Thiên nhiên đã rất hoang phí về mặt ơn huệ đối với Guynplên. Thiên nhiên đã ban cho nó một cái mõm rộng hoặc đến mang tai, hai tai cúp xuống tận mắt, một cái mũi dị hình để lúc la lúc lắc, đôi nhãn mục của kẻ làm trò khỉ và một bộ mặt hễ trông thấy là không ai nhịn được cười.
Chúng tôi vừa nói rằng thiên nhiên đã ban tặng cho Guynplên quá nhiều. Nhưng có đúng thiên nhiên không?
Con người có tiếp tay thiên nhiên không?
Hai con mắt giống hệt hai cái cửa trổ sang hàng xóm, mồm là một chỗ đứt đoạn, một cục u ngắn, tẹt, với hai lỗ thủng làm mũi, mặt là một cái gì bèn bẹt, và toàn bộ những thứ đó hợp lại thành vẻ cười, những kỳ công như vậy chắc chắn một mình thiên nhiên không thể làm nổi.
Có điều cười có phải đồng nghĩa với hoan hỉ không?
Nếu, trước mặt anh hề rong ấy, vì đúng là một anh hề rong, người ta để tiêu tan mất cái cảm giác vui vẻ đầu tiên, và nếu quan sát kỹ con người ấy, người ta khắc nhận ra nguy dấu vết của nghệ thuật. Một khuôn mặt như thế không thể do ngẫu nhiên, mà phải do ý muốn.
Hoàn chỉnh đến mức ấy không thể có trong thiên nhiên.
Con người không làm được gì cho vẻ đẹp của mình, nhưng lại có thể làm tất cả trong vẻ xấu. Từ một nét mặt xấu xí[201] anh không thể làm nên một dáng mặt La mã, nhưng từ một cái mũi Hy lạp anh có thể làm thành một cái mũi tẹt[202]. Chỉ cần cắt xẻo chân mũi và làm tẹt hai cánh mũi xuống. Tiếng La tinh hạ lưu thời Trung cổ không phải vô cớ đã tạo nên động từ denasare. Guynplên ngày bé có đáng được chú ý để người ta chăm lo đến mức phải thay đổi bộ mặt cho nó không? Tại sao lại không? Dù chỉ nhằm mục đích triển lãm và trục lợi.
Cứ xét bề ngoài, phải có những người mua bán trẻ con tài tình cắt vá bộ mặt ấy. Dường như hiển nhiên, một khoa học khó hiểu, có thể làm huyền bí so với giải phẫu, cũng như khoa luyện đan so với hóa học, đã cắt xẻo mớ thịt kia chắc chắn vào lúc tuổi còn rất nhỏ, và đã có dụng tâm tạo nên bộ mặt đó. Khoa học ấy, có tài cắt, khâu và buộc, đã rạch mồm, phanh môi, lôi lợi, căng tai, tách các phần sụn, làm hỗn loạn lông mày và hai má, làm rộng cơ gò má, xóa nhòa các đường khâu và các vết sẹo lấy da vá lấp các vết thương, đồng thời giữ cho bộ mặt luôn luôn ở trạng thái hoác rộng, và từ công trình điêu khắc có hiệu quả và sâu sắc ấy đã nảy ra cái mặt nạ đó, tức là Guynplên.
Con người đâu có sinh ra như vậy.
Dẫu sao thì cũng phải khâm phục kết quả về Guynplên. Guynplên là một tặng phẩm của thượng đế dành cho buồn phiền con người, Thượng đế nào? Có thể có một Thượng đế Ma Quỷ giống như Thượng đế Chúa Trời không? Chúng tôi đặt câu hỏi mà không giải đáp.
Guynplên là một tên hề múa rối. Nó cho công chúng xem mặt nó. Không hiệu quả nào có thể so sánh với hiệu quả của nó. Chỉ cần chìa bộ mặt ra là nó chữa được bệnh ưu uất tâm thần. Nhưng người đang thọ tang cần tránh nó vì nếu nhìn thấy nó là ngượng ngùng và buộc phải cười một cách khiếm nhã. Một hôm có một tên đao phủ đến, Guynplên đã làm hắn phì cười. Trông thấy Guynplên là người ta ôm bụng, nghe nó cất tiếng là người ta bò lăn ra đất. Nó là đối cực của buồn phiền. U sầu ở đầu này, Guynplên ở đầu kia.
Vì vậy, trong các bãi chợ phiên và tại các ngã tư chẳng mấy lúc nó đã nổi tiếng là con người gớm chết.
Chính nhờ cười mà Guynplên gây được cười. Thế nhưng nó lại không cười. Mặt nó cười, tư tưởng nó không cười. Bộ mặt kỳ dị, mà tình cờ hay một nghề nghiệp hết sức quái đản đã tạo nên cho nó, cười một mình. Guynplên không tham dự gì vào đó cả. Vẻ ngoài không tuỳ thuộc ở nội tâm. Cái cười mà nó không hề để lên trán, lên má, lên lông mày, lên miệng đó, nó không thể cất bỏ nổi. Người ta đã vĩnh viễn gắn cái cười lên mặt nó. Đó là cái cười tự động, và càng cứng đờ lại càng không cưỡng nổi. Không một ai tránh được cái nhếch mép đó. Mồm có hai lối co dúm hay lây, đó là lúc cười và lúc ngáp. Do hiệu lực của cuộc phẫu thuật bí mật mà Guynplên phải chịu có lẽ từ hồi còn bé, tất cả các bộ phận trên mặt nó đều góp phần vào cái nhếch mép đó, toàn bộ diện mạo của nó đều châu vào đấy như một cái bánh xe tập trung vào ổ trục; tất cả mọi cảm xúc của nó, bất luận thế nào, cũng đều tăng thêm, hay nói đúng hơn, đều làm rõ thêm nét vui nhộn của bộ mặt kỳ dị đó.
Một thoáng ngạc nhiên, một nỗi đau khổ, một cơn giận chợt đến, một chút cảm thương, chỉ làm tăng cái vẻ cười nhăn nhở của các cơ bắp; giá có phải khóc nó cũng vẫn cười và dù Guynplên làm gì, muốn gì, nghĩ gì, hễ nó vừa ngẩng đầu lên là đám đông, nếu có đám đông ở đó, cũng có ngay trước mặt cái hình ảnh ma quái, tiếng cười như sấm nổ. Ta hãy hình dung một cái đầu của Mêđuyđơ[203] vui vẻ.
Tất cả những gì đang nằm trong đầu óc đều tan tác trước bất ngờ đó, và người ta cứ phải cười.
Nghệ thuật cổ xưa vẫn gắn lên mi nhà các rạp hát Hy Lạp một cái mặt tươi cười bằng đồng. Bộ mặt đó gọi là Thần Hài kịch. Bộ mặt bằng đồng đó dường như cười và gây cười nhưng lại trầm ngâm. Tất cả chuyện nhại chơi dẫn đến chỗ mất trí, tất cả sự châm biếm lại dẫn đến chỗ khôn ngoan, đều cô đúc lại và kết hợp với nhau trên bộ mặt đó; tổng số những lo âu, những ảo mộng tiêu tan, những chán chường và phiền muộn, được tính toán trên cái trán bình thản đó và cho ta cái tổng số bi đát là sự vui vẻ: một bên nhếch mép lên, phía nhân loại, vì chế giễu, một bên, phía các thần linh, vì báng bổ; mọi người đến đối chiếu cái mẫu mực châm biếm chua chát lý tưởng đó với bản thử mỉa mai mà mỗi người đều có trong lòng mình; và đám đông, luôn luôn đổi mới xung quanh nụ cười cố định đó, ngây ngất vì khoan khoái trước vẻ bất động tang tóc của nụ cười ngạo mạn. Cái mặt nạ buồn thảm cứng đờ đó của nền hài kịch cổ xưa gắn lắp cho một con người sống, hầu như có thể nói đó chính là Guynplên. Cái đầu gớm ghiếc đó của vui cười ngặt nghẽo không dứt, Guynplên mang nó trên cổ. Đối với đôi vai của một con người, cái cười bất diệt là một gánh nặng khủng khiếp.
Cái cười muôn thuở. Chúng ta hãy đồng ý với nhau và hãy giải thích cho rõ. Cứ theo lời phái thiện ác nhị nguyên giáo, cái tuyệt đối đôi lúc cũng nhượng bộ, và chính Chúa trời cũng có những phút gián đoạn. Chúng ta hãy đồng ý với nhau về mặt ý chí. Chúng ta không công nhận có lúc ý chí có thể hoàn toàn bất lực. Mọi cuộc sống đều như một bức thư, mà câu tái bút làm thay đổi ý. Đối với Guynplên, câu tái bút như sau: cố gắng đem hết nghị lực, tập trung toàn bộ chú ý, với điều kiện không một cảm xúc nào làm nó sao nhãng và làm chùng sự cố gắng bất động, nó có thể ngăn chặn cái nhếch mép vĩnh viễn trên mặt nó và có thể phủ lên mặt một thứ khăn trùm bi đát; lúc ấy người ta không cười trước mặt nó nữa mà người ta rung mình.
Cố gắng đó, cần nói rõ, hầu như Guynplên không bao giờ thực hiện vì rất mệt mỏi nhức nhối và căng thẳng không sao chịu nổi. Vả lại chỉ cần nhãng đi một tí xúc động một tí là cái cười đó, thoáng mất trong giây lát không sao cưỡng nổi như một đợt triều lui, lại tái hiện trên mặt; và xúc động, bất kể xúc động nào, càng dữ dội thì vẻ cười lại càng mãnh liệt.
Không kể điểm hạn chế nói trên, Guynplên có cái cười vĩnh viễn.
Trông thấy Guynplên, mọi người đều cười. Cười xong người ta ngoảnh mặt đi. Nhất là các bà thì khiếp đảm. Con người ấy thật khủng khiếp. Cái cười ngặt nghẽo như một khoản cống phẩm phải nộp; người ta vui vẻ chịu, nhưng hầu như máy móc. Sau đó khi nụ cười đã nguội lạnh, một phụ nữ không thể nào chịu nổi và không thể nào nhìn thẳng Guynplên.
Loại trừ bộ mắt quái gở ra, Guynplên to cao, cân đối nhanh nhẹn, chẳng dị dạng tí nào. Thêm một dấu hiệu nữa trong các chuyện phỏng đoán, rằng Guynplên là một sáng tạo của nghệ thuật hơn một tác phẩm của thiên nhiên. Guynplên có thân hình đẹp, hẳn trước kia phải có bộ mặt đẹp. Lúc sinh ra, nó phải là một đứa bé như mọi đứa khác. Người ta đã bảo toàn nguyên vẹn thân thể và chỉ sửa sang bộ mặt. Guynplên đã bị chủ tâm cắt vá.
Ít ra đấy là điều có vẻ hợp lý.
Người ta đã để lại cho nó bộ răng. Răng cần để cười.
Đầu người chết vẫn giữ cả răng.
Việc mổ xẻ trên mặt nó hẳn phải kinh khủng lắm.
Nó không nhớ đến việc đó, nhưng như thế không chứng tỏ rằng nó không bị mổ xẻ. Việc chạm trổ của phẫu thuật chỉ có thể thành công trên một đứa trẻ còn bé, do đó nó ít ý thức đến những việc đã xẩy đến với nó, và có thể dễ dàng ngộ nhận một thương tích là một dị tật.
Ngoài ra từ thời ấy, ta hãy nhớ lại, các phương tiện làm cho người bị mổ xẻ ngủ thiếp và không biết đau đã được biết đến rồi. Có điều thời ấy người ta gọi đó là pháp thuật. Ngày nay người ta gọi là gây mê.
Ngoài bộ mặt đó, bọn người nuôi Guynplên đã dạy cho nó những thủ đoạn của nhà thể thao và lực sĩ; các khớp xương của nó, được khéo léo uốn nắn, và thích hợp trong những lối co gập trái chiều, đã được luyện tập để làm trò hề và có thể, như bản lề cửa, cử động đủ mọi chiều. Trong việc thích nghi với nghề múa rối của nó, không có một việc gì bị bỏ qua.
Tóc Guynplên được nhuộm màu nâu vàng vĩnh viễn; bí quyết mà ngày nay người ta đã tìm được. Các bà nhan sắc vẫn sử dụng nó; cái xưa kia làm cho xấu xí thì ngày nay được xem là tốt để làm duyên. Guynplên có bộ tóc màu vàng. Lối nhuộm tóc đó, bề ngoài có vẻ như hủy hoại, đã làm cho tóc giữ được sắc thái của len và sờ thấy ram ráp. Cái mớ lởm chởm hung hung đó, nom giống bờm thú hơn tóc người, phủ kín một cái sọ to sinh ra để chứa đựng tư tưởng. Cái việc mổ xẻ tầm thường, đã lấy mất vẻ hài hòa của bộ mặt và làm đảo lộn tất cả mớ thịt kia, lại không động chạm đến hộp não. Góc mặt của Guynplên nom hùng dũng và đáng ngạc nhiên. Sau nét cười đó có một tâm hồn cũng biết mở rộng như tất cả chúng ta.
Vả lại cái cười đó đối với Guynplên là cả một tài năng. Nó không thể làm gì nên tài năng đó mà chỉ biết lợi dụng. Nhờ cái cười đó nó làm ăn kiếm sống.
Guynplên - chắc hẳn người ta đã nhận ra nó - là thằng bé bị bỏ rơi vào một chiều đông trên bờ biển Porlan, và được đón nhận trong một chiếc lều tồi tàn lưu động ở Uêmớt.
Thằng bé bây giờ là một người lớn. Mười lăm năm đã trôi qua. Năm ấy là năm 1705. Guynplên sắp hai mươi lăm tuổi.
Uyêcxuyt đã giữ hai đứa bé ở với ông. Thế là thành một nhóm người nay đây mai đó.
Uyêcxuyt và Ômô đều già rồi. Uyêcxuyt đã hoàn toàn hói. Lông con sói đang chuyển sang màu xám. Tuổi sói không được ấn định như tuổi chó. Theo Môlanh, có những con sói sống đến tám mươi tuổi, trong số đó có giống Cupara nhỏ, Cavioe vorus, và giống sói hương, canis nubilus của Say.
Con bé bắt được trên xác người đàn bà chết giờ đây là một cô gái mười sáu tuổi xanh xao với mái tóc nâu, gầy gò mảnh khảnh, gần như run rẩy vì quá yếu đuối, khiến cho người khác không dám chạm vào, xinh đẹp tuyệt vời, đôi mắt đầy ánh sáng, mù.
Cái đêm đông bất hạnh quật ngã người đàn bà ăn mày với đứa con trong tuyết đã làm một công đôi việc.
Nó giết chết người mẹ và làm mù đứa con.
Mù đã vĩnh viên làm tê liệt con người của cháu bé, nay cũng đã thành một người đàn bà. Trên khuôn mặt của nó, nơi mà ánh sáng không hề xuyên qua, hai khoé môi buồn bã trễ xuống biểu thị niềm thất vọng đắng cay chua xót. Đôi mắt, to và sáng, có cái nét kỳ lạ là đối với cô thì tắt, nhưng đối với người khác thì lại long lanh. Đó là những ngọn đuốc sáng bí mật chỉ soi chiếu bên ngoài.
Cô ban phát ánh sáng mà bản thân lại không có ánh sáng. Đôi mắt đã biến mất ấy luôn luôn chói ngời. Cô bé tù nhân của bóng tối kia làm bừng sáng cái nơi tăm tối cô đang sống. Từ tận cùng cõi u minh nan trị của cô, từ sau bức tường đen gọi là mù loà, cô phát toả ra một thứ hào quang. Cô không trông thấy mặt trời bên ngoài, nhưng mọi người lại nhìn thấy trong cô có một tâm hồn.
Vẻ nhìn bất đồng của cô có cái gì chăm chú của thần tiên.
Cô là trời đêm, và từ trong bóng tối vô phương biến đổi đã kết quyện với chính cô, cô bước ra như một thiên thể.
Uyêcxuyt, con người cuồng sinh tên La tinh, đã đặt tên cho cô là Đêa (nữ thần). Ông cũng có tham khảo sơ qua ý kiến con sói, ông nói với nó:
- Mày tượng trưng con người, tao tượng trưng con vật; chúng mình là hạ giới con bé này sẽ tượng trưng cho thượng giới. Bấy nhiêu yếu hèn là sức mạnh toàn năng dấy. Bằng cách đó tất cả vũ trụ, nhân loại súc vật, thần thánh, sẽ ở trong lều chúng ta
Con sói đã không phản đối gì.
Và thế là cô bé bắt được mang tên Đêa.
Còn Guynplên, Uyêcxuyt không phải mất công phát minh ra cho nó một cái tên. Ngay sáng hôm ông nhận thấy việc thay đổi diện mạo của thằng bé và cảnh mù loà của con bé, ông đã hỏi:
- Thằng kia, mày tên gì?
Thằng bé trả lời:
- Người ta gọi cháu là Guynplên.
- Guynplên cũng được đi - Uyêcxuyt nói.
Đêa phụ với Guynplên trong các buổi trình diễn của nó.
Nếu đau khổ của con người có thể tóm tắt được thì nó đã được tóm tắt bằng Guynplên và Đêa. Dường như chúng sinh ra mỗi đứa trong một ô của một địa; Guynplên trong ô khủng khiếp, Đêa trong ô đen tối.
Kiếp sống của chúng được làm bằng những loại tối tăm khác nhau, lấy từ hai mặt ghê gớm của cuộc dời. Tối tăm đó, Đêa chứa đựng trong tâm, còn Guynplên lại mang trên người. Trong Đêa có ma, trong Guynplên có quỷ. Đêa sống trong sầu muộn, còn Guynplên trong một cảnh tồi tệ hơn. Nhờ sáng mắt, Guynplên có khả năng rất đau lòng mà Đêa mù loà không có nổi, là sự so sánh với người khác. Thế mà, trong một hoàn cảnh như hoàn cảnh của Guynplên, cứ cho là nó tìm để biết thôi, càng tự so sánh càng không sao hiểu thấu. Cũng có được, như Đêa, một đôi mắt mù, không nhìn thấy thế gian, là một niềm đau xót tột cùng, tuy có kèm nỗi đau khổ; chính mình lại có điều bí ẩn của mình; cũng cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó, và cái đó lại chính là bản thân; nhìn thấy vũ trụ mà lại không thấy bản thân. Đêa có một tấm khăn trùm là đêm tối, còn Guynplên lại đeo một cái mặt nạ là bộ mặt của nó. Điều rất khó diễn đạt.
Guynplên bị che kín bằng chính da thịt của nó. Mặt nó như thế nào, nó không biết. Bộ mặt của nó mãi mãi tan biến. Người ta đã đặt lên nó một cái nó giả tạo. Mặt nó là một cái gì đã biến mất. Đầu nó vẫn sống động nhưng mặt nó đã chết rồi. Nó không nhớ đã có bao giờ nhìn thấy mặt mình. Loài người, đối với Đêa cũng như đối với Guynplên, là một sự kiện bên ngoài; cả hai đều xa cách nó; Đêa cô đơn, Guynplên cũng cô đơn; cảnh lẻ loi của Đêa mang tính chất tang tóc, cô chẳng nhìn thấy gì, cảnh lẻ loi của lại rùng rợn, nó nhìn thấy tất cả. Đối với Đêa, tạo hóa không vượt quá thính giác và xúc giác; thực tại rất hạn chế, có giới hạn, ngắn ngủi, tan biến trong giây phút; cô không có vô biên nào khác ngoài bóng tối. Đối với Guynplên, sống, tức là mãi mãi nhìn thấy đám đông trước mắt và ở ngoài bản thân. Đêa là người bị ánh sáng từ bỏ; Guynplên là kẻ bị loại trừ ra khỏi cuộc sống. Đúng thế, chúng là hai linh hồn tuyệt vọng. Chúng đang đứng ở chốn tận cùng có thể đạt được của tai hoạ. Guynplên cũng như Đêa. Một người quan sát nào nhìn thấy chúng, thì sau phút mơ màng hẳn phải cảm thấy thương tâm vô hạn. Còn thiếu điều gì chúng không phải chịu đựng? Một quyết định tai hoạ rõ ràng đang đè nặng trên hai con người đó, và xung quanh hai kẻ không hề làm gì nên tội, chưa bao giờ định mệnh lại khéo xoay chuyển hơn, biến số kiếp thành hành hạ và cuộc sống thành địa ngục.
Hai đứa đang sống trong một cảnh thiên đàng.
Chúng đang yêu nhau.
Guynplên tôn thờ Đêa. Đêa sùng bái Guynplên và bảo với nó:
- Ôi anh đẹp quá!
Trên trần gian chỉ có một người đàn bà nhìn thấy Guynplên. Đó là cô gái mù kia.
Những việc Guynplên đã làm cho cô, cô biết được nhờ có Uyêcxuyt, người đã nghe Guynplên kể lại cuộc hành trình vất vả từ Porlan đến Uêmot, và những giờ phút sắp chết xen lẫn với cảnh bị bỏ rơi của mình. Cô được biết là, hồi cô còn bé tí, đang lúc thoi thóp trên người mẹ tắt thở, mồm vẫn bú một xác chết, có một người chỉ nhớn hơn cô một chút đã nhặt được cô; người đó bị loại trừ và như bị chôn vùi trong cảnh ruồng rẫy tối tăm của mọi người, đã nghe tiếng khóc của cô. Cô được biết rằng trong khi thiên hạ đều điếc với người ấy thì người ấy không điếc với cô; rằng thằng bé ấy, cô lập, yếu đuối, bị ruồng bỏ, không nơi nương tựa dưới trần gian này, thất thểu trong sa mạc, kiệt quệ vì mệt mỏi rã rời, đã nhận từ đôi bàn tay của đêm tối cái gánh nặng, một đứa bé khác; rằng nó, không có chút gì để mong chờ trong cuộc chia phần tối tăm gọi là số phận, nó đã đảm nhận một số phận khác; bản thân xác xơ, lo sợ và nguy khốn, nó đã nguyện làm cứu tinh; trong khi cửa trời đóng chặt nó đã mở rộng trái tim của nó; tuyệt vọng, nó đã cứu giúp; bản thân không nhà không cửa, nó đã thành chốn nương thân, nó đã nhận làm mẹ và vú nuôi; bản thân bơ vơ trên đời, nó đã đáp lại sự hắt hủi bằng việc nhận nuôi một người khác; trong cảnh tối tăm nó đã nêu gương sáng như vậy. Cô được biết rằng, không thấy mình đã khá nặng trĩu, thằng bé còn vui lòng nhận thêm nỗi khốn cùng của một kẻ khác; rằng trên trái đất hình như không có một tí gì cho nó, nó đã tìm thấy nhiệm vụ rằng nơi mà mọi người hẳn phải do dự thì nó vẫn bước tới; rằng nơi mọi người hẳn phải lùi bước thì nó đã đứng trụ; rằng nó đã thò tay vào cửa mồ và kéo ra được cô là Đêa. Cô được biết rằng bản thân gần như trần trụi, thằng bé đã nhường cho cô manh áo rách của nó vì thấy cô rét; bản thân đói khát, nó đã nghĩ đến việc cho cô ăn cho cô uống; vì cô, thằng bé đã chiến đấu chống lại thần chết, dưới mọi hình thức, dưới hình thức trời đông gió tuyết, dưới hình thức cô đơn, sợ hãi, dưới hình thức rét run, đói khát, cuồng phong. Cô được biết rằng vì cô, vì Đêa, mà chú khổng lồ mười tuổi ấy đã chiến đấu với cảnh bao la của đêm tối. Cô được biết chú đã làm những việc đó từ hồi còn bé, và bây giờ, thành người lớn, khi cô yếu hèn chính chú là sức mạnh, khi cô nghèo khổ, chính chú là tài sản, khi cô ốm đau, chính chú là thầy thuốc, và khi cô mù lòa chính chú là đôi mắt của cô. Qua những cảnh đen tối dày đặc xa lạ mà cô tự cảm thấy buộc phải đứng xa, cô nhận thấy rõ sự tận tâm đó lòng quên mình đó, đức dũng cảm đó. Tỉnh chất anh hùng, trong lĩnh vực vô hình, vẫn có một đường viền bao quanh. Cô nhận thấy đường viền cao quý đó; trong cảnh trừu tượng không thể diễn đạt nổi của tư tưởng mà mặt trời không hề soi rọi tới, cô vẫn nhìn thấy đường nét bí mật của đức hạnh. Xung quanh những vật tối tăm chuyển động đó, cảm giác duy nhất mà thực tại gợi cho cô trong cảnh khắc khoải, lo âu của con người bị động luôn luôn chờ đón tai hoạ bất thần xảy đến, trong cái cảm giác không được bảo vệ, vốn là toàn bộ cuộc đời của người mù, cô nghiệm thấy trên đầu cô có Guynplên, một Guynplên không khi nào lạnh lùng, không bao giờ vắng mặt, không bao giờ mờ nhạt, một Guynplên trìu mến, hay giúp đỡ và hiền dịu; Đêa xúc động vì tin tưởng và biết ơn; nỗi lo lắng được vững tin của Đêa dẫn đến niềm say sưa ngây ngất, và bằng đôi mắt đầy tăm tối của mình, từ dưới vực thẳm của mình nhìn lên đỉnh trời, cô chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu đó, một thứ ánh sáng thăm thẳm.
Trong lý tưởng, lòng nhân ái là mặt trời; và Guynplên đang làm Đêa loá mắt.
Đối với quần chúng, có nhiều đầu quá nên không có được một tư tưởng, và nhiều mắt quá nên không có được một cái nhìn, đối với quần chúng, bản thân là diện tích chỉ quen dừng lại trên bề mặt, Guynplên là một thằng hề, một tên xiếc rong, hơn kém thú vật một tí. Quần chúng chỉ biết có bộ mặt.
Đối với Đêa, Guynplên là đấng cứu tinh đã nhặt được cô từ trong mộ địa và đưa cô ra ngoài, là người an ủi làm cho cô thấy cuộc đời đáng sống, là người giải phóng mà cô cảm thấy bàn tay nằm trong tay cô giữa chốn mê cung này tức là giữa cảnh mù loà. Guynplên là anh, là bạn, là kẻ dẫn đường, là đồng loại trên trời, là người chồng có cánh, sáng ngời, và nơi quần chúng nhìn thấy con quái vật thì cô lại nhìn thấy thượng đẳng thiên thần.
Là vì Đêa mù, thấy được tâm hồn.
Uyêcxuyt, triết gia, hiểu rất rõ. Ông tán thành tình cảm say đắm của Đêa. Ông nói:
- Người mù nhìn thấy cái vô hình. Lương tâm là thị giác.
Ông nhìn Guynplên và lầm bầm trong miệng.
- Nửa quái vật nhưng lại nửa thần linh.
Về phía mình, Guynplên say sưa vì Đêa. Có con mắt vô hình là tâm linh, và con mắt hữu hình là con người.
Chính bằng con mắt hữu hình Guynplên nhìn thấy cô.
Đêa hoa mắt vì lý tưởng, Guynplên hoa mắt vì thực tế, Guynplên không xấu, nó chỉ khủng khiếp; trước mặt, nó có cái tương phản của nó. Guynplên dễ sợ bao nhiêu, thì Đêa dịu dàng bấy nhiêu. Nó là rùng rợn, cô là duyên dáng, ở Đêa có nét mơ màng. Cô như một giấc mộng mới chớm thành hình. Trong tất cả con người cô, trong thể chất lả lướt như gió thoảng, trong thân hình thanh tú mềm mại lo âu như lau sậy, trong đôi vai có lẽ có cánh mà ta không nhìn thấy, trong những đường nét tròn trĩnh kín đáo của hình dáng biểu lộ giới tính, nhưng cho tâm hồn hơn là cho xúc cảm, trong nước da trắng ngần như trong suốt, trong dáng vẻ trang nghiêm bình tĩnh khép kín như thần linh trước cõi tục. trong nét thơ ngây thiêng liêng của nụ cười. Đêa có một chút gì dịu dàng gần gũi với thiên thần, và lúc này Đêa đang đến tuổi dậy thì.
Guynplên, như chúng tôi đã nói, tự so sánh và so sánh Đêa.
Cuộc sống của nó, như hiện nay, là kết quả của hai sự lựa chọn chưa từng có. Đấy là giao điểm của hai tia sáng từ dưới và từ trên, của tia sáng đen và tia sáng trắng. Một miếng bánh vụn có thể được hai cái mỏ cùng mổ một lúc, cái mỏ ác và cái mỏ thiện, cái này cắn, cái kia hôn. Guynplên là chút bánh vụn ấy, một con bé nhỏ vừa đau khổ vừa được vuốt ve. Guynplên là sản phẩm của một định mệnh phức tạp vì thêm một sự cứu trợ.
Tai hoạ đã đặt ngón tay lên người nó, và hạnh phúc cũng thế. Hai vận mệnh cực đoan hợp thành số kiếp kỳ lạ của nó. Nó vừa bị khai trừ ra khỏi giáo phái vừa được ban phát phước lành. Nó là kẻ bị nguyền rủa được chúa ân chọn. Nó là ai? Nó không biết. Khi tự nhìn, nó lại trông thấy một người xa lạ. Nhưng người xa lạ ấy quái gở quá. Guynplên sống trong một trạng thái bị mất đầu, có một bộ mặt không phải là mình. Bộ mặt ấy thật khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi lại gây thích thú. Nó làm người đời sợ hãi quá đến nỗi lại gây ra tiếng cười.
Nó khôi hài một cách ghê rợn. Đó là bộ mặt người bị dìm trong một hình đầu súc vật. Một làn sóng nhăn nhó đã tràn ngập tất cả. Chưa ban giờ bộ mặt người lại che khuất con người hoàn toàn đến như vậy, chưa bao giờ nốt nhạc chơi lại hoàn chỉnh hơn thế, chưa bao giờ trong một cơn ác mộng lại thấy nhăn nhở một hình ảnh phác hoạ gớm ghiếc hơn, chưa bao giờ tất cả những gì có thể làm cho đàn bà ghê tởm lại được kết hợp ghê tởm hơn trong một người đàn ông; trái tim bất hạnh, bị cái mặt ấy che đậy và vu cáo, dường như mãi mãi bị đày đoạ vào cảnh cô đơn dưới gương mặt ấy như dưới một nắp mồ.
Thế nhưng không! Nơi mà lòng độc ác xa lạ đã kiệt sức thì, đến phiên mình, lòng nhân hậu vô hình lại nỗ lực.
Trong con người đáng thương bị giáng phàm đó thình lình được nâng dậy, bên cạnh những gì xua đẩy, lòng nhân hậu lại đặt cái có sức thu hút; trong hiểm nghèo, nó đặt thỏi nam châm, nó khiến một tâm hồn giang cánh bay đến với con người bị bỏ rơi ấy, nó giao cho bồ câu an tủ kẻ bị sét đánh, và nó bắt sắc đẹp phải tôn thờ dị dạng.
Muốn được như thế, người con gái đẹp phải không nhìn thấy anh chàng dị dạng. Để đạt hạnh phúc này phải có tai hoạ kia.
Thượng đế đã bắt Đêa phải mù loà.
Guynplên mơ hồ tự cảm thấy mình là đối tượng của một sự đền tội. Tại sao lại có chuyện ngược đãi? Nó không hiểu thấu. Tại sao lại phải chuộc tội? Nó không hiểu thấu. Một vầng hào quang đã đến che lên vết nhục của nó: đó là tất cả những gì nó biết được. Khi Guynplên đến tuổi hiểu biết, Uyêcxuyt đã đọc cho nó nghe và giải thích bài De denasatis của tiến sĩ Conquext, và trong một cuốn sách khổ to khác, Hung Plagon, đoạn nares habens nutilas[205] nhưng Uyêcxuyt đã khôn ngoan không đặt "giả thuyết" và không kết luận gì cả. Có thể có những ức đoán, khả năng một việc bạo hành khi Guynplên còn thơ ấu cũng cảm thấy được; nhưng đối với Guynplên chỉ có một điều hiển nhiên là kết quả. Số kiếp của nó là phải sống với một vết sẹo. Tại sao lại vết sẹo ấy? Không có trả lời, im lặng và cô đơn xung quanh Guynplên. Tất cả đều lẩn trốn trước những điều phỏng đoán có thể gắn vào cái thực tế bi đát kia, và trừ sự việc khủng khiếp ra, không có gì chắc chắn hết. Trong cảnh buồn phiền ấy, Đêa xen vào; một sự xen nhập thần thánh giữa Guynplên và thất vọng. Cảm động và như được sưởi ấm, nó đón nhận lòng khoan hậu của cô gái dịu hiền về bộ mặt ghê tởm của nó; sự ngạc nhiên của thiên đường làm xúc động bộ mặt khắc khổ của nó; được tạo ra để gây hãi hùng, nó hướng biệt lệ phi thường là được ánh sáng ngưỡng mộ và tôn thờ trong lý tưởng; là quái vật nó cảm thấy được một ngôi sao chiêm ngưỡng.
Guynplên và Đêa là đôi uyên ương và hai trái tim đầy rung cảm ấy rất mực yêu quý nhau. Một tổ ấm, hai cánh chim non, đó là câu chuyện của chúng. Chúng đã đi vào quy luật chung của vạn vật là làm đẹp lòng nhau, tìm kiếm nhau và gặp được nhau.
Thành thử căm hờn đã nhầm lẫm. Những kẻ hành hạ Guynplên, dù chúng là ai, quyết tâm bí ẩn, dù từ đâu đến, đều bắn sai đích cả. Định tạo nên một kẻ thất vọng thì lại được một con người sung sướng. Người ta gán ghép nó ngay từ đầu cho một vết thương vừa khỏi.
Người ta muốn để cho một sầu thảm an ủi nó. Gọng kìm đao phủ đã dịu dàng biến thành bàn tay phụ nữ, Guynplên thật khủng khiếp, khủng khiếp một cách nhân tạo, khủng khiếp vì bàn tay con người; người ta ao ước cô lập nó mãi mãi, thoạt tiên tách nó khỏi gia đình nếu nó có gia đình, sau đó tách khỏi nhân loại; từ một em bé, người ta biến nó thành vật điêu tàn. Nhưng vật điêu tàn đó thiên nhiên đã thu hồi như vẫn thu hồi mọi vật điêu tàn; kiếp cô đơn kia, thiên nhiên đã an ủi như vẫn an ủi mọi kiếp cô đơn; thiên nhiên thường cứu vớt tất cả những gì bị hắt hủi; nơi mà mọi thứ đều thiếu thốn, thiên nhiên lại một lần nữa tự hiến mình một cách trọn vẹn; thiên nhiên lại đâm hoa nẩy lộc trên mọi đổ nát; thiên nhiên có cây trường xuân cho gạch đá và tình yêu cho con người.
Lòng hào hiệp sâu rộng của bóng tối.
Cứ như thế hai con người bất hạnh sống dựa vào nhau, Đêa được che chở, Guynplên được ưng thuận.
Cô bé mồ côi có anh chàng côi cút. Cô gái tật nguyền có chàng trai dị dạng.
Hai cảnh goá bụa ấy kết duyên với nhau. Một lòng biết ơn khôn tỏ toát lên từ hai cảnh tuyệt vọng. Chúng cảm ơn.
Cảm ơn ai?
Bao la tăm tối.
Cảm ơn phía trước mặt mình, thế là đủ. Lòng biết ơn có cánh và bay đến chỗ phải bay. Lời cầu nguyện của bạn biết nhiều hơn bạn.
Biết bao người tưởng mình khẩn cầu Giuypite[206] nhưng chính đã cầu khẩn Giêhôva[207]! Biết bao người tin tưởng vào bùa chú lại được vô biên lắng nghe! Biết bao người theo chủ nghĩa vô thần không nhận thấy rằng, chỉ một việc ăn ở hiền lành và buồn rầu, họ cũng đã cầu nguyện Chúa rồi!
Guynplên và Đêa biết ơn. Chuyện dị hình xem như bị khai trừ. Cảnh mù lòa xem như vực thẳm. Việc khai trừ được chấp nhận: vực thẳm có thể ở được.
Guynplên thấy sà xuống phía mình, giữa ánh sáng chan hoà, trong một kiểu an bài của số phận giống như viễn cảnh trong mơ, một áng mây trắng đẹp mang hình dáng một người đàn bà, một ảo ảnh sáng người trong đó có một trái tim, và hình bóng ấy, hầu như mây khói nhưng lại là đàn bà, ghì chặt lấy nó, ảo ảnh ấy ôm hôn nó, trái tim ấy rất bằng lòng nó; được yêu, Guynplên không dị dạng nữa; một đoá hồng đòi lấy một con sâu, vì cảm thấy trong sâu có cánh bướm thần; Guynplên, kẻ bị hắt hủi, lại được quyền lựa chọn.
Có được thứ mình cần, tất cả vấn đề là ở đấy.
Guynplên có được thứ nó cần. Đêa cũng đạt được điều cô tha thiết.
Tính chất hèn hạ của con người biến dạng, được giảm nhẹ và như thăng hoa, giãn nở thành say sưa, đắm đuối, tin tưởng; và trong đêm tối một bàn tay chìa ra trước sự do dự tối tăm của cô gái mù.
Đó là sự dung hợp của hai cảnh tuyệt vọng trong lý tưởng, cảnh này hấp dẫn cảnh kia. Hai sức loại trừ dung nạp nhau. Hai thiếu sót phối hợp với nhau để bổ sung cho nhau. Chúng bám vào nhau bằng mặt chúng thiếu.
Mặt nghèo nàn của bên này lại là mặt giàu có của bên kia. Nếu Đêa không mù, liệu cô có chọn Guynplên không? Nếu Guynplên không bị thay đổi bộ mặt, liệu nó có thích Đêa không? Có thể cô gái cũng sẽ không yêu anh chàng dị dạng hơn anh này thích cô tàn tật. Đối với Đêa, còn hạnh phúc nào hơn hình ảnh Guynplên gớm ghiếc! Đối với Guynplên còn may mắn nào hơn việc Đêa mù loà! Ngoài sự an bài của Thượng đế, không thể có được chúng nó. Một đòi hỏi qua lại kỳ diệu, nằm trong chốn tận cùng tình yêu của chúng. Guynplên cứu Đêa, Đêa cứu Guynplên. Chỗ gặp gỡ của tại hoạ lại là nơi gắn bó keo sơn. Vòng tay ôm chặt của những kẻ đang chìm đắm trong vực sâu. Không gì thắm thiết hơn, không gì so sánh kịp, không gì tuyệt diệu bằng.
Guynplên có một suy nghĩ:
- Không có nàng ta sẽ ra sao?
Đêa có một suy nghĩ:
- Không có anh ấy, ta sẽ ra sao?
Hai cuộc sống tha hương kia dẫn đến một tổ quốc, hai định mệnh nan y ấy, vết sẹo của Guynplên, tật mù của Đêa, chắp nối vào nhau trong niềm mãn nguyện.
Chúng tự thấy đầy đủ cho nhau rồi. Ngoài bản thân, chúng không mơ ước đến một điều gì khác; chuyện trò với nhau là hoan lạc, đến gần nhau là diễm phúc tuyệt vời; cứ trực cảm thấy nhau mãi, chúng đi đến chỗ cùng xây dựng một ước mơ, cùng suy tư chung một tư tưởng.
Mỗi khi Guynplên cất bước, Đêa tưởng như nghe tiếng chân thần. Chúng ngồi sát vào nhau trong một cảnh chập chờn của vũ trụ tràn ngập hương thơm, ánh sáng, tiếng nhạc, đầy mộng vàng và công trình kiến trúc rực rỡ: chúng thuộc sở hữu của nhau, chúng biết chúng mãi mãi bên nhau, cùng hưởng một niềm vui, cùng chung một ngây ngất mà không gì lạ lùng như việc hai kẻ đoạ đày đắp xây một cảnh thiên đường trên cõi trần gian.
Chúng sung sướng không sao tả siết.
Với địa ngục của mình, chúng đã tạo nên cảnh trời xanh; ôi tình yêu, đó là sức mạnh của người!
Đêa nghe tiếng Guynplên cười. Guynplên nhìn thấy Đêa chúm chím.
Thế là diễm phúc lý tưởng đã tìm được. Niềm vui hoàn chỉnh của cuộc sống đã thực hiện, bài tính bí mật của hạnh phúc đã giải xong. Và do ai? Do hai kẻ cùng khổ.
Đối với Guynplên, Đêa là cảnh chói lòa rực rỡ. Đối với Đêa, Guynplên là sự có mặt.
Sự hiện diện, điều huyền bí sâu xa tôn cái vô hình lên làm thần thánh, và từ đó nảy sinh ra điều huyền bí khác là lòng tin cậy. Trong các tôn giáo chỉ có diều đó là không thể phân tích nổi. Nhưng điểm không phân tích nổi ấy đủ rồi. Người ta không nhìn thấy nhân vật mênh mông cần thiết; người ta cảm thấy nó.
Guynplên là tôn giáo của Đêa.
Đôi khi, ngây ngất vì yêu đương, cô quỳ xuống trước mặt Guynplên, như một tăng ni xinh đẹp tôn chiếm một con quỷ giữ đền hớn hở. Các bạn hãy hình dung vực thẳm, giữa vực thẳm có mót ốc đảo ánh sáng, trên ốc đảo ấy hai con người ngoài cuộc sống kia làm cho nhau lóa mắt.
Không có sự trong sáng nào trong sáng nổi những tình yêu đó. Đêa không biết thế nào là hôn, mặc dầu có lẽ cô cũng ao ước được hôn; vì cảnh mù loà, nhất là của một người đàn bà, có những ước mơ của nó và mặc dầu run rẩy trước những giây phút gần gũi của xa lạ, vẫn không chê ghét tất cả chúng. Còn đối với Guynplên, tuổi thanh niên phơi phới khiến nó trầm tư; càng cảm thấy lòng mình say đắm, nó càng rụt rè; lẽ ra nó có đủ can đảm dám tất cả với cô bạn đường từ thuở ấu thơ, với cô gái không hề biết tội lỗi cũng như ánh sáng là gì, với cô gái mù chỉ thấy được một việc, là mình tôn thờ Guynplên. Nhưng giá cô có ban cho nó một chút gì thì nó lại nghĩ thế là nó lấy cắp; nó cố nhẫn nhục với một nỗi u hoài thoả mãn được yêu một cách thần tiên, và ý thức về sự dị dạng của nó chuyển thành một nỗi thẹn thùng cao cả.
Hai con người hạnh phúc đó sống trong lý tưởng. Ở đó chúng là đôi vợ chồng Ngâu xa cách như các tinh cầu.
Trong cõi trời xanh, chúng trao đổi cái khí âm dương sâu sắc trong vô biên vốn là sức hút và trên cõi trần vốn là giới tính. Chúng ban cho nhau những cái hôn linh hồn.
Chúng luôn luôn sống chung với nhau. Ngoài cảnh sống bên nhau, chúng không biết có cách nào khác. Tuổi trẻ của Đêa trùng hợp với tuổi trưởng thành của Guynplên. Chúng đã lớn lên bên cạnh nhau. Rất lâu chúng đã ngủ chung một giường, vì cái lều không phải là một phòng ngủ rộng. Chúng nằm trên chiếc thùng gỗ, Uyêcxuyt trên mặt sàn; cách sắp xếp trong nhà như vậy. Rồi một hôm, Đêa vẫn còn bé, Guynplên bỗng tự thấy mình lớn lên, và e thẹn đã bắt đầu từ phía chàng trai. Nó đã nói với Uyêcxuyt: con cũng muốn ngủ đất.
Và tối tối nó nằm cạnh ông già, trên tấm da gấu. Thế là Đêa khóc lóc. Cô bé đòi hỏi người bạn giường. Nhưng Guynplên thấy ngại ngùng vì nó bắt đầu yêu, cứ khăng khăng một mực. Từ đấy nó bắt đầu ngủ sàn với Uyêcxuyt. Mùa hè, những đêm trăng sao, nó ngủ ngoài trời với Ômô. Đêa đã mười ba tuổi mà vẫn chưa chịu nhượng bộ. Thường thường cứ tối đến cô lại bảo:
- Guynplên, lại nằm cạnh em đi; có thế em mới ngủ được.
Tuổi thơ cần có người nằm cạnh mới chịu ngủ. Con người ý thích được sự trần truồng khi tự thấy mình trần truồng; vì vậy cô không biết thế nào là trần truồng. Sự ngây thơ của Arcađi Ôtayti. Đêa trẻ dại khiến cho Guynplên trở thành tàn nhẫn. Gần đến tuổi dậy thì, đôi khi Đêa ngồi chải mái tóc dài trên giường, chiếc áo lót trễ tràng của cô bỗng tuột xuống lưng chừng, để lộ pho tượng đàn bà mới phác, và một sơ khởi mơ hồ của Êva; cô gọi Guynplên lại Guynplên đỏ mặt, nhìn xuống đất, không biết làm thế nào trước tấm thân hồn nhiên kia, chỉ ấp úng, ngoảnh mặt đi, sợ hãi, rồi bước vội; anh chàng Đaphai của u minh chạy trốn trước nàng Clôê của bóng tối.
Đấy là bản tình ca nẩy nở trong một tấn bi kịch.
Uyêcxuyt bảo với chúng:
- Đồ cục súc! Cứ yêu nhau đi.
Uyêcxuyt nói thêm:
- Rồi một ngày kia ta sẽ cho chúng một vố. Ta sẽ bắt chúng nó lấy nhau.
Uyêcxuyt dạy cho Guynplên lý thuyết về tình yêu.
Ông nói với nó:
- Tình yêu, con có biết Chúa lòng thành thắp cháy ngọn lửa ấy thế nào không? Chúa để người đàn bà đứng dưới, quỉ sứ đứng giữa; người đàn ông đến trên con quỉ.
Một que diêm, nghĩa là một cái đưa mắt, thế là cả ba đều bốc lửa.
- Không cần phải đưa mắt - nghĩ đến Đêa, Guynplên trả lời.
Uyêcxuyt đáp lại:
- Dớ dẩn! Tâm hồn có cần phải mắt mới nhìn được nhau đâu?
Đôi khi Uyêcxuyt là người tốt bụng. Lắm lúc, say mê Đêa đến mức ủ rũ, Guynplên lẩn tránh Uyêcxuyt như lẩn tránh một nhân chứng. Có hôm Uyêcxuyt bảo nó:
- Thôi đi? Việc gì mà ngượng. Trong tình yêu gà trống bao giờ cũng dơ mặt ra cả.
- Nhưng đại bàng vẫn lẩn trốn - Guynplên trả lời.
Nhiều lúc khác, Uyêcxuyt lại nói một mình:
- Cũng nên thọc gậy vào bánh xe Xitêrê[208]. Chúng yêu nhau quá. Như vậy có thể có hại. Phải đề phòng hoả hoạn. Phải tiết chế những trái tim này mới được.
Và Uyêcxuyt đã phải dùng đến những lời cảnh cáo loại dưới đây, nói với Guynplên khi Đêa ngủ, và nói với Đêa khi Guynplên ngoảnh lưng lại:
- Đêa, con không nên quấn quít Guynplên quá. Sống trong người khác nguy hiểm lắm. Ích kỷ là một cái rễ vững chắc của hạnh phúc. Đàn ông là giống luôn luôn tuột khỏi tay đàn bà. Với lại Guynplên cuối cùng có thể rơi vào chỗ tự kiêu tự mãn. Nó thành công rực rỡ quá. Con không thể hình dung nổi thành công của nó đâu!
- Guynplên này, cái gì mất cân đối đều chẳng ra gì đâu. Một bên xấu quá thể, một bên đẹp vô chừng, điều ấy ta cần phải suy nghĩ. Con ơi, con nên dập bớt lửa lòng của con lại. Không nên say đắm Đêa quá. Con tưởng con sinh ra là để dành cho nó thật sao? Con cứ thử cân nhắc sự dị dạng của con với vẻ hoàn mỹ của nó xem. Con hãy hình hãy nhìn quãng cách giữa con với nó. Đêa có đầy đủ tất cả! Da trắng làm sao, tóc đẹp làm sao, đôi môi như dâu chín, lại thêm đôi chân! Và đôi bàn tay nữa. Hai vai tròn lẳn tuyệt vời, nét mặt thanh cao, mỗi bước đi như hào quang toả sáng. Lại thêm giọng nói trầm trầm với âm thanh ngọt ngào duyên dáng! Với tất cả những thứ ấy, lại phải suy nghĩ đấy là một người đàn bà! Nó đâu phải ngu ngốc đến thế khi đã là thiên thần. Đấy là sắc đẹp tuyệt đối. Con phải tự nói với mình tất cả những điều ấy để dịu bớt lửa tình đi.
Vì vậy Đêa và Guynplên càng yêu quí nhau hơn, Uyêcxuyt ngạc nhiên về thất bại của mình, gần như một người nào đó nói:
- Lạ thật, mình đã hắt dầu vào lửa mà không ăn thua, mình không dập tắt được lửa.
Dập tắt mối tình ấy, hay kém thế nữa, làm cho nó nguội tàn, liệu ông có muốn thế không? Chắc chắn là không. Giá có thành công thì ông đã lầm to. Thật ra, mối tình kia, đối với chúng là lửa hồng, đối với ông là sức nóng, làm ông say mê thích thú.
Nhưng, cái mà ta ưa thích, cũng phải trêu ghẹo nó tí chút. Lối trêu ghẹo ấy, người đời gọi là sự khôn ngoan.
Đối với Guynplên và Đêa. Uyêcxuyt gần như là bố là mẹ. Vừa thì thầm, ông và dạy bảo chúng; vừa quát mắng ông vừa chăm sóc nuôi dưỡng chúng. Việc nhận con nuôi này đã làm cho cái lều lưu động nặng thêm, buộc ông phải thường xuyên hơn buộc mình vào xe cùng với Ômô để kéo.
Chúng ta cần phải nói rõ rằng, sau mấy năm đầu thì Guynplên đã gần lớn và Uyêcxuyt già yếu quá, đến lượt Guynplên phải kéo Uyêcxuyt.
Thấy Guynplên lớn lên, Uyêcxuyt đã lấy tử vi về sự dị dạng của nó và nói với nó:
- Người ta đã làm nên hạnh phúc của con.
Cái gia đình ấy, một ông già, hai đứa bé và một con sói trên bước đường nay đây mai đó, đã hợp thành một nhóm người ngày càng gắn bó mật thiết.
Cuộc sống lang thang đã không ngăn trở việc giáo dục. Lang thang thúc đẩy trưởng thành, Uyêcxuyt nói vậy. Vì rõ ràng Guynplên được tạo ra để "làm trò ở các chợ phiên".
Uyêcxuyt đã đào tạo nó thành một tên múa rối, và trong tên múa rối này ông đã hết lòng truyền dạy khoa học và khôn ngoan. Đứng trước vẻ mặt khủng khiếp của Guynplên. Uyêcxuyt lẩm bẩm: nó đã được bắt đầu khéo quá. Bởi vậy ông đã hoàn thiện nó bằng đủ mọi thứ trang trí của triết học và kiến thức.
Ông thường nhắc nhở Guynplên:
- Con phải trở thành một triết gia. Khôn ngoan thì không ai động được đến mình. Con cứ xem bố đây này, bố không bao giờ khóc cả. Đấy là sức mạnh của sự khôn ngoan của bố. Con tưởng nếu bố muốn khóc, bố không có dịp nào sao?
Trong những lần độc thoại mà con sói nghe được, Uyêcxuyt thường nói:
- Ta đây dạy cho Guynplên đủ thứ, kể cả chữ La tinh, còn đối với Đêa thì chẳng có gì, kể cả âm nhạc.
Ông đã dạy cho hai đứa hát. Bản thân ông rất giỏi thổi ống rạ, một thứ sáo nhỏ thời bấy giờ.
Ông thổi ống rạ nghe rất hay, cũng như khi ông chơi đàn xiphôni, một thứ đàn quay của hành khất, mà ký sự của Bectơrăng Duyghexcơlanh gọi là "nhạc cụ ăn mày", và được xem như điểm xuất phát của hòa khúc. Những thứ nhạc cụ ấy thường thu hút quần chúng, Uyêcxuyt đưa cái xiphôni của mình cho đám đông xem và nói:
- Tiếng La tinh gọi nó là organistrum.
Ông đã dạy cho Đêa và Guynplên hát theo phương pháp của orphê và Egit Binsoa. Nhiều lần ông phải cắt ngang bài học để thốt lên lời sảng khoái sau đây: orphê, nhạc sĩ Hy lạp! Binsoa, nhạc sỹ Picardi!
Nền giáo dục chu đáo tuy có phức tạp nhưng vẫn không làm cho đôi trẻ bận rộn đến mức sao nhãng việc tôn thờ nhau. Chúng đã khôn lớn, hoà lẫn trái tim, như hai cây non, trồng bên nhau, hoà lẫn lá cành khi trở thành đại thụ.
- Cũng không sao - Uyêcxuyt lầm rầm - ta sẽ cho chúng lấy nhau.
Và ông lại càu nhàu một mình:
- Chúng làm rầy ta với chuyện yêu đương của chúng quá Quá khứ, hay ít ra tí chút quá khứ mà chúng có được, đối với Guynplên và Đêa cũng như không. Chúng chỉ biết được những gì Uyêcxuyt nói cho chúng nghe.
Chúng gọi Uyêcxuyt là "Bố".
Guynplên chỉ nhớ lại quãng đời thơ ấu như một bầy ma quỉ lướt qua trên chiếc nôi của mình. Nó có cảm giác như bị chà đạp trong bóng tối bởi những bàn chân dị dạng. Do cố ý hay vô tình? Nó không rõ. Điều nó nhớ rõ ràng và trong từng chi tiết nhỏ là câu chuyện bi đát bỏ rơi nó. Việc tìm thấy Đêa đối với nó đã biến cái đêm hãi hùng ấy thành một ngày rực rỡ đáng ghi nhớ.
Còn hơn cả trí nhớ của Guynplên, trí nhớ của Đêa như ở trên mây. Bé nhỏ quá nên mọi việc đều tiêu tan.
Cô nhớ đến mẹ như một cái gì giá lạnh. Cô có nhìn thấy mặt trời không? Có thể là có. Cô cố đưa trí óc mình vào sâu trong chỗ tan biến phía sau cô. Mặt trời ư? Nó là cái gì? Cô nhớ đến một vật gì sáng ngời và ấm áp mà Guynplên đã thay thế.
Hai đứa thì thầm với nhau nhiều chuyện. Chắc chắn việc thỏ thẻ với nhau là điều quan trọng nhất trên trần. Đêa bảo với Guynplên:
- Khi anh cất tiếng nói, đấy chính là ánh sáng.
Một hôm, qua ống tay áo voan, Guynplên trông thấy cánh tay của Đêa; không dừng được, nó liền lướt nhẹ đôi môi trên cái hình bóng trong suốt ấy. Miệng dị hình, hôn lên lý tưởng. Đêa cảm thấy đê mê ngây ngất. Cô đỏ ửng mặt. Cái hôn ấy của con quái vật đã làm bừng sáng ánh bình minh trên vầng trán đẹp đầy đêm tối. Trong khi đó Guynplên thở dài với một nỗi hãi hùng, và vừa lúc cổ áo Đêa hé ra, nó không thể không nhìn những đường nét trắng ngần lộ rõ qua cánh cửa thiên thai.
Đêa vén ngay ống tay áo lên, vừa chìa cho Guynplên cánh tay trần của mình vừa nói:
- Anh hôn nữa đi?
Guynplên vội vàng chạy trốn để tìm cách thoát thân.
Hôm sau trò chơi lại tái diễn với chút ít cải biên. Sa ngã của thần linh trong vực thẳm êm đềm của tình ái.
Đây là những việc khiến chúa từ bi, với tư cách triết gia nhiều tuổi, phải mỉm cười.
Đôi khi Guynplên cũng tự trách mắng mình. Nó xem hạnh phúc của nó như một tình thế khó xử. Nó nghĩ rằng để cho một người đàn bà không trông thấy mình yêu mình, đó là đánh lừa người ấy. Nàng sẽ nói sao nếu đôi mắt của nàng đột nhiên mở sáng? Điều quyến rũ nàng sẽ làm nàng hãi hùng biết mấy! Nàng sẽ lùi bước như thế nào trước người yêu khủng khiếp!
Nàng sẽ hét lên như thế nào! Nàng sẽ bịt mắt lại như thế nào? Nàng sẽ chạy trốn như thế nào! Một tâm trạng ngại ngùng đau khổ cứ ngày đêm dằn vặt Guynplên. Nó tự bảo mình là quái vật thì không có quyền được yêu đương. Giao long mà lại được tinh cầu sùng bái, nó có bổn phận phải soi sáng vì sao mù quáng kia.
Có lần nó bảo Đêa:
- Em nên biết là anh rất xấu.
- Em biết anh cao thượng - cô trả lời.
Nó lại nói:
- Khi em nghe thiên hạ cười, đó là họ cười anh, vì anh ghê tởm lắm.
- Em yêu anh - Đêa bảo nó.
Im lặng một lúc, cô tiếp thêm:
- Em đang ở trong cõi chết, anh đã đưa em trở về cõi sống. Anh đứng đó tức là cảnh trời ngay bên cạnh em.
- Anh hãy đưa bàn tay anh cho em, để em dược chạm vào Chúa!
Bàn tay chúng tìm nhau, cùng siết chặt, và chúng không nói gì với nhau nữa, im lặng, lòng tràn ngập yêu đương.
Uyêcxuyt cáu kỉnh đã nghe hết. Hôm sau lúc đủ cả ba người, ông nói:
- Với lại Đêa cũng xấu thôi. Câu nói chẳng đạt kết quả gì hết. Đêa và Guynplên không nghe. Lúc nào cũng chăm chú vào nhau, ít khi chúng nhận thấy những lời cảm thán của Uyêcxuyt.
Ông thâm thuý mà chẳng được gì.
Tuy vậy lần này thái độ thận trọng của Uyêcxuyt khi ông nói "Đêa cũng xấu" cho thấy con người thông thái này có một hiểu biết nào đấy về phụ nữ. Chắc chắn Uyêcxuyt đã ngay thật phạm một điều dại dột. Với một phụ nữ nào khác, và với bất cứ một cô gái mù loà nào khác Đêa: mà nói hai tiếng "Tôi xấu" là có thể nguy hiểm đấy! Mù và phải lòng là hai lần mù quáng. Trong hoàn cảnh ấy, con người thường có những giấc mộng; ảo tưởng là bánh ăn của mộng; cất ảo tưởng khỏi tình yêu tức là lấy mất thức ăn của tình yêu. Tất cả những gì bồng bột đều có tác dụng trong sự hình thành tình yêu; sự khen ngợi có thể chất cũng như lòng cảm phục tinh thần. Vả lại không bao giờ nên nói với đàn bà một lời khó hiểu. Họ hay nghĩ ngợi vẩn vơ vào đó. Và thường họ nghĩ sai. Điều bí ẩn trong mơ mộng hay gây tác hại.
Rung động của một lời nói buông ra làm tan rã những gì khăng khít. Đôi khi không hiểu do đâu, vì một lời nói bâng quơ vô tình chạm phải, một trái tim bỗng dưng giá lạnh lúc nào không rõ. Người đang yêu cảm thấy hạnh phúc của mình giảm sút. Không gì đáng sợ bằng cảnh rò rỉ của chiếc bình rạn nứt.
May sao Đêa không phải thứ đất ấy. Chất liệu để tạo nên mọi người đàn bà không dược dùng để làm thành Đêa. Cô thuộc vào loại hiếm có. Thân hình mảnh mai dễ vỡ, nhưng trái tim lại không thế. Bản chất cô là tình yêu thiêng liêng chung thuỷ.
Tất cả tác hại do lời nói của Guynplên gây nên chỉ khiến cô một hôm phải thốt ra câu sau đây:
- Xấu, xấu là thế nào? Là làm điều ác. Guynplên chỉ làm điều lành. Guynplên đẹp chứ.
Rồi luôn luôn dưới hình thức quen thuộc với trẻ con và người mù, cô lại nói:
- Thấy? Các người bảo thấy là thế nào? Em, em biết là em không nhìn thấy. Hình như thấy là che khuất.
- Em định nói sao? - Guynplên hỏi.
Đêa đáp:
- Thấy là một cái gì che khuất sự thật.
- Không - Guynplên nói.
- Đúng thế! - Đêa cãi lại - vì anh bảo là anh xấu.
Cô suy nghĩ một lúc rồi nói thêm:
- Đồ nói dối!
Và Guynplên sung sướng vì đã thú nhận và đã không được tin. Lương tâm nó yên ổn và tình yêu của nó cũng yên ổn.
Thế là chúng đã đứa tròn đôi tám, đứa gần hai nhăm.
Chúng vẫn không "hơn gì" ngày đầu, như ngày nay người ta thường nói. Kém hơn; vì, ta còn nhớ, chúng đã qua đêm tân hôn lúc con bé mới chín tháng, nó lên mười.
Một tuổi thơ thần thánh vẫn tiếp tục trong mối tình của đôi trẻ; đôi khi hoạ mi ăn muộn vẫn ngân dài tiếng hót đêm khuya của nó đến tận giờ phút bình minh.
Những mơn trớn vuốt ve của đôi trẻ không bao giờ vượt quá những bàn tay siết chặt, và đôi khi khỏi cánh tay trần mơn nhẹ. Một niềm khoái cảm ấp úng dịu dàng cũng đủ cho chúng rồi.
Hai mươi bốn tuổi, mười sáu xuân xanh. Vì vậy mà một buổi sớm mai, Uyêcxuyt, không quên "cái vố" của ông, nói với chúng:
- Này mai các con phải chọn lấy một tôn giáo.
- Để làm gì cơ bố? - Guynplên hỏi.
- Để còn lấy nhau chứ.
- Thì đã lấy rồi thôi - Đêa đáp.
Đêa không thể hiểu rằng có thể làm vợ làm chồng hơn chúng nó hiện nay.
Thật ra sự bằng lòng hão huyền và trong trắng ấy, niềm thoả mãn ngây thơ của một tâm hồn đối với một tâm hồn đó, cảnh độc thân vẫn được xem là nghĩa vợ chồng đó, không hề làm cho Uyêcxuyt thất ý. Sở dĩ ông nói đến vì việc phải nói. Nhưng người thầy thuốc trong ông nhận thấy Đêa, nếu không phải quá trẻ, ít ra cũng quá ốm yếu và quá mảnh dẻ cho cái việc ông gọi là "cuộc hôn nhân bằng xương bằng thịt".
Việc ấy bao giờ cũng sẽ đến khá sớm.
Vả lại chúng chẳng thành vợ thành chồng rồi sao?
Nếu trên đời có cảnh không bao giờ phân ly, họ chẳng phải trong sự gắn bó này, giữa Guynplên và Đêa sao?
Điều thật tuyệt diệu, chúng đã được tai họa đẩy vào lòng nhau một cách đáng yêu và dường như duyên hội ngộ đầu tiên đó chưa đủ, tình yêu đã đến kết hợp, quấn thêm và thắt chặt cùng với tai hoạ. Còn sức mạnh nào có thể bẻ gãy sợi xích sắt được củng cố bằng nút hoa?
Chắc chắn đấy là những tâm hồn keo sơn gắn bó.
Đêa có sắc đẹp, Guynplên có ánh sáng. Mỗi bên đem phần hồi môn của mình đến, và không phải chúng chỉ như một cặp chim non, hơn thế, chúng hợp thành đôi uyên ương, chỉ cách nhau bằng thơ ngây, trong trắng, một thứ trung gian rất thiêng liêng.
Tuy nhiên Guynplên có muốn mơ màng và chìm đắm mãi trong việc chiêm ngưỡng Đêa và trong mối tình sâu kín của nó cũng không được, nó vẫn là đàn ông.
Làm sao tránh khỏi những quy luật tiền định. Cũng như toàn bộ thiên nhiên bao la, nó cũng có những xao xuyến thầm lặng do tạo hoá sắp đặt. Vì vậy mà đôi khi xuất hiện trước công chúng, nó phải nhìn những người phụ nữ trong đám đông; nhưng lập tức nó ngoảnh cặp mắt tội lỗi, và vội vàng hối hận rút lui vào tâm hồn đó.
Chúng ta cần phải nói thêm do thiếu động viên khuyến khích. Trên gương mặt của tất cả những người đàn bà nó nhìn, nó chỉ gặp toàn ghét, bỏ, ác cảm, ghê tởm, hắt hủi.
Rõ ràng không một người đàn bà nào khác Đêa có thể ưng thuận nó được. Việc này càng thúc đẩy nó hối hận.
Có biết bao điều thật nằm trong các câu chuyện cổ tích! Vết bỏng do con quỷ vô hình chạm vào bạn, đó là sự hối hận của một tư tưởng xấu.
ở Guynplên, tư tưởng xấu không thể nào nảy nở, cho nên không bao giờ có hối hận. Nhưng thỉnh thoảng cố hối tiếc.
Những phiền muộn không rõ ràng của lương tâm.
Đó là gì? Không là gì cả. Hạnh phúc của chúng thật toàn vẹn. Toàn vẹn đến mức chúng không nghèo khổ như trước nữa.
Từ năm 1689 đến năm 1704 đã có một sự thay hình đổi dạng.
Vào năm 1704 ấy, thỉnh thoảng vào lúc chập tối lại thấy một toa chở hàng rộng và nặng nề, do hai con người khoẻ kéo, đi vào một thành phố nhỏ nào đó của miền duyên hải. Nó giống như một chiếc vỏ tàu úp sấp, sống tàu làm mái, boong tàu làm sàn, và đặt trên bốn bánh xe. Cả bốn bánh đều bằng nhau và cao như bánh xe chở đồ nặng. Bánh, càng và toa, tất cả đều sơn xanh, sắc độ hài hoà chuyển dần từ màu xanh chai ở bánh xe sang màu xanh táo trên mái.
Nhìn mãi cái cảnh xanh ấy cuối cùng mọi người phải chú ý đến chiếc xe, và nó thành ra nổi tiếng trong các bãi chợ phiên; người ta gọi nó là Grin-boc nghĩa là cái hộp xanh. Hộp xanh chỉ có hai cửa sổ, mỗi đầu một, và phía sau một cửa ra vào, với bậc lên xuống. Trên mái, từ một cái ống cũng sơn xanh như các phần còn lại, thoát ra một dải khói. Ngôi nhà lưu động ấy luôn luôn được sơn mới và rửa sạch.
Phía trước, trên chiếc ghế phụ, dính liền vào toa hàng và tất cửa sổ làm lối ra vào, bên trên mông ngựa, cạnh một ông già cầm cương điều khiển đôi ngựa, có hai cô gái không sinh đẻ, người Bô-ê-miêng[209], ăn mặc kiểu nữ thần: ngồi thổi kèn đồng. Dân thành phố ngơ ngác ngắm nghía và bàn tán về cỗ xe do, nó lắc la lắc lư một cách ngạo nghễ.
Đấy là cơ sở cũ của Uyêcxuyt, nhờ thành công và mở rộng, và từ sân khấu rong thăng cấp thành nhà hát.
Một giống vật giữa sói và chó được xích dưới toa hàng. Đấy là Ômô.
Người đánh xe già điều khiển đôi ngựa chính là bản thân vị triết gia.
Nhờ đâu mà có sự phát triển từ chiếc lều khốn khổ thành chiếc xe nhỏ của thế vận hội?
Nhờ Guynplên đã nổi tiếng.
Quả là Uyêcxuyt đã có con mắt tinh đời về sự thành công khi ông nói với Guynplên:
- Người ta đã làm nên hạnh phúc cho con.
Nhưng ta còn nhớ, Uyêcxuyt đã nhận Guynplên làm học trò. Một lũ vô danh cắt vá mặt mũi. Còn ông, ông nhào nặn trí tuệ, và sau cái mặt nạ rất thành công kia ông đã đem hết sức mình để thật nhiều tư tưởng vào.
Khi nhìn thấy thằng bé lớn lên đã đủ tư cách, ông liền đưa nó lên sân khấu, nghĩa là ra phía trước lều. Hiệu quả của việc xuất hiện ấy thật phi thường. Lập tức khách qua đường đều thán phục. Chưa bao giờ người ta được thấy một trò gì có thể so sánh với cái tuồng câm bắt chước cười kỳ lạ ấy. Người ta không biết làm thế nào mà lại đạt dược vẻ cười ngặt nghẽo huyền diệu ấy, người bảo là tự nhiên, kẻ cho là nhân tạo, và các điều phỏng đoán cứ thêm mãi vào thực tế. Khắp nơi, tại các đầu đường, xó chợ, các bãi chợ phiên và hội hè, quần chúng cứ đổ xô đến xem Guynplên. Nhờ "trò lôi cuốn lớn"[210] ấy, tiền bạc cứ vất như mưa vào cái túi khổ, đeo ở lưng nhóm người lang thang, thoạt tiên là tiền Lya, rồi đến tiền xu, và cuối cùng là tiền xteclinh[211].
Nơi này hết tò mò lại đến nơi khác. Lăn mãi không làm cho đá thêm rêu, nhưng lại giúp cho lều thêm cửa; và năm tháng trôi qua, từ thành phố nọ đến thành phố kia, với sự phát triển về tầm vóc và vẻ xấu của Guynplên, hạnh phúc mà Uyêcxuyt tiên đoán đã đến.
- Con ơi, cực kỳ biết mấy, những việc họ đã làm cho con - Uyêcxuyt nói.
"Hạnh phúc" ấy đã giúp cho Uyêcxuyt, người tổ chức mọi thành công của Guynplên, thuê làm được chiếc xe mà ông hằng mơ ước, nghĩa là một toa chở hàng khá rộng để mang nổi một nhà hát và gieo rắc khoa học nghệ thuật tại các đầu đường. Ngoài ra Uyêcxuyt còn có thể thêm vào cái nhóm gồm có ông, Ômô, Guynplên và Đêa, hai con ngựa và hai người đàn bà, hai ả này thuộc nhóm nữ thần, như chúng tôi vừa nói, và là những đầy tớ gái. Một bộ mặt thần thoại cũng được việc trong một gánh hát rong. Uyêcxuyt nói: "Chúng ta là một ngôi đền nay đây mai đó".
Hai cô ả không con kia, do vị triết gia nhặt được trong đám du cư ô hợp của các thị trấn và ngoại ô, rất xấu và còn trẻ; theo ý muốn của Uyêcxuyt một cô tên là Phêbê[212], một cô tên là Vênuyx[213] các bạn hãy đọc là Fibi và Vinơx. Bởi vì theo phép lịch sự nên đọc đúng cách phát âm của người Anh, Fibi lo bếp nước, còn Vinơx chăm việc quét đền.
Ngoài ra nhưng hôm biểu diễn các cô lo trang phục cho Đêa.
Xong cái mà dân hát rong cũng như các ông hầu gọi là "cuộc sống công khai". Đêa cũng như Fibi và Vinơx, mặc váy Florăng bằng vải hoa và áo capingô đàn bà không tay. Uyêcxuyt và Guynplên mặc capingô đàn ông và như cánh thuỷ thủ chiến đấu, đi những đôi ủng to theo kiểu thuỷ quân. Trong các công việc và các trò phải dùng đến sức khoẻ, Guynplên còn đeo quanh cổ và trên vai một chiếc lá sen bằng da. Nó phải săn sóc bầy ngựa.
Uyêcxuyt và Ômô thì chăm lo lẫn cho nhau.
Do quá quen với Hộp Xanh, Đêa đi đi lại lại trong ngôi nhà lưu động hầu như thoải mái và tưởng như cô nhìn thấy được trong nhà.
Giá có con mắt nào nhìn sâu vào cơ cấu thân mật và cách thu xếp của cái dinh cơ đi rong này hẳn phải nhận thấy, trong một góc, buộc ghìm vào góc và đứng im trên bốn bánh, chiếc lều ngày xưa của Uyêcxuyt đã về hưu được phép gỉ nát, và từ nay khỏi phải lăn bánh cũng như Ômô khỏi phải kéo xe.
Chiếc lều ấy, dẹp vào xó phía sau bên phải cánh cửa ra vào, dùng làm buồng và phòng quần áo của Uyêcxuyt và Guynplên. Bây giờ nó có hai giường. Góc trước mặt là bếp. Lối thu xếp trên tàu thuỷ cũng không thể gọn gàng ngăn nắp hơn cách thu dọn khéo léo bên trong của Hộp Xanh. Mọi vật ở dây đều được sắp đặt theo thứ tự, từ trước: theo ý muốn. Chiếc xe chia làm ba ngăn có vách chắn. Các ngăn thông với nhau bằng những khoảng trống không cửa. Một miếng vải buông thõng che đại khái các ngăn.
Ngăn phía sau làm nơi ở của đàn ông, ngăn phía trước, nơi ở của đàn bà, ngăn giữa chia cách hai giới là sân khấu. Nhạc cụ và máy móc xếp cả trong bếp.
Một gác xép dưới vòm mái chứa đựng các đồ trang trí, và khi mở cánh của sập ở gác xép sẽ thấy lộ ra những ngọn đèn dùng để tạo nên những ánh sáng huyền diệu.
Uyêcxuyt là nhà thơ của các trò huyền diệu ấy.
Chính ông dàn dựng các vở.
Ông có nhiều tài linh tinh, ông làm nhũng trò thủ thuật rất đặc biệt.
Ngoài những trò biểu diễn giọng nói, ông còn tạo được đủ thứ bất ngờ, ánh sáng đột ngột: bóng tối thình lình, những dãy số ngẫu nhiên hay những nhóm từ theo ý muốn trên vách, những mảng tối, sáng xen lẫn những hình thù đột biến, rất nhiều trò kỳ quặc, trong khi ấy, không chú ý đến đám đông kinh ngạc, ông dường như trầm ngâm suy nghĩ.
Một hôm Guynplên bảo với ông:
- Bố ạ, nom bố cứ như một nhà phù thuỷ.
Uyêcxuyt đã trả lời:
- Có lẽ vì bố là phù thuỷ thật.
Hộp Xanh, làm theo mẫu vẽ khéo léo của Uyêcxuyt, có mặt tinh xảo tài tình là giữa hai bánh trước và hai bánh sau, tấm bảng giữa của mặt tiền bên trái có thể xoay trên bản lề nhờ một hệ thống dây và ròng rọc, và hạ xuống theo ý muốn như một cái cầu treo. Lúc hạ xuống, tấm bảng thả ra ba cột chống có bản lề, chống thẳng xuống đất như bàn chân, và đỡ tấm bản nằm trên vệ đường như một cái bục. Tấm bảng trở thành sân khấu. Đồng thời rạp hát xuất hiện, có thêm cái mâm tạo thành phía trước sân khấu. Cái cửa đó hoàn toàn giống một cái miệng địa ngục, như lời các nhà truyền đạo thanh giáo giữa trời, hễ thấy nó các ngài lại ghê tởm ngoảnh mặt đi. Chắc hẳn cũng vì một sáng kiến nghịch đạo loại đó mà Xôlông, đã vác gậy nện Texpi.
Vả lại Texpi tồn tại lâu hơn người ta tưởng. Chiếc xe nhà hát hiện nay vẫn còn. Chính trên những nhà hát lưu động kiểu đó, ở thế kỷ thứ mười sáu và mười bảy ở nước Anh người ta đã trình diễn vũ khúc và thơ tứ khổ của Amne và của Pinkinhtơn, ở nước Pháp những kịch mục đồng của Ginbe Colanh, ở Flăngđrơ trong các chợ phiên, những cặp song ca của Clêmăng, tức Nông Papa, ở Đức tuồng Ađam Êva của Tailex, và ở Ý nhũng trò vui thành Vơnidơ của Animuxya và của Ca Fôtxi. những Sylves của Ghêxuanđô, hoàng thân Vênuz, vở Dương thần của Lora Ghiđixioni, vở Nỗi thất vọng của Filen, cái chết của Ugôlin của Vanhxăng Galilê, thân sinh ra nhà thiên văn học, ông Vanhxăng Galilê này đích thân hát bài hát của mình và đệm thêm vĩ cầm Ý, và tất cả những thử nghiệm đầu tiên về ca kịch Ý, từ năm 1580, đã thay thế thể loại hoa tình bằng thi hứng tự do. Chiếc xe màu hy vọng, chở Uyêcxuyt, Guynplên cùng với cơ nghiệp của họ, phía trước có Fibi và Vinơx thổi kèn đồng như hai tài tử trứ danh, tham dự với toàn bộ cái tập thể to lớn có tính chất giang hồ và văn học đó.
Texpi hẳn cũng không trái ngược với Uyêcxuyt hơn Côngoriô trái ngược với Guynplên.
Mỗi khi đến các bãi làng và các quảng trường thành phố, những lúc điệu kèn của Fibi và Vinơx tạm nghỉ, Uyêcxuyt lại bình luận về kèn đồng, phổ biến những điều bổ ích cho hiểu biết. Ông nói to:
- Khúc nhạc ấy là của Giáo hoàng Grêgoa. Thưa quý vị đồng bào thành phố, lễ thức Grêgoa[214] sự tiến bộ lớn lao ấy, ở nước Ý đã vấp phải lễ nghi của thánh Ămbroa[215], và ở Tây Ban Nha vấp phải lễ nghi của những người Giatô bị quân Morơ đô hộ, và khó khăn lắm mới thắng được.
Sau đó, Hộp Xanh dừng lại ở một nơi nào đó do Uyêcxuyt lựa chọn, và tối đến, tấm bảng sân khấu hạ xuống, nhà hát mở cửa và buổi biểu diễn bắt đầu.
Nhà hát Hộp Xanh tượng trưng một phong cảnh do Uyêcxuyt vẽ - ông lại không biết vẽ - thành thử khi cần, phong cảnh có thể tượng trưng một hầm ngầm.
Màn, cái chúng tôi gọi là phông, là một tấm rèm lụa kẻ ô vuông, màu tương phản.
Công chúng đứng phía ngoài, ngay giữa phố, trên bãi, quây thành hình bán nguyệt trước sân khấu, dưới mưa nắng, một lối bố trí các nhà hát thời ấy không thích bằng các nhà hát hiện nay. Khi có thể, người ta biểu diễn trong sân một quán trọ, thành thử bao nhiêu tầng cửa sổ là bấy nhiêu dẫy ghế lô. Như vậy nhà hát kín hơn, công chúng phải trả tiền nhiều hơn.
Uyêcxuyt làm tất cả mọi việc, viết kịch bản, diễn viên, đầu bếp, dàn nhạc. Với Vinơx đánh caccavô, cô ả vung đũa rất tài nghệ, còn Fibi thì gẩy đàn Morasơ, một thứ lục huyền cầm. Con sói đã được công nhận có công.
Tất nhiên nó là thành viên của "đoàn" và khi cần cũng đóng trò tí chút. Thường thường Uyêcxuyt và Ômô thường xuất hiện bên nhau trên sân khấu. Uyêcxuyt khoác tấm da gấu của ông với dải buộc cẩn thận. Ômô trong tấm da sói của nó vừa vặn hơn, người ta không biết ai trong hai kẻ ấy là súc vật; điều đó làm cho Uyêcxuyt rất thích thú.
Những vở kịch của Uyêcxuyt là những tiểu phẩm xen kẽ, một loại hình ngay nay đã hơi lỗi thời. Một trong số những vở ấy đã không đến được với chúng ta, nhan đề Uyêcxuyt Ruyêcxuyt. Có thể trong đó ông đóng vai chính. Một cảnh giả vờ bước ra rồi lại quay vào, hình như đó là chủ đề vừa đơn giản vừa đáng khen.
Như ta thấy, nhan đề các tiểu phẩm của Uyêcxuyt đôi khi bằng tiếng La tinh và phần thơ đôi khi bằng tiếng Tây Ban Nha. Những câu thơ Tây Ban Nha của Uyêcxuyt đều có vần như hầu hết tất cả các bài đoản thi Caxti thời bấy giờ. Điều đó không làm cho dân chúng khó chịu. Hồi ấy tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ thông dụng, và thuỷ thủ Anh nói tiếng Caxti cũng như lính La mã nói tiếng Cactagiơ. Các bạn cứ thử đọc Plôt thì biết. Vả lại đi xem hát hay xem lễ thì tiếng La tinh hay tiếng nào khác mà cử toạ không hiểu cũng không làm cho ai lúng túng cả. Người ta giải quyết khó khăn bằng cách cứ vui vẻ đệm thêm những lời quen thuộc.
Nước Gôlơ[216] cổ xưa của chúng ta đặc biệt hay có lối sùng bái như thế. Ở nhà thờ, đến một đoạn Immolatus, giáo dân lại hát bài Ta sẽ hoan hỉ, và đến một đoạn Sanctus lại hát bài Cô bạn ơi, hôn ta đi. Phải có hội nghị tôn giáo Tơrăng mới chấm dứt được những kiểu lai căng đó.
Uyêcxuyt đã sáng tác riêng cho Guynplên một vở tuồng xen kẽ mà ông rất thích thú. Đó là tác phẩm chính của ông. Ông đã để hết tâm trí vào đấy. Đem toàn thư của mình đặt vào sản phẩm của mình, đó là thắng lợi của bất cứ người nào sáng tác. Con cóc cái đẻ được con cóc con cũng đã làm nên một kiệt tác. Các bạn hoài nghi ư? Xin cứ thử làm được như thế xem.
Uyêcxuyt đã dày công gọt dũa tiểu phẩm đó. Con gấu con ấy nhan đề là Hồng hoang chiến bại.
Câu chuyện như sau:
Một cảnh đêm. Lúc màn mở ra, đám đông chen chúc trước Hộp Xanh chỉ thấy một màu đen. Trong cảnh đen tối ấy có ba hình thù không rõ lắm đang cử động bò trườn, một con sói, một con gấu và một con người. Sói là con sói, gấu là Uyêcxuyt, người là Guynplên. Sói và gấu tượng trưng các sức mạnh của thiên nhiên, những khát vọng vô ý thức, bóng tối man rợ, và cả hai nhảy xổ vào Guynplên, đấy là cảnh hồng hoang chiến đấu với con người. Không nhận thấy mặt ai cả. Guynplên vùng vẫy, mình quấn một tấm vải liệm, mặt mũi bị bộ tóc dài rủ xuống che kín. Vả lại bốn bề đều tăm tối. Con gấu gầm, con sói rống, con người gào thét. Con người nằm dưới, hai con vật đè lên trên; nó van xin giúp đỡ và cứu vớt, nó hét một tiếng dài giữa cõi mông lung vô định. Nó thở khò khè. Mọi người được xem cảnh hấp hối của con người sơ khai còn hơi khác súc vật một tí; thật là rùng rợn, đám đông hồi hộp nhìn; một phút sau hai con thú đắc thắng, hồng hoang sắp nuốt chửng con người. Vật lộn kêu la, gào thét rồi thình lình im lặng. Có tiếng hát trong bóng tối. Một ngọn gió thoảng qua, có tiếng người. Nhiều tiếng nhạc huyền bí bềnh bồng đệm theo tiếng hát vô hình, rồi đột nhiên không rõ từ đâu và bằng cách nào một bóng trắng xuất hiện. Bóng trắng đó là một ánh sáng, ánh sáng đó là một người đàn bà, người đàn bà đó là tinh thần. Đêa, bình tĩnh, ngây thơ, xinh đẹp, vô cùng trong sáng và dịu dàng, xuất hiện giữa một vầng hào quang. Bóng dáng của ánh sáng trong cảnh bình minh. Giọng nói, chính là Đêa. Giọng nói nhẹ nhàng sâu sắc, không sao tả nổi. Từ vô hình trở thành hữu hình, trong ánh lê minh cô cất cao tiếng hát. Mọi người tưởng như nghe tiếng hát của thần tiên hay tiếng líu lo của chim hót.
Hình bóng vừa xuất hiện thì con người, loá mắt, giật mình, đứng lên, giáng mạnh hai nắm tay, quật ngã hai con vật.
Thế là ảo ảnh, được nâng dậy nhờ một phương pháp trượt khó hiểu và do đó càng được tán thưởng, hát lên những câu thơ sau đây, bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha trong sáng, đủ cho những thuỷ thủ người Anh nghe:
Ora! Llora!
De palabra Nace razon.
Daluze el son[217]
Rồi ảo ảnh đưa mắt nhìn xuống phía dưới như chợt trông thấy một vực thẳm và hát tiếp:
Noche quilate de ali El alba canta hallali[218].
Ảo ảnh càng hát, con người càng đứng thẳng dậy, và từ chỗ nằm sóng soài, giờ đây nó đã quỳ gối, hai tay đưa về phía ảo ảnh, hai gối đè lên hai con vật năm im như bị sét đánh, ảo ảnh quay về phía con người hát tiếp.
Es menester a cielos ir.
Y tu que llorabas rur.[219]
Và vừa tiến đến gần, oai nghiêm như một tinh cầu.
Ảo ảnh vừa hát thêm:
Gebra barzon!
Dexa, menstro.
A tu negro.
Caparazon[220]
Rồi ảo ảnh đặt bàn tay lên trán con người.
Thế là một giọng khác cất lên, sâu sắc hơn và do đó êm ái hơn, một giọng vừa ảo não vừa say sưa, trang nghiêm một cách dịu dàng và hung dữ, đó là tiếng hát của con người đáp lại tiếng hát của vũ trụ. Guynplên, vẫn quỳ trong bóng tối, đè lên con gấu và con sói bị đánh bại, mái đầu trong bàn tay của Đêa, hát:
Oven! Ama!
Eres alma Say co razon[221]
Rồi đột nhiên, trong bóng tối, một thủ thuật ánh sáng chiếu thẳng vào mặt Guynplên.
Trong cảnh mịt mù tăm tối đó người ta thấy con quái vật tươi cười.
Thật không tài nào tả nổi chấn động của quần chúng. Một mặt trời cười vui xuất hiện, đó là kết quả.
Tiếng cười vẫn nảy sinh từ chỗ bất ngờ, và không gì bất ngờ hơn đoạn kết thúc đó. Không cảm kích đột ngột nào bì kịp cái tát đó của ánh sáng vào cái mặt nạ hài hước và khủng khiếp kia. Khắp nơi, ở trên, ở dưới, phía trước, phía sau, đàn ông, đàn bà, những bộ mặt già hói, những gương mặt trẻ con hồng hào, dân lành, bọn độc ác, người vui, kẻ buồn, tất cả; và cả người đường người qua lại, những kẻ không trông thấy, nghe tiếng cười, cũng cười.
Và đợt cười kết thúc bằng tiếng vỗ tay, dậm chân. Màn vừa khép kín, người ta cuồng nhiệt đòi hỏi Guynplên phải ra lại. Do đó mà thắng lợi hết sức rực rỡ. Bạn đã xem Hồng hoang chiến bại chưa? Người ta đổ xô đến với Guynplên. Vô tâm đến để cười, ưu sầu đến để cười, ác ý đến để cười. Cái cười không cưỡng nổi đến mức thỉnh thoảng nó có thể như bệnh hoạn, nhưng nếu có một thứ bệnh dịch mà con người không tìm cách trốn tránh, thì đó là bệnh cười dễ lây lan. Gia dĩ thành công lại không bao giờ vượt quá tầng lớp hạ lưu. Phần đông là dân thường. Người ta xem Hồng hoang chiến bại mất có một peni. Người lịch sự không đến những nơi chỉ mất một xu.
Uyêcxuyt không bao giờ chán ghét tác phẩm ấy, một tác phẩm đã được ông dày công ấp ủ, ông nói một cách rất khiêm tốn:
- Nó thuộc thể loại của một người tên là Sêcxpia.
Việc ghép Đêa vào càng tăng thêm kết quả không tả xiết của Guynplên. Gương mặt trắng trẻo đó bên cạnh con quỷ kia tượng trưng cho cái ta có thể gọi là cảnh bất ngờ tuyệt diệu. Dân chúng nhìn Đêa với một nỗi lo âu bí mật. Cô có một cái gì tuyệt vời của cô đồng trinh và của người nữ tu sĩ, chưa từng biết đến con người và lại không hiểu Chúa. Người ta biết rõ là cô mù, nhưng lại có cảm giác cô vẫn trông thấy. Hình như cô đứng ở ngưỡng cửa của phi thường. Dường như cô nửa ở trong ánh sáng chúng ta, và nửa ở trong ánh sáng kia. Cô giáng trần, và hoạt động theo kiểu thần tiên, cùng với bình minh. Cô tìm được một con giao long và biến nó thành một tâm hồn. Cô có vẻ như một đấng tạo hoá, thoả mãn, sửng sốt trước công trình sáng tạo của mình.
Người ta tưởng như nhìn thấy trên bộ mặt kinh hoàng đáng tôn kính của cô ý chí của nguyên nhân và sự ngạc nhiên của kết quả. Người ta cảm thấy cô yêu quí con quái vật của cô. Cô có biết nó là quái vật không? Có, vì cô đang sờ vào nó. Không, vì cô chấp nhận nó. Tất cả tăm tối đó và tất cả ánh sáng đó hoà lẫn vào nhau, trong tâm trí người xem thành một thứ tranh tối tranh sáng làm hiện lên không biết bao nhiêu viễn cảnh. Tính thần thánh gắn liền với phác thảo như thế nào, linh hồn thâm nhập vào vật chất bằng cách nào, làm sao tia sáng mặt trời lại là một cuống rốn, kẻ dị dạng đổi dáng thay hình bằng cách nào, làm sao kẻ dị hình trở thành người của thiên đường, tất cả những điều bí mật cảm đoán được đó làm cho không khí vui cười ngặt nghẽo do Guynplên gây nên thêm phức tạp bởi một tình cảm hầu như nguyên thuỷ. Không tìm hiểu đến cùng, vì khán giả có thích đi sâu làm gì cho mệt, người ta cũng hiểu đôi chút bên kia những điều trông thấy, và vở tuồng kỳ lạ đó có cái vẻ trong sáng của một cảnh giáng trần.
Còn về phần Đêa, điều cô cảm thụ vượt xa ngôn ngữ con người. Cô cảm thấy mình đứng giữa quần chúng mà không phân biệt quần chúng là gì. Cô chỉ nghe có tiếng ồn ào, thế thôi. Đối với cô, quần chúng như một luồng gió và thật ra cũng chỉ như thế. Cái thế hệ là những hơi thở thoảng qua. Con người thở, hít vào rồi lại hắt ra.
Trong dám quần chúng đó, Đêa cảm thấy mình cô đơn, và có cảm giác rùng rợn đang lơ lửng trên một vực thẳm.
Thình lình, trong cảnh bàng hoàng của kẻ vô tội lâm nguy sắp kết tội vô định, trong nỗi bất bình trước việc sa ngã trông thấy. Đêa, tuy vậy vẫn bình tĩnh, và đứng trên nỗi lo mơ hồ về tai hoạ, nhưng trong lòng run sợ về cảnh cô đơn của mình, lại tìm thấy niềm tin và chỗ dựa; cô lại nắm lấy sợi dây cáp cứu của mình trong vũ trụ u minh, cô đặt bàn tay lên mái đầu hùng dũng của Guynplên. Niềm vui chưa từng có! Cô ấn mấy ngón tay ồng lên mái tóc quăn rậm như rừng đó. Mái tóc gợi lên một ý nghĩ êm dịu. Đêa chạm vào một con cừu mà cô biết là sư tử. Tất cả trái tim của cô tan chảy thành một mối tình khôn tả. Cô cảm thấy mình thoát khỏi nguy nan, cô đang gặp được cứu tinh. Công chúng lại tưởng trông thấy điều trái ngược. Đối với người xem, kẻ được cứu vớt là Guynplên, và cứu tinh lại là Đêa. Không sao.
Uyêcxuyt nghĩ, đối với ông, ông nhìn thấy rõ trái tim của Đêa. Và Đêa, yên tâm, vững dạ, hoan hỉ, tôn thờ đấng thiên thần, trong khi dân chúng ngắm nhìn con quái vật và bản thân họ cũng bị thu hút, chịu ảnh hưởng nhưng theo chiều ngược lại, trước cái cười vĩ dại của Prômêtê. Tình yêu thật sự có bao giờ biết chán. Hoàn toàn là tinh thần, tình yêu không thể nào lạnh nhạt. Một cục than hồng tự phủ bằng tro, còn một vì sao thì không thế.
Những cảm xúc êm đềm đó tối nào cũng tái diễn với Đêa, và lúc nào cô cũng sẵn sàng nức nở vì sung sướng trong khi mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo. Xung quanh cô, người ta chỉ biết vui cười, riêng cô, cô hạnh phúc.
Vả lại, kết quả vui cười, nhờ nét mặt bất ngờ và kinh ngạc của Guynplên mà có, chắc chắn không phải là điều Uyêcxuyt mong muốn. Ông thích có nhiều nụ cười hơn, ít tiếng cười hơn và một kiểu tán thưởng mang tính chất văn học hơn. Nhưng thắng lợi vẫn là niềm an ủi.
Tối nào ông cũng tự an ủi với thành công quá sức của mình, khi ngồi đếm những cọc tiền thu được. Rồi ông tự nhủ, suy cho cùng, khi tiếng cười chấm dứt, vở Hồng hoang chiến bại lại hiện lên trong các đầu óc và vẫn còn chút gì đó với họ. Có lẽ ông không hoàn toàn nhầm lẫn, một tác phẩm bao giờ cũng đọng lại trong quần chúng.
Sự thật là đám dân nghèo kia, chú ý vào con sói, vào con gấu, vào con người kia, rồi vào tiếng nhạc, vào những tiếng gào thét được hoà thanh làm cho dịu bớt, vào cảnh đêm tối tan biến trước ánh bình minh, vào tiếng hát phát ra ánh sáng kia, tán thưởng với một cảm tình mơ hồ và sâu sắc, xen lẫn đôi chút kính trọng xúc động nữa, vở kịch thơ Hồng hoang chiến bại, xem đó là chiến thắng của tinh thần đối với vật chất, dẫn đến niềm vui của con người. Những thú vui thô thiển của dân chúng thường chỉ thế thôi.
Như vậy là đủ với dân chúng. Họ không có phương tiện để đi xem những "trận đấu cao quý" của giai cấp trung lưu, và không thể như các đức ông và các ngài quý tộc, đánh cá một nghìn ghinê cho Helmghên gặp Flemghêmađon.
Con người thường muốn trả thù niềm vui mà người khác đưa đến cho mình. Do đó nẩy sinh thái độ khinh miệt diễn viên. Người này làm cho tôi say sưa, khuây khoả, hết buồn, cho tôi bài học, quyến rũ tôi, an ủi tôi, truyền đạt lý tưởng cho tôi, đối với tôi thật dễ chịu và bổ ích, vậy tôi có thể làm gì để hại hắn? Sỉ nhục. Khinh bỉ là một cái tát từ xa. Chúng ta hãy tát hắn. Hắn làm tôi vui bụng, vậy là hắn bần tiện. Hắn giúp đỡ tôi, vậy tôi phải căm thù hắn. Tìm đâu được hòn đá để tôi ném vào mặt hắn? Hỡi giáo sĩ, cho tôi hòn đá của ông. Hỡi vị triết gia, cho tôi hòn đá của vị. Bôtxuyê[222] đâu, hãy rút phép thông công của hắn. Rutxô[223] đâu, hãy chửi cho hắn một trận. Hỡi nhà hùng biện, hãy khạc sỏi vào mặt hắn. Gấu đây hãy ném đá lát đường vào hắn. Chúng ta hãy ném đá lên cây, hãy quật nát hoa quả, và hãy ăn hết hoa quả. Hoan hô! và Đả đảo! Đọc thơ của thi sĩ là lây phải bệnh dịch. Thằng hát rong à! Gông cổ nó lại khi nó thành công. Chúng ta hãy kết thúc thắng lợi của nó bằng la ó! Cho nó thu hút quần chúng và cho nó chuốc lấy cô độc. Chính vì vậy mà các tầng lớp giàu có, gọi là tầng lớp trên, đã sáng kiến cho diễn viên cái hình thức cô lập, là sự hoan hô.
Dân thường ít độc ác hơn. Họ không căm ghét Guynplên. Họ cũng không khinh bỉ nó. Có điều anh thợ xảm thuyền tồi nhất, trong tốp thuỷ thủ xoàng nhất, của chiếc tàu buôn bé nhất neo tại hải cảng nhỏ nhất nước Anh, cũng tự cho mình là hơn nhiều, hơn không thể lường được, so với cái thằng làm trò cho "đám mạt hạng" và thường đánh giá một lãnh chúa hơn một anh xảm thuyền bao nhiêu, thì một anh xảm thuyền cũng hơn một thằng hát rong bấy nhiêu.
Thế là Guynplên cũng như tất cả những diễn viên, được hoan hô và bị cô lập. Vả lại, dưới trần này, mọi thành công đều là tội ác, và đều phải chịu quả báo. Kẻ nào đón nhận huân chương cũng nhận luôn cả mặt trái của nó.
Đối với Guynplên không hề có mặt trái. Theo cái nghĩa nó thích cả hai mặt của thành công. Nó thoả mãn với chuyện hoan hô, và bằng lòng về cảnh cô lập. Nhờ hoan hô nó giàu có, nhờ cô lập nó được hạnh phúc.
Giàu có trong chốn hạ lưu của xã hội này là không nghèo đói nữa. Nghĩa là không có lỗ thủng trên quần áo, không giá lạnh trong lò sưởi, không trống rỗng trong dạ dày nữa. Là có ăn khi đói, có uống khi khát. Là có tất cả những gì cần thiết, kể cả đồng xu để cho kẻ nghèo. Cảnh giàu sang khốn cùng đó vừa đủ cho tự do, Guynplên đã đạt được.
Về mặt tâm hồn nó rất phong phú. Nó có tình yêu.
Nó còn mong muốn gì nữa?
Nó chẳng mong muốn gì cả.
Hình như cất bỏ điểm dị dạng đi có thể là một việc giúp đỡ cho nó. Chắc chắn nó sẽ từ chối việc đó. Trút bỏ cái mặt nạ này và lấy lại bộ mặt thật, trở lại như nó có lẽ trước kia: đẹp trai duyên dáng, chắc chắn nó không muốn. Nó sẽ lấy gì để nuôi Đêa? Cô gái mù hiền lành đáng thương vẫn yêu nó sẽ ra sao? Không có cái vẻ nhăn nhở giúp nó thành thằng hề độc nhất, nó sẽ chỉ là một tên hát rong như mọi tên khác, như bất kỳ một thằng đi dây nào đó và có lẽ Đêa sẽ không có bánh ăn hàng ngày!
Nó sung sướng cảm thấy rất tự hào được làm người che chở nàng tiên tàn tật này. Đêm tối. Cô đơn. Thiếu thốn. Bất lực. Ngu dốt. Đói và Khát, bảy cái mồm há hốc của nghèo khổ sừng sững xung quanh nàng, và nó là thánh Gioocgiơ chiến đấu chống con rồng đó. Và nó chiến thắng cảnh nghèo. Bằng cách nào? Bằng cái mặt dị kỳ của nó. Nhờ vẻ dị hình của mình, nó thành người hữu ích, cứu trợ, chiến thắng, vĩ đại. Chỉ cần nó xuất hiện là tiền bạc đổ vào. Nó là chủ các đám dông; nó tự thấy mình là chúa tể đám dân thường. Nó có thể làm tất cả vì Đêa. Mọi nhu cầu của cô, nó thoả mãn; mọi mong muốn, mọi ước ao, mọi ngông cuồng của cô, trong phạm vi hạn chế của các mong ước có thể của một người mù, nó đều làm vừa ý. Như chúng tôi đã nói rõ, Guynplên và Đêa là ân nhân của nhau. Nó cảm thấy được bay bổng bằng đôi cánh của Đêa, cô cảm thấy được bồng bế trên tay của Guynplên. Che chở người yêu mình, cung phụng mọi thứ cần thiết cho người đã cho mình muôn ánh sao, ôi còn gì êm ái hơn. Guynplên đang nằm giữa nền hạnh phúc tuyệt vời đó. Và nó nhờ vào sự dị dạng của nó. Sự dị dạng đó làm cho nó hơn hẳn. Nhờ cái đó, nó kiếm được miếng ăn cho bản thân và miếng ăn cho những người khác; nhờ cái đó, nó được tự chủ, tự do, nổi tiếng, tự mãn, tự hào. Trong cái dị dạng đó, không gì có thể đụng chạm vào nó. Mọi rủi ro bất hạnh không thể làm gì nổi nó ngoài cái đòn chúng đã bị kiệt quệ, và đã biến nó thành người chiến thắng. Tai hoạ tột cùng đó đã trở thành một đỉnh cao cực lạc. Guynplên bị giam giữ trong cảnh dị hình của mình, nhưng cùng với Đêa. Như chúng tôi đã nói, đó là ngồi trong ngục tối của thiên đường.
Giữa chúng nó và thế giới trần tục có một bức tường thành. Càng hay. Bức tường thành đó bao vây chúng nhưng lại bảo vệ chúng. Người ta có thể làm gì Đêa, người ta có thể làm gì Guynplên, với một kiểu khóa chặt cuộc đời xung quanh chúng như vậy? Cất bỏ thành công của nó ư? Không thể được. Muốn thế phải cất bỏ bộ mặt của nó. Cắt bỏ tình yêu ư? Không thể được. Đêa không hề thấy nó. Tật mù của Đêa nan y một cách thần diệu.
Đối với Guynplên, nét dị hình của nó có gì bất lợi?
Chẳng có gì bất lợi cả. Có lợi gì? Tất cả. Nó được yêu quý bất chấp vẻ rùng rợn đó, và có lẽ còn nhờ chính cái vẻ đó nữa. Tàn tật và dị hình, do bản năng, đã xích lại gần nhau và phối hợp với nhau. Được yêu, như vậy không đủ sao. Guynplên chỉ nghĩ đến bộ mặt biến dạng của mình với một lòng biết ơn sâu sắc. Nó được ban ân phúc với cái sẹo đó. Nó sung sướng tự cảm thấy mình không thể mất được và trường tồn. Còn may mắn nào hơn khi ân đức đó không thể thu hồi! Chừng nào còn có các ngã tư, còn có bãi chợ, còn đường phố để đi tới, còn dân chúng dưới trần, còn trời xanh trên cao, là chắc chắn còn sống được. Đêa sẽ không thiếu thốn một thứ gì, và sẽ có tình yêu! Guynplên hẳn không đánh đổi bộ mặt với Apôlông[224]. Đối với nó, quái vật là hình dáng của hạnh phúc.
Vì vậy chúng tôi nói lúc mở đầu rằng số phận đã ưu đãi chúng nó. Con người bị đày đoạ này là một kẻ được tuyển chọn.
Nó sung sướng đến nỗi lại ái ngại cho những người xung quanh. Nó có thừa lòng thương người, không sử dụng đến.
Vả lại do bản năng, đôi lúc nó cũng nhìn ra ngoài, vì không ai là một khối cố định, bất biến, và bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng; nó vui sướng bị quây kín, nhưng thỉnh thoảng nó cũng nhô đầu qua bức tường. Sau khi so sánh, nó lại thụt vào, càng sung sướng với cảnh cô lập của nó bên cạnh Đêa.
Nó thấy gì xung quanh? Những con người, mà cuộc đời phiêu bạt đã cho nó thấy đủ các kiểu mẫu, luôn luôn thay đổi hàng ngày kia là thế nào? Đám đông luôn luôn đổi mới, nhưng lúc nào cũng vẫn thứ quần chúng ô hợp đó. Luôn luôn có những bộ mặt mới nhưng lúc nào cũng vẫn những con người hẩm hiu cùng khổ. Một mớ pha trộn của tàn tạ. Tối tối tất cả mọi bất hạnh của xã hội lại đến quây tròn xung quanh diễm phúc của nó.
Hộp Xanh được dân chúng rất hâm mộ.
Rẻ tiền thường vẫy gọi tầng lớp dưới. Tìm tới cái rẻ tiền đều là những kẻ hèn kém, nghèo khổ, bé nhỏ. Người ta đến với Guynplên như đến với chén rượu. Người ta tới đây mua hai xu quên lãng. Từ trên sân khấu, Guynplên nhìn lướt qua đám dân chúng tối tăm. Tâm trí nó cứ đầy dẫy tất cả những bóng ma liên tiếp ấy của cùng khổ bất tận. Diện mạo con người là do lương tâm và cuộc đời hợp thành, và là kết quả cả một loạt những đục khoét bí mật.
Không một đau khổ nào, không một phẫn nộ nào, không một ô nhục nào, không một thất vọng nào mà Guynplên không nhìn thấy nếp nhăn. Những cái mồm trẻ con kia không được ăn. Anh kia là một người cha, chị kia là một người mẹ, và sau lưng họ người ta đoán được những gia đình đang gặp nguy khốn. Bộ mặt này vừa từ thói hư tật xấu đi ra và sắp bước vào con đường tội lỗi; và người ta hiểu lý do vì đâu: ngu dốt và đói nghèo. Bộ mặt kia mang một dấu vết nhân hậu buổi đầu đã bị thất vọng xã hội gạch bỏ nay trở thành căm hờn. Trên vầng trán bà lão này thấy rõ sự đói khát; trên vầng trán cô gái kia thấy rõ cảnh truy lạc. Vẫn một sự việc mà ở cô gái là nguồn sống, ở chỗ kia lại bi đát hơn. Trong đám ô hợp đó có nhiều cánh tay nhưng không có dụng cụ, lũ người lao động kia không đòi hỏi gì hơn, nhưng thiếu công ăn việc làm. Đôi khi một người lính, thỉnh thoảng một phế binh, đến ngồi bên cạnh anh công nhân, và Guynplên lại nhìn thấy cái bóng ma chiến tranh. Chỗ này Guynplên đọc được thất nghiệp, chỗ kia bóc lột, tôi đòi. Trên một số vầng trán nó nhận thấy có một sự đẩy lùi trở lại tình trạng súc vật, và cảnh tượng con người thong thả quay về con vật do những trọng lực đen tối của hạnh phúc bên trên đè ép. Trong cảnh tối tăm mù mịt đó, Guynplên có một lối thoát. Nó và Đêa được hạnh phúc, nhờ có cái cửa sổ trổ sang hàng xóm. Còn lại tất thảy đều là đày đoạ.
Guynplên cảm thấy trên đầu mình bàn chân giầy xéo vô ý thức của những kẻ thế lực, giàu có, cao sang, quyền quí gặp thời; bên dưới, hàng đống những bộ mặt xanh xao của những người thiệt thời; nó thấy nó và Đêa, với hạnh phúc nhỏ bé của chúng, vô cùng to lớn giữa hai thế giới; bên trên, lớp người đi đi lại lại, tự do, vui vẻ, múa nhảy, chà đạp; bên trên, lớp người thẳng bước; bên dưới lớp người bị kẻ khác xéo lên đầu. Điều ác nghiệt, nói lên một đau xót của xã hội, là ánh sáng giầy xéo lên bóng tối; Guynplên nhận thấy mặt tang tóc đó.
- Sao! kiếp người mà lại hèn hạ đến thế ư; con người mà phải lê lết như vậy ư! Gắn chặt vào đất bụi bùn lầy ghê tởm như thế, đầu hàng như thế, ti tiện như thế, khiến người ta chỉ muốn dẫm chân lên trên! Vậy cuộc sống trần gian này là con sâu của con bướm nào? Sao! Trong đám đông đói khát và ngu dốt kia, khắp nơi, trước mặt mọi người, lại có dấu hỏi của tội ác, hay của nhục nhã! Luật pháp cứng nhắc làm cho lương tâm phải mềm yếu nhu nhược!
Không một đứa trẻ nào không sống còi cọc! Không một cô gái trinh nào lớn lên mà không phải bán mình! Không một đoá hồng nào nở ra mà không đón nhận đờm dãi!
Đôi mắt Guynplên tò mò vì xúc động, tìm cách nhìn vào tận cùng cảnh tăm tối đó, nơi đang hấp hối biết bao cố gắng vô ích và nơi đang tranh đấu biết bao mệt mỏi, những gia đình bị xã hội cắn xé, những phong tục bị luật pháp giày xéo, những vết thương bị hình phạt biến thành hoại thư, những đói nghèo vì thuế má gặm mòn, những trí tuệ bị bỏ hoài vì ngu dốt chôn vùi, nhùng bè mảng đầy những người đói khát lâm nguy, những cuộc chiến tranh, những nạn đói, những tiếng kêu rên, những lời gào thét, những cảnh mất tích; và Guynplên cảm thấy như mơ hồ bị nỗi lo âu rộng khắp xót xa đó tóm chặt lấy mình. Nó nhìn thấy lớp bọt sóng tai hoạ đó bao trùm lên đám người hỗn độn tối tăm. Nó là người đứng trên bến cảng nhìn cảnh tàu đắm xung quanh đó. Thỉnh thoảng nó lại ôm lấy cái đầu dị dạng của nó và suy nghĩ.
Còn gì điên rồ hơn khi được sung sướng! Biết bao mơ mộng, biết bao ý nghĩ đến với Guynplên! Phi lý tràn ngập đầu óc nó. Vì trước đây nó đã cứu vớt một đứa bé, cho nên nó lại có ý định muốn cứu giúp người đó. Có những đám mây mơ mộng đôi khi che kín cả thực tế của chính nó; nó mất ý thức cân đối đến mức tự nhủ; có thể làm gì cho đám dân chúng đáng thương kia? Đôi khi nó bị thu hút đến mức nói lên thành tiếng. Những lúc ấy Uyêcxuyt nhún vai, nhìn nó chằm chằm.
Còn Guynplên thì vẫn tiếp tục mơ màng:
- Ôi, giá mà ta có thế lực, ta sẽ giúp đỡ kẻ nghèo khổ như thế nào! Nhưng ta là gì? Chỉ như cát bụi. Ta có thể làm gì?
Chẳng làm được gì cả.
Nó nhầm. Nó có thể giúp ích rất nhiều đối với người nghèo khổ. Nó làm cho họ cười.
Và như chúng tôi đã nói, làm cho người ta cười tức là làm cho người ta lãng quên.
Trên trái đất này còn ân nhân nào hơn một người ban phát lãng quên!
Một triết gia là một tên gián điệp, Uyêcxuyt, chuyên rình mò những phút mơ mộng, nghiên cứu người học trò của mình. Những ý nghĩ thầm kín của ta thường in lên trán ta một phản ảnh mơ hồ mà con mắt người lịch lãm nhìn thấy rất rõ. Vì vậy những gì trong đầu óc Guynplên không thoát khỏi cặp mắt Uyêcxuyt. Một hôm Guynplên đang trầm ngâm, Uyêcxuyt liền kéo áo nó, quát to:
- Thằng ngu! Tao thấy mày ra vẻ một nhà quan sát lắm? Cẩn thận đấy, cái đó không liên quan gì đến mày đâu. Mày có một việc phải làm, là yêu quý Đêa. Mày sung sướng có được hai niềm hạnh phúc; thứ nhất là quần chúng nhìn thấy cái mõm của mày; thứ hai là Đêa lại không nhìn thấy cái đó. Niềm hạnh phúc đó của mày, mày không có quyền được hưởng. Không người đàn bà nào nhìn thấy cái mồm mày, lại muốn nhận cái hôn của mày đâu. Và cái mồm làm nên vận đỏ của mày, cái mặt làm nên giàu có của mày, lại không phải của mày. Mày sinh ra đâu phải với cái mặt đó. Mày đã lấy nó trên bộ mặt nhăn nhó ở tận cùng vô biên. Mày đã ăn cắp mặt nạ của quỉ sứ. Mày ghê tởm lắm, mày nên thoả mãn với cái vận may đó. Trên đời này, có những người có quyền sung sướng, đó là một điều hợp lý thôi. Mày sung sướng nhờ vận may. Mày sống dưới một hầm sâu trong đó có giam giữ một vì sao. Ngôi sao đáng thương đó thuộc về mày.
Mày đừng có tìm cách trốn thoát khỏi hầm, và, đồ dị hình, phải giữ lấy vì sao của mày! Trong cái mạng nhện của mày có viên hồng ngọc Vệ nữ. Mày hãy mãn nguyện đi cho tao nhờ. Tao thấy mày mơ mộng viển vông, thế là ngu ngốc. Mày nghe đây, tao sẽ nói cho mày nghe bằng thứ ngôn ngữ của thi ca thật sự; cứ làm sao cho Đêa có thịt bò và sườn cừu để ăn, sáu tháng nữa nó sẽ khoẻ như một ả Thổ Nhĩ Kỳ; mày cưới phăng nó làm vợ, rồi cho nó một đứa con, hai đứa, ba đứa, một xâu một xốc. Đấy là việc mà tao gọi là đàm luận triết lý. Hơn nữa, thế là hạnh phúc, điều đó không phải ngu dại. Con cái là mầu xanh hy vọng. Mày cứ kiếm lấy mấy đứa tí nhau, lau chùi cho chúng, xỉ mũi cho chúng, cho chúng nó ngủ, bôi nhem chúng, tắm rửa cho chúng, cho chúng nó lúc nhúc xung quanh mày; nếu chúng cười là tốt; nếu chúng gào thét càng hay; kêu gào là dấu hiệu sống, cứ thử nhìn chúng bú tí, ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò cò chạy đi, mười lăm tuổi nhớn bổng, hai mươi tuổi yêu đương. Kẻ nào có được những niềm vui như thế là có tất cả. Tao thì tao không được hưởng những cái đó, vì vậy mà tao đâm ra cục súc. Chúa Trời, người làm nên những bài thơ hay, và là nhà văn lớn nhất, đã truyền cho Môydơ, người cộng sự với mình: Hãy sinh nở thêm lên!
Sấm truyền như vậy. Đồ súc sinh, mày cứ sinh năm đẻ bảy đi. Còn trần gian bao giờ cũng vẫn là trần gian, nó không cần đến mày để đi lạc hướng đâu. Mày không phải lo lắng cho nó. Mày chớ có bận tâm đến bên ngoài. Hãy để mặc cho chân trời được yên. Một diễn viên sinh ra cốt để được người khác xem, chứ đâu phải để dòm ngó. Mày có biết bên ngoài có những gì không? Có những kẻ được quyền sung sướng. Còn mày, tao nhắc lại, mày là thằng sung sướng chó ngáp. Mày là thằng ăn cắp hạnh phúc của họ. Họ là kẻ hợp pháp, mày là thằng len lỏi, mày sống kiếp lẻ mọn với vận may. Mày còn muốn gì hơn nữa ngoài cái mày có? Sibôlet đâu, cứu tôi với! Thằng mất dậy này là một thằng xỏ lá. Sinh đẻ bảy với Đêa, dù sao cũng đã là tốt rồi. Một diễm phúc như vậy chẳng khác gì một trò bịp bợm. Những kẻ nào ở trên trần mà lại được hạnh phúc nhờ đặc ân của trời cao đều không thích dưới họ có những người vui vẻ quá. Nếu họ hỏi mày; mày có quyền gì mà sung sướng? Mày sẽ không trả lời nổi đâu.
Mày không có môn bài, còn họ, họ đều có cả, Giuypite, Ala, Visnu, Xabao[225], thần nào cũng được, đã duyệt y cho họ giấy chứng nhận được quyền sung sướng. Mày phải sợ họ. Đừng có dính đến họ để họ đừng động vào mày. Đồ khốn nạn, mày có biết thế nào là kẻ có quyền sung sướng không? Đó là một người khủng khiếp, là lãnh chúa. A! lãnh chúa, phải là một kẻ đã có âm mưu trong cõi vô định của quỉ sứ trước khi giáng trần, mới có thể đi vào cõi đời bằng cái cửa đó! Phải khó khăn ghê lắm hắn mới sinh ra được! Hắn chỉ mất mỗi chút công khó đó thôi, nhưng trời ơi! Thế mà cũng gọi là công khó! Tên thô lỗ mắt mù đó, có số phận cho ăn trên ngồi trốc người khác ngay từ lúc còn ở trong nôi! Mua chuộc tên soát vé ấy để nó dành cho chỗ tốt nhất trong rạp hát! Mày hãy đọc những điều ghi nhớ trong cái lều mà tao đã xếp xó, mày cứ đọc những dòng chữ gối đầu giường đó về hiểu biết của tao, rồi mày sẽ thấy lãnh chúa là gì. Lãnh chúa là kẻ có tất cả, và là tất cả. Lãnh chúa là kẻ tồn tại trên cả bản chất của hắn; lãnh chúa là kẻ, còn trẻ, có những quyền của người già, về già, có những vận may của người trẻ, xấu xa, được người thiện kính trọng, hèn nhát, được chỉ huy người dũng cảm, lười biếng, được hưởng thành quả của lao động, dốt nát, có bằng Kembritgiơ[226]. Và Ôxfơc[227], ngu si, được các nhà thơ thán phục, xấu xí, được phụ nữ cười duyên, Técxit[228] được đội mũ của Asi[229], thỏ đế được đội da sư tử. Không nên xuyên tạc lời nói của tao, tao không bảo lãnh chúa nhất thiết là dốt đặc, hèn nhát, xấu xí, ngu si và già khọm đâu nhé; tao chỉ nói là họ có thể có tất cả những mặt đó mà chẳng hại gì cho họ. Trái hẳn lại. Lãnh chúa là bực vương giả. Vua nước Anh chỉ là một lãnh chúa, vị quí tộc số một trong tầng lớp quí tộc, có thế thôi, và đã là quá nhiều. Vua chúa ngày xưa được gọi là lãnh chúa; lãnh chúa Đan Mạch, lãnh chúa Iêclăng, lãnh chúa Các đảo. Lãnh chúa Na-uy mới được gọi là vua ba trăm năm nay. Luy-xiuyt, vị vua xưa nhất của nước Anh, được thánh Têlexfo gọi là mai lo[230] Luyxiuyt. Các lãnh chúa đều là nguyên lão, nghĩa là ngang hàng. Với ai? Với vua. Tao không lầm lãnh chúa với nghị viện đâu.
Quốc dân nghị viện mà người Xăcxơ trước cuộc chinh phục, gọi là Wittenagemot, thì người Normăng, sau cuộc chinh phục, gọi là parliamentum. Dần dần người ta gạt bỏ nhân dân ra. Những bức thư kín, của nhà vua triệu tập các công xã trước kia có chữ Consilium impenđendum[231] ngày nay có chữ an consentiendum[232].
Các Công xã có quyền ưng thuận, có quyền nói Có. Các lãnh chúa có thể nói Không. Chứng cớ là họ đã nói. Lãnh chúa có thể chặt đầu vua, nhân dân thì không. Nhát rìu chặt cổ Saclơ đệ Nhất là một việc lấn quyền, không phải đối với vua, mà đối với lãnh chúa, và người ta đã làm đúng như treo cổ Cromoen. Lãnh chúa có quyền thế, tại sao? Vì họ có tiền của. Ai đã giở từng trang cuốn Đumxđê-bue[233]? Đó là chứng cớ các lãnh chúa nắm giữ nước Anh, đó là quyển sổ tài sản nhân dân, lập ra dưới thời Ghiôm Chinh phục, và do quốc hội đại thần cất giữ.
Muốn sao chép một điều gì trong ấy, phải trả mỗi đồng bốn xu. Đó là một quyển sách có tiếng. Mày có biết trước kia tao đã làm thầy thuốc trong nhà một lãnh chúa tên là Macmađuc không? Ông ta có chín mươi vạn phơrăng Pháp tiền niên lợi. Đồ ngu như lợn, liệu mà thoát ra khỏi chỗ ấy. Mày có biết chỉ với bầy thỏ nuôi thả của bá tước Linxê cũng đủ nuôi tất cả đám bần cùng của Năm Cảng không? Vì vậy cứ thử động vào mà xem. Ở đấy người ta xắp đặt rất trật tự. Bất cứ tên nào săn trộm cũng bị treo cổ hết. Tao đã thấy chỉ vì hai cái tai dài có lông thò ra ngoài bị đựng thú săn mà một ông bố có sáu con bị treo lên giá treo cổ đấy. Giới quí tộc cha tu viện trưởng Rafôê, cha tu viện trưởng này thuộc giới quí tộc và là người của nhà thờ, một đống lúa toàn hạng tốt nhất, lấy của nông dân quanh vùng, và lúa đó vị tu viện trưởng không mất công gieo trồng. Như vậy là để cho ông ta có thì giờ cầu nguyện Chúa. Con có biết huân tước Macmađiuc, chủ của bố, là huân tước tổng quản ngân khố xứ Iêclăng, và là pháp quan đại thần của Knarexbua trong lãnh đại bá tước York không? Con có biết rằng huân tước thị vệ đại thần, một tước vị cha truyền con nối trong gia đình các công tước Ancaxtơ, mặc áo cho vua ngày đăng quang, và nhờ công khó đó mà được thưởng bốn mươi thước nhung đỏ thêm chiếc giường vua nằm ngủ không; rằng vị hoàng môn quan cầm đũa đen là đại diện của ông ta không? Bố chỉ muốn được xem con chống đối lại việc này, việc vị tử tước xưa nhất của nước Anh là Rôbơc Bren được Hăngri V phong tử tước. Mỗi một tước hiệu của huân tước đều chỉ rõ một chủ quyền trên một lãnh thổ, trừ bá tước Rive mang tước hiệu theo tên gia đình. Thật tuyệt vời các quyền họ được đánh thuế người khác, và được trích ra, chẳng hạn như lúc này, bốn xteclinh trên một livrơ xtec-linh lợi tức, việc mà người ta vừa tiếp tục làm trong một năm, và tất cả những thứ thuế đẹp đẽ đánh vào các loại tinh dầu, vào các kiểu tiêu thụ rượu và bia, vào trọng tải, vào chiều nghiêng than đá, vào rượu tần, rượu lê, rượu mum, vào mạch nha và đại mạch ủ, vào than đốt và hàng trăm thứ khác tương tự! Chúng ta hãy kính phục những gì hiện đang có. Bản thân giới tăng lữ cũng tùy thuộc vào các huân tước. Giám mục Man là bầy tôi của bá tước Đecby. Các huân tước thường có những giống thú dữ riêng mà họ đặt vào huy hiệu của họ. Vì Chúa Trời không tạo ra đầy đủ thú dữ, nên họ phải sáng tạo thêm.
Họ đã tạo ra con lợn rừng huy hiệu; quí tộc hơn hẳn linh mục thế nào, và lợn rừng hơn hẳn lợn nhà thế nào, thì con này cũng hơn hẳn lợn rừng như thế. Họ đã tạo ra giống ưng sư[234], con này đối với sư tử là chim ưng, còn đối với chim, ưng lại là sư tử; sư tử sợ nó vì bộ cánh và chim ưng sự nó vì bộ vuốt. Họ có con rắn thần, con kỳ lân, con rắn cái, con kỳ nhông, con quái nộm, con đơrê, con rồng, con ưng mã[235]. Tất cả những giống này đều khiến chúng ta hãi hùng, nhưng đối với họ lại là vật trang trí và đồ trang sức. Họ có một chuồng thú gọi là huy chương, trong đó gầm rống các loại quái vật lạ lùng. Về những phép mầu bất ngờ, thì không có cánh rừng nào bì kịp lòng tự phụ của họ. Sự phô trương của họ đầy rẫy bóng ma lượn lờ như trong một cảnh đêm tối tuyệt vời, có vũ trang, đội mũ sắt, mặc áo giáp, mang đinh thúc ngựa, tay cầm vương trượng, mồm nói giọng trang nghiêm:
"Chúng ta là tiên tổ!". Bọ rầy ăn rễ cây, còn bộ võ trang của kỵ sĩ ăn nhân dân. Tại sao lại không? Liệu chúng ta có thay đổi luật pháp không? Giới lãnh chúa tham gia vào trật tự. Con có biết ở Êcôx có một công tước phi ngựa liền ba mươi dặm[236] mà vẫn không ra khỏi dinh cơ của mình không? Chưa kể những lâu đài, rừng rú, đất đai, lãnh địa, ruộng phát canh, thái ấp, lộc thánh, thuế thập phân và tiền tô tức, các khoản tịch thu và phạt vạ vượt quá một triệu xteclinh không? Những người không bằng lòng cũng khó.
- Vâng - Guynplên lẩm bẩm, tư lự - rõ ràng là địa ngục dân nghèo làm nên thiên đường cho kẻ giàu sang.
Đúng lúc ấy Đêa chợt bước vào; Guynplên nhìn cô và chỉ còn thấy có cô. Tình yêu thường như thế, người ta có thể trong chốc lát bị một loạt ý nghĩ ám ảnh nào đó xâm chiếm; người đàn bà ta yêu chợt đến và đột ngột làm tan biến tất cả những gì không phải là hình ảnh của mình, và không ngờ đã xoá hết của ta có lẽ cả một thế giới.
Ở đây cần có nói đến một chi tiết. Trong Hồng hoang chiến bại, có một chữ monstro, nói với Guynplên, làm cho Đêa không vừa ý. Thỉnh thoảng, với một ít tiếng Tây Ban Nha mà thời ấy mọi người đều biết, cô cũng tự ý thay nó bằng chữ Quiero nghĩa là tôi muốn thế.
Uyêcxuyt tha thứ những sửa đổi kịch bản như thế, không phải không có đôi chút bực tức. Lẽ ra ông cũng muốn bảo với Đêa, như ngày nay Moetxa nói với Vixô:
- Anh không tôn trọng kịch bản.
"Thằng Cười" Đó là dạng thức nổi tiếng của Guynplên.
Tên thật của nó, Guynplên, gần như không ai biết, đã biến mất dưới cái biệt hiệu kia, cũng như bộ mặt của nó đã biến mất dưới cái vẻ cười. Tiếng tăm của nó, cũng như diện mạo của nó, là một cái mặt nạ.
Tuy vậy, tên nó cũng được ghi trên một cái bảng rộng yết ở phía trước Hộp Xanh, trên bảng quần chúng thấy có mấy câu sau đây của Uyêcxuyt:
"Tại đây khán giả được nhìn thấy Guynplên, bị bọn comprasicôx khốn kiếp bỏ rơi từ thuở lên mười, đêm 29 tháng giêng năm 1690, trên bờ biển Porlan, từ một đứa bé trở thành người lớn, và ngày nay được gọi là Thằng Cười".
Số kiếp của những kẻ hát rong này giống số kiếp của những người hủi trong một trại hủi và của những người có diễm phúc trong một thế giới thần thoại. Hằng ngày vẫn là sự chuyển tiếp đột ngột từ chỗ biểu diễn giữa trời ầm ỹ nhất sang cảnh ẩn dật hoàn toàn nhất.
Tối nào họ cũng rơi khỏi trần gian. Y hệt những người chết ra đi để hôm sau sống lại. Người diễn viên giống như một ngọn đèn biển có bộ phận che chắn, lúc ẩn lúc hiện, và đối với công chúng anh ta chỉ tồn tại như bóng ma và ánh sáng le lói trong cuộc đời có đèn xoay này.
Sau ngã tư tiếp đến nhà tu kín. Buổi diễn vừa dứt, trong khi khán giả phân tán và tiếng ồn ào thoả thích của quần chúng tiêu tan khắp mọi nẻo phố phường thì Hộp Xanh kéo tấm bảng lên, như một pháo đài nhấc chiếc cầu treo, thế là mọi liên hệ với loài người bị cắt đứt.
Một bên, vũ trụ, một bên cái lán kia; và trong lán đó có tự do, có nhân hậu, có dũng cảm, có tận tuỵ, có ngây thơ, có hạnh phúc, có tình yêu, tất cả mọi chòm sao.
Cô mù trông thấy và anh chàng dị dạng được yêu ngồi bên nhau, tay cầm tay, trán chạm trán và say sưa thì thầm rất khẽ với nhau.
Khoảng giữa nhằm hai mục đích; sân khấu đối với công chúng, phòng ăn đối với diễn viên.
Uyêcxuyt vốn thích ví von lợi dụng sự khác biệt về mục đích trên để xem khoảng giữa của Hộp Xanh như khoảng arađas trong một cái chòi của người Abitxini.
Uyêcxuyt đếm xong số tiền thu được, rồi cả nhà vào ngồi ăn tối. Trong yêu đương, chuyện gì cũng đều là lý tưởng cả. Khi người ta yêu, việc cùng uống cùng ăn cho phép đủ mọi thứ gần gũi vụng trộm khiến một miếng ăn lại thành một cái hôn ấu yếm. Người ta uống bia hay rượu chung trong một cốc, mà tưởng như được uống sương mai chung trong một đoá bách hợp. Hai tâm hồn trong bữa ăn thân mật cũng yêu kiều như hai cánh chim non. Guynplên tiếp cho Đêa ăn, cắt thái hộ cô, rót cho cô uống, xích đến quá gần.
- Hừm! - Uyêcxuýt đằng hắng, và ông miễn cưỡng chấm dứt việc quở trách bằng một nụ cười.
Con sói dưới gầm bàn vẫn ăn, không cần để ý đến những thứ không phải là xương xẩu.
Vinơx và Fibi cùng ăn nhưng không gây trở ngại gì lắm. Hai cô ả lang thang này, gần như man rợ và lúc nào cũng hốt hoảng, đang bàn chuyện không sinh đẻ với nhau.
Sau đó Đêa bước vào phòng khuê với Fibi và Vinơx.
Uyêcxuyt đi xích Ômô vào phía dưới Hộp Xanh, còn Guynplên chăm lo con ngựa, từ chàng trai si tình trở thành gã chăn ngựa, tưởng đâu anh là một vị anh hùng của Hôme hoặc một lãnh chúa bảo vệ Saclơman. Nửa đêm mọi người đều ngủ, trừ mỗi con sói, thỉnh thoảng, quán triệt nhiệm vụ của mình, lại mở một mắt.
Hôm sau, ngủ dậy, mọi người lại gặp nhau, cùng điểm tâm, thường thường với giăm-bông, và uống trà; ở nước Anh trà có từ năm 1678. Rồi Đêa, theo kiểu Tây Ban Nha, và theo lời khuyên của Uyêcxuyt thấy cô yếu đuối quá lại ngủ vài giờ, trong khi Guynplên cùng Uyêcxuyt làm những việc lặt vặt bên ngoài và trong nhà mà cuộc sống du cư thường đòi hỏi.
Ít khi Guynplên lang thang ra ngoài Hộp Xanh, trừ khi nó đi vào những con đường vắng vẻ và những nơi hiu quạnh. Ở thành phố nó chỉ ra ngoài ban đêm, với một cái mũ rộng vành bẻ cụp xuống để khỏi lộ mặt ở ngoài đường.
Người ta chỉ trông thấy rõ mặt nó ở trên sân khấu.
Vả lại Hộp Xanh cũng ít khi đi tới các thành phố, đã hai mươi bốn tuổi mà Guynplên chưa mấy khi thấy những thành phố to hơn Năm Cảng.
Tuy vậy tiếng tăm của nó ngày càng lan rộng, bắt đầu tràn qua đám hạ lưu, và lên cao hơn nữa. Trong đám người ham chuộng những trò kỳ quặc của chợ phiên và những người thích tìm kiếm chuyện hiếu kỳ và chuyện phi thường, người ta được biết ở đâu đó đang có một cái mặt nạ kỳ dị, sống lang thang nay đây mai đó.
Người ta bàn tán về nó, người ta tìm kiếm nó, người ta hỏi nhau: ở đâu? Thằng Cười chắc chắn trở thành nổi tiếng. Vì vậy mà đôi chút vinh quang cũng dội vào vở Hồng hoang chiến bại. Đến nỗi một hôm, lòng đầy tham vọng. Uyêcxuyt nói:
- Phải đi Luân Đôn mới được.
@by txiuqw4