Chương 36
Đêm nghỉ tại trang trại ở Boulois, với Barley nằm phía bên kia phòng, là một đêm thao thức nhất mà tôi chưa bao giờ nếm trải. Chúng tôi đi ngủ vào khoảng chín giờ, vì không biết phải làm gì ngoài việc lắng nghe âm thanh lục cục của lũ gà và ngắm nhìn ánh sáng đang mờ dần trên khu chuồng gia súc ọp ẹp. Tôi sửng sốt vì nông trại không có điện - “Em không để ý là không có dây điện hay sao?” Barley hỏi - bà chủ nông trại đã mang đến một chiếc đèn lồng cùng hai cây nến trước khi chúc chúng tôi ngủ ngon. Dưới ánh sáng của chúng, bóng của những thứ đồ gỗ cổ bóng loáng như cao hơn, phủ quanh chúng tôi đầy đe dọa, những đồ may thêu trang trí cũng rập rình đong đưa trên tường.
Sau vài lần ngáp, Barley để nguyên quần áo nằm xuống giường và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tôi không dám bắt chước anh nhưng cũng ngại không dám để các ngọn nến cháy suốt đêm. Cuối cùng, tôi thổi tắt nến, chỉ để lại cây đèn lồng, ánh sáng le lói từ nó chỉ làm cho bóng tối quanh tôi càng thêm đặc quánh lại, và bóng tối bên ngoài, từ sân khu trại, như càng đè nặng lên khung cửa sổ. Những dây nho xào xạc trên kính cửa sổ, lũ cây cối hình như cũng nghiêng vào sát hơn, một tiếng động kỳ lạ, có thể là tiếng của lũ cú hoặc bồ câu, vang lên khi tôi đã nằm co ro trên giường. Barley dường như ở rất xa; lúc nãy tôi đã mừng biết mấy khi thấy hai cái giường tách biệt, nhưng giờ thì tôi chỉ ước gì chúng tôi buộc phải nằm ngủ một giường, lưng-đối-lưng.
Sau một lúc lâu nằm yên trong một tư thế đến độ tê người, tôi thấy một thứ ánh sáng dịu êm trườn từ cửa sổ vào rồi dần lan ra trên nền ván sàn. Trăng đang lên, và nhờ thế tôi cảm thấy nỗi sợ hãi của mình phần nào nhẹ bớt, tựa như đã có một người bạn cũ đến chơi bầu bạn cùng tôi. Tôi cố không nghĩ đến cha; nếu đây là một cuộc du hành nào khác của tôi, thì hẳn cha mới là người nằm trên chiếc giường bên kia, mặc pyjama đàng hoàng, cuốn sách dở dang để bên cạnh. Chắc hẳn cha sẽ là người đầu tiên để ý cái trang trại cũ kỹ này, biết ngay phần trung tâm của trang trại được xây dựng từ thời Aquitaine(1), rồi sẽ mua vài ba chai rượu vang và bàn luận về vườn nho với bà chủ nhà vui vẻ dễ chịu.
Nằm trên giường, tôi băn khoăn tự hỏi mình sẽ làm gì nếu cha không còn sống trở về sau chuyến đi đến tu viện Thánh Matthieu. Tôi nghĩ mình sẽ không thể nào trở về Amsterdam để một mình quẩn quanh suốt ngày trong nhà với bà Clay được; như vậy tôi sẽ chỉ càng thêm đau đớn. Theo hệ thống giáo dục châu Âu, tôi còn hai năm nữa mới học xong trung học, rồi mới được đi học đại học ở một nơi nào đó. Tôi sẽ sống với ai trong thời gian đó? Barley sẽ trở về với cuộc sống thường nhật của anh; tôi không thể trông mong anh lo lắng cho mình nhiều hơn nữa. Hình ảnh thầy James thoáng hiện ra trong đầu tôi, cùng với nụ cười buồn, sâu lắng và những nếp nhăn đôn hậu quanh đôi mắt. Rồi tôi lại nghĩ đến hai bác Giulia và Massimo, đến căn biệt thự của họ ở Umbria. Tôi như thấy lại bác Massimo đang rót rượu vang cho tôi - “Thế cháu đang học gì thế, cháu yêu?” - và bác Giulia nói tôi phải được dành cho căn phòng tốt nhất. Họ không có con; họ cũng yêu mến cha. Tôi sẽ đến với họ nếu cuộc sống trắc trở.
Bây giờ đã cảm thấy bạo dạn hơn, tôi thổi tắt ngọn đèn lồng, rón rén nhón chân nhô đầu nhìn ra bên ngoài. Tôi chỉ nhìn thấy vầng trăng chia nửa trên bầu trời đầy những mảnh mây nham nhở. Lơ lửng trôi ngang qua trước mặt trăng là một hình bóng mà tôi biết rất rõ - không, chỉ một chốc lát thoáng qua thôi, và chỉ là một đám mây thôi, đúng không nhỉ? Đôi cánh xòe rộng, cái đuôi uốn cong? Nó tan đi ngay, nhưng sau đó, thay vì trở lại giường mình, tôi đã đến giường của Barley, nằm đối lưng với anh, cái lưng vô tư lự của anh, run rẩy hàng giờ liền.
“Việc vận chuyển và thu xếp ông Erozan một chỗ trong căn phòng khách kiểu phương Đông của Turgut đã mất gần hết buổi sáng. Bây giờ, ông thủ thư đã yên vị trên đi văng dài, vẫn xanh xao nhưng đã bình tĩnh trở lại. Chúng ta vẫn còn ở đó khi bà Bora từ trường về nhà vào buổi trưa. Bà nhanh nhẹn bước vào, trong mỗi bàn tay nhỏ bé vẫn còn mang găng là một giỏ đồ. Hôm nay bà mặc váy màu vàng, đội mũ vải hoa, trông chẳng khác gì một nhánh thủy tiên nhỏ bé. Nụ cười bà vẫn tươi tắn, dễ thương ngay cả khi nhìn thấy tất cả chúng ta đang đứng vây quanh một người đàn ông kiệt sức. Có vẻ như chẳng có hành động nào của ông chồng khiến bà phải ngạc nhiên, cha nghĩ; có lẽ đó cũng là bí quyết của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
“Bằng tiếng Thổ, Turgut giải thích với bà tình huống xảy ra, vẻ mặt vui vẻ của bà nhường chỗ cho trước tiên là nét hoài nghi không giấu nổi rồi sau đó là vẻ kinh hoàng bùng lên khi ông kín đáo chỉ cho bà xem vết thương trên cổ họng vị khách mới. Bà nhìn Helen và cha bằng một ánh mắt thất thần không thốt nên lời, như thể đó là lần đầu tiên bà biết tới một điều xấu xa. Rồi bà cầm lấy tay người thủ thư, trước đó một lát cha đã biết bàn tay đó không chỉ trắng nhợt mà còn lạnh ngắt. Một lát sau, bà lau nước mắt rồi bước nhanh vào bếp, cha nghe vọng ra tiếng lách cách của xoong nồi. Dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, người đàn ông đang nhiễm bệnh này chắc chắn sẽ có một bữa ăn ngon. Ông Turgut thuyết phục chúng ta ở lại ăn trưa, cha ngạc nhiên khi thấy Helen đi theo bà Bora để phụ giúp.
“Khi nhận thấy ông Erozan chắc chắn đã ngủ ngon, Turgut dẫn cha vào căn phòng làm việc quái dị của ông ta một vài phút. Cha cảm thấy dễ chịu vì tấm rèm che bức chân dung kia đã buông xuống kín mít. Chúng ta ngồi đó một lát để bàn bạc tình hình. ‘Ông có cho rằng hai vợ chồng sẽ an toàn khi để ông bạn thủ thư ở đây không?’ Cha không thể ngăn mình nêu ra câu hỏi đó.
“ ‘Tôi sẽ sắp xếp mọi biện pháp đề phòng. Nếu một hai ngày tới tình trạng sức khỏe ông ấy khá hơn, tôi sẽ tìm một nơi nào đó cho ông ấy ở, cùng với một người trông nom.’ Turgut kéo cho cha một cái ghế rồi ngồi xuống sau bàn làm việc. Cha chợt nghĩ, hầu như chẳng khác gì đang ở với thầy Rosssi trong phòng làm việc của thầy tại trường đại học, chỉ có điều phòng làm việc thầy Rossi rõ ràng là vui hơn với những loại cây kiểng xanh tốt và ấm cà phê đang reo sôi, còn căn phòng này tăm tối một cách lạ lùng. ‘Tôi chẳng mong có bất kỳ cuộc tấn công nào ở đây, nhưng nếu có, anh bạn người Mỹ ấy của chúng ta sẽ phải đối mặt với một sự giáng trả ra trò.’ Nhìn cái vóc dáng chắc đậm đầy cương quyết của ông sau bàn làm việc, cha có thể dễ dàng tin vào điều ấy.
“ ‘Xin lỗi giáo sư,’ cha nói. ‘Có lẽ chúng tôi đã mang đến cho ông quá nhiều chuyện rắc rối, mang mối đe dọa này đến ngay cửa nhà ông.’ Cha kể sơ lược cho ông ta nghe cuộc đụng độ giữa chúng ta và gã thủ thư xấu xa kia, kể cả việc nhìn thấy hắn trước thánh đường Hagia Sophia đêm hôm qua.
“ ‘Kỳ lạ thật,’ Turgut nói. Đôi mắt ánh lên vẻ quan tâm nghiêm túc, ông ta nhịp đầu ngón tay lên mặt bàn.
“ ‘Tôi cũng muốn hỏi ông một câu nữa,’ cha thú nhận. ‘Sáng nay, trong trung tâm lưu trữ ông có nói trước đây ông đã nhìn thấy một gương mặt giống như hắn. Ông có ý gì khi nói vậy?’
“ ‘À.’ Ông bạn thông thái của cha chắp hai tay trên bàn. ‘Vâng, tôi sẽ kể anh nghe chuyện đó. Đã nhiều năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in. Thực ra, nó đã xảy ra chỉ vài ngày sau khi tôi nhận được thư của giáo sư Rossi giải thích là ông ta chẳng biết gì về trung tâm lưu trữ ở đây cả. Cuối buổi chiều hôm đó, sau giờ tan học, tôi đã ghé qua phòng sưu tập - bấy giờ hãy còn nằm trong tòa nhà thư viện cũ, trước khi chuyển đến địa điểm hiện nay. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đang nghiên cứu một bài báo cũ viết về một tác phẩm bị thất lạc của Shakespeare, cuốn Vua Tashkani, một số người tin rằng tác phẩm này được dựng lên theo một chuyện hư cấu ở Istanbul. Chắc có lẽ anh cũng nghe nói đến tác phẩm đó chứ?’
“Cha lắc đầu.
“ ‘Nó được trích dẫn trong tác phẩm của nhiều sử gia nước Anh. Cũng chính từ các sử gia này tôi biết được nội dung của nguyên tác vở kịch, một con quỷ tên là Dracole đến triều kiến vua của một thành phố cổ xinh đẹp mà ông ta - tức nhà vua - đã chiếm đoạt bằng vũ lực. Con quỷ đó cho biết hắn đã từng là kẻ thù của nhà vua nhưng bây giờ hắn đến để chúc mừng vì sự khát máu của ông ta. Rồi, hắn thúc giục nhà vua uống cạn máu của cư dân thành phố, những người giờ đã là thần dân của ông ta. Đó là một đoạn văn gây ớn lạnh. Một số người cho rằng đoạn văn không phải của Shakespeare, nhưng tôi’ - ông ta vỗ mạnh tay xuống mép bàn, vẻ tự tin - ‘tôi tin rằng cách diễn đạt đó, nếu được trích dẫn chính xác, chỉ có thể là của Shakespeare, và thành phố kia chính là Istanbul, được cải danh thành Tashkani - một cái tên Thổ Nhĩ Kỳ.’ Ông ta chồm tới trước. ‘Tôi cũng tin rằng ông vua độc tài mà con quỷ kia triều kiến không phải ai khác mà chính là Quốc vương Mehmed II, Người Chinh phục Constantinople.’
“Cha cảm thấy sởn tóc gáy. ‘Ông có cho rằng ý nghĩa của vở kịch này có thể là - ý tôi muốn nói đó là nơi liên quan đến quá trình hoạt động của Dracula?’
“ ‘Chà, anh bạn à, tôi cảm thấy rất thú vị là huyền thoại về Vlad Dracula thậm chí cũng thâm nhập vào nước Anh theo đạo Tin Lành một cách rất mạnh mẽ, vào khoảng - xem nào - năm 1590. Hơn nữa, nếu Tashkani quả thực là Istanbul, thì điều đó cho thấy sự hiện diện của Dracula ở nơi chốn này, vào thời đại của Mehmed, là có thực. Mehmed đã tiến vào thành phố này vào năm 1453. Thời điểm đó chỉ cách năm mà gã thanh niên Dracula trở về Wallachia sau thời gian bị giam giữ ở Tiểu Á năm năm, và không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy trong suốt cuộc đời hắn, Dracula có quay lại khu vực chúng tôi, dù một số học giả cho rằng hắn đã đích thân đến triều kiến Quốc vương. Tôi không nghĩ người ta có thể chứng minh được điều này. Giả thuyết của tôi là chính hắn đã để lại cái di sản ma cà rồng hút máu ở đây, nếu không phải trong thời gian còn sống thì cũng là sau khi hắn chết. Nhưng’ - ông ta thở dài - ‘ranh giới giữa văn chương và lịch sử thường là một ranh giới không rõ ràng và dễ đổi thay, mà tôi lại chẳng phải là một sử gia.’
“ ‘Ông là một sử gia đích thực rồi đấy,’ cha đáp lại, tỏ vẻ khâm phục. ‘Tôi rất ấn tượng trước số lượng những đầu mối lịch sử mà ông đã theo đuổi, cùng với những thành công như vậy.’
“ ‘Anh thật tử tế, anh bạn trẻ à. Dù sao chăng nữa, một buổi chiều hồi tôi còn đang soạn thảo bài viết về giả thuyết này - tiếc là nó chưa bao giờ được công bố, trời ơi, vì những biên tập viên của tạp chí chuyên đề nơi tôi gửi bài đến nhận định là nội dung bài viết quá mê tín dị đoan - tôi đã mê mải làm việc ở trung tâm lưu trữ ba tiếng đồng hồ liền, sau đó vào nhà hàng bên kia đường để ăn qua loa món bưrek. Anh đã ăn bưrek rồi chứ?’
“ ‘Ồ, chưa ạ,’ cha thừa nhận.
“ ‘Anh nên thử món đó ngay đi - đó là một trong những món đặc sản ngon nhất của đất nước chúng tôi. Khi tôi vào nhà hàng đó, vì đang là mùa đông nên ngoài trời đã tối. Sau khi ngồi xuống bàn, và trong thời gian đợi món ăn tôi đã lấy ra và đọc lại lá thư của giáo sư Rossi. Như đã nói, tôi chỉ nhận lá thư này mới mấy ngày và hãy còn rối tung vì nó. Người phục vụ mang thức ăn ra, và tôi chợt nhìn thấy gương mặt hắn khi hắn đặt các đĩa thức ăn xuống. Hắn nhìn xuống, tôi thấy có vẻ như hắn bất chợt chú ý đến lá thư tôi đang đọc, có tên của giáo sư Rossi ở phía trên. Hắn liếc nhìn lá thư một hoặc hai lần bằng ánh mắt sắc lạnh, ngay sau đó cố xóa tất cả nét biểu lộ trên mặt như không có gì xảy ra, nhưng tôi chú ý thấy hắn bước ra sau lưng tôi để đặt một đĩa khác xuống bàn, và hình như qua vai tôi, hắn lại nhìn vào lá thư.
@by txiuqw4