sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2 - Giai Đoạn Củng Cố Chiến Khu

Thoát mình ra khỏi vòng vây kìm kẹp và sự theo dõi thường trực của người Pháp đã là khó. Nhưng cái khó ấy đã vượt qua rồi. Bây giờ tới việc nuôi nấng và duy trì cho đoàn quân kháng chiến "trứng mỏng" kia khỏi bị bóp vỡ ngay buổi đầu, lại càng là một sứ mạng hết sức nặng nề, khó khăn đối với Thiếu Tướng Trình Minh Thế.

Thành thực mà nói, cho mãi tới cái lúc "Ngựa đã qua cầu" trong đêm mùng 6 tháng 6 năm 1951, nào ai biết Trình Minh Thế là người nào? Ngoài các binh sĩ Cao Đài thân cận ra, cái tên Trình Minh Thế hãy còn quá xa lạ đối với các chính khách Việt Nam. Nhưng bây giờ thì cái tên ấy đã bắt đầu gây sóng gió, và được dư luận nhắc nhở tới. Nguồn tin có tính cách bình dân mang bốn chữ "Cao Đài ra khu", tuy bị nhà cầm quyền Pháp và bù nhìn tay sai cấm đoán phổ biến trên báo chí, nhưng nó vẫn đã có con đường riêng của nó để đến tai mọi giới. Khắp đó đây, thiên hạ xì xào bàn tán. Ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng rúng động. Người đất Bắc tuy xa xôi, nhưng cũng đã biết chuyện một cách nhanh chóng, và biết với tấm lòng ngưỡng mộ và kính phục một chiến sĩ giáo phái dám làm nên chuyện.

Kể từ ngày ngụy quyền Cộng sản Hồ Chí Minh chính thức mời Pháp đặt chân trở lại trên toàn cõi Việt Nam, để hợp lực với chúng tiêu diệt hàng ngũ quốc gia. Hỏi có chính khách nào, có đoàn thể nào không cảm thấy căm hận? Không muốn làm "một cái gì" cho đất nước? Tuy nhiên, cái ý muốn kia họa hoằn chỉ tiềm tàng trong trí nghĩ, khó nổi thực hiện được. Sau đêm kháng chiến toàn quốc 19/12/1946, mặc dù tập đoàn Cộng sản Hồ Chí Minh thất thế chạy trốn lên miền rừng núi Việt Bắc, và mặc dù sự liên kết thực cộng không còn nữa, hàng ngũ quốc gia cũng chẳng biết phải làm gì. Vì lẽ, trong vùng kiểm soát của Cộng sản, họ bị vướng chân bởi chiêu bài "Kháng chiến chống Pháp" mà bọn Hồ Chí Minh nhai nhải rêu rao, nhằm lôi kéo đồng bào quốc dân theo chúng. Khiến bất cứ cá nhân nào âm mưu đánh đổ chúng đều bị lên án phản quốc, Việt gian, chắc chắn bị dư luận phỉ nhổ. Còn trong phần đất ảnh hưởng Pháp, họ càng không thể hoạt động tích cực dưới hai cái ách thực dân và bù nhìn. Những kẻ có quyền lại chính là những kẻ phản bội tổ quốc hơn ai hết.

May mắn thay, cá nhân Trình Minh Thế, vừa có binh quyền trong tay lại vừa có lòng ái quốc gương mẫu không ai chối bỏ được, nên mặc nhiên đã trở thành "Mẫu người lý tưởng", thực hiện giùm cái mộng "chống cộng, đả thực, bài phong" lâu nay vẫn đốt cháy tâm can bao nhiêu chiến sĩ quốc gia chân chính. Do đó mà việc Trình Minh Thế rút quân ra khu được coi là một biến cố lịch sử trọng đại, được đánh giá rất cao, ngang hàng với các phong trào văn thân Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám thuở xưa.

Chẳng nói ai cũng biết, người căm giận Tướng Thế nhiều nhất là ông Tướng Nguyễn Văn Thành, đương kim Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài, thượng cấp cũ của Tướng Thế. Trung Tướng Nguyễn Văn Thành, theo dư luận chung của binh sĩ Liên Minh trước kia thuộc quyền ông, là một con người "sắt máu", mang trong huyết quản quá nhiều quân nhân tính để trở nên độc tài, hách dịch. Ông vốn xuất thân là một người thợ hồ với cái thời niên thiếu rất tăm tối. Trong cuộc đời binh nghiệp trong phạm vi giáo phái, ông đã tiến thân rất nhanh chóng và được Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tín nhiệm, đặt vào ngôi vị cao nhất trong Quân Đội Cao Đài.

Tòa Thánh Tây Ninh có xu hướng bảo hoàng, suy tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Vì vậy mà Tòa Thánh giữ lập trường ủng hộ chính quyền Bảo Đại, sau khi Bảo Đại từ Pháp trở về hồi tháng 10 năm 1949 để giải tán chính phủ lâm thời Nguyễn Văn Xuân, rồi hoặc đích thân cầm đầu chính phủ, hoặc giao cho những người kế tiếp như Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc làm Thủ Tướng. Riêng Tướng Nguyễn Văn Thành thì lại có lập trường thân Pháp rõ rệt. Ông từng được Pháp mời sang Paris thăm viếng. Đối với Tướng Thế, tuy ông vẫn gọi thân mật bằng em, bằng chú, nhưng trong thâm tâm ông chẳng ưa Thế, vì lẽ vì thấy người "Em út" trẻ tuổi này có tài năng quân sự xuất chúng, có thể sẽ trở nên một địch thủ lợi hại về sau.

Chúng ta nên biết trong nội bộ Cao Đài, ngoài cái kỷ luật quân sự khá cứng rắn noi theo tác phong Quân Đội Nhật Bản mà Quân Đội Cao Đài chịu ảnh hưởng khá nặng về phương diện tổ chức và lãnh đạo, lại còn cái tình đồng đạo ràng buộc binh sĩ với nhau một cách gắn bó. Cho nên, một mặt các sĩ quan Cao Đài phải kính cẩn gọi thượng cấp của mình bằng "Ngài", mặt khác trong tình riêng, họ còn gọi nhau bằng anh, bằng chú nghe như ruột thịt trong một gia đình vậy. Thế dẫu không ưa Thành vì cái lập trường quá thân Pháp của ông ta, nhưng Thế vẫn rất mực kính nể Thành ngay cả khi vắng mặt, không bao giờ dám dùng những lời khiếm lễ đối với người anh cả trong quân đội.

Ngay sau khi biết tin Tướng Thế ra khu, kéo theo cả một số quân quan trọng làm cho thế cục Quân Đội Cao Đài bị sứt mẻ trầm trọng, Trung Tướng Nguyễn Văn Thành đùng đùng nổi giận. Một mặt, ông vội vàng phúc trình lên Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, mặt khác ông triệu tập ngay một phiên họp quân sự khẩn cấp để đối phó với tình hình mới. Chỉ ít lâu sau, theo đề nghị của ông, Đức Hộ Pháp bổ nhiệm Đại tá Đ.Q.D thay thế chức Tham Mưu Trưởng Quân Đội Cao Đài đang bị bỏ trống. Cơn giận nguôi đi rồi, Trung Tướng Thành lại nghĩ cách thuyết phục Tướng Thế trở lại hàng ngũ. Mặc dù sự xích mích giữa đôi bên quá lộ liễu, Tướng Thành vẫn ỷ mình là bậc đàn anh, không ngại hiểm nguy bất trắc, thân hành vào khu thăm Tướng Thế mấy bận. Nhưng Tướng Thành đã thất bại hoàn toàn, đành ra về với nổi hậm hực, cái hậm hực đã biến thành những hàng động tai hại, dẫn dắt tới một số biến cố đau thương sau đó.

Về phần Tướng Thế, ông có bổn phận củng cố ngay hàng ngũ trong một thời gian ngắn. Lập trường đã được phổ biến, dư luận khắp nơi đều biết. Kẻ thù tam tứ diện, nào thực dân, nào cộng sản, nào bù nhìn tay sai Pháp, lại thêm mối ác cảm của người anh đồng đội như đã nói trên. Tình thế ấy quả thật nguy hiểm khôn lường. Pháp dĩ nhiên là không tha thứ cho hành động tày trời của Tướng Thế. Thậm chí Pháp đe dọa là sẽ đưa Tướng Thế ra Tòa án Quân sự nếu bắt được, và nhất định sẽ lên án tử hình khiếm diện người chiến sĩ họ Trình. Sự phản ứng dữ dội kia của Pháp vô tình làm cho danh nghĩa của Tướng Thế càng thêm sáng chói, và càng khiến dư luận trong nước Việt Nam đổ dồn về ông một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, ta không thể xem thường quyết định của Pháp trong những ngày sắp tới, và chính Tướng Thế cũng biết ông sẽ phải đương đầu với kẻ thù lợi hại như thế nào rồi. Còn đối với Cộng sản, thì sự đụng độ lưu huyết chắc chắn sẽ xảy ra ngày một ngày hai. Vì lẽ đoàn quân kháng chiến của Tướng Thế đã dàn trải ra ngay trên các vùng rừng rú xưa nay vốn là sào huyệt của bọn du kích cộng sản địa phương. Chẳng khác nào ông dẫm chân ngay trên yết hầu của chúng, khiến chúng phải ngạt thở.

Dù sao chăng nữa, cả Pháp lẫn Cộng sản đều cần một thời gian để thăm dò thực lực của quân cách mạng. Và khoảng thời gian chiến lược ấy tạm coi là đủ cho Tướng Thế chỉnh đốn hàng ngũ, củng cố chiến khu. Rủi cho đoàn quân cách mạng là vừa rút ra rừng lại gặp phải mùa mưa. Trong Nam, mùa mưa thường bắt đầu vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Mưa liên tiếp ngày đêm, mưa dữ dội. Nhất là những cơn mưa rừng ven miền biên giới Miên Việt thì quả là một thứ kỷ niệm chua chát đối với kẻ chấp nhận cuộc đời ăn gió nằm sương. Nước lũ từ phía Cao Miên đổ về, chảy tràn qua rừng rú, ngập tới thắc lưng. Muỗi mòng sinh sôi nảy nở không sao kể xiết được. Loại muỗi đòn xóc bay ngập cả bầu trời, tạo thành một bức màn trăng trắng như sương. Thậm chí cứ đưa tay ra là có thể bắt được một lúc dăm ba con muỗi với đôi cánh cứng và nhám như cánh ruồi. Ban đêm, dù nằm màn, chèn kỹ tới đâu, sáng ra vẫn bắt gặp trong góc mỗi màn một số muỗi đáng ghê sợ, con nào cũng mập tròn những máu, tiết ra cả mùi máu người tanh hôi. Nhìn lại đôi đầu gối và khuỷu tay, ôi thôi, lốm đốm hàng trăm nốt đỏ vì muỗi đốt. Thế là chỉ dăm ba bữa, bệnh sốt rét rừng nổi lên dữ dội quật ngã con bệnh. Không gì buồn cười hơn là giữa ban ngày, bạn hữu muốn trò chuyện với nhau phải ngồi trong màn mà nói. Còn các quân nhân lo việc văn phòng, cũng phải đem máy đánh chữ vào màn ngồi gõ lách cách.

Nổi khổ cực vì mưa, vì muỗi kia, xét ra có cái rủi mà cũng có cái may cho đoàn quân cách mạng. Vì phía Cộng sản, binh đội chúng cũng sống trong cảnh tê liệt, không dám liều mình đi quấy rối. Còn phía Quân đội Viễn chinh Pháp, chắc cũng chẳng có anh nào dám hy sinh mạo hiểm đưa mình vào giữa chốn rừng sâu ngập nước, để phải tan xác vì những quả mìn được khéo léo chôn kín dưới những con đường mòn, hoặc treo lủng lẳng trên các cành cây rậm lá, mà những cơn mưa lũ càng làm cho lá gấp lại, che kỹ mìn, cho luôn cả những đường dây điện li ti được giấu kỹ sau lớp vỏ cây. Tạm lập Tổng hành dinh tại Bưng Rồ trong mấy hôm, sau đó Thiếu Tướng Trình Minh Thế bèn quyết định dời cơ sở Trung Ương xuống phía Nam, ở khoảng giữa khu rừng Bù Lu (Tiếng Miên có nghĩa là Rừng Trầu). Sau này cả khu chiến nằm dọc theo biên giới Miên Việt được gọi chung là chiến khu Bù Lu, nhằm phân biệt với Chiến Khu Núi Bà Đen được thiết lập khoảng 2 năm sau đó. Bộ Tư Lệnh gồm một căn nhà ba gian lợp tranh, cột kèo đều bằng cây rừng cong queo, và với dãy sạp dài dùng làm giường ngủ chung cho nhiều người, được kết bằng những mảnh thân cau rừng chẻ làm đôi và ghép liền nhau lại bằng một thứ dây rắn chắc gọi là dây "cổ rùa". Riêng Tướng Thế được anh em binh sĩ thương yêu, "đặc cách" lập cho một chỗ ngủ kiêm văn phòng, được ngăn cách hẳn ra bằng mấy tấm tranh lởm chởm. Cạnh Bộ Tư Lệnh là một gian nhà tranh khác, nơi làm việc của các quân nhân dưới quyền Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Văn Đờn. Và phía sau Bộ Tư Lệnh là một dãy nhà dài dành riêng cho Đại Đội Hộ Vệ.

Các cơ sở trung ương gồm có một trường Huấn Luyện Quân Sự rất rộng lớn và tổ chức có quy mô, ở gần Bộ Tư Lệnh. Một Đài Phát Thanh thiết lập cách đó chừng một cây số đường rừng. Một Cục Quân Y (hay Dưỡng Đường), và một Ban Quân Phục.

Trường Huấn Luyện Quân Sự đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Trần Minh Triết, tự Trạng. Trường được tổ chức và điều hành theo đường lối Nhật Bản, với kỷ luật hết sức nghiêm minh và cách thức huấn luyện cũng hết sức cứng rắn, nặng nhọc. Sáng nào sinh viên cũng được đưa ra ngoài bãi đất trống tập thể dục, đánh vật, chơi bóng chuyền. Thường thường vào lúc nửa đêm, trường tổ chức báo động giả để soát xét lại phản ứng của sinh viên trong hoàn cảnh du kích. Trường cũng có đào tạo một số nữ cán bộ, sau khi tốt nghiệp được phân phối đi hoạt động khắp nơi.

Cục Quân Y do Trung Tá Cảm Văn Tỵ điều khiển. Ông này vốn là một Đông Y sĩ có tiếng tăm tại Tòa Thánh Tây Ninh thuở trước. Chẳng những có tài chữa bệnh theo hai phương pháp Đông và Tây y, mà lại thêm tài chế chất nổ, làm bom đạn khá tinh vi khéo léo. Binh sĩ Liên Minh bị thương tích được đem về đây chăm sóc trong những căn nhà dài lợp tranh. Thuốc men luôn luôn có đủ, do tổ chức liên lạc ngoài thành cung cấp. Dưới quyền Trung Tá Tỵ có khoảng 20 cán bộ y tế gồm cả nam lẫn nữ. Khi cần di tản chiến thuật, thì các cán bộ kia phải đảm trách việc khiên bệnh nhân bằng võng xuyên qua rừng, qua núi rất là khó nhọc. Sau này, vì nhu cầu chiến trường, tại cả hai chiến khu Bù Lu và Núi Bà Đen đều có Dưỡng Đường riêng, lại có thêm một Y sĩ chính thức tên là Nguyễn Văn Sĩ, vốn từ hàng ngũ đối phương về gia nhập Kháng Chiến Liên Minh và phục vụ bệnh nhân một cách tận tụy, đắc lực. Ông Y sĩ này là con người vui tính, đã có lần vì hoàn cảnh bắt buộc, ông phải dùng cưa sắt cưa chân một binh sĩ vô ý giẫm phải mìn, mong cứu sống anh ta khỏi chứng phong đòn gánh. Nhưng thất bại, vì vi trùng Tétanos hoành hành quá nhanh, binh sĩ kia quằn quại kêu la rồi chết, khi thuốc điều trị Testanos gởi mua từ Sài Gòn chưa về kịp.

Ban Quân Phục có nhiệm vụ cung cấp quần áo cho binh sĩ, được giao cho Trung Sĩ Vũ Trãi điều hành. Ban này cũng có nhiều nữ cán bộ giúp sức, và cũng phải gánh chịu một công tác nặng nhọc là khiêng máy may qua rừng, qua núi mỗi khi cần di tản chiến thuật. Binh sĩ Liên Minh được cung cấp quân phục bằng vải đen, không hạn chế bao nhiêu, cứ hể cũ rách là được thay thế bằng quần áo mới.

Vì hoàn cảnh du kích, các vị Chỉ huy Tiểu Đoàn và Đại Đội được quyền uyển chuyển di động căn cứ, nên không tiện nói rõ ở đây. Có điều là các vị Chỉ huy ấy đều được lệnh phải tích cực đề phòng và chuẩn bị nghênh địch ngay trong những ngày đầu tiên mới lập chiến khu.

Vừa tạm yên công cuộc tổ chức nội bộ, Tướng Thế đã nghĩ ngay tới vấn đề chính trị hóa Quân Đội Quốc Gia Liên Minh. Như ai nấy đã biết, Tướng Thế không dám trông cậy nhiều ở đoàn quân tương đối nhỏ bé của mình để đi đến kết quả mong muốn đoàn quân tương đối nhỏ bé của mình.

Đoàn quân ấy đã đành là cần thiết để bắt buộc các đối phương phải kiêng nể. Tuy nhiên, nó vẫn có tính cách tượng trưng, và một tướng lãnh du kích ắt không bao giờ nỡ đem xài phí thực lực, nó hy sinh tính mạng anh em binh sĩ, trừ trường hợp bất khả bất nhiên. Nghĩa là chiến tranh du kích cần phải bảo vệ chủ lực. Thế cho nên, Tướng Thế cảm thấy không thể thiêú sót một tổ chức chính trị bao trùm lên trên lực lượng quân sự, để gây thêm thanh thế bên ngoài, đánh mạnh thêm những tiếng chuông báo động dư luận và cảnh tỉnh các kẻ thù dân tộc, khiến chúng phải biết rằng hàng ngũ quốc gia ái quốc Việt Nam không phải hoàn toàn mơ ngủ. Rút kinh nghiệm ở các tổ chức hiện hữu khác, như Cao Đài có thêm Việt Nam Phục Quốc Hội, như Hòa Hảo có thêm Việt Nam Dân Xã Đảng, Tướng Thế cũng muốn rằng Quân Đội Quốc Gia Liên Minh phải có thêm một tổ chức nào đây đứng làm hậu thuẫn trực tiếp cho công cuộc đấu tranh chính nghĩa của ông.

Sau một thời gian vận động tích cực, với sự tiếp tay nồng nhiệt của bao nhiêu bằng hữu hoặc chính khách ngoài thành, ngày 20 tháng 8 năm 1951, nghĩa là chỉ cách chừng 3 tháng sau khi rút quân ra khu, một cuộc Hội Nghị Đại Biểu Quốc Gia rộng lớn đã được triệu tập tại Gò Ngải, nơi tạm gọi là tiền đồn của chiến khu Bù Lu, ở về phía hữu ngạn con sông Vàm cỏ Đông và đối diện với Bến đò Cẩm Giang, trên khoảng đường Gò Dầu Hạ - Tây Ninh. Những người được uỷ thác tổ chức và chịu trách nhiệm an ninh cho cuộc Đại Hội kia là Đại Uý Nguyễn Văn Đờn và Đại Úy Hồ Đức Trung, vốn là hai nhân vật thân tín nhất của Tướng Thế.

Trong số các Đại biểu tham dự Đại Hội, người ta thấy có nhiều nhân vật chính trị và cách mạng tên tuổi, như Vũ Hồng Khanh, Xuân Tùng, Trần Văn Văn, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chế Công Tiên, Nguyễn Đại Thắng, Hoàng Nam Hùng, Đỗ Đình Đạo, Nguyễn Văn Tường, Trương Khánh Tạo, Phan Quang Bổng, Nguyễn Chử, v.v. Tóm lại, là hầu hết các giới xưa nay vẫn chủ trương chống cộng, chống Pháp, đều có mặt. Qua hai ngày bàn cãi thật sôi nổi, Đại Hội đã đi đến quyết định thành lập một tổ chức Cách mạng mới lấy tên là "Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam". Nhờ danh nghĩa kháng chiến đã quá rổ rệt, chứ không còn là một sự bịp bợm (qua hành động cùa Tướng Thế), nên ai nấy mạnh dạn đòi hỏi lồng danh từ "Kháng chiến" vào trong tổ chức. Kể từ cuộc kháng chiến toàn quốc hồi tháng chạp năm 1946 cho tới lúc này, quả thật chưa có một cuộc Hội nghị nào mà người tham dự cảm thấy chính nghĩa đấu tranh sáng tỏ bằng lần này. Sự hy sinh của mọi người được biểu lộ qua việc họ liều lĩnh xông pha, xem thường sự theo dõi của Pháp và bù nhìn, dấn thân vào một vùng đất tràn đầy hiểm nguy bất trắc.

Nên nhớ rằng cá nhân Trình Minh Thế đã trở thành kẻ thù công khai của nhà cầm quyền Pháp, mà cuộc Đại Hội kia lại được triệu tập ngay trong phạm vi chiến khu của Tướng Thế, tất nhiên là Pháp không thể không biết tới. Vì vậy mà dù muốn dù không, Tướng Thế cũng phải ý thức rằng các chính khách ngoài thành mạo hiểm vào khu tham dự Đại Hội không thể có thái độ dứt khoát như ông, mà phải đuợc dành cho ít nhiều dè dặt, sợ lúc trở về sẽ gặp nhiều rắc rối khó khăn với Pháp. Từ chỗ cảm thông đó, ông luôn luôn chấp nhận những đường lối dung hòa nhằm bảo vệ an ninh chung cho anh em đồng chí. Kết cuộc, Đại Hội bầu ra một Ban Chấp Hành Trung Ương Mặt Trận, mà Chủ Tịch là chiến sĩ Trần Thành, một thanh niên trẻ tuổi ít tiếng tăm, nhưng đầy nhiệt huyết. Hầu hết các Uỷ viên trong Ban Chấp Hành đều dùng bí danh. Ngoại trừ hai nhân vật là Chế Công Tiên và Nguyễn Đại Thắng công khai và quả cảm nhận lấy vai trò vận động ngoại giao và tổ chức. Về phiá quân nhân, Tướng Thế khiêm tốn nhận chức vụ Ủy Viên Quân Sự, và Đại Uý Hồ Đức Trung được tín nhiệm chức Ủy Viên Thông Tin và Tuyên Truyền.

Kế từ đó, dưới danh nghĩã Mặt Trận, anh em Liên Minh chiến đấu dưới ngọn cờ mới nền đỏ, giữa có sọc xanh và ngôi sao trắng 6 cánh, tượng trưng cho các giới quần chúng: "Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, Tăng". Đồng thời anh em cũng có một bài quân ca riêng biệt được dùng chính thức trong các cuộc lễ nghi quân cách. Ngọn cờ kia, bài quân ca nọ, ai ngờ đã chính thức đi vào lịch sử. Nguyên do là khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thân hành vào chiến khu mời anh em Liên Minh về hợp tác, anh em đã đòi hỏi, và Thủ Tướng cũng đã chấp thuận, rằng trong buổi lẽ hợp tác tại Saigon, anh em Liên Minh được quyền chào biệt lần cuối cùng ngọn cờ kia với bản quân ca của họ, Thủ Tướng Diệm bèn hạ lệnh cho ban Quân Nhạc phủ Thủ Tướng học tập trình tấu bản quân ca, và sắm một lá cờ Liên Minh thật tọ lớn dành cho buổi lễ hợp tác. Thế là buổi sáng hôm 13 tháng 2 năm 1955, tại đường Nguyễn Huệ Saigon, ban Quân Nhạc Phủ Thủ Tướng long trọng trình tấu bản Quân Ca Liên Minh, trong lúc lá cờ Liên Minh từ từ hạ xuống, sau đó lá cờ Quốc gia mới lại được kéo lên theo với tiếng nhạc Quốc Ca như thưòng lệ. Sự việc hy hữu kia diễn ra trước mắt Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, trước toàn bộ Nội Các, trước Ngoại Giao Đoàn và bàng dân thiên hạ. Tôi sẽ nói rõ thêm chi tiết về vấn đề này trong một Chương khác.

Theo nguyên tắc, khi một tổ chức chính trị đã ra đời, thì tổ chức ấy phải hoạt động tích cực để được tồn tại. Nhưng ở đây, xin thành thật mà nói, Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam chỉ hoạt động trong phạm vi chiến khu và vùng Thánh Địa, với sự yểm trợ của Quân Đội Quốc Gia Liên Minh mà thôi. Còn ngoài thành, vì Pháp và bù nhìn đối phó quá mạnh, lùng bắt các cảm tình viên, tra tấn hành hạ dã man, khiến bầu không khí gần như tê liệt. Tướng Thế chẳng buồn lòng vì bị cô lập. Mục đích ông là cần có một tổ chức chính trị hậu thuẫn, và tổ chức ấy đã có tên tuổi. Thế là đủ. Suốt 5 năm chiến đấu trong rừng, dù chẳng có mấy cơ hội gặp lại những người đã khai sinh ra Mặt Trận, ông vẫn cứ cặm cụi một mình, và với tất cả lòng thành tín, hy sinh gìn giữ uy danh Mặt Trận cho tới ngày ông nhắm mắt!

Quân Đội Quốc Gia Liên Minh! Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến!

Chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, Tướng Trình Minh Thế, với trí óc thông minh, với tài đảm lược xuất chúng, với tấm lòng quả cảm vô song, đã nhanh chóng trồng thêm một khóm hoa thơm trong khu vườn Cách mạng Việt Nam. Các kẻ thù dân tộc chỉ muốn ngắt bỏ khóm hoa kia cho rảnh mắt. Nhưng chúng đã phải trả giá bằng xương máu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx