sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

06. Chưa chết hồn đã khóc - Phần 01

Chưa chết hồn đã khóc

Trong Thông u lục do Trần Thiệu người đời Đường viết, có một câu chuyện kể về Trịnh Thị, vợ của Phòng Trắc huyện úy[53] huyện Thanh Hà. Khi ấy, trong thôn có bà lão đến thăm nhà sư ở một ngôi chùa, trên đường đi qua một nơi hoang dã, thấy người phụ nữ xinh đẹp mặc áo trắng đi giữa đám cỏ cây um tùm, khóc lóc rất thê lương. Dần dần người phụ nữ ấy đi đến một gò đất nhỏ, ôm lấy gò đất hoang đó mà khóc, sau đó quỳ xuống, dường như đang làm gì ở đó. Bà lão thấy lạ, liền đến gần để hỏi thăm, đang nhanh chóng đi về phía đó thì người phụ nữ ấy lập tức đứng dậy, chạy ra xa để tránh. Bà lão đành quay đầu bỏ đi, nhưng khi ngoảnh lại nhìn, người phụ nữ đã quay về chỗ cũ. Cứ như thế mấy lần, bà lão đoán có lẽ không phải người sống, liền vội vàng bỏ đi. Hơn một tháng sau, vợ Phòng Trắc là Trịnh Thị chết vì bạo bệnh, linh cữu được chôn trên gò đất hoang ấy. Mà dung mạo và quần áo khi chị ta chết giống hệt người phụ nữ mà bà lão đã nhìn thấy.

[53] Huyện úy: một chức quan, dưới huyện lệnh.

Trịnh Thị lâm bạo bệnh mà chết, chứ không phải là bệnh tật triền miên lâu năm, nhưng sinh hồn của chị ta lại thoát khỏi thể xác trước khi chị ta lâm bệnh. Hơn nữa, sinh hồn này còn biết trước được rằng mình sẽ chết và nơi mình sẽ được chôn, đến nơi đó trước để viếng chính mình. Điều kỳ lạ là, nhận thức của linh hồn lại không cho bản thân Trịnh Thị biết, hoàn toàn là hành vi độc lập của linh hồn, thậm chí cũng không báo mộng cho Trịnh Thị.

Quan niệm này dường như thấy rất nhiều ở đời Đường. Trong Triều dã thiêm tái[54] do Trương Trạc viết xuất hiện sớm hơn cả Thông u lục, viết về thời của Võ Tắc Thiên, quan lang trung địa phương Châu Tử Cung mắc bạo bệnh chết, đến âm gian, bị đưa vào một đại điện mà “đại đế ngồi trên điện, Bối Tử Nghi đứng hầu ở bên”. Đại đế chính là chồng của hoàng đế Tắc Thiên, là Đường Cao Tông Lý Trị đã qua đời, còn Bối Tử Nghi chính là phán quan Tịnh Châu[55] đương nhiệm. Cao Tông nói: “Người ta cần là Hứa Tử Nho, sao lại bắt Châu Tử Cung đến? Mau thả ông ta về đi!” Như thế Châu Tử Cung được trả về dương gian. Khi ấy, Hứa Tử Nho đang làm thiên quan đãi lang, tối hôm ấy đột nhiên chết, chắc chắn bị gọi đến chỗ của đại đế. Võ Tắc Thiên nghe nói tới chuyện này, thậm chí còn cảm thấy kỳ lạ, liền sai người về Tịnh Châu, xem xem có phải Bối Tử Nghi đã chết từ lâu rồi không. Không ngờ sứ giả quay về báo cáo, nói rằng Bối Tử Nghi còn đang sống rất khỏe mạnh! Đương nhiên, sau đó Bối Tử Nghi vẫn phải chết, nhưng trước khi ông ta chết, linh hồn đã đến âm phủ để hầu hạ chủ cũ rồi. Vậy thì người đang ở Tịnh Châu kia sao có thể “toàn hồn” vì nhân dân phục vụ đây! E rằng không thể dùng thuyết ba hồn bảy phách để nói quấy quá, bởi vì không thể nói có mấy hồn là có thể hầu hạ mấy chủ nhân được.

[54] Là một tập bút ký, tiểu thuyết đời Đường, ghi chép những chuyện xảy ra trong triều đình, đặc biệt là chuyện triều chính của Võ Hậu (Võ Tắc Thiên).

[55] Tịnh Châu là tên gọi ngày xưa của chín châu. Tịnh (hay tính) còn có nghĩa là gộp, ghép, nhập. Tương truyền khi vua Vũ (đời nhà Hạ) trị hồng thủy, đã chia vùng đó ra làm chín châu.

Việc này có xung đột lớn với quan niệm hồn khí thể phách, nhưng lại được nhân gian chứng nhận, nên không ai nghi ngờ tính khả năng của tình tiết trên. Và những câu chuyện có nội dung tương tự như thế xuất hiện rất nhiều ở các đời sau, nhưng đa phần là cảnh cáo về tai nạn hoặc chuyện gì đó. Trong đó điển hình nhất là truyện Tân Công Bình Thượng Tiên trong Tục huyền quái lục do Lý Phục Ngôn viết. Câu chuyện truyền kỳ này bắt đầu từ việc Trần Dần Khác[56] chú ý đến những lời bóng gió xa xôi về lịch sử thâm cung, sau đó được Chương Sĩ Chiêu và Biện Hiếu Huyên nghiên cứu, chân tướng đại khái cũng được hé lộ, ám chỉ việc Đường Thuận Tông lên ngôi chưa được một năm không phải bị bệnh chết mà là bị ám sát. Câu chuyện rất dài và cũng ngoắt ngoéo, trắc trở, ly kỳ, được giao cho Mai Lý Mỹ, một cây bút lớn, đủ để viết thành một tác phẩm nổi tiếng. Người bị ám sát rốt cuộc là Hiến Tông hay Thuận Tông, Thuận Tông trong lịch sử có phải bị ám sát mà chết hay không, không liên quan đến vấn đề này, ở đây chỉ muốn chỉ ra rằng, cho dù câu chuyện đó ám chỉ vị hoàng đế nào bị đầu độc, đều đã ở một nơi khác, hay nói cách khác là ở một “không gian đa chiều” khác “dự đoán” về huyết án giết vua, nhưng âm mưu giết vua này không tiện “diễn tập”, nên màn “dự đoán” về cái chết của vua này đã thật sự “xảy ra”. Nhưng khi hoàng đế ở đó bị giết rồi thì hoàng đế thân ở dương thế vẫn sống, thậm chí hoàn toàn không biết đến vai diễn của mình ở không gian đa chiều kia. (Những tình tiết cụ thể của câu chuyện này chúng ta sẽ nói trong phần sau: “Bắt hồn trên đường mòn rừng núi”.)

[56] Trần Dần Khác (1890-1969): nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc.

Quyển ba trong tập Bắc mộng tỏa ngôn của Tôn Quang Hiến sống ở thời Ngũ Đại[57], có ghi lại cuộc đời của Mã Hy Thanh - đế vương nước Sở, một trong mười nước thời bấy giờ, trước khi vị hôn quân tàn bạo đoản mệnh này chết, đại tướng Chu Đạt từ Nam Nhạc Hành Sơn trở về, chưa đến Trường Sa thì “thấy đám mây mù trên sông ôm Hy Thanh đi”. Mặc dù ông ta không nhìn thấy ma quỷ gì, nhưng biết rằng linh hồn của Sở Vương đã bị bắt đi rồi. Nhưng ông ta “im lặng không dám nói”. Tại sao lại thế? Bởi vì lúc này Mã Hy Thanh vẫn đang sống rất mạnh khỏe. Nhưng đến tối, nghe nói chỉ thấy “có một vật gì đó đen sì đột nhập vào điện”, sau đó Mã Hy Thanh băng hà. Mã Hy Thanh mới lên kế vị được hai năm thì đột ngột qua đời, trong chính sử không ghi lại bất kỳ điều gì, nguyên nhân cái chết lại đáng ngờ, vì vậy, trong Bắc mộng tỏa ngôn đã ghi lại những lời bóng gió thời đó, cái chết của Sở Vương nghe nói là do trượt chân trên thềm mà ngã, đầu đập vào vật cứng, nứt toác, gần như là bị thần vật đánh chết, thực ra muốn ám chỉ rằng Sở Vương bị mưu sát. Đây chính là trường hợp trước khi chết một ngày, linh hồn đã bị bắt đi.

[57] Ngũ Đại: tức Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Năm triều đại này kế tiếp nhau nắm chính quyền ở Trung Nguyên, Trung Quốc từ năm 907-960.

Cùng trong quyển đó có ghi chép về cái chết của thế tử Tần Vương - Lý Tùng Vinh xảy ra muộn vài năm sau thời Đường Minh Tông, linh hồn của người này đã bị bắt đi trước mười hôm. Năm đó, có một vị hòa thượng tinh thông chữ thảo là Văn Anh Đại Sư Ngạn Tiêu, những năm trước khi ở Lạc Dương được Tần Vương hậu đãi, sau đó ông ta từ Nam Thiên chuyển đến Giang Lăng, tu tại chùa Tằng Khẩu. Hôm ấy, ông ta hoảng hốt khi thấy Tần Vương mang theo hơn hai mươi tên lính tới thăm. Ngạn Tiêu liền hỏi: “Đại vương sao lại đến đây?”, nhưng Tần Vương không trả lời, sau đó đột nhiên biến mất như làn khói giữa đám binh lính. Ngạn Tiêu cảm thấy chuyện này thật không bình thường, liền sai người dò la tin tức ở Lạc Dương, quả nhiên, vài ngày sau Tần Vương bị giết trong nội loạn.

Tương tự như chuyện của Lý Tùng Vinh nhưng lại ly kỳ hơn là chuyện về Trương Trấn ở những năm đầu thời Nam Tống. Chuyện này có thể đọc trong Trương Trấn Phủ Cán ở quyển Di kiên chi giáp. Trương Trấn là người có xuất thân hiển hách, tổ tiên Trương Đảo làm tể tướng đương triều, cha Trương Duyên đã từng làm quan ở Thông Châu, giờ đang ở quê Đức Hưng, Giang Tây, còn bản thân anh ta cũng đang làm quan ở ty An Phủ, Triều Bắc. Mùa đông năm Thiệu Hưng thứ bốn, Trương Trấn lâm bạo bệnh rồi chết, trước khi chết không có bất kỳ triệu chứng hay dự cảm nào, vẫn đến nhiệm sở tiếp khách như thường, nhưng thực ra mười ngày trước đó, linh hồn của anh ta đã rời khỏi thể xác rồi. Ngày hôm ấy, Trương Trấn sai một tên lính[58] (chính là loại người bị mắng là “tặc phối quân” trong Thủy hử) mang một phong thư và một cái hòm vuông đan bằng trúc đến Đức Hưng. Tên lính này đi được nửa đường, cảm thấy đồ đang vác trên vai đột nhiên nặng hơn, sau đó càng ngày càng thêm nặng, đè xuống khiến hắn ta không thể đứng thẳng được, liền ném nó xuống đất, mắng rằng: “Cứ như bên trong đựng đầu người chết vậy, sao lại không thể vác được thế này?!”, nhưng đồ của trưởng quan không thể vứt đi, đành phải cõng nó đến Đức Hưng. Đến gia phủ nhà họ Trương, tên lính giao cái hòm cho cha của Trương Trấn là Trương Duyên, mở hòm ra trước mặt hắn ta, thì bên trong chỉ là phổi hươu mà thôi, không có vật gì khác. Nhưng tên lính vừa quay người đi ra, liền cảm thấy như có thứ gì đó gõ mạnh vào đầu mình một cái, trong không trung có tiếng nói: “Sao ngươi dám mắng ta trên đường đi!” Đúng là giọng nói của Trương Trấn. Tên lính vội vàng nói liên hồi: “Tiểu nhân không dám!”, rồi quay đầu chạy vào trong phủ, đến gặp bố mẹ của Trương Trấn, khóc lóc nói rằng: “Ngày chết đã định, không có gì phải hối hận. Trấn chưa có con trai, vợ mới cưới khó lòng ở vậy, sau khi cử hành tang lễ hãy để nàng được về nhà...” Đó chính là giọng nói của Trương Trấn. Hồn Trương Trấn mượn thân thể tên lính sắp xếp việc hậu sự của mình xong, tên lính bèn ngã vật xuống đất, phải nửa ngày sau mới tỉnh lại. Thì ra khi tên lính rời khỏi phủ của Trương Trấn ở Triều Bắc, hồn của Trương Trấn đã ẩn vào trong cái hòm. Linh hồn này đã đoán biết được cái chết của mình, nó liền rời khỏi thể xác, đi theo tên lính về quê, đó là ý chí của linh hồn hay “bản thân” Trương Trấn? Linh hồn này sau khi thăm bố mẹ xong có quay lại thể xác của mình hay không? Lẽ nào không cần tên lính cõng anh ta quay về sao? Tất cả những khúc mắc đó đều không có cách nào giải thích rõ ràng được. Ngoài ra, linh hồn này không những có trọng lượng mà còn ngày càng nặng hơn, đó cũng là một điều kỳ lạ.

[58] Những người bị quan phủ đóng ấn lên mặt.

Điều kỳ lạ nhất là trước một năm khi người đó chết, linh hồn của người đó đã đến nơi mình sẽ được chôn để khóc lóc, rất hợp với câu thơ của Tô Đông Pha: “Chưa chết hồn đã khóc.” Trương Soái Chính người đời Tống có ghi chép trong quyển bốn, Lục long đồ thuộc cuốn Quát dị chí rằng: “Năm Tống Yến Ninh thứ sáu, trong nội thành, binh lính đi tuần tra ban đêm thường “nghe thấy tiếng khóc rấm rứt vang lên, tìm khắp nơi, nhưng không thấy ai”. Đến năm thứ bảy, thứ tám, người chết đói đầy đường, tiếp theo đó là bệnh dịch, người chết không kể xiết, khiến vụ lúa thu không có người gặt hái. Lần “thiên tai” có ảnh hưởng rất lớn đến chính cục thời ấy, một lượng lớn người dân gặp nạn đều kéo về kinh sư, khiến Ảo Tướng Công[59] là người đưa ra “biến pháp” phải mất mặt, bất đắc dĩ từ chức. Trương Soái Chính cho rằng đây là “phách triệu chi tiên kiến”, phách triệu chính là dự đoán, vẫn là cách nói cũ trong Hồng Phạm ngũ hành của Nho học, nghĩa là chẳng có gì để nói.”

[59]Ảo Tướng Công ở đây chính là Vương An Thạch (1021-1086): một trong Đường Tống bát đại gia, tám tác giả thi ca nổi tiếng nhất Trung Quốc trong hơn sáu trăm năm, từ nhà Ðại Ðường đến Bắc Tống. Ông còn chủ trương cải cách Trung Quốc với những tư tưởng đi ngược trào lưu thịnh hành. Nhưng việc “biến pháp” của ông không cứu được sự suy sụp của nhà Tống, bản thân ông gặp một thất bại khác: Cuộc chiến với Ðại Việt năm 1075.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx