Trong thời kì hoạn quan nắm quyền, trong triều đình hễ viên quan nào chống lại chúng, đều bị đả kích và loại trừ. Số còn lại đều phải dựa vào hoạn quan, nhưng lại chia làm 2 phe cánh, cãi vã tranh chấp nhau liên miên. Tình hình đó kéo dài suốt 40 năm. Lịch sử gọi tình hình này là "Bằng đảng chi tranh" (sự tranh chấp bè phái). Sự tranh chấp này bắt đầu ngay từ thời Đường hiến Tông tại vị (806-821). Một năm, triều đình mở cuộc thi để tuyển chọn nhân tài dám can gián thẳng thắn. Trong số người tham gia dự thi, có 2 quan chức cấp thấp, là Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhu. Trong quyển thi, 2 người đều nêu ý kiến phê bình triều chính, các quan chấm thi xem thấy nội dung bài thi phù hợp với yêu cầu tuyển chọn, liền tiến cử họ lên Đường Hiến Tông. Tể tướng Lý Cát Phủ biết được việc đó, hết sức bực bội. Ông ta vốn là dòng dõi sĩ tộc nhiều đời, xưa nay vốn coi thường những người thuộc giới bình dân, nhờ học hành thi cử mà được làm quan. Nay thấy 2 kẻ xuất thân hèn kém là Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhu dám phê bình triều chính, vạch những điểm yếu kém của mình, thì cho là quá xấc xược. Ông nói với Đường Hiến Tông, là 2 kẻ được tiến cử hoàn toàn là do có quan hệ tư túi với quan chấm thi. Đường Hiến Tông tin lời, giáng chức ngay các quan chấm thi và không bổ dụng Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhu.
Sau khi Lý Cát Phủ chết, con là Lý Đức Dụ nhờ địa vị cũ của cha, được phong làm Hàn lâm học sĩ. Lúc đó, Lý Tông Mẫn cũng được thăng làm quan trong triều. Lý Đức Dụ vẫn ghi nhớ mối hiềm thù cũ với Lý Tông Mẫn là người đã từng phê phán cha mình. Khi Đường Mục Tông lên ngôi, lại mở khoa thi tiến sĩ. Có 2 vị đại thần có người nhà dự thi, liền đến nói lót trước với quan chấm thi. Quan chấm thi là Tiều Huy không chịu. Trong khóa đó, 1 người thân thích của Lý Tông Mẫn được lấy đỗ tiến sĩ. Hai đại thần trên tâu với Đường Mục Tông là Tiều Huy đã thông đồng, tư túi trong chấm thi. Đường Mục Tông hỏi Hàn lâm học sĩ, Lý Đức Dụ trả lời quả là có việc đó. Do đó, Tiều Huy bị giáng chức. Lý Tông Mẫn cũng bị liên quan, phải biếm trích đi xa. Lý Tông Mẫn thấy Lý Đức Dụ cố tình dựng chuyện hại mình nên đem lòng căm hận từ đó. Ngưu Tăng Nhu cũng cùng chung tình cảnh với Lý Tông Mẫn. Sau đó, Lý Tông Mẫn, Ngưu Tăng Nhu và các quan chức xuất thân khoa cử kết lại với nhau thành 1 phe phái. Lý Đức Dụ cũng cùng các quan chức xuất thân danh gia sĩ tộc kết thành 1 phe phái khác. Hai bên dùng mọi thủ đoạn khi ngấm ngầm, lúc công khai bài xích đấu đá với nhau rất kịch liệt.
Đến đời Đường Văn Tông, Lý Tông Mẫn nhờ chạy chọt theo đường hoạn quan mà làm tới chức tể tướng. Ông liền tiến cử Ngưu Tăng Nhu lên Văn Tông và cũng được phong làm tể tướng. Hai người nắm được quyền lực cao trong triều, liền hợp lực lại đả kích Lý Đức Dụ, điều Lý Đức Dị đi khỏi kinh thành, đi làm tiết độ sứ Tây Xuyên (trị sở ở Thành Đô, Tứ Xuyên ngày nay). Lúc đó, vùng giáp Tây Xuyên có nước Thổ Phồn, 1 tướng Thổ Phồn sang hàng Lý Đức Dụ. Nhân cơ hội đó, Lý Đức Dụ thu phục được 1 thị trấn quan trọng là Duy Châu (trị sở tại huyện Lý, Tứ Xuyên ngày nay). Điều đó, đáng phải kể là 1 chiến công của Lý Đức Dụ. Nhưng tể tướng Ngưu Tăng Nhu lại nói với Đường Văn Tông: "Thu phục được Duy Châu, không đáng kể gì; nhưng làm xấu quan hệ với Thổ Phồn, là 1 việc sai lầm". Ông xin Đường Văn Tông ra lệnh cho Lý Đức Dụ trả lại Duy Châu cho Thổ Phồn. Việc đó khiến Lý Đức Dụ tức uất người.
Sau đó có người tâu với Đường Văn Tông rằng trả lại Duy Châu là thất sách, đồng thời nói thêm rằng sự việc đó là thủ đoạn đả kích Lý Đức Dụ của Ngưu Tăng Nhu. Đường Văn Tông rất hối tiếc, từ đó lạnh nhạt với Ngưu Tăng Nhu. Bản thân Đường Văn Tông cũng nằm trong vòng khống chế của bọn hoạn quan, không có chủ kiến trong bất kì việc gì, khi thì ngả theo phe Lý Đức Dụ, khi lại ngả theo phe Ngưu Tăng Nhu. Phái này nắm được quyền thi phái kia khốn khổ. Thế lực 2 phái cứ đổi thay như đèn kéo quân, khiến triều chính rất hỗn loạn. Bản thân Đường Văn Tông không phân biệt được đúng sai, phải trái nên thấy tình hình đó thì than thở: "Dẹp loạn vùng Hà Bắc còn dễ, chứ dẹp bỏ được bè phái trong triều đình thật là khó khăn quá!".
Cả 2 phái tranh quyền đoạt lợi với nhau đều phải dựa vào hoạn quan, ra sức lấy lòng bọn chúng. Khi Lý Đức Dụ làm tiết độ sứ Hoài Nam, hoạn quan giám quân là Dương Khâm Nghĩa được triệu về kinh thành, mọi người đều nói là lần này Dương Khâm Nghĩa về nhất định sẽ nắm đại quyền. Vì vậy, khi Dương Khâm Nghĩa sắp lên đường, Lý Đức Dụ bày tiệc tiễn đưa long trọng, còn tặng nhiều lễ vật hậu hĩnh. Về tới triều đình, Dương Khâm Nghĩa hết lời tán dương, tiến cử Lý Đức Dụ với Đường Vũ Tông (tên là Lý Viên, làm vua từ 841-847). Quả nhiên, ít lâu sau, Đường Vũ Tông triệu Lý Đức Dụ về triều, phong làm tể tướng. Khi đã nắm được lực. Lý Đức Dụ liền trị lại Ngưu Tăng Nhu và Lý Tông Mẫn, biếm trích họ xuống miền nam. Được Vũ Tông tín nhiệm, Lý Đức Dụ làm tể tướng được mấy năm. Nhưng do chuyên quyền độc đoán, ông ta bị nhiều đại thần oán hận. Năm 846, Đường Vũ Tông bị bệnh mất, các hoạn quan lập chú Vũ Tông là Lý Thẩm lên là vua. Đó là Đường Tuyên Tông. Đường Tuyên Tông loại hết những đại thần dưới thời Vũ Tông. Ngay ngày lên ngôi, ông đã hạ chiếu triệt chức tể tướng của Lý Đức Dụ. Một năm sau, lại biếm trích Lý Đức Dụ tới Nhai Châu (nay là đảo Hải Nam).
Cuộc tranh chấp bè phái kéo dài tới 40 năm tới đây kết thúc. Nhưng vương triều Đường trải qua biết bao hỗn loạn không còn bao nhiêu sức sống nữa.
@by txiuqw4