sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5 - Hai Quả Bom Saigon Cuộc Thách Thức Đầu Tiên Với Pháp

Tiếng nói hằng đêm của đài Phát thanh Chiến khu như chọc vào tai Pháp, khiến Pháp ngày càng sốt ruột, không thể ngồi yên. Chúng tôi biết việc gì phải đến rồi sẽ đến, và chúng tôi chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần, sẵn sàng đối phó.

Ngày 28 tháng chạp năm Tân Mão, nguồn tin riêng của gia đình Tướng Thế cho hay Pháp sắp đổ bộ tấn công. Mọi người nhanh chóng lìa bỏ căn cứ, rút vào rừng sâu. Ngoài vũ khí cá nhân và lương thực thường lệ, mỗi chiến sĩ Liên Minh đều nhận được một phần quà đặc biệt gồm bánh tét, bánh ít, bánh chưng, để gọi là hưởng cái Tết đầu tiên ở trong rừng. Số là, trong mấy ngày giáp Tết, đồng bào ngoài thành bỗng chạnh lòng tưởng nhớ anh em, phần đông là con cháu họ, nên tự động rủ nhau tổ chức tiếp tế quà Tết. Vì đường vào khu khó khăn, lại sợ dẫm phải mìn chống nguy hiểm, đồng bào chẳng biết hỏi ai để trao quà bánh. Họ bèn nghĩ ra cách thức đơn giản là cứ việc mang các thứ bánh trái chất ngay nơi bià rừng, mỗi nơi thành từng đống cao vời vọi. Họ đốt một mớ nhang cắm lên trên, rồi lặng lẽ bỏ đi. Quân liên lạc bắt gặp, lấy làm lạ, chạy về báo cáo với Tướng Thế. Ông đoán biết đây là quà tặng của đồng bào đạo hữu ngoài thành, nên hạ lệnh cho mang về, mặc dù không biết rõ ân nhân là ai. Các chiến sĩ mừng thầm, vì khi chống giặc, họ có thể ăn bánh thay cơm ít nhất cũng đôi ba ngày, đỡ phải nấu nướng củi lửa.

Nhưng hôm ấy Pháp lại chẳng cử động gì, nguồn tin kia tỏ ra thất thiệt. Chúng tôi lại lần lượt trở về căn cứ cũ. Dù sao trường hợp ấy ít ra cũng đã giúp Liên Minh kiểm điểm lại hàng ngũ, rút kinh nghiệm về cách thức điều động binh tướng trong hoàn cảnh du kích. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy áy náy trong lòng. Chẳng phải áy náy vì sắp bị Pháp tấn công, mà chính là áy náy vì nỗi lo sợ Pháp sẽ "không đánh" mình. Thành thực mà nói, khi rút quân ra khu tuyên bố đánh Pháp, đánh cộng sản, Tuớng Thế chí mong tạo một tiếng vang trong dư luận quốc nội và quốc tế. Đem một lực lượng võ trang trứng mỏng tí hon chống lại một đoàn viễn chinh hùng hậu, quả là sự liều lĩnh phi thường, nhưng là sự liều lĩnh được tính toán kỹ. Thảng hoặc Pháp cứ làm ngơ, không thèm đụng chạm tới, thì cũng khá nguy hiểm cho danh nghĩa kháng chiến. Qua giây phút sôi nổi buổi đầu, nếu chẳng thấy gì khác xảy ra, dư luận sẽ lãng quên. Đã quyết tâm chiến đấu, thì phải chiến đấu thiết thực, phải nhận chịu một cái giá nào, dù mắc dù rẻ.

Thành thử khi thấy Pháp tung tin tấn công, rồi lại im lìm, Tướng Thế rất lấy làm điều suy nghỉ. Đôi bên như có vẻ rình rập nhau, dò dẫm nhau. Lại đến lượt Tướng Thế không thể ngồi yên, mà phải ra tay trước, phải tạo cái thế thượng phong đối với Pháp. Một hôm, ông bỗng kiếm đâu ra được 2 quả bom Pháp loại 25 ký tức là 50 cân Anh, bom do Pháp ném xuống một nơi nào đó bị tịt ngòi không nổ, và được binh sĩ khiêng về đặt giữa sân Bộ Tư Lệnh. Tướng Thế dự tính một việc làm táo bạo. Ông cho đòi Trung Tá Cảm Văn Tỵ, một chuyên viên chất nổ vào hàng lỗi lạc, về Bộ Tư Lệnh cho ông dạy việc. Trung Tá Tỵ vốn là Giám Đốc Quân Y Cục kiêm Giám Đốc Công Binh xưởng Liên Minh. Ông này liền được lệnh xem xét lại 2 quả bom kia, tăng cường gấp hai sức công phá của bom, rồi gài vào mỗi quả bom một cơ phận nổ tự động do mình quyết định giờ phút trước, mà các nhà quân sự Âu Mỹ gọi là "time-bomb".

Chúng ta nên biết, khoảng đầu thập niên 50, hai tiếng "time-bomb" hay là mìn tự động nổ đúng giờ, hãy còn rất xa lạ đối với dư luận. Ngay như cộng sản cũng chỉ mới biết xử dụng loại mìn có giây điện nối liền với hạt nổ, rồi một du kích chôn dấu giây kia dưới lòng đất, chạy thật xa tìm chỗ an toàn, rồi mới chắp hai mối nóng nguội của cái bình điện "Ắc quy" xe hơi, để gây tiếng nổ. Vậy mà lúc bấy giờ Trình Minh Thế đã biết dùng "time-bomb" một cách chính xác, hữu hiệu phi thường, khiến ta có thể ban cho Thế cái danh hiệu "Cha đẻ" đầu tiên của "time-bomb" trên chiến trường Đông Dương.

Sự phát minh của Trình Minh Thế như sau: Trong lòng quả bom không đặt hạt nổ như thường lệ, mà là một mớ thuốc pháo rất nhạy lửa. Giữa mớ thuốc pháo ấy - chế tạo bằng phân dơi - là một cái bóng đèn Pin nhỏ bằng đầu ngón tay, loại vẫn thường bán ngoài thị trường. Trung Tá Cảm Văn Tỵ đích thân dùng một chiếc dũa, mài cho bóng đèn Pin kia thủng ra một lỗ nhỏ ở trên đầu, rồi lại nhét đầy thuốc nổ vào trong bóng đèn ấy. Ở phiá dưới bóng đèn, ông gắn 2 đường giây điện rất nhỏ và ngắn. Giây nóng nối liền với một cái chốt tí hon bằng kim khí được hàn trên mặt một chiếc đồng hồ đeo tay của đàn bà (chỉ còn lại chiếc kim chỉ giờ mà thôi). Muốn bom nổ vào giờ nào, phút nào thì cái chốt kia phải được hàn kỹ vào giờ phút ấy. Đường giây nóng kia lại được nối tiếp vào chiếc cọc "Dương" của một cục Pin đèn. Còn đường giây nguội đi từ bóng đèn Pin ra thì được nối vào cọc "Âm" của cục Pin. Như vậy có nghĩa là khi chiếc kim chỉ giờ của đồng hồ quay đủ một vòng, chạm trúng cái chốt tí hon bằng kim khí trên mặt đồng hồ, thì hai mối âm dương gặp nhau tạo ra điện lực, bóng đèn Pin sẽ bật sáng lên, mở thuốc pháo bên trong bóng đèn phát cháy, lan ra ngoài, tác động tới cả khối chất nổ bị dồn ép của quả bom. Và thế là quả bom nổ tung, đúng giờ đúng giấc đã định trước, không sai một li một tí. Điều đáng nói là chiếc bóng đèn Pin kia rất bén nhạy, chỉ cần một giòng điện cỏn con cũng đủ sáng lên. Lại thêm mớ thuốc nổ trong bom được tăng cường gấp đôi, thành thử bom gây ra sức tàn phá thật ghê gớm.

Phần chế tạo bom tự động đã xong, bây giờ phải làm sao đây? Tướng Thế sai người thân tín lén lút về Saigon, tới đường Nguyễn Huệ, thuê 2 chiếc xe Hoa Kỳ lộng lẫy. Thuở ấy, đường Nguyễn Huệ là nơi tập trung các loại xe Hoa Kỳ sang trọng mà những gia đình có việc cưới hỏi luôn luôn thuê mướn. Tài xế 2 chiếc xe Dodge sơn màu nhà binh vui mừng nhận được mối bở, xăm xăm chạy lên ngả Tây Ninh, chẳng chút nghi ngờ. Nhưng khi tới bến đò Cẩm Giang, họ mới được biết một tin sét đánh. Liên Minh đang cần dùng 2 chiếc xe kia! Cùng với mớ tiền thưởng to tát, họ được phép tự do trở về Saigon, nhưng xe thì bị giữ lại. Một người miễn cưỡng nhận điều kiện ấy, còn người kia thì quá lo sợ cho hậu quả, nên tình nguyện ở lại, theo luôn vào chiến khu.

Trung Tá Tỵ bèn đem bom kia gài vào 2 chiếc xe, dấu kín ở dưới gầm xe. Bây giờ tiếp đến màn "đạo diễn" cho 4 chiến sĩ Liên Minh diễn "vở kịch tử thần". Đại Úy Nguyễn Văn Sâm (một cựu quân nhân ONS - ouvrier non spécialiste - từng sang Pháp tham dự Đệ Nhị Thế Chiến bên Phi Châu), Thượng Sĩ Tài, và 2 nữ cán bộ duyên dáng được chọn lựa làm diễn viên. Bốn người phân nhau ra làm hai cặp "uyên ương" ăn mặc sang trọng, chồng lái xe, vợ ngồi bên cạnh, nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh là bằng mọi cách, phải lái hai chiếc xe kia tới đậu trước rạp Hát Lớn Saigon (sau đổi làm trụ sở Quốc Hội) và trước Tòa Đô Chính Saigon, chậm nhất là 10 giờ 30 sáng hôm mồng 9 tháng 1 năm 1952. Xong đâu đó, họ phải tức khắc tìm đường lẩn tránh, rồi trở về chiến khu báo cáo công tác. Trong bốn "diễn viên" kia, chỉ 2 người đàn ông được biết rõ mục đích và sự hiểm nguy của công tác. Họ còn được lệnh, trước khi bỏ xe chạy trốn, phải gài thêm một bộ phận tự động khác trong xe, cắm chìa khoá xe trong ổ khoá, làm như vô tình bỏ quên. Đó là một cạm bẫy, vì nếu có kẻ nào định đánh cắp xe, thấy có sẵn chìa khoá thì mở máy, bom kia sẽ nổ ngay tức khắc, không cần đợi tới giờ giấc, sở dĩ ai nấy phải lìa địa điểm chậm nhất lúc 10 giờ 30, vì bom đặt dưới gầm xe đã được quyết định phát nổ đúng lúc 11 giờ sáng hôm ấy. Sau này, theo lời Đại Úy Sâm thuật lại, thì ông với cô ‘‘vợ hờ’’ trẻ trung duyên dáng còn có thì giờ đóng một màn kịch, làm bộ cãi vả nhau một trận bên cạnh chiếc xe cho các cảnh sát viên đứng gần đó trông thấy. Nhiên hậu mới len lén tách nhau ra mỗi người một ngả, ‘‘vắt giò lên cổ’’ mà chạy. Còn cặp ‘‘uyên ương’’ thứ hai thì nhanh chân chạy lên ngả Gò Vấp, về tới chiến khu bình yên vô sự.

Quả đúng như dự tính, cả 2 quả bom cùng phát nổ một lượt, và cùng đúng lúc 11 giờ. Sự thiệt hại về vật chất thật đáng kể, nhiều xe đậu bên cạnh bốc cháy, nhưng may mắn không có ai bị thiệt mạng. Thành phố Saigon náo động hẳn lên. Nhà cầm quyền Pháp đang mở cuộc điều tra, thì ngay đêm hôm ấy đài Phát Thanh Liên Minh lên tiếng xác nhận chính cá nhân Trình Minh Thế đã cố ý ban cho Pháp một lời cảnh cáo nghiêm trọng bằng vụ nổ kia. Chẳng nói ai cũng biết, Pháp căm giận đến bực nào. Vô hình chung, nhà cách mạng họ Trình đã công khai tuyên chiến với Pháp, khiêu khích Pháp bằng một hành động làm cho Pháp mất mặt. Trong bản tin ngày hôm sau, tờ báo Pháp ngữ "Le Journal D’Extrême Orient" tường thuật đầy đủ chi tiết về 2 quả bom, và cũng chính tờ báo ấy đã loan tin Bộ Tư Lệnh Tối Cao Pháp quyết định đưa Trình Minh Thế ra xử khiếm diện trước Tòa án Quân Sự, và lên án tử hình! Khi tôi phiên dịch bản tin kia cho Tướng Thế nghe, ông cất tiếng cười một cách ngạo mạn. Khoảng 2 tuần lễ sau, thành phố Nam Vang của Cao Miên cũng lại bị náo động vì mấy vụ nổ khác, cũng do Trình Minh Thế gây ra cả.

Tưởng cũng nên nói rõ thêm là hôm tiễn chân 4 chiến sĩ Liên Minh về Saigon thi hành công tác, Tướng Thế quá lo ngại về những rủi ro bất trắc dọc đường có thể làm họ uổng mạng, nên ông bí mật ra ẩn mình tại nhà một đồng bào đạo hữu ở bến Cẩm Giang, theo dõi sát nút. Cả một hệ thống liên lạc nằm dọc theo con đường Saigon - Tây Ninh, sẵn sàng báo cáo theo lối giây chuyền. Còn giữa Tướng Thế và tôi thì đã có một đường "giây nóng" bằng máy liên lạc vô tuyến (lúc ấy chưa thiết lập hệ thống điện thoại một giây). Được tin nào, ông chuyển về tôi ngay tức khắc với đầy đủ chi tiết để kịp loan báo trên đài Phát Thanh. Nhờ vậy mà nội nhật hôm ấy, đài Phát Thanh Liên Minh không ngần ngại xác nhận kết quả vụ bom nổ, cả trên các chương trình Anh ngữ và Pháp ngữ.

Cũng từ ngày có hai quả bom lịch sử nói trên. Trung Tá Cảm Văn Tỵ sản xuất hàng trăm hàng ngàn loại mìn nhỏ tự động theo cùng một thể cách như đã diễn tả. Ông cải tiến kỹ thuật của ông tinh vi cho đến nổi mìn tự động có thể dấu ngay trong một quản bút máy, hoặc một chiếc bật lửa. Lúc bấy giờ, đồng hồ phụ nữ bán tại Saigon bỗng nhiên lên giá vùn vụt. Ai ngờ chính Liên Minh đã gây ra nạn đầu cơ về một món hàng nhỏ mọn. Vì Trung Tá Tỵ tích trữ cả "bao bố" đồng hồ phụ nữ, càng nhỏ nhắn bao nhiêu càng được ông chiếu cố bấy nhiêu. Được biết Pháp đã ra lệnh cấm các quân nhân của họ không được đụng chạm tới bút máy hoặc bật lửa của ai không quen biết, vì đã có một số binh sĩ bị thương hoặc chết vì dùng nhằm những loại đó.

Nói tiếp về kỹ thuật dùng bóng đèn Pin làm ngòi nổ, nó có cái lợi là khi quân du kích cần giật mìn một chiếc xe địch đang phóng nhanh trên đường, họ có thể chờ cho đúng lúc xe ấy chạy ngang qua bãi mìn mớỉ bấm điện, mìn cũng sẽ nổ ngay, kịp phá hủy chiếc xe. Khác với kỹ thuật thô sơ của du kích cộng sản là dùng một loại giây điện gọi là "Résistant" không mấy bén nhạy. Vì từ lúc bấm điện cho tới lúc mìn nổ được, nhanh nhất cũng phải nửa phút đồng hồ, giây "Resistant" mới bốc nóng tạo ra mồi lửa. Mìn nổ được thì mục tiêu đã biến đi đâu mất!

Quá phấn khởi trước thành quả tốt đẹp, TướngThế bỗng đâm ra chơi trò nghịch ngợm, nhét những hạt nổ tí hon vào giữa các điếu thuốc lá của ông. Số là hồi đó, thuốc hút rất hiếm hoi trong khu, liên lạc ngoài thành bị khó dỗ, không tiếp tế đuộc. Thành thử một số anh em trong Bộ Tư Lệnh thường lén lút "chọt” bớt đôi ba điếu thuốc của "Ông Tướng" cho đỡ thèm. Mãi rồi Tướng Thế đâm ra nghi có người anh em "chơi xấu" mình, ông bèn âm thầm nhét hạt nổ trong điếu thuốc, rồi làm bộ bỏ đấy mà đi. Anh nào tưởng bở "nhào dô", đốt thuốc phì phèo, lửa bắt tới hạt nổ cháy xòe lên, "tá hỏa tam tinh" kêu la oai oái, suýt bị cháy xém cả râu cả tóc. Ai nấy ôm bụng cười. Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện và Thiếu Tá Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Văn Đờn nhà ta cũng đã từng là nạn nhân của trò chơi có tính cách quân sự kia.

Nhờ vậy mà cái nạn "chuột tha thuốc lá" không còn nữa, "Ông Tuớng" đỡ phải canh chừng như trước.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx