sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nhị Lang

Viếng Mộ Cố Nhân

TRÌNH MINH THẾ

Bất hứa nhân gian kiến bạch đấu,

Anh hùng một tiếng để ngàn thu!

Núi Bà, hẹn đuổi quân xâm lược,

Tân Thuận, nào hay cuộc bể dâu?

‘‘Kháng chiến’’ này ư? Dăm phiến đá!

‘‘Liên Minh’’ bao thuở? Mấy hàng lau!

Mưa rừng, gió núi, sinh như tử,

Há thẹn đời trai đất Bến Cầu?

Nhị Lang (1963)

LỜI NÓI ĐẦU

Hơn 33 năm trước đây, trong lúc chiến đấu bên cạnh nhà Lãnh tụ cách mạng Trình Minh Thế trong Chiến khu Núi Bà Đen, thuộc tỉnh Tây Ninh, tôi đã ý thức ngay tầm quan trọng của công cuộc mà Trình Minh Thế đang làm. Nên tôi khởi sự biên chép ngay các sự việc xảy ra, hy vọng sẽ để lại cho đời sau một sử liệu hữu ích. Tập bản thảo lúc bấy giờ luôn luôn nằm trên vai tôi, trên bước đường gian truân đấu tranh với giặc cộng và Pháp, và cứ mỗi ngày một dày thêm lên, theo với các biến chuyển của phong trào kháng chiến. Buổi sinh tiền, Trình Minh Thế đã dành cho tập bản thảo ấy một sự nâng niu quý trọng đặc biệt. Ông cắt cử một toán quân ở cạnh tôi, và dặn dò họ đừng bao giờ để mất nó vào tay giặc.

Tôi đã định khi về Saigon sẽ đem xuất bản ngay. Ấy thế mà hồi 1955, khi có điều kiện xuất bản, thì tôi lại phải tự mình đình hoãn lại. Là vì mãi tới lúc ấy, nhận ra cái điều bất tiện. Nếu sách kia ra mắt đồng bào quốc dân ngay thuở ấy, ắt thế nào cũng phải bộc lộ một số dự kiện lịch sử có dính líu gần xa tới ít nhiều nhân vật còn đang tại thế buổi đương thời. Dĩ nhiên là các dử kiện ấy chẳng tốt đẹp gì mà các nhân vật bị dính vào Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế lại là bạn của Trình Minh Thế, còn có uy quyền, mà không chính thức ra mặt địch nhân. Ngay cả Tướng Thế cũng khuyên tôi là hãy nên chờ đợi một thời gian cũng không muộn gì.

Không ngờ Tướng Thế mất, tôi buồn lòng bỏ nước ra đi. Lần lần lữa lữa, thấm thoát đã một phần ba thế kỷ qua đi, mà tôi vẫn chưa công bố được gì về cá nhân Trình Minh Thế và về sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc của ông. Ngày nay, tuổi đã về chiều, tôi lại được một số bằng hữu khuyến khích hãy nên cố gắng viết lại trang sử cũ, nếu không - như lời họ nói - chắc chắn không còn ai đủ thẩm quyền hơn nói về lai lịch Trình Minh Thế nữa. Thấy lời khuyên hợp lý, tôi lại cầm bút.

Quả như Nhà Văn Cao Thế Dung đã viết, rằng tôi "đã có cái hân hạnh tham gia tổ chức Quốc Gia Liên Minh với hào quang sáng chói của một Trình Minh Thế - người chiến sĩ dân tộc vĩ đại và tiền phong của thập niên 1950 – mà hiển nhiên Lịch sử Dân Tộc tô đậm bằng một thứ vàng son hiếm quý". Tôi thật đã có cái cơ duyên hãn hữu đứng gần Trình Minh Thế trong cuộc kháng chiến 5 năm trong núi rừng Tây Ninh, và đã nắm giữ một vai trò then chốt để có cái nhìn toàn diện về cuộc kháng chiến ấy, và được hiểu biết cả những điều bí ẩn bên trong mà các anh em khác trong tổ chức Liên Minh không tài nào biết được.

Biết mà để dạ cho tới phút cuối cùng thì cũng thiệt thòi cho lịch sử. Mà đã nói ra thì không thể không bộc bạch cho hết mọi khía cạnh vật chất lẫn tinh thần của phong trào kháng chiến, nói với tư cách "chứng nhân" tự thủy chí chung. Vì vậy mà dẫu "cái tôi’’ vốn đáng ghét xưa nay, tôi bất đắc dĩ vẫn phải đem "cái tôi’’ vào trong câu chuyện, ngõ hầu cống hiến một sắc thái sống động chân thực. Cuốn sách này chỉ vẽ lại một bức tranh lịch sử có giới hạn từ năm 1955 - năm ông mất. Tuy nhiên, sau khi Trình Minh Thế từ trần, xét thấy ảnh hưởng của ông còn bao tỏa trên thời cuộc một thời gian tiếp theo, nên tôi có thêm phần "DƯ ÂM" cho câu chuyện được hoàn toàn đầy đủ về mọi khiá cạnh.

Làm sống lại một phong trào tiền tiến, một phong trào bùng dậy giữa ba đối phương "thực, cộng phong", một phong trào có triển vọng tồn tại vô hạn định nếu không có vấn đề "hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm", tôi cũng còn mong ước cống hiến cho đồng bào ngày nay chút kinh nghiệm thực tiễn về công cuộc tổ chức đấu tranh, về cách thức nuôi sống phong trào ngay trong những hoàn cảnh bi thảm nhất. Vấn đề kháng chiến đang là đề tài sôi nổi từ trong tới ngoài nước. Mong sao những giòng này tới tay các chiến sĩ quả cảm đang nằm gai nếm mật bên quê nhà, thì riêng tôi cũng cảm thấy hãnh diện rằng đã đóng góp với anh em, nếu không bằng xương bằng thịt, thì cũng bằng chút kinh nghiệm của lớp người đi trước.

Chính vì lòng tôi luôn luôn nghĩ tới các anh em đang chiến đấu bên quê nhà, nên trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng diễn tả thật tỉ mỉ các công cuộc phát minh tài tình lỗi lạc của Trình Minh Thế, những phát minh tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho công cuộc kháng chiến ngày nay. Chẳng hạn như việc chế tạo "time- bomb”, như việc thiết lập đài Phát Thanh, như hệ thống "Điện thoại một giây" v.v.

Ngần ngại đắn đo mãi bao nhiêu năm vì lẽ nọ lẽ kia, tới bây giờ cầm bút chép lại chuyện xưa, thì những người trong cuộc hầu hết đã theo chân Trình Minh Thế mà ra người thiên cổ. Như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, như Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, như các Tướng lĩnh Trần Quang Vinh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lê Quang Vinh, Lâm Thành Nguyên (Hòa Hảo), và Lê Văn Viễn (Bình Xuyên) v.v… mỗi người một cái chết khác nhau. Tất cả các nhân vật ấy đã họp thành một "Đám Tinh Tú" trên bầu trời chính trị Việt Nam trong thập niên. Và lạ thay, họ đều có liên quan tới Trình Minh Thế cả. Tôi chưa thấy có giai đoạn nào mà lịch sử lại sản sinh ra quá nhiều nhân vật khét tiếng như thế bao giờ.

Chép về Trình Minh Thế, tôi không chủ tâm làm thương tổn uy tín cá nhân ai, dù người ấy còn sống hay đã chết. Chẳng qua vì sự việc xảy ra có dính líu tới họ, nên tôi buộc lòng phải nói tới họ. Dù tốt hay xấu, họ cũng đã làm rồi, họ phải nhận lấy trách nhiệm trước lịch sử. Tôi không thêm, không bớt.

Trọn đời tôi, tôi chưa cảm phục ai bằng Trình Minh Thế. Khi chiến đấu bên cạnh ông tôi mới thực hiểu biết tại sao giống nòi Việt Nam đã có các vị anh hùng áo vải như Quang Trung như Lê Lợi. Chỉ hận rằng Trình Mình Thế vì quá khinh địch mà thác, khiến đời chẳng được nhìn thấy khúc đuôi của " Con Rồng’’ vừa xuất hiện giữa từng mây. Tôi thành thực tiếc thương con người tài hoa ấy.

Mấy trang sách này, tôi coi như một lễ vật dâng lên bàn thờ anh hùng Trình Minh Thế với tấm lòng tưởng nhớ thiên thu.

Mùa Xuân Năm Giáp Tý (1984)

Tác giả cẩn chí

NHỊ LANG


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx