêu bèn rút về Hiệp Phì.
Về trại, Tôn Quyền cứ khóc mãi về cái chết của Tống Khiêm.
Quan Trưởng sử khuyên rằng:
- Tống Khiêm chết là vẹn với tổ quốc, duy có chúa công cậy mạnh khinh địch, đích thân ra trận; việc đó không phải là việc của chúa công, cho nên chúa công đã gây cái chết cho Tống Khiêm. Từ nay xin chúa công phải tự bảo trọng mới được.
Tôn Quyền nói:
- Tự hậu, ta xin chừa tội khinh suất này.
Thái Sử Từ vào thưa:
- Trong thủ hạ tôi có tên Qua Ðịnh, anh em với tên giữ ngựa cho Trương Liêu, đêm nay tên giữ ngựa sẽ đốt lửa làm hiệu, tôi sẽ đi cướp trại, có bọn chúng làm nội ứng.
Gia Cát Cẩn khuyên nên cẩn thận, chớ cả tin.
Còn Tôn Quyền nôn nóng báo thù cho Tống Khiêm bèn cấp quân ngay cho Thái Sử Từ.
Nói về Qua Ðịnh và tên giữ ngựa quả có toa rập với nhau để giết Trương Liêu nên đem việc trình với Thái Sử Từ rồi chờ tiến hành mọi việc,
Còn Trương Liêu vốn đa mưu, tuy vừa thắng ban ngày, nhưng đêm đó truyền cho quân không được cởi giáp, lo đề phòng giặc cướp trại.
Ðêm vừa khuya, bỗng hậu trại có lửa cháy và tiếng la phản vang dội.
Trương Liêu ra lệnh không ai được chạy, hễ ai lộn xộn là chém. Rồi nói:
-Không lẽ nào toàn quân làm phản, phải có kẽ chủ mưu, ráng tìm cho ra.
Phút chốc quả nhiên Lý Ðiển bắt được Qua Ðịnh và tên giữ ngựa bị bắt quả tang đang đốt lửa.
Trương Liêu lại nói:
- Nó đốt lửa làm hiệu để binh Ngô cướp trại đó.
Nói rồi cho mở cửa thành, phục binh tứ phía.
Bên ngoài Thái Sử Từ tưởng bọn nội ứng bên trong đã thành công nên xông vào trước.
Nào ngờ pháo nổ liên hồi, tên bắn như mưa, Thái Sử Từ bị trúng mấy phát tên trên lưng may có Lục Tốn và Ðổng Tập kéo binh tới cứu mang về.
Trương Chiêu khuyên Tôn Quyền nên tạm bãi binh. Tôn Quyền nghe theo rút về Nhuận Châu. Tới nơi thì Thái Sử Từ trở bệnh nặng.
Trương Chiêu và các quan tới thăm.
Thái Sử Từ than thở:
- Làm trai sanh phải thời loạn, chí chưa toại, chưa thành, tại sao mệnh lại ngắn như vậy!
Than rồi mất, tính ra Thái Sử Từ được bốn mươi hai tuổi.
Tôn Quyền hay tin vật mình thương tiếc, cho mang xác lên tận núi Cốc Sơn mai táng. Lại đem con Thái Sử Từ là Thái Tử Hoàng làm con nuôi.
Huyền Ðức và Khổng Minh đang ở Kinh Châu, hay tin Tôn Quyền thua ở Hiệp Phì, Thái Sử Từ đã chết. Cùng lúc lại có tin dữ:
- Công tử Lưu Kỳ đã thác.
Huyền Ðức thương cảm lắm hỏi Khổng Minh:
- Bây giờ cử ai tới lo việc chôn cất?
Khổng Minh đáp nên nhờ Vân Trường.
Vân Trường đi rồi Huyền Ðức lại hỏi Khổng Minh:
- Ðông Ngô bây giờ sai người tới đòi Kinh Châu thì làm sao?
Khổng Minh đáp:
- Xin chúa công cứ để tôi đối đáp, đừng lo.
Quả nhiên vài hôm có quân báo:
- Ðông Ngô cử Lỗ Túc qua điếu tang, đang đứng chờ ngoài thành.
@by txiuqw4