10
Tôi thích bước chân trên những con đường mà không biết nó sẽ đi về đâu, bởi cảm giác luôn hồi hộp pha chút lo sợ và hi vọng những bất ngờ. Hi vọng con đường ấy sẽ mở ra những cánh đồng đầy hoa thơm và gió lộng, những chân trời mây trắng hay những hàng cây xanh biếc.
Lựa chọn có nghĩa là chấp nhận từ bỏ. Khi lựa chọn những con đường như thế, đã trót mang cái sở thích oái oăm như thế, có nghĩa là chấp nhận rủi ro, thử thách. Tại sao bạn phải ngập ngừng trước một con đường trước mặt, khi bạn muốn biết nó sẽ đi về đâu và muốn đi đến tận cùng?
*
Hải Đường và Tản mời tôi cùng họ đi dự lễ cúng trời của một thôn bản trong xã. Bản ấy nằm tít mù nơi ngọn núi cao nhất trước khu nhà tôi đang trọ. Mây trắng sớm nào cũng phủ dày ngọn núi ấy, cho tôi cảm giác xa xôi diệu vợi như chốn thiên đường. Vài nếp nhà hiện ra khi mây tan, nắng vàng chói lọi. Những nếp nhà tí xíu, và một con đường nhỏ hiếm hoi lắm mới được nhận biết khi có một vài bóng người cưỡi xe máy lượn qua.
Đó chính là con đường mấy hôm trước Tản rủ tôi đi bản, con đường nơi có cái cây thần rừng đẹp tươi và kiêu hãnh. Và cái bản tổ chức lễ cúng trời hôm ấy mà Hải Đường và Tản, những cán bộ huyện theo sự phân công của cơ quan, sẽ đến dự, chính là thôn bản của cô gái đã tự sát để cứu cây thần rừng kia.
Tản gọi cho tôi từ sáng sớm, sợ tôi quên mất cái hẹn. Tôi dậy sớm. Một buổi sớm mưa tạnh từ chiều hôm trước, không khí khô thoáng và mát dịu, và vẫn như mọi hôm, mùi hoa hồng thơm ngát.
Phòng của Hạc cửa mở toang. Hạc thường dậy rất sớm và chăm sóc những khóm hoa hồng của cô ấy. Vào những buổi sáng có mưa, Hạc ngồi trên ghế dựa nhìn mưa buông trắng xóa, hoặc chăm chú ngắm đàn kiến bên khe tường.
Hôm đó, Hạc không ngồi ngoài hiên. Cánh cửa phòng mở toang. Tôi ngang qua, ghé vào.
“Hạc ơi!”.
Không có tiếng trả lời. Tôi định quay ra. Vào những giây chần chừ định quay ra ấy, không hiểu sao tôi lại quyết định bước chân vào căn phòng.
Hạc ngồi trên ghế tựa, quay lưng lại phía cửa, nghĩa là cô ấy đang ngồi nhìn ra cửa sổ mở về phía sau nhà, nơi đồi thông buổi sáng lấp lánh sương đêm trên những chóp nhọn lá kim.
“Hạc ơi!”.
Hạc bất động thêm giây lát, rồi ngoảnh lại nhìn tôi. Hạc không trả lời.
Mái tóc dài của Hạc biến mất, chỉ còn chấm vai với những sợi dài ngắn bất thường và nham nhở.
Tản đón tôi dưới đường.
“Tản không muốn lên nhà chào Hạc một tiếng à?”.
Tản khẽ lắc đầu.
“Không. Em sợ Hạc không thích. Lâu rồi em chưa gặp Hạc”.
Nghĩa là khi họ gặp nhau lần cuối, Hạc vẫn để tóc dài, và hình ảnh Hạc trong mắt Tản là cô gái có mái tóc dài ngang hông, mái tóc đẹp hiếm có trên đời.
Chẳng hiểu sao trong đời tôi hay gặp những cô gái có mái tóc dài và đẹp. Những người phụ nữ của những người từng yêu tôi đều có mái tóc rất đẹp, rất dài. Đôi khi, tôi nghĩ, họ được các chàng trai yêu chính vì mái tóc. Tóc tôi không đẹp nữa khi nó dài quá vai. Khi dài quá vai, nó sẽ khô và chẻ ngọn. Vài người bảo, phụ nữ có mái tóc như thế sẽ vô cùng đa đoan, vô cùng đau khổ trong đời. Cô gái xinh đẹp tên Dương mà tôi gặp khi đến Thổ Châu cũng có một mái tóc rất đẹp, mặc dù cô nhuộm nó màu ánh tím và cuốn xoăn thành từng búp đổ xuống ngang lưng, thì nó vẫn toát lên một vẻ đẹp khỏe mạnh và suôn mượt khi nó còn được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Bản thân nó đã đẹp, nhuộm màu và uốn xoăn chỉ khiến nó đẹp hơn mà thôi.
Dương là người yêu của Phố, sau Vân, khi Phố đến Thổ Châu tìm thầy học lại nghề thuốc. Vị thầy thứ hai này của Phố là bạn thân của ông thầy thứ nhất - người đàn ông đã chết ở tuổi sáu mươi hai đúng như tiên đoán của chính ông.
Phố rủ tôi đi tìm lá thuốc với cậu ấy, trên một cung đường núi trập trùng mây, hệt như bốn năm trước. Công việc tìm hiểu về bùa yêu của tôi không hề tiến triển, đúng như Dương nói, người lạ chỉ được biết sơ về bùa ngải qua những câu chuyện nhãn tiền hoặc truyền miệng, chứ không được biết nhiều hơn. Nó thuộc về sự linh thiêng và bí mật. Chẳng hạn như chuyện một ông thầy bùa đã bỏ bùa một phụ nữ làm thuê cho con trai ông, khi con gái người phụ nữ ấy từ xa đến tìm mẹ, trước nhan sắc và sự non tơ của cô bé, ông ta đã nhẫn tâm bỏ bùa cô. Hai mẹ con trở thành vợ của ông ta, cung cúc phục tùng ông ta, không có cách nào bỏ đi được. Đến giờ, ông ta vẫn là một trong số những tay thầy bùa giỏi nhất các xứ Mường. Cô gái non tơ nọ đã có với ông ta hai mặt con.
Chẳng thể nào lí giải nổi câu chuyện bí hiểm về bùa mê kiểu này. Không có sự công bằng trong tình yêu ở đây. Họ nghĩ mình có quyền chiếm đoạt bất cứ người phụ nữ hay người đàn ông nào họ muốn, và những nạn nhân của tình yêu ép uổng ấy không có cách nào trốn chạy, cho đến khi, vì lí do nào đó chính người bỏ bùa gỡ bỏ mối duyên oan uổng ấy.
Nhưng tôi không muốn rời khỏi Thổ Châu khi còn có dự cảm về một điều gì đó. Tôi có cảm giác tôi chưa nên rời khỏi nơi ấy, một cái gì đó rất đỗi xa xôi, mơ hồ tìm cách níu giữ tôi.
Có thể vì câu chuyện bùa yêu không đủ sâu để tôi thỏa mãn.
Có thể vì Phố.
Tôi và Phố dừng xe trước một con đường bất ngờ rẽ về một lối. Con đường này sẽ đi đến đâu. Bản làng nào phía con đường ấy, có một khoảng rừng mênh mông nào đợi chúng tôi, có dòng suối trong lành nào đợi chúng tôi, có những đồi hoa sim tím ngát nào đợi chúng tôi phía con đường ấy không?
“Chị còn nhớ lần em và chị đến Cẩm Xuyên không?”.
“Nhớ”.
“Buồn cười nhỉ, lần ấy chẳng định đến đó mà cuối cùng lại đến đó”.
“Chỉ vì chúng ta tò mò: không biết con đường ấy đến tận cùng nơi đâu”.
“Vâng. Nhưng chuyến đi ấy đầy kỉ niệm”.
Chúng tôi nhìn con đường trước mặt. Câu chuyện của bốn năm qua như mới xảy ra vài giây phút trước.
“Chị có muốn đi không?”.
Tôi gật đầu, và chiếc xe chở tôi và Phố rẽ vào con đường ấy, một lần nữa, chúng tôi cùng nhau trôi qua những khoảng rừng xào xạc. Mùa sim tím, những triền đồi tím ngát dưới trời chiều tao tác mây bay.
Chúng tôi đi khoảng mười ki-lô-mét thì hết đường trải nhựa, bắt đầu con đường đất sỏi nổ lép bép dưới bánh xe. Và khi con đường đất bắt đầu chút ít, một ngọn đồi hoa tím hiện ra. Quả đồi hình tròn, hệt như bầu ngực thiếu nữ thanh tân.
Phố dừng xe dưới chân đồi. Đồi toàn hoa sím tím, thân sim chỉ cao ngang hông. Chúng tôi đi lên đỉnh đồi, theo một con đường mơ hồ. Đồi không quá cao, khi chúng tôi lên đến đỉnh đồi, mặt trời bắt đầu ngả về phía núi. Đồi hoa lồng lộng gió.
Trên đỉnh đồi có một khoảng cỏ xanh không mọc sim, cứ như một cái bàn tròn cho các vị tiên đêm trăng xuống chơi cờ uống rượu và đàn hát. Không có dấu vết của con người ở đây. Một vài nếp nhà lác đác xuất hiện bên đường khi chúng tôi qua, có thể vài bản làng nào có còn ở phía cuối con đường kia, có thể phía cuối con đường là chân một ngọn núi cao, con người chỉ có thể trèo qua đó bằng đôi chân của mình, chứ không bằng một phương tiện hiện đại như xe máy.
“Chị. Sao chị có hứng thú với chuyện bùa yêu?”.
Phố ngồi khoanh tay lên đầu gối, tránh hướng mặt trời rọi, nhìn về phía ngọn núi cao, nơi mà rất có thể con đường chúng tôi đang đi sẽ kết thúc ở đó.
“Có nhiều thứ trên đời khiến chị tò mò. Bùa yêu đâu phải xa lạ trong hiểu biết của số đông người ta hiện nay”.
“Nhưng nó bí hiểm, phải không? Người ta chỉ nghe nói, chứ không biết thực chất nó là gì, phải không?”.
“Vậy em biết thực chất của nó à?”.
“Không”.
Phố lắc đầu.
“Con gái của thầy em cũng bị người ta bỏ bùa, rồi theo về làm vợ vô điều kiện”.
“Thật à? Thế gia đình thầy em không làm gì để can thiệp à? Không thể giải bùa à?”.
“Có thể giải bùa chứ. Người nào giúp cậu ta bỏ bùa thì sẽ giải được. Nhưng giải rồi thì còn làm gì được nữa. Cô bé đã theo người ta ăn ngủ như chồng như vợ, dù không tự nguyện yêu. Với lại nhà thầy em không làm gì, vì nhà kia cũng khá giả, thế là để cho yên chuyện”.
“Buồn nhỉ. Chị cảm thấy không phục. Thật là bất hạnh và cay đắng”.
Phố đứng dậy hái một cành hoa sim từ khóm hoa gần nhất lại, đưa cho tôi.
“Chị, nếu em bỏ bùa chị, để chị yêu em, chị có phục không? Có hận em không?”.
Tôi quay đi, tránh ánh mắt Phố.
“Em đừng nói linh tinh. Sao em không bỏ bùa cho Vân ấy, nếu em bỏ bùa, cô ấy sẽ không bỏ em đi”.
Phố ngồi xuống cạnh tôi.
“Vân có hạnh phúc không chị?”.
“Chắc là hạnh phúc. Cô ấy biết cách lựa chọn mà”.
“Em biết mà. Cô ấy đã không chọn em, cô ấy bảo yêu em, nhưng không chọn em làm chồng. Em không có gì ngoài bản thân cả. Anh Giang thì có nhiều thứ mà cô ấy cần”.
“Nếu được làm lại, em có muốn bỏ bùa Vân không?”.
“Không. Nếu cô ấy không thuộc về em, thì bỏ bùa chẳng có nghĩa gì cả. Em không thích có trong tay trái tim của một người mà thực chất người ta không tự nguyện. Chị tin không? Em ở đây một năm và chơi với rất nhiều trai bản. Họ còn dạy em cách bỏ bùa yêu có thời hạn. Thậm chí chỉ với năm mươi nghìn đồng, chị có thể mua được thứ bùa khiến người nào đó yêu chị quên chết trong vòng ba tháng, nếu chị muốn người ấy yêu chị nhiều hơn ba tháng, chị trả thêm tiền, nếu chị muốn người ta yêu chị suốt đời, chị sẽ mất nhiều tiền”.
“Nhưng nếu chị mất nhiều tiền để người ấy yêu chị suốt đời, mà nửa chừng cuộc đời chị nhận ra chị không muốn ở bên người đó nữa, thì sao?”.
Phố nhìn tôi, ánh mắt rất lạ và buồn.
“Em không biết”.
Mặt trời dịu hẳn đi, hoàng hôn trùm lên cả đồi sim tím ngát. Phố đặt tay lên vai tôi.
“Chị Hàm Yên, em luôn mơ thấy em ngồi trên một đỉnh đồi như thế này, xung quanh toàn hoa nở, rồi hoàng hôn hoặc bình minh, em ngồi cùng một người con gái, chúng em tựa lưng vào nhau, chúng em nhìn về hai hướng khác nhau, nhưng chúng em ở bên nhau”.
Phố nói rồi đứng dậy, bất ngờ ngồi tựa vào lưng tôi.
“Như thế này. Chị đừng bỏ đi. Cho em được ngồi cùng chị như thế này, như trong mơ của em”.
Tôi bị bất ngờ, ngoài tiếng Phố đều đều và tiếng trái tim mình loạn nhịp, tôi không nghe thấy gì hết, kể cả tiếng gió thổi ào qua đồi sim tím sẫm.
“Em có nhìn thấy rõ mặt người con gái trong mơ đó không?”.
“Không. Cô ấy mong manh như sương. Em không nhìn thấy cô ấy, vì chúng em ngồi tựa lưng vào nhau. Nhưng em cảm nhận được sự ấm áp và bình yên. Nhưng rồi cô ấy bỏ em đi. Em cứ đứng nhìn theo bóng cô ấy tan dần, em gọi tên cô ấy. Nhưng khi em tỉnh dậy thì không sao nhớ được tên cô ấy là gì”.
Mặt trời khuất một nửa trên đỉnh núi, gió thổi lớn hơn. Đồi sim xào xạc.
“Còn Dương. Em có bỏ bùa cô ấy không?”.
Phố không trả lời.
Chúng tôi rời đỉnh đồi.
“Chị Hàm Yên. Chị có nghĩ bùa yêu bắt đầu là sự phản bội không?”.
Phố dừng lại đợi tôi đến bên. Tôi nhìn khuôn mặt Phố rạng ngời dưới tia nắng cuối cùng của ngày dài trên đồi hoa tím sẫm.
“Ban đầu những người đàn ông phản bội vợ con, đi tìm người đàn bà khác. Những người vợ có chồng bỏ theo gái muốn chồng trở về bên họ, nên đã tìm cách níu giữ. Họ tin có một thứ bùa ngải có thể hàn gắn và níu giữ chồng họ về. Bùa yêu ban đầu là sự gắn kết”.
“Nghe cũng có lí nhỉ. Thế rồi từ bao giờ bùa yêu biến tướng như bây giờ, trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng người ta như vậy?”.
“Em nghĩ chỉ có chị mới bị ám ảnh thế thôi, vì chị tin vào sự tự nhiên của tình yêu”.
“Đúng rồi, sự tự nhiên và thuần khiết của tình yêu. Tình yêu và sự gắn kết phải là phát xuất, khởi nguyên từ chính những rung động chân thành nhất của trái tim”.
Phố cười.
“Chính vì chị nghĩ về tình yêu như thế, nên chị mặc cảm, không chịu nổi khi thấy người khác yêu vì dính bùa. Nhưng với những người khác, họ nghĩ về tình yêu đơn giản lắm. Họ không băn khoăn tình yêu vì sao đến, vì sao lại ra đi. Họ nghĩ muốn có ai đó, bỏ bùa họ là việc bình thường”.
“Vì những người yêu mà không được yêu, nên bùa yêu mới biến tướng từ sự hàn gắn sang cưỡng chế như thế này, phải không?”.
Chúng tôi xuống đến chân đồi. Chiếc xe máy cùng thảo dược vẫn còn đó.
“Thực ra em nghĩ kể cả sự hàn gắn cũng là cưỡng chế. Khi có thần ma tham dự cuộc tình duyên, mọi thứ không đơn giản”.
“Chị nghĩ không có cái gì vô cớ trên đời, người ta không bỗng dưng và cũng không vô trách nhiệm khi can thiệp vào đời sống tình cảm, hôn nhân của người khác”.
“Em cũng nghe nói nhiều về chuyện bùa yêu. Những người bạn của em ở đây đã đưa em đi gặp những đôi vợ chồng nên duyên bởi bùa chú. Họ nói rằng họ không rời xa nhau được, vì bùa chú níu giữ họ, nhưng bản thân cuộc hôn nhân đó không hạnh phúc”.
“Chị cũng nghe nói như thế khi tìm hiểu về bùa yêu trước khi đến đây. Tức là từ sâu thẳm, trái tim họ vẫn hiểu rằng nó đang bị người ta can thiệp thô bạo. Nó muốn tự do nhưng tuyệt vọng. Khi nó tuyệt vọng, nó không thể yêu như nó muốn yêu. Một sự yêu bắt buộc trách nhiệm”.
“Có những cuộc hôn nhân không bắt buộc, tự nguyện chứ không bị bỏ bùa, mà vẫn sống với nhau trong cái nhà tù ngột ngạt trách nhiệm đấy thôi”.
Phố kết luận, và tôi phì cười.
“Xét cho cùng, em nói đúng”.
Chúng tôi về đến nhà bà cụ khi trời tối hẳn. Đom đóm lập lòe bên bờ suối. Dương đứng đợi chúng tôi dưới gốc mai má đào.
“Em tưởng hai anh chị bị hổ vồ rồi chứ”.
Dương cười khanh khách, tỏ ra không hề bận tâm việc Phố đi cùng tôi.
“Hôm nay bà sai em thịt gà mời chị Yên món canh gà măng chua hạt dổi. Món ăn dân dã nhưng chỉ đãi khách quý của chúng em”.
Tôi ngồi bên cửa sổ nhà sàn. Đêm nay có trăng non. Trăng non lấp ló trên bầu trời chưa kịp quang mây.
Tôi nghĩ về Phố, trong lòng tràn ngập một nỗi buồn và sự trống rỗng.
Mãi sau này, khi chênh chao giữa ngổn ngang khổ đau sau những ngày vui ngắn ngủi, tôi mới nhận ra rằng khi nhớ một ai đó quá nhiều và quá lâu, người ta sẽ thấy cả trái tim và tâm hồn đều trống rỗng.
Hải Đường, Tản và tôi trở lại con đường ấy, qua cây thần rừng xanh tốt để đến bản làng đang tổ chức lễ cúng trời, khi tôi nghĩ về không khí thần bí của một cuộc tế lễ, thì trái lại, tôi thấy người ta đang vây quanh cái cây nhỏ ở đầu bản, nét mặt chẳng hề vui, mà đầy lo lắng. Trông thấy ba chúng tôi, vài người chạy lại. Họ nói tiếng bản địa, và tôi đoán có thể họ không hài lòng khi thấy có một phụ nữ là tôi xuất hiện ở nơi thiêng liêng, khi cuộc tế lễ diễn ra. Dù rất tò mò, nhưng tôi hiểu rằng tôi nên tôn trọng văn hóa của họ. Tôi bảo Tản đưa tôi đi vào sâu trong bản để tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của người dân.
Trái với tưởng tượng. Không khí trong bản không hề giống một ngày Tết, mà theo mô tả của Hải Đường và Bến Bình thì đó là những ngày rất vui. Người dân nơi đây vui hết mình bằng cách ngập ngụa trong men rượu. Tôi gặp vài người phụ nữ, nét mặt lo lắng. Tản hỏi chuyện họ, và được biết họ đang sắp bị trời trừng phạt. Họ đã làm thịt một con trâu không xứng đáng để tế trời. Con trâu được chỉ định dùng để tế trời đã biến mất từ chiều hôm trước, cùng với cậu bé, chủ nhân của nó.
Rừng thăm thẳm xanh. Dòng suối dưới chân cầu cuộn đỏ. Suốt đêm hôm trước trời mưa, nhiều con đường bị sạt bất ngờ, và đá lở.
Họ sẽ làm gì khi con vật dùng để cúng trời biến mất, và cậu bé, cậu bé có đôi mắt khác biệt hẳn với đôi mắt của những đứa trẻ khác ấy, cậu bé giờ ra sao? Cậu và con trâu của mình đi đâu, đi đâu giữa thăm thẳm núi đồi này?
Có lẽ cậu bé quá yêu quý con vật của mình, trong lòng cậu không có thần thánh. Cậu chỉ đơn giản cứu con vật nuôi của mình mà thôi.
Những ý nghĩ về cậu bé chỉ gặp duy nhất một lần ấy cứ quẩn trong đầu. Tôi một mình đi quanh bản. Chỉ vài ngôi nhà sàn túm lại thành một xóm, còn lại rải rác khắp các ngọn đồi. Cả bản được bao quanh bởi những đồi chè. Chè ở đây không được trồng thành từng hàng uốn lượn đẹp đẽ như những đồi chè xứ Thái nổi tiếng. Những cây chè cao ngang đầu người, không được tỉa tót, mọc chen với những tảng đá đen rêu như những mầm cây nhú thẳng lên trời, thân chúng mốc thếch như muốn chứng minh đã tồn tại trên đời từ rất lâu rồi. Vài cây to gì đó mọc bên rìa đồi chè, trên những cây ấy, vài đứa trẻ chừng chín mười tuổi đang ngồi vắt vẻo và hò reo inh ỏi.
Ngoài bọn trẻ vô ưu chơi trên những cành cây, một không khí u buồn bao trùm lên tất cả. Phía đầu cầu, những người đàn ông, thanh niên đã trở về. Tản tìm thấy tôi, bảo họ đã thực hiện xong các nghi lễ.
Buổi lễ cúng trời vẫn diễn ra, như nó không thể bị một con trâu được chăm sóc kĩ lưỡng một năm và một cậu bé con trong bản biến mất mà hoãn lại. Tôi không có cách nào từ chối tiệc rượu. Rượu đổ tràn các bát sứ, và người ta cứ uống hết bát này đến bát khác.
Rượu đầy bất tận.
Buổi chiều sụp xuống một cơn mưa dữ dội. Cẩm Xuyên đang giữa mùa mưa. Nhưng đây là cơn mưa kéo dài nhất và dữ dội nhất mà tôi từng thấy. Con suối đầu bản nước dềnh lên nhanh khủng khiếp. Tiếng nước réo ầm ầm, đứng ở ngôi nhà sàn đầu bản nhìn dòng nước băng băng từ trên nguồn đổ về, cảm giác nó sắp cuốn phăng cây cầu treo, sợi chỉ duy nhất nối bản làng này với thế giới ngoài kia.
Mưa bốn giờ đồng hồ thì tạnh. Khi mưa tạnh, những ngọn nước đã chạm sát bụng cây cầu. Trời sắp sập tối. Một nhóm người từ bên kia cầu xuất hiện. Cả bản kéo ra đứng bên này cầu. Tản bảo nên về thị trấn Cẩm Xuyên trước khi trời tối. Chúng tôi từ biệt và đi qua cây cầu. Sang đến bên kia cầu, tôi lặng người tê tái. Xác cậu bé chăn trâu được đưa về, đang nằm trên cỏ xanh, cạnh dòng suối băng mình bất tận. Người ta bảo cậu dẫn trâu đi trốn, và chết vì lũ cuốn. Xác cậu và con trâu mắc vào một khe đá. Cậu chết trong khi vẫn ôm chặt cổ con trâu yêu quý của mình.
Tôi và Tản đứng lại nhìn cậu bé tím tái trong cái chết ướt sũng. Bất ngờ, một dòng máu thẫm từ khóe miệng cậu bé trào ra. Tản cũng bất ngờ túm tay tôi xiết chặt.
Con đường hôm ấy trải dài bất tận. Mưa lại đổ khi chúng tôi vẫn đang trên đường về thị trấn. Hàng trăm con thác trắng xóa từ trên các ngọn núi cao băng qua đường, người và phương tiện đi lại trong tình trạng thách đố tử thần. Chỉ một sơ sảy không may, tất cả sẽ theo dòng thác vèo xuống vực sâu. Tản chở tôi và cả hai đều im lặng. Tất cả mọi âm thanh khác của cuộc sống đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn tiếng nước đổ ầm ầm, tưởng không bao giờ dứt.
@by txiuqw4