sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 15 - Trình Minh Thế "Chính Trị Gia"

Chúng ta đã biết Trình Minh Thế dám bày mưu hạ ngục và "xử tử treo" cựu Tướng Cao Đài Trần Quang Vinh, để cứu bạn đồng minh là Tướng Nguyễn Thành Phương, rồi đưa Phương lên ghế Tổng Tư Lệnh Cao Đài một cách đường đường chính chính. Chúng ta cũng đã biết Trình Minh Thế khôn ngoan "làm quà sơ kiến" Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bằng "Vụ án Phạm Hữu Chương". Qua hai việc ấy, con người chính trị của họ Trình đã nổi bật, và chắc chắn không ai ở vào hoàn cảnh ông có thể làm hơn được. Đem một Phạm Hữu Chương phản bội trả lại cho chính quyền với tội trạng rành mạch, Tướng Thế chẳng những giúp Thủ Tướng Diệm thanh lọc hàng ngũ, mà còn gián tiếp cảnh cáo chính quyền rằng, mai đây dù ông có về hợp tác với Thủ Tướng Diệm, thì ông cũng vẫn có thừa tài quyền biến trở lại chiến khu, nếu con đường hợp tác kia tỏ ra bất lợi.

Thiên hạ buổi đương thời đồn đãi Tướng Thế "bán mình" cho Mỹ, và cho chính phủ Ngô Đình Diệm, lấy một món tiền hàng trăm triệu bạc. Và riêng cá nhân tôi cũng không tránh khỏi cái tiếng "chia phần" trong vụ hợp tác. Sau khi tôi bỏ nước ra đi, báo chí Saigon dưới quyền điều động của Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành, đã tha hồ xuyên tạc bôi nhọ tôi, gán cho tôi cái tội "mang theo trong mình những 30 triệu bạc của Thủ Tướng Diệm, lưu vong với hàng chục chiếc xe, sống cuộc đời vương giả!" Thậm chí tờ báo hàng ngày "Lẽ Sống" của Ngô Công Minh đã chạy một hàng tít lớn 6 cột nơi trang nhất, đặt dấu hỏi: ‘‘N.L.’’ đang làm gì ở Nam Vang?" Rồi trong bản tin, tờ báo ấy mặc sức tưởng tượng giùm ra cho tôi một cuộc đời trác táng dơ bẩn, mục đích chỉ nhầm "đốt cháy" hẳn tôi đi trước dư luận. Nhưng lạ lùng thay, cũng chính người viết bản tin ấy lại quay ra phản lại ý kiến mình mà nhấn mạnh rằng: "Mặc dù ngày nay N.L. không còn anh hùng (nguyên văn) như trước nữa, nhưng vẫn còn phong độ lưu loát" v.v. Họ biết, hay là họ cố ý không biết rằng, ngay khi các bài báo kia được in ra, tôi đang sống nhờ một người thợ là nghèo nàn, đêm phải ngủ trên bộ ván giặt quần áo hồi nặc mùi xà phòng, và ngửa mặt nhìn lên những chiếc quần chiếc áo chưa khô, nước hãy còn nhỏ giọt xuống mặt tôi! Tôi giận Trần Chánh Thành chơi trò kém quân tử, nên tôi đã viết cho Thành một bức thư gửi thẳng về Bộ Thông Tin, cảnh cáo Thành rằng: "Anh đừng tưởng kẻ vắng mặt là kẻ có tội (l’absent a toujours tort), và cũng đừng tưởng kẻ ra đi không có ngày về!"

Cùng một lúc với chiến dịch bôi nhọ kể trên, Bộ Trưởng Thành còn mượn bàn tay báo chí thêu dệt và hô hoán lên rằng tôi đã bỏ rơi lập trường đấu tranh cố hữu, quay ra bắt mối liên lạc với tên cán bộ cộng sản nằm vùng tại Cao Miên là Mai Văn Bộ, để chống lại chính phủ Saigon. Sở dĩ có câu chuyện "chụp mũ" kể trên là vì trong hàng ngũ sĩ quan Cao Đài sang lánh nạn tại Nam Vang thuở ấy, có một ông Trung Úy tên là L.V.B., vốn do chỗ quen biết mà tới lui thăm viếng tôi, và được tôi tiết lộ nhiều chi tiết về các hoạt động của tôi trong thời kỳ tôi giữ chức Tổng Thư Ký Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, kể cả các chi tiết về việc tôi bắt giữ và lột lon Tướng Nguyễn Văn Vỹ tại Dinh Độc Lập. Ông Trung Úy kia về sau bỗng vì hoàn cảnh bắt buộc, quay sang hợp tác với hai tờ báo cộng sản xuất bản tại Nam Vang, lấy tên là "Sống Chung" và "Hòa Bình". Ông ta bèn tự tiện đem chuyện riêng của tôi ra, viết thành một loại "feuilleton" (phim dài tập) hấp dẫn, đăng suốt 3 tháng trời trên mặt báo cộng sản "Hòa Bình". Tôi vốn xưa nay không bao giờ thèm để mắt tới các loại sách báo tuyên truyền ‘‘lá cải" của bọn cộng sản, nên hoàn toàn không biết gì về câu chuyện đang xảy ra có liên quan tới mình. Cho tới khi tôi được mách bảo về hành động của ông Trung Úy kia, thì đã quá muộn, tôi không còn cách gì ngăn chặn được nữa, mặc dù tôi đã kịch liệt phản đối.

Người ta không lạ rằng bọn cộng sản vừa muốn câu độc giả cho tờ báo của chúng, lại vừa muốn lợi dụng trường hợp cá nhân tôi để đả kích chính quyền Ngô Đình Diệm, một việc làm rất được nhà cầm quyền Nam Vang hưởng ứng và khuyến khích, vì Sihanouk đang mạnh mẽ ngả theo phe Trung Cộng, và triệt để chống báng chính phủ Ngô Đình Diệm. Cũng giống như một nhà báo Pháp thân cộng, trong cuốn sách nhan đề "Au Delà du 17ème Parallèle"(Ngoài Vĩ Tuyến 17), ngay nơi Lời Nói Đầu, đã bóng bảy xa gần đem Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng và cá nhân tôi ra làm đề tài, để nói về cái mà họ gọi là "Thái độ vô ơn, phản bội của chính quyền Ngô Đình Diệm!"

Sở dĩ tôi biết được câu chuyện kể trên là do người chủ trọ của tôi lúc bấy giờ là một người thợ là (Thợ giặt quần áo), quê quán Bắc Việt, ông ta cũng như hầu hết các đồng bào Bắc Việt sang trú ngụ lâu đời tại Cao Miên đều có xu hướng ủng hộ ngụy quyền Hà Nội một cách mù quáng. Ngày nọ sang ngày kia, suốt từ tờ mờ sáng tới nửa đêm, ông ta mở máy thu thanh theo dõi tin tức của các đài phát thanh Hà Nội và Bắc Kinh. Cử chỉ ấy làm tôi phát điên, không tài nào chịu nổi.

Ông ta sau mê "Hồ Chủ Tịch" của ông ta cho đến nỗi ông định gửi đứa con gái về Hà Nội để "phục vụ cụ Hồ". Được ông ta hỏi ý kiến, tôi bèn thừa cơ hội trả thù ông ta một vố cho biết thân. Tôi làm ra vẻ nhiệt liệt tán thành việc gửi đứa con gái của ông ta đi "xây đắp thành trì xã hội chủ nghĩa". Thế là đứa con kia bỏ bố mẹ lên đường về Bắc. Chỉ ba tháng sau thôi, nó gửi một bức thư "chửi" ngay bố nó là "thành phần lạc hậu, vô ơn với tổ quốc, không biết hy sinh cho cách mạng, mà chỉ biết làm thợ ủi kiếm tiền!"...

Một hôm, người thợ ủi kia bỗng hỏi tôi bằng một giọng kích thích: - Ông ơi! Ông có biết chuyện gì xảy ra không? Ly kỳ, hấp dẫn đáo để! Như xi-la-ma vậy! Tôi lấy làm lạ hỏi chuyện gì, thì ông ta nói: - Tờ báo Hòa Bình đang kể chuyện một người Việt Nam sang tị nạn chính trị tại đây (ông hoàn toàn không biết tôi là ai, vì tôi dùng bí danh trong thời kỳ lưu vong). Họ nói người này trước ủng hộ ông Diệm kỹ lắm, nhưng sau bị ông Diệm bạc đãi, nên bỏ đi. Này, hay lắm, hay lắm, ông xem đi cho biết. Vừa nói, ông ta vừa cầm trao cho tôi một xấp báo Hòa Bình. Đọc qua cái gọi là "xi-la-ma hấp dẫn", tôi đâm hoảng kinh, vội tới gặp đích thân Bộ Trưởng An Ninh của Chính Phủ Miên, yêu cầu can thiệp để chấm dứt loạt bài kia. Nhưng ông Bộ Trưởng lắc đầu, bảo là "phải tôn trọng tự do báo chí’’. Trở về nhà, tôi lo ngại ông thợ ủi nhà ta sẽ có thể một ngày nào đó khám phá ra tông tích tôi thì vô cùng nguy hại, nên tôi hấp tấp dọn đi nơi khác.

Ấy, câu chuyện chỉ có thế, mà Trần Chánh Thành lại tiếp tay báo chí gây ra được một luồng dư luận về lập trường của tôi, đúng là theo cái chủ trương "muốn ăn thịt chó thì phải kêu chó dại!" Tuy nhiên, loạt bài kia của ông Trung Úy Cao Đài cũng đã gây chấn động dư luận một thời, và đã làm phiền cuộc sống của tôi không ít. Thậm chí Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống lúc bấy giờ là Nguyễn Hữu Châu (anh em cột chèo với ông Cố vấn Nhu), đã thay mặt chính phủ Saigon lên tận Siem Reap, kiện với Cựu hoàng Sihanouk, yêu cầu trục xuất tôi ra khỏi xứ Chùa Tháp. Nhưng Cựu hoàng Sihanouk viện dẫn điều 14 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, trả lời Nguyễn Hữu Châu rằng tôi là một nhà chính trị lưu vong, không làm điều gì thương tổn tới nền an ninh nước ông, thì ông không có quyền trục xuất. Ngoài ra, Sihanouk đang triệt để chống báng Saigon, nên cũng cố ý làm ra vẻ bênh vực tôi để chọc tức đối phương. Hồi đó Cao Miên đang tranh chấp với Việt Nam về mấy hòn đảo ngoài vịnh Xiêm La. Sihanouk mời một lúc cả hai lĩnh tụ Trung Cộng là Chủ Tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thủ Tướng Chu Ân Lai sang Nam Vang, rồi thân hành hướng dẫn hai tên này xuống bờ biển Kep, phân bua về vấn đề lãnh thổ. Cũng trong giai đoạn này, tôi đang "kiện" với Thủ Tướng Miên là ông Pho Preung về quy chế tị nạn chính trị mà chính phủ Miên đã dành cho ông Phibul Songram, cựu Thủ Tướng Thái Lan vừa bị lật đổ chạy sang Nam Vang lánh nạn. Ông này, tuy cùng "một hội một thuyền" với bao nhiêu người khác, nhưng lại đuợc chính phủ Miên dành cho nhiều ưu đãi, khiến tôi bất bình viết thư riêng cho ông Thủ Tướng và được người bạn thân là Dân Biểu Quốc Hội Miên Long Boret triệt để ủng hộ. Ý kiến của tôi nào ngờ đã được nghe theo, và ông Phibul Songram bị "mời khéo" sang Tokyo lánh nạn. Do đó, Cựu hoàng Sihanouk càng để ý tới tôi nhiều hơn.

Riêng về cái nỗi hàm oan của Tướng Thế, tôi nghỉ rằng tôi có thẩm quyền thay mặt đoàn thể Liên Minh làm cho sáng tỏ trước dư luận, ông mất đã gần 30 năm nay rồi, mà cái điều vu không tiền bạc kia vẫn còn nghe thấy nhắc nhở bởi mấy người nhẹ dạ dễ tin, dễ bị lừa bịp. Tôi xét thấy chính giới Việt Nam, cả trong chính quyền lẫn ngoài đối lập, cùng mắc cái "chứng bệnh" vu không tội "ăn tiền" cho những ai chống lại mình, hoặc mình không thích kết bạn. Vô tình, họ tô vẽ chính trường Việt Nam như một nơi chỉ có "ăn cắp", chỉ có '‘làm tiền dơ bẩn" mà thôi. Quả là một sự tủi nhục. Riêng với Tướng Thế, con người bình sinh vốn không vì tiền mà hy sinh nơi đầu sông ngọn gió, thì sự vu không tiền bạc cho ông, lại càng là điều đáng cho ai đó hổ thẹn. Trong vụ hợp tác với chính quyền, như tôi đã dẫn chứng trong các trang sách truớc, tự thủy chí chung, Tướng Thế không hề động chạm tới chuyện tiền bạc với Thủ Tướng Diệm, không nhận đồng xu cắc bạc nào để đổi lấy công cuộc hợp tác.

Ngay giữa lúc Cố vấn Ngô Đình Nhu đang vận động mời Tướng Thế về thành, họ Trình đã phải cùng tôi đi vay nợ để mua một chiếc xe Simca 9 cũ của một người quen tại Tòa Thánh. Một buổi trưa nồng nực, tôi ngồi đợi ông nơi quán nước. Tiền mượn được chẳng đủ, ông lại phải yêu cầu Đại Tá Văn Thành Cao tiếp tay mượn giúp thêm cho đủ số 80 ngàn bạc để lấy chiếc xe. Khi về thành, vì vấn đề uy tín và sĩ diện, ông phải mua một chiếc Traction 15 của hãng Bainier ở cuối đường Lê Thánh Tôn, gần bót cảnh sát Catinat. Xe ấy đã được Tướng Hòa Hảo Lâm Thành Nguyên đặt cọc trước, khi nghe nói Tướng Thế cần có xe ngay, Tướng Lâm Thành Nguyên đã vui lòng nhường cho lấy trước. Chúng tôi cố gắng tậu được một căn nhà nhỏ hẹp dùng làm Tổng Hành Dinh tại số 55 đường Trương Minh Giảng. Bà Thế là Nguyễn Thị Kim đã hy sinh phần lớn để có được ngôi nhà ấy. Duy chỉ có trường hợp đặc biệt là trước khi về thành, Tướng Thế có hỏi mượn chính quyền số tiền 2.700.000 đồng, nhằm phân phát cho anh em chiến sĩ gọi là chút tưởng thưởng cho họ. Tiền ấy, Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung đã đòi lại ngay, và anh em Liên Minh đã phải nhịn cả một tháng lương để thanh toán. Như vậy, thì làm sao có sự "bán mình" cho Mỹ, hoặc cho chính phủ Diệm? Nếu Tướng Thế nhận hàng trăm triệu bạc như dư luận đồn đãi, thì tiền ấy để đâu? Chả nhẽ ông mang theo xuống nấm mồ? Con người của Tướng Thế, tôi biết rõ, không dễ cho ai lung lạc bằng quyền lợi vật chất được. Sở dĩ ông nhận hợp tác với chính quyền, chẳng qua vì tình hình quân sự khó khăn mà Liên Minh phải đương đầu sau Hiệp Định Genève, và cũng vì ông nhận thấy nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm có tấm lòng ái quốc thành thật, chống Cộng và chống Pháp. Chỉ có thế thôi. Tóm lại, đời Tướng Thế trong sạch như một tờ giấy trắng, như một tấm gương soi. Ông không có việc gì để hổ thẹn, và chúng tôi cũng chẳng có gì để hổ thẹn vì ông cả.

Chỉ mới dăm ba hôm có mặt tại Saigon, Tướng Thế đã bắt đầu hoạt động, lần này hoạt động thuần tuý chính trị. Tiếp xúc xong với các đoàn thể bạn, ông đòi hỏi ngay với Thủ Tướng Diệm một việc khá bất thường. Thuở ấy phong trào tranh đấu á Phi đang bành trướng mạnh. Tổng Thống Nam Dương Soekamo được sự hỗ trộ của Trung Cộng và khối Thế Giới Thứ Ba, đã đứng ra triệu tập một hội nghị mệnh danh là "Hội Nghị á Phi" tại thành phố Bandung vào ngày 28 tháng 3 năm 1955. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã nhận tham dự Hội Nghị ấy, và đã cử xong một Phái Đoàn do Bộ Trưởng Nguyễn Hữu Thoại (?) cầm đầu, sẵn sàng đâu đấy để có mặt tại Bandung. Tướng Thế được tin, bèn vào Dinh Độc Lập, thẳng thắn ngỏ lời yêu cầu Thủ Tướng Diệm cho ông cùng đi với Phái Đoàn. Thủ Tướng Diệm thấy hơi khó nghỉ, vì một Tướng lỉnh vừa gia nhập Quân Đội Quốc Gia, lại đòi có mặt trong một Phái đoàn của Chính phủ đi dự Hội Nghị quốc tế, thì làm sao khỏi gây sự bất bình đố kỵ trong các từng lớp sĩ quan khác? Tuy nhiên, Thủ Tướng Diệm cũng quá nể tình người chiến sĩ mà ông rất quý mến, nên ông gật dầu cho đi. Bên phía Cao Đài, Trung Tướng Nguyễn Thành Phương không dám bắt chước Tướng Thế đòi hỏi nọ kia, nhưng cũng âm thầm cử Hồ Hán Sơn cùng đi sang Bandung quan sát tình hình.

Tướng Thế sang tới nơi chẳng thèm để ý tới chuyện lễ nghi tiếp đón, tiệc tùng, mà một mình cắm đầu cắm cổ làm việc theo chiều hướng hữu lợi cho đất nước Việt Nam. Ông bàn bạc với Hồ Hán Sơn, rồi nhờ Sơn thảo ngay ra một '‘Tờ Hịch" kêu gọi quốc tế hãy ủng hộ công cuộc đấu tranh chống cộng sản và thực dân tại Việt Nam. Sơn thảo xong, tới lúc tìm chỗ in mới là nan giải. Chính quyền thân cộng Soekamo toa rập với bọn cộng sản quốc tế, đã bí mật "thủ tiêu” hết mọi thứ máy Ronéo bán ngoài phố, khiến Tướng Thế và Hồ Hán Sơn đi tìm suốt đêm cũng chả thấy đâu cả. Túng cùng, Tướng Thế bèn nhờ Trưởng Phái Đoàn Việt Nam can thiệp, mới mượn được một chiếc máy Ronéo cũ kỹ vứt trong gốc xó. Tướng Thế phải thân hành sửa chữa, rồi cùng Hồ Hán Sơn làm việc gấp rút để kịp có ‘‘Tờ Hịch’’ tố cộng phân phát cho các Phái đoàn tham dự Hội Nghị. Giữa lúc các diễn giả thay phiên nhau thao thao bất tuyệt trên diễn đàn, thì Tướng Thế cứ thản nhiên ôm mớ truyền đơn đi phân phát cho khắp các Phái đoàn, kể cả cácPhái đoàn cộng sản. Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai khi nom thấy ‘‘Tờ Hịch’’ bằng Anh văn để trước mặt mình thì lấy làm sửng sốt, ngửng lên nhìn Tướng Thế. Hai bên không trao đổi một lời nào với nhau, Chu Ân Lai nhìn chán con người Việt Nam nhỏ thó kia, rồi cúi xuống đọc ‘‘Tờ Hịch’’. Thế là ông trùm cộng sản Trung Hoa thua ngay một keo tuyên truyền giữa chốn nhĩ mục quan chiêm. Tướng Thế đắc ý tủm tỉm cười, trong khi Phái Đoàn Việt Nam cũng chả hiểu ông đang làm gì.

Hội Nghị Bandung cố làm cho to chuyện, nhưng tựu trung chỉ là trò bịp bợm của tập đoàn cộng sản quốc tế. Soekarno tự nhận mình thuộc Thế Giới Phi Liên Kết, nhưng thực tế, ông ta chỉ là tay sai của Bắc Kinh lúc ấy đang muốn lôi kéo cả khối Á Phi non nớt chính trị về phe họ. Các bộ mặt lớn trong cuộc Hội Nghị gồm có Thủ Tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai, Tổng Thống Nam Dương Soekarno và Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của Cao Miên. Mấy tay đầu sỏ này thay phiên nhau làm áp lực để các phái đoàn nhỏ bé đồng ý đưa ra cái quyến nghị gọi là ‘‘ Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình ‘’ (Five Principles of Peace Coalition).

Thảm thương cho Phái đoàn Việt Nam, họ chỉ ngồi nghe và bị lu mờ giữa một biển người thiên tả hoặc cộng sản. Nếu không có '‘Tờ Hịch" kia của Tướng Thế khiến bọn đầu sỏ phải chú mục, thì Phái đoàn Việt Nam kể như đi không về rồi một cách vô ích. Hôm trở về, mặt mày Tướng Thế như hoa nở. Thủ Tướng Diệm được báo cáo về hoạt động của ông tại Bandung, thì rất lấy làm hài lòng. Ngay giữa lúc đang vui tươi, Tướng Thế lại bỗng có một cử chỉ quái lạ. Bất thình lình ông rút chiếc nhẫn cưới trên tay ông, trao cho bà vợ và bảo: "Em hãy đeo lấy!" Lại thêm một triệu chứng bất thường! Bà Nguyễn Thị Kim dàu dàu nét mặt, cầm lấy chiếc nhẫn bỏ vào ví. Bà không hiểu tại sao cuộc sống gia đình đang êm thấm, chồng lại cởi bỏ chiếc nhẫn cưới? Sắp xa nhau chăng? Nào ai biết được.

Cũng trong thời gian này, Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia xuất hiện. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã đóng một vai trò trọng yếu trong tổ chức này. Lập

trường chống đối chính phủ nơi Ngài đã lộ liễu. Mặc dù Ngài cho phép Tướng Nguyễn Thành Phương tham chính, nhưng Ngài vẫn không chịu hoàn toàn hợp tác, và luôn luôn đòi chính quyền phải sửa đổi nọ kia. Lạ nhất là Tướng Phương đang có địa vị trong chính quyền, lại cũng sinh lòng chống đối. Nhắc lại là Mặt Trận gồm có Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Liên Minh và Dân Xã (của Tướng Lê Quang Vinh), nghĩa là các đoàn thể võ trang. Sau một cuộc hợp sơ bộ tại tư dinh của Tướng Trần Văn Soái tại đường Miche (Phùng Khắc Khoan), một Phái đoàn hùng hậu gồm có Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế, Lê Văn Viễn, Lai Hữu Tài, Trần Văn Ân, Thành Nam, Sỹ Thanh, Bảo Thế Lê Thiện Phưóc, và tôi, lên Tòa Thánh yết kiến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tại Trì Huệ Cung. Dịp này, mọi người đã ký tên vào một bản tuyên ngôn đoàn kết ngay nơi bàn viết của Đức Hộ Pháp. Tiếp theo đó, các buổi hợp thường diễn ra tại nhà riêng hoặc Tổng Hành Dinh của Tướng Lê Văn Viễn. Kết quả đưa tới một bức '‘Tối Hậu Thư’’ gửi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, kỳ hạn tới ngày mồng 2 tháng 5 là tối đa, chính quyền phải cải tổ gấp để tiến tới tổng tuyển cử, thành lập chế độ Cộng Hòa. Như thế có nghiã là nếu sau ngày 2/5/55, mà chính quyền vẫn ở nguyên thể thức cũ, phe đối lập sẽ hành động.

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bằng lòng tiếp một Phái đoàn trao '‘Tối Hậu Thư’’ do Tướng Lâm Thành Nguyên hướng dẫn, và gồm có Trần Văn Ân (thay mặt Bình Xuyên), Bảo Thế Lê Thiện Phước (thay mặt Đức Hộ Pháp), ông Thành Nam (thay mặt Hòa Hảo), Đại Tá Trần Thái Huệ (thay mặt Cao Đài) và tôi (thay mặt Liên Minh). Phái đoàn được hộ tống trên đường đi từ Chợ Lớn tới Dinh Độc Lập bởi một đoàn xe cảnh sát của Bình Xuyên, có trang bị còi hụ cả trước lẫn sau. Trước khi khởi hành, Tướng Viên có nói: Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu các anh em bị bắt cóc, Bình Xuyên sẽ nổ súng vào Dinh Độc Lập tức khắc." Chúng tôi được Thủ Tướng Diệm tiếp kiến tại một phòng khách trên lầu Dinh Độc Lập. Nhân danh Trưởng Phái Đoàn, Tướng Lâm Thành Nguyên trang trọng trao bức '‘Tối Hậu Thư’’. Thủ Tướng Diệm mở ra xem, và ý kiến được trao đổi chung quanh các đề tài đã nêu ra trong bức thư ấy. Thủ Tướng Diệm viện dẫn các khó khăn trong tình hình hiện hữu để nói rằng ông không thể thỏa mãn các yêu sách của phe đối lập trong thời hạn đã được ấn định. Tôi nom thấy ông cố gắng che đậy nỗi căm giận trong lòng. Khá nguy cho tôi là khi ông tìm câu đối đáp Phái đoàn, thì mắt ông lại nhìn thẳng vào tôi, với nụ cười chúm chím bí mật. Tôi phải làm bộ nhìn sang nơi khác, nhất là tôi lại ngồi đối diện ngay với Tướng Lâm Thành Nguyên, rất dễ bị nghi ngờ. Tướng Lâm Thành Nguyên cười nói bô bô, chỉ có Bảo Thế Lê Thiện Phước là trước sau hoàn toàn im lặng.

Cuộc hội kiến gay go kéo dài chừng một tiếng đồng hồ, lập trường đôi bên vẫn cách biệt, chẳng đi tới đâu hết. Đứng giữa cuộc xung đột, tôi khá lo trong lòng. Thành thực mà nói, tôi thấy việc trao bức '‘Tối Hậu Thư’’ kia quả là một hành động thái quá, một sự khinh miệt rõ ràng đối với Thủ Tướng Diệm. Nếu ở vào địa vị ông, tôi cũng không thế nào nhượng bộ được một cách dễ dàng, nếu còn chút danh dự cần bảo vệ. Mà một đằng đã đi tới chỗ cạn tàu ráo máng, một đằng lại không chịu lùi nửa bước, tất nhiên là sự xung đột đẫm máu sẽ xảy ra, làm sao tránh khỏi? Phe đối lập hẳn đã không đùa cợt khi trao '‘Tối Hậu Thư’’, và phần Thủ Tướng Diệm ắt cũng đã có kế hoạch trong đầu, khi từ chối. Trở về Tổng Hành Dinh hôm ấy, tôi đem tất cả sự thật ra trình bày với Tướng Thế. Chúng tôi cần phải có một hành động riêng cho phía mình.

Khi được báo cáo về kết quả cuộc hội đàm tại Dinh Độc Lập, Tướng Lê Văn Viễn lộ vẻ đăm chiêu hơn ai hết. Sự họp hành lại gia tăng gấp bội. Người ta bàn bạc chung quanh thái độ cứng rắn của Thủ Tướng Diệm. Người ta dự đoán rằng ông Thủ Tướng đã "liều mạng" chống đỡ tình hình, chứ thật ra, ông còn có thế lực nào nữa đâu để đương đầu với phe đối lập? Tình cờ, giữa lúc ấy, người của Tướng Viễn lại từ Pháp bay về, cho hay "Đức Quốc Trưởng hứa chắc là sẽ chọn anh Bảy làm Thủ Tướng Chính phủ tương lai, nếu anh Bảy lật đổ được ông Ngô Đình Diệm." Người liên lạc này (tôi quên mất tên) nói năng với giọng đầy tin tưởng nơi sự thành công, khiến Tướng Viễn lại trở nên lạc quan ngay. Đứng phương diện khách quan, tôi thấy ông Viễn chỉ còn có nước đi tới cùng trên con đường phục vụ Bảo Đại, ông không còn lối thoát. "Đức Quốc Trưởng" đã hứa một lời đanh thép như thế kia, Bình Xuyên lại đang nắm trong tay quyền lực công an cảnh sát, cả thủ đô Saigon chỉ biết có ảnh hưởng Bình Xuyên, thì cái chức Thủ Tướng Chính phủ quả thật không xa mấy.

Đã đến lúc tôi phải rút lui khỏi cục diện. Theo chương trình dự định, tôi vào Chợ Lớn dự một phiên hợp cuối cùng, rồi nửa chừng Tướng Thế sẽ làm bộ gọi điện thoại cho tôi. Tôi sẽ mượn cớ có vấn đề nội bộ khẩn cấp, xin phép bỏ họp ra đi. Đại Uý Tạ Thành Long được chỉ định đi đón tôi lại tới trễ, khiến tôi phải hỏi mượn xe của anh Sỹ Thanh để về gấp, vì Tướng Thế đang mở cuộc họp báo tại Tổng Hành Dinh đường Trương Minh Giảng. Nếu tôi không đi kịp, mà cuộc hợp báo kia lại tới tai Tướng Viễn, thì chắc chắn là tôi gặp đại nạn, ít nhất thì cũng nhận được một trận xỉ vả mắng nhiếc của các đoàn thể khác.

Về tới nhà, tôi bắt gặp đại diện báo chí Việt Nam và ngoại quốc ngồi chật cả phòng khách. Tướng Thế còn đang đợi tôi rồi mới bắt đầu loan báo quyết định của Liên Minh rút chân vĩnh viễn khỏi Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia. Bằng những lời khiêm tốn nhưng cứng rắn, Tướng Thế cho biết sở dĩ ông tham gia Mặt Trận bấy lâu là nhằm xây dựng đoàn kết giữa các lực lượng võ trang miền Nam để đương đầu với hiểm họa cộng sản. Chứ ông không chủ trương chống phá chính quyền giữa một tình thế khẩn trương, ông đề cập tới vấn đề '‘Tối Hậu Thư" của phe đối lập, tới sự trả lời của Thủ Tướng Diệm, rồi ông thẳng thắn nói rằng ông không tán thành thái độ quá khích của các đoàn thể bạn. Sau cùng, ông xác nhận lại lập trường hợp tác của Liên Minh như đã được minh định trong bài diễn văn ông đọc hôm 13 tháng 2 vừa qua.

Hôm sau, báo chí loan tin, Saigon lại một phen náo động. Tướng Nguyễn Thành Phương chới với trước sự việc đã rồi, nhưng không dám phản đối việc làm của Tướng Thế, mà chỉ nhẹ nhàng trách cứ: "Sao chú không cho tôi biết trước?" Chẳng nói ai cũng biết, Mặt Trận bất bình Tướng Thế là dường nào. Chỉ khổ cho tôi bị trực tiếp lên án ‘‘Phản bội hàng ngũ". Đài Phát Thanh Hòa Hảo tại Miền Tây mạt sát tôi thậm tệ, đòi kết án "tử hình khiếm diện". Sau này, tôi với cư sĩ Thành Nam gặp lại nhau trong cuộc đời lưu vong, anh Thành Nam thân mật bảo tôi: "Chúng ta đã đóng một màn kịch trên sân khấu" để trả lời câu tôi hỏi đùa anh rằng "Bây giờ anh có còn muốn xử tử tôi nữa thôi?" Quả thật, chúng tôi đã đóng một màn kịch bi hài, mà cuối cùng bao nhiêu diễn viên đều tan tác, mai một cả. Không ai dám tự nhận mình là đào kép nhất, truớc sự tang thương của đất nước.

Tuy đã rút ra khỏi Mặt Trận, song chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi các diễn tiến. Được biết là Tướng Nguyễn Văn Thành của Cao Đài nay đã chính thức gia nhập Mặt Trận, sát cánh với Bình Xuyên. Điều mỉa mai là Tướng Thành đã bị Đức Hộ Pháp cách chức, nên mới bất mãn, ngả theo Bình Xuyên. Nay ông ta lại tự nguyện gia nhập

Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, rồi lại chịu đứng dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Hộ Pháp. Chúng tôi biết chắc là màn xung đột võ trang thế nào cũng sẽ xảy ra tại Saigon. Cho nên, đêm 28 tháng 4 năm 1955, Tướng Thế với tôi cùng nhiều anh em khác đứng tì tay trên lan can, đợi nghe tiếng súng nổ vào lúc 1 lgiờ khuya. Chúng tôi quay lại nhìn nhau khi quả đạn Mortier đầu tiên phát nổ về phía Dinh Độc Lập. Lần này cuộc tấn công của Bình Xuyên không dữ dội bằng lần trước (ngày 29 tháng 3, đốt cháy khoảng 1.000 nóc nhà tại khu bình dân Nancy, và làm nhiều người thiệt mạng). Lần này, Dinh Độc Lập là mục tiêu chính yếu, vì bao nhiêu tiếng nổ đều từ phía ấy vọng ra. Tuy nhiên, dân chúng Saigon cũng xôn xao không kém. Một gia đình người Mỹ bên cạnh vừa khóc lóc vừa chạy sang chỗ chúng tôi tìm sự che chở. Chúng tôi trấn an họ và bảo không đến nỗi nào đâu. Quả nhiên, cuộc tấn công của Bình Xuyên chỉ có tính cách hình thức mà thôi. Xét về mặt quân sự, một căn cứ như Dinh Độc Lập không thể nào bị uy hiếp dễ dàng bởi mấy quả đạn Mortier 81 từ bên Cầu Chữ Y bắn sang.

Lực lượng Binh Xuyên, với đa số nằm trong Công An Cảnh Sát, hẳn cũng không dám chọc thủng hàng rào Dinh Độc Lập để hạ thủ Thủ Tướng Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Huống chỉ binh đội Bình Xuyên lại có tính cách ô hộp, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, không trọng pháo, không phi cơ, thì có đáng kể vào đâu. Hàng ngày công an Bình Xuyên có thể bắt nạt dân chúng, nhưng khi lâm trận để thanh toán một chiến trường như Dinh Độc Lập, cái phần thua thiệt đã thấy rõ đối với họ. Chẳng qua, hành động nổ súng của Bình Xuyên chỉ nhằm hạ uy thế Thủ Tướng Diệm, bày ra trước dư luận hình ảnh một ông Thủ Tướng luôn luôn ở cái thế hạ phong, luôn luôn bị xỉ nhục, luôn luôn bị uy hiếp.

Kể từ ngày về nước hồi tháng 7 năm 1954 cho tới đêm nay, kiểm điểm lại, người ta thấy Thủ Tướng Diệm quả là một chính khách thiếu may mắn. Lịch sử Việt Nam chưa có ai dám đứng ra cầm đầu một chính phủ mà ông Quốc Trưởng thì ghét bỏ ra mặt, cứ nằm lì bên Pháp, và cứ một hai đòi ông Thủ Tướng chỉ định của mình phải luôn luôn nhớ ghi câu "Thừa Uỷ nhiệm Đức Quốc Trưởng" trước khi ký tên vào bất cứ văn kiện nào. Một chính phủ mà quyền kiểm soát an ninh lại thuộc về tay một người không đội trời chung, mà quân đội lại ở dưới quyền một tướng lĩnh tay sai của Pháp. Vận động khó nhọc bao nhiêu tháng trời mới "đẩy" đi được ông Tướng phản động Nguyễn Văn Hinh ra khỏi nước. Còn lại ông Tướng Cảnh sát Công an, thì đã hai lần nổ súng làm oai, thắng bại chưa biết ngã ngũ ra thế nào. Đã thế, một Cao Đài, một Hòa Hảo, tiếng là tham gia chính quyền cùng chịu chung trách nhiệm với nhau, nhưng vẫn "diện phục tâm bất phục", vẫn chờ chực cơ hội để cho ông Thủ Tướng về vườn.

Phải như ai khác ở vào địa vị này, chắc đã bỏ cuộc từ lâu. Chính quyền với chả chính quyền, thà về quê cày ruộng còn hơn đặt mình vào giữa cảnh gươm đao, ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc. Nhưng Thủ Tướng Diệm vẫn gan lì chịu đựng, mặc cho thiên hạ đàm tiếu rằng " Ông Diệm sắp thua đến nơi rồi" Giờ thì sự việc đã rõ ràng đen trắng. Cuộc chiến tranh nguội đã biến thành chiến tranh nóng. Cái nhục này Thủ Tướng Diệm đã ghi vào lòng, và nếu ông muốn còn tồn tại, thì ông phải rửa nhục. Ông rửa bằng cách nào? Đó là câu hỏi then chốt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx