Giai tầng thống trị trong triều Bắc Ngụy thuộc họ Thác Bạt trong tộc Tiên Ty. Đầu thời Đông Tấn, Thác Bạt còn là 1 bộ lạc du mục ở miền đông bắc Trung Quốc. Sau đó họ tiếp thu văn hóa Hán, dần dần xây dựng và phát triển chế độ kinh tế phong kiến. Năm 386, quí tộc Tiên Ty là Thác Bạt Khuê xây dựng triều Bắc Ngụy, đó là Ngụy Đạo Vũ Đế. Sau khi xây dựng vương triều, Ngụy Đạo Vũ Đế sử dụng nhiều kẻ sĩ Hán tộc làm mưu sĩ. Trong số đó người nổi tiếng nhất là Thôi Khiết.
Thôi Khiết đã có cống hiến lớn trong việc giúp Bắc Ngụy tiến hành chiến tranh để thống nhất miền bắc Trung Quốc, được 3 đời vua của Bắc Ngụy hết sức tín nhiệm. Sau khi Ngụy Thái Vũ Đế (hoàng đế thứ 3 của Bắc Ngụy) lên ngôi, ông làm quan tư đồ, nắm đại quyền chính trị trong triều và cử hơn 10 kẻ sĩ Hán tộc làm quận thú các địa phương. Do đó, giữa Thôi Khiết và những quan chức khác người tộc Tiên Ty nảy sinh mâu thuẫn. Ngụy Thái Vũ Đế cử Thôi Khiết cùng mấy văn nhân khác biên soạn bộ lịch sử nước Ngụy. Ngụy Thái Vũ Đế dặn họ là viết quốc sử cần căn cứ vào thực lục (thực lục là 1 thể tài của biên niên sử, chuyên ghi chép những chuyện lớn trong thời gian trị vì của mỗi hoàng đế). Dựa theo yêu cầu đó, Thôi Khiết và các đồng sự của ông thu thập mọi tư liệu về các đời trước, biên soạn thành cuốn quốc sử của Bắc Ngụy. Thời đó, mục đích soạn quốc sử của các hoàng đế vốn chỉ để lưu lại cho con cháu trong hoàng thất xem. Nhưng trong số thủ hạ của Thôi Khiết lại có 2 văn nhân có dự định riêng, khuyên Thôi Khiết đem quốc sử khắc trên bia đá cho bách quan cùng xem, để nâng cao uy tín và tiếng tăm của Thôi Khiết. Bản thân Thôi Khiết cũng cho là mình giữ chức cao, lại có công lớn nên không e ngại gì, liền huy động nhân công và vật liệu, khắc toàn bộ pho quốc sử lên bia đá rồi đem các bia đó dựng 2 bên đường gần đàn tế trời ở ngoại ô kinh đô.
Những điều ghi chép trong quốc sử đều là sự thực, nhưng vì các đời trước của Bắc Ngụy do trình độ phát triển văn hóa thấp, có nhiều tập tục lạc hậu, nay đem viết ra thì thấy mất thể diện cho hoàng thất. Người đi đường xem bia đá, bình luận sôi nổi, cho rằng người viết sử đã bêu rếu triều đình. Quí tộc Tiên Ty là những người phản đối mạnh mẽ nhất. Họ cáo giác với Ngụy Thái Vũ Đế là bọn Thôi Khiết có dụng tâm bêu xấu, xúc phạm cả tiên đế và đương kim hoàng thượng. Ngụy Thái Vũ Đế vốn đã cho rằng Thôi Khiết lộng quyền, dám tự tiện quyết định nhiều việc, nay thấy sự việc này thì nổi trận lôi đình, hạ lệnh bắt tất cả những người tham gia viết quốc sử để xét hỏi. Trong số người tham gia, có Cao Doãn là thầy dạy học của thái tử. Thái tử nghe được tin đó thì hết sức hoảng hốt, liền mời Cao Doãn đến Đông cung (là cung dành riêng cho thái tử), nói với ông: "Ngày mai tôi sẽ cùng tiên sinh đi triều kiến hoàng thượng. Nếu hoàng thượng hỏi tiên sinh, tiên sinh cứ trả lời theo ý của tôi, chớ có nói gì khác".
Cao Doãn không hiểu đầu đuôi ra sao nên không trả lời gì. Hôm sau, ông theo thái tử vào triều kiến. Thái tử lên điện, gặp Thái Vũ Đế nói: "Cao Doãn xưa nay là người nghiêm túc, thận trọng lại giữ chức quan thấp. Vụ án quốc sử hoàn toàn là do Thôi Khiết chịu trách nhiệm, thần tử cúi xin bệ hạ tha tội cho Cao Doãn".
Thái Vũ Đế gọi Cao Doãn lên hỏi: "Quốc sử hoàn toàn do Thôi Khiết viết có phải không?".
Cao Doãn thật thà đáp: "Thôi Khiết bận nhiều việc, chỉ nắm bố cục lớn, còn nội dung cụ thể đều do hạ thần và mấy người khác viết".
Thái Vũ Đế ngoảnh đầu lại nói với thái tử: "Ngươi xem, tội của Cao Doãn còn nặng hơn Thôi Khiết nữa, sao có thể tha thứ được?".
Thái tử vội bẩm: "Cao Doãn thấy bệ hạ thì quá sợ hãi nên nói năng nhầm lẫn lung tung. Thần tử vừa hỏi ông ta, ông ta nói là do Thôi Khiết viết mà".
Thái Vũ Đế lại hỏi Cao Doãn: "Có đúng như vậy không?".
Cao Doãn đáp: "Hạ thần phạm tội, sao còn dám nói dối bệ hạ. Vừa rồi thái tử nói như vậy là muốn cứu tính mạng hạ thần. Kỳ thực, thái tử không hề hỏi hạ thần và hạ thần cũng không nói những lời trên".
Ngụy Thái Vũ Đế thấy Cao Doãn trung thực thẳng thắn như vậy, có chiều cảm động, liền nói với thái tử: "Cao Doãn đứng trước cái chết mà vẫn không nói dối, thật hết sức đáng quí. Ta tha tội cho ông ta".
Sau đó, Ngụy Thái Vũ Đế sai giải Thôi Khiết đến xét hỏi. Thôi Khiết quá sợ hãi, mặt mày nhợt nhạt, không biện bác được câu nào. Thái Vũ Đế giận dữ, yêu cầu Cao Doãn khởi thảo chiếu thư, xử chém cả nhà Thôi Khiết. Cao Doãn trở về cung thái tử, do dự rất lâu vẫn không viết được chữ nào. Thái Vũ Đế mấy lần cử người đến thúc giục, Cao Doãn liền nói: "Để tôi xin được tâu lại với hoàng thượng một lần nữa". Rồi lại xin vào cung tâu với Thái Vũ Đế: "Thần không được rõ Thôi Khiết còn phạm tội gì nữa. Nếu chỉ vì viết quốc sử, xúc phạm đến triều đình, thì không nên xử tội chết".
Ngụy Thái Vũ Đế cảm thấy Cao Doãn quả không biết thân phận, liền hét 1 tiếng, gọi vũ sĩ đến trói lại. Sau nhờ thái tử van xin tha thiết, Thái Vũ Đế nguôi giận mới tha cho. Sau chuyện đó, thái tử trách Cao Doãn: "Người ta cần phải theo tình hình mà cư xử. Tôi đã hết lòng van xin cho tiên sinh, mà sao tiên sinh cứ làm hoàng thượng nổi giận. Nghĩ lại việc vừa xảy ra, tôi vẫn còn thấy sợ hãi".
Cao Doãn nói: "Thôi Khiết làm việc đó, có sai lầm là nhằm đề cao cá nhân. Nhưng trong việc biên soạn lịch sử, ghi chép hoạt động của các hoàng đế, việc đúng việc sai của triều chính thì ông ta đều làm đúng như sự thực. Thêm nữa, quốc sử là do Thôi Khiết và chúng tôi cùng làm. Nay có thiếu sót sao có thể dồn hết lỗi cho ông ta. Điện hạ hết lòng muốn cứu tôi, tôi vô cùng cảm kích, nhưng nếu bảo tôi vì tính mạng của mình mà nói những lời trái với lương tâm, thì tôi không làm được".
Cuối cùng, Ngụy Thái Vũ Đế vẫn không tha cho Thôi Khiết, đã sai chém cả nhà Thôi Khiết và mấy người thân thích. Nhưng nhờ sự can gián thẳng thắn của Cao Doãn, nhiều người khác khỏi bị liên lụy. Chính Thái Vũ Đế đã nói, nếu không có Cao Doãn, ông ta có thể đã giết chết mấy ngàn người. Năm 452, Ngụy Thái Vũ Đế bị hoạn quan giết chết. Một năm sau (453), ở Nam Triều, con Tống Văn Đế là Lưu Tuấn lên ngôi, đó là Tống Hiếu Vũ Đế.
@by txiuqw4