sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

115-116

LƯU CÔN LẬP CHÍ CỨU NƯỚC

Trong khi quí tộc Hung Nô hoành hành ở miền bắc và vương triều Tây Tấn đứng trước họa diệt vong thì 1 số tướng lĩnh trung thành vẫn kiên trì chiến đấu. Một đại biểu kiệt xuất trong số đó là Lưu Côn. Thời thanh niên Lưu Côn có 1 người bạn thân là Tổ Địch. Đầu thời Tây Tấn hai người cùng làm chức chủ bạ (chức quan trông coi việc giấy tờ) ở Tư Châu (trị sở đông bắc Lạc Dương ngày nay). Đêm đêm hai người cùng ngủ chung 1 giường, đàm luận việc quốc gia đại sự, thường say sưa sôi nổi đến canh khuya. Một hôm, khi họ đang ngủ ngon thì có tiếng gà gáy làm Tổ Địch thức dậy. Nhìn ra ngoài cửa sổ thấy mảnh trăng tàn còn treo ở chân trời, phương đông vẫn chưa rạng. Nhưng Tổ Địch không muốn ngủ nữa, liền lấy chân hích Lưu Côn. Côn giật mình, dụi mắt, hỏi xem có việc gì. Tổ Địch nói: "Anh nghe xem, tiếng gáy hay biết bao. Nó giục chúng ta trở dậy đấy!".

Hai người phấn khởi vùng dậy, lấy kiếm đang treo trên vách, đi ra ngoài, cùng nhau múa kiếm dưới ánh trăng mờ nhạt dưới hừng đông. Cứ như vậy, ngày ngày, họ khổ công tập luyện võ nghệ, nghiên cứu binh pháp.Cuối cùng, cả 2 đều trở thành tướng lĩnh nổi tiếng. Năm 308, Tấn Hoài Đế phongLưu Côn làm thứ sử Tịnh Châu. Lúc đó, Tịnh Châu trong tình trạng bị Hung Nô, cướp bóc, tàn sát, dân chúng tán loạn khắp nơi. Lưu Côn chiêu mộ hơn 1000 binh sĩ,xông pha vô vàn gian nan nguy hiểm, tiến tới Tấn Dương thuộc Tịnh Châu (nay ở tây nam thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Trong thành phố Tấn Dương, nhà cửa bị đốt phá, gai góc mọc đầy, cảnh hoang vắng thê lương bao phủ khắp nơi. Trong khi xông pha tìm kiếm, đội quân của Lưu Côn phát hiện thấy 1 số dân còn sót lại, đang thoi thóp vì nhịn đói quá lâu. Nhìn thấy cảnh đó, Lưu Côn rất thương tâm. Ông ra lệnh cho các binh sĩ phát quang gai góc, chôn cất những người chết, sửa sang lại nhà cửa, thành trì, phòng bị chống lại sự tập kích của Hung Nô. Ông còn dùng mưu, khiến các bộ lạc Hung Nô nghi ngờ lẫn nhau. Nhờ đó, về sau hơn 1 vạn người Hung Nô đầu hàng Lưu Côn, lực lượng ông hùng hậu lên, ngay cả Hán Đế Lưu Uyên cũng gờm sợ, không dám xâm phạm vào vùng đất ông cai quản.

Lưu Công chiêu tập dân đào vong trở về đất cũ, khai hoang phục hóa, ổn định cuộc sống. Không tới 1 năm, vùng đất hoang vu cũ đã có tiếng gà gáy chó sủa, thành Tấn Dương dần dần khôi phục lại cảnh tượng phồn vinh. Sau khi Lưu Thông đánh chiếm Lạc Dương, binh lực của triều Tây Tấn ở miền bắc phần lớn bị đánh tan chỉ còn lại 1 mình Lưu Côn kiên trì chiến đấu ở dải Tịnh Châu. Sau khi Tấn Mẫn Đế lên ngôi ở Trường An, liền cử người phong Lưu Côn làm đại tướng quân, giao cho ông chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự ở Tịnh Châu. Lúc đó, đại tướng Hán là Thạch Lặc đã chiếm được Tương Quốc (ở phía tây nam Hình Đài, tỉnh Hà Bắc ngày nay), tập kết 1 đội quân lớn tới mấy chục vạn, toan đánh chiếm Tịnh Châu. Lưu Côn ở vào tình thế bị kẹt giữa Lưu Thông ở phía nam và Thạch Lặc ở phía bắc, khó khăn đến cực điểm. Nhưng ông không hề sợ hãi, không chịu lui và co ngụm lại. Trong sớ tấu gửi lên Tấn Mẫn Đế, ông viết: "Hạ thần không thể đội trời chung với Lưu Thông, Thạch Lặc. Nếu không dẹp yên được chúng, thần quyết không về triều".

Theo kể lại, khi Lưu Côn ở Tấn Dương, có lần bị kỵ binh Hung Nô bao vây nhiều lớp. Thành Tấn Dương rất ít quân, không thể đánh lui được địch. Mọi người rất sợ hãi, nhưng Lưu Côn vẫn bình thản. Đêm tới, ông trèo lên thành lầu, hú từng hồi dài dưới ánh trăng. Tiếng hú nghe bi thương, ai oán. Quân Hung Nô nghe thấy, đều buồn rầu than thở. Tới nửa đêm, Lưu Côn lại sai người dùng sáo Hồ (1 nhạc cụ của các dân tộc miền bắc Trung Quốc), thổi các điệu nhạc Hung Nô, gợi lên tình cảm nhớ quê hương. Binh lính Hung Nô xúc động rơi nước mắt. Trước khi trời sáng, tiếng sáo Hồ lại cất lên, binh lính Hung Nô tự động lui hết.

Sau đó, Lưu Côn bắt liên lạc với thủ lĩnh tộc Tiên Ty, cùng nhau phối hợp đánh Lưu Thông, nhưng không thành công. Tiếp đó, Thạch Lặc tiến công Lạc Bình (ở tây nam Tích Dương, tỉnh Sơn Tây ngày nay). Lưu Côn phái quân đi cứu, bị Thạch Lặc dùng tinh binh mai phục dọc đường, tiêu diệt hầu như toàn bộ. Đúng vào lúc đó, lại truyền tới tin Lưu Thông đã chiếm Trường An, bắt được Mẫn Đế. Tình hình diễn biến tới mức đó, thì dù có ngoan cường dũng cảm đến đâu cũng khó lòng giữ được Tịnh Châu, Lưu Côn đành dẫn tàn binh chạy lên U Châu.

HỌ VƯƠNG GIÚP HỌ TƯ MÃ

Trong khi Lưu Thông chiếm được Trường An, thì miền nam Trung Quốc vẫn còn nằm trong tay các quan lại địa phương triều Tấn. Trước khi bị bắt, Tấn Mẫn Đế để lại chiếu thư yêu cầu Lang Nha vương Tư Mã Duệ lúc đó đang trấn thủ ở Kiến Khang (vốn có tên là Kiến Nghiệp, nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô) kế thừa ngôi hoàng đế. Trong hoàng tộc Tây Tấn, địa vị và danh vọng của Tư Mã Duệ không cao. Thời Tấn Hoài Đế, ông được phái xuống trấn thủ miền Giang Nam. Khi nhậm chức, ông mang theo 1 số quan chức có học vấn từ miền bắc xuống, trong đó, người có danh vọng nhất là Vương Đạo. Tư Mã Duệ coi Vương Đạo là người bạn chí thiết, luôn làm theo ý kiến và mưu kế do Vương Đạo bày cho. Khi mới tới Kiến Khang, Tư Mã Duệ bị 1 số địa chủ thuộc các dòng họ lớn coi thường vì địa vị và tiếng tăm của ông tương đối thấp. Họ không chịu đến chào quan trấn thủ mới. Thấy thế, Tư Mã Duệ hơi hoang mang, liền nhờ Vương Đạo bày cho cách đối phó.

Vương Đạo có người anh họ là Vương Đôn, lúc đó làm thứ sử Dương Châu, có thế lực tương đối lớn. Vương Đạo mời Vương Đôn đến Kiến Khang cùng nhau bàn bạc, tìm ra 1 biện pháp. Ngày mồng 3 tháng 3 năm đó, theo phong tục địa phương là ngày lễ trừ tai, dân chúng và quan chức đều ra sông để "cầu phúc tiêu tai". Hôm đó, Vương Đạo để Tư Mã Duệ ngồi trên 1 cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy, có 1 đội nghi trượng đánh chiêng mở đường, tiến ra bờ sông. Vương Đạo, Vương Đôn và các quan chức, danh sĩ người miền bắc cưỡi những con ngựa cao lớn đi sau kiệu, hình thành 1 đội ngũ uy nghiêm, hùng dũng. Hôm đó, người đi xem lễ bên bờ sông ở Kiến Khanh rất đông. Mọi người thấy cảnh tượng chưa từng thấy đó thì đều náo động, xôn xao.

Cố Vinh là 1 đại địa chủ có tiếng ở vùng Giang Nam cùng 1 số đại địa chủ khác nghe được tin đó, đều hé rèm cửa nhìn ra. Họ thấy những nhân vật có uy vọng cao như Vương Đạo, Vương Đôn đều tôn kính Tư Mã Duệ như vậy thì đều giật mình. Để chuộc lại lỗi đã ngạo mạn không tới chào hôm trước, tất cả không ai bảo ai đều ra đứng xếp hàng ven đường, bái kiến Tư Mã Duệ. Từ đó, uy tín của Tư Mã Duệ lên cao trong giới địa chủ, sĩ tộc Giang Nam. Tiếp theo, Vương Đạo lại khuyên Tư Mã Duệ: "Cố Vinh và Hạ Tuấn là danh sĩ nổi tiếng ở vùng này. Chỉ cần lôi kéo được hai người đó thì không còn phải lo người khác không theo chúng ta nữa".

Tư Mã Duệ cử Vương Đạo đến tận nhà Cố Vinh, Hạ Tuấn, mời ra làm quan. Cả 2 phấn khởi đến bái kiến Tư Mã Duệ. Tư Mã Duệ ân cần tiếp kiến và phong quan tước cho từng người. Từ đó về sau, các dòng họ lớn ở Giang Nam đều tới tấp quây quần xung quanh Tư Mã Duệ. Địa vị của ông ở Kiến Khang vì vậy ngày càng vững chắc. Sau khi miền bắc xảy ra đại loạn, các danh gia, địa chủ ở miền bắc dồn dập chạy xuống ở miền nam chạy nạn. Vương Đạo lại khuyên Tư Mã Duệ chọn những người có uy tín nhất trong số đó, mời vào làm việc trong vương phủ. Nghe theo ý kiến Vương Đạo, Tư Mã Duệ trước sau đã mời 106 người vào làm cho vương phủ. Nhờ sự sắp đặt mưu kế của Vương Đạo mà Tư Mã Duệ chinh phục được lòng tin của của sĩ tộc Giang Nam, lại tiếp nhận được nhân tài từ miền bắc xuống củng cố, vững chắc được địa vị. Do đó, đối với Vương Đạo, Tư Mã Duệ vô cùng cảm kích. Ông nói với Vương Đạo: "Ngài đúng là Tiêu Hà của ta!".

Năm 317, Tư Mã Duệ lên ngôi hoàng đế ở Kiến Khang, xây dựng lại triều Tấn, đó là Tấn Nguyên Đế. Từ đó về sau, quốc đô của triều Tấn đặt tại Kiến Khang. Để phân biệt với triều Tấn do Tư Mã Viêm kiến lập, đóng đô ở Lạc Dương, được gọi là Tây Tấn, lịch sử gọi triều Tấn do Tư Mã Duệ xây dựng là Đông Tấn. Hôm Tấn Nguyên Đế làm lễ đăng quang, Vương Đạo cùng bá quan văn võ vào cung triều kiến. Tấn Nguyên Đế nhìn thấy Vương Đạo, liền từ ngai vàng đứng dậy, nắm chặt tay kéo tới ngai vàng, bảo Vương Đạo cùng ngồi để nhận sự triều bái của bách quan. Cử chỉ bất ngờ đó làm Vương Đạo rất hoảng sợ vì dưới thời phong kiến tuyệt đối không cho phép có việc như vậy. Vương Đạo cuống quýt kiếu từ, nói: "Muôn tâu bệ hạ, không thể như thế được. Nếu mặt trời cùng ở một chỗ với muôn vật, thì muôn vật làm sao có thể nhận được ánh sáng mặt trời?".

Lời kiếu từ khôn khéo mang tính tâng bốc đó khiến Tấn Nguyên Đế vô cùng phấn khởi. Ông không ép Vương Đạo nữa, nhưng ông biết rất rõ ràng mình được kế thừa đế vị, hoàn toàn là do sức của anh em Vương Đạo, Vương Đôn. Vì vậy, Tấn Nguyên Đế đặc biệt tôn trọng họ. Ông phong Vương Đạo làm thượng thư, nắm đặc quyền chính trị trong triều, và trao cho Vương Đôn trách nhiệm tổng quản về quân sự, Trong số con em họ Vương, rất nhiều người được phong các chức trọng yếu. Đương thời, trong dân gian lưu truyền câu nói: "Vương với Mã, chung thiên hạ", để tỏ ý rằng họ Vương cùng họ Tư Mã của hoàng tộc cùng nhau nắm đại quyền Đông Tấn.

Vương Đôn nắm quyền về quân sự, tự cho mình là quan trọng, không coi Tấn Nguyên Đế vào đâu. Tấn Nguyên Đế cũng thấy được sự lộng hành của Vương Đôn, liền trọng dụng thêm các đại thần Lưu Nguy và Điêu Hiệp, rồi lạnh nhạt dần với anh em họ Vương. Do vậy, triều Đông Tấn vừa được thành lập thì nội bộ đã xuất hiện sự rạn nứt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx