Sau khi Đường Thái Tông tiêu diệt Đông Đột Quyền, liền phái Lý Tịnh đi đánh Thổ Cốc Hồn (nay thuộc tỉnh Thanh Hải), mở thông con đường sang Tây Vực. Các nước Tây Vực dồn dập qua lại với triều Đường. Nước Thổ Phồn (do người Tạng dựng lên ở vùng cao nguyên Thanh - Tạng) ở xa cũng phái sứ giả tới. Lúc đó quốc vương Thổ Phồn là Tùng Tán Can Bố, 1 người có tài kiêm văn võ. Năm 13 tuổi, ông đã tinh thông việc cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm, đồng thời còn thích dân ca, giỏi làm thơ, được nhân dân Thổ Phồn yêu mến. Sau khi cha mất, quí tộc Thổ Phồn nổi loạn, Tùng Tán Can Bố nhờ lòng dũng cảm và tài trí, đã nhanh chóng dẹp yên nổi loạn. Ông không thỏa mãn với đời sống quí tộc của Thổ Phồn, mà với tinh thần cầu học, đã phái sứ giả đến Trường An lập quan hệ với triều Đường để học tập văn hóa Đường.
Đường Thái Tông cũng đã nghe nói tới danh tiếng Thổ Phồn, nên đồng ý kết giao, đồng thời còn cử người tới thăm Thổ Phồn. Hai năm sau, Tùng Tán Can Bố lại phái sứ giả sang cầu hôn với hoàng thất Đường. Đường Thái Tông không thuận. Sứ giả sợ bị Tùng Tán Can Bố quở trách là không hoàn thành nhiệm vụ, nên khi về nước, liền nói dối rằng: "Thiên tử nhà Đường sắp đồng ý gả công chúa cho quốc vương thì quốc vương Thổ Cốc Hồn cũng phái sứ giả tới cầu hôn. Vì vậy đã gác việc cầu hôn của ta lại".
Thổ Phồn và Thổ Cốc Hồn vốn đã có xích mích, nên khi Tùng Tác Can Bố nghe sứ giả nói thế thì nổi giận, liền cử 20 vạn quân tiến công Thổ Cốc Hồn. Quốc vương Thổ Cốc Hồn thấy thế quân Thổ Phồn quá mạnh, không chống đỡ nổi, liền di chuyển tới vùng Hoàn Hải. Tùng Tán Can Bố đánh bại quân Thổ Cốc Hồn, liền thừa thắng tiến tới Tùng Châu (nay là Tùng Phiên, Tứ Xuyên) thuộc đất đai triều Đường và đánh thắng quân Đường ở đây. Tùng Tán Can Bố liền huênh hoang, phái sứ giả đến uy hiếp triều Đường: "Nếu không đem công chúa gả cho ta, ta sẽ đem quân đánh tới Trường An".
Đường Thái Tông nổi giận, phái đại tướng Hầu Quân Tập đem quân đánh lại Thổ Phồn. Các tướng sĩ Thổ Phồn không muốn Tùng Tán Can Bố gây chiến tranh với triều Đường, nên khi nghe tin đại quân của Đường sắp tới, đều xin lui quân. Tùng Tán Can Bố cũng không thể làm liều để chuốc lấy thất bại nên cử người giảng hòa. Đường Thái Tông thấy như vậy cũng hợp ý mình nên đồng ý. Năm 640, Tùng Tán Can Bố lại phái 1 sứ giả có tài là Lộc Đông Tán dẫn phái bộ 100 người, đem lễ hậu gồm 5000 lạng vàng và rất nhiều châu báu, đến Trường An cầu hôn. Đường Thái Tông tiếp kiến Lộc Đông Tán. Lộc Đông Tán trổ tài ăn nói, trình bày với Đường Thái Tông nguyện ước chân thành của vị quốc vương tài giỏi và trẻ tuổi của mình muốn được sánh đôi với công chúa Đại Đường. Đường Thái Tông rất hài lòng, liền chọn trong hoàng tộc 1 cô gái xinh đẹp, dịu hiền, phong làm Văn Thành công chúa và gả cho Tùng Tán Can Bố.
Theo truyền thuyết, sứ giả Lộc Đông Tán là 1 người rất thông minh. Về sau, nhân dân trên cao nguyên Thanh Tạng có lưu truyền câu chuyện về "Vượt năm khó khăn để cầu hôn". Nội dung đại lược như sau: khi Lộc Đông Tán tới Trường An, thay mặt quốc vương Tùng Tán Can Bố cầu hôn công chúa Đại Đường thì cũng có nhiều sứ giả các nước đến cầu hôn cho quốc vương mình. Đường Thái Tông ra điều kiện: sứ giả nào giải quyết được 5 vấn đề nêu ra thì sẽ gả công chúa cho quốc vương nước đó. Việc thứ nhất là làm sao xâu được sợi tơ cực mảnh qua hết 9 lỗ nhỏ trên 1 viên minh châu. Lộc Đông Tán nghĩ ra 1 cách, buộc sợi tơ đó vào bụng 1 con kiến rồi cho con kiến lần lượt chui qua 9 lỗ nhỏ trên viên ngọc. Nhờ đó, đã được xâu sợi tơ. Việc thứ 2 là trong 1 đàn ngựa có 100 ngựa mẹ và 100 ngựa con, làm sao nhận ra đúng từng cặp mẹ con một. Lộc Đông Tán đem nhốt riêng 100 ngựa mẹ và 100 ngựa con ra 2 nơi riêng biệt trong 1 ngày, không cho ngựa con ăn uống gì. Hôm sau thả cả 2 đàn ra bãi. Ngựa con quá đói, đều chạy đến bú mẹ. Vì vậy, việc nhận ra từng cặp mẹ con rất dễ dàng. Lộc Đông Tán vượt tiếp 2 cuộc khảo sát không mấy khó khăn. Đến lần khảo sát cuối cùng, là làm sao phân biệt và chỉ ra được trong 2500 mĩ nữ trẻ trung xinh đẹp, ai là công chúa Văn Thành. Với cặp mắt tinh tường và nhạy bén, Lộc Đông Tán lại vượt lên trên tất cả các sứ giả khác, nhận ra đúng vị công chúa cần tìm.
Truyền thuyết đó không hẳn là sự thực. Nhưng qua đó có thể thấy nguyện vọng của nhân dân Thổ Phồn muốn có tình hữu hảo với Đại Đường và sự khen ngợi của họ trước tài năng của Lộc Đông Tán.
Năm 641, cô gái 24 tuổi mang tên công chúa Văn Thành, được Giang Hạ vương Lý Đạo Tông hộ tống lên đường sang Thổ Phồn. Triều Đường đã chuẩn bị cho công chúa rất nhiều của hồi môn. Vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc đương nhiên là rất nhiều. Ngoài ra còn có nhiều đặc sản như giống lúa, giống cây ăn quả, hạt rau, cây thuốc, giống tằm... mà Thổ Phồn không có. Công chúa Văn Thành còn đem theo nhiều sách vở về y dược, cách gieo trồng, kỹ thuật xây dựng, thiên văn lịch pháp...Tin công chúa Văn Thành xuất giá truyền tới Thổ Phồn. Suốt dọc đường, người ta nô nức chuẩn bị ngựa xe, thuyền bè, lương thực để phục vụ đoàn đưa dâu. Tùng Tán Can Bố đích thân đi từ La Tá (nay là La Sa, thủ phủ Tây Tạng) tới Bá Hải (nay là Hồ Ngạc Lăng, Thanh Hải) để đưa đón. Tại đây, đã cử hành hôn lễ long trọng giữa Tùng Tán Can Bố và công chúa Văn Thành. Sau hôn lễ, đoàn đón dâu và đưa dâu đã vượt qua núi tuyết và cao nguyên, về tới thành La Tá. Hôm công chúa vào thành, nhân dân quốc đô vui mừng như trong ngày hội, đổ ra khắp đường, ca múa đón chào. Tùng Tán Can Bố còn cho xây dựng ở La Tá 1 cung điện theo kiểu kiến trúc của triều Đường, làm nơi ở cho công chúa.
Văn Thành công chúa sống ở Thổ Phồn hơn 40 năm. Bà đã có cống hiến quan trọng vào việc củng cố tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Hán - Tạng và việc phát triển kinh tế, văn hóa Tây Tạng. Ngày nay, trong chùa Đại Chiêu và cung Bu Ta La ở Tây Tạng vẫn thờ tượng của Tùng Tán Can Bố và công chúa Văn Thành. Năm 650, Tùng Tán Can Bố bị bệnh mất. Trước đó 1 năm, Đường Thái Tông cũng mất. Thái tử Lý Trị lên ngôi. Đó là Đường Cao Tông.
@by txiuqw4