Quách Tử Nghi đã lập công lớn trong việc dẹp loạn, danh vọng rất cao. Sợ Đường Túc Tông đem lòng nghi kỵ, nên ông đã tự xin rời bỏ binh quyền và giải tán luôn cả đội thân binh bảo vệ. Sau khi Đường Túc Tông mất, thái tử Lý Thúc (còn có tên là Lý Dự) lên nối ngôi. Đó là Đường Đại Tông. Quí tộc Thổ Phồn nhân cơ hội biên giới phía tây của triều Đường bỏ trống, liền lôi kéo cả 1 số bộ lạc Thổ Cốc Hồn, tất cả có hơn 20 vạn người ngựa đánh vào lãnh thổ Đường. Dọc đường tiến quân của họ không có sự chống cự nào, nên lực lượng Thổ Phồn - Thổ Cốc Hồn đánh thẳng tới Trường An. Đường Đại Tông phải bỏ Trường An, chạy đến Thiểm Châu (nay là huyện Thiểm, Hà Nam). Đường Đại Tông khẩn thiết mời Quách Tử Nghi ra cầm quân chống giặc Thổ Phồn. Lúc này trong tay Quách Tử Nghi không còn quân đội, ông vội vàng chiêu mộ 20 kỵ binh đi gấp tới Hàm Dương thì Trường An đã rơi vào tay Thổ Phồn. Quách Tử Nghi cử người hư trương thanh thế quanh vùng Trường An: ban ngày khua chiêng gióng trống, ban đêm đốt lửa ở nhiều nơi, chọn hàng trăm thiếu niên Trường An đánh trống ngoài phố, reo to: Quách Lệnh Công (tiếng tôn xưng gọi quách Tử Nghi) đem đại quân đến rồi! Quân đội đông đúc, cơ man là người, không thể nào đếm xuể! Tướng lĩnh Thổ Phồn nghe thấy, đều sợ hãi, vội cướp bóc và rút ra khỏi Trường An.
Quách Tử Nghi do đó đã có công lớn. Khi Đường Đại Tông trở lại Trường An, liền phong ông làm phó nguyên soái. Một năm sau, quân Thổ Phồn và Hồi Hột tiến sát Bân Châu (nay là huyện Bân, Tiểm Tây), Quách Tử Nghi phái con là Quách Hy mang quân tới hiệp trợ với tiết độ sứ Bân Châu là Bạch Hiếu Đức, cùng nhau phòng thủ. Quách Hy dựa vào thế lực của cha nên có thái độ kiêu ngạo, phóng túng. Binh sĩ dưới quyền Hy không có kỷ luật, thường hà hiếp dân thường ngoài phố, thường làm nhiều việc xấu xa, nhưng Quách Hy vẫn lờ đi, coi như không biết. Tại Bân Châu có 1 số thổ phỉ, lưu manh, thấy vào làm lính của Quách Hy không bị gò bó gì, lại có chỗ dựa, liền rủ nhau tìm người quen biết, ghi tên làm lính của Quách Hy, mặc quân phục để dễ bề làm bậy. Bọn lưu manh này và 1 số binh lính vô kỷ luật đi từng đàn từng lũ, hoành hành trên đường phố, thấy ai không thuận mắt là gây sự ẩu đả, có trường hợp đánh người bị tàn phế. Các cửa hiệu ngoài phố thường bị chúng xông vào cướp bóc. Tiết độ sứ Bạch Hiếu Đức rất khó xử trước chuyện này, bản thân ông ta là 1 tướng dưới quyền Quách Tử Nghi trước kia nên không dám can thiệp vào sự việc có liên quan đến quân lính của Quách Hy. Ở sát cạnh Bân Châu là Kinh Châu (nay ở phía bắc Kinh Châu, Cam Túc), thứ sử Kinh Châu là Đoàn Tú Thực nghe thấy tình hình đó, liền viết thư cho Bạch Hiếu Đức, xin được tiếp kiến.
Bạch Hiếu Đức vội mời Đoàn Tú Thực tới. Đoàn Tú Thực nói: "Bạch Công chịu sự ủy thác của triều đình, cai trị địa phương này. Nay trong địa phương nảy sinh tình trạng hỗn loạn mà ngài vẫn coi như không có chuyện gì. Nếu cứ tiếp tục thế này, thì thiên hạ sẽ loạn to mất!".
Bạch Hiếu Đức biết Đoàn Tú Thực là người có kiến thức, liền xin ông chỉ giáo. Đoàn Tú Thực nói: "Tôi thấy địa phương của ngài quá hỗn loạn, trong lòng rất không yên, nên mới tìm tới đây, xin làm chức Đô Ngu Hầu (chức quan phụ trách duy trì pháp luật) dưới quyền ngài để lo việc trị an của địa phương. Không biết ý kiến của ngài thế nào?".
Bạch Hiếu Đức vỗ tay nói: "Thế thì tốt quá!. Ngài chịu đến đây, thì tôi không mong gì hơn nữa!".
Đoàn Tú Thực làm Đô ngu hầu ở Bân Châu, việc đó không làm cho binh lính của Quách Hy chú ý. Chúng vẫn hoành hành bậy bạ như trước. Một hôm, 17 tên lính trong trại của Quách Hy ra phố, vào quán uống rượu say rồi gây sự. Chủ quán đòi trả tiền, chúng liền rút dao đâm chủ quán bị thương, rồi đạp đổ tất cả các thùng rượu trong quán. Rượu đổ lênh láng khắp quán và tràn xuống cống rãnh Đoàn Tú Thực được tin báo, lập tức phái 1 đội quân tới bắt toàn bộ bọn lính đó, chém ngay tại chỗ. Dân chúng thấy bọn lưu manh hại người đó bị trị tội, tất cả đều hò reo phấn khởi. Tin tức truyền tới trại quân của Quách Hy, quân lính thấy nói có kẻ dám giết người của Quách gia, liền ào lên đòi trả thù. Thoáng chốc tất cả đều mặc khôi giáp, chỉ đợi lệnh của Quách Hy là tới quyết sống mái với Bạch Hiếu Đức. Bạch Hiếu Đức hoảng sợ trách Đoàn Tú Thực là chuốc lấy tai họa. Đoàn Tú Thực nói: "Bạch Công đừng sợ. Tôi sẽ có cách đối phó". Nói xong, chuẩn bị đi tới trại quân của quách Hy.
Bạch Hiếu Đức muốn phái mấy chục tráng sĩ hộ tống Tú Thực. Đoàn Tú Thực nói: "Không cần dùng đến lính!". Rồi cởi bỏ bộ đao, chọn 1 tên lính què dắt ngựa cho mình, cùng đến trại quân Quách Hy.
Vệ sĩ của Quách Hy nai nịt khôi giáp, sát khí đằng đằng, ngăn Đoàn Tú Thực ngoài doanh môn. Đoàn Tú Thực vẫn tươi cười vừa đi vào vừa nói: "Giết một lão già như ta, cần gì tới đội ngũ hùng dũng thế này! Ta mang đầu tới nộp đây, mau mời chủ tướng của các ngươi ra đây".
Vệ binh thấy thái độ của Đoàn Tú Thực rất ung dung, đều đứng ngây người, 1 tên vội chạy vào báo cáo, Quách Hy lập tức ra mời Đoàn Tú Thực vào. Đoàn Tú Thực vái chào Quách Hy rồi nói: "Quách Lệnh Công đã lập được công lao to lớn nhường ấy, mọi người đều rất kính trọng. Thế mà ngài lại dung túng cho quân lính hoành hành phạm pháp. Nếu cứ tiếp tục thế này mãi thì sẽ có đại loạn. Đất nước lại lâm vào đại loạn thì công danh của họ Quách nhà ta đâu còn nữa".
Quách Hy nghe nói, bừng tỉnh ngộ nói: "Đoàn Công đã chỉ giáo, thực là xuất phát từ lòng yêu mến, giữ gìn cho họ Quách. Tôi xin nghe theo lời khuyên bảo của ngài". Nói xong, quách Hy quay đầu lại quát bảo tả hữu: "Mau truyền lệnh ta. Tất cả các binh sĩ mau cởi bỏ khôi giáp, trở về doanh trại. Kẻ nào còn làm ồn sẽ bị xử tử!".
Tối hôm đó, Quách Hy mời Đoàn Tú Thực ở lại uống rượu. Đoàn Tú Thực cho người lính đi theo trở về, và 1 mình ngủ lại trong dinh của Quách Hy. Quách Hy sợ có kẻ xấu lẻn vào ám hại Đoàn Tú Thực nên không dám ngủ, lại phái 1 số binh sĩ thân tín tuần phòng, bảo vệ xung quanh. Sớm hôm sau, Quách Hy cùng đi với Đoàn Tú Thực tới xin lỗi Bạch Hiếu Đức. Từ đó về sau, quân đội của Quách Hy giữ nghiêm kỷ luật, không binh sĩ nào còn dám quấy rối. Trật tự trị an ở Bân Châu được phục hồi. Nhưng chưa tới 1 năm sau, Trường An lại lâm vào tình trạng nguy hiểm.
@by txiuqw4