Đường Thái Tông là 1 hoàng đế sáng suốt, nhưng con ông là Cao Tông lại là 1 người tầm thường, không có tài cán gì. Sau khi lên ngôi, Đường Cao Tông không biết giải quyết việc triều chính thế nào, mọi việc đều nhờ cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ chỉ bảo. Về sau, ông ta lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu, thì tình hình thay đổi hẳn. Võ Tắc Thiên vốn là 1 tài nhân (1 cấp bậc thấp trong hàng phi tần) của Đường Thái Tông. Năm 14 tuổi đã hầu hạ trong cung. Lúc đó, trong chuồng ngựa của hoàng đế có 1 con ngựa hay nhưng rất dữ, không ai cưỡi được. Một hôm, Đường Thái Tông dẫn các cung phi ra xem ngựa, ông chỉ con ngựa đó và nói với các cung phi: "Trong các ngươi có ai trị được con ngựa đó không?".
Trong khi các cung phi lắc đầu, lè lưỡi nhìn nhau thì cô bé 14 tuổi dũng cảm ấy đứng lên nói: "Tâu bệ hạ, thiếp có thể làm được".
Thái Tông kinh ngạc nhìn cô, rồi hỏi có biện pháp gì. Võ Tắc Thiên nói: "Chỉ cần có ba vật, là một cái roi sắt, một cái búa sắt và một con dao nhọn. Nếu ngựa ương bướng thì vụt bằng roi sắt; nếu vẫn chưa chịu thì đánh búa sắt; nếu vẫn còn lồng lộn thì dùng dao cứa cổ đứt nó đi".
Đường Thái Tông cười ha hả, tuy thấy lời Võ Tắc Thiên vẫn có tính trẻ con, nhưng ông rất thích tính mạnh mẽ của cô. Sau khi Đường Thái Tông mất, theo qui tắc của cung đình lúc đó, Võ Tắc Thiên phải vào tu ở am ni cô. Điều đó đương nhiên là cô không muốn. Khi còn làm thái tử, Đường Cao Tông đã có tình ý với Võ Tắc Thiên. Sau khi lên ngôi được 2 năm, ông đã đón Võ Tắc Thiên từ am ni cô về và phong làm Chiêu nghi. Sau đó, vì say đắm Võ Tắc Thiên, Cao Tông muốn phế Vương hoàng hậu và lập Võ Tắc Thiên lên thay. Ý định đó bị các lão thần hết sức phản đối, đặc biệt là Trưởng Tôn Vô Kỵ, cậu ruột của Cao Tông, trước sau nhất định không chịu đổi ý. Võ Tắc Thiên ngầm lôi kéo 1 số đại thần, xui giục họ tìm cách vận động cho mình. Có người nói với Cao Tông: "Lập hoàng hậu là việc trong nhà của bệ hạ, không ai có quyền can thiệp vào". Cao Tông liền quyết tâm, phế Vương hoàng hậu và đưa Võ Tắc Thiên lên thay.
Sau khi lên ngôi hoàng hậu, Võ Tắc Thiên thi thố mọi biện pháp quả đoán cay độc của mình, lần lượt giáng chức, đày đi xa các đại thần đã phản đối mình. Ngay cả Trưởng Tôn Vô Kỵ, 1 lão thần đầu triều, cậu ruột của Cao Tông cũng bị buộc phải tự sát. Không lâu sau, Cao Tông vốn đã rất nhu nhược, nay lại lăn ra ốm, suốt ngày nhức đầu hoa mắt, nhiều lúc không mở mắt ra được. Cao Tông thấy Võ Tắc Thiên có tài, lại thông hiểu chữ nghĩa, liền giao luôn toàn bộ công việc triều chính cho bà. Võ Tắc Thiên nắm được quyền, dần dần không coi Cao Tông ra gì nữa. Cao Tông muốn làm việc gì, nếu không được Võ Tắc Thiên đồng ý thì không có cách gì thực hiện được. Cao Tông trong lòng bực bội, đem tâm sự thổ lộ với tể tướng Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi vốn chống lại việc Võ Tắc Thiên nắm triều chính, liền nói: "Bệ hạ đã thấy hoàng hậu quá chuyên quyền thì không gì bằng phế bà ta đi".
Cao Tông vốn là người không có chủ kiến, nghe Thượng Quan Nghi nói thế, liền bảo: "Được! Thế thì khanh giúp trẫm khởi thảo một chiếu thư".
Câu chuyện giữa hai người bị 1 thái giám nghe thấy. Bọn thái giám đều là tâm phúc của Võ Tắc Thiên, nên nghe lỏm được câu chuyện quan trọng đó, liền báo gâp cho Võ Tắc Thiên biết. Khi Thượng Quan Nghi vừa thảo xong chiếu thư, đưa cho Cao Tông xem thì Võ Tắc Thiên xồng xộc chạy vào. Bà ta lớn tiếng quát hỏi Cao Tông: "Thế này là thế nào?".
Cao Tông thấy Võ Tắc Thiên thì sợ quá, vội giấu thư mà Thượng Quan Nghi đưa cho vào ống tay áo, rồi lắp bắp nói: "Trẫm vốn không có ý đó. Đó là Thượng Quan Nghi xui trẫm làm".
Võ Tắc Thiên lập tức hạ lệnh bắt giết Thượng Quan Nghi. Từ đó về sau, lúc nào Đường Cao Tông lâm triều, đều có Võ Tắc Thiên ngồi bên giám thị. Bất kì việc lớn việc nhỏ, đều phải được hoàng hậu gật đầu đồng ý mới thi hành được. Năm 683, Cao Tông chết. Võ Tắc Thiên lần lượt lập 2 con làm hoàng đế: Trung Tông Lý Hiển và Duệ Tông Lý Đán nhưng đều không hài lòng về họ. Bà phế Trung Tông, giam lỏng Duệ Tông rồi lấy danh nghĩa thái hậu, lâm triều chấp chính. Làm như vậy, lại gặp sự phản đối của 1 số đại thần và tông thất. Có 1 đại thần là Từ Kính Nghiệp bị Võ Tắc Thiên giáng chức, liền lợi dụng việc đó, khởi binh ở Dương Châu chống lại vào năm 684. Võ Tắc Thiên bàn với tể tướng Bùi Viêm về chuyện dẹp Từ Kính Nghiệp. Bùi Viêm nói: "Hiện nay hoàng đế đã lớn tuổi mà vẫn không được cầm quyền, thiên hạ mới có cớ làm bậy. Nếu thái hậu trả lại quyền cho hoàng đế thì cuộc nổi loạn của Từ Kính Nghiệp tự nhiên sẽ dẹp được".
Võ Tắc Thiên cho Bùi Viêm là cùng 1 giuộc với Từ Kính Nghiệp, muốn buộc mình rời khỏi quyền lực nổi giận, bắt giam Bùi Viêm rồi phái đại tướng đem 30 vạn quân đi thảo phạt. Từ Kính Nghiệp thế cô, quân ít, chống đỡ 1 thời gian ngắn rồi thất bại. Sau đó, còn có 2 tông thất triều Đường là Việt vương Lý Trinh và Lang Nha vương Lý Xung khởi binh chống lại Võ Tắc Thiên, cũng đều bị trấn áp. Sau 2 cuộc khởi binh trên, toàn quốc lại khôi phục được sự ổn định, không ai còn dám chống lại Võ Tắc Thiên nữa. Võ Tắc Thiên củng cố vững được chính trị nhưng không thỏa mãn với cương vị thái hậu chấp chính, mà muốn chính thức lên làm hoàng đế. Có 1 nhà sư đoán biết tâm tư của Võ Tắc Thiên, liền ngụy tạo 1 bộ kinh phật, dâng lên Võ Tắc Thiên. Bộ kinh đó nói Võ Tắc Thiên vốn là Phật Di Lặc đầu thai xuống nhân gian. Phật tổ phái bà xuống trần là để thay hoàng đế Đại Đường mà cai trị thiên hạ.
Mấy tháng sau, 1 viên quan tên là Phó Du Nghệ tổ chức được hơn 900 người ở vùng Quan Trung, liên danh dâng 1 bức thư, thỉnh cầu thái hậu lên ngôi hoàng đế. Võ Tắc Thiên làm bộ từ chối, nhưng lại thăng chức cho Phó Du Nghệ. Kết quả, ngày càng có nhiều thư dâng lên, thỉnh cầu bà lên làm hoàng đế. Theo nói lại, những người dâng thư thỉnh cầu thuộc đủ các giới: quan chức văn võ, vương công quí tộc, thủ lĩnh các bộ tộc, hòa thượng đạo sĩ, dân chúng các địa phương...tất cả có tới 6 vạn người.
Năm 690, tháng 9, Võ Tắc Thiên tiếp nhận lời thỉnh cầu của trăm họ, tự xưng là Trần Thánh hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu. Bà trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
@by txiuqw4