Sau sự kiện Thổ Mộc Bảo, vương triều Minh bắt đầu đi xuống. Mấy hoàng đế sau Minh Anh Tông đều tối tăm hủ bại. Họ không rút được bài học từ vụ Vương Chấn làm hại nước, vẫn một mực dựa vào hoạn quan. Tình hình hoạn quan lũng đoạn triều chính càng ngày càng nghiêm trọng. Khi Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm (con của Anh Tông) tại vị, hoạn quan Uông Trực chuyên quyền, ngoài "đông xưởng" thiết lập từ trước, còn lập thêm "tây xưởng" tăng cường bộ máy đặc vụ, giết oan rất nhiều người. Năm 1505, Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiến lên ngôi. Cạnh ông ta có 8 hoạn quan, thường hầu hạ ông ta cưỡi ngựa, đánh cầu, đuổi hươu,, săn thỏ. Tên đứng đầu số hoạn quan đó là Lưu Cẩn. Minh Vũ Tông chỉ ham chơi, thấy bọn Lưu Cẩn luôn chiều theo ý mình quý chuộng chúng. 8 tên hoạn quan đó dựa thế hoàng đế, tha hồ ra ngoài cung làm mọi chuyện phi pháp. Dân gọi chúng là "bát hổ".
Một số đại thần khuyên can Vũ Tông, xin Vũ Tông trừ bỏ 8 con hổ dữ đó. Bọn Lưu Cẩn được tin, liền khóc lóc với Vũ Tông. Minh Vũ Tông không những không nghe lời can gián của đại thần, mà còn thăng Lưu Cẩn lên chức Tư lễ giám và cho 2 tên đồng đảng của Lưu Cẩn làm đề đốc đông xưởng và tây xưởng. Nắm quyền lớn trong tay, Lưu Cẩn liền tập hợp các đại thần, bắt quì trước Kim Thủy Kiều, công bố ghép tội 1 loạt đại thần là "gian đảng" và đuổi khỏi triều đình. Hàng ngày, bọn Lưu Cẩn bày ra đủ trò vui thú cho Vũ Tông, đợi tới khi Vũ Tông ham chơi, mới đưa hàng loạt sớ tấu của đại thần xin Vũ Tông phê duyệt. Minh Vũ Tông bực mình nói: "Ta nuôi các ngươi để làm gì? Có mấy việc vặt thế này bắt ta tự làm hay sao?". Nói xong, quẳng các sớ tấu cho Lưu Cẩn.
Từ đó, bất kì việc lớn việc nhỏ, Lưu Cẩn đều không trình lên nữa. Hắn chuyên quyền độc đoán, giả truyền ý chỉ hoàng đế cho các đại thần. Bản thân Lưu Cẩn không thông thạo chữ nghĩa, nên đọc không hiểu nội dung các sớ tấu, liền mang về nhà cho đồng đảng và thân thích xử lý. Một số vương công đại thần biết rằng sớ tấu của mình không được tới tay Vũ Tông, nên mỗi lần muốn tâu việc gì, chỉ đưa bản sao cho Lưu Cẩn, còn bản chính thì đưa ra trước triều đình. Dân gian lưu truyền 1 câu nói: "Trong thành Bắc Kinh có hai hoàng đế, một hoàng đế ngồi, một hoàng đế đứng; một Chu hoàng đế, một Lưu hoàng đế".
Sợ bị chống lại, Lưu Cẩn phái đặc vụ của đông xưởng, tây xưởng đi do thám khắp nơi. Hắn còn đặt thêm 1 "nội hành xưởng" do tự mình quản lý, giám thị cả công việc của đông xưởng, tây xưởng. Người nào bị bộ máy đó bắt bớ, đều chịu hình phạt tàn khốc. Số người bị bức hại lên tới mấy ngàn. Tiếng kêu than, oán giận của dân chúng vang dậy kinh thành. Lưu Cẩn còn lợi dụng quyền thế, hạch sách bóp nặn, đòi đưa hối lộ. Các quan địa phương tới kinh thành triều kiến, sợ Lưu Cẩn gây khó dễ, đều phải đưa lễ vật trước mặt hắn, mỗi lần có tới 2 bạn lạng bạc. Có viên quan vào kinh, không mang đủ nhiều tiền như thế, phải đi vay nặng lãi của các nhà hào phú trong kinh thành, sau khi về địa phương sẽ thu góp gửi trả. Tất nhiên, khoản tiền đó, lại bổ xuống đầu nhân dân lao động. Năm 1510, An Hóa vương Chu Chí Phiên lấy danh nghĩa chống Lưu Cẩn, khởi binh mưu phản. Minh Vũ Tông cử Dương Nhất Thanh là võ quan tổng quản vùng Ninh Hạ, Diên Tuy đem quân thảo phạt Chu Chí Phiên, đồng thời cử hoạn quan Trương Vĩnh làm giám quân. Dương Nhất Thanh nguyên là thống soái quân sự vùng Thiểm Tây, đã lập nhiều công trong việc huấn luyện quân đội, tăng cường lực lượng biên phòng. Vì ông là người chính trực, không phụ họa Lưu Cẩn nên bị Lưu Cẩn vu cáo, bức hại. Nhờ các đại thần nói giúp, ông mới được tha và đuổi về quê. Lần này, Minh Vũ Tông cần người dẹp loạn, mới triệu ông về kinh.
Dương Nhất Thanh đến Ninh Hạ thì cuộc phản loạn đã được 1 bộ tướng cũ của ông dẹp yên. Dương Nhất Thanh và Trương Vĩnh giải Chu Chí Phiên trở về, dâng tù binh lên hoàng đế. Từ lâu, Dương Nhất Thanh đã có ý muốn trừ Lưu Cẩn. Ông dò biết Trương Vĩnh vốn là 1 thành viên trong "bát hổ", nhưng từ khi Lưu Cẩn đắc thế. Trương Vĩnh có mâu thuẫn với Lưu Cẩn, liền lôi kéo Trương Vĩnh về phía mình để thực hiện ý định đó. Trên đường về kinh, Dương Nhất Thanh mật đàm với Trương Vĩnh, nói: "Lần này nhờ Trương Công cùng ra sức, mới dẹp yên được phản loạn, thật là một việc vui mừng. Nhưng trừ một phiên vương còn dễ, còn trừ nội hoạn mới thật khó. Biết làm thế nào?".
Trương Vĩnh kinh ngạc hỏi: "Ngài nói nội hoạn là việc gì vậy?".
Dương Nhất Thanh ghé sát vào tai Trương Vĩnh, dùng ngón trỏ tay phải viết vào lòng bàn tay trái 1 chữ "Cẩn". Trương Vĩnh nhíu mày nói: "Kẻ đó hàng ngày ở bên mình hoàng thượng, lại nhiều tai mắt, muốn trừ hắn đi rất khó!".
Dương Nhất Thanh nói: "Ngài cũng là thân tín của hoàng thượng. Lần này khải hoàn về kinh, hoàng thượng nhất định sẽ triệu kiến ngài. Nhân dịp đó, ngài tâu rõ nguyên nhân khiến Chu Chí Phiên mưu phản, nhất định hoàng thượng sẽ giết Lưu Cẩn. Đại sự mà thành công thì tên tuổi của ngài sẽ lưu truyền hậu thế".
Trương Vĩnh do dự 1 lát, rồi nói: "Lỡ ra không thành công thì sao?".
Dương Nhất Thanh nói: "Nếu hoàng thượng không tin, ngài có thể khóc lóc trình bày lòng trung thành với hoàng thượng, thì nhất định hoàng thượng sẽ nghe theo. Có điều việc này phải làm thật nhanh, nếu để chậm e rằng việc sẽ bị tiết lộ".
Trương Vĩnh vốn có hiềm khích với Lưu Cẩn, nay được Dương Nhất Thanh nêu ra và thúc giục, liền thấy vững dạ và quyết tâm thực hiện. Đến Bắc Kinh, Trương Vĩnh làm theo kế hoạch của Dương Nhất Thanh, ngay trong đêm vào gặp Vũ Tông, tố cáo Lưu Cẩn mưu phản. Minh Vũ Tông liền hạ lệnh cho Trương Vĩnh dẫn cấm quân đến bắt Lưu Cẩn. Lưu Cẩn không phòng bị gì, đang ngủ say, bị cấm quân xông vào trói lại, đưa vào nhà lao. Minh Vũ Tông sai cấm quân đến khám xét và tịch thu gia sản của Lưu Cẩn, phát hiện được 24 vạn nén vàng, 5 triệu nén bạc và vô số ngọc ngà châu báu. Ngoài ra, còn khám xét thấy long bào, đai ngọc, khôi giáp, vũ khí. Minh Vũ Tông lúc đó mới giật mình, lập tức xử tử Lưu Cẩn. Lưu Cẩn tuy bị giết, nhưng tình trạng ngu tối hủ bại của Vũ Tông đã nghiêm trọng tới mức không thể nào sửa được. Sau khi giết Lưu Cẩn, ông ta lại sùng bái 1 võ quan là Giang Bân. Giang Bân xúi giục hoàng đế, nhiều lần rời Bắc Kinh lên tìm thú vui chơi ở Tuyên Phủ (nay là Tuyên Hóa, Hà Bắc) để mọi quyền quân sự, chính trị cho Giang Bân giải quyết. Giang Bân vì vậy tha hồ tham nhũng, đòi hối lộ, bài xích người tốt.
Do sự thống trị thối nát của vương triều Minh, đất đai tập trung cao độ vào tay địa chủ, thuế má và lao dịch trút lên đầu nhân dân lao động rất nặng nề, nên các cuộc khởi nghĩa nhân dân liên tiếp nổ ra. Năm 1510, vùng phụ cận Bắc Kinh nổ ra cuộc khởi nghĩa do Lưu Lục, Lưu Thất lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 2 năm, nghĩa quân hoạt động trong phạm vi 8 tỉnh thuộc Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, 4 lần tiến tới gần Bắc Kinh, giáng 1 đòn nặng nề vào vương triều Minh thối nát.
@by txiuqw4