Do được Chu Công Đán nhiều năm dạy bảo, Thành Vương sau khi lên nắm chính quyền, trên cơ bản vẫn kế thừa truyền thống nhân từ đối với dân của hai vị vua trước, nên xã hội ổn định, nhân dân an cư lạc nghiệp. Đến khi con vua là Khang Vương lên nối ngôi, thì cũng trên cơ bản giữ nguyên cục diện này, nên thời kỳ này là thời kỳ phồn vinh và hưng thịnh nhất của vương triều nhà Chu, mà lịch sử gọi là "Thành Khang chi trị". Nhưng đáng tiếc là không được bền lâu, đến khi con của Khang Vương là Chiêu Vương lên kế vị, thì triều nhà Chu đã bắt đầu dần dần suy thoái.
Các quý tộc chủ nô lòng tham vô đáy, ngày càng áp bức bóc lột dân, thêm vào đó chiến tranh xảy ra liên miên càng tăng thêm gánh nặng cho dân, khiến cuộc sống của dân chúng và nô lệ càng thêm cơ cực, sự phản kháng của họ đối với triều đình và tầng lớp chủ nô ngày một dâng cao. Nhằm trấn áp sự bất bình và phản đối của dân chúng, Chu Mục Vương đã đặt ra hơn 3000 đạo luật, áp dụng nhiều cực hình vô nhân đạo, nhưng hình phạt dù có tàn bạo đến mấy, cũng không thể ngăn chặn được làn sóng phản kháng của nhân dân.
Khi đến đời vua thứ 10 là Lệ Vương, thì sự mâu thuẫn trong nước lại càng trở nên sâu sắc và phức tạp. Lệ Vương là một tên hôn quân vô cùng bạo ngược, thường tin dùng tên đại thần Vinh Dĩ Công gian ngoan quỷ quyệt, tên này đã bày cho Lệ Vương nhiều mánh lới hại dân, như thi hành "Chuyên lợi", chiếm đoạt hết hồ ao, sông ngòi, đồi núi và đồng ruộng, không cho phép dân chúng sinh sống bằng tài nguyên thiên nhiên, phàm những ai lên rừng hái thuốc, chặt củi, săn bắn, hay xuống sông bắt cá tôm, thậm chí đến uống nước, đi đường cũng phải nộp sưu thuế, tiền của. Thời bấy giờ, nông phu ở ngoài đồng gọi là "Dã nhân", còn dân thành thị gọi là "Quốc nhân". Những quốc nhân sinh sống trong thủ đô Cảo Kinh đều rất căm tức đối với chế độ bạo ngược của Lệ Vương.
Đại thần Triệu Công Hổ nghe được lời oán trách của quốc dân, liền tức tốc vào kinh dâng sớ tâu lên Lệ Vương rằng: "Tâu đại Vương, trăm họ nay đã phẫn nộ cùng cực, nếu không phế bỏ luật chuyên lợi, thì nhà nước sẽ không có ngày yên ổn, không thể dẹp yên loạn lớn sắp xảy ra". Nhưng Lệ Vương cơ bản không nghe theo, chỉ buột miệng nói rằng: "Vội gì, vội gì? Trẫm đã có biện pháp để đối phó". Tức thì, nhà vua ra lệnh cấm quốc nhân bàn luận việc triều chính, và cử nhiều thám tử đi theo dõi, nếu phát hiện ai bàn tán luật "Chuyên Lợi", chửi rủa quốc vương thì bắt về chém chết. Những tên thám tử kia lại nhân cơ hội này hà hiếp của dân, khiến dân chúng kinh hoàng không ai dám tụ họp bàn tán, đi đường gặp mặt cũng không dám chào hỏi nhau.
Lệ Vương thấy không ai dám bàn tán việc triều chính, thì vô cùng đắc ý, mới gọi Triệu Công Hổ đến nói rằng: "Bây giờ khanh thấy thế nào? Không ai dám nghị luận việc triều chính nữa chứ?". Triệu Công Hổ điềm tĩnh nói: "Việc đó chắc gì đã yên được, bịt miệng ngươi ta không cho nói, thì mối nguy hiểm ấy có khác nào như ngăn một dòng sông, muốn trị nước thì phải khơi dòng, dẫn nước chảy ra biển, việc trị quốc an bang cũng vậy, phải hướng dẫn nhân dân biết cách ăn nói. Ngăn dòng thì tất vỡ đê, bịt miệng thiên hạ thì tất sinh loạn". Lệ Vương nghe xong chỉ dửng dưng chẳng nói chẳng rằng, Triệu Công Hổ thấy vậy đành cúi đầu ra về.
Đến năm 841 công nguyên, quốc nhân không thể nào chịu đựng được nữa, họ đã tổ chức cuộc bạo động rầm rộ có hàng chục nghìn dân chúng và nô lệ tham gia. Dòng người xông vào hoàng cung tìm giết Lệ Vương, Lệ Vương sợ kinh hồn bạt vía, đám vệ sĩ trong hoàng cung vốn đã chán ghét chính sách bạo ngược của Lệ Vương, nên họ đều bảo nhau giải tán cả. Lệ Vương cuống cuồng chỉ đem theo mấy tên tuỳ tùng chạy trốn một mạch qua sông Hoàng Hà, đến Phệ Ấp (Tức huyện Hoắc tỉnh Sơn Tây ngày nay) mới bảo toàn được tính mạng.
Dòng người phẫn nộ không tìm thấy Lệ Vương, nào có chịu thôi, sau khi được biết Thái tử Tịnh hiện đang trốn trong nhà Triệu Công Hổ, họ liền kéo nhau đến vây chặt phủ ông, bắt phải đem thái tử Tịnh ra nộp. Triệu Công Hổ không còn cách nào khác, đành phải bảo con trai của mình ra mạo nhận và chết thay cho Thái tử.
Nhưng một nước không thể một ngày không có vua, lúc này Lệ Vương thì đã bỏ trốn, còn "Thái tử" kia đã bị giết chết, các quốc nhân bèn đề cử Cộng Hòa Bá là người kiêm đủ đức tài lên thay Thái tử, ngay năm đó gọi là năm tứ nhất cộng hòa, mà lịch sử gọi là "Cộng hòa hành chính" cũng là bắt đầu từ năm này.
Năm thứ 14 cộng hòa, Lệ Vương chết ở Phệ Ấp, bấy giờ Triệu Công Hổ mới đem việc thái tử còn sống ra công bố trước thiên hạ. Cộng Hòa Bá và Triệu Công Hổ, cùng nhiều đại thần khác đã thuyết phục được các chư hầu, rồi đưa thái tử Tịnh lên nối ngôi vua, xưng là Chu Tuyên Vương. Nhà vua thấy vương triều nhà Chu đã suy tàn, bèn quyết chí phục hưng đất nước, được sự trợ giúp của các trung thần mẫn cán như Triệu Công Hổ v v, nhà vua đã từng một thời " Trung hưng". Nhưng vì sự ảnh hưởng của cuộc bạo loạn quốc nhân lần này, nguyên khí của vương triều nhà Chu bị tổn thương quá nặng, đã không thể nào hưng vượng lên được nữa.
@by txiuqw4