sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6 - Pháp Tấn Công Chiến Khư Bù Lu

Sau vụ bom Saigon, sự đương đầu bằng vũ lực giữa Liên Minh với Pháp càng trở nên chắc chắn và gần gũi hơn. Khiêu khích cho Pháp đánh mình, Liên Minh không khờ dại đem cả chủ lực ra "nướng" với họ. Vì vậy mà Liên Minh thi hành kế sách "tránh voi không xấu mặt nào", nhưng mặt khác, vẫn theo đường lối du kích mà gây cho Pháp càng nhiều thiệt hại càng tốt.

Mãi tới ngày mồng 4 tháng 3 năm 1952, chỉ sau Tết ít lâu, bất thình lình Pháp nã trọng pháo vào tiền đồn Gò Ngải lúc trời vừa sáng. Đó là dấu hiệu Pháp mở cuộc tấn công chính thức. Thiếu Tá Hồ Đức Trung phải bỏ Gò Ngải chạy về Bộ Tư Lệnh.

Chẳng bao lâu, Pháp đã vào tới trong rừng, mở đường cuộc tiến binh bằng những tràng pháo kích thật dữ dội. Chúng phá hủy ngay căn cứ Bộ Tư Lệnh, trường Huấn Luyện Quân Sự, và Đài Phát Thanh bấy giờ đã bỏ trống. Nhưng chúng cũng đã nếm ngay mùi thiệt hại. Trước khi rút bỏ căn cứ, quân Liên Minh không quên để lại tặng Pháp một số cạm bẫy giết người. Nào tạc đạn, nào mìn, được chôn dấu khắp nơi. Giữa nên nhà Bộ Tư Lệnh, có một quả mìn khá mạnh được gài sẵn trong một cái ấm nước, giả vờ bỏ lỏng chỏng với bao nhiêu vật khác, làm ra vẻ quân Liên Minh quá vội rút lui, không kịp mang theo. Một sĩ quan Pháp, được biết là Thiếu Tá, vốn sẵn mối căm giận Trình Minh Thế trong lòng, lại được biết đây là chỗ ở của Trình Minh Thế; nên hung hăng đưa chân đá tung cái ấm nước kia đi. Mìn phát nổ, viên sĩ quan kia bị tan xáx tại chỗ với một số binh lính, số bị thương cũng khá nhiều. Do đó, Pháp bắt đầu dẻ dặt, không dám xông xáo như trước nữa.

Trận chiến diễn ra khắp mọi nơi, kéo dài trên dưới khoảng 10 ngày. Là vì, như Tướng Navarre đã đe dọa, Pháp quyết ‘‘tiêu diệt’’ Liên Minh bằng trận này. Pháp khởi sự đốt rừng sáng rực cả bầu trời, vừng trăng biến thành màu đỏ. Thú rừng bị sát hại vô kể, nhưng về phần Liên Minh thì chưa có gì thiệt hại. Trong rừng già bưng bít, với những nẻo đường mòn quanh co rất dễ bị lác lối, quân đôi bên tìm kiếm nhau như trẻ con chơi trò cút bắt. Pháp vừa bỏ đi, Liên Minh đã tới. Liên Minh mới quay gót, Pháp lại xuất hiện. Nhiều lần, đôi bên chỉ cách nhau chừng vài trăm thước mà vẫn không trông thấy nhau. Pháp tới đâu, để lại dấu vết tới đó, thật dễ phân biệt. Pháp nhận viện trợ của Mỹ để theo đuổi chiến tranh Việt Nam, nhưng lại tỏ ra hào hoa phung phí. Họ bỏ lại sau lưng khá nhiều món đồ hộp quý báu, khiến anh em Liên Minh vui mừng nhặt lấy các món thực phẩm của họ, nhất là trong khi đang bị giặc bao vây, không tiện củi lửa nấu nướng gì được cả.

Trọng pháo Pháp vẫn nổ đều đều trong những ngày Pháp hành quân. Nổ vào những khu rừng mà Pháp nghi có Liên Minh ẩn náu bên trong. Rừng Bù Lu thỉnh thoảng có vài nơi chí có gò mối với thứ cây gọi là "mật cật", trồng giống như loại cây chằm nón tơi, cao chỉ bằng đầu người. Rừng trống trơn, với hàng ngàn hàng vạn gò đất mối hình tròn, cao chừng một thước. Anh em Liên Minh đi qua những nơi ấy, rủi bị trọng pháo áp đảo, chỉ còn có cách ngồi núp bên gò mối, bịt tai lại trước những tiếng nổ chát chúa muốn vỡ cả tim, hộc máu mồm máu mũi, phó mặc tính mệnh cho may rủi. Từ nơi quốc lộ Saigon - Tây Ninh, và từ phía Cao Miên, Pháp bắn trọng pháo khá tàn bạo.Bắn theo hình chữ nhất, hình cánh cung, hình rẽ quạt, rồi hình chữ nhật, đan qua đan lại không còn thiếu sót một khoảng đất nào. Đất gò mối bị hất tung lên cao, rơi nhằm chúng tôi suýt vỡ sọ.

Hơn một lần, một quả đạn pháo cỡ 105 li rơi cách chúng tôi chừng vài thước, ngay trước mặt. May thay quả đạn ấy lại tịt ngòi không nổ, nếu không, ắt cả đoàn người đã phải bỏ thây. Một đồng chí đã già yếu - Thiếu Tá Vũ Ước - ngồi núp đạn bên cạnh tôi. Anh vừa nắm tay tôi, vừa lâm râm đọc kinh cầu nguyện Cao Đài, khiến tôi thấy xót thương cho cả một đoàn người đang câm nín đối diện với cái chết. Anh quê đất Bắc, vào Nam đã lâu. Hồi 1945, anh gia nhập hàng ngũ Việt Minh chống Pháp. Nhưng ít lâu sau, anh lià bỏ Việt Minh theo Cao Đài, hết lòng mến phục Tướng Thế, nên cùng theo vào khu với ông, mặc dù tuổi anh đã cao. Sau cuộc tấn công này, anh bị đau nặng và mất. Hôm chôn cất anh, tôi đã thay mặt đoàn thể đọc một bài điếu văn. Tướng Thế tưởng tình anh, có sai người về Tòa Thánh, mua cho anh một cỗ quan tài. Rủi thay, cỗ quan tài lại không vừa kích tấc, vì khi chết, dạ dày anh căng lên quá cao, hơn cả một phụ nữ mang song thai, khiến xác chết không sao bỏ lọt vào hòm và nắp hòm cũng không sao đậy lại được. Cuối cùng, đành phải gởi thây anh vào một tấm đệm lát với 7 tấm tre, rồi hạ huyệt. Đau lòng thay, khi vừa lấp đất chưa kịp phủ kín người anh, thì bà vợ anh giắt theo đứa con nhỏ cũng vừa chạy tới, chẳng còn kịp trông thấy mặt chồng lần cuối. Tôi và bao nhiêu anh em khác đều rơi nước mắt, im lặng cúi đầu, trong khi người góa phụ đau khổ kia ôm con trẻ trong lòng, ngồi bệt bên bờ huyệt mộ, khóc than kể lể thảm thiết. Tôi nghĩ không còn cảnh tượng nào xót xa hơn cái cảnh tượng đó.

Tới đây, tôi thấy cần nói thẳng ra một điều quan trọng, nói đúng ra là một biến cố lịch sử đau thương chung cho giáo phái Cao Đài, mà tôi đã để bụng suốt 33 năm qua, ngần ngại mãi không dám tiết lộ trước công luận. Đó là việc Trung Tuớng Nguyễn Văn Thành, người anh đồng đạo ngày nào của Tướng Thế, đã chính thức bắt tay với Pháp, quay lại chủ trương "diệt Thế" bằng cách gửi quân Cao Đài theo Pháp vào tấn công chiến khu Bù Lu trong trận đánh kể trên. Toán quân của Tướng Thành được đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Đại Tá Tham Mưu Trưởng D.Q.D. Người anh em này, theo lệnh trên, đã có mặt bên cạnh quân viễn chinh Pháp trong cuộc tấn công. Mọi người trong chúng tôi, khi biết chuyện, đều sửng sốt bồi hồi, nhất là Tướng Thế. Ông tỏ ra cực kỳ đau khổ trong giây phút đầu tiên, rồi sau đó, ông trở nên giận dữ, sẵn sàng đương đầu với biến cố. Tôi bắt gặp trên gương mặt ông tất cả nỗi tuyệt vọng trước hành động tương tàn "cạn tàu ráo máng" của Tướng Thành. Dẫu ông với Thành xưa nay xung khắc nhau trên lập trường chiến đấu, nhưng ông không bao giờ tưởng tượng nổi là ngày nay Thành lại nỡ đem quân Cao Đài đánh lại quân Liên Minh, cả hai đều cùng một nguồn gốc, một tín ngưỡng. Bất thình lình lâm vào thế chẳng đặng đừng, ông hạ lệnh cho binh sĩ Liên Minh phải hết sức dè dặt, chỉ được phép nổ súng trong trường hợp bất khả kháng mà thôi.

Một binh sĩ Liên Minh phụ trách đặt mìn trên các chiến trường, tình cờ chạm mặt với thượng cấp cũ của anh ngày xưa. Anh không bỏ chạy, cũng không nổ súng, mà thản nhiên đứng lại kính cẩn đưa tay lên chào, và nói: - Thưa Đại Tá, chỗ này em đã đặt mìn, xin Đại Tá đợi em gỡ xong rồi hãy đi. Ngoài mẩu chuyện nho nhỏ thương tâm kia ra, còn bao nhiêu chuyện khác đáng ghi nhớ giữa anh em Cao Đài và Liên Minh. Trên thực tế, toán quân Cao Đài hiện diện trong cuộc hành quân là kẻ thù của anh em Liên Minh, nhưng trên danh nghĩa, cả đôi bên vẫn tiếp tục coi nhau như "anh em đồng đạo" ngày nào. Họ âm thầm tự động hưu chiến với nhau, nhất thiết không ai chịu bắn giết ai cả. Nhờ vậy mà chủ trương tối hậu của Tướng Nguyễn Văn Thành khi gửi quân theo Pháp đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Tôi đã được trình xem một số bằng chứng về cái tình nghĩa đậm đà ấy. Một binh sĩ Cao Đài đã dùng vật cứng viết mấy giòng thư ngắn trên một cái hộp thiếc đựng thức ăn của Pháp. Đại ý cho hay ngoài thành ai nấy rất buồn khi phải tham dự cuộc hành quân, bất đắc dĩ phải đi, chứ chẳng có lòng nào đánh đấm nhau nữa. Lại một người khác viết nhắn gửi bạn: "Vợ con mày vẫn bình yên. Chúc mày được luôn luôn khỏe mạnh".

Tôi không biết Tướng Thành đã suy nghĩ kỹ chưa, trước khi tở mặt làm chuyện "huynh đệ tương tàn", gà nhà bôi mặt đá nhau. Tôi nghĩ rằng ông đã bị Pháp làm áp lực phải tham chiến bên cạnh họ, và ông đã phải nhượng bộ trước áp lực đó, nhằm củng cố địa vị cá nhân ông. Chứ dù thâm tâm ông có ghét Thế tới đâu chăng nữa, ông cũng không thể đầu hôm sớm mai đổi bạn ra thù, mà gây nên một biến cố trọng đại làm sứt mẻ uy tín Cao Đài quá lớn như thế. Việc đã trót xảy ra rồi, cá nhân ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái hành động quá ư tội lỗi của ông, và tôi không muốn kết tội ai khác. Thưở ấy, anh em hết sức căm giận Thành, và chính tôi đây cũng thấy là không thể tha thứ được. Nhất là từ ngày ấy trở về sau, Liên Minh càng ngày càng thêm khốn khổ điêu đứng, không phải khốn khổ điêu đứng vì thực dân Pháp rắp tâm tiêu diệt, mà phần lớn vì thái độ nghiệt ngã của Tướng Thành qua bộ máy quân sự dưới quyền ông. Nói trắng ra, là qua bàn tay của Trung Tá Nguyễn Văn Cát, Trưởng Phòng Nhì của Quân Đội Cao Đài. Cát tỏ ra đắc lực đối với Thành, đối xử với Liên Minh một cách tàn tệ, bắt người Liên Minh về tra tấn đánh đập dã man không khác gì đối với cộng sản. Dĩ nhiên là Cát chỉ biết nhắm mắt thi hành mệnh lệnh của Thành mà thôi. Tôi đã công khai nói với Tướng Thế rằng tội ác của Thành chỉ có cái chết mới đền bồi xứng đáng.

Ấy vậy mà 12 năm sau, năm 1964, ai ngờ tôi lại đổi ý. Chẳng những tôi tha thứ Thành về cái tội đã đóng góp một phần thiết thực vào chiến dịch đàn áp Liên Minh, mà tôi còn có thiện tâm muốn giúp Thành có một cuộc sống dễ thở hơn. Bị Đức Thầy Phạm Công Tác cất chức hồi năm 1954 để bổ nhiệm Tướng Nguyễn Thành Phương lên thay thế, Thành đâm bất mãn, ngả theo Bình xuyên để phải mắc nạn tại khu rừng Sát hồi 1955. Sau khi bị Tướng Dương Văn Minh bắt sống tại Rừng Sát, Thành bị đày ra côn đảo mãi tới khi bọn đảo chính Dương Văn Minh lên cầm quyền, Thành mới được cái gọi là "Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng" phóng thích. Thành lui về sống âm thầm nơi ngôi nhà riêng của ông tại Thánh địa Tây Ninh. Tôi vốn quen biết Dương Văn Minh từ năm 1955, khi ông ta còn là Trung Tá chưa có tên tuổi gì. Tôi bèn viết một bức thư, sai một người anh em thân tín, anh Nguyễn Tam Đa lên tận Tây Ninh, đón Thành về Saigon để tôi đưa vào giới thiệu với Dương Văn Minh bấy giờ là Quốc Trưởng. Thành ngần ngại lắm, không muốn gặp lại kẻ đã bắt mình ngày xưa. Nhưng tôi ép buộc Thành phải đi, để diện đối diện mà quên đi chuyện cũ. Hôm Dương Văn Minh tiếp Thành tại Dinh Gia Long, có tôi chứng kiến, Minh tỏ ra cởi mở, thân thiện. Nhân dịp đó, Thành lại được Thủ Tướng Nguyễn Khánh tiếp kiến, tặng cho một chiếc xe riêng, rồi giới thiệu với Tướng Phạm Xuân Chiểu để Thành lãnh một trách nhiệm trong tổ chức Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam với trụ ở đặt tại đường Trần Hưng Đạo.

Sở dĩ tôi hành động như trên, vì thâm tâm tôi rất yêu mến các chiến sĩ Cao Đài, mà riêng với Tuớng Thành thì tôi lại tiếc cho sự nghiệp của ông. Càng nghĩ tới người mệnh bạc Trình Minh Thế bao nhiêu, tôi càng thấy xót thương Thành bấy nhiêu. Tất cả nỗi căm giận ngùn ngụt trong lòng tôi ở một thời xa xua, giờ đã biến đi hết, chỉ còn lại một tình thương yêu đùm bọc các anh em thất thế, ngã ngựa. Thành dù sao cũng là kẻ có tài, có uy tín, trong thời gian cầm đầu Quân Đội Cao Đài, Thành rất được các cấp kính nể. Từ một dĩ vãng tối tăm bước lên tới địa vị Tổng Tư Lệnh Cao Đài không phải là chuyện dễ. Tiếc thay, một tính toán sai lầm đã chôn vùi cả sự nghiệp của Thành.

Trở lại trận chiến Bù Lu, tôi muốn nhấn mạnh về cái tình trạng "nửa thù nửa bạn" giữa người Liên Minh với người Cao Đài nó làm cho cuộc chiến thêm phức tạp. Với sự đồng ý của Tướng Nguyễn Văn Thành, màn phá hủy kho lương thực chủ yếu của Liên Minh đã diễn ra một cách khá lạ lùng, mường tượng như cái lối đánh của Khổng Minh thời Tam Quốc ngày xưa vậy. Kho lương thực kia chứa đựng hơn 70.000 giạ thóc, định để nuôi quân ít nhất cũng dăm sáu tháng. Kho ấy được thiết lập giữa rừng, chung quanh là cả một vòng đai mìn có tới hàng nghìn quả. Tôi không biết ai đã đưa ra sáng kiến dùng trâu để chống lại mìn. Một đàn trâu được lùa đi trước, bị quất đau lại bị khủng bố bởi những tràng súng nổ tiếp theo, trâu sợ hãi chạy tán loạn, đâm thẳng vào giữa bãi mìn, chết nằm lăn quay ra khắp nơi. Thành thử các con vật vô tội kia đã bị trí óc thông minh của loài người dùng làm quân cảm tử, mở ra một đường máu an toàn cho lớp quân sau tiến tới. Kho lúa khổng lồ bị đốt cháy, cho mãi 3 tháng sau, lửa vẫn chưa tắt, cứ ngấm ngầm bốc khói duới lớp tro tàn chồng chất. Anh em Liên Minh tiếc của trời, cố gắng cứu vãn một ít thóc còn lại, nhưng cũng chẳng dùng được, vì hạt lúa bị hơi lửa đốt nóng đã nát vụn ra từ hồi nào, không thể xay giã gì được nữa, đành phải vứt đi.

Pháp muốn kéo dài cuộc tấn công để may ra bắt được các nhân vật đầu não của Liên Minh, đặc biệt là Trình Minh Thế. Nhưng Pháp đã hoàn toàn thất bại, có thể nói họ đã về tay không trong trận đó. Chỉ có chút thắng lợi duy nhất là phá nát một ít rừng già, làm hại cây cối thú vật mà thôi. Liên Minh cố ý dụ cho Pháp tiến sâu mãi vào trong rừng già, nhưng Pháp tỏ ra sợ sệt, cứ quanh quẩn nơi mé rừng và nhờ trọng pháo che chở mặt sau cho họ. Về phiá quân Cao Đài, chỉ có Tướng Thành bị lem luốc danh nghĩa, chứ đôi bên chẳng hề tặng nhau một phát đạn nào. Lính Cao Đài còn khéo léo chỉ đường cho Liên Minh tránh đạn Pháp. Chán rồi Pháp phải rút lui.

Tuy nhiên, ảnh hưởng trận đó cũng khá nặng. Một số chiến sĩ Liên Minh sa sứt tinh thần, vì cuộc sống trở nên hết sức lầm than tăm tối. Lương thực bị đốt sạch, cả Bộ Tham Mưu đồng đảo mà chỉ còn lại không đầy 15 lít gạo, khiến Trung Tá Trương Lương Thiện phải chia cho nhau nấu cháo tạm lót lòng. Trong thời gian bị tấn công, đã có một sự lạ xảy ra với cánh quân này. Đêm hôm ấy, đêm mồng 10 tháng 3, đoàn người di tản tới một khu rừng gần mạn biên giới Miên Việt. Ai nấy mệt mõi đói khát, mà chung quanh lại chẳng có một giòng suối hoặc một cái giếng hoang nào. Trung Tá Thiện bèn tổ chức đào giếng, và đích thân ông nhảy xuống cái hố sâu hì hục vỡ từng khối đất khô cằn, vì chỗ ấy cao, đất cứng đến độ cuốc xẻng chạm vào thì tóe lửa. Khốn thay, giếng được đào sâu xuống 10 thước, 15 thước, rồi 30 thước, vẫn chẳng thấy một giọt nuớc nào ứa ra cả. Nỗi thất vọng không biết tả sao cho hết. Trước tình thế nguy nan, mọi người đành ngồi bó tay than vắn thở dài. Cứ tiếp tục ngồi lại đây thì sẽ chết khát, mà bỏ đi nơi khác cũng không xong, vì anh em không còn sức lực nào lê gót. Tôi thấy Trung Tá Thiện ôm mặt khóc.

Lạ lùng làm sao! Ngay giữa lúc ấy, bầu trời bỗng tối mịt, rồi một cơn mưa như thác lũ đổ xuống ầm ầm trong khu rừng hoang vắng. Anh em vừa mừng, vừa sợ hãi, không biết tại sao lại có cơn mưa "cứu nạn" bất thình lình như thế đó, cơn mưa không hề được báo hiệu trước, cơn mưa đến đúng lúc đúng thì để cứu sống một toán quân đang bị giặc bao vây. Nhiều người tin tưởng có Thần linh ra tay giúp đỡ, và chung quanh tôi chợt có tiếng kinh tạ ơn nhè nhẹ vang lên đó đây. Riêng phần tôi, dù có muốn tin hay không, thì sự việc hy hữu kia cũng đã rõ ràng trước mắt, khiến tôi hết sức bàng hoàng. Chỉ chốc lát, giếng kia đã chứa đựng một khối nước khá nhiều. Nhưng anh em chưa vội dùng tới nước ấy, mà họ bắt đầu vo gạo nấu cơm bằng thứ nước lũ đọng lại thành từng vũng ở ngay chung quanh họ. Sinh khí đã trở lại thật nhanh chóng.

Sau cuộc tấn công lần đầu vô hiệu quả, Pháp chẳng biết làm gì hơn là ngày một ngày hai nã trọng pháo vào rừng để khủng bố tinh thần Liên Minh. Suốt một năm trời, từ 28 Tết năm Tân Mão tới 25 Tết năm Nhâm Thìn, Pháp chẳng ngừng tay, khiến anh em Liên Minh cứ sống mãi trong cảnh màn trời chiếu đất. Vì lều trại không thể thiết lập dưới con mắt cú vọ của không quân Pháp. Vừa cất xong căn lều nào là Pháp ném bom phá hủy ngay căn lều ấy. Pháp dùng cả những chiếc máy bay vận tải cũ kỹ Junkers từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, mở toang cánh cửa phi cơ, rồi lính Pháp hất xuống những thùng dầu hỏa có gắn một bộ phận phát hỏa. Điều này chứng tỏ Pháp cũng quá nghèo nàn khi theo đuổi cuộc chiến xâm lược.

Hơn một lần, một máy bay cỡ nhỏ hai cánh quạt hạ thấp xuống rừng để thám thính, viên phi công đảo vòng tròn qua đầu chúng tôi một cách ngạo mạn. Tướng Thế đang ngồi dưới bóng cây, thấy thế thì nổi giận, chợt cướp nhanh một khẩu liên thanh trong tay một binh sĩ, gài cơ phận tự động tới mức tối đa, rồi nhắm thẳng phi cơ nhả sạch một tràng đạn. Không ngờ phi cơ trúng đạn, thân phi cơ nghiêng qua nghiêng lại như muốn đâm đầu xuống đất. Cuối cùng dường như viên phi công phải cố gắng lắm mới bay khỏi rừng, biến đi mất. Sau này, Tướng Thế có hỏi thăm một người bạn Mỹ về trường hợp kia, thì được xác nhận là một Thiếu Tá phi công Pháp đã trúng thương và chết. Tôi chắc người ấy đã lái chiếc phi cơ khinh mạn vừa kể.

Nhằm mục đích tiêu diệt kháng chiến Liên Minh, không những Pháp luôn luôn khủng bố bằng các cuộc oanh kích dữ dội của không quân hoặc trọng pháo, mà Pháp còn chính thức mở ra cả thảy 5 cuộc tấn công đại quy mô. Sau cuộc tấn công lần đầu vào chiến khu Bù Lu, như đã nói trên, Pháp đánh úp Liên Minh ở gò Sơn Tây (hay là gò Ông Hàn), thêm hai lần đại phá chiến khu Núi Bà Đen, và một lần đột kích căn cứ Bàu Gõ đẫm máu hơn tất cả.

Bàu Gõ được coi là tiền đồn của Liên Minh, ở về phía cực nam của Chiến Khu Bù Lu, trông ra con đường quốc lộ số 1 chạy lên Nam Vang. Căn cứ này được giao cho Trung Tá Hà Văn Tình chống giữ. Mùa xuân năm 1953, Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện cùng tôi và một số sĩ quan khác trong Bộ Tham Mưu, từ Doi Da về Bàu Gõ quan sát tình hình. Chúng tôi đi gần trọn một ngày đường mới tới nơi, thì trời đã tối. Sau khi được nghe Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Hà Văn Tình báo cáo mọi việc, chúng tôi ở lại Bàu Gõ đêm ấy. Cách mặt nhau đã lâu, mọi người đều thức trắng đêm, hết trao đổi tâm tình, lại quay ra mở máy hát, nghe vọng cổ cải lương. Nào ngờ Pháp theo dỗi biết tin, đúng 6 giờ sáng, bất thình lình nã trọng pháo vào căn cứ.

Đồng bào thường dân ở gần căn cứ rủ nhau chạy loạn. Trung Tá Tình ý thức trách nhiệm, nên vừa lo bố trí chống giữ, vừa đề nghị anh em chúng tôi nên rút về một khu rừng tràm cách không xa mấy, vì chưa thông thuộc đường lối, chúng tôi suýt chết hụt khi băng qua một bãi đầm lầy, không cách nào rút chân ra được. May sao có một thường dân vừa chạy tới, tìm cách cứu sống. Trận này, Pháp ra tay một cách hết sức tàn bạo. Với phi cơ thám thính bay rà rà trên không, trọng pháo Pháp từ mạn Cao Miên đổ vào căn cứ như mưa bấc, mãi tới 6 giờ chiều mới chấm dứt. Chúng tôi bị thất thế, đành núp trong khu rừng tràm, ngập nước tới cổ, không dám cử động, sợ làm động ánh nước, phi công Pháp sẽ trông thấy, chỉ điểm cho trọng pháo hoành hành. Mặc dù trong cơn hoạn nạn, tôi cũng đã được một trận cười cả đời không quên được. Nguyên do là Trung Tá Trương Lương Thiện bị ngâm mình dưới nước quá lâu, thấy lạnh, bèn trèo lên một cây tràm nằm vắt mình qua cành cây mà nghỉ ngơi. Bất ngờ ông lại ngủ quên, sơ ý thế nào mà rơi đánh tõm một cái xuống làn nước sâu. Ông loi ngoi giữa mớ nước đục ngầu ngầu, áo quần đầu tóc đều ướt sạch cả. Ông run như cầy sấy, và anh em đã cười một bữa quên cả đói.

Chúng tôi thầm nghĩ Pháp sẽ đổ bộ sau màn oanh kích đầu tiên. Nhưng dường như Pháp đã có chủ định, nên chỉ dùng trọng pháo mà thôi, và dùng tới mức tối đa chưa từng thấy trong mọi cuộc đụng độ khác. Kiểm điểm lại trận này, Liên Minh bị thiệt hại khá nặng vì không kịp đề phòng. Lều trại cháy tan hết. Đồng bào thường dân chết lây vô số kể. Thảm thương nhất là những người quá hoảng hốt, thay vì tìm nơi tránh đạn, thì lại rủ nhau ngồi thuyền trốn sang bên kia sông. Trúng phải trọng pháo, thuyền vỡ tan, bao nhiêu sinh mạng đều chết trôi theo giòng nước. Chúng tôi ngâm mình dưới làn nước phèn của khu rừngl tràm gần trọn 12 tiếng đồng hồ cả thảy. Da thịt bị nhăn nhúm trông thật đáng sợ. Ai nấy đành phải bứt tạm mấy khóm rau hẹ mọc trong rừng mà nhai cho đỡ đối.

Giữa mùa chinh chiến, đồng bào đạo hữu ngoài thành vẫn không sợ gian nguy, cứ tiếp tục vào khu tham gia hàng ngũ Liên Minh. Một hôm, có ba thanh niên vừa được tiếp nạp buổi trưa, thì buổi tối, phi cơ Pháp tới oanh tạc ngay đơn vị có mặt họ. Thật chẳng may, cả ba người đều chết cả. Tướng Thế ủy thác cho Trung Tá Văn Thành Cao và tôi đứng ra lo việc tống táng. Chúng tôi vừa tới nơi, thì chợt nghe thấy tiếng gầm thét trên không trung. Một đoàn phóng pháo cơ Spit Fire gồm 8 chiếc ào ào lướt tới giữa đêm tối, rồi như đã biết rõ vị trí, chúng đâm đầu xuống nhả đạn và ném bom, hết chiếc này tới chiếc khác. Tôi cần nói rõ sở dĩ Pháp hoạt động mãnh liệt như thế, vì mục tiêu kia là đài Phát Thanh mới của Liên Minh, được thiết lập tại rừng Doi Da. Trung Tá Cao vội rủ tôi tìm chỗ núp. Trong cơn hốt hoảng, chúng tôi nhắm mắt phóng mình vào một bụi gai mây mà không biết. Bị gai đâm bốn mặt, nhưng chẳng dám cử động. Vì hỏa châu Pháp chiếu sáng rực cả bầu trời, thậm chí một con vật nhỏ chạy qua dưới đất, phi công Pháp cũng có thể nom thấy được. Pháp ném bom và bắn đạn lửa, đốt thêm một mớ rừng. Nhiều cây cổ thụ xanh tươi bốc cháy như một mớ củi khô, đổ xuống ầm ầm trông thật khiếp đảm.

Pháp bỏ đi rồi, chúng tôi phải khổ cực lắm mới chui ra khỏi đám gai mây sắc bén, mình mẩy đầy thương tích. Chúng tôi vội vàng trở lại nơi đặt 3 xác chết lúc nãy, trong lòng chỉ sợ cọp lén tới mang đi. Cọp rừng Bù Lu nổi tiếng dạn dĩ với súng bom. Nơi nào có tiếng súng nổ, thì y như rằng mấy chứ cọp đói lò mò tìm tới để xơi xác chết. May sao, 3 cái thi hài vẫn còn nằm đó. Trong bóng tối, dưới ánh lửa rừng và tiếng cành tươi nổ lét đét, chúng tôi đào vội 3 cái huyệt nông trên một khoảng đất rắn, chôn mấy người anh em xấu số chưa kịp biết mặt, biết tên. Mấy con chim hoành hoạch nghe tiếng động, chợt cất cánh bay cao, kêu lên những tiếng não nùng càng làm cho chúng tôi thêm phần xúc động.

Trái với điều tôi vừa nói trên là, trong khi người ngoài tìm đường vào khu để sớm chiều mai một như trường hợp ba thanh niên vừa kể, thì người trong khu lại chẳng muốn ở lại với anh em. Một số quân nhân, vì lẽ này hay lẽ khác, đã lén lút bỏ đi, rồi bị Pháp bắt quay ra cung cấp cho Pháp những tin tức thật tai hại. Đứng trước phong trào đào ngũ mỗi ngày mỗi đe dọa sự tồn vong của Liên Minh, Tướng Thế thấy không còn cách nào hơn là chính thức đem vấn đề ra mổ xẻ với anh em, ai muốn về, ai muốn ở, tùy lòng. Một hôm, ông tập hợp các đơn vị, rồi với giọng nói thật bùi ngùi,ông cảm ơn tất cả những ai đã tình nguyện theo ông, rồi cuối cùng ông tuyên bố chấp thuận cho bất cứ cá nhân nào không còn muốn tiếp tục chiến đấu nữa, cố quyền tự do ra đi, không bị một sự trừng phạt nào cả. Lời tuyên bố thẳng thắn của ông quả đã làm kinh ngạc nhiều người đang có mặt. Các vị chỉ huy lo sợ, thầm bào nhau: "Thế này thì không khéo hàng ngũ sẽ tan ra mất!" Tôi liếc mắt thấy phần đồng binh sĩ hoàn toàn im lặng khi Tướng Thế yêu cầu những ai có ý định về thành thì hay do tay lên rồi đứng sang một bên. Mãi tới mấy phút sau mới có một số nhỏ làm theo lệnh ông, nhưng rõ ràng là với tấm lòng miễn cuồng, với gương mặt thẹn thùng cúi xuống. Tướng Thế lại phủ dụ thêm vài lời với lớp người ấy, đoạn ông ra lệnh cho Độ Tham Mưu sắp đặt cho họ lên đường, về đến nơi đến chốn.

Nhờ chính sách khôn ngoan "tháo nước cho nước khỏi tràn bờ", từ dạo ấy, phong trào đào ngũ tự nhiên chấm dứt. Những lời nói tâm tình thiết tha của Tướng Thế đã đánh mạnh vào lòng ái quốc, vào tự ái cá nhân, vào cái danh dự của người chiến sĩ cách mạng, khiến số người còn lại dù có muốn xa ông đi nữa, thì cũng đã tự mình đánh đổ sự hèn nhát, sự phản bội. Nếu phải như ai khác, thì đã bày ra hình phạt cứng rắn nọ kia, càng vô tình đào sâu thêm nỗi chán chường bất mãn trong đám sĩ binh kém nhiệt huyết, và không khéo đã đưa tập thể Liên Minh tới bước tan tành cát bụi từ dạo ấy. Tôi càng thêm cảm phục Tướng Thế ở điểm đó. Mặt khác, nếu Tướng Thế không nói thẳng ra, tôi chắc số người muốn ra đi sẽ cứ ngấm ngầm tăng lên mãi. Ở chỗ họ thiếu hiểu biết về đường lối chung, thiếu cả niềm cảm thông với mối tâm sự của người lãnh đạo. Bây giờ trái lại, một khi cái ung nhọt đã được đem mổ xẻ công khai, thì hàng ngũ tuy có bị sứt mẻ chút ít, nhưng lại sót lại toàn những hạt "gạo cội" hoàn toàn đáng tin cậy. Ngoài ra, những kẻ đã bỏ cuộc ra đi, ra đi mà được tha thứ, lòng vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi thái độ quân tử của người lãnh đạo, nên không nở làm điều phản trắc, mà còn gián tiếp giúp đỡ anh em còn ở lại trong rừng nữa là khác. Thế mới biết cầm đầu một đoàn binh tướng cách mạng không phải dễ. Đã đành kỷ luật nghiêm minh là điều cần thiết, nhưng lắm lúc kỷ luật nghiêm minh lại không giúp ích bằng cách đổi xử tâm lý khôn ngoan sáng suốt.

Sau khi đã giải quyết xong vấn đề đào ngũ, Tướng Thế lại còn phải lo un đúc tinh thần, nâng cao niềm tin tưởng trong lòng binh sĩ. Đây là giai đoạn ông bày tỏ cái tài chiến tranh tâm lý của ông. Ông kín đáo bàn riêng với tôi về việc bất đắc dĩ phải làm, rồi ông tung ra nguồn tin là đã bắt được liên lạc với Phái Bộ Mỹ tại Sàigòn, được Chính phủ Mỹ bí mật hứa viện trợ cho phong trào kháng chiến Liên Minh tồn tại. Tin ấy bay ra cùng một lúc với lệnh của Tướng Thế bắt buộc tất cả các đơn vị phải kê khai lại sĩ số cho minh bạch. Rồi các sĩ quan nào ở địa vị chỉ huy thì phải ăn mặc chỉnh tề, về Bộ Tư Lệnh "chụp hình gửi cho Phái Bộ Mỹ" để họ biết mặt, biết tên.

Thú thật, lòng tôi xiết bao nghi ngại. Tôi lo cho kết quả sẽ phản lại mục đích. Tôi lại nghĩ tới cái gương lịch sử xưa kia, khi Nguyễn Trãi cùng với anh hùng Lê Lợi bày mưu dùng mỡ viết tám chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trai vi thần" trên lá rừng cho kiến đục, rồi lá ấy được thả trôi theo giòng nước cho dân chúng bắt gặp để tin tưởng nơi sự thành công "trời định" của hai người. Dù nghi ngại mặc lòng, tôi vẫn không có quyền phản đối, không dám phản đối, vì "còn nuớc thì còn tát", Tướng Thế phải làm tất cả những gì cần làm để gìn giữ một công cuộc trọng đại.

Thế rồi Tướng Thế giao chiếc máy ảnh cũ của ông cho một cán bộ chuyên môn chụp hình. Thảm thương thay, máy hình lại chẳng có phim ảnh. Từng loạt sĩ quan lần lượt về trình diện Bộ Tư Lệnh, được chỉ định ra đứng một nơi cho người cán bộ chụp hình làm việc. Tôi muốn ưá nước mắt khi trông thấy các sĩ quan đưa tay vuốt ve quần áo cho thẳng thơm, sửa lại cái mũ chào mào trên đầu, ngắm lại mấy chiếc "Galons" trên vai áo, và giữ bộ mặt hết sức trang nghiêm trước ống kính. Khi nghe tiếng "tắc" của máy ảnh, họ mỉm cười sung sướng, có ngờ đâu bên trong máy ảnh chẳng có chút phim ảnh nào để ghi lại tấm ảnh kỷ niệm ấy.

Vì chỉ có Tướng Thế và tôi chia nhau sự bí mật, nên tôi lại càng hết sức giữ gìn, nhỡ việc kia tiết lộ ra, thì sự tai hại không biết tới đâu mà lường được.

Tội nghiệp cho các binh sĩ. Họ thấy các "anh lớn" tấp nập đi đi về về, được "Ngài Thiếu Tướng chụp hình để gửi đi đâu đó", thì họ càng thêm tin là đoàn thể sẽ không đến nỗi nào, nay mai cuộc đời sẽ lại tươi sáng! Hơn thế nữa, trong đám binh sĩ lại có sự xì xào bàn tán về một nguồn tin khá hấp dẫn, là chẳng bao lâu, Mỹ sẽ dùng phi cơ thả gạo xuống rừng ban đêm, tiếp tế cho anh em Liên Minh. Thành thử đêm đêm, có lắm kẻ nhẹ dạ thơ ngây mãi ngước mắt nhìn trời, mong đợi một biến cố tốt đẹp theo trí tưởng tượng của họ. Nào có khác chi Tào Tháo thuở xưa, lúc hành quân ở Hạ Bì, thấy binh sĩ quá khát, bèn nâng cao roi ngưa chỉ phiá trước mà bảo: '‘Đằng kia sắp có rừng mơ!" nhằm giúp binh sĩ tưởng tới các quả mơ mà rỏ giải cho đở khát.

Cũng nhằm mục đích nâng cao tinh thần binh sĩ. Tướng Thế luôn luôn đi thăm các đơn vị. Ông rủ tôi cùng đi với ông khắp nơi khắp chốn. Tới đâu ông cũng tỏ vẻ lạc quan, mặc dù lòng ông đang hết sức lo nghĩ. Một đêm nọ, tôi còn nhớ là khoảng tháng 10 âm lịch, chúng tôi về thăm Bến Cầu, quê cùa Tướng Thế. Lúc trở về ngồi trên một chiếc thuyền nan. Gió lạnh thổi trên sông Vàm cỏ Đông khiến lòng chúng tôi se thắt lại. Tướng Thế thò tay mở cái máy Radio để nghe tin tức. Bất ngờ lại gặp phải làn sóng điện phát ra tiếng hát bi thương:’' Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, và hồn nương bóng quốc kỳ"... Tiếng hát lê thê bay trong gió, lan trên mặt nước buồn vào lúc nửa khuya, thật là một sự diễu cợt đối với người đang ăn gió nằm sương. Cả hai chúng tôi cùng ngẩng mặt nhìn nhau trong bóng tối. Tướng Thế thở dài, tắt ngay làn sống điện.

Đêm ấy, chúng tôi tới thăm đơn vị của Trung Tá Hà Văn Tình. Được thết đãi một bữa cơm khuya với cơm gạo lứt, với cuống hoa súng làm rau chấm nước mắm. Vậy mà Tướng Thế cũng ăn được tới hai tô cơm lớn, vừa ăn vừa nhìn tôi với cái vẻ thẹn thuồng thật đáng yêu!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx