sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

113-114

LÝ ĐẶC LẬP TRẠI CHO DÂN LƯU TÁN

Nền thống trị thối nát và cục diện hỗn chiến dưới thời Tây Tấn đã gieo tai họa vô cùng vô tận xuống đầu dân chúng. Cộng thêm vào đó là thiên tai liên tiếp khiến nông dân nhiều địa phương không đủ lương ăn, phải rời bỏ làng quê, lũ lượt tới các vùng khác kiếm sống. Số nông dân đi lánh nạn đó được gọi là "lưu dân" (dân lưu tán). Năm 298, vùng Quan Trung lâm vào nạn đói lớn, các quận Lược Dương, Thiên Thủy (nay thuộc Cam Túc) và 4 quận lân cận có hơn 10 vạn dân lưu tán vào đất Thục. Đi cùng với dân lưu tán có 3 anh em thuộc 1 gia đình dân tộc Để là Lý Đặc, Lý Tường, Lý Lưu. Trên đường đi, trong số dân lưu tán có ai đói khát, ốm đau, 3 anh em Lý Đặc đều giúp đỡ và chăm sóc tận tình. Vì vậy, họ được dân lưu tán cảm kích và tôn trọng. Đất Thục cách Trung nguyên khá xa nên nhân dân được sống tương đối yên ổn. Tới Thục, số lưu dân liền phân tán đi làm thuê dài ngày cho các nhà giàu để kiếm ăn.

Nhưng thứ sử Ích Châu là La Thượng không muốn để vùng đất dưới quyền cai trị của mình bị dân lưu tán làm cho nhiễu loạn, nên chủ trương đuổi họ trở về Quan Trung. Ông cho đặt trạm kiểm soát tại các ngả đường ra vào Thục để ngăn chặn dân lưu tán đi vào và cướp đoạt tài sản mang theo của họ. Dân lưu tán nghe biết có lệnh đuổi của địa phương, lại nghĩ tới tình cảnh đói khát ở quê nhà, nếu phải trở về thì không có cách gì sống nổi, tất cả đều than trời kêu khổ. Mọi người liền nhờ Lý Đặc giúp đỡ. Lý Đặc nhiều lần thay mặt dân lưu tán, viết tờ thỉnh cầu xin lùi hạn đuổi lại, để dân lưu tán có thời gian tìm ra cách kiếm sống mà không gây ra xáo động cho địa phương. Họ thấy Lý Đặc có uy tín để giao thiệp với quan chức địa phương nên rủ nhau đến nhờ ông che chở. Lý Đặc liền lập 1 trại lớn ở vùng Miên Trúc để tập trung dân lưu tán lại. Chưa tới 1 tháng, đã có khoảng 2 vạn người tới theo. Em ông là Lý Lưu cũng lập 1 trại riêng, tiếp nhận được mấy ngàn người.

Sau khi tập trung dân lưu tán vào 1 khu, để họ khai phá ruộng nương, tự túc được lương thực. Lý Đặc liền cử đại diện là Diêm Húc đến gặp La Thượng, xin hoãn dài hạn việc đuổi dân lưu tán. Diêm Húc đến phủ thứ sử, thấy ở đó đang diễn ra quang cảnh tấp nập sửa sang đồn lũy và tập trung người ngựa, rõ ràng là đang chuẩn bị cho 1 hành động quân sự. Diêm Húc gặp La Thượng, đề đạt lời thỉnh cầu của dân lưu tán. La Thượng làm ra vẻ dễ dãi trả lời: "Ta đã chuẩn bị ban hành lệnh hoãn đuổi, ông cứ an tâm, về báo cho họ biết, đừng lo lắng gì nữa".

Thấy thái độ La Thượng không có ý chân thật, Diêm Húc nói: "Xin La công đừng nghe lời xúi giục của những người nuôi ý định xấu đối với dân lưu tán chúng tôi. Nhìn tình hình ở nơi đây, tôi thấy các ngài không có ý dung nạp chúng tôi. Nhưng tôi khuyên ngài, không nên coi thường đám dân đói khát, nhìn bề ngoài họ có vẻ yếu đuối; nhưng nếu bị bức đến bước đường cùng, họ sẽ buộc phải phản kháng. Đến lúc đó, e rằng sẽ không có điều gì hay cho ngài đâu!".

La Thượng giả bộ nghiêm chỉnh nói: "Ta không đánh lừa đâu, ông cứ về nói với họ ý kiến trên của ta".

Diêm Húc trở về Miên Trúc, nói tường tận tình hình đã quan sát và những lời lẽ của La Thượng cho Lý Đặc nghe, rồi bổ sung thêm: "Theo tôi, tuy La Thượng nói như thế, nhưng chúng ta không nên nhẹ dạ tin lời ông ta, cần phải chuẩn bị đề phòng ông ta đem quân tới tập kích".

Lý Đặc cũng cùng chung nhận định, lập tức cho tổ chức dân lưu tán thành đội ngũ, chuẩn bị vũ khí, bố trí trận thế, sẵn sàng chống trả nếu bị quân Tấn tiến công. Quả nhiên, một đêm sau đó, La Thượng phái bộ tướng dẫn dẫn 3 vạn bộ binh và kỵ binh đến đánh úp trại lớn Miên Trúc. Quân Tấn tiến tới doanh trại của Lý Đặc. Lý Đặc làm ra vẻ không hay biết gì, toàn trại vẫn im phắc không có động tĩnh. Quân Tấn tưởng Lý Đặc trúng kế của La Thượng, không đề phòng gì, liền nổi hiệu lệnh, quân lính reo hò, ào ạt xông vào trại. Nào ngờ, khi 3 vạn quân Tấn đã vào hết trong khu trại, thì 4 phương 8 hướng vang dậy tiếng trống và thanh la. Toàn thể dân lưu tán đã mai phục sẵn cầm trường mâu, đại đao xông ra chém giết. Dân lưu tán đã chất chứa sẵn lòng uất ức, chiến đấu hết sức dũng mãnh, một địch nổi mười, mười địch nổi trăm. Quân Tấn bị bất ngờ, từ chỗ chủ quan, chuyển sang hoảng sợ, không kịp đối phó, bị dân lưu tán đánh cho khôi giáp tả tơi, ôm đầu tháo chạy. Mấy viên tướng Tấn chạy không kịp, bị giết chết.

Sau trận đó, dân lưu tán biết bọn thống trị Tấn nhất định không bỏ qua, nên đều xin Lý Đặc đứng ra chỉ huy họ, chống lại quân triều đình và địa phương. Qua bàn bạc giữa thủ lĩnh của dân lưu tán 6 quận với Lý Đặc, mọi người tôn Lý Đặc làm Trấn Bắc đại tướng quân, Lý Lưu làm Trấn Đông tướng quân. Mấy thủ lĩnh khác của dân lưu tán cũng được cử làm tướng. Họ tổ chức, chỉnh đốn lại binh mã, thanh thế lừng lẫy 1 vùng. Mấy ngày sau, đội quân đó đánh chiếm Quảng Hán, đuổi viên thái thú đi. Lý Đặc vào quận Quảng Hán, học theo cách làm của Hán Cao Tổ Lưu Bang, ban bố "ước pháp tam chương", mở kho thóc công, cứu tế cho dân nghèo địa phương. Quân đội của lưu dân, dưới sự lãnh đạo của Lý Đặc, đã giữ nghiêm kỉ luật, không quấy nhiễu dân địa phương. Dân chúng trong đất Thục, xưa nay chịu mọi áp bức khắc nghiệt của quan quân triều Tấn, nay nhờ có quân lưu dân của Lý Đặc, đời sống được yên ổn và dễ thở hơn. Họ đều phấn khởi và sáng tác ca dao ca ngợi đội quân của Lý Đặc:

"La Thượng tàn ác trăm bề

Nay nhờ Lý Đặc vỗ về muôn dân"

Trước thanh thế của quân lưu dân, La Thượng ngoài mặt phải cử người đến cầu hòa, nhưng một mặt ngấm ngầm cấu kết với thế lực cường hào địa phương đánh Lý Đặc. Sau 1 số trận chống trả anh dũng, Lý Đặc thua trận, anh dũng hy sinh. Con của Lý Đặc là Lý Hùng tiếp tục lãnh đạo lưu dân chiến đấu. Năm 304, Lý Hùng tự lập làm Thành Đô vương. Hai năm sau, lại tự xưng là hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Thành. Sau, tới đời cháu Lý Hùng là Lý Thọ nối ngôi hoàng đế, liền đổi quốc hiệu là Hán. Do đó, sử còn gọi chính quyền này là Thành Hán.

NGƯỜI HUNG NÔ XƯNG LÀM HÁN ĐẾ

Trong cùng năm khi Lý Hùng xưng làm Thành Đô vương (304), thì ở miền bắc, 1 nhân vật quí tộc Hung Nô là Lưu Uyên cũng tuyên bố độc lập với triều Tấn, tự xưng là Hán Vương. Từ cuối đời Tây Hán, 1 bộ phận tộc Hung Nô từ phía bắc dời vào cư trú ở các quận huyện miền biên giới. Họ chung sống lâu dài với nhân dân tộc Hán, dần dần tiếp thu nền văn hóa Hán. Giới quí tộc Hung Nô cho rằng các đời trước, đã nhiều lần thông hôn với hoàng thất nên họ cũng là họ hàng thân thích với nhà Hán. Vì vậy, họ liền đổi sang họ Lưu, là họ của hoàng đế Hán. Cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam quốc, sau khi Tào Tháo thống nhất được miền bắc Trung Quốc, liền phân 3 vạn dân thuộc các bộ lạc Hung Nô thành 5 bộ, mỗi bộ có 1 bộ soái. Quí tộc Hung Nô Lưu Báo là một trong năm bộ soái đó.

Lưu Uyên là con Lưu Báo, từ nhỏ đã học chữ và tiếng Hán, có đọc khá nhiều thư tịch Hán, lại có sức khỏe và võ nghệ cao cường, có thể kéo được đoạn dây cung có lực căng 300 cân. Sau khi Lưu Báo chết, Lưu Uyên kế thừa chức bộ soái của cha, có thời gian làm tướng dưới quyền Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh (một trong tám vương đã nói ở phần trên) đóng quân ở Nghiệp Thành chỉ huy toàn thể quân đội Hung Nô thuộc cả 5 bộ. Sau khi cuộc hỗn chiến 8 vương nổi ra, một số quí tộc Hung Nô họp nhau lại bàn bạc ở Tả Quốc Thành (nay ở phía bắc Ly Thạch, Sơn Tây). Một quí tộc già nói: "Từ đầu triều Hán, người Hung Nô chúng ta kết thân với người Hán. Trải qua hai triều Ngụy, Tấn, con cháu các thiền vu Hung Nô tuy vẫn có tước phong, nhưng không có một tấc đất của riêng mình, không khác gì dân thường. Nay triều Tấn có nội loạn, hoàng tộc đang tàn sát lẫn nhau, đây chính là thời cơ để người Hung Nô ta khôi phục lại địa vị".

Mọi người đều thấy ý kiến đề xuất đó là đúng.Nhưng chọn ai là người đứng đầu? Qua thảo luận, mọi người đều cho rằng Lưu Uyên có tài năng và uy tín cao, rất thích hợp với chức vị thiền vu. Hội nghị quí tộc liền cử đại diện đến Nghiệp Thành, báo cho Lưu Uyên biết ý kiến của hội nghị và mời ông trở về. Lưu Uyên mừng rỡ, liền lấy cớ về Hung Nô an táng cho cha, xin phép Tư Mã Dĩnh cho nghỉ. Nhưng Tư Mã Dĩnh nhất định không đồng ý. Lưu Uyên đành cho người đại diện về trước và hẹn cả 5 bộ của Hung Nô tập trung lực lượng quân sự và di chuyển xuống phía nam. Sau đó, thứ sử Tịnh Châu là Tư Mã Đằng cùngvới tướng Vương Tuấn liên hợp với quí tộc Tiên Ty đánh Tư Mã Dĩnh. Tư Mã Dĩnh bị thua, chạy về Lạc Dương. Nhân cơ hội đó, Lưu Uyên xin Tư Mã Dĩnh cho về Hung Nô để lấy quân đến trợ chiến. Tư Mã Dĩnh tin là thật cho đi. Năm 304, Lưu Uyên về đến Tả Quốc Thành được cả 5 bộ tôn là Đại thiền vu. Ông dẫn 5 vạn quân tiến xuống phía nam, giúp quân Tấn đánh lại quân Tiên Ty. Có người hỏi: "Tại sao ông không nhân cơ hội này diệt phăng triều Tấn đi, mà lại giúp đỡ quân Tấn?".

Lưu Uyên trả lời: "Diệt triều Tấn thì dễ như kéo đổ cây củi mục, nhưng dân Tấn chưa hẳn đã chịu theo chúng ta. Triều Hán đã dựng nước lâu dài, có ảnh hưởng sâu trong lòng người. Các đời ông cha ta chúng ta đã từng thông hôn với triều Hán trở thành anh em thân thích với nhau. Nay triều Hán đã mất, ta nên lấy danh nghĩa kế thừa triều Hán, thì sẽ được lòng người hơn".

Mọi người đều phục, Lưu Uyên liền tự xưng là Hán Vương. Sau đó Lưu Uyên liên tiếp đánh chiếm được các quận Thượng Đảng, Thái Nguyên, Hà Đông, Bình Nguyên, thế lực càng ngày càng mạnh. Một số lực lượng chống Tấn của các bộ tộc nhỏ đều quy phục Lưu Uyên. Năm 308, Lưu Uyên xưng làm Hán Đế. Năm sau liền dời đô đến Bình Dương (nay ở tây nam Lâm Phần, Sơn Tây) rồi tập trung binh lực tiến đánh Lạc Dương. Nhân dân Lạc Dương tuy căm ghét triều Tây Tấn thối nát, nhưng không muốn bị quí tộc Hung Nô thống trị. Vì vậy, qua 2 lần tiến công, Lưu Uyên đều gặp phải sự chống trả mãnh liệt của quân dân Lạc Dương, đều phải lui quân. Trong lúc đó, vương cuối cùng còn lại sau "loạn tám vương" là Đông Hải vương Tư Mã Việt vẫn còn sa vào việc chém giết với các đại thần khác. Vì vậy, chút ít lực lượng quân sự còn sót lại của triều Tấn cũng bị tiêu hao hết.

Sau khi Lưu Uyên chết, con là Lưu Thông nối ngôi hoàng đế Hán, lại phái các đại tướng là Lưu Diệu và Thạch Lặc tiến công Lạc Dương. Quân dân Lạc Dương chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng do lực lượng quá chênh lệch không thể kéo dài cuộc chiến đấu. Năm 211, thành Lạc Dương thất thủ, Tấn Hoài Đế bị bắt làm tù binh. Lưu Thông tiến vào Lạc Dương, tàn sát hàng loạt quan chức và nhân dân. Một lần, Lưu Thông mở tiệc, sai Tấn Hoài Đế mặc áo xanh của nô bộc, đứng hầu rượu. Một số triều thần cũ của triều Tấn nhìn thấy cảnh đó, không kìm lòng được, òa lên khóc. Lưu Thông thấy các đại thần của triều Tấn còn nặng tình cảm với Hoài Đế như vậy, thì nổi giận, đem Hoài Đế giết đi.

Sau khi Tấn Hoài Đế bị giết, các quan triều Tấn ở Trường An liền tôn cháu của Hoài Đế là Tư Mã Nghiệp lên kế thừa kế vị. Đó là Tấn Mẫn Đế. Năm 316 Lưu Thông chiếm được Trường An, Tấn Mẫn Đế cũng lâm vào số phận giống như Tấn Hoài Đế, sau khi chịu mọi nhục nhã rồi cũng bị giết đi. Triều Tây Tấn duy trì được 52 năm, tới đây kết thúc. Sau khi Tây Tấn bị diệt, các bộ tộc miền bắc Trung Quốc (chủ yếu là 5 bộ tộc Hung Nô, Tiên Ty, Kiệt, Để, Phương) dồn dập khởi nghĩa. Tầng lớp trên trong các bộ tộc đó thừa cơ khởi binh, giống như Lý Hùng, Lưu Uyên đã làm, trước sau xuất hiện 16 chính quyền cát cứ. Lịch sử gọi tình hình đó là "Ngũ Hồ, thập lục quốc".


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx