sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14 - Bỏ Lại Sau Lưng Núi Bà Đen

Việc bắt giữ Bộ Trưởng Xã Hội Phạm Hữu Chương đã gieo một ảnh hưởng tâm lý khá sâu đậm trong lòng Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, ông nhìn thấy trong công cuộc ấy tất cả sự ngay thẳng chân thành của Tướng Thế, cả cái tinh thần bất vụ lợi, khi người anh hùng Núi Bà Đen tự ý đứng ra trừ khử hộ một phần tử nguy hại cho chính quyền, mà không hề đòi hỏi một ân huệ gì đặc biệt

Vì xúc động cảm phục, và cũng vì tình thế đòi hỏi cấp bách, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm muốn cụ thể hóa ngay công cuộc hợp tác. Nhưng Tướng Thế lại xin triển hạn thêm một thời gian, vì côn nhiều vấn đề nội bộ phài giải quyết.

Bị chính quyền đuổi gấp sau lưng, bị Tướng Nguyễn Thành Phương ngày ngày thúc giục, lại bị bối rối trước những khó khăn về phía Tòa Thánh đối với vấn đề nuôi quân, chúng tôi không thể không quyết định dứt khoát một lần cho xong. Vào một ngày cuối tháng 10 năm 1954, Tướng Thế đem câu chuyện hợp tác ra nói thẳng với tôi, ngầm mong tôi thông cảm rằng ông đã suy nghĩ thật chín chắn trước khi chấp nhận lời mời của Thủ Tướng Diệm. Tôi không còn lý do gì để úp mở nữa. Và với tư cách một người có trách nhiệm về mặt chính trị của đoàn thể, tôi bày tỏ sự tán đồng của tôi bằng cách đề cập ngay tới một số công việc cần làm trước khi từ giã chiến khu. Các công việc ấy gồm có: Chính thức công bố chương trình hợp tác với chính phủ cho anh em đều biết. Tăng cường phòng thủ trong thời gian chuẩn bị kẻo dễ bị đối phương đánh úp. Và săn sóc cả những anh em đã nằm xuống trong mấy năm qua. Tôi bàn với Tướng Thế: - Ngày xưa ra đi, Ngài có nói với các anh em chiến sĩ là chỉ trở về khi thành công trong mục tiêu cách mạng chống cộng, đuổi Pháp. Ngày nay vì tình hình quân sự biến đổi sau Hiệp Định Genève, Pháp và cộng sản đều rảnh tay, chung sức lại đánh ta, ta khó lòng đương đầu nổi. Vì vậy mà tương kế tựu kế, chúng ta bất đắc dĩ đành phải chọn con đường về thành rồi sẽ liệu. Nay Ngài sắp đưa công cuộc đấu tranh xương máu sang một giai đoạn mới, chẳng những Ngài có bổn phận trình bày sự việc thật rõ ràng với các anh em còn sống sốt, mà Ngài còn có bổn phận cáo tri với cả những người đã khuất mặt, thêm cái bổn phận thiêng liêng là chu toàn mồ mả các tử sĩ trước giờ phút chúng ta lìa bỏ họ, để linh hồn họ đỡ tủi..

Nói xong, tôi thấy Tướng Thế lộ hẳn nét buồn trên gương mặt vốn đã luôn luôn ưu tư trầm lặng. Ông mau mắn gật đầu tán thưởng lời đề nghị của tôi. Thế là một mặt ông ra lệnh cho Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiên tức khắc và đích thân lo việc bốc mộ tất cả các tử sĩ, đưa về cải táng tại một khu đất bằng và rộng, nằm ngay dưới chân Núi Bà Đen. Chỗ ấy nguyên là nền "Chùa Dưới" ở về phía tay phải Núi Bà Đen từ Tòa Thánh trông lên. Từ "Chùa Dưới", có một con đường lát đá mấy trăm bực đưa lên "Chùa Giữa" và "Chùa Trên", tức là nơi có đặt tượng thờ bằng đồng đen của Đức Linh Sơn Thánh Mẫu.

Trung Tá Trương Lương Thiện đã phải mất tới gần 3 tháng mới bốc xong các ngôi mộ rải rác khắp từ rừng Bù Lu, Cai Tắc, Gò Ngải, Doi Da, lên Bưng Rồ, Trảng Sụp, Khe Đòn, Suối Vàng, Sơn Tây, đổ xuống Bời Lời, Năm Trại, Bàu Gõ v.v.. tức là những nơi đã xảy ra cuộc đụng độ lưu huyết với Pháp hoặc cộng sản. Theo lời Trung Tá Thiện thuật lại, thì ông đã bắt gặp một tử sĩ mới được chôn cất dăm bảy tháng, thịt chưa rữa, xác chưa tan, khiến ông phải thân hành đặt chân xuống lòng huyệt mộ, bịt mặt, nín hơi thở, cố vuốt những mảnh thịt bầy nhầy khỏi các ống xương, trước khi đem xương đặt vào quan tài mới. Quả là một việc làm rất khó khăn, rất đáng ghê sợ, song vì lòng thương tiếc anh em, ông đã không quản ngại. Chẳng những thế, ông còn lặn lội khắp đó đây, thúc dục các đơn vị tiếp tay với ông, nên sau đó, ông đã ốm một trận kịch liệt, suýt bỏ mạng. Các cỗ quan tài tử sĩ được lần lượt đưa về chân núi bằng xe bò mượn của đồng bào địa phương. Trung Tá Thiện vốn là một sĩ quan cách mạng hết lòng thương yêu anh em binh sĩ, biết tên từng người, nhớ rõ ngày họ qua đời, nhớ rõ nơi chôn cất họ. Nhờ có tấm lòng hiếm hoi đó, mà không một tử sĩ nào bị bỏ sót cả. Cũng theo lời báo cáo của ông, tất cả đã có 312 ngôi mộ được sắp đặt thành hàng lối, được ghi khắc tên tuổi hẳn hoi, tại Nghĩa Trang Núi Bà Đen, mà chúng tôi đặt tên là "Nghiã Trang Liên Minh".

Trung Tá Thiện có kể chuyện là một hôm, ông tìm không ra ngôi mộ của một tử sĩ trước được chôn cất vội vàng tại một khoảng đất hơi xa lạ. Ông về nhà nằm khấn nguyện nho nhỏ rằng: "Chú em mày có linh thiêng thì hãy mách bảo cho tao biết chỗ, để tao đưa chú em mày về nằm chung một chỗ với các anh em khác cho có bạn!" Thế mà rồi sáng hôm sau, ông đi lang thang trong rừng lại bắt gặp ngay chỗ chôn cất người tử sĩ ngày xưa. Chỗ ấy không biết ai đã san bằng cả nấm đất, lại bỏ một đống cành vụn lên trên, thành ra khó nhận được. Trung Tá Thiện lại không quên chỉ cho tôi xem các vết ghẻ lở trên chân ông do việc ông đứng "ngâm chân" hàng giờ dưới những huyệt mộ lỏng bỏng chất nước đen sền sệt và hôi tanh khó tả.

Mặt khác, Tướng Thế ủy thác cho tôi công việc soạn thảo một bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong để dùng trong một dịp tế lễ sau này. Thời gian này, chúng tôi thật hết sức bận rộn. Phần lo việc định cư cho 10.000 đồng bào di cư, phần lo bốc mộ thiết lập nghĩa trang, phần lo tiếp đãi đồng bào các nơi cứ nối gót nhau kéo về chiến khu thăm viếng. Tết năm Giáp Ngọ (1955) là cái Tết cuối cùng trong Núi Bà Đen đáng được ghi nhớ hơn tất cả. Vì phải tiếp đãi hàng ngàn đồng bào đạo hữu vào chiến khu chúc Tết, nên tôi phải đích thân đốc xuất việc mua sắm gà lợn, bày một bữa tiệc mừng Xuân công cộng nơi Vườn Chuối, tiêu thụ luôn cả hai con bò do gia đình cụ Cố Trình Thành Quới đem biếu tặng.

Tôi khá mừng lòng vì thấy chương trình hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm không gặp một phản úng bất lợi nào cả về phía đồng bào cũng như về phía anh em chiến sĩ. Trong khi một phái đoàn liên lạc của Liên Minh được phép đi đi về về giữa Saigon và chiến khu, để chi tiết hóa kế hoạch với nhà cầm quyền, thì chúng tôi lại phải nghênh tiếp một Phái Đoàn Hồng Thập Tự Quốc Tế do chính Bác sĩ Chủ Tịch (người Hòa Lan, tôi quên mất tên họ) hướng dẫn. Chúng tôi chào mừng Phái đoàn tại một địa điểm di cư thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Minh, và cá nhân tôi đã thay mặt Tướng Thế, đọc một bài diễn văn Pháp ngữ, đại ý nêu rõ lập trường và thành tích của Liên Minh trước những vị "sứ giả quốc tế'’ rất có uy tín, và trước các nhà tu hành đại diện Công Giáo Việt Nam đi theo Phái đoàn.

Tôi không khỏi thầm phục cái tài "khai thác chính trị" của Tướng Thế. Ông là một nhà tướng lỉnh, nhưng lại có ý thức rất mạnh về vấn đề chính trị. Ông không chịu bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để nêu cao danh nghĩa Liên Minh. Chẳng hạn như Phái Đoàn Hồng Thập Tự Quốc Tế kia chỉ có mục đích viếng thăm đồng bào di cư và phân phát một ít quà bánh thuốc men. Vậy mà Tướng Thế cũng đòi hỏi tôi phải "khai thác" cho bằng được với một bài diễn văn dài mang nặng tích cách chính trị. Tôi áy náy khi "cưỡng bức" mấy ông khách quý đứng hàng giờ dưới nắng để nghe mình giới thiệu công cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Nhưng vì Tướng Thế muốn vậy, nên tôi chẳng dám không làm theo ý kiến của ông. Được Tướng Nguyễn Thành Phương ủng hộ tinh thần, Tướng Thế tổ chức ngay một đoàn Tuyên truyền lưu động, phải đi hoạt động khắp chung quanh vùng Thánh Địa, xuống tận Bến Kéo, bến Cẩm Giang nữa. Lắm lúc chúng tôi có cảm tưởng chính Liên Minh, chứ không phải Quân Đội Cao Đài, làm chủ tình hình Tòa Thánh. Đức Hộ Pháp biết vậy, nhưng vẫn làm ngơ. Thậm chí một dãy cơ trại Liên Minh bỗng ngang nhiên xuất hiện gần Trí Huệ Cung, là nơi Đức Hộ Pháp thường lui về nghỉ ngơi, ẩn dật.

Cuộc vận động của chính quyền càng ngày càng ráo riết. Cho tới hôm 31 tháng giêng năm 1955, thì Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức mở cuộc viếng thăm Liên Minh. Đây quả là một biến cố vô cùng trọng đại đối với anh em kháng chiến. Việc Thủ Tướng Diệm tự ý yêu cầu được vào tận chiến khu để tiếp xúc với Tướng Thế chứng tỏ ông không bắt chước các chính phủ tiền nhiệm coi Trình Minh Thế là kẻ thù, là phản loạn. Hơn thế nữa, nó cũng đã chứng tỏ ông hoàn toàn tin tưởng nơi Tướng Thế mà ông chưa hề biết mặt, không sợ những bất trắc hiểm nguy có thể xảy ra tại một vùng đất không thuộc quyền kiểm soát của ông.

Chúng tôi tổ chức đón tiếp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và một Phái đoàn hùng hậu của Chính phủ tại một địa điểm gọi là Lò Gò, nằm bên phía rừng Bù Lu và gần căn cứ Bàu Gõ của Liên Minh. Chỗ ấy gần Gò Dầu Hạ, tiện đường cho các thứ xe cộ vào tận nơi. Hầu hết đồng bào di cư dưới sự bảo trợ của Liên Minh đều có mặt, cùng với đồng bào đạo hữu Cao Đài đứng chật cả một khoảnh đất rộng. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cùng đi với ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Hồ Thông Minh trên một chiếc trực thang cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Còn các nhân vật khác trong Phái đoàn Chính phủ thì dùng đường bộ vào tối địa điểm kể trên. Chúng tôi được biết phía người Pháp lúc bấy giờ đã cảnh cáo Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đừng nên mở cuộc viếng thăm ấy, nhưng Thủ Tướng vẫn bất chấp lời khuyên có ác ý. Theo lời dặn, chúng tôi dùng vải trắng giải thành hình chữ thập trên mặt đất để chỉ đường cho phi công trực thăng đáp xuống. Tướng Thế với tôi đứng đợi gần bên, vô tình không đề phòng, khiến lúc trực thăng hạ cánh, cát bụi bay tấp cả vào mặt mũi áo quần chúng tôi. Thủ Tướng Diệm vội vàng rời khỏi phi cơ, theo sau là Hồ Thông Minh.

Với guơng mặt tươi như hoa nở, với nụ cười thật duyên dáng và huynh đệ như đã từng quen thân nhau từ đời kiếp nào, người Cha Đẻ nền Đệ Nhất Cộng Hòa tiến lại bắt tay chúng tôi, ngước mắt nhìn Tướng Thế một cách âu yếm, rồi được hương dân đi duyệt qua đoàn quân danh dự áo đen Liên Minh, trước khi tiến lại chào hỏi đồng bào có mặt. Lần đầu tiên gặp gỡ Thủ Tướng Diệm bằng xương bằng thịt, tôi nhận thấy ông thật dễ mến. Ông vui vẻ hồn nhiên như một người bà con anh em chí thiết hơn là một vị Nguyên Thủ. Ông làm chúng tôi chới với khi chúng tôi hướng dẫn ông đi phía này, thì đột nhiên, ông lại tự ý rảo chân qua hướng khác, vì nơi ấy đồng bào đang vẫy cao mũ nón, hoan hô chào mừng. Xong rồi ông lại trở về chỗ cũ, và cứ thế đôi ba lần, cho tới khi duyệt xong hàng rào người sắp thành ba mặt theo hình chữ "U" trên khoảng đất rộng.

Ông tỏ rõ một ý hướng hòa nhập với dân chúng, không sợ sệt, không kiểu cách. Đồng bào Công giáo di cư kính yêu ông một cách thật lộ liễu. Họ không ngừng hô to các khẩu hiệu ủng hộ ông. Chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên, vì chúng tôi không hề yêu cầu họ làm như vậy.

Sau phần lễ nghi nghênh tiếp với một bài diễn văn chào mừng của Tướng Thế, và với một bài đáp từ vắn tắt của Thủ Tướng Diệm, hai nhân vật then chốt ấy bèn đưa nhau vào một căn lều vải nhà binh ở giũa đám đông, ngồi đối diện nhau đàm đạo dưới sức nắng oi nồng của một ngày cuối đông tại miền Tây Ninh. Trong bài đáp từ, Thủ Tướng Diệm có nói một câu mà chúng tôi còn nhớ mãi: "Anh em Liên Minh hãy tin tưởng nơi tôi. Bao giờ anh em có chuyện gì khó khăn, hãy cho tôi biết. Tôi luôn luôn sát cánh với anh em!" Thừa dịp này, Thủ Tướng Diệm đã đưa ra một đòi hỏi làm chúng tôi bối rối. ông nằng nặc yêu cầu anh em Liên Minh hãy về thành gấp, và ông làm áp lực để Tướng Thế phải chấp nhận ngày về là ngày Thứ Hai, 13 tháng 2 năm 1955. Tức là kể từ hôm tiếp đón ông cho tới khi chúng tôi có mặt tại Saigon, chỉ vỏn vẹn có hai tuần lễ.

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về rồi, chúng tôi càng thêm "bấn xúc xích" vì những chuyện lỉnh kỉnh không ngờ tới. Một mặt phải lo may sắm quần áo cho một Trung Đoàn tượng trưng Liên Minh đuợc chọn lựa đưa về Saigon làm lễ ra mắt. Tội nghiệp cho họ, bao năm qua ăn mặc rách rưới, chả nhẽ cứ thế mà về giữa nơi đô thị, coi sao tiện. Mà may sắm một lúc mấy nghìn bộ quân phục, vải vóc đâu? Thì giờ đâu? May sao, Tướng Tư Lệnh Bình Xuyên là Lê Văn Viễn xưa nay vốn có tình anh em với Tướng Thế, nên nghe nói Tướng Thế sắp mang quân về thành, thì âm thầm gửi tặng khoảng 4.000 thước vải kaki, gọi là giúp đở một phần nào thôi. Chúng tôi bèn gấp rút huy động tất cả các hiệu may tại vùng Tòa Thánh và Tỉnh Lị Tây Ninh làm việc suốt ngày đêm cho kịp may xong mấy nghìn bộ quân phục. Xong lại còn phải thuê thọ nhuộm đen tất cả số quần áo ấy nữa, cho hợp với phong cách một đoàn quân cách mạng nơi rừng núi. Chắc có người sẽ hỏi, tại sao Thủ Tướng Diệm không cung cấp quân phục cho anh em Liên Minh? Quả thật, Thủ Tướng Diệm có đề cập tới vấn đề ấy, nhưng TướngThế không nhận, và bảo là xin cứ để mặc ông lo liệụ lấy. Dù sao, Tướng Thế vẫn còn muốn giữ tư thế độc lập.

Mặt khác, chúng tôi lại còn phải lo tập tành cho anh em chiến sĩ đi nhịp nhàng theo bước quân hành. Oái oăm thay, xưa nay họ chỉ biết len lỏi trong rừng trong núi, chứ có bao giờ lưu tâm tới chuyện bước một, bước hai, cho đúng nhịp, cho đều đặn trăm người như một đâu? Thành thử Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện lại phải chọn một quãng đường quê tại Bàu Gõ, vào trong xóm kiếm mua rơm rạ về lót mặt đường cho đỡ bụi, để anh em tập bước với nhau. Cái cảnh này nghĩ ra, cười cũng dở mà khóc cũng dở! Quần áo may xong, việc tập tành cũng đã ngoạn mục, thì vừa kịp tới ngày đã định.

Thành thật mà nói, tôi có trách riêng Tướng Thế rằng tại sao lại chọn cái ngày 13 không mấy "tươi đẹp"? Và tại sao lại ưng thuận một thời hạn quá ngắn khiến anh em phải vất vả dường ấy? Thì Tướng Thế tắc lưởi bảo rằng: '‘Tại Cụ Diệm đòi hỏi gắt quá, đành phải chịu vậy". Còn đối với cái ngày 13 xấu xa kia, Tướng Thế quay lại gắt với tôi: "Anh mà cũng bắt chước người Tây Phương dị đoan đến thế sao? Thôi đã lỡ chọn rồi, xin anh đừng nói gì nữa khiến anh em xao xuyến!" Tôi đành im lặng, mặc dù tôi biết "Ông Tướng" này không phải không tin dị đoan như ai khác, vì một hôm, ông dẫn quân đi tìm giặc. Khi đến bìa rừng, lật bản đồ ra nghiên cứu mục tiêu. Bất thình lình một con chim nhỏ ở đâu trên cành, bỗng rơi đánh độp một cái xuống ngay giữa bản đồ, dãy dụa một lát rồi chết lăn quay. Mọi người ngơ ngác lo sợ chuyện chẳng lành. Nhưng Tướng Thế cứ làm ngơ, vẫn xúc tiến cuộc hành quân. Quả nhiên, hôm ấy quân nhà bị sương mù che phủ khiến cho lạc đường, quay ra bắn lầm nhau, suýt nữa chết mất mấy mạng. Trong cuộc đời cầm binh, có lắm chuyện khó tin mà vẫn phải tin. Chẳng hạn như cái ngày 13 xui gở kia nó chẳng đợi chờ lâu để đưa tới một hoàn cảnh tang thương mà tôi sẽ thuật tiếp trong một Chương sắp tới.

Buổi sáng hôm Chủ nhật 12 / 2 /1955, phần tôi hướng dẫn một đoàn quân xa khoảng 60 chiếc do Saigon cung cấp, từ Tòa Thánh Tây Ninh hướng về Saigon. Mặt khác, Đại Tá Văn Thành Cao cũng hướng dẫn một cánh quân khác từ mạn Đồng Tháp Mười đi lên. Chúng tôi nhập nhau lại, và được chỉ định vào đóng tạm trong vườn Bách Thảo. Tôi sai mang theo cả lều vải và bàn ghế để thiết lập Bộ Chỉ Huy ngay tại chỗ. Đồng thời tôi huy động anh em binh sĩ dựng ngay lên một dãy nhà vệ sinh tại bờ sông Thị Nghè. Đồng bào đạo hữu các tỉnh tự động kéo về trên dưới 10.000 người, nhập chung với số quân sĩ, chiếm sạch cả khu vườn Bách Thảo. Dân chúng Saigon thấy ngọn cờ Liên Minh hơi lạ, thì bảo nhau tới xem tấp nập, gây ra cảnh náo nhiệt hỗn loạn. Chúng tôi sợ đối phương len lỏi vào phá hoại, đành phải thiết quân luật, để giữ an ninh cho mọi người bên trong.

Đêm hôm ấy, khoảng 2 giờ khuya, theo chương trình dự định, chúng tôi thiết lập bàn thờ trên một cái bực cao ở giữa vườn Bách Thảo, làm lễ Tế Tướng sĩ Trận Vong. Cả quân sĩ và đồng bào đạo hữu có mặt đều nghiêm chỉnh tham dự buổi lễ hiếm có này. Tướng Thế tự tay đốt đèn nhang, rồi lột mũ nón, kính cẩn cất tiếng đọc bài Văn Tế do tôi soạn thảo trước đó mấy tháng. Giọng ông mỗi lúc một thấm đầy nước mắt. Tiếng loa vang dội khắp khu vườn giữa đêm khuya vắng, vọng cả sang bên kia bờ sông Thị Nghè. Tất cả mọi người đều im lặng cúi đầu. Có tiếng sụt sùi nức nở khắp đó đây.

Riêng phần tôi, tôi cũng đã ứa nước mắt, ngậm ngùi tưởng nghĩ tới những người sương gió khuất mặt, đáng lẽ giờ này cũng có mặt tại đây với các anh em. Họ chẳng may đã nằm xuống rồi, chúng tôi dù muốn dù không cũng đã bỏ họ lại nơi núi rừng để làm chứng tích cho một công cuộc đấu tranh xương máu. Phần họ, như thế là xong. Còn phần chúng tôi, những kẻ còn sống sót, lại đang đặt bước về chốn thị thành, không ngờ rằng bước đường tương lai lại truân chuyên khốn khổ đến bao nhiêu nước mắt cũng không làm vơi đi được niềm thống hận. Giữa đêm thanh vắng, lời truy điệu tướng sĩ của người lĩnh tụ tôi nghe như tiếng ma kêu quỷ khóc, như lời giận hờn oán trách chúng tôi nửa chừng bỏ đi một công cuộc chứa chan ý nghĩa, một công cuộc hy sinh của những đứa con đứng ải địa đầu. Ngàn năm một thủa, lịch sử không làm lại được hai lần. Cứ tưởng một mình chúng tôi ứa lệ vì thương xót lẫn nhau, nào ngờ về sau tôi nghe nói đồng bào bên kia sông Thị Nghè cũng đã giật mình thức giấc, lắng nghe bài văn truy điệu và âm thầm gạt lệ trước những lời lẽ lâm li và vẹn tình vẹn nghĩa của kẻ sống đối với người chết.

Tế lễ xong, Tướng Thế cùng tôi đi thẳng ra con đường Nguyễn Huệ, lặng lẽ quan sát địa điểm duyệt binh sắp tới, và quan sát luôn cả khán đài danh dự, nghi ngờ kẻ phá hoại có thể lén đặt cạm bẫy. Chúng tôi thức gần trọn đêm, đợi chờ buổi lễ hợp tác sắp được cử hành sáng hôm sau, 13 /2 /55, dưới quyền chủ tọa của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.

Tôi luôn luôn nhấn mạnh tới hai chữ "hợp tác" chứ không phải "cộng tác" như báo chí Saigon đã ngộ nhận khi mới biết tin. Số là, buổi sơ khai, không biết vô tình hay có ý, Chính phủ Saigon đã để cho hai chữ "cộng tác" xuất hiện trên báo chí Việt ngữ. Chúng tôi bèn phản đối với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Ông vui vẻ sửa sai ngay: Sở dĩ chúng tôi tranh đấu tới cả một danh từ nhỏ nhặt, cũng vì chúng tôi không muốn cho đời ngộ nhận chúng tôi "chạy theo bả lợi danh", bỗng không mà bỏ cả cuộc đời độc lập thênh thang đi làm tay chân cho một thế lực khác. Mà chúng tôi muốn chứng tỏ với Thủ Tướng Diệm, với ông Cố vấn Nhu, rằng chúng tôi nhận lời mời trên cương vị một "đồng minh" ngang hàng, trên tình hiểu biết và tương kính nhau. Có thế thì việc trở về của chúng tôi mới có ý nghĩa, mới giúp chính quyền tăng thêm uy thế. Chứ nếu chúng tôi chạy theo chính quyền như một hạng tay sai, thì phỏng với một Trung Đoàn quân sĩ tượng trưng kia, chính quyền cũng chẳng làm nên trò trống gì. Ông Cố vấn Nhu là người thấy xa hiểu rộng, ông nhận thấy ngay điều đó, và ông rất vui vẻ sửa sai cho đẹp lòng anh em Liên Minh.

Tinh thần phục thiện của ông Nhu còn đáng ca ngợi hơn ở chỗ ông đã thân hành vào chiến khu, cầm theo bản thảo bài diễn văn do tôi viết cho Tướng Thế đọc trong buổi lễ hợp tác, yêu cầu sửa bỏ một vài đoạn mà ông cho là "quá nặng". Trong bài diễn văn ấy, tôi còn nhớ rõ, tôi đã nêu ra chủ trương đối phó thẳng tay với bọn quan lại thối nát, với những hạng "đốc phử sứ’’ tay sai đắc lực cũ của Pháp, đồng thời yêu cầu Chính phủ bài trừ nạn cờ bạc, nạn đĩ điếm, vốn là cái tệ trạng kinh niên của thành phố Saigon. Ông Nhu đọc lại mấy đoạn văn nảy lửa ấy, rồi cười mà bảo chúng tôi:!’Quý anh em ở trong rừng nên không thấy rõ các vấn đề mà Cụ (tức ám chỉ Thủ Tướng Diệm) đang đối diện. Chung quanh Cụ còn đầy dẫy những quan lại, những ( Đốc phủ cũ. Nếu các thành phần này thấy Cụ rục rịch đánh họ, thì họ sẽ tức khắc xúm nhau lại phá phách, Chính phủ đối phó sao cho nổi trong giai đoạn này? Vậy thôi, xin quý anh em vui lòng bỏ qua cho!" Nói xong, ông Nhu ngửng mặt nhìn tôi với nụ cười cầu hòa. Thấy ông có lòng thành khẩn và khiêm tốn như thế, chúng tôi chẳng dám để ông nhắc lại lần thứ hai, bèn thuận ý xóa bỏ ngay mấy đoạn văn vưà kể trên. Lẽ ra, ông Nhu có thể nhờ người khác làm hộ việc ấy cho ông, nhưng ông đã phải thân hành lên tận chiến khu tiếp xúc bàn bạc với chúng tôi, ông tỏ ra thật sự khiêm tốn và lễ độ.

Cả Thủ tướng Diệm lẫn ông Cố vấn Nhu còn thượng bộ chúng tôi nhiều điều ngoài sức tưởng tượng. Chẳng hạn chúng tôi yêu cầu được chào biệt lá cờ Liên Minh lần cuối cùng ngay tại buổi lễ hợp tác, được chính thức cử bản Quân Ca Liên Minh lần cuối khi triệt hạ lá cờ kia xuống, rồi mới kéo lá cờ quốc gia lên thay thế. Chẳng hạn chúng tôi yêu cầu Chính phủ tôn trọng cấp bực hiện hữu của anh em Liên Minh. Chẳng hạn chúng tôi xin cứ để lại trong rừng số quân còn lại của Liên Minh mà không bị Chính phủ chi phối cách này hay cách khác.v.v.. Nhất nhất, Thủ Tướng Diệm đều bằng lòng cả. Ông hạ lệnh cho Ban Quân Nhạc Phủ Thủ Tướng học tập trình tấu bản Quân Ca Liên Minh cho khỏi ngỡ ngàng trong buổi lễ hợp tác. Đồng thời ông sai chế biến hai lá cờ đặc biệt, làm cách nào cho sự đổi thay được tiến hành nhanh chóng và có mỹ thuật trước mặt quan khách cùng Ngoại Giao Đoàn. Mỗi lá cờ có kết thêm mấy cái giây vải cùng màu, buộc vào giây cờ kéo lên, rồi khi hạ xuống lại được tháo ra, nhường chỗ cho lá cờ khác được buộc vào thay thế.

Đúng 8 giờ 30 sáng hôm 13/ 2/ 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm long trọng khai mạc buổi lễ Hợp Tác của lực lượng kháng chiến Liên Minh, trước hàng vạn dân chúng Saigon đứng khắp hai bên đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, là nơi đoàn quân Liên Minh sẽ diễn hành. Trên khán đài danh dự có mặt đông đủ bá quan văn võ và Ngoại Giao Đoàn. Đối diện khán đài là một Phái Đoàn Cao cấp Liên Minh gồm có tôi, Đại Tá Văn Thành Cao, Trung Tá Trương Lương Thiện, Trung Tá Trần Minh Triết, Trung Tá Hà Văn Tình, và Luật sư Thái vĩnh Thịnh. Thiếu Tướng Trình Minh Thế, Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Kháng Chiến Liên Minh, với 4 ngôi sao cũ trên vai áo, với chiếc mũ chào mào cố hữu, đứng trong một cái vòng tròn kẻ bằng vôi trắng, hô một tiếng "Nghiêm" thật dõng dạc, tiếp theo là tiếng "Bồng súng! Chào!" vang dội khắp đường phố. Tất cả đoàn binh đặt dưới quyền chỉ huy Danh dự của Trung Tá Nguyễn Trung Thừa đều răm rắp làm theo lệnh. Từ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tới khắp quan khách trên khán đài danh dự đều đứng lên, nghiêm chỉnh chào lá cờ Liên Minh được từ từ kéo lên ngọn kỳ đài theo tiếng nhạc hùng tráng của bản Quân Ca Liên Minh do ban Quân nhạc Phủ Thủ Tướng trình tấu. Tiếp đó, Tướng Thế đọc một bài diễn văn quan trọng, đánh dấu cái ngày hợp tác với chính quyền, cái ngày lịch sử mà Thủ Tướng Diệm đã chờ đợi suốt cả nửa năm qua. Cũng là cái ngày gây ra bao cảm nghĩ phức tạp trong lòng các đoàn thể đương thời. Người từng ủng hộ chính phủ Diệm bấy lâu thì lấy làm phấn khởi. Kẻ đang chống đối ông lại đâm ra lo nghĩ.

Đến luợt Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đứng lên đọc một bản đáp từ chấp nhận, theo nguyên tắc nghi lễ quốc gia, sự "trở về chung sức xây dựng tương lai đất nước của Lực Lượng Kháng Chiến Liên Minh dưới quyền lãnh đạo của Thiếu Tướng Trình Minh Thế’’, bản đáp từ chứa đựng những lời lẽ chí tình và đầy ngưỡng vọng của vị Nguyên Thủ. Sau khi dứt lời, Thủ Tướng Diệm bước xuống khán đài, tiến thẳng tới trước mặt Tướng Thế, tự tay gắn 4 ngôi sao mới của Chính phủ lên hai bên vai áo Tướng Thế, tự tay cất bỏ chiếc mũ chào mào và đặt lên đầu Tướng Thế chiếc mũ vàng lưỡi trai viền chỉ kim tuyến của một vị Tướng lĩnh Quân Đội Quốc Gia. Đâu đó vừa xong, thì cũng theo lệnh của Tướng Thế, ban Quân Nhạc lại trình tấu bản Quân Ca Liên Minh trong lúc lá cờ Liên Minh được kéo xuống, rồi lá cờ Quốc Gia mới kéo lên trong tiếng nhạc của bản Quốc Ca thường lệ.

Thế là kể từ giờ phút đó, đời Tướng Thế hoàn toàn thay đổi. Ông nghiễm nhiên trở thành vị Tướng lĩnh thứ hai của Quân Đội Quốc Gia, sau Tướng Lê Văn Tỵ, đương kim Tổng Tham Mưu Trưởng. Nên nhớ là sau khi Tướng Nguyễn Văn Hinh thất thế, bị đuổi sang Pháp, ông Lê Văn Tỵ, vốn xuất thân từ hàng ngũ Thiếu Sinh Quân, mới được chính Thủ Tướng Diệm thăng lên cấp Thiếu Tướng và cử giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Còn Tướng Ngự Lâm Quân Nguyễn Văn Vỹ thì đã dứt khoát chạy theo Bảo Đại, không tùng phục Thủ Tướng Diệm nữa.

Nhận xong mũ áo, Tướng Thế và Phái Đoàn chúng tôi được mời lên khán đài. Tướng Thế ngồi hàng ghế danh dự, bên phía tay phải Thủ Tướng Diệm, bên kia là Bộ Trưởng Quốc Phòng Hồ Thông Minh. Bộ trưởng họ Hồ lộ vẻ ‘‘diện phục tâm bất phục’’. Hôm theo Thủ Tướng Diệm vào thăm chiến khu Liên Minh, Hồ Thông Minh có bộ mặt đố kỵ, không được Thủ tướng Diệm trọng vọng. Bằng cớ là ông không được mời tham dự cuộc hội đàm tay đôi giữa Thủ Tướng Diệm và Tướng Thế dưới căn lều vải. Quả nhiên, không bao lâu? Hồ Thông Minh bị hất khỏi chính quyền rồi chạy sang Pháp. Hóa ra Hồ Thông Minh không ưa Thế, vì Thế chống Pháp mà Minh thì lại thâm Pháp. Có lẽ cũng là bạn đồng minh với Bác sĩ Phạm Hữu Chương chăng? Thủ tướng Diệm, trong lúc vội vàng về nước chấp chính, đã sơ ý đem vào tận nách mình những phần tử một dạ hai lòng, những đối thủ hoạt động trong bóng tối ngay nơi cấp bự của một chính quyền phôi thai và nhiều đối lập. Vậy mà Thủ tướng Diệm đã tồn tại được 9 năm trời, quả là một sự lạ trong lịch sử.

Buổi lễ chấm dứt bằng một cuộc diễn hành của Trung Đoàn Bộ Binh Liên Minh qua trước khán đài, theo tiếng kèn của ban Quân Nhạc Phủ Thủ Tướng. Với bộ quân phục màu đen, với những súng ống còn mang hơi hướng núi rừng thiêng liêng, và với nhịp bước mới được tập tành hai tuần lễ, đoàn quân ấy theo Trung Tá Nguyễn Trung Thừa, tiến qua trước mặt quan khách một cách oai nghiêm hùng dũng lạ thường. Hình ảnh họ không giống với bất cứ một hình ảnh nào tại thủ đô Saigon lúc bấy giờ.

Chính cái vẻ "rừng rú" của họ đã làm ai nấy say mê kích thích, tiếng hò hét, tiếng hoan hô vang dội khắp đó đây. Người ta nhìn ngọn cờ Liên Minh phất phới dẫn đầu các đơn vị, người ta ngạc nhiên hỏi nhau về lai lịch của đoàn quân chưa từng thấy, rồi người ta trầm ợngội khen Thủ Tướng Diệm đã vận động khéo léo cách nào mà lôi cuốn được những con người xa lạ đã về với ông.

Từ trên khán đài, tôi chăm chú theo dõi các anh em đồng hội đồng thuyền với tôi, mà tự nhiên nước mắt ưá ra hồi nào không hay. Lòng tôi hết sức bùi ngùi cảm động. Tôi hãnh diện cho những người chiến sĩ áo đen kia. Tôi hãnh diện vì nhờ có họ, mà hôm nay tôi ngửng mặt nhìn trời không thấy hổ thẹn. Nhưng đồng thời, mấy giọt nước mắt của tôi cũng đã nói lên nỗi lo sợ tràn ngập trong lòng tôi. Vì mới mấy phút trước đây, đã xảy ra một biến cố hơi kỳ dị và bất thường, làm tôi không thể nào yên dạ được. Không biết do sự xui khiến tiền định nào mà Đại Uý Tùy viên Tạ Thành Long lại quá vội vàng luống cuống không buộc giây kỹ càng, khiến cho lá cờ Quốc Gia vừa được kéo lên chưa tới ngọn kỳ đài, đã tuột cả phần trên, rơi rũ xuống một cách buồn thảm như một ngọn cờ tang vậy. Tôi xiết bao sửng sốt bồi hồi, thầm than trách một mình, thầm tưởng tượng ngay ra những tai biến thảm khóc sẽ đến với Tướng Thế, với đoàn thể. Ngày về đã chọn ngày 13 xui xẻo. Trong buổi lễ Hợp Tác, ngọn cờ tượng trưng lại rũ xuống. Tôi dị đoan chăng? Có lẽ đúng. Nhưng không phải chỉ một mình tôi, mà bao nhiêu anh em khác cũng đã trông thấy triệu chứng bất thường, và cũng đã chia xẻ với tôi nỗi hoang mang trong lòng họ.

Một Tướng lãnh! Một ngọn cờ! Đời quân binh chiến đấu gắn liền với súng đạn, với tử sinh vô định, không thể chối cải được. Tướng Thế đã cố gắng trấn an tôi sau đó, nhưng đau lòng thay, chính ông đã phải đem cuộc đời mệnh bạc ra chứng minh rằng tôi lo nghĩ không lầm.

Được ít lâu sau, qua lời tường thuật của ông Cố vấn Ngô Đmh Nhu, tôi được biết trong suốt buổi tối hôm cử hành lễ Hợp Tác, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã cầm chân

các nhân viên Chính phủ lại trong Dinh Độc Lập, để nghe ông nức nở ca tụng "con người" Trình Minh Thế, và công khai bày tỏ sự thán phục trước phong cách khác thường của một nhà Tướng lĩnh cách mạng. Cái lối điều binh khiển tướng chưa từng thấy trong Quân Đội Quốc Gia xưa nay, cái tác phong dõng dạc, cứng rắn và oai nghiêm của Tướng Thế, đã làm cho Thủ Tướng Diệm phải kinh ngạc, ông Nhu bảo tôi: "Có thể nói là Cụ đã dành trọn buổi tối hôm ấy cho anh Thế. Tôi chưa hề thấy Cụ bị kích thích như thế bao giờ!"

Trong hai cuộc Tiếp Tân đặc biệt dành cho Tướng Thế tại Dinh Độc Lập và tại tư thất của Tướng Lê Văn Tỵ ở đường Hùng Vưong, tôi luôn luồn ở gần Tướng Thế để ngầm báo cho ông biết là cá nhân ông đã trở thành "cái đinh" trước mắt nhiều người, nhất là đối với các sĩ quan bao bọc chung quanh Tướng Lê Văn Tỵ. Tôi bắt gặp trong cái nhìn của họ một sự khiếp sợ chen lẫn với nỗi ghen ghét đố kỵ. Vì dù muốn dù không, thì theo cấp bực, từ nay họ phải ở dưới quyền một con người được coi là "ngoại lai", nghĩa là một con người không cùng chung một lò đào luyện với họ, một con người khét tiếng anh dũng, xuất thân từ hàng nông dân áo vải, lập nên nghiệp lớn bằng trí óc và tài năng của riêng mình, một con người tuy nhỏ nhắn đen đúa nhưng chẳng biết sợ ai. Và dĩ nhiên là tôi cảm thấy lo ngại giùm cho Tướng Thế. Tôi xem cảnh ngộ ông chẳng khác gì cảnh ngộ một cô gái, mới bước về làm dâu một gia đình nhà chồng mà người thương thì ít, kẻ ghét lại nhiều, ông là một chiến sĩ cách mạng quen sống cuộc đời hiên ngang phóng túng, còn các ông tướng tá kia đều trưởng thành trong một quân đội hoàn toàn do Pháp đào luyện, lại vừa mới được chuyển giao sang chính quyền Việt Nam, thì ta không thể nói là ảnh hưởng Pháp một sớm một chiều đã phai ngay đi được.

Song song với tấm lòng đố kỵ kẻ "ngoại lai", biết đâu chả có một số các sĩ quan "cựu trào" đang âm thầm nuôi mối thù hận đối với Tướng Thế, đang coi ông như một địch thủ hơn là một người bạn đồng đội? Rút cục, sự hợp tác với chính quyền chỉ đem cái lợi tinh thần về cho Thủ Tướng Diệm, còn riêng cá nhân Tướng Thế thì chỉ vô tình rước lấy những hiểm nguy còn rình rập đâu đây trong bóng tối. Con hổ đã xa rừng, con hổ sẽ khó sống. Tôi tự nghĩ thế, và tôi thầm trách oán cả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lẫn người đồng chí họ Trình của tôi, cả hai đều đã quên nghĩ tới mặt trái của công cuộc hợp tác. Dù Thủ Tướng Ngô Đình Diệm có lòng thương yêu Trình Minh Thế tới đâu chăng nữa, ông cũng không thể nhất thời ngăn chặn được nỗi thù hận ngấm ngầm trong tâm tư những kẻ đã từng được Pháp "đội mũ mặc áo cho" từ những ngày xa xưa. Huống chi thực tế đã chứng minh Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chưa làm chủ được Quân Đội Quốc Gia. Cái họa phản loạn của Tướng Nguyễn Văn Hinh còn sờ sờ ra đó. Còn Tướng Lê Văn Tỵ dù có nhận áo mão do Thủ Tướng Diệm ban cho, thì vị tất ông ấy đã hết dạ trung thành với vị Tân Thủ Tướng mà Bảo Đại bất đắc dĩ phải kén chọn đưa về nước cầm đầu chính phủ. Tướng Lê Văn Tỵ có trung thành với Ngô Đình Diệm hay không, thì biến cố trong đêm 30 tháng 4 tại Dinh Độc Lập (xem Chương XVI) đã trả lời dư luận và riêng tôi xin làm chứng nhân.

Trong hoàn cảnh mới, và trong mấy tuần lễ đầu tiên tại Saigon, Tướng Thế mất khá nhiều thì giờ đáp lễ các nhân vật chính quyền, các chính khách tên tuổi, các đoàn thể hiện hữu như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Riêng Tướng Edward Lansdale thì sự mừng vui càng lộ liểu hơn ai hết, bởi lẽ rất dễ hiểu là cá nhân ông đã đóng góp một phần quyết định vào việc đón rước Tướng Thế về thành. Ông mời chúng tôi tới dự tiệc trà tại nhà riêng ở đường Duy Tân, rồi ông đích thân ngồi xuống sàn nhà, cùng một người bạn Mỹ cầm hai chiếc gậy tre dài gổ nhịp, dạy cho chúng tôi nhảy vũ điệu Trinikling của Phi Luật Tân. Sau đó, ông tới Hành Dinh Liên Minh tặng cho Tướng Thế một khẩu súng lục Cowboy thật to lớn và chạm trổ rất mỹ thuật. Tưởng cũng nên nói thêm là vị Trưởng Phái Bộ USOM lúc bấy giờ là Đại Tướng O’Daniel cũng đã dành cho Tướng Thế một vinh dự đặc biệt bằng cách tổ chức một buổi thuyết trình về tình hình quân sự Việt Nam tại trụ sở của Phái bộ.

Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài, Trung Tướng Nguyễn Thành Phương mở hẳn ra một dạ tiệc thật linh đình để cho Tướng Thế gặp lại các anh em Cao Đài ngày xưa. Sau 5 năm xa cách, bây giờ mới chính thức gặp lại nhau, Tướng Phương mặt mày như hoa nở, vì từ đây ông có thêm vây cánh, có một người em đồng đạo xứng đáng để cho ông hãnh diện với đời.

Về phía Bình Xuyên, thì Tướng Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn, vì đang ở cái thế chống chính quyền, nên không tiếp đón Tướng Thế một cách công khai rầm rộ. Một buổi tối nọ, Tướng Viễn đích thân tới đường Trương Minh Giảng đón Tướng Thế và tôi về chơi Vũng Tàu. Ông có bà vợ nhỏ làm chủ một khách sạn sang trọng vào bực nhất tại Vũng Tàu. Ông mời chúng tôi ăn uống rồi ngủ đêm tại khách sạn đó. Tôi được dịp chứng kiến tấm tình huynh đệ mật thiết của nhà lĩnh tụ Bình Xuyên đối với Tướng Thế. Tôi thấy hơi khó nghĩ. Vì chẳng gì ngày nay Tướng Thế cũng đã là một "công thần" của chính quyền nhà Ngô, trong khi Tướng Viễn lại là kẻ đối lập sắt máu, thì làm sao Tướng Thế lại chẳng gặp khó khăn? Điều làm tôi ngạc nhiên là ông Bảy Viễn không hề phàn nàn gì về việc Liên Minh hợp tác với chính quyền Diệm. Dường như ông coi đó là quyền riêng của mỗi đoàn thể, không cản trở ông tiếp tục gọi Tướng Thế bằng "chú Thế’’ rất thân mật. Tôi lại càng đặc biệt chú ý tới thái độ cung kính nhường nhịn của Tướng Thế đối với nhà lĩnh tụ Bình Xuyên. Điều này khiến tôi không thể không gia tâm nghiên cứu con người của Lê Văn Viễn, một nhân vật mà lâu nay dư luận đã phê phán khá nhiều theo chiều hướng xấu xa bất lợi. Một người nghiã khí như Trình Minh Thế đã không khinh khi Lê Văn Viễn, lại vẫn giữ tình anh em với nhau, tất nhiên bên trong Lê Văn Viễn phải có cái gì đặc biệt. Tôi nghĩ thế, và tôi quyết tìm cho ra cái điều "đặc biệt" ấy.

Với tư cách đại diện chính thức của Liên Minh, tôi tham gia tổ chức mới mệnh danh là "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia", dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Mặt Trận này có lập trường đối (lập cứng rắn với chính quyền, và bao gồm các thành phần đại diện các đoàn thể, như: Bảo Thế Lê Thiện Phước, đại diện Tòa Thánh Tây Ninh, Đại Tá Trần Thái Huệ, đại diện Quân Đội Cao Đài của Trung Tướng Nguyễn Thành Phương, Đổng Lý Văn Phòng Thành Nam, đại diện Quân Đội Hòa Hảo của Trung Tướng Trần Văn Soái, Bí Thư Sỹ Thanh, đại diện Thiếu Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, và Cố vấn chính trị Trần Văn Ân, đại diện Lực Lượng Bình Xuyên của Thiếu Tướng Lê Văn Viễn. Tôi thay mặt Tướng Thế đứng vào "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia" để thi hành một nhiệm vụ rất mực khó khăn và đầy nguy hiểm. Là vì chúng tôi không có chủ trương chống Diệm, mà lại chen chân vào một tổ chức chống Diệm tích cực. Đó là mục đích của Tướng Thế, muốn biết Mặt Trận định thi thố những gì. Ông lo ngại một sự tan rã của chính quyền, nếu phe đối lập thẳng tay phá phách. Mặt khác, ông cũng không muốn bỏ bụng các đoàn thể bạn vừa kể trên khiến họ quay ra chống đối ông. Do đó mà địa vị tôi khá hiểm nghèo, mặc dù Thủ Tướng Diệm đã được cho biết trước về vai trò của tôi trong Mặt Trận.

Trong thời gian sinh hoạt chung với các đoàn thể, tôi đã tham dự khá nhiều phiên hợp sôi nổi, bàn bạc chung quanh vấn đề lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để xây dựng lại lá bài Bảo Đại có Pháp đứng sau lưng. Các cuộc hợp diễn ra, khi thì tại tư thất của Tướng Viễn trong Chợ Lớn, khi thì tại Tổng Hành Dinh Bình Xuyên bên kia cầu chữ Y. Nghĩa là hoàn toàn dưới sự bảo trợ và đài thọ phí tổn của Tướng Viễn, người chống đối Chính quyền Diệm tích cực hơn ai hết. Nhờ vậy, Tướng Viễn đối với tôi càng ngày càng đượm tình anh em thân mật. Ông không hề nghi ngờ gì về tôi cả, thậm chí có một đêm hợp bàn quá khuya tại Hành Dinh cầu chữ Y, tôi và anh Thành Nam đều phải ngủ lại. Tướng Viễn thân hành lên trên gác, tự tay sắp xếp chỗ ngủ cho tôi, rồi còn hỏi đùa một câu "Chú có cần gì nữa thôi?" Tôi cười đáp: "Thưa anh, thế này là quá lắm rồi, còn cần gì nữa?" Tướng Viễn thường đưa tôi đi thăm vườn nuôi thú của ông, có đủ cả cọp, beo, khỉ, vượnn chim chóc hiếm quý, chả khác nào một vườn thú công cộng. Rồi một hôm, chính mắt tôi chứng kiến một người bộ hạ của Tướng Viễn bưổi chiều mang về mấy cái bao bố căng tròn, ném ngay xuống trước mặt Tướng Viễn, rồi nói: '‘Xin trình anh Bảy!" Tướng Viễn mở ra xem, toàn những giấy bạc đựng trong bao bố. Tôi choáng mắt. Được biết đây là tiền thu góp hàng ngày trong Chợ Lớn, nhiều cho đến nỗi Tướng Viễn không buồn đếm thử bao nhiêu. Ông sai mang đi cất, rồi vẫn ngồi đàm đạo với tôi về chuyện kia chuyên nọ.

Mãi cho tới ngày 29 tháng 3 năm 1955, ngày Bình Xuyên nổ súng lần đầu, đốt phá gần trọn khu bình dân Nancy ở đường Trần Hưng Đạo, tôi vẫn còn được tự do lui tới căn cứ Cầu Chữ Y. Lính Bình Xuyên gác trên cầu, thấy tôi thì mở đường cho đi. Lần ấy, Tướng Viễn lại đưa tôi ra xem mấy khẩu Mortier-81 đặt sẵn nơi gầm cầu hướng về phía Dinh Độc Lập, rồi lại chỉ trỏ mấy chiếc xe Jeep võ trang hùng hậu đậu thành hàng ngang, rồi bảo: '‘Tôi sẵn sàng rồi đó!" Ý nói ông sẵn sàng tấn công Thủ Tướng Diệm. Một nhân vật thân tín của Tướng Viễn, thấy chủ soái đối xử với tôi khá thân thiện, thì buột mồm yêu cầu tôi "Viết hộ bài bình luận cho đài Phát Thanh Bình Xuyên!" Tướng Viễn liền cười bảo: "Chú ấy còn bận bao nhiêu việc đoàn thể, thì giờ đâu mà viết?"

Tôi đã mất công tìm kiếm, nhưng tôi thật không hiểu nổi Tướng Viễn ra sao nữa. Cố giữ cho lòng mình không bị chi phối bởi mối tình bằng hữu mới nảy nở, tôi muốn có một lời phê phán thật công bình. Người ta bảo ông có phong độ "lục lâm thảo khấu", tôi không nhận thấy điều đó nơi ông. Tôi chưa hề nghe ông hò hét, nạt nộ ai. ông coi bộ hạ như anh em ruột thịt, đối xử rất bình đẳng.Lắm lúc tôi xem ông như một nhà kinh doanh khiêm tốn hơn là một lĩnh tụ chính đảng. Vậy ông là quân tử, anh hùng? Cũng không phải, ông không thể anh hùng khi ông đem cả đoàn thể ra làm nhiều việc trái với nền đạo đức đông phương, ông lại không sáng suốt ôm chặt con đường "thân Pháp" khi ảnh hưởng Pháp coi như đã cáo chung. Ông chọn lá bài Bảo Đại, ông ra sức chống báng Ngô Đình Diệm, chẳng qua vì lòng tự ái bị tổn thương, chứ thật ra ông không có một đường lối đấu tranh nào rõ rệt cả. Trước khi Pháp thất thế tại Việt Nam, Pháp giao quyền Công An Cảnh Sát cho Bình Xuyên, tưởng là có thể giúp Bình Xuyên củng cố thế lục, không ngờ lại là cái đầu mối đưa đoàn thể này tới chỗ chóng sụp đổ. Chính vì thấy mình nắm được quyền Công An Cảnh Sát, Tướng Viễn mới có cái ý tưởng hoành hành, mới nhắm mắt nghe lời xúi dục của các phần tử kém hiểu biết, gây ra nạn can qua giữa chốn đô thành, làm thất nhân tâm, bị oán ghét. Thành thử chính ông là người "bị lãnh đạo" hơn là lãnh đạo đoàn thể. Rút cục, ta có thể nói Lê Văn Viễn là người vô trí.

Để hoàn tất chương trình thăm viếng xã giao các đoàn thể bạn, ngày 3 tháng 3 năm 1955, tôi lại thay mặt Tướng Thế về Cái Vồn thăm Trung Tướng Trần Văn Soái, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hòa Hảo, theo lời mời của ông này. Cố Vấn Bình Xuyên Lai Hữu Tài thân hành lái xe tới Tổng Hành Dinh Liên Minh tại đường Trương Minh Giảng, đón tôi đi. Tài sắp đặt cả một đoàn công voa võ trang hộ tống, có trang bị cả máy vô tuyến liên lạc, và có xe hụ còi hướng dẫn. Tài là bà con anh em với Lai Văn Sang, đương kim Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát. Lần đầu tiên đặt bước tới miền Tây, tôi bị kích thích bởi cảnh sống thái bình an lạc ở nơi ấy. Tới địa phận kiểm soát của Hòa Hảo, tôi bắt gặp mấy người lính ngồi trên cái vọng gác ở mỗi chiếc cầu. Dường như họ đã biết trước có phái đoàn của chúng tôi, nên vừa nghe tiếng còi rú lên, là bao nhiêu xe cộ phía bên kia cầu đều nhất loạt ngừng lại, nhường quyền ưu tiên cho chúng tôi.

Nên biết là tại vùng này, binh đội Hòa Hảo kiểm soát an ninh vô cùng chặt chẽ, cộng sản không dám héo lánh về thôn xóm. Lai Hữu Tài nom có vẻ rất hãnh diện trước uy thế Hòa Hảo. Ông vừa lái xe vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn về những thành tích mà Quân Đội Hòa Hảo đã đạt được trong thời gian qua. Điều này chứng tỏ giữa Bình Xuyên và Hòa Hảo đang có tình qua lại mật thiết. Tôi nghĩ tới Trung Tướng Trần Văn Soái, cũng như Tướng Nguyễn Thành Phương bên Cao Đài, đang tham gia chính quyền với chức Quốc Vụ Khanh, Uỷ Viên Hội Đồng Quốc Phòng. Tôi thấy lo cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Sự hợp tác lỏng lẻo như thế kia, rồi sẽ đưa đến đâu? Có thể nào một ông Quốc Vụ Khanh lại cũng là một ông đối lập? Nếu không, sao lại có sự liên kết khá lộ liễu giữa ông Quốc Vụ Khanh Hòa Hảo với ông Tướng Bình Xuyên đang triệt để chống chính quyền? Và riêng tôi nữa, đang ở trong cái thế hợp tác với chính quyền, thì lại công khai đi thăm viếng tiếp xúc với một đoàn thể không hoàn toàn đứng về phía chính quyền, được hướng dẫn và được hộ tống bởi ngay một lực lượng ác cảm với chính quyền. Tôi ở vào hàng ngũ nào đây?

Lúc gần tới Tổng Hành Dinh Hòa Hảo ở Cái Vồn, Lai Hữu Tài chợt bảo tôi: "Ông Năm Lửa có lòng quý mến các anh lắm! Tôi chắc hôm nay thế nào cũng có một cuộc đón tiếp long trọng." Quả nhiên, từ đằng xa, tôi đã nom thấy Trung Tướng Trần Văn Soái mặc bộ nhung phục đen, đội mũ Casque có gắn sao theo kiểu Pháp, đang đứng trước một toán lính danh dự, sẵn sàng đợi chúng tôi. Lai Hữu Tài vội vàng dừng xe lại, rồi giữ phép lịch sự, lùi bước lại phía sau, nhường tôi tiến tới ra mắt Trung Tướng Trần Văn Soái, ông nghiêm cẩn dơ tay chào theo lối quân sự, rồi thân hành hướng dẫn tới duyệt qua đoàn quân danh dự. Cử chỉ thật niềm nở trọng hậu ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vừa vào tới cửa Hành Dinh, tôi bắt gặp phu nhân Trung Tướng, bà Phan Thị Gấm, biệt hiệu là' "Phàn Lê Huê". Bà tươi cười bảo: "Nghe nói có khách quý, vội ra xem cho biết mặt!"

Tôi khá kinh ngạc trước bầu không khí quá sức huynh đệ. Tuy là lần đầu tiên về tới nơi đây, tôi có cảm tưởng tôi đã quen biết lâu đời. Trung Tướng Soái hoàn toàn không kiểu cách. Ông mời tôi ngồi đối diện trên bộ ghế tràng kỷ, ân cần hỏi thăm về Tướng Thế. Miệng nói, tay ông đưa lên vuốt bộ râu nổi tiếng một thời của ông. Tôi thầm tự hỏi tôi: "Mình đang ngồi trước mặt ai đây? Một ông "Năm Lửa" khét tiếng ở miền Tây hàng chục năm qua? Hay là một nhân sĩ Hòa Hảo hiền hòa khiêm tốn?" Quả thật phong độ Tướng Trần Văn Soái bằng xương bằng thịt đã đánh tan ngay trong đầu óc tôi cái hình ảnh mà tôi đã tưởng tượng về ông bấy lâu. Tôi sợ hãi dập tắt hết mọi ý nghĩ không tốt đẹp mà miệng tiếng người đời đã gieo rắc. Tôi thành thật kính trọng con người đang nắm một địa vị vinh hiển trong một giáo phái quan trọng Miền Nam. Lần đầu tiên tôi thấy dư luận bất công đối với Tướng Soái, dư luận đã vẽ ông khác hẳn đi, dư luận ấy từ đâu ra? Tôi kín đáo quan sát chủ nhân, và tôi tự bảo rằng nhân vật này không thể ngẫu nhiên, không thể may mắn mà ở ngôi cao. Trái lại, ông phải có phần phúc hậu nào đó, có biệt tài nào đó, thì mới được cả một khối dân chúng tôn sùng như vậy.

Tổng Hành Dinh của Tướng Soái, nếu tôi nhớ không lầm, thì không phải là một tòa lâu đài kiểu mới, mà chỉ là một ngôi nhà lộp ngói cũ kỹ với cột kèo bằng gỗ bóng. Đó đây, treo những tấm hoành phi, những câu liễn chữ Hán. Ngay gian giữa, có trưng bày bức chân dung của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tôi thật như anh nhà quê bị lạc giữa phố phường, thấy cái gì cũng lạ. Giữa lúc tôi đang vương vấn niềm kia nỗi nọ trong lòng, thì bỗng nhiên một người đàn ông gầy ốm, mặc bộ quần áo trắng, với mái tóc dài phủ cả sau gáy, từ nơi bến sông đi lên, và tiến thẳng lại phía tôi. Người ấy bỗng ôm chặt lấy tôi và khóc! Tôi giật mình, nhìn kỹ lại, Trời..."Anh Ba Cụt!" Vâng, người ấy quả là Ba Cụt, là Thiếu Tướng Lê Quang Vinh, nghe tin tôi về thăm Cái Vốn, đã mạo hiểm dùng thuyền đi từ chiến khu ra tới đây để gặp mặt. Tôi xiết bao vui mừng, vội ôm chặt lấy người anh em sương gió, người đã hơn một lần cùng vô vào thăm Núi Bà Đen. Cái lý do Tướng Lê Quang Vinh bỗng ôm tôi khóc, tôi đã cố tường thuật trong một Chương trước. Chỉ tội nghiệp cho Tướng Trần Văn Soái, ông chả hiểu đầu đuôi ra sao, và ông cứ ngồi vuốt râu, cưới hề hề một cách rất đẹp lòng mát dạ. Lai Hữu Tài cũng sửng sốt nhìn chúng tôi, nhưng không dám hỏi gì.

Dịp ấy, Tướng Trần Văn Soái thiết một bữa tiệc chim rất thịnh soạn. Trong số các quan khách Hòa Hảo, ngoài Tướng Lê Quang Vinh ra, tôi chỉ được biết một vài nhân vật quan trọng, như ông Thành Nam, Đổng Lý Văn Phòng của Tướng Soái, ông Sỹ Thanh, Bí Thư của Tướng Lê Quang Vinh.

Sau này, trong thời gian hoạt động chung trong "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia", Trung Tướng Trần Văn Soái có xuất hiện nhiều lần tại Saigon. Các Tướng Nguyễn Thành Phương, Lê Văn Viễn, vẫn thường kính cẩn gọi ông bằng "Đại Ca", và thỉnh thoảng có trêu ông bằng cách giả bộ rủ ông "đi chơi" chỗ này chỗ nọ, nhưng ông lắc đầu và lại ngồi... vuốt râu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx