Những câu chuyện kiểu này tàn khốc mà khiến người cảm thấy kỳ quái nhất, phải kể đến câu chuyện trong quyển bảy của cuốn Động linh tục chí của Quách Tắc Vân: “Thành Bắc Kinh năm Canh Tí (năm 1900), bắt đầu từ mùa hè, đầu tiên là ồn ào chuyện Nghĩa hòa đoàn[60] sau đó là tám nước liên quân, cả hai vấn đề này đều khiến rất nhiều người chết. Nhưng ngay mùa xuân năm đó đã xảy ra rất nhiều chuyện kỳ lạ. Khi ấy đang có bão cát liên miên không dứt, có quan viên bộ sử là Vương Mỗ đi xe ngựa ra bên ngoài Tuyên Vũ Môn thì bị bạn bè kéo đi uống rượu đêm, đến tận canh bốn mới tan. Khi xe ngựa sắp đi đến cổng chợ, đột nhiên thấy thấp thoáng có ánh lửa, tiếng người xôn xao, dường như phía trước đang xảy ra chuyện gì rất lớn vậy. Khi xe đến gần, đột nhiên một cơn gió mạnh thốc tới, thổi tắt đèn trong xe, con ngựa kéo xe kinh hãi hí vang, phu xe bị hất ngã xuống đất. Vương Mỗ nhìn qua khe cửa xe, chỉ thấy rất nhiều bóng đen lởn vởn, không đếm được bao nhiêu, giống như chim trên trời, bay lượn vòng quanh, rất kỳ lạ. Cuối cùng có một người to lớn, thân cao hơn trượng, lướt qua xe mà đi, đám đông kỳ quái khi ấy cũng đi về hướng tây. Trong nháy mắt, mọi thứ lại yên tĩnh như cũ và cơn gió lớn kia cũng ngừng thổi. Vương Mỗ lay phu xe tỉnh dậy, cho xe chạy về nhà, trên đường đi phu xe kể lại những gì mà ông ta trông thấy, đều là những con ma mất tay mất chân, thủng lỗ chỗ trên người, nên sợ quá mà ngất xỉu. Cổng chợ là pháp trường xử tử tù, những người “đứt đầu thủng thân, cụt tay thiếu chân” kia chính là những hồn ma chết thảm trong vài tháng sau.
[60] Nghĩa hòa đoàn: đoàn thể chống đế quốc xâm lược của nhân dân miền Bắc Trung Quốc tự phát hồi cuối thế kỷ 19.
Câu chuyện này nghe thật kinh khủng, nhưng còn có những chuyện còn đáng sợ hơn. Trong truyệnThân Mỗ ở quyển hai trong Túy trà chí quái của Lý Khánh Thần, có kể về Thân Mỗ, người nước Yên làm người phò tá trong mạc phủ, một đêm cùng ba người bạn thân trong nha môn đánh bài, chơi xong, ai về phòng người nấy. Thân Mỗ về đến phòng của mình, thấy cửa đóng chặt, trong phòng lại có ánh đèn sáng rực. Ông ta cảm thấy kỳ lạ, liền nhìn vào phòng qua cửa sổ, thấy một vị phu nhân không có đầu, đầu đang đặt trên án sách, và hai tay bà ta đang chải tóc. Thân Mỗ sợ tới mức vội vàng quay lại nơi vừa chơi bài thì thấy ba người bạn đang ngồi chơi bài dưới ánh đèn. Thân Mỗ kể một mạch những gì mình vừa nhìn thấy, bảo họ cùng mình đi xem. Ba người kia cười nói: “Thế thì có gì mà lạ, chúng tôi cũng làm được như thế”, sau đó cả ba người cùng đặt tay lên đầu, ngắt đầu mình ra, đặt lên bàn. Thân Mỗ kinh hãi, hồn bay phách tán, chạy một mạch ra khỏi khỏi nha môn, tìm một nhà dân ở nhờ qua đêm. Sau khi trời sáng, có cướp đến nha môn, tất cả người trong nha môn bị giết sạch, chỉ có Thân Mỗ là thoát được kiếp nạn đó. Ba người bạn kia không may mắn bị giết chết, vì đêm đó họ đều đã quay về phòng ngủ, vậy ba người ngồi chơi bài dưới ánh đèn kia là ai? Tôi nghĩ có lẽ là linh hồn của họ đã thoát khỏi thể xác trước khi bị giết.
Giữa thế giới u minh và thế giới thực trong con mắt của cổ nhân không chỉ khác nhau về mặt không gian mà về mặt thời gian cũng có sự khác biệt. Thuyết tương đối của Einstein đến đây cũng chính là phù thủy nhỏ gặp phù thủy lớn, chỉ có sự so sánh giữa tiểu thuyết giả tưởng và truyền hình bây giờ, sau này chúng ta sẽ còn nói đến sự tồn tại giữa hai thế giới âm và dương có thể chồng chéo lên nhau, Thâm La điện của Diêm Vương có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào. Một đời vinh hoa không đủ để đáp ứng giấc mộng, sự đảo lộn của thời gian càng dễ gặp ở bất kỳ đâu. Vì vậy, những câu chuyện có tư duy về việc thoát xác như “chưa chết hồn đã khóc” này chưa bao giờ bị đặt nghi vấn, thậm chí, nếu truy ngược lại thì có lẽ từ trước thời Tấn, thậm chí là thời Hán đã có những tư duy kiểu này rồi. Trong Sưu thần ký của Can Bảo có ghi chép lại truyền thuyết về việc bị chết đuối ở trường thủy thời Tần Thủy Hoàng. Thời ấy, đại hồng thủy dâng lên tận tường thành. Tri huyện sai nha dịch nhanh chóng báo cáo lên huyện lệnh, huyện lệnh nhìn thấy nha dịch thì thất kinh hỏi: “Sao ngươi lại biến thành cá thế này?” (Một bản khác của câu chuyện này là, chỉ có đầu là đầu cá, còn thân vẫn là thân người, có vẻ hợp lý hơn.) Tên nha dịch cũng sợ hãi nói: “Minh phủ cũng biến thành cá rồi!” Lúc này thành trì còn chưa bị cơn hồng thủy nhấn chìm, người cũng chưa “hóa thành cá”, nhưng đã hóa thành hình cá, cũng chính là muốn nói khi sắp chết thì hiện hình báo trước.
Nhưng từ sau khi Phật giáo được truyền nhập vào, rõ ràng khái niệm này lại có thêm một bước phát triển mới. Bởi vì có một thể loại còn cực đoan hơn cả câu chuyện trên ở chỗ, mặc dù người chưa chết, nhưng linh hồn của anh ta đã làm ma ở âm phủ. Trong Minh báo ký do Đường Lâm người đời Sơ Đường viết, Tạ Hồng Sưởng bị bệnh chết được bốn ngày lại sống lại, kể về những gì mình đã nhìn thấy ở âm phủ: “Phàm họ hàng thân thích, có người sắp chết, ba năm trước đều gặp ở âm gian rồi.” Còn trong Kỷ vấn của Ngưu Túc kể về Lưu Tử Cống đến thăm địa ngục: “Những người đang sống đều là ma cả.” Chi tiết cụ thể hơn không nói, nhưng ý thì đã rất rõ ràng, tức là linh hồn của những người sống này đang ở dưới địa ngục chịu trừng phạt cho những tội lỗi của họ.
Những câu chuyện về linh hồn của người sống đang ở địa ngục chịu phạt đã xuất hiện từ đời Đường rồi, khái quát lại chính là nói: “Âm hình dương thụ.” Đại khái chia làm hai loại, một là người ác nào đó làm những việc nhẫn tâm, thất đức mà không chịu cảnh tỉnh sẽ bị Diêm Vương bắt hồn đi, đánh cho năm trăm thiết trượng, khi anh ta trở về dương gian, mông đít nứt toác hết cả. Những câu chuyện kể về hiện tượng xuống địa ngục chịu phạt, sau đó vẫn còn được quay về dương gian này tạm gác lại ở đây để sau khi bàn đến vấn đề địa ngục, chúng ta sẽ nói kỹ hơn. ở đây chúng ta chỉ bàn đến một loại “âm hình dương thụ” khác liên quan đến vấn đề chính, đó chính là linh hồn của những kẻ thất đức này “thường xuyên” ở lại âm tào, chịu hình dưới âm phủ, còn bản thân anh ta sắp phải chịu cảnh đau đớn nhưng anh ta lại không hề biết đến chuyện ở âm giới. Loại thứ hai có thể đọc Tăng nghiệt[61] trong Liêu trai chí dịđể biết thêm. Tác phẩm Liêu trai đã quá quen thuộc với độc giả rồi, không nói kỹ nữa, ở đây tôi chỉ kể câu chuyện trong Thông u ký do Trần Thiệu đời Đường viết.
[61] Tăng nghiệt: tội lỗi của nhà sư.
Câu chuyện kể rằng Hoàng Phủ Tuân bị âm phủ bắt nhầm, lẽ đương nhiên là sẽ được thả về ngay, nhưng thím của anh ta cũng là một nhân vật ở âm gian, không muốn để anh ta đã mất công đến đây rồi lại phải về tay không, bèn lệnh cho một vị hòa thượng đưa anh ta đi thăm quan địa ngục, giấu ý định ban đầu, cũng là muốn qua vui chơi để dạy dỗ. Không ngờ vào trong một tòa thành đen sì, lửa cháy đùng đùng, chỉ thấy vô số tội hồn đang bị cắt lọc da, hút máu, chặt đâm, nghiền nát, tiếng kêu ai oán, đau khổ vang khắp không trung, âm thanh đó xé trời xé đất. Đột nhiên nhìn về phía bắc thấy có một cánh cửa, lửa bùng bùng phóng ra từ đó, là một trong những cánh cửa tàn khốc nhất nơi vô gian địa ngục. Lúc này, Hoàng Phủ Tuân chẳng còn tâm trạng lĩnh ngộ, sợ tới mức muốn rời khỏi đây ngay. Đột nhiên nghe thấy trong ngọn lửa có tiếng người gọi tên anh ta, là một tăng nhân ngồi trên chiếc giường sắt bị ngọn lửa nung đỏ, trên đầu, từng chiếc đinh lớn đâm xuyên qua não, máu chảy lênh láng dưới đất. Nhìn kỹ lại một lần nữa, lại chính là “môn đồ tăng” của Hoàng Phủ Tuân - Hồ Biện (Những gia đình giàu có thường có tăng sư, đạo sĩ hành lễ tụng kinh sám hối cho, những tăng ni đạo sĩ này bị coi là “môn đồ”của thí chủ mình.) Kinh ngạc hỏi tại sao ông ta lại ở đây, Hồ Biện đáp: “Đều là kết quả của việc hằng ngày cùng thí chủ và những người khác ăn thịt, uống rượu mà ra, việc ngày hôm nay hối hận không kịp nữa rồi!” Hỏi: “Có cách nào cứu ông không?” Tăng nhân đáp: “Chép bộ Quang Minh kinh, xây cột đá khắc kinh trong thành, sẽ được đầu thai làm súc vật.” Hoàng Phủ Tuân buồn bã hứa với tăng nhân. Được trở về dương gian, khoảng hơn một tháng sau, đột nhiên sư Hồ Biện từ kinh thành đến, như chưa xảy ra chuyện gì, Hoàng Phủ Tuân vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng không dám mời ông ta uống rượu nữa. Vị hòa thượng này không được uống rượu thì trong lòng không vui, Hoàng Phủ Tuân liền kể lại với ông ta những gì mình nhìn thấy ở địa ngục, Hồ Biện nghe rồi cười phá lên, đương nhiên là không tin. Không lâu sau Hồ Biện đến Tín Châu, ở đó trên đầu ông ta mọc một cái mụn đầu đinh rất to, nó vỡ rất nhanh và mấy ngày sau thì ông ta chết. Hoàng Phủ Tuân lập tức giữ lời hứa nơi địa ngục, xây một cột đá chép kinh Phật ở trong thành. Cột vừa xây xong, trong thành liền có con lợn đẻ ra sáu con, trong đó có một con màu trắng, tự đến dưới cột đá, đi vòng quanh đấy mấy ngày liền, mệt quá mà chết. Cột đá có khắc kinh Phật này đã giúp linh hồn của Hồ Biện được giải cứu khỏi vô gian địa ngục nhưng vẫn không tránh khỏi kiếp đầu thai làm súc vật.
Âm hình và dương thụ trong câu chuyện này có sự chênh lệch về thời gian, sự tàn khốc nơi âm gian là dự báo cho người sống nơi dương gian, đứng ở góc độ của Hoàng Phủ, dường như còn có ý răn bảo, nếu sửa chữa sai lầm thì chuyện đó có thể sẽ không xảy ra.
Nhưng những câu chuyện tương tự như Trương Tam tiêu tiền, Lý Tứ thanh toán thật quá sức bí ẩn, vì vậy nhiều hơn cả là những câu chuyện như kiểu, cùng lúc với linh hồn nào đang đang phải ở âm gian chịu nhục hình thì trên dương thế cũng đang hoán gọi. Những câu chuyện kiểu này ban đầu thường thấy các vị hòa thượng là nhân vật chính, đa phần cũng là do hòa thượng hoặc những tín đồ Phật giáo thêu dệt, có thể thấy từ đó cho tới nay, hòa thượng không giữ giới luật đã là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Khi họ xây dựng những câu chuyện kiểu này, chỉ là muốn hiện thực hóa thuyết báo ứng, ứng nghiệm càng nhanh càng tốt. Dùng sổ ghi chép thiện ác, còn phải đợi đến sau khi chết mới có thể tính sổ, những chuyện như thế này ai có kiên nhẫn để chờ đợi, để tranh thủ, có tội lỗi gì, tốt nhất là thể hiện ngay để cho người phạm tội biết, hiện thế báo không bằng hiện thực báo trước. Đương nhiên, đây cũng là xuất phát từ ý tốt muốn cảnh giới, nhưng e là cũng quá hao tâm tốn sức. Hồ Biện trong câu chuyện không chịu tin, những tăng đồ ngoài câu chuyện liệu có tin không? Hơn nữa, một mặt tuyên truyền rằng những hòa thượng bình thường chỉ cần uống một chút “mễ trấp” (rượu) thì ngay lập tức phải xuống vô gian địa ngục làm xiên thịt để đưa lên bếp nướng, một mặt lại tuyên truyền rằng những hòa thượng cấp cao có thể ăn thịt ăn cá thoải mái, ăn càng nhiều càng chứng minh rằng họ là La Hán chuyển thế, liệu có phải điều này đã linh hoạt quá mức thành tùy tiện rồi không?
Sau khi giới thiệu rộng rãi câu chuyện này đến với tầng lớp nhân dân lao động, tính chất của nó lại ngày càng biến điệu. Truyện Mộng Lang trong Liêu trai chí dị, “linh hồn” tên ác quan Bái Giáp vừa tham lam vừa tàn bạo, bị lực sĩ dưới âm gian “dùng búa đập răng, răng rơi đầy dưới đất”, còn bản thân người này trên dương gian cũng “răng cửa rụng hết”, nhưng nguyên nhân lại là “bị ngã ngựa trong lúc say rượu”. Trong quyển năm của Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt viết có kể về một tên ác bá trong làng, khi người khác nhìn thấy linh hồn của hắn ta đang phải chịu đòn dưới địa ngục thì bản thân tên ác bá lúc này đang nằm trên giường bệnh rên khe khẽ, dưới âm phủ dùng dây sắt xuyên qua mũi của linh hồn hắn, thì hắn ở dương thế “đột nhiên hai dòng máu tươi phụt ra từ hai lỗ mũi, tắt thở mà chết”. Trong quyển một của Động linh tục chí ghi lại câu chuyện Tằng Thị Nữ ngao du âm gian, gặp sư huynh của mình dưới địa ngục đang bị treo ngược trên tường, một chiếc đinh lớn đâm xuyên qua não, quỷ sứ cắt xẻo từng miếng thịt, máu chảy lênh láng, thảm không kể xiết. Tằng Nữ hỏi: “Huynh tôi còn chưa chết sao lại chạy đến đây?” Người dưới âm gian đáp: “Diêm Vương thấy người này lòng dạ độc ác, hẹp hòi, coi thường luật pháp nên đã trừng phạt dưới âm gian để giày vò người này trên dương thế. Mặc dù chưa chết nhưng hồn đã ở địa ngục rồi.” Thì ra sư huynh của Tằng Nữ trên dương thế lúc này đang bị mụn đinh, đau đớn tới tận tim gan, chỉ có treo ngược chân lên mới dễ chịu đôi chút, dần dần dẫn đến tứ chi thối rữa, khẽ cử động là đau như bị dao cắt, đúng như những gì Tằng Nữ nhìn thấy. Những kẻ ác bá này hành động bừa bãi, lộng hành, quan phủ trên dương thế không những không quản, thậm chí còn chống lưng cho chúng, nên đã bị báo ứng ở địa ngục, nghe cũng thấy thật sự hả giận. Từ đó suy ra, mỗi khi đám quan phủ địa chủ xảy ra chuyện liên quan tới sức khỏe, chúng ta có thể tưởng tượng rằng bọn họ đang phải chịu sự trừng phạt dưới địa ngục, thế là hào hứng nói: “Ông trời có mắt.”
Nhưng cũng từ đây chúng ta đặt ra một câu hỏi lớn rằng, nếu ông quan nào đó mắc bệnh hoa liễu, âm phủ liền nói là do họ cắt mũi, tên nhà giàu nào đó mắc bệnh gan nhiễm mỡ thì dưới âm phủ liền nói là do họ bỏ người ta vào vạc dầu,... Dường như bọn họ chuyện gì cũng biết, không thấy lũ người đó gặp báo ứng thì không vui vậy, ai biết liệu có phải những quan viên dưới âm phủ này do muốn tăng công, nên khai láo hay không? Mà điều khiến người ta không thể không nghĩ là: “Nếu những người “cơ thể bất an” là bách tính của chúng ta thì sao đây?” Gặp họa gặp nạn, có bệnh không có tiền chữa chạy đa phần đều rơi vào dân thường. Hoặc có lẽ vị tiên sinh đại nhân nghĩ ra câu chuyện này đang muốn bách tính trăm họ hiểu một điều rằng, nếu ở trên nhân thế mà ngươi đi đâu đụng đấy là vì linh hồn của ngươi đang bị nung trong vạc dầu dưới địa ngục, ngươi chỉ cần hắt xì một cái, cũng có nghĩa là linh hồn của ngươi đang bị phạt đứng trong địa ngục lạnh lẽo. Cái gọi là “chưa biết đến hình phạt nơi âm phủ thì đã phải chịu đựng sự trừng phạt nơi dương gian rồi”, ngươi tốt nhất vẫn nên “trông coi” linh hồn của bản thân mình cho tốt!
@by txiuqw4