Sau khi vương triều Đường thu phục 2 kinh, An Khánh Tự chạy lên Hà Bắc, chiếm 60 tòa thành và tiếp tục kháng cự, Đường Túc Tông quyết định phái đại quân tiến đánh An Khánh Tự. Lần tiến công này, triều Đường huy động lực lượng quân đội dưới quyền 9 tiết độ sứ, gồm 60 vạn quân. Một lực lượng lớn như thế cần có người tổng chỉ huy giỏi. Xét tài năng và uy tín, thì chỉ có Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật là xứng đáng. Nhưng Đường Túc Tông lại có tâm lý nghi kỵ, sợ 2 người có quyền lực quá lớn. Vì vậy, cố ý không đặt chức chủ soái, mà cử 1 hoạn quan không biết gì về chiến trận là Ngư Triều Ân làm quan quân dung sứ (chức quan đứng đầu về quân sự, có quyền giám sát các tướng soái xuất chinh). Vì vậy, trên thực tế, 9 tiết độ sứ đều phải chịu sự chi phối của y.
Khi quân Đường đánh Nghiệp Thành, Sử Tư Minh lại khởi binh đánh lại, đem quân từ Phạm Dương về cứu An Khánh Tự. Trong khi 60 vạn quân Đường chưa kịp triển khai trận thế thì cuống phong nổi lên, bụi cát mù mịt, trời đất tối tăm. Chín đạo quân không có sự chỉ huy thống nhất, bị tan tác như đàn ông vỡ tổ. Quân Đường thua trận, Ngư Triều Ân trút mọi trách nhiệm thất bại lên đầu Quách Tử Nghi.
Đường Túc Tông tin theo lời Ngư Triều Ân, liền cách chức tiết độ sứ Sóc Phương của Quách Tử Nghi, để Lý Quang Bật kiêm nhiệm. Lúc đó, trong hàng ngũ quân phiến loạn lại có xung đột. Sử Tư Minh giết An Khánh Tự ở Nghiệp Thành, tự lập làm hoàng đế Đại Yên, rồi chỉnh đốn đội ngũ, tiến công về hướng Lạc Dương. Lý Quang Bật tới Lạc Dương, các quan chức ở đây thấy thế quân Sử Tư Minh quá mạnh, có phần sợ hãi, có người chủ trương lui quân về Đồng Quan, Lý Quang Bật nói: "Hiện nay hai bên lực lượng ngang nhau. Nếu chúng ta lui, kẻ địch sẽ càng ngông cuồng. Chi bằng chúng ta nên di chuyển tới Hà Dương (nay là huyện Mãnh, Hà Nam) để tiến lên có thể đánh, lui về có thể giữ".
Lý Quang Bật hạ lệnh cho quân đội và dân chúng rút toàn bộ khỏi Lạc Dương, rồi đưa quân tới Hà Dương. Sử Tư Minh tiến vào Lạc Dương, chỉ còn 1 tòa thành trống rỗng, không có nguồn nhân lực, không có lương thực, lại sợ Lý Quang Bật tập kích. Hắn không dám đóng quân trong thành, mà kéo ra xây đắp trận địa phía nam Hà Dương, tạo thế giằng co với Lý Quang Bật. Lý Quang Bật là 1 lão tướng dày dạn chinh chiến. Ông biết rằng binh lực hiện nay không bằng quân phiến loạn, chỉ có thể dùng mưu để giữ vững, không thể dùng lực để tiến công. Ông nghe Sử Tư Minh đem hơn 1000 chiến mã từ Hà Bắc xuống, hàng ngày đem ra bãi sông cho ăn cỏ và tắm táp, liền hạ lệnh cho tập trung toàn bộ ngựa cái lại và nhốt hết ngựa con trong chuồng. Chờ tới khi quân Sử Tư Minh thả chiến mã ra bãi, Lý Quang Bật cho thả đàn ngựa cái ra xen kẽ vào đoàn chiến mã (đều là ngựa đực) của địch. Một lát sau, ngựa cái nhớ con, liền quay về. Đàn ngựa chiến của địch liền đi theo, sang hết trận địa của quân Đường. Trong chốc lát, Sử Tư Minh bị mất hàng ngàn ngựa, thì tức lồng lộn, cho tập trung mấy trăm thuyền chiến tấn công theo đường thủy. Hắn cho 1 hỏa thuyền dẫn đầu, chuẩn bị đốt cầu phao của quân Đường. Lý Quang Bật cho chuẩn bị mấy trăm cây tre dài và to, đầu bịt sắt. Khi hỏa thuyền của địch tới, mấy trăm binh sĩ khỏe mạnh đứng trên cầu phao phóng tre ra ghìm chặt hỏa thuyền địch lại. Hỏa thuyền không tiến lên được, bốc cháy tan nát rồi chìm xuống lòng sông. Quân Đường lại từ trên cầu phao, dùng máy bắn đá đánh cho chiến thuyền địch phía sau tan vỡ. Quân lính địch đứa thi toác đầu, đứa thì chìm nghỉm theo thuyền, 1 số sống sót ngoi ngóp được lên bờ, ôm đầu tháo chạy.
Sử Tư Minh liên tiếp dùng mọi cách tiến đánh Hà Dương, đều bị Lý Quang Bật dùng mưu đánh lui. Cuối cùng, Sử Tư Minh nổi khùng, tập trung hết lực lượng, sai tướng Chu Chí tiến công thành phía bắc, còn tự mình dẫn tinh binh tiến công thành phía nam của Hà Dương. Sáng sớm, Lý Quang Bật dẫn bộ tướng trèo lên thành phía bắc quan sát, thấy quân địch người người lớp lớp đen đặc, đang dẫn đầu tiến lại gần. Các tướng lĩnh Đường không nói ra, nhưng trong lòng đều thấy nao núng, hoang mang. Lý Quang Bật đoán biết thâm tâm của tướng sĩ, liền trấn an họ: "Đừng sợ! Quân địch tuy đông, nhưng đội ngũ không chỉnh tề, tỏ ra có phần kiêu ngạo. Các ngươi yên tâm, chỉ trước trưa nay, bảo đảm có thể đánh tan được chúng".
Sau đó Lý Quang Bật hạ lệnh toàn thể tướng sĩ chia đường xuất kích. Các tướng sĩ tuy hết sức dũng mãnh, nhưng quân địch quá đông, lớp này bị đánh lui thì lớp khác lại xông lên. Mặt trời đã đứng bóng, 2 bên vẫn chưa phân thắng bại. Lý Quang Bật lại họp các tướng lại, hỏi: "Các ngươi thấy trận thế địch, hướng nào là mạnh nhất?".
Các tướng đều nói: "Góc tây bắc và góc đông nam".
Lý Quang Bật gật đầu, lập tức rút ra 500 kỵ binh, cử 2 danh tướng chỉ huy, chia đường đánh mãnh liệt vào góc tây bắc và góc đông nam trận địa địch. Lý Quang Bật tập trung số đông còn lại, nghiêm khắc tuyên bố quân lệnh: "Tất cả ohair hành động theo hiệu cờ của ta. Khi cờ hiệu phất thong thả, có thể hành động tự do; nếu thấy cờ hiệu vẫy gấp, là hiệu lệnh tổng công kích, phải dũng cảm xông lên, không cho phép chần chừ hoặc lùi lại". Nói tới đây, ông rút 1 con dao nhọn cắm vào ống giầy, nói: "Đánh trận là chuyện một sống một chết. Ta là đại thần của triều đình, quyết không chết trong tay quân địch. Nếu các ngươi đều tử chiến trên chiến trường, ta sẽ dùng con dao này tự sát".
Các tướng sĩ nghe mệnh lệnh sắt đá của ông, đều kích động xông lên với sức mạnh được nhân lên hàng trăm lần. Lát sau bỗng thấy bộ tướng Hách Đình Ngọc chạy bộ từ phía trước trở về, Lý Quang Bật liền trao kiếm cho 1 binh sĩ xông ra chặn lại để chém Hách Đình Ngọc tại chỗ. Hách Đình Ngọc thấy tên lính truyền lệnh toan chém mình, vội hô lớn: "Ngựa của tôi bị tên bắn ngã, không phải tôi chạy trốn!".
Lý Quang Bật lập tức sai cấp cho Hách Đình Ngọc con ngựa khác để quay lại tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Thấy tinh thần tướng sĩ quân Đường đang hừng hực, Lý Quang Bật sai vẫy gấp cờ hiệu, hạ lệnh tổng công kích. Quân lính toàn mặt trận thấy hiệu cờ, đều ào ạt tranh nhau tràn lên, tiếng hô "giết" vang trời dậy đất. Quân phiến loạn bị tấn công mãnh liệt, không thể kháng cự nổi, hàng ngũ tan vỡ, rút chạy. Quân Đường ào lên đuổi theo chém giết, bắt sống hơn 1000 tù binh. Ngoài ra, còn hơn 1000 quân địch bị ép ra bờ sông, rơi xuống chết đuối. Tướng Chu Chí của phiến quân đang chỉ huy đánh thành phía bắc, hoảng sợ bỏ chạy. Sử Tư Minh đang chỉ huy quân đánh thành phía nam, thấy quân đánh thành phía bắc chạy dạt tới bờ sông, biết Chu Chí đã hoàn toàn thất bại, không dam ham đánh, vội hạ lệnh lui quân về Lạc Dương. Lý Quang Bật đã liên tục giao chiến vớí Sử Tư Minh suốt 2 năm ròng. Đường Túc Tông không hiểu gì về thực tế trên chiến trường, tin theo lời Ngư Triều Ân, hạ lệnh Lý Quang Bật tiến đánh ngay Lạc Dương. Lý Quang Bật thấy binh lực quân phiến loạn còn rất mạnh, không nên khinh suất đánh thành. Đường Túc Tông liên tục phái hoạn quan đến giục giã, Lý Quang Bật đành mạo hiểm tiến công. Kết quả bị đánh thua và do đó bị cách chức chủ soái.
Sử Tư Minh bớt được 1 đối thủ lợi hại, liền thừa thắng tiến công Trường An. May sao lúc đó trong hàng ngũ phiến loạn lại xảy ra xung đột nội bộ lần thứ 3: Sử Tư Minh bị con là Sử Triều Nghĩa giết chết. Nội bộ quân phiến loạn vì thế chia năm xẻ bảy. Năm 763, Sử Triều Nghĩa thua trận, tự sát. Kể từ khi An Lộc Sơn nổi loạn cho tới khi Sử Triều Nghĩa thất bại, vùng Trung nguyên trải qua 8 năm binh lửa, sinh mạng và tài sản vị tổn thất nghiêm trọng. Lịch sử gọi sự kiện đó là "Loạn An - Sử". Sau loạn An - Sử, cảnh thịnh trị của nhà Đường không còn nữa. Nhiều mầm mống biến loạn và chia rẽ chín muồi dần trong cơ thể đầy thương tích của 1 triều đại từng đạt tới đỉnh cao huy hoàng của chế độ phong kiến Trung Quốc.
@by txiuqw4