sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lý Nham Và Hồng Nương Tử

Khi Lý Tự Thành rời Thương Lạc, tới Hà Nam thì vùng Hà Nam đang bị hạn hán lớn, hàng ngàn hàng vạn dân đói lang thang trên đường. Khi Lý Tự Thành vừa tới, dân nghèo nghe nói Sấm Vương đã xuống núi, đều đua nhau tới xin theo. Một hôm, 1 toán dân đói dẫn đầu là 1 thanh niên có dáng thư sinh đi tìm Sấm vương, Lý Tự Thành hỏi han biết được thanh niên đó là Lý Nham (còn có tên là Lý Tín), vừa được mọi người cứu ra khỏi nhà lao huyện Kỷ. Lý Nham vốn là 1 con nhà giàu ở huyện Kỷ. Mấy năm trước, trong vùng có thiên tai nặng, nhiều nông dân không có lương ăn. Lý Nham lấy lương thực trong gia đình ra tiếp tế cho họ. Hành động đó là ít thấy đối với 1 người nhà giàu. Vì vậy, người nghèo kính trọng nhân cách của ông, đều gọi ông là "Lý công tử". Huyện Kỷ gặp thiên tai liên tiếp, người nghèo bị dồn tới mức khó mà sống nổi. Nhưng quan huyện vẫn cử sai dịch tới bắt họ nộp tô, nộp thuế. Lý Nham sợ xảy ra chuyện không hay, liền đến gặp viên quan huyện họ Tống, khuyên ông ta tạm dừng việc thu thuế và trích 1 số lương thực của công ra cấp cho dân nghèo.

Quan huyện trả lời: "Cấp trên thúc ta nộp gấp lương nuôi quân, mà thúc rất gấp, ta không thu tô thu thuế thì lấy gì để nộp. Thêm nữa, lương thực trong kho công đã cạn, lấy gì mà cấp cho dân đói. Nếu thương họ, thì mấy nhà giàu các anh mở kho ra mà cho họ".

Lý Nham thấy quan huyện không chấp nhận đề nghị, liền về nhà, mở kho lương thực, chia hơn 200 thạch (thạch = 103,35 lít) lương cho dân đói. Dân đói thấy Lý công tử cho lương, đều rất phấn chấn, nhưng người đói nhiều, chỉ riêng lương thực của nhà họ Lý cũng chẳng giải quyết được bao nhiêu. Có người nảy ra ý, tụ tập mấy chục người tới 1 nhà giàu khác, đề nghị họ làm theo gương nhà họ Lý. Những căn nhà đó không chịu cho, lấy cớ là trong nhà không sẵn lương thực. Dân đói nổi khùng, hò nhau xông vào nhà, cướp lương thực đem chia nhau. Các nhà giàu hoảng sợ, kéo lên huyện tố cáo. Quan huyện hỏi: "Thế thì chúng làm loạn à?". Liền phái mấy sai dịch cầm lệnh bài đi ngăn cản và đe dọa, nếu còn tụ tập đi vòi vĩnh, sẽ nghiêm trị. Dân đói đang hăng, sợ gì lệnh quan huyện. Họ túm lấy sai dịch, giằng lệnh bài ném xuống đất giẫm nát, rồi kéo lên nha môn, hò hét: "Chúng tôi không có lương ăn, trước sau gì cũng chết. Chi bằng liều với các ngươi một phen!".

Quan huyện thấy dân đói toan bạo động, sợ hãi núp trong nha môn không dám ló ra. Ông ta nghĩ, Lý Nham có quan hệ tốt với dân đói, liền vội cử người đi mời Lý Nham tới, đề nghị ông nghĩ giúp biện pháp. Lý Nham nói: "Nếu ngài không muốn để xảy chuyện thì chỉ có cách ngừng ngay việc thúc thuế và khuyên các nhà giàu bỏ lương thực ra".

Quan huyện không có cách nào khác, đành miễn cưỡng tỏ ý ưng thuận. Dân nghèo đứng đợi bên ngoài, nghe nói Lý Nham đã thuyết phục được quan huyện, mới nguôi giận. Có người nói: "Chúng ta cứ về đi, nếu trong mấy ngày họ không bỏ lương ra, thì chúng ta sẽ tính sổ với họ".

Nào ngờ, khi dân đói vừa giải tán, huyện lệnh liền thay đổi ý kiến. Ông ta nghĩ, không thúc thuế của dân đói thì tuy gỡ được cái vướng trước mắt, nhưng trên vẫn thúc thì xử trí ra sao, liệu mình còn giữ được chiếc mũ cánh chuồn trên đầu không? Ông ta suy đi tính lại, thấy căm tức Lý Nham, cho rằng dân đói dám làm như vậy, đều do anh chàng họ Lý này đầu têu ra. Ông ta lập tức sai viết 1 cáo trạng gửi lên cấp trên, vu cáo Lý Nham mua chuộc lòng người, chuẩn bị tạo phản. Tin đó lộ ra, ai cũng lo cho Lý Nham. Trong khu rừng gần đó, có 1 đội nghĩa quân, đứng đầu là 1 cô gái, chuyên mãi võ giang hồ, mọi người gọi cô là Hồng Nương tử. Hồng Nương tử nghe nói tới chuyện Lý Nham quyên góp lương thực cứu đói, hết sức khâm phục. Nay thấy Lý Nham có nguy cơ bị bức hại, liền tới nhà Lý Nham, đưa chàng lên núi. Lý Nham ban đầu không hiểu bản ý của Hồng Nương tử. Sau thấy Hồng Nương tử muốn chàng ở lại, tham gia nghĩa quân, thì không muốn, nên 1 thời gian sau tìm cách trốn về nhà. Lý Nham vừa tới nhà, bọn sai dịch đầu trâu mặt ngựa mang cùm xích đã đợi sẵn, lập tức bắt chàng điệu về nha môn thẩm vấn. Trăm họ trong huyện Kỷ nghe tin Lý Nham bị bắt, đều nói: "Lý công tử bị giam trong nhà lao, chẳng lẽ chúng ta chỉ giương mắt nhìn công tử chịu khổ mà không cứu sao?".

Hồng Nương tử được tin, cũng dẫn quân tới. Đám đông dân đói đi theo nàng, người cầm dao, kẻ cầm gậy, xông vào đánh phá nha môn huyện. quan huyện và lũ sai dịch thấy nghĩa quân và dân đói đông đảo, mạnh mẽ, liệu thế không chống nổi, đều trốn lủi hết. Hồng Nương tử và dân đói phá nhà giam, cứu Lý Nham ra. Đến bước này, Lý Nham biết rằng không thể về nhà được nữa, bèn nghe theo lời khuyên của Hồng Nương tử, cùng đi theo dân khởi nghĩa đi tìm Sấm vương. Lý Tự Thành nghe chuyện, biết Lý Nham tuy là 1 thư sinh con nhà giàu nhưng cũng là người bị bức hại; thêm nữa, nghĩa quân đang cần tìm 1 mưu sĩ, nên giữ Lý Nham lại với nghĩa quân. Lý Nham từ lâu đã nghe danh Lý Tự Thành là người anh hùng có hoài bão lớn, nên 1 lòng 1 dạ giúp Lý Tự Thành đánh đổ triều Minh. Khi đội ngũ nghĩa quân lớn mạnh, Lý Tự Thành liền bắt tay vào việc chấn chỉnh tổ chức, tăng cường kỷ luật, đồng thời tiếp thu kiến nghị của Lý Nham, nêu ra khẩu hiệu "quân điền miễn phí" (chia đều ruộng, miễn thuế). Lý Nham cử 1 số binh sĩ giả trang làm thương nhân thâm nhập vào vùng do quân triều đình đóng giữ, rỉ tai với mọi người: "Quân đội của Lý Sấm vương giữ kỷ luật rất nghiêm, không giết người, không cướp bóc của dân!".

Dân chúng vốn đã giận thấu xương trước hành động giết người cướp của của quân triều đình, nay thấy quân của Lý Sấm vương có kỷ luật nghiêm minh, nên không ai bảo ai, đều tự động hướng theo nghĩa quân. Nhân dân địa phương còn truyền nhau câu ca dao do Lý Nham đặt ra:

"Quan đòi hết đấu đến thăng

Dân nghèo sớm tối khó lòng sống qua

Mau mau mở cửa đón "vua" (Sấm vương)

Mọi người được sống chan hòa, ấm no

Sấm vương như mẹ như cha

Hết cho cơm gạo lại cho áo quần

Mau mau mở cửa đón quân

Sấm vương đã tới thì dân đổi đời".

Quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành được nhân dân ủng hộ, sau khi giết Phúc vương Chu Thường Tuân, lại liên tiếp đánh thắng mấy trận lớn ở Hà Nam. Năm 1643, Lý Tự Thành đánh phá Đồng Quan, giết chết thống soái triều Minh là binh bộ thương thư Tôn Truyền Đình. Không lâu sau, liền tiến chiếm Tây An (tức cố đô Trường An thời Hán, Đường).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx