Loạn An Sử kết thúc, đối với dân chúng từng điêu linh khốn khổ vì chiến loạn, hết sức khát khao cuộc sống bình yên, thì đó là 1 việc hết sức đáng phấn khởi. Thi nhân Đỗ Phủ lúc đó đang sống cuộc sống lưu vong ở Tử Châu (nay là Tam Đài, Tứ Xuyên), nghe được tin đó lại càng vui sướng trào rơi nước mắt. Đỗ Phủ, tên tự là Tử Mỹ, cũng như Lý Bạch, là 1 trong những đại thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ. Văn học sử thường gọi gộp 2 ông là "Lý Đỗ". Vốn là người huyện Củng, Hà Nam; Đỗ Phủ sinh ra trong 1 gia đình quan lại suy tàn, từ nhỏ đã khổ công đọc sách và đi khắp núi cao sông lớn, viết ra nhiều bài thơ nổi tiếng. Năm 39 tuổi, ông gặp Lý Bạch ở Lạc Dương, Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi. Tuy cá tính 2 người khác nhau, nhưng chí hướng và lòng yêu thích văn chương đã khiến họ trở thành đôi bạn thân.
Sau đó, Đỗ Phủ đến Trường An dự kì thi tiến sĩ. Đúng vào lúc ấy, Lý Lâm Phủ đang nắm triều chính. Hắn rất ghét những người đọc sách, sợ số trí thức xuất thân tầng lớp dưới này lên làm quan, sẽ góp ý kiến về triều chính, không lợi cho hắn. Do đó, hắn câu kết với quan chấm thi, đánh trượt hết người dự thi, rồi nói với Đường Huyền Tông các bài thi khoa này đều rất kém, không có bài nào trúng cách. Đường Huyền Tông đang lấy làm lạ thì Lý Lâm Phủ dâng ngay 1 sớ tấu lên, nói rằng việc này chứng tỏ hoàng đế rất thánh minh, đã tuyển dụng hết người tài trong thiên hạ, trong dân gian không còn sót lại người hiền tài nào nữa. Những nho sinh thời đó chỉ có 1 con đường tiến thân là đua tài trong hệ thống khoa cử triều đình, nay bị đòn đánh bại đó của Lý Lâm Phủ, Đỗ Phủ buồn rầu chán nản đến cực độ. Ông sống 1 cuộc đời nghèo nàn và buồn khổ ở Trường An, tận mắt chứng kiến quang cảnh trái ngược giữa 1 bên là bọn quyền quý ăn chơi xa xỉ với 1 bên là dân nghèo đói khát thảm thê. Không kìm được phẫn nộ, ông đã viết nên những câu thơ bất hủ:
"...Cửa son rượu thịt thừa, ôi...
Dân nghèo đói rét, xương phơi dọc đường..."
Đỗ Phủ ở Trường An trong 10 năm, vừa được Đường Huyền Tông phong 1 chức quan nhỏ thì loạn An Sử nổ ra, dân chúng Trường An nhao nhác chạy loạn. Gia đình Đỗ Phủ cũng chen lấn trong đám nạn dân đó. Trải qua trăm ngàn cay đắng, toàn gia đình vất vả lắm mới tìm tới được vùng nông thôn, tạm thời định cư. Đúng lúc đó, ông nghe tin Đường Túc Tông đã lên ngôi ở Linh Vũ, liền rời gia đình, tìm cách đến với Túc Tông. Ngờ đâu, mới đi được nửa đường ông lại gặp phải quân phiến loạn. Chúng bắt ông giải về Trường An. Trường An đang nằm trong tay giặc, quân phiến loạn đang tàn sát và cướp bóc, cung điện và nhà dân chìm trong biển lửa. Các quan chức triều đình, kẻ thì đầu hàng, người thì bị bắt giải đi Lạc Dương. Sau khi Đỗ Phủ bị giải về Trường An, tên đầu sỏ quân phiến loạn thấy ông không có dáng quan to, liền thả ông ra. Năm sau, Đỗ Phủ từ Trường An trốn ra ngoài, nghe tin Đường Túc Tông đang ở Phượng Tường (nay là huyện Phượng Tường, tỉnh Thiểm Tây), liền vội vàng tìm đến yết kiến. Lúc này, Đỗ Phủ nghèo khổ tới mức không có nổi 1 bộ quần áo lành lặn, chiếc áo mặc trên người rách lòi cả khuỷu tay, chân đi đôi giày cỏ mòn vẹt. Thấy Đỗ Phủ lặn lội đường xa tìm đến với triều đình, Đường Túc Tông rất mừng, phong cho ông làm chức Tả thập di. Tả thập di là chức gián quan. Tuy Đường Túc Tông phong quan chức cho ông nhưng không có ý trọng dụng ông. Đỗ Phủ làm việc rất chăm chỉ và nghiêm túc. Ít lâu sau, tể tướng Phòng Quản bị Đường Túc Tông bãi chức. Đỗ Phủ thấy Phòng Quản rất có tài liền dâng lời khuyên can xin đừng bãi chức tể tướng của Phòng Quản, điều này làm phật ý Túc Tông, may nhờ có người nói hộ, ông mới không bị liên lụy.
Sau khi quân Đường thu phục Trường An, ông theo các quan chức khác cùng về Trường An. Đường Túc Tông cử ông làm 1 chức quan nhỏ lo việc tế tự và mở trường học ở Hoa Châu (nay là huyện Hoa, tỉnh Thiểm Tây). Đỗ Phủ đem theo nỗi lòng thất vọng đến nhận chức ở Hoa Châu. Lúc đó, tuy triều Đường đã thu phục được Trường An và Lạc Dương, nhưng quân phiến loạn An - Sử vẫn chưa bị tiêu diệt, chiến tranh vẫn rất dữ dội. Quân Đường bắt trai tráng khắp nơi để bổ sung binh lực khiến dân chúng trăm bề điêu đứng. Một hôm, Đỗ Phủ đi qua thôn Thạch Hào (nay ở đông nam huyện Thiểm, Hà Nam) thì trời đã rất khuya, ông ngủ nhờ 1 gia đình nghèo, chỉ có 2 vợ chồng già tiếp ông. Nửa đêm, khi ông đang trằn trọc không ngủ được, thì có tiếng đập cửa dồn dập. Đỗ Phủ nằm im trong phòng nghe ngóng, thấy ông già chủ nhà vội leo qua tường chạy trốn, còn bà già vừa lên tiếng trả lời, vừa chậm chạp ra mở cửa. Một số tên sai dịch do quan phủ phái đi bắt lính xông vào nhà, lớn tiếng quát hỏi bà lão: "Đàn ông nhà này đi đâu cả?".
Bà lão vừa khóc vừa nói: "Ba đứa con trai tôi đều đi đánh trận ở Nghiệp Thành. Hai hôm trước một đứa viết thư về nói, hai anh nó đã chết ở chiến trường. Trong nhà chỉ có một cô con dâu và một cháu nhỏ còn đang bú. Các người còn muốn bắt người nào nữa?".
Bà lão vừa khóc vừa van vỉ, nhưng bọn sai dịch vẫn không tha. Cuối cùng, chúng bắt luôn bà tới quân doanh để hầu hạ quân lính. Trời sáng, khi Đỗ Phủ rời gia đình, chỉ có ông già trở về tiễn ông. Đỗ Phủ tận mắt chứng kiến cảnh tượng thê thảm đó, lòng cuộn lên nỗi xúc động, viết nên bài thơ bất hủ "Thạch Hào lại" (bọn quan lại ở Thạch Hào). Trong thời gian ở Hoa Châu, trước sau ông đã sáng tác 6 bài thơ về đề tài đó, gộp lại gọi là "Tam lại, tam biệt" (gồm: Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tân An lại, Tân hôn biệt, Thùy lão biệt, Vô gia biệt). Do thơ ca của Đỗ Phủ đại đa số là viết về nỗi khổ của nhân dân trong thời kì loạn An - Sử, phản ánh quá trình trượt dài từ hưng thịnh đến suy vong của triều Đường, nên nhân dân gọi thơ của ông là "thi sử". Năm sau, ông từ chức quan ở Hoa Châu. Tiếp đó, vùng Quan Trung gặp đại hạn. Đỗ Phủ quá nghèo túng, dẫn gia đình lưu lạc tới Thành Đô, sống nhờ vào bè bạn. Ông dựng 1 căn nhà cỏ bên khe suối Hoàn Hoa ở ngoại ô phía tây Thành Đô, ẩn cư ở đây gần 4 năm. Sau đó, người bạn mất đi, không còn dựa được vào ai, ông lại dẫn gia đình lưu lạc.
Năm 770, vì đói nghèo và tật bệnh, ông mất trên 1 con thuyền nhỏ trên Tương Giang. Sau khi ông mất, nhân dân thương xót nhà thơ vĩ đại, đã giữ gìn ngôi nhà nhỏ nơi ông từng sống bên suối Hoàn Hoa làm kỉ niệm. Đó là "gian nhà cỏ của Đỗ Phủ", hiện nay là 1 di tích nổi tiếng.
@by txiuqw4