LƯU DỤ BÀY TRẬN
Sau khi Tấn An Đế trở lại ngôi hoàng đế, Lưu Dụ hoàn toàn nắm quyền ở Đông Tấn. Xuất thân là 1 chức quan võ nhỏ, Lưu Dụ không có địa vị gì trong giới sĩ tộc. Để nâng cao uy tín của mình, ông quyết định phát động cuộc bắc phạt. Năm 409, Lưu Dụ dẫn quân xuất phát từ Kiến Khang, trước hết bao vậy kinh đô nước Nam Yên (1 trong 16 nước thời Ngũ Hồ thập lục quốc ở miền bắc Trung Quốc) là Quảng Cố (nay ở tây bắc Ích Đô, Sơn Đông). Quốc vương Nam Yên là Mộ Dung Siêu sợ hãi, vội cử người cầu cứu triều Hậu Tần. Lúc đó, ở miền bắc, Hậu Tần là 1 quốc gia tương đối lớn. Quốc vương Hậu Tần là Diêu Hưng phái sứ giả đến đại doanh quân Tấn nói: "Nước Yên là nước lân bang hữu hảo của chúng tôi. Chúng tôi đã cử mười vạn đại quân đóng sẵn tại Lạc Dương. Nếu các ngài nhất định cứ uy hiếp nước Yên, chúng tôi sẽ không thể ngồi yên nhìn mà không cứu".
Nghe lời dọa của sứ giả Hậu Tần, Lưu Dụ cười nhạt nói: "Ngươi về nói với Diêu Hưng, ta vốn đã định diệt xong nước Yên, sẽ nghỉ ngơi chỉnh đốn trong ba năm rồi sẽ tiêu diệt các ngươi. nay các ngươi lại muốn đến nộp mạng ngay thì hãy đến đi".
Sứ giả ra về, có viên quan dưới quyền lấy làm lạ hỏi: "Tướng quân trả lời như thế có khác gì chọc tức Diêu Hưng. Nếu quân Tần đến thật thì ta đối phó thế nào?".
Lưu Dụ thản nhiên đáp: "Ông không hiểu được thực trạng. Tục ngữ nói "Binh quý thần tốc", nếu chúng muốn đem quân tới thật, thì phải lặng lẽ hành động, việc gì phải cử người đến báo cho ta biết? Đây hoàn toàn là trò hư trương thanh thế của Diêu Hưng, để dọa chúng ta. Theo ta, chúng thân lo không xong, còn có sức đâu mà đi cứu người khác".
Đúng như nhận định của Lưu Dụ, lúc đó Hậu Tần còn đang mắc vào cuộc chiến với 1 nước nhỏ là nước Hạ, mà lại thua trận thì cứu Nam Yên sao được. Không lâu sau, Lưu Dụ tiêu diệt được Nam Yên (năm 410). Mấy năm sau, Lưu Dụ bình định các thế lực cát cứ ở miền nam rồi lại tiến hành bắc phạt, tấn công Hậu Tần. Ông cử các đại tướng Vương Trấn Ác, Đàn Đạo Tế dẫn bộ binh từ vùng Hoài Hà tiến công lên Lạc Dương; còn bản thân tự dẫn thủy quân ngược dòng Hoàng Hà tiến lên. Lúc đó, nước Bắc Ngụy do người Tiên Ty xây dựng lên ở miền bắc bắt đầu lớn mạnh, đã phát triển thế lực xuống sát bờ bắc Hoàng Hà. Bắc Ngụy tập kết hơn 10 vạn đại quân ở bờ bắc, uy hiếp quân Tấn. Thủy quân của Lưu Dụ đi trên Hoàng Hà, có lúc gặp nước xiết, gió lớn, thuyền dạt vào bờ bắc, liền bị quân Bắc Ngụy tiến công. Lưu Dụ cho đổ bộ lên bờ bắc đánh lại quân Ngụy, quân Ngụy liền lui chạy; nhưng khi quân Tấn xuống thuyền, quân Ngụy lại ra cản trở. Quân Tấn cứ tới lui vất vả, không tiến được bao nhiêu.
Lưu Dụ liền cử 1 viên tướng mang 700 quân và 100 cỗ binh xa đổ bộ lên bờ bắc, bày trận hình bán nguyệt bên bờ sông. Hai cánh trận bám sát bờ sông, phần giữa phình ra, trong đó bày các xe trận, trên mỗi xe cắm 1 lá cờ bằng lông trắng. Vì hình dạng đó giống như nửa mặt trăng, nên được gọi là "Thế trận vành trăng khuyết". Quân Ngụy từ xa, quan sát thấy thế trận như vậy, không hiểu ý đối phương ra sao, nên không dám hành động. Lát sau, lại thấy trên chiếc xe ở giữa có người giương cao cờ trắng rồi thấy 2 bên sườn ùa ra hơn 2000 binh sĩ, khiêng 100 cây cung lớn, đặt trên các binh xa. Thấy cung cách như vậy, quân Ngụy cho rằng chẳng có gì ghê gớm, liền tập trung 3 vạn kỵ binh, xung phong tiến đánh vào trận địa Tấn. Hơn 100 cây cung lớn trên binh xa Tấn cùng bắn, nhưng vẫn không chặn nổi quân Ngụy. Ngờ đâu, phía sau thế trận hình trăng khuyết còn bố trí hơn 100 ngọn lao dài, lắp trên những dây cung cực lớn. Loại lao này dài tới ba bốn thước, đầu rất bén nhọn. Khi quân Ngụy đang ồ ạt xông tới, quân Tấn dùng búa lớn đánh bật chốt các dây cung, các mũi lao bay vùn vụt ra, mỗi mũi có thể Xuyên qua ba bốn lính Ngụy. Trong chốc lát, trong số 3 vạn quân kỵ của phía Ngụy đã bị giết chết mấy ngàn. Số khác không biết rõ đằng sau trận quân Tấn còn có bao nhiêu vũ khí ghê gớm hơn loại này, nên sợ hãi quay ngựa chạy thục mạng. Toàn đội hình tan vỡ. Quân Tấn thừa thắng truy kích, giết được khá nhiều quân Ngụy.
Lưu Dụ đánh bại quân Ngụy, mở thông đường thủy, tiếp tục tiến quân lên phía tây. Lúc đó, bộ binh do Vương Trấn Ác và Đàn Đạo Tế chỉ huy đã hạ được thành Lạc Dương, cùng đem quân vào Đồng Quan hội họp với Lưu Dụ. Tiếp đó, Lưu Dụ cử Vương Trấn Ác đem quân đánh Trường An, diệt nhà Hậu Tần (năm 417). Diệt xong Hậu Tần, Lưu Dụ để Vương Trấn Ác cùng đứa con trai mới 12 tuổi của mình ở lại Trường An, rồi dẫn quân về nam. Mấy năm sau, Tấn An Đế chết. Lưu Dụ cho rằng thời cơ đã chín, liền cử người thuyết phục Tấn Cung Đế mới lên ngôi nhường lại ngôi hoàng đế cho mình. Năm 420, Lưu Dụ lên ngôi, đổi quốc hiệu là Tống. Lịch sử gọi là Tiền Tống. Đó là Tống Vũ Đế. Triều Đông Tấn diệt vong sau 104 năm thống trị miền nam Trung Quốc.
ĐÀN ĐẠO TẾ ĐONG CÁT GIẢ LÀM LƯƠNG
Sau khi Tống Vũ Đế Lưu Dụ thành lập triều Tống (Tiền Tống) được 19 năm (tức năm 439) thì ở miền bắc, Thái Vũ Đế của Bắc Ngụy là Thác Bạt Đào (họ Thác Bạt, thuộc tộc Tiên Ty) tiêu diệt nước cuối cùng trong 16 nước là Bắc Lương, thống nhất cả miền bắc. Như vậy, trong khoảng thời gian 170 năm tính từ khi Đông Tấn diệt vong (năm 420), lịch sử Trung Quốc xuất hiện cục diện 2 miền nam bắc, có 2 hệ thống chính quyền đối chọi nhau. Ở miền nam, có 4 triều đại kế tiếp nhau là Tống, Tề, Lương, Trần; ở miền bắc mở đầu là Bắc Ngụy, sau phân thành Đông Ngụy, Tây Ngụy, 2 nước này lần lượt bị Bắc Tề, Bắc Chu thay thế. Lịch sử gọi chung cả giai đoạn đó là Nam Bắc Triều.
Tống Vũ Đế làm hoàng đế được 2 năm, đến năm thứ 3 thì bị bệnh mất. Con Vũ Đế là thái tử Lưu Nghĩa Phù, mới 17 tuổi lên nối ngôi (năm 423), tỏ ra thiếu đức độ nên sau 1 năm (năm 424) bị các đại thần phế truất, giáng xuống làm Doanh Dương vương. Con thứ 3 của Lưu Dụ là Lưu Nghĩa Long được phò tá lên làm hoàng đế. Đó là Tống Văn Đế. Lúc đó, Bắc Ngụy mở cuộc tiến công lớn, vượt qua Hoàng Hà, xâm chiếm 1 vùng đất rộng phía nam sông. Tống Văn Đế phái Đàn Đạo Tế dẫn đại quân chống lại. Có lần, quân Bắc Ngụy tiến công Tế Nam, Đàn Đạo Tế dẫn quân tới bên sông Tế Thủy, trong hơn 20 ngày, giao chiến với quân Bắc Ngụy hơn 30 trận; liên tục thắng lợi, truy kích địch tới tận Lịch Thành (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Vì thắng trận nên Đàn Đạo Tế có phần kiêu ngạo và lơi lỏng trong phòng bị. Quân Ngụy nhằm cơ hội đó, dùng 2 toán kỵ binh bất ngờ đánh kẹp vào 2 mặt trước sau quân Tống, đốt hết lương thảo và xe tải lương thực.
Quân của Đàn Đạo Tế tuy anh dũng thiện chiến, nhưng bị cạn lương, không thể kéo dài cuộc chiến đấu, đành chuẩn bị rút khỏi Lịch Thành. Trong quân Tấn có 1 tên lính chạy sang hàng quân Ngụy, nói hết tình hình khó khăn về lương thực của Tống cho Ngụy biết. Bắc Ngụy liền phái đại tướng đem quân đuổi quân Tống, nhằm bao vây tiêu diệt đội quân của Đàn Đạo Tế. Các tướng sĩ quân Tống thấy quân Ngụy hình thành thế bao vây thì đều lo sợ, 1 số binh lính bắt đầu lẻn trốn. Nhưng Đàn Đạo Tế lại ung dung hạ lệnh cho tướng sĩ đóng trại, dừng lại nghỉ ngơi. Tối hôm đó trong doanh trại quân Tống đèn đuốc sáng trưng, Đàn Đạo Tế thân đến kiểm tra lương thực trong doanh trại, 1 số lính tay cầm bó thẻ tre cao giọng đếm số lượng bao lương thực đong được, số khác dùng đấu đong gạo đóng vào bao. Thám tử của quân Ngụy từ xa quan sát thấy bao nào cũng được đong đầy gạo trắng, số bao gạo ngày càng chất cao, được che đậy và có lính canh gác nghiêm mật. Tướng Ngụy được tin, cho rằng là tên lính Tống trốn sang là gian tế trá hình để đánh lừa mình, liền sai đem chém.
Kỳ thực, trò dàn cảnh trên chỉ là 1 mẹo của Đàn Đạo Tế. Trong doanh trại của Đàn Đạo Tế quả đã hết lương thực. Ông bày cho quân lính đong cát đổ vào bao, mỗi bao phủ 1 ít gạo lên trên, thám tử Ngụy quan sát từ xa nên không phân biệt được. Trời sáng, Đàn Đạo Tế hạ lệnh cho tướng sĩ khôi giáp chỉnh tề, đường hoàng theo đường lớn, di chuyển về phía nam. Tướng Ngụy bị Đàn Đạo Tế đánh thua nhiều trận, lại thấy quân Tống lương thực sung túc, đội ngũ hùng dũng, nghiêm chỉnh thì có ý sợ; thêm nữa thấy quân Tấn lui quân 1 cách ung dung, có vẻ như khiêu khích thì ngờ là có mai phục ở đâu đó nên không dám đuổi theo. Nhờ sự trấn tĩnh và mưu trí, Đàn Đạo Tế đã bảo toàn được quân Tống, đưa toàn quân rút lui nguyên vẹn. Từ đó, quân Bắc Ngụy không dám mạo hiểm tiến đánh Tống nữa.
Đàn Đạo Tế làm tướng sĩ suốt 2 triều Tống Vũ Đế và Tống Văn Đế, nhiều lần lập công lớn. Nhưng chính vì ông có công to, uy tín cao lại khiến triều đình Tống nghi kỵ. Gặp khi Tống Văn Đế lâm bệnh nặng, 1 người anh em trong hoàng tộc là Lưu Nghĩa Khang bàn bạc với tâm phúc: "Nếu chẳng may hoàng thượng có mệnh hệ nào, thì Đàn Đạo Tế sẽ là mối họa".
Họ liền dùng danh nghĩa Tống Văn Đế, hạ chiếu thư khép Đàn Đạo Tế vào tội tụ tập bọn người xấu, toan làm phản, rồi bắt và xử tội chết. Trong lúc bị giam, Đàn Đạo Tế phẫn nộ tột cùng, trợn mắt, lột khăn trên đầu ném xuống đất nói: "Các ngươi đang tự phá hoại Vạn lý trường thành của mình".
Cuối cùng ông vẫn bị giết. Tin đó truyền tới Bắc Ngụy. Các tướng lĩnh Ngụy vui mừng chúc tụng nhau: "Đàn Đạo Tế bị giết, phương nam không còn kẻ nào đáng sợ nữa!".
Sau sự việc này, Tống Văn Đế rất hối tiếc. Khi đại quân Bắc Ngụy đánh tới thành Trảo Bộ (nay là Lục Hợp, Giang Tô) thuộc Giang Bắc, Tống Văn Đế trèo lên thành đá ở Kiến Khang quan sát, không ngăn được lời than thở: "Nếu Đàn Đạo Tế còn sống, thì kỵ binh Hồ không thể hoành hành hung hãn đến mức này được!".
@by txiuqw4