sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sự Kiện Cam Lộ

Từ đời Đường Mục Tông, các hoàng đế đều do hoạn quan lập nên. Vì vậy, quyền lực hoạn quan càng ngày càng lớn, ngay đến vận mạng của hoàng đế cũng nằm trong tay chúng thì ai còn dám đối địch với chúng nữa? Đường Văn Tông Lý Ngang (con Mục Tông, làm hoàng đế từ 827 tới 841) lên ngôi tới năm thứ 2 (828), có tổ chức điện thí tại triều đình. Các cử nhân từ khắp các địa phương trong nước đến sự thi. Có 1 cử nhân tên là Lưu Phần, đã công khai viết trong bài thi những lời phản đối việc hoạn quan nắm quyền, cho rằng muốn cho nước nhà an định thì phải tước bỏ quyền lực của hoạn quan, giao chính quyền cho tể tướng, giao binh quyền cho tướng soái. Quyển thi nộp lên cho quan chấm thi, người nọ truyền người kia xem, đều khen nức nở, thấy không những lời văn hay, mà lập luận lại chặt chẽ, thật là 1 áng văn hiếm có. Nhưng tới lúc quyết định lấy đỗ, thì không ai dám tỏ thái độ, vì nếu lấy cho Lưu Phần đỗ tiến sĩ, sẽ đắc tội với hoạn quan, địa vị của các quan chấm thi sẽ khó lòng mà giữ được.

Kết quả, toàn bộ 22 cử nhân cùng thi với Lưu Phần đều đỗ, chỉ riêng Lưu Phần bị rớt. Lưu Phần được mọi người công nhận là nhân tài kiệt xuất. Lần ày bị rớt, ai ai cũng đều thấy thật quá oan uổng. Những cử nhân được lấy đỗ, đều nói: "Lưu Phần bị rớt mà chúng tôi lại đỗ, thật là quá xấu hổ".

Đường Văn Tong sống trong sự thao túng của hoạn quan, cũng rất căm tức. Ông nung nấu ý định tìm cách trừ khử bọn này. Một lần, Đường Văn Tông bị bệnh, cần tìm gấp thầy thuốc. Lúc đó, dưới quyền Vương Thủ Trừng, tên đứng đầu hoạn quan, có 1 viên quan tên là Trịnh Chú, tinh thông nghề y. Vương Thủ Trừng liền tiến cử Trịnh Chú trị bệnh cho Đường Văn Tông. Đường Văn Tông dùng thuốc của Trịnh Chú, chẳng bao lâu khỏi bệnh. Rất phấn khởi, ông gọi Trịnh Chú vào triều kiến, thấy Chú nói năng lanh lợi, tỏ ra có tài năng, liền phong làm Ngự sử đại phu. Trịnh Chú có người bạn là Lý Huấn, vốn là 1 quan chức nhỏ bất đắc chí, nghe tin Trịnh Chú được triều đình trọng dụng, liền đem lễ vật tới xin gặp. Đúng lúc Trịnh Chú đang cần 1 trợ thủ, thấy Lý Huấn tới, liền xin Vương Thủ Trừng tiến cử Lý Huấn lên Đường Văn Tông. Lý Huấn cũng được Đường Văn Tông trọng dụng, sau này còn được thăng tới chức tể tướng. Lý Huấn và Trịnh Chú ngày càng được tin cẩn. Do đó, Đường Văn Tông liền thổ lộ với họ ý định muốn trừ bỏ bọn hoạn quan. Hai người bí mật bàn bạc với Đường Văn Tông, tìm cách tước bớt quyền lực của Vương Thủ Trừng. Họ dò biết hoạn quan Cừu Sĩ Lương là thủ hạ của Vương Thủ Trừng, nhưng có mâu thuẫn với Vương Thủ Trừng, liền tâu xin Văn Tông phong Cừu Sĩ Lương làm Trung úy trong đội Tả Thần Sách. Tiếp đó, Lý Huấn với cương vị tể tướng, xin nhà vua tước bỏ binh quyền của Vương Thủ Trừng. Khi hắn đã không còn binh quyền, Đường Văn Tông liền ban cho 1 chén rượu độc: Vương Thủ Trừng bị giết.

Trừ được Vương Thủ Trừng rồi, lại phải trừ tiếp Cừu Sĩ Lương, vì chung qui hắn cũng là hoạn quan, lại đang có binh quyền. Sau 1 thời gian sắp đặt mưu kế, Lý Huấn bắt mối được với tướng Hàn Ước, chỉ huy quân cấm vệ, liền quyết định ra tay. Năm 835, một hôm khi Đường Văn Tông đang lâm triều, thì Hàn Ước lên điện tấu trình, rằng đêm qua, trong vườn phía sau đại sảnh của quân cấm vệ có 1 cây thạch lựu xuất hiện cam lộ (nước sương ngọt). Vương triều phong kiến vốn rất mê tín, cho rằng trời giáng cam lộ là điềm báo điều lành. Lý Huấn lập tức dẫn đầu bá quan văn vũ tung hô "vạn tuế" để chúc mừng phúc lớn của hoàng đế, và mời hoàng đế ngự giá tới vườn sau để xem cam lộ. Đường Văn Tông lệnh cho tể tướng Lý Huấn đến xem trước, Lý Huấn làm ra vẻ như đã đi xem, sau khi lượn vòng sau vườn, trở lại tâu: "Hạ thần đã đi xem, nhưng sợ rằng đó không phải là cam lộ thật, xin bệ hạ cử người đi kiểm tra lại".

Đường Văn Tông lại hạ lệnh cho Cừu Sĩ Lương dẫn hoạn quan đi xem. Cừu Sĩ Lương gọi Hàn Ước cùng đi. Đến cửa vườn, Hàn Ước quá hồi hộp, mặt mũi xanh xám. Cừu Sĩ Lương phát hiện thấy, lấy làm lạ, hỏi: "Hàn tướng quân, ngài làm sao thế?".

Vừa hỏi xong, thì 1 cơn gió thổi, làm lật tung tấm rèm vải che dọc lối vào vườn. Cừu Sĩ Lương thấy bên trong mai phục rất nhiều quân lính cầm gươm giáo sáng quắc. Cừu Sĩ Lương giật mình, vội chạy trở về với Đường Văn Tông. Lý Huấn thấy hắn bỏ chạy, liền hô quân lính đuổi theo. Nhưng Cừu Sĩ Lương nhanh hơn, đã cùng lũ hoạn quan cướp lấy Đường Văn Tông, đưa lên kiệu chạy vào nội cung. Lý Huấn đuổi kịp kiệu, giữ chặt không chịu buông, 1 tên hoạn quan liền xông tới, đánh Lý Huấn ngã quay ra đất. Đường Văn Tông bị lũ hoạn quan nhốt chặt trong nội cung. Kế hoạch thất bại, Lý Huấn vội mượn áo 1 tên tiểu lại, hóa trang trốn chạy. Cừu Sĩ Lương lập tức phái quân, tiến hành cuộc truy bắt đại qui mô với những người tham dự mưu mô và giết hại toàn bộ. Lý Huấn tìm mọi cách trốn tránh nhưng không thoát, bị giết trên đường. Kế hoạch diệt trừ hoạn quan do hoàng đế, tể tướng và ngự sử đại phu Trịnh Chú khổ công vạch ra, do thực hiện sơ xuất nên đã thất bại thảm hại. Số người có liên quan bị hoạn quan giết hại lên tới 1000. Lịch sử gọi sự kiện này là "Cam lộ chi biến" (sự biến sương ngọt).

Sau sự biến này, Đường Văn Tông hoàn toàn đặt dưới sự giám sát của các hoạn quan. Ông vua tù nhân này còn sống lay lắt được 5 năm nữa rồi chết trong bệnh tật, đau buồn và uất ức. Cừu Sĩ Lương lập người anh em của Văn Tông là Lý Viên lên làm vua (năm 841). Đó là Đường Vũ Tông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx