sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiêu Quân Xuất Tái

"Chiêu Quân xuất tái", tức nàng Vương Chiêu Quân ra miền biên thùy phía bắc Trường Thành.

Thời Tây Hán, giữa triều nhà Hán và Hung Nô vẫn thường xuyên xảy ra chiến loạn. Năm 33 trước công nguyên, vua nam Hung Nô- Hu Han Sia đến Tràng An xưng thần, đồng thời đã chủ động nêu ra ý định muốn kết làm thân gia với triều nhà Hán, cùng bảo vệ an ninh miền biên cương. Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị giữa nhà Hán và Hung Nô, nếu việc kết thân thành công thì chiến tranh sẽ chấm dứt, hai nước sẽ cùng chung sống hòa bình.

Việc kết thân thường thường là công chúa hoặc con gái vương thất, nhưng lần này Hán Nguyên Đế quyết định chọn người trong đám cung nữ, nhà vua liền cử người đến hậu cung truyền rằng: "Ai tình nguyện đi Hung Nô thì trẫm sẽ đối xử với người đó như công chúa". Các cung nữ ở đây đều được chọn từ thôn quê lên, họ bị đưa vào hoàng cung có khác nào chim bị nhốt trong lồng, họ những mong có một ngày nào đó được thoát ra ngoài cung. Nhưng khi nghe nói phải xa lìa tổ quốc đi Hung Nô, thì người nào người nấy đều im lặng lắc đầu. Duy có một cung nữ tên là Vương Tường, tự Chiêu Quân, rất xinh đẹp lại có học thức, vì việc lớn trăm năm của mình đã mạnh dạn đăng ký nguyện gả sang Hung Nô. Viên quản sự thấy vậy liền về báo với Hán Nguyên Đế. Nhà vua dặn viên đại thần quản sự chọn ngày lành tháng tốt, rồi tổ chức lễ thành hôn cho hai người tại Tràng An.

Vua Hung Nô- Hu Han Sia được một người vợ trẻ đẹp, thì trong lòng mừng không sao tả xiết. Khi hai người đến tạ ân Hán Nguyên Đế, nhà vua thấy nàng Chiêu Quân đẹp lộng lẫy thì tỏ ra vô cùng hối tiếc, muốn giữ nàng lại thì bấy giờ đã quá muộn. Trong truyền thuyết có nói, khi Hán Nguyên Đế về cung, nhà vua càng nghĩ càng tức giận, bèn gọi người đem tranh vẽ hình nàng Chiêu Quân khi vào cung ra xem, hình vẽ tuy hơi giống, nhưng vẫn không sao đáng yêu bằng nàng Chiêu Quân thật.

Nguyên là năm Chiêu Quân 17 tuổi, chính vào năm Hán Nguyên Đế ra lệnh tuyển lựa mỹ nữ trong thiên hạ, Chiêu Quân bị đưa vào hậu cung. Nhà vua lúc bấy giờ hoang dâm vô độ, ngoài tam cung lục viện ra, còn có hàng nghìn cung nữ, thực là giai nhân mỹ nữ vô số, cơ bản không thể nào gặp mặt hết lượt các cung nữ, đành phải mời thợ vẽ đến vẽ hình họ để nhà vua xem, nhà vua ưng ý người nào thì điểm triệu người đó. Do đó, không thể nào tránh khỏi sự sai lệch giữa hình vẽ và người thực, nên thợ vẽ đã trở thành nhân vật quan trọng liệu cung nữ có được nhà vua điểm triệu hay không. Một số cung nữ vì muốn được nhà vua chú ý đến, đã bỏ ra rất nhiều tiền mua chuộc thợ vẽ, để vẽ hình mình còn đẹp hơn cả Tây Thi. Trong số này chỉ có Chiêu Quân là không làm như vậy, nàng biết rõ mình rất đẹp, nên đã từ chối hối lộ cho thợ vẽ, việc này đã làm mếch lòng thợ vẽ Mao Diên Thọ, mặc dù hắn biết rất rõ nàng Chiêu Quân có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng hắn muốn nàng suốt đời không được nhà vua để ý tới, nên đã cố ý vẽ lên khuôn mặt nàng một nốt ruồi rất to để trả thù nàng. Hán Nguyên Đế biết được việc này bèn lôi Mao diên Thọ ra chém chết.

Vương Chiêu Quân rời khỏi Tràng An dưới sự hộ tống của các quan viên triều nhà Hán và Hung Nô. Nàng cưỡi ngựa đi trong gió lạnh thấu xương, vất vả dặm trường mới đến được Hung Nô. Truyền rằng, khi Chiêu Quân trên đường sang Hung Nô, trong lòng vô cùng buồn tủi, nàng nhớ nhà nhớ quê, bèn ngồi trên lưng ngựa gảy đàn tỳ bà, tiếng đàn sầu thảm khiến đàn sếu đang bay cũng phải dừng lại đậu xung quanh nàng, nên Vương Chiêu Quân được gọi là Sếu Lạc. Sau khi đến Hung Nô, Vương Chiêu Quân dần dần quen với cuộc sống du mục của địa phương, đối xử hữu hảo với người Hung Nô. Người Hung Nô cũng rất tôn trọng và quý mến nàng. Nàng đã khuyên chồng không nên phát động chiến tranh, đem văn hóa Trung Nguyên truyền vào Hung Nô. Từ đó, Hung Nô và triều nhà Hán chung sống hòa mục được hơn 60 năm, Vương Chiêu Quân đã trở thành tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc.

Sau khi thành hôn, hai vợ chồng nàng chung sống rất ân ái. Sau khi Hu Han Sia qua đời, người con cả của một người vợ khác của Hu Han Sia yêu cầu Vương Chiêu Quân gả cho mình theo tập tục của người Hồ, điều này không có gì lạ trong dân tộc thiểu số thời bấy giờ, nhưng đối với một người Hán như Vương Chiêu Quân mà nói, thì đây là việc làm trái với quan niệm luân lý của Trung Nguyên. Nhưng xuất phát từ đại cục, quý trọng mối tình hữu nghị với Hung Nô, nên nàng lại đi bước nữa gả cho người con cả của chồng mình. Vương Chiêu Quân ở Hung Nô sinh được một trai hai gái.

Nhằm kỷ niệm ngày nàng đi Hung Nô, Hán Nguyên Đế đã cải niên hiệu năm đó là "Cánh Ninh", có ngụ ý là biên cương yên lành. Vương Chiêu Quân kết duyên với vua Hung Nô được thế nhân gọi là sứ giả hòa bình, có tác dụng lâu dài cho hậu thế. Nữ thi sĩ triều nhà Thanh - Quách Nhuận Ngọc có câu thơ khen rằng: Tỳ bà nhất khúc thiên qua tịnh, Luận đáo giá công thị mỹ nhân.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx