sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Triệu Phổ Nhận Lễ Vật

Kể từ khi Tống Thái Tổ giành được chính quyền cho tới khi bình định phương nam, Triệu Phổ là 1 mưu sĩ chủ yếu, đóng góp nhiều công lao. Tống Thái Tổ phong Triệu Phổ làm tể tướng, bất kì việc lớn việc nhỏ, đều bàn bạc với ông. Triệu Phổ xuất thân từ 1 viên lại nhỏ, học vấn kém xa các văn thần khác. Sau khi được phong tể tướng, ông cố gắng đọc sách theo lời khuyên của Tống Thái Tổ. Mỗi ngày về nhà, ông đều đóng chặt cửa lại, cần cù đọc sách. Hôm sau ra triều, giải quyết việc triều chính bao giờ cũng rất nhạy bén. Sau này, người trong nhà phát hiện ra, cuốn sách mà thường ngày ông ta thường đọc, chẳng qua chỉ là cuốn Luận Ngữ. Thế là người ta đồn nhau rằng, Triệu Phổ "cai trị thiên hạ bằng nửa cuốn Luận Ngữ". Tống Thái Tổ tín nhiệm Triệu Phổ, Triệu Phổ cũng dám giữ vững ý kiến của mình trước Tống Thái Tổ. Một lần Triệu Phổ tiến cử với Tống Thái Tổ 1 người để phong quan. Liền trong 2 ngày, Tống Thái Tổ không chấp nhận. Đến ngày thứ 3, Triệu Phổ lại dâng sớ tấu, kiên trì yêu cầu Tống Thái Tổ chấp nhận người được ông tiến cử. Tống Thái Tổ nổi giận, xé toạc sớ tấu làm 2 mảnh, vứt xuống đất.

Triệu Phổ bò xuống đất, thong thả nhặt lại 2 mảnh sớ tấu, đút vào ống tay áo. Sau khi lui triều về nhà, Triệu Phổ lại dán 2 mảnh sớ tấu đã bị xé rách kia lại. Mấy hôm sau, ông ta lại dâng sớ tấu đó lên. Tống Thái Tổ thấy thái độ Triệu Phổ kiên trì như vậy, đành chấp nhận sự tiến cử của ông ta. Lại 1 lần khác, Triệu Phổ muốn đề bạt 1 viên quan, nhưng Tống Thái Tổ không phê chuẩn. Triệu Phổ vẫn khăng khăng giữ ý của mình như lần trước. Tống Thái Tổ nói: "Ta nhất định không chuẩn. Khanh muốn làm gì thì làm".

Triệu Phổ nói: "Đề bạt nhân tài, là vì lợi ích của quốc gia, sao bệ hạ lại quyết đoán theo sự yêu ghét cá nhân như vậy?".

Tống Thái Tổ nghe nói, giận tím mặt, phất ống tay áo đi vào nội cung. Triệu Phổ đi theo sát phía sau. Khi thấy Tống Thái Tổ đã vào nội cung, Triệu Phổ cứ đứng ngay tại cửa, không chịu bỏ đi. Vệ sĩ ngoài cửa cung thất tể tướng đứng ở đó mãi, đành phải vào tâu với Tống Thái Tổ. Lúc đó, Tống Thái Tổ đã nguôi giận, liền bào thái giám ra thông báo là hoàng thượng đã đồng ý với đề nghị của ông, mời ông về nhà. Triệu Phổ làm tể tướng trong 10 năm, quyền lực rất lớn. Thời gian càng lâu càng có nhiều người muốn chạy chọt nương nhờ ông, luôn có người đưa lễ vật đến nhà ông. Tống Thái Tổ thường xuyên đến nhà Triệu Phổ mà không báo trước. Có 1 lần, Ngô Việt vương Tiền Thúc phái người mang thư cho Triệu Phổ và đưa biếu 10 vò "hải sản". Triệu Phổ đi đặt 10 vò "hải sản" trước thềm và chưa kịp bóc xem thư thì Tống Thái Tổ tới.

Tống Thái Tổ ngồi trong sảnh đường, nhìn thấy 10 chiếc vò đó, liền hỏi là cái gì. Triệu Phổ đáp: "Đó là hải sản do Ngô Việt đem biếu".

Tống Thái Tổ cười: "Hải sản của Ngô Việt nhất định là loại ngon, hãy mở ra xem thử!".

Triệu Phổ sai gia nhân mở nắp vò. Mọi người có mặt vừa nhìn thấy đã ngây người: trong vò, không phải là hải sản gì mà là từng thỏi vàng đỏ chói. Tống Thái Tổ xưa nay vẫn ngại các quan nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực nên thấy tình hình đó thì nổi giận, sầm mặt lại. Triệu Phổ toát mồ hôi, sợ hãi quỳ phục xuống, xin chịu tội và kêu nài: "Thần chưa kịp xem thư, thực không biết trong vò có gì, xin bệ hạ thứ tội!".

Tống Thái Tổ lạnh lùng đáp: "Ngươi cứ nhận lấy đi! Bọn chúng tưởng rằng việc quốc gia đại sự đều do mấy kẻ thư sinh các ngươi quyết định lấy cả đấy!".

Từ đó, Tống Thái Tổ đem lòng nghi ngờ Triệu Phổ. Không lâu sau, lại có người cáo giác Triệu Phổ vận chuyển gỗ, vi phạm lệnh cấm. Nguyên do là lúc đó, triều đình có lệnh cấm việc vận chuyển gỗ lớn từ Tần, Lũng (nay là Thiểm Tây, Cam Túc) về. Triệu Phổ đã lấy gỗ từ vùng đó về để dựng dinh thự, nhà cửa. Tay chân của ông thừa cơ, lấy danh nghĩa Triệu Phổ, cho vận chuyển rất nhiều gỗ lớn về Đông Kinh bán. Triệu Phổ bị liên lụy về việc đó. Tống Thái Tổ giận dữ, liền trị tội Triệu Phổ. Mặc dù có nhiều đại thần kêu xin cho Triệu Phổ, nhưng Tống Thái Tổ vẫn kiên quyết cách chức tể tướng của ông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx