sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1 - Con Đường Chính Nghĩa Dân Tộc

Dêm mồng 6 tháng 6 năm 1951. Tại Câu lạc bộ Sĩ quan Quân đội Cao Đài, tỉnh Tây Ninh, có một bầu không khí khá tưng bừng náo nhiệt. Ai nấy đều có vẻ trịnh trọng khác thường. Lẫn lộn giữa các quân nhân cao cấp Cao Đài rất dễ phân biệt với chiếc mũ "chào mào", người ta bắt gặp một số đông các vị chức sắc tên tuổi trong Tòa Thánh Tây Ninh, cùng nhiều sĩ quan Pháp với bộ quân phục lễ nghi gắn đầy huy chương trên ngực.

Được biết đó là một tiếp tân trọng thể, chào mừng Đại tá Trình Minh Thế vừa được vị Giáo chủ Cao Đài, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Chưởng quản Nhị Hữu hình Đài, cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đội Cao Đài, đóng một vai trò trọng yếu thứ hai trong binh lực giáo phái, sau chức Tổng Tư Lệnh do Tướng Nguyễn Văn Thành nắm giữ. Phải đứng vào thời cuộc buổi đương thời, mới thấy địa vị mới mẽ kia của Đại tá Trình Minh Thế, bấy giờ là một thanh niên mới 29 tuổi, quả thật hiển hách phi thường, không dễ ai cũng chiếm được. Và cũng nên đứng vào thời cuộc buổi đương thời để hiểu rằng Miền Nam Việt Nam thuở ấy có hai lực lượng võ trang giáo phái hết sức quan trọng đồi với nền an ninh quốc gia, đó là Quân đội Cao Đài, đặt Tổng Hành dinh tại Bến Kéo, Tây Ninh và Quân đội Hòa Hảo, đặt Tổng Hành dinh tại Cái Vồn, Cần Thơ. Chính quyền Thực dân Pháp cũng như chính quyền bù nhìn Bảo Đại không dám coi thường họ, mà phải chính thức nhìn nhận họ có quyền tổ chức hàng ngũ binh cơ riêng biệt, có quyền tự trị về mọi mặt. Riêng về phía Cao Đài thì Đức Giáo chủ Phạm Công Tắc là vị Chỉ huy Tối cao. Chính Ngài đích thân chọn lựa và bổ nhiệm các chiến sĩ Cao Đài đắc lực vào các chức vụ then chốt của Quân đội Cao Đài, mà sỉ số ước lượng vào khoảng 15 tới 20.000 người, và quyền hạn kiểm soát lan trải trên dưới 13 tỉnh Miền Nam. Mỗi tỉnh có một vị Đầu Tộc coi về mặt Đạo, và một vị Chỉ huy coi về mặt quân sự.

Đại tá Thế từ lâu vốn nổi tiếng liêm trực, nghiêm khắc và nóng nảy. Nóng nảy đến nổi binh sĩ dưới quyền đặt cho ông cái biệt hiệu "Ông Tướng Lửa", nhất là khi hành quân lâm trận, thì sự nóng nảy kia càng trở nên tai hại đối với quân nhân nào vô ý ví phạm quân kỷ. Mặc dù các binh sĩ rất sợ tính nóng của ông, họ vẫn hết lòng kính phục ông, và sẵn sàng theo ông ra trận mạc, vì tin tưởng nơi tài hành quân độc nhất vô nhị của ông, và cái đức hiếm hoi của ông đã khi cho quân nhà luôn luôn thu đoạt thắng lợi, mà sự thiệt hại về nhân mạng lại thường rất hiếm hoi hoặc không đáng kể. Người tín đồ Cao Đài triệt để tin tưởng nơi "đức độ" vô hình của vị chỉ huy. Họ thường kể ra nhiều trường hợp trong đó một ông chỉ huy thiếu đức đã "nướng" anh em một cách oan uổng trong những cuộc đụng độ tầm thường. Ngược lại, Đại tá Thế, theo lời họ nói, chẳng những không "nướng' anh em mà còn cứu sống anh em một cách thần diệu khi bị đối phương đột kích bất thình lình.

Với tấm lòng cảm phục kính yêu sẵn có, nên trước cái tin Đại tá Thế được cử giữ chức Tham Mưu trưởng, quân nhân các cấp đều nồng nhiệt tán thưởng quyết định sáng suốt của Đức Giáo chủ Phạm Công Tắc, đồng thời tỏ nét vui mừng về sự vững mạnh của Quân đội Cao Đài từ nay đặt dưới quyền điều động của Đại tá Thế. Tiếc thay, Đại tá Thế không sao đáp ứng nổi tấm lòng kỳ vọng kia của những người mà ông hằng mến yêu. Chẳng phải ông có tâm địa phản trắc. Cũng chẳng phải cá nhân ông không xứng đáng với chức Tham Mưu trưởng vừa được tấn phong. Mà chỉ vì ông đã trót chọn con đường riêng biệt, con đường "Thoát ly" khỏi hàng ngũ Cao Đài, con đường hứa hẹn đầy rẫy chông gai hiểm hóc, con đường chính nghĩa phục vụ dân tộc. Mà cuộc tiếp tân đêm nay, đêm mồng 6 tháng 6 năm 1951, chỉ là cái bình phong đánh lạc hướng mọi sự theo dõi, để cho ông rảnh tay thực hiện kế hoạch vĩ đại của mình.

Thực vậy, cuộc tiếp tân kia với bề ngoài huy hoàng quân cách, khiến ai lại chả tin là Đại tá Thế muốn thừa dịp ấy để khoe tên tuổi với đời, nhất là để đè bẹp tham vọng và uy tín của một vài người đồng đội bấy lâu vẫn đố kỵ ông, vẫn âm thầm cạnh tranh với ông về cái chức Tham Mưu trưởng quyền uy rộng lớn, mà cuối cùng đành ôm mối thất vọng vì kém tài kém đức. Nào ai biết cho rằng Đại tá Thế không nuôi cái tâm địa nhỏ nhen của kẻ may mắn gặp thời, nắm được quyền hành cao, địa vị lớn. Trái lại, ông bất đắc dĩ phải đảm nhận vai trò nhằm che mắt thế gian, và cũng để có điều kiện thuận lợi thu thập thêm đồng chí trong hàng ngũ quân đội, vây cánh càng đông thì kế hoạch thoát ly càng khó bị bại lộ. Thành thử cuộc tiếp tân vừa kể trên chỉ nhằm mục đích "cầm chân" một số nhân vật quan trọng bên phía Cao Đài, trước nhất là Tướng Nguyễn Văn Thành, đương kim Tổng Tư Lệnh, và luôn cả một số sĩ quan tình báo Pháp lâu nay tuy bề ngoài vẫn làm mặt thân thiện hợp tác với Đại tá Thế nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm theo dõi từng hành động nhỏ nhặt của ông.

Đêm hôm ấy, những ai tinh ý chắc đã phải ngạc nhiên thấy Đại tá Thế biết "uống rượu" như một người sành điệu xã giao, và luôn luôn chuyện trò cởi mở với những người sĩ quan Pháp, qua một viên thông ngôn. Nhưng lạ thay, cứ mỗi lần câu chuyện chấm dứt, thì gương mặt ông lại lộ nét đăm chiêu lo nghĩ. Thỉnh thoảng một sĩ quan Cao Đài là bộ nâng ly rượu đến cạnh ông, khẽ nháy mắt ra dấu điều gì, và ông kín đáo gật đầu đáp lại. Thì ra, giữa lúc tiệc vui đang tiếp diễn trong căn phòng rộng rãi của Câu Lạc bộ Sĩ quan, thì ngoài kia, dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Đông, dưới bầu trời tối mịch, bao nhiêu đơn vị chiến đấu Cao Đài đang âm thầm lặng lẽ qua sông. Như những chiếc bóng ma lờ mờ ẩn hiện, lớp nọ nối tiếp lớp kia dùng những chiếc thuyền nhỏ, chèo vun vút qua bên kia bờ, rồi tiến thẳng về rừng Bù Lu, biến sâu trong rừng rậm, đoạn dùng dao mác mở đường mòn hướng về phía Bưng Rồ là địa điểm chính đã được giao hẹn trước theo kế hoạch.

Đại tá Thế làm sao không đăm chiêu lo nghĩ, khi ông mang trên vai cái trách nhiệm to tát đối với sự thành bại, sự tồn vong của hàng ngàn chiến sĩ Cao Đài đang mạo hiểm mở đường vào chiến khu, xây nghiệp lớn. Các chiến sĩ kia, hoặc đã sống dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đại tá Thế, hoặc mới vừa được móc nối qua sự trung gian của vài đồng chí thân cận của Đại tá Thế kể từ năm 1951 trở về sau, đến nay đã quyết định chấm dứt con đường hợp tác miễn cưỡng với Quân đội Viễn chinh Pháp, nghe theo tiếng gọi của "Ông Tướng Lửa", bỏ vợ xa con, nhận chịu một cuộc sống mới tuy hiểm nguy bất trắc nhưng hoàn toàn phù hợp với lập trường "Chống cộng, Đả thực, Bài phong"

Thi hành nghiêm chỉnh các kế hoạch đã được chi tiết hóa và được học tập kỹ càng trong thời gian chuẩn bị, một số sĩ quan CAo Đài do Đại tá Thế chỉ định đã hướng dẫn cuộc hành quân ra khu giữa đêm 6/6/51 đến chỗ thành công mỹ mãn, mặc dù Đài tá Thế còn bị vướng chân tại Câu lạc bộ Sĩ quan cho mãi tới lúc nửa đêm. Khi được bí mật báo cáo là "Ngựa đã qua cầu" (ám hiệu của cuộc hành quân), Đại tá Thế bèn lặng lẽ lách mình ra khỏi Câu lạc bộ, rồi tức tốc ra bến sông nơi đã có chiếc xuồng ba lá đang đợi dưới bóng cây, đoạn biến ngay sang bên kia bờ trong nháy mắt. Thế là đâu đấy an toàn trót lọt. Tướng Nguyễn Văn Thành không hay biết gì hết, và ngay cả phía người Pháp cũng không ngờ đêm ấy tình hình Việt Nam vừa xảy ra một biến cố trọng đại. Mỉa mai thay, khi các giới Pháp khám phá ra việc Đại tá Thế rút quân ra khu chống lại mình, thì lại thấy mình quá ngây thơ dại dột, vô tình tham gia buổi tiếp tân, nâng ly rượu "Mừng" một địch thủ lợi hại từ nay không cỏn chịu sự chi phối của chính quyền thực dân nữa!

Đánh lừa được thượng cấp của ông là Tướng Nguyễn Văn Thành, lại đánh lừa được cả giới quân nhân Pháp, Đại tá Thế lấy làm đắc ý, và suốt 5 năm sống ở chiến khu, ông thường nhắc lại chuyện xưa để làm quà cho các "Ông Chính khách thị thành" thỉnh thoảng lần mò vào rừng rú thăm ông, rồi lại biến mất chẳng để lại mối dây liên lạc nào. Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng Đại tá Thế, trước khi được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Cao Đài, cũng đã được nhà cầm quyền Pháp đặc biệt lưu ý tới. Hoặc giả Pháp thành thực kính trọng ông là người có tài năng đảm lược, hoặc giả Pháp nhìn thấy nơi ông hình bóng một địch thủ đáng sợ trong tương lai, nên kể từ năm 1950, đã bao nhiêu lần Pháp ngỏ ý mời ông sang thăm nước Pháp, gián tiếp và khéo léo hứa hẹn nhiều quyền lợi hấp dẫn nhằm mua chuộc ông đứng hẳn về phía họ. Đại tá Thế tiết lộ rằng, ông bị thúc giục quá mạnh, nên phải miễn cưỡng nhận lời mời trên nguyên tắc, rồi cứ khất lần khất lữa cho tới khi ra khu. Trong thời gian ấy, mặc dù Đại tá Thế chưa nói gì với các anh em thân cận về kế hoạch "Thoát ly", nhưng ông vẫn cứ âm thầm ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền tìm cách giấu bớt một số vũ khí, quân trang, quân dụng do Pháp cung cấp. Sau mỗi cuộc hành quân, dù lớn dù nhỏ, mỗi Chỉ huy đơn vị phải khai man thêm số vũ khí đạn dược bị thiệt hại. Rồi khi tiếp nhận được nguồn tiếp liệu mới, thì cất giấu hẳn đi con số thặng dư vào những địa điểm bí mật do chính Đại tá Thế chỉ định. Nhờ vậy mà ngay khi mới thành lập chiến khu, binh sĩ nào cũng được võ trang đầy đủ với những loại súng ống còn mới tinh anh. Nhiều hầm vũ khí lúc mới đào lên hãy còn giữ nguyên những chất dầu mỡ, không có món nào bị hư hại cả. Nói về đạn dược thì vô số kể, thừa dùng hàng chục năm chưa hết. Đó là một yếu tố quan trọng nâng cao tinh thần anh em binh sĩ trong cái thế phải đương đầu với hai kẻ thù là Thực Dân và Cộng Sản. Và sở dĩ công cuộc chôn giấu kia tới phút chót vẫn không bị bại lộ, là vì Đại tá Thế cho biết ông không có mục đích vụ lợi cá nhân, mà như ông nói "Quân Đội Cao Đài cần lớn mạnh để quét sạch cộng sản ra khỏi các vùng ảnh hưởng của Cao Đài, mà người Pháp thì không thật lòng giúp đỡ, khiến ta phải tự túc tự cường bằng mọi cách. Vì quyền lợi chung, việc cất giấu vũ khí không phải là một hành động trộm cướp".

Sự tính toán của Đại tá Thế thật nhịp nhàng linh động. Hơn một năm trước, ông đã tiên liệu được cả những gì cần thiết cho một công cuộc trọng đại đang còn thai nghén trong tâm hồn ông. Tài năng và mưu lược của ông đã bắt đầu xuất hiện ngay khi chưa bắt tay vào việc.

Trở lại cuộc hành quân ra khu trong đêm 6/6/51, như trên vừa nói, kết quả được coi như thành công mỹ mãn. Không có sự rủi ro nào xảy ra. Những đơn vị nào đã tình nguyện theo Đại tá Thế đều ra đi trót lọt đúng theo chương trình ngay trong đêm ấy, hoặc những đêm kế tiếp giữa lúc Bộ Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài còn đang hoang mang, chưa kịp đặt mạng lưới hữu hiệu. Ấy là chưa kể một số các đơn vị khác đã tự động nối gót theo sau trong mấy tháng cuối cùng năm 1951, hoặc vì cảm phục cá nhân Đại tá Thế, hoặc vì tình "huynh đệ chi binh" mật thiết đối với các anh em đã ra đi trước họ.

Tại rừng Bưng Rồ, ngay trong đêm vừa kể, các toán quân kháng chiến mới chân ướt chân ráo ra khu, đã sống những giây phút khẩn trương. Họ chờ đợi Đại tá Thế trong nỗi phập phồng lo ngại. Nếu chẳng may Đại tá Thế bị ngăn chặn lại vì lẽ này hay lẽ khác, thì đại cuộc kể như sụp đổ hoàn toàn. Đoàn quân kia sẽ như rắn không đầu, ở lại sẽ lâm nguy mà về cũng chẳng còn đường về. Cho nên, lúc chợt thấy bóng Đại tá Thế xuất hiện dưới ánh lửa chập chờn, tất cả các sĩ quan và binh sĩ đều đồng loạt đứng lên, hoan hô nhiệt liệt. Sự thành công tới lúc này mới được coi là thành công thật sự. Nhưng ông cựu Tham Mưu Trưởng Trình Minh Thế không mang theo trên người ông bộ quân phục sang trọng khi ông đứng làm chủ cuộc tiếp tân, mà người ta chỉ thấy ông mang cái vẻ "bần cố nông" với chiếc quần kaki cũ kỹ và chiếc áo Blouson bạc phếch may bằng thứ vải lều cắm trại không biết ông nhặt nhạnh ở đâu mà có như vậy. Việc canh gác tức thì được bố trí cẩn mật và một cuộc Hội nghị Cao cấp được triệu tập ngay tại chỗ.

Trước hết, các sĩ quan có mặt, nhân danh toàn thể binh sĩ dưới quyền họ đồng thanh đưa kiến nghị tấn phong Đại tá Trình Minh Thế, vị Tân Chỉ Huy Tối Cao của họ, lên cấp bực Thiếu Tướng. Viện cớ rằng từ nay các thành phần chiến đấu trong khu không còn tùy thuộc hệ thống Quân Đội Cao Đài nữa, mà phải có riêng một tổ chức lãnh đạo mới cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Chức Thiếu Tướng kia vừa xứng đáng với tài năng và công nghiệp cá nhân của Đại tá Thế, lại vừa là một nhu cầu bất khả tranh luận, hơn thế nữa, là một yếu tố tâm lý nhằm nâng cao uy tín của lực lượng võ trang kháng chiến mới thành hình.

Mọi ý kiến đưa ra đều xác đáng cả, khiến Đại tá Thế không viện được lý do nào để từ chối lời đề nghị của anh em. Khi ông lên tiếng chấp nhận cuộc tấn phong, ai nấy xiết đỗi hân hoan, lại cùng đứng cả lên một lượt trịnh trọng chào mừng theo lễ nghi quân cách. Tiếp đó, "Tân Thiếu Tướng" Trình Minh Thế long trọng tuyên bố thành lập "Quân Đội Quốc Gia Liên Minh", là thể theo thâm ý của ông muốn tiến tới một lực lượng kháng chiến võ trang bao gồm tất cả các tổ chức đấu tranh trong nước, với lập trường quốc gia độc lập, đánh đuổi cả Thực dân, Cộng sản lẫn Phong kiến bù nhìn tay sai Pháp. Để đền đáp lại công lao của các chiến sĩ đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình để đi theo ông trên con đường chính nghĩa dân tộc, Thiếu Tướng Thế quyết định ban thưởng mỗi quân nhân lên 2 cấp. Kể từ giờ phút ấy, người ta được biết các khuôn mặt then chốt sau đây: - Trung tá Trương Lương Thiện, sung chức Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Liên Minh. - Trung tá Cảm Văn Tỵ, sung chức Giám Đốc Quân Y Cục, kiêm Giám Đốc Công Binh xưởng Liên Minh. - Trung tá Trần Minh Triết, tự Trạng, sung chức Giám Đốc Trường Huấn Luyện Quân Sự Liên Minh. - Đại úy Nguyễn Văn Đờn, sung chức Đổng Lý Văn Phòng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia Liên Minh. - Đại úy Hồ Đức Trung, sung chức Giám Đốc Quân Chính Cục, kiêm Giám Đốc Đài Phát Thanh Liên Minh. - Trung úy Nguyễn Văn Tranh, sung chức Trưởng Ban Quân Lương. - Trung úy Vũ Trãi, sung chức Trưởng Ban Quân Phục.

Về phương diện chiến đấu, các sĩ quan sau đây, với tài năng đảm lược đáng kể, được cử giữ chức các Tiểu Đoàn Trưởng các Tiểu Đoàn Liên Minh: Trung tá Nguyễn Trung Thừa, Trung tá Nguyễn Tấn Mạnh, Trung tá Hà Văn Tình, Thiếu tá Tô Bính Cầm, Thiếu tá Nguyễn Kim Bằng, Thiếu tá Nguyễn Văn Của. Thiếu tá Lê Phước An đặc trách cơ quan tình báo.

Ngoài ra, còn một sĩ quan khác sắp giữ một vai trò lãnh đạo nhất nhì trong Quân Đội Quốc Gia Liên Minh, nhưng không có mặt trong cuộc họp lịch sử tại rừng Bưng Rồ. Đó là Trung tá Văn Thành Cao, vị sĩ quan này nguyên là Chỉ Huy Trưởng Quân Đội Cao Đài tại Sa Đéc. Ông không thể ra khu cùng một ngày với các đơn vị khác vì được lệnh riêng của Thiếu Tướng Thế phải ở lại thi hành cho xong một công tác đặc biệt. Ấy là vụ tổ chức ám sát tên Trung Tướng Pháp Chanson và viên Đại biểu Chính phủ Thái Lập Thành, khi hai tên này cùng sát cánh nhau trong một chuyến kinh lý Miền Tây. Thi hành xong công tác, Trung tá Văn Thành Cao tức tốc biến vào khu, được thăng 2 cấp từ Đại úy lên Trung tá theo quyết định chung vừa nói ở đoạn trên, và được bổ nhiệm chức Phó Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia Liên Minh, được quyền thiết lập hành dinh riêng biệt tại rừng Doi Da nằm trong phạm vi chiến khu Bù Lu.

Cũng chính tại cuộc Hội Nghị Bưng Rồ, các cấp đã đi đến một số các quyết định như sau: Quân đội tác chiến được tổ chức tới cấp Tiểu Đoàn là cao nhất. Áo dụng tam tam chế, mỗi Tiểu Đoàn gồm 3 Đại Đội, mỗi Đại Đội gồm 3 Trung Đội..v.v. Bộ Tông Tư Lệnh được bảo vệ bởi một Đại đội đặc biệt, chịu quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tướng Thế trên danh nghĩa nhưng trên thực tế lạ do Đại úy Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Văn Đờn điều động. Về cấp hiệu các sĩ quan, thì từ Thiếu úy lên Đại úy, vẫn dùng 1,2,3 gạch vàng đeo trên vai như Quân đội Pháp, nhưng từ cấp Thiếu tá lên Đại tá thì hình thức lại khác hẳn. Thiếu tá có một gạch vàng kèm theo một ngôi sao năm cánh đặt trên nền đen. Trung tá, 2 gạch vàng và Đại tá, 3 gạch vàng với ngôi sao. Việc thăng thưởng ít nhất phải 3 năm một lần, trừ trường hợp đặc biệt thì không kể.

Mặt khác, Thiếu Tướng Thế loan báo cho mọi người biết là trước khi rút quân ra khu, ông đã bí mật soạn thảo một bức "Tâm Thư" dịch ra ngoại ngữ Anh và Pháp gởi cho tất cả các Phái Bộ Ngoại Giao tại Sài Gòn, trong đó ông vạch trần các lý do khiến ông bắt buộc phải tự nguyện hy sinh "Mở đường cho một công cuộc nổi dậy của toàn dân Việt nhằm đánh đổ âm mưu tái lập nên đô hộ của người Pháp, và loại trừ bè lũ Cộng sản phản quốc hại dân". Và ông kêu gọi các quốc gia trong thế giới yêu chuộng hòa bình tự do (bấy giờ chưa có danh từ Thế giới Tự do)hãy cảm thông cho những đòi hỏi chính đáng của dân tộc Việt Nam, mà vui lòng ủng hộ phong trào kháng chiến giành độc lập do ông lãnh đạo. Bức thư kia, theo ông nói, "Hiện giờ này đã được các đồng chí của chúng ta ngoài thành đệ đạt tới các Phái Bộ Ngoại Giao rồi".

Cuộc Hội nghị lịch sử Bưng Rồ kéo dài cho tới khi trời vừa sáng. Và như thế là bên trong, quân tướng Liên Minh hả hê với cái mộng đầu đội trời chân đạp đất, thảnh thơi một mình một cõi từ nay. Còn bên ngoài thì một tiếng nổ chính trị vừa phát ra một cách đột ngột và dữ dội, khiến người Pháp không thể không giật mình sợ hãi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx